CĂN BẢN TÁT BÀ ĐA BỘ LUẬT NHIẾP

Nguyên tác: Tôn giả Thắng Hữu – Hán dịch: Tam tạng Pháp sư Nghĩa Tịnh đời Đường. TQ
Việt dịch: Ban phiên dịch chùa Pháp Bảo, HT Thích Tịnh Hạnh giám tu – năm 2005
Hiệu đính và nhuận văn: NS Thích nữ Như Lộc tại chùa Phổ Minh. Năm 2010.

QUYỂN 12

53. Gởi dục rồi hối:

Phật tại vườn Cấp-cô-độc, thành Thất-la-phiệt, lúc đó Ô-ba-nanđà bị Tăng cho yết ma xả trí, Nan đà biết được nên nói với các Bí-sô: “tôi trước gởi dục không phải là thiện gởi”… Phật nhân việc này chế học xứ:

Nếu Bí-sô gởi dục rồi sau đó hối, nói rằng: “hãy trả dục lại cho tôi, tôi không gởi dục nữa”, thì Bí-sô này phạm Ba-dật-đề.

Nói gởi dục là khi Tăng làm pháp sự, trước đã cùng chấp thuận, nhưng sau đó hối nên đòi dục lại. Giới này khác với giới trước ở chỗ không biết trước việc yết ma, gởi dục rồi mới biết nên hối, vừa nói ra lời đòi dục liền phạm Đọa.

54. Ngủ chung phòng với người chưa thọ Cận viên quá hai đêm:

Duyên xứ như trên, như Phật đã dạy vào ngày mồng tám, mười lăm mỗi tháng nên nhóm chúng để nghe kinh pháp. Hôm đó vào nửa đêm, có Bí-sô già đốt đèn nằm ngủ, mộng thấy cùng vợ cũ hành dâm nên nói mớ, khiến mọi người đều nghe thấy liền chê trách. Phật nhân việc này chế không cho cùng người chưa thọ Cận viên ngủ chung một phòng, cũng không được đốt đèn nằm ngủ, nếu có ánh trăng chiếu sáng thì không phạm. Lại do La hỗ la chưa thọ Cận viên bị đuổi ra khỏi phòng và Bí-sô bịnh, nên Phật khai cho được cùng ngủ chung phòng hai đêm, đến đêm thứ ba thì đến phòng khác ngủ; nếu không có phòng để cùng ngủ, sợ có Bí-sô ác phá giới dụ dỗ nên khởi tâm phòng hộ, cho cùng ngủ chung phòng trong ba tháng an cư thì không phạm. Lại do hai Cầu tịch tên Lợi thích và Trưởng đại cùng ngủ chung với người tục một chỗ nên Phật chế học xứ:

Nếu Bí-sô cùng người chưa thọ Cận viên ngủ chung phòng quá hai đêm thì phạm Ba-dật-đề.

Nói quá hai đêm là đến đêm thứ ba cùng ngủ đến khi mặt trời mọc thì phạm Đọa; nói cùng phòng nhà có bốn: một là trên lợp và chung quanh ngăn khắp hết; hai là trên lớp khắp hết nhưng chung quanh chỉ ngăn phần lớn, không khắp hết; ba là trên lợp không khắp hết nhưng chung quanh ngăn khắp hết; bốn là trên lợp và chung quanh ngăn đều không khắp hết. Về cảnh tưởng có sáu câu: hai câu đầu phạm Đọa, hai câu kế khinh, hai câu sau không phạm.

Khi ngủ nếu có nạn duyên hoặc không có giuờng chiếu khác thì nên xếp y Uất Đa-la tăng làm bốn lớp lót nằm, xếp y Tăng-già-lê làm bốn lớp gối đầu và dùng y An-đà-hội đắp. Nằm nên nghiêng bên hông phải, hai gót chân chồng lên nhau, khởi tưởng ánh quang minh, trụ chánh niệm mà ngủ, nhớ nghĩ sẽ dậy sớm; đầu đêm sau đêm nên tu phẩm thiện, đây là cách ngủ của Sa môn. Nếu không bịnh thì ban ngày không nên nằm, khi nghỉ ngơi nếu có người đến xúc não thì nên bỏ đi đến chỗ khác.

55. Không bỏ ác kiến trái can:

Duyên xứ như trên, lúc đó Bí-sô Vô tướng sanh ác kiến nên Tăng bạch tứ yết ma can ngăn cho bỏ ác kiến này, nhưng Vô tướng vẫn cố chấp không chịu bỏ nên Phật chế học xứ:

Nếu Bí-sô nói rằng: “tôi hiểu nghĩa của pháp Phật là hành pháp chướng đạo không thể chướng đạo”, các Bí-sô nên can ngăn Bí-sô này: “thầy chớ nói là tôi hiểu nghĩa của pháp Phật là hành pháp chướng đạo không thể chướng đạo. Thầy chớ hủy báng Phật, hủy báng Phật là không tốt; Phật không nói lời này, Phật dùng đủ nhân duyên nói hành pháp chướng đạo thật là chướng đạo; thầy nên bỏ ác tà kiến này đi”. Khi các Bí-sô can ngăn như thế mà không chịu bỏ việc này thì nên can ngăn hai, ba lần cho bỏ việc này, chịu bỏ thì tốt, nếu không chịu bỏ thì Bí-sô này phạm Ba-dật-đề.

Nói pháp chướng ngại là năm bộ tội, nói không chướng ngại là không chướng ngại chứng Thánh quả. Nếu Bí-sô sanh ác kiến mà cho là chánh kiến nên nói điều tôi hiểu là thù thắng, khi được Bí-sô can riêng mà không chịu bỏ thì phạm tội Ác tác ; khi Tăng bạch tứ yết ma can, từ tác bạch cho đến yết ma lần thứ hai cũng không chịu bỏ thì đều phạm tội Ác tác, yết ma lần thứ ba xong không bỏ thì phạm Đọa.

56. Tùy thuận người bị xả trí:

Duyên xứ như trên, lúc đó Bí-sô Vô tướng bị Tăng cho yết ma xả trí, Bí-sô Ô-ba-nan-đà lại cho ở chung nên Phật chế học xứ:

Nếu Bí-sô biết Bí-sô kia nói lời như thế, không như pháp sám hối cũng không chịu bỏ ác tà kiến nên bị tẫn mà lại chứa nuôi cùng làm việc, cùng nói chuyện, cùng ngủ thì Bí-sô này phạm Ba-dật-đề.

Do Bí-sô kia bị xả trí chưa tùy thuận Tăng, cũng không bỏ ác kiến, tâm không cải hối nên cùng ở chung đến sáng hôm sau, khi mặt trời vừa mọc liền phạm Đọa; nếu chưa tùy thuận mà bỏ ác kiến thì dù cùng ở chung chỉ phạm tội Ác tác. Nếu không biết Bí-sô kia bị xả trí hoặc thân có bịnh hoặc muốn làm cho Bí-sô kia bỏ ác kiến nên cùng ở chung thì không phạm.

57. Nhiếp thọ Cầu tịch ác kiến:

Duyên xứ như trên, lúc đó hai Cầu tịch tên Lợi thích và Trưởng đại thường làm ác hạnh, tâm không hổ thẹn, khi thấy các bạn thân trước kia đều đắc A-la-hán liền khởi niệm: “họ trước kia đã cùng ta làm việc phi pháp mà nay lại dắc quả A-la-hán, chứng tỏ phạm tội không chướng ngại chứng Thánh quả”. Tăng nên bạch tứ yết ma can ngăn Cầu tịch bỏ ác kiến này, nên bảo đứng ở chỗ chỉ thấy mà không nghe, mỗi lần tác bạch, yết ma đều đến báo cho Cầu tịch biết để bỏ ác kiến, đến yết ma lần thứ ba vẫn cố chấp không bỏ thì Tăng nên tẫn, không cho ở chung. Bí-sô Ô-ba-nan-đà liền nhiếp thọ Cầu tịch cho ở chung nên Phật chế học xứ:

Nếu có Cầu tịch nói rằng: “tôi hiểu nghĩa của pháp Phật là hành pháp chướng đạo không thể chướng đạo”, các Bí-sô nên can ngăn Cầu tịch này: “chú chớ nói là tôi hiểu nghĩa của pháp Phật là hành pháp chướng đạo không thể chướng đạo. Chú chớ hủy báng Phật, hủy báng Phật là không tốt; Phật không nói lời này, Phật dùng đủ nhân duyên nói hành pháp chướng đạo thật là chướng đạo; chú nên bỏ ác tà kiến này đi”. Khi các Bí-sô can ngăn như thế mà không chịu bỏ việc này thì nên can ngăn hai, ba lần cho bỏ việc này, chịu bỏ thì tốt, nếu không chịu bỏ thì các Bí-sô nên nói rằng: “này Cầu tịch, từ nay chú không được nói Phật là thầy, cũng không được đi theo sau các Bí-sô, không được cùng ngủ chung phòng với các Bí-sô cho đến hai đêm. Chú hãy đi khỏi nơi đây, không được ở đây nữa”. Nếu Bí-sô biết Cầu tịch bị tẫn mà lại chứa nuôi, cùng nói chuyện, cùng ngủ chung thì phạm Ba-dật-đề.

Nói nhiếp thọ là cho y chỉ và cung cấp y thực hoặc dạy pháp, nếu cùng nhà ngủ quá hai đêm thì phạm một tội Đọa, nếu qua đêm thứ ba thì phạm hai tội Đọa.

58. Mặc y không hoại sắc:

Phật tại Trúc lâm, thành Vương xá, lúc đó nhằm ngày tiết hội kỳ lợi bạt lũ sơn, các nam nữ từ các thành ấp xa gần đều tụ đến dự, các nhạc công với đủ loại nhạc khi cũng tụ hội và nói với nhau: “các màn vũ nhạc của chúng ta, mọi người đều đã xem biết, không còn đặc biệt nữa; chúng ta nên sửa đổi cho khác lạ mới thu hút được nhiều người đến xem”, nói rồi bèn đưa hình tượng Lục chúng Bí-sô vào trong vũ nhạc, do mới lạ nên mọi người đều tụ đến xem, nhờ đó các nhạc công thu được rất nhiều tiền và trân bảo. Lục chúng Bí-sô nghe biết việc này liền nói với nhau: “các nhạc công đưa hình tượng của chúng ta vào trong vũ nhạc mà còn thu được nhiều tiền và trân bảo như thế, nếu chúng ta tự làm há lại không thu được tài vật hay sao?”, nói rồi liền ở trong đại hội mặc áo thế tục tự ca múa vũ nhạc, mọi người đều tụ đến xem khiến cho các nhạc công kia phải nghỉ trình diễn. Lúc đó họ bàn với nhau: “chúng ta chỉ đưa hình tượng họ vào vũ nhạc mà còn thu được nhiều tiền, huống chi là họ tự biểu diễn, chúng ta sẽ không được gì”, bàn xong liền đem trân bảo tiền tài đã kiếm được biếu tạng cho Lục chúng Bí-sô để họ thương xót, không trình diễn nữa. Phật nhân việc này chế không cho Bísô tự ca múa vũ nhạc và đến xem nghe, đồng thời chế học xứ:

Nếu Bí-sô được y mới nên dùng một trong ba màu hoặc xanh, hoặc bùn đen hoặc vỏ cây Mộc lan nhuộm làm cho hoại sắc. Nếu Bí-sô không dùng một trong ba màu hoặc xanh, hoặc bùn đen hoặc vỏ cây Mộc lan nhuộm y mới làm cho hoại sắc thì phạm Ba-dật-đề.

Nói y mới là thể của nó mới, không phải là mới được; nói màu xanh là lấy trái Ha lê lặc nghiền giã rồi hòa với nước, để trong chậu sắt một đêm, sau đó hòa với nước nóng để thành màu nhuộm có sắc xanh nhưng không phải là màu xanh đậm; nói nhuộm màu bùn đen là dùng đá đỏ nhuộm, hoặc dùng vỏ cây, rễ, cành lá hoa quả nấu thành nước nhuộm hoại sắc. Nếu không nhuộm cho hoại sắc mà mặc thì phạm Đọa, làm phương tiện để mặc thì phạm tội Ác tác; cho đến các vật dụng như khăn lau bát, lau chân, đãy y, đãy bát, dây lưng… cũng đều nên nhuộm cho hoại sắc, điểm tịnh rồi thọ dụng. Nếu thể của y, sợi ngang sợi dọc… đều là vật bất tịnh, không nhuộm cho hoại sắc mà mặc thì phạm tội Ác tác. Về cảnh tưởng có sáu câu nên biết.

59. Cầm vật báu:

Phật tại núi Thứu, thành Vương xá, lúc đó vào sáng sớm Phật đắp y mang bát vào thành khất thực, tôn giả A-nan đi theo sau. Do trời mưa lớn nên phục tàng của người thời kiếp sơ bị lộ ra, Phật thấy liền bảo Anan: “A-nan hãy nhìn xem, đây là rắn độc hại”, A-nan đáp: “Thế tôn, quả thật là rắn độc hại đáng sợ”. Cách đó không xa có người lượm trái rụng nghe thấy lời này liền suy nghĩ và tò mò muốn biết rắn độc hại đó hình trạng như thế nào. Khi đến xem mới biết là phục tàng, liền suy nghĩ: “ta nguyện cho rắn độc hại này thường cắn cha mẹ vợ con quyến thuộc của ta, ta cũng không từ đau đớn”, nghĩ rồi liền lấy lá phủ kín và từ từ mang về nhà, cùng bà con tùy ý thọ dụng. Lúc đó vua Vị sanh oán thấy người nghèo này bỗng nhiên trở nên giàu có liền sai sứ đến dò xét gạn hỏi: “ông tìm thấy phục tàng của vua ở đâu?”, liền chối là không từng thấy, sứ bắt giải đến chỗ vua, vua gạn hỏi cũng chối là không thấy, vua hỏi các quan: “trái lịnh vua thì khép vào tội gì?”, đáp là tội chết, vua nói: “người này trái lịnh vua nên y theo quốc pháp xử tội chết và bắt hết thân quyến giam vào ngục”. Khi dẫn ra pháp trường xử tử, người kia khóc lớn và nói: “A-nan, đây là rắn độc hại”, vua có dặn đao phủ, nếu nghe người kia nói lời gì thì tâu lại nên khi nghe được lời này liền tâu vua biết, vua nghe rồi nói: “lời nói không tương đương, ắt là có ý nghĩa gì, khanh hãy dẫn hắn đến đây để ta gạn hỏi”, người kia được dẫn đến trước vua liền kể lại mọi việc. Vua đối với Tam vừa sanh tín tâm, nghe việc này rồi liền rơi nước mắt nói với người kia rằng: “người nhờ Thế tôn mà được vật báu này, tội tuy đáng chết nhưng ta tha cho ngươi và các quyến thuộc được tự do, hãy đem vật báu này cúng dường Phật và Tăng”, người kia nghe rồi vui mừng sắm sửa lễ vật mang đến cúng dường Phật và Tăng, sau khi nghe Phật thuyết pháp liền chứng được Sơ quả. Phật do việc này nên chế ngăn Bí-sô không được cầm vật báu; lại do Ô-ba-nan-đà đến chỗ dạy bắn, sau đó đến phường nhạc làm cho họ khiếp sợ rồi bắt họ giao nộp tiền, họ phải bán hết cung tên, nhạc cụ để đưa, do đây trở nên nghèo cùng; lại do Ô-ba-nan-đà lấy chuỗi ngọc của một đồng tử… nên Phật chế học xứ:

Nếu Bí-sô tự tay cầm lấy vật báu hay tợ vật báu, hoặc bảo người khác cầm lấy thì phạm Ba-dật-đề, trừ ở trong tăng phòng hay ở trong trú xứ. Nếu vật báu hay tợ vật báu ở trong Tăng phòng hay ở trong trú xứ, khi cầm lấy nên nghĩ rằng: “ai là chủ của chúng đến nhận, sẽ giao lại”. Việc này đúng pháp nên làm như thế.

Nói vật báu là bảy báu: vàng bạc… cho đến ngọc Nhật quang, Nguyệt quang; nói tợ vật báu là các loại binh khí, nhạc cụ; nói trừ ở trong trú xứ là nhân nơi Lộc tử mẫu mà Phật khai. Hành pháp của Bí-sô là khi nhặt được vật rơi hay bỏ quên, nếu chủ của vật đến đòi, Bí-sô nên hỏi lại, nếu đáp trúng thì nên đưa trả lại, nếu đáp không trúng thì không nên đưa trả lại. Nếu ở ngoài chùa thấy vật rơi nên lấy lá cỏ phủ kín lại, đợi không có chủ đến lấy mới đem về trú xứ, tự cất giữ qua bảy tám ngày, nếu không có ai đến đòi thì cất vào trong kho của Tăng, qua năm sáu tháng cũng không có ai đến đòi nên đem bán để mua các khí cụ cần dùng khác cho Tăng. Thời gian sau nếu có chủ đến đòi nên khuyên họ cúng cho Tăng, nếu không chịu thì Tăng nên trả lại đúng giá tiền của vật; nếu họ đòi tiền lời nên nói: “do Phật chế giới nên mới đưa trả lại cho ông, nếu còn đòi tiền lời thì không nên”.

Nếu là đồ trang sức bằng vật báu như chuỗi anh lạc, vòng xuyến…

cho đến các loại binh khí nhạc cụ hoặc trong thân tượng có xá lợi Phật mà tự cầm hay bảo người cầm thì đều phạm Đọa; nếu là giả vật báu… cho đến thân tượng không cóa xá lợi Phật, tự cầm hay bảo người cầm đều phạm tội Ác tác. Nếu tượng có xá lợi Phật hay không có xá lợi Phật, khởi tưởng Đại sư mà cầm thì không phạm; nếu là ngọc Nhật quang hay Nguyệt quang dùng để lấy lửa hay nước thì được cất giữ không phạm, nhưng không nên chỉ cho giặc biết chỗ cất. Bảy báu của Chuyển luân thánh vương, nếu xúc chạm nữ báu thì phạm tội Chúng giáo, xúc chạm binh khí và phục tàng báu thì phạm hai tội Đọa, xúc chạm bốn báu sau thì không phạm.

60. Tắm phi thời:

Phật tại Trúc lâm, thành Vương xá, lúc đó Lục chúng Bí-sô tắm trong suối nước nóng của vua làm ngăn ngại vua tắm rửa nên Phật chế không cho tắm. Do không tắm nên thân hôi hám bị người tục chê trách nên Phật khai cho nửa tháng tắm một lần và gặp các duyên trong thời được tắm như sau:

Nếu Bí-sô chưa tới nửa tháng mà tắm thì phạm Ba-dật-đề, trừ nhân duyên. Nhân duyên là vào một tháng rưỡi của cuối mùa xuân và một tháng đầu của mùa hạ, hai tháng rưỡi này khí trời rất nóng hoặc khi bịnh, khi gió, khi mưa, khi làm việc, khi đi đường.

Nói khi trời nóng là vào một tháng rưỡi của cuối mùa xuan, tức là từ đầu tháng tư đến ngày 15 tháng 5 và một tháng đầu của mùa hạ, tức là từ ngày 1 tháng 5 đến ngày 15 tháng , trong hai tháng rưỡi này khí trời rất nóng. Nói khi bịnh là nếu không tắm rửa thì thân không an; nói khi làm việc là như đã giải thích ở giới trên; nói khi gió là cho đến có gió nhẹ thổi lay động chéo y; nói khi mưa là cho đến mưa lâm râm hoặc có cả gió và mưa, đều cho tắm tùy ý.

Bí-sô khi tắm rửa, tâm nên thủ trì, nếu vào ao sông hoặc chỗ nước lạnh, nước nóng mà vua quán đảnh tắm, nước cao quá rốn thì phạm Đọa. Nếu có duyên phải lội qua sông hoặc qua cầu đê trợt chân té xuống nước, hoặc chết giấc, người khác rưới nước cho tỉnh lại, hoặc học bơi ở ao sông hoặc gặp trời mưa đều không phạm.

Trú xứ của Bí-sô cần phải quét dọn cho sạch, nếu quá rộng lớn không thể quét dọn khắp hết thì nên lau quét chỗ cần yếu. Vào ngày mồng tám, rằm mỗi tháng nên đánh kiền chùy cho cả chúng cùng quét dọn; khi chúng nhóm nên nói ra lời pháp, hoặc im lặng như bậc thánh; quét dọn xong nên tắm, đất đã quét sạch, muốn đạp lên nên tụng chú; nơi Phật điện, tháp và cây phướn, nếu cần đạp bóng đi qua, cũng nên tụng chú. Nếu chạm vào tử thi cũng nên tắm rửa, nếu Bí-sô chết đã lâu, trong thân không sinh trùng mới được hỏa thiêu hoặc chôn trong đất; nếu thân sinh trùng và trời mưa thì nên dùng xe bò chở tử thi bỏ vào trong rừng thây chết, nằm xây đầu về hướng bắc và nên tụng kinh vô thường. Ai khiên tử thi thì nên tắm rửa, nếu không xúc chạm thì chỉ rửa tay chân. Nên cạo tóc ở trong Thời, cạo tóc nên cạo hết nhưng không nên để chỏm trên đầu, cũng không được cạo lông nơi ba chỗ kín. Bí-sô ở nơi A-lan-nhã được để tóc dài chừng hai lóng tay, không được dài quá; khi cạo tóc không nên mặc ba pháp y, nên cất chứa riêng y cạo tóc, nế không có y này thì có thể mặc Tăng khước kỳ; nếu không có người cạo tóc cho thì Bí-sô nên ở chỗ khuất tự cạo. Dao cạo tóc của Tăng, Bí-sô cần thì được lấy dùng, cạo tóc xong nên quét dọn sạch sẽ rồi tắm rửa, khi tắm nên quán hợp thể này là không. Không nên như sư tử tắm cho dã can, tức là người trì giới tắm cho người phá giới; nếu cha mẹ, Ô-bađà-da và A-giá-lợi-da dù là người phá giới cũng nên cúng dường, chớ có tâm khinh mạn. Khi Tăng đang tắm, không nên cho người không tin và mới tin vào trong nhà tắm, khi tắm cũng nên tâm niệm thủ trì, không được dùng gạch đá kỳ cọ bắp đùi, cũng không nên lộ hình tắm, nên mặc quần tắm chiều dài bốn năm khuỷu tay, rộng một khuỷu tay rưỡi; nếu tắm ở ao sông cũng nên xem nước có trùng hay không rồi mới tắm.

Nhiếp tụng thứ bảy:

Giết bàng sanh, cố xúc não,
Chọc lét, giỡn nước, đồng ngủ,
Khủng bố, giấu vật, đòi y,
Vô căn, cùng nữ đồng đi.

61. Giết bàng sanh:

Phật tại vườn Cấp-cô-độc, thành Thất-la-phiệt, lúc đó Bí-sô Ôđà-di đến nhà dạy bắn cung, tự hiẻn tài nghề của mình bằng năm cách bắn tên, xem thường mọi người, nhân đó giết chết chim đang bay… Phật nhân việc này chế học xứ:

Nếu Bí-sô cố ý đoạn mạng bàng sanh thì phạm Ba-dật-đề.

Nói cố ý mà khởi tưởng bàng sanh mà vẫn giết, nếu Bí-sô khởi tâm giết, tự tay cầm cung tên, gạch đá, dao gậy… để bắn ném, đánh chém… làm cho nó chết hoặc sau đó mới chết thì đều phạm Đọa, không chết thì phạm tội Ác tác ; nếu sai người điên cuồng giết thì người cuồng không phạm mà người sai giết phạm Đọa. Cảnh tưởng có sáu câu nên biết, từ tâm mà kết trọng, nếu đã cố ý giết thì dù giết lầm vẫn phạm tội Ác tác, vô tâm thì không phạm.

62. Cố ý xúc não Bí-sô:

Duyên xứ như trên, lúc đó Bí-sô Ô-đà-di thấy chúng Thập thất Bí-sô đã thọ Cận viên, muốn xúc não nên nói: “các thầy tuy được tác pháp thọ giới, nhưng thật không đắc giới, cần gì phải nhọc tâm cầu học nghiệp?”… nên Phật chế:

Nếu Bí-sô cố ý làm cho Bí-sô khác sanh tâm nghi, nghĩ rằng: “khiến cho Bí-sô này phiền não cho đến trong chốc lát”, vì nhân duyên này không phải vì duyên gì khác thì Bí-sô này phạm Ba-dật-đề.

Khi nói làm cho người khác nghi hối, dù lời nói có xứng lý hay không, người kia nghe rồi có sanh phiền não hay không, nói rõ ràng thì phạm Đọa. Trừ nói về việc thọ Cận viên và Ba la thị ca ra, nói các việc khác cố ý xúc não thì phạm tội Ác tác; nếu xúc não người thọ học và người không hiểu được lời nói thì phạm tội Ác tác. Nếu vì làm lợi ích nên thuận giáo luật dùng lý khai dẫn thì không phạm; về cảnh tưởng có sáu câu nên biết.

63. Dùng tay chọc lét người khác:

Duyên xứ như trên, lúc đó trong nhóm Thập thất Bí-sô có một người buồn phiền không vui nên mười sáu người kia đến an ủi, dùng tay chọc lét để người này cười; do cười quá độ nên người này qua đời. Phật nhân việc này chế học xứ:

Nếu Bí-sô dùng tay chọc lét Bí-sô khác thì phạm Ba-dật-đề.

Dùng một ngón tay hay cho đến cả mười ngón tay đều phạm Đọa, về cảnh tưởng có sáu câu nên biết.

64. Đùa giỡn trong nước:

Duyên xứ như trên, lúc đó chúng thập thất Bí-sô tắm trong sông A thị la bạt để và cùng nhau đùa giỡn trong nước, vua Thắng quang nhìn thấy liền chê trách nên Phật chế học xứ: Nếu Bí-sô đùa giỡn trong nước thì phạm Ba-dật-đề.

Giỡn trong nước có chín việc thành phạm: một là tự vui chơi, hai là cùng người khác vui chơi, ba là tự nhảy, bốn là cùng người khác nhảy, năm là tự đùa giỡn, sáu là cùng người khác đùa giỡn, bảy là trạo cử, tám là giỡn với bóng, chín là thân đánh vỗ nhau. Nếu Bí-sô ở trong nước nổi hay lặn, bơi qua hay bơi lại hoặc vỗ nước làm trống, tự làm hay cùng người khác làm, hoặc lấy nước tạt nhau để đùa giỡn thì đều phạm Đọa; nếu khởi tưởng lướt sóng cho mát hoặc lội qua sông hoặc học bơi thì không phạm; về cảnh tưởng có sáu câu nên biết.

65. Ngủ chung một nhà với người nữ:

Duyên xứ như trên, lúc đó Bí-sô A ni lô đà ở nơi không có người nam, cùng ngủ chung nhà với người nữ, người nữ này có tâm nhiễm nửa đêm muốn cùng Bí-sô làm việc phi pháp… nên Phật chế học xứ:

Nếu Bí-sô ngủ chung một nhà với người nữ thì phạm Ba-dật-đề.

Nói người nữ là người có thể cùng hành dâm, nhà có bốn loại như trong giới trên. Nếu Bí-sô ngủ chung nhà với người nữ cho đến sáng hôm sau, khi mặt trời vừa mọc liền phạm Đọa. Nếu người nữ trên lầu, Bí-sô nên ở tầng dười hoặc ngược lại; hoặc đóng chặt cửa hoặc khóa cửa để dứt qua lại thì không phạm; nếu người nữ là trời rồng hay loài bàng sanh có thể biến hình thì phạm tội Ác tác. Về cảnh tưởng có sáu câu nên biết, nếu Bí-sô nằm ngủ trước, người nữ đến sau, Bí-sô không biết cũng phạm; nếu người nữ có cha mẹ hay chồng là người bảo hộ thì cùng ngủ chung một nhà không phạm.

66. Khủng bố Bí-sô khác:

Duyên xứ như trên, lúc đó Bí-sô Ô-đà-di trùm cái mền lông dài giả ma quỷ để dọa nhát nhóm thập thất Bí-sô, khiến họ sợ hãi nên Phật chế học xứ:

Nếu Bí-sô tự khủng bố hay bảo người khủng bố Bí-sô khác, cho đến đùa giỡn thì phạm Ba-dật-đề.

Nói đùa giỡn nhưng bổn tâm là muốn xúc não làm cho sợ hãi, nếu Bí-sô dùng những việc đáng sợ thuộc về sắc thanh hương vị xúc để khủng bố người kia, dù người kia có kinh sợ hay không thì đều phạm Đọa; nếu dùng những việc đáng ưa để khủng bố thì phạm tội Ác tác. Nếu nói ba đường ác để giáo hóa dẫn dắt, dù người kia có sợ cũng không phạm; về cảnh tưởng có sáu câu nên biết.

67. Giấu y bát của Bí-sô khác:

Duyên xứ như trên, lúc đó nhóm thập thất Bí-sô cùng với Lục chúng Bí-sô tắm trong sông, khi nhóm thập thất Bí-sô lặn sâu dưới nước chưa nổi lên thì Lục chúng Bí-sô lên bờ lấy y bát của họ giấu vào bụi cỏ rồi đi… Phật nhân việc này chế học xứ:

Nếu Bí-sô đối với các vật cần dùng trong sinh hoạt của Bí-sô, Bísô ni, Chánh học nữ, Cầu tịch, Cầu tịch nữnhư y bát, ống kim, khóa cửa, giày dép… tự lấy giấu hay bảo người giấu, cho đến đùa giỡn thì phạm Ba-dật-đề.

Nói Chánh học nữ là nếu người nữ đã từng gả thì tuổi đủ hai mươi, nếu là đồng nữ thì tuổi đủ mười tám, Ni tăng bạch nhị cho học sáu pháp và sáu tùy pháp, sáu pháp là:

1. Không được đi đường một mình.

2. Không được lội qua sông một mình.

3. Không được xúc chạm thân người nam.

4. Không được ngủ đêm cùng nhà với người nam.

5. Không được làm việc mai môi.

6. Không được che giấu tội trọng của ni.

Nhiếp tụng:

Không đi đường một mình,
Không qua sông một mình,
Không xúc chạm người nam,
Không ngủ cùng nhà nam,
Không làm việc mai môi,
Không giấu tội trọng ni.

– Và sáu tùy pháp là:

1. Không được cất chứa vàng bạc

2. Không được cạo lông chỗ kín

3. Không được đào đất sống,

4. Không được chặt phá cây cỏ sống

5. Không được ăn thức ăn không thọ

6. Không được ăn thức ăn từng xúc chạm.

Nhiếp tụng:

Không cầm giữ vàng bạc,
Không cạo lông chỗ kín,
Không được đào đất sống,
Không chặt phá cây cỏ,
Không ăn vật không thọ,
Không ăn vật xúc chạm.

Nói y là y đúng lượng như pháp, bát cũng đúng lượng như pháp có thể thủ trì và các vật cần dùng khác như đãy đựng bát làm bằng vải hay bằng lưới dệt, chén đồng uống nước, dây lưng…, nếu cất giấu thì đều phạm Đọa. Nếu Bí-sô cất giấu với tâm cố ý xúc não, dù người kia có phiền não hay không đều phạm Đọa; nếu là y vật bất tịnh hoặc bát phạm Xả đọa, hoặc y vật của người thọ học hoặc của Sa môn Bà-lamôn khác thì phạm tội Ác tác.

68. Mặc y của người khác gởi mà không hỏi chủ:

Duyên xứ như trên, lúc đó Bí-sô Ô-ba-nan-đà đem ba y của mình cho đệ tử y chỉ, người này thọ rồi đem giặt nhuộm sạch sẽ, khởi tưởng là vật của mình đem ký gởi lại cho thầy vì có việc phải đi xa. Ô-ba-nan-đà lấy mặc làm cho hôi dơ rồi trả lại chỗ cũ, khi người đệ tử làm xong việc trở về, thọ lại y của mình thấy hôi dơ như thế liền sanh phiền não. Phật nhân việc này chế học xứ:

Nếu Bí-sô thọ y của người khác ký gởi, không hỏi chủ mà tự ý lấy mặc thì phạm Ba-dật-đề.

Nói không hỏi chủ là không theo chủ hỏi mượn dùng, nếu đã cho người khác y, không hỏi chủ mượn mà tự ý lấy mặc thì phạm Đọa; nếu là y của người thọ học hoặc y bất tịnh, không hỏi mà tự ý lấy mặc thì phạm tội Ác tác; nếu khởi tưởng là thân hữu thì không phạm. Về cảnh tưởng có sáu câu: hai câu đầu phạm Đọa, hai câu kế khinh, hai câu sau không phạm.

69. Đem tội Chúng giáo không căn cứ vu báng:

Phật tại trúc lâm, thành Vương xá, lúc đó hai Bí-sô Mật-đát-la và Bộ-nhĩ-ca thấy Bí-sô Thật-lực-tử đắp y phất qua đầu của Bí-sô ni Liên hoa sắc, liền vu báng là phạm tội Chúng giáo nên Phật chế học xứ:

Nếu Bí-sô vì sân giận đem tội Tăng già bà thi sa không căn cứ vu báng cho Bí-sô thanh tịnh thì phạm Ba-dật-đề.

Nói không có căn cứ là không thấy nghe nghi, nói đem tội Tăng già bà thi sa là tùy đem một trong mười ba việc để vu báng. Nếu vu báng Bí-sô không thanh tịnh thì có mười một việc thành phạm và sáu việc không phạm; nếu vu báng Bí-sô thanh tịnh thì có mười việc thành phạm và năm việc không phạm như trong bộ tội Tăng già bà thi sa có nói rõ. Nếu đem tội Tăng già bà thi sa vu báng thì phạm Đọa, đem tội Tốt-thổ-la để vu báng hoặc vu báng người thọ học thì phạm tội Ác tác; người kia không hiểu được lời nói thì phạm tội Ác tác.

70. Đi chung đường với người nữ:

Phật tại vườn Cấp-cô-độc, thành Thất-la-phiệt, lúc đó có Bí-sô từ thành Vương xá đi đến thành Thất-la-phiệt; lại do có người thợ dệt cãi nhau với vợ, người vợ liền bỏ nhà đi, gặp Bí-sô này liền tháp tùng để cùng đi. Khi người thợ dệt chạy theo tìm vợ, thấy Bí-sô đi với vợ mình liền cho là Bí-sô dụ dỗ nên đánh Bí-sô suýt chết. Phật nhân việc này chế học xứ:

Nếu Bí-sô đi chung đường với người nữ mà không có người nam khác, cho đến một thôn thì phạm Ba-dật-đề.

Nói một thôn là một Câu lô xá, cùng đi được nửa Câu lô xá thì phạm tội Ác tác, cùng đi được một Câu lô xá thì phạm Đọa; nếu đi chung đường với người nữ là thiên nữ, long nữ… thì phạm tội Ác tác; nếu đi qua đường hiểm nhờ người nữ chỉ đường hay giúp đỡ thì không phạm; về cảnh tưởng có sáu câu nên biết.

Nhiếp tụng thứ tám:

Cùng giặc đi, tuổi chưa đủ,
Đào đất, đòi hỏi, trái giáo,
Nghe lén, làm thinh bỏ đi,
Không kính, uống rượu, phi thời.

71. Đi chung đường với giặc:

Duyên xứ như trên, lúc đó có Bí-sô đi chung đường với người buôn lậu trốn thuế… nên Phật chế học xứ:

Nếu Bí-sô đi chung đường với thương nhân là giặc, cho đến một thôn thì phạm Ba-dật-đề.

Nói giặc là trộm cắp hay cuỡng đoạt hoặc buôn lậu trốn thuế, một thôn như giới trên, nếu Bí-sô bỏ giặc đi trước một mình hoặc là người bịnh cuồng thì không phạm; về cảnh tưởng có sáu câu nên biết.

 

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14