CĂN BẢN TÁT BÀ ĐA BỘ LUẬT NHIẾP

Nguyên tác: Tôn giả Thắng Hữu – Hán dịch: Tam tạng Pháp sư Nghĩa Tịnh đời Đường. TQ
Việt dịch: Ban phiên dịch chùa Pháp Bảo, HT Thích Tịnh Hạnh giám tu – năm 2005
Hiệu đính và nhuận văn: NS Thích nữ Như Lộc tại chùa Phổ Minh. Năm 2010.

QUYỂN 11

37. Ăn phi thời:

Phật tại vườn Cấp-cô-độc, thành Thất-la-phiệt, lúc đó nhóm Thập thất Bí-sô gặp duyên đoạn thực, phi thời thấy đói nên đến chỗ người thế tục xin thức ăn mà ăn. Phật nhân việc này chế học xứ:

Nếu Bí-sô ăn phi thời thì phạm Ba-dật-đề.

Nói phi thời là sau giờ ngọ trở đi cho đến sáng hôm sau khi mặt trời chưa mọc. Sở dĩ phạm là vì phi thời mà ăn thức ăn thuộc loại thời dược; nếu phi thời, khởi tưởng phi thời và nghi mà ăn thì phạm tội Ác tác; thời và phi thời mà tưởng là thời thì không phạm. Nếu có bịnh duyên, thầy thuốc bảo nên ăn cơm, thịt phi thời thì Phật khai cho ăn ở chỗ khuất. Người ở châu Thiệm bộ đến trong ba châu khác hoặc lên cõi trời đều nên y theo giờ giấc của nơi đó mà ăn; có trường hợp Bí-sô không bịnh ở châu Thiệm bộ, ăn phi thời mà không phạm hay không?. có, đó là trường hợp Bí-sô ở hai châu Đông tây đến châu này nhưng lại y theo giờ giấc của hai châu đó mà ăn thì không phạm.

Nếu đại chúng quá đông không biết được giờ ăn chính xác là lúc nào thì khi đến giờ ăn nên đánh kiền chùy báo cho biết để cùng đến thọ thực; nếu không nghe được khắp hết thì nên đánh trống lớn hoặc thổi tù; Bí-sô bịnh và Bí-sô thọ sự có thể ăn trước đại chúng. Có năm cách đánh kiền chùy:

1. Nếu thường nhóm chúng thì đánh ba hồi dài và đánh lớn ba tiếng sau.

2. Nếu báo làm việc nhọc trong chúng thì đánh ba hồi dài và đánh lớn hai tiếng sau.

3. Nếu có Bí-sô qua đời thì đánh một hồi dài và nhỏ dần rồi dứt.

4. Nếu là ngồi thiền thì rung cây tích trượng để nhắc.

5. Nếu có giặc đến, báo cho đại chúng biết thì mặc tình đánh nhiều ít.

Nếu khi thọ thực, sợ người dọn đưa thức ăn không đồng đều thì Bí-sô thọ sự nên đi quan sát; nếu người dọn đưa thức ăn ít thì Bí-sô thọ sự củng nên phụ giúp. Nếu khi đi đường, không có nhiều vật đựng thì hai người ăn chung không phạm, cũng được ăn chung với Cầu tịch. Nếu bà con không ngày mới gặp lại nhau, muốn cùng ăn chung thì nên ăn ở chỗ khuất. Khí vật bằng vàng bạc vật báu đựng thức ăn, Bí-sô không nên thọ dụng; nếu ở trên cõi trời, long cung thì được thọ dụng không phạm. Nếu đến giờ ăn, mọi người đã ngồi vào chỗ ổn định, nú không có ai xướng thời đáo thì không được dọn đưa thức ăn, nếu dọn đưa cũng không được thọ, thọ thì phạm tội Việt pháp. Nếu người dọn đưa thức ăn không biết pháp thức thì Thượng tòa nên bảo họ xướng, Thượng tòa quên thì Thứ tòa nên bảo. Khi đang thọ thực, không được đòi hỏi món này món nọ; nếu người ốm yếu thì được đòi trái chín, người khỏe mạnh không nên đòi, nếu cần thì gọi nói nhỏ. Khi thọ thực nên đoan thân chánh niệm, khởi tưởng nhàm lìa, không trạo cử tạp loạn; nếu không như thế thì phạm tội Việt pháp. Thọ thực xong còn thức dư nên đem cho người tục đến xin, khi cho nên tự đề phòng tâm, nếu có bàng sanh cũng nên thí cho. Nếu ăn loại thức ăn giòn cứng thì không nên cắn phát ra tiếng, cháo hay canh cũng không được húp ra tiếng. Thượng tòa ăn xong, súc miệng rồi nên đọc kệ thí chú nguyện cho thí chủ; khi đang thọ thực Thượng tòa cũng nên quan sát trong đại chúng, chớ để họ hốt hoảng mà ăn không no. Nếu thí chủ đến chùa thỉnh Tăng thọ thực, Bísô thọ sự nên báo cho thí chủ biết số người; nếu sắp đến giờ ăn mà có khách Bí-sô đến, hoặc có người trong chúng ra đi, cũng nên báo lại cho thí chủ biết. Nếu đã tới giờ ăn thì người muốn ra đi cũng nên ở lại đợi thọ thực xong rồi mới đi; nếu khách Bí-sô đông mà thức ăn ít thì Thượng tòa nên bảo thí chủ chia đều để cùng ăn; nếu thức ăn nhiều thì tùy ý thí chủ dọn đưa cúng dường. Đại chúng ăn xong, Thượng tòa đọc kệ thí rồi nên ở lại thêm một chút để xem thí chủ có muốn nghe pháp không, nếu muốn nghe thì nên nói pháp, nếu không muốn nghe thì tùy ý đi. Nếu ai không làm theo hành pháp kể trên thì phạm tội Ác tác.

38. Ăn thức ăn từng xúc chạm:

Duyên xứ như trên, lúc đó Bí-sô Ca la khất thực được thức ăn, ăn xong, phần thức ăn dư đem phơi khô; khi gặp trời mưa gió không thể khất thực được thì đem thức ăn phơi khô này ra rửa sạch rồi ăn. Phật nhân việc này chế học xứ:

Nếu Bí-sô ăn thức ăn đã từng xúc chạm thì phạm Ba-dật-đề.

Nói đã từng xúc chạm là tự tay đã từng cầm hoặc cất giữ cách đêm, thức ăn đã từng xúc chạm này hoặc thọ vào trước giờ ngọ hoặc thọ sau giờ ngọ; nếu qua thời phần mà ăn thì phạm Đọa, nếu trong thời phần thì phạm tội Ác tác. Về cảnh tưởng có sáu câu: hai câu đầu phạm Đọa, hai câu kế khinh, hai câu sau không phạm. Ở Bắc Câu lô châu thì không phạm, vì người ở cõi đó đối với vật thực không có tâm bỉ ngã; còn ở cõi này, Bí-sô đối với Tăng, Bí-sô và người thọ học thì có lỗi từng xúc chạm; Bí-sô ni thêm đối với Thức xoa ma na là bốn. Đối với hai hạng người là người không hổ thẹn không sợ tội và người có hổ thẹn nhưng mất chánh niệm, thì không có lỗi từng xúc chạm. Riêng đối với Cầu tịch, nếu có tâm mong cầu nên đưa thức ăn cho Cầu tịch để mong được ăn lại thì phạm tội Ác tác, ăn thì phạm Đọa; khi cho không có tâm mong cầu nhưng khi ăn lại có tâm mong cầu, ăn thì phạm Đọa; khi cho và khi ăn đều không có tâm mong cầu thì ăn không phạm. Trên đường đi vác theo lương thực, nếu Cầu tịch không thể vác nổi thì lấy dây cột vào bao lương thực, đưa cho Cầu tịch cầm rồi Bí-sô nâng vác phụ; hoặc Cầu tịch muốn tạm dừng nghỉ, Bí-sô phụ đở bao lương thực xuống, đều không phạm. Nếu gặp giặc khủng bố, Cầu tịch bỏ chạy để lại bao lương thực, Bí-sô nên tự lấy mang đi; nếu lội qua khe suối, Cầu tịch vác lội qua không nổi, Bí-sô cũng nên vác phụ, đều không phạm. Lúa gạo của Tăng dùng xe chở về chùa, nếu xe muốn nghiêng đổ thì Bí-sô nên phụ đở lại cho ngay; nếu Bí-sô bịnh muốn đi theo xe hay thuyền thì nên tránh chỗ chỗ tay lái. Nếu lúa gạo phơi ngoài sân chùa, nếu có nạn duyên đến mà không có ai thì Bí-sô nên tự thu cất; nếu đi đường hết lương thực, thấy có cây ăn trái mà không có người trao đưa, có thể tự leo lên cây rung cho rụng xuống, dù không tác tịnh, không thọ đều được ăn không phạm. Những việc trên đều do có nạn duyên mà khai cho làm, nếu không có nạn duyên thì không được làm. Nếu cần bình đựng Tô mà cầm nhầm bình đựng thuốc nhuộm, dù có xúc chạm cũng không phạm; nếu muốn cầm lên lầu, đi chưa được nửa lầu thì để lại dưới đất; nếu đã đi quá nửa lầu thì phải cầm luôn lên lầu. Nếu trong bát có khe hở hay răng nứt thì phải rửa hai ba lần cho sạch mới được dùng; nếu đựng thức ăn nóng có váng dầu mỡ nổi lên cũng không phạm; nếu có hạt cơm dính nơi khe nứt nên khều ra rồi rửa lại hai ba lần cho sạch. Thức ăn dư của Bí-sô, Bí-sô ni được dùng; thức ăn dư của Bí-sô ni, Bí-sô được dùng, lẫn nhau làm tịnh nên dùng không phạm; về cảnh tưởng có sáu câu như trên.

39. Không thọ mà ăn:

Duyên xứ như trên, lúc đó Bí-sô Ca la phần nhiều trụ nơi Thâm ma xá na, nếu thấy người đời cúng tế tiên linh thì Bí-sô liền tự lấy thức ăn cúng này mà ăn, đến nỗi bị mang tiếng là Bí-sô ăn thịt người, làm xấu hổ Pháp chúng nên Phật chế khi có người trao đưa mới được ăn, vì có người trao đưa mới có minh chứng; lại do Lục chúng Bí-sô dù có người trao đưa hay không, đều tự lấy mà ăn nên Phật chế học xứ:

Nếu Bí-sô không thọ mà ăn nhai thì phạm Ba-dật-đề, trừ nước và tăm xỉa răng.

Nói không thọ là không thọ từ người khác, nếu khỉ gấu có trí trao dưa thức ăn thì cũng thành thọ. Về cách thọ có bốn: một là cần tác ý, hai là có người trao, ba là tự tay thọ, bốn là để trên bàn hay dưới đất, năm là tay đở một bên. Lại có năm cách trao đưa: một là thân đưa thân thọ, hai là dùng vật đưa thân thọ, ba là thân đưa dùng vật thọ, bốn là dùng vật đưa dùng vật thọ; năm là để dưới đất đưa mà thọ: đây là trường hợp ở quốc độ ghét bỏ Bí-sô nên để dưới đất đưa, hoặc Bí-sô làm Mạn trà la rồi để bát lên trên, họ từ xa thảy vào bát, cũng gọi là thọ. Có năm trường hợp không thành thọ: một là ở ngoài giới, hai là ở chỗ quá xa, ba là ở một bên, bốn là ở sau lưng, năm là khi chắp tay; ngược với trên thì thành thọ.

Nếu thí chủ đem thức ăn dọn ra trước đại chúng để cúng dường, chưa kịp dâng cúng thì thấy trong nhà bị cháy, vội bỏ chạy đi cứu lửa. Giờ ăn sắp qua mà không có người trao đưa, Phật bảo nên khởi tưởng đang ở Bắc Câu lô châu mà tự lấy ăn. Nếu khi thọ thức ăn, bỗng có thức ăn không thọ rớt vào thì nên bảo tịnh nhân trao đưa lại, nếu không có tịnh nhân thì sớt bỏ ra rồi ăn; nếu thọ rồi mà có trẻ con đến xúc chạm thì phải thọ lại mới được ăn.

Có năm loại trần: một là xúc trần, hai là phi xúc trần, ba là tịnh trần, bốn bất tịnh trần, năm là vi trần; lại có năm loại trần là thức ăn, thức uống, y, hoa và quả, đều cần phải thọ mới được ăn. Khi thọ thực nên dụng tâm, nếu người trao đưa thức ăn để đại trên mâm thì phải tổng thọ lại, không nên tự lấy đưa cho tịnh nhân rồi bảo họ trao lại; nếu là người bịnh không có người trao đưa thức ăn thì không thọ mà ăn vẫn không phạm; người nuôi bịnh nên biết người bịnh ăn được thức ăn gì, không ăn được thức ăn gì mà tùy nghi cho ăn.

Nói trừ nước và tăm xỉa răng là nếu nước đục nên bỏ Bồ đào hay Anh áo vào nước để làm cho nước trong rồi mới uống dùng; nếu nước mặn hay nước muối biền có thể làm thành muối thì cần phải thọ. Nếu trong nước ao, nước sông có lợn cợn hột cơm hay lá rau, nên lượt sạch rồi dùng; hoặc có váng dầu mỡ hay lạc nổi trên mặt nước, cũng nên lượt sạch rồi dùng. Nếu có chim bay đến mổ lấy cơm trong bát, Bí-sô nên sớt bỏ chung quanh chỗ chim mổ rồi tùy ý ăn. Lu hay bình đựng nước uống dùng cần phải có nắp đậy, chớ để cho trùng, bụi đất bay vào.

Sáng sớm thức dậy đánh răng có năm lợi: một là trừ bịnh nóng, hai là trừ bịnh lạnh và bịnh đàm ấm, ba là sạch miệng, bốn là ưa muốn ăn uống, năm là có thể sáng mắt. Có ba loại tăm xỉa răng, cây đánh răng: loại dài chừng mười hai ngón tay, loại ngắn chừng tám ngón, giữa hai loại này là loại vừa. Đánh răng nạo lưỡi xong nên rửa cây nạo lưỡi rồi mới bỏ ở chỗ khuất, vì có Bí-sô đời trước là rắn độc, nên đời này trong răng vẫn còn độc, khi quăng bỏ cây nạo lưỡi, trùng kiến bu đến đều bị trúng độc mà chết. Người nhỏ không được ở trước người già xỉa răng, có ba việc nên làm ở chỗ khuất, đó là đại tiểu tiện và xỉa răng.

Cây nạo lưỡi không nên bén sẽ làm lưỡi bị thương.

Về cảnh tưởng có sáu câu: hai câu đầu phạm Đọa, hai câu kế khinh, hai câu sau không phạm. Nếu khi trao đưa trái cây, lỡ rơi xuống đất nếu ở chỗ có thế voi tay tới được thì nên tự lấy, cũng thành thọ; nếu ở xa không vói tới được thì phải thọ lại.

40. Đòi hỏi thức ăn ngon:

Phật tại nước Kiếp-tỷ-la, lúc đó Lục chúng Bí-sô thọ thí chủ Đại danh thỉnh thực, khi đến thọ thực thấy thức ăn không ngon, liền đi đến nhà khác xin các thức ăn ngon rồi mang trở lại nhà thí chủ để ăn… nên bị thí chủ chê trách.Phật nhân việc này chế học xứ:

Nếu Bí-sô trong nhà thí chủ xin thức ăn ngon như sữa, lạc, sanh tô, thục tô, dầu, cá, thịt, nem; Bí-sô không bịnh, vì mình mà xin thức ăn ngon như vậy thì phạm Ba-dật-đề.

Không bịnh đi xin, không bịnh mà ăn thì phạm Đọa; có bịnh đi xin, không bịnh mà ăn thì khi xin không phạm, ăn thì phạm Đọa; không bịnh đi xin, có bịnh mới ăn thì khi xin phạm tội Ác tác, khi ăn không phạm. Khi khất thực, người mang cơm ra cho, nếu muốn xin vật khác thì nên nói: “tôi đã ăn cơm no rồi”, nếu người cho hỏi cần gì cứ nói, thì tùy ý hỏi xin không phạm; nếu đến chỗ trời rồng… hỏi xin thì không phạm.

Nhiếp tụng thứ năm:

Nước có trùng, hai nhà ăn,
Không y, đến xem hành quân,
Hai đêm, nhiễu loạn quân binh,
Đánh, dọa, che dấu tội thô.

41. Thọ dụng nước có trùng:

Phật tại nước Kiều-thiểm-tỳ, lúc đó Bí-sô Xiển đà thọ dụng nước có trùng làm chết nhiều chúng sanh, nên Phật chế học xứ:

Nếu Bí-sô biết nước có trùng mà còn thọ dụng thì phạm Ba-dậtđề.

Nói thọ dụng có hai trường hợp: một là nội thọ dụng là cung cấp cho trong thân, hai là ngoại thọ dụng như các việc tắm rửa giặt giũ…; giới trước là dùng nước vào việc xây cất, giới này là uống dùng. Nếu Bí-sô vì sân hận, hay vì quên niệm hay vì đói khát bức bách mà thọ dụng nước có trùng, không luận nhiều ít, có xem hay không xem, khởi tưởng có trùng mà không lượt nước, liền uống dùng thì phạm Đọa; khi khởi tâm muốn lấy nước này thì phạm tội trách tâm Ác tác, khi làm phương tiện lấy nước này thì phạm tội đối thuyết Ác tác. Về cảnh tưởng cũng có sáu câu: hai câu đầu phạm Đọa, hai câu kế phạm khinh, hai câu sau không phạm.

Có năm loại mắt không nên xem nước: một là mắt bịnh, hai là mắt lòa, ba là mắt loạn, bốn là mắt người già, năm là thiên nhãn. Xem nước trong khoảng thời gian bao lâu?. trong khoảng thời gian xe có sáu con bò kéo chạy vụt qua, hoặc tâm tịnh xem thấy nước không trùng, dù không lượt mà uống cũng không phạm. Có năm loại đãy lượt nước: một là lượt vuông, hi là pháp bình, ba là quân trì, bốn là chước thủy la, năm là chéo y. Nếu Bí-sô không mang theo đãy lượt nước thì không được đi đến thôn khác hay chùa khác cách xa ba Câu lô xá; nếu biết chỗ đến thường có nước sạch, không có thiếu nước nên không mang theo thì không phạm. Nếu có bạn cùng đi đường, khi đi nên hỏi người mang theo đãy lượt nước: “thầy có cho dùng chung đãy lượt nước hay không, khi đi đến đường rẽ hoặc thầy quay trở về, có thể để lại đãy lượt nước cho tôi dùng được không?”, nếu đáp được thì cùng đi chung, nếu đáp là không thì không nên cùng đi chung, nếu không hỏi như thế mà cùng đi thì phạm tội Ác tác. Nếu đi thuyền, thuận dòng sông thì chứng năm Câu lô xá, ngược dòng thì chừng ba Câu lô xá, không mang đãy lượt nước theo, không phạm; nếu thuận dòng thì chừng một Câu lô xá xem nước một lần, không trùng thì tùy ý uống dùng, nhưng giữa chừng phải không có dòng nước khác chảy vào sông; nếu ngược dòng thì chừng một tầm xem nước một lần, không trùng thì tùy ý uông dùng.

Có năm loại nước sạch: một là nước sạch của Tăng, hai là nước sạch của người khác, ba là nước sạch do tự lượt, bốn là nước suối phun sạch, năm là nước giếng sạch. Nếu biết Bí-sô kia là người trì giới thường hộ sanh mạng, uống nước của vị này dù không xem cũng không phạm; nếu sáng sớm xem nước lượt rồi chứa để đến sáng hôm sau khi mặt trời chưa mọc được tùy ý uống dùng. Nếu lấy nước từ trong giếng hay trong sông, sau khi lượt nước, có trùng trong đãy lượt nên đem thả lại trong giếng hay trong sông để cho trùng được sống. Những lu nước dùng để uống dùng trong chùa nên để ở chỗ thuận tiện sạch sẽ, nên thường chà rửa lu cho sạch, nếu lu có mùi hôi nên đem phơi, tay không sạch không nên chạm vào lu nước. Trong chùa có nhiều bình chứa nước uống dùng, nếu người tục đến mượn nên cho mượn cái cũ, không nên cho mượn cái mới.

42. Gượng ngồi nán lại trong nhà ăn:

Phật tại vườn Cấp-cô-độc, thành Thất-la-phiệt, lúc đó Bí-sô Ôđà-di nhìn tướng đoán biết tình người, ở trong nhà ăn biết người chồng muốn cùng vợ làm việc phi pháp, liền cố ý nói pháp cho người vợ nghe để xúc não họ… Phật nhân việc này chế học xứ:

Nếu Bí-sô gượng ngồi nán lại trong nhà ăn thì phạm Ba-dật-đề.

Nói nhà ăn là đối với người nam thì người nữ là thức ăn, ngược lại đối với người nữ thì người nam là thức ăn, trong nhà có nam nữ muốn làm việc hành dâm thì gọi là nhà ăn. Nói gượng ngồi nán lại là tự buông lung tâm mình mà ngồi lại dù biết chủ nhà không thích. Nếu biết nam nữ kia có ý muốn hành dâm mà gượng ngồi nán lại để xúc não họ khiến họ nổi sân thì phạm Đọa. Cảnh tưởng có sáu câu như trên, nếu bị giặc đuổi, chạy lánh nạn nên gượng ngồi nán lại mà không có tâm nhiễm thì không phạm.

43. Đứng núp ở chỗ khuất trong nhà ăn:

Duyên xứ như trên, chỉ khác ở chỗ là đứng núp sau cánh cửa trong nhà ăn, chủ nhà nhìn thấy liền chê trách nên Phật chế học xứ:

Nếu Bí-sô đứng núp ở chỗ khuất trong nhà ăn thì phạm Ba-dậtđề.

Giới trước nói chỗ khuất là chỗ chỉ có hai người, dù khuất hay hiển lộ đều là oai nghi ngồi; còn giới này là oai nghi đứng, dù chỉ trong chốc lát cũng phạm Đọa.

44. Cho nam nữ ngoại đạo lỏa hình thức ăn:

Duyên xứ như trên, lúc đó tôn giả A-nan cầm bánh đưa cho hai người nữ ngoại đạo lỏa hình: người già được một cái, còn người trẻ được cái bánh dính hai nên người già nói với người trẻ là A-nan có ý… Phật nhân việc này chế học xứ:

Nếu Bí-sô tự tay cho nam nữ ngoại đạo lỏa hình và ngoại đạo khác thức ăn thì phạm Ba-dật-đề.

Nếu Bí-sô đối trước ngoại đạo tự tay đưa cho thức ăn, hoặc để vào tay hoặc để trong vật đựng, khi chưa rơi xuống thì phạm tội Ác tác, rơi xuống tay hay trong vật đựng của họ thì phạm Đọa. Cảnh tưởng có sáu câu như trên, nếu đó là bà con hay người bịnh khổ thì cho không phạm.

45. Xem quân binh:

Duyên xứ như trên, lúc đó vua Thắng quang chỉnh đốn quân binh để đi thảo phạt phản loạn, Lục chúng Bí-sô liền đến xem… Phật nhân việc này chế học xứ:

Nếu Bí-sô đến xem chỉnh đốn quân binh thì phạm Ba-dật-đề.

Nói chỉnh đốn quân binh là sắp sửa ra trận chiến đấu, quân binh có bốn là tương binh, mã binh, xa binh và bộ binh. Nếu Bí-sô đến xem chỉnh đốn quân binh, vừa nhìn thấy liền phạm Đọa, làm phương tiện để đến xem thì phạm tội Ác tác. Cảnh tưởng cũng có sáu câu, không phạm là nếu giặc sắp đến, muốn đến xem để biết giặc ở xa hay gần, hoặc khi khất thực gặp quân binh hoặc quân binh đến trong chùa, dù nhìn thấy cũng không phạm.

46. Ở trong quân trận quá hai đêm:

Duyên xứ như trên, lúc đó Lục chúng Bí-sô có nhân duyên đến ở trong quân trận được hai đêm, nghe vua Thắng quang ra lịnh chỉnh đốn quân binh liền ở nán lại để xem… nên Phật chế học xứ:

Nếu Bí-sô có nhân duyên đến trong quân trận, được ở lại hai đêm, nếu ở quá hai đêm thì phạm Ba-dật-đề

Nếu Bí-sô ở trong quân trận qua đến đêm thứ ba, khi mặt trời vừa mọc liền phạm Đọa, làm phương tiện để ở nán lại thì pham tội Ác tác; không phạm là bị vua bắt giữ hoặc có nạn duyên.

47. Não loạn quân binh:

Duyên xứ như trên, lúc đó Lục chúng Bí-sô ở trong quân trận thấy quân binh đang tập trận liền não loạn họ… nên Phật chế học xứ:

Nếu Bí-sô ở trong quân trận hai đêm thấy quân binh đang bày binh bố trận và các đội kỳ binh đi trước thì phạm Ba-dật-đề.

Kỳ binh có bốn là Sư tử kỳ, Đại ngưu kỳ, Kình ngư kỳ và Kim súy điểu kỳ. Nói bày binh bố trận có bốn loại là thế trận mũi đao, thế trận càng xe, thế trận hình bán nguyệt và thế trận hình cánh chim Bằng.

Cảnh tưởng như trên, phạm và không phạm như trên.

48. Đánh Bí-sô:

Duyên xứ như trên, lúc đó Bí-sô Ô-đà-di thấy nhóm Thập thất Bísô không chịu nghe lời nên đánh họ… Phật nhân việc này chế học xứ:

Nếu Bí-sô vì sân giận không vui mà đánh Bí-sô khác thì phạm Ba-dật-đề.

Nói đánh là dùng tay hoặc dùng chân đánh đá hoặc dùng ngoại vật như cây, gạch, đá… tùy trúng bao nhiêu thì phạm Đọa bấy nhiêu, không trúng thì phạm tội Ác tác, nếu có tâm sát mà đánh thì phạm Tốtthổ-la để. Nói Bí-sô là bao gốm trì giới và phá giới, có tướng Bí-sô, khởi tưởng Bí-sô và nghi thì phạm Đọa; không phải Bí-sô, khởi tưởng Bí-sô và nghi thì phạm tội Ác tác; không phạm là không vì sân giận mà vì làm lợi ích.

49. Giơ tay dọa đánh Bí-sô:

Duyên xứ như trên, chỉ khác ở chỗ là giơ tay dọa đánh chứ chưa đánh nên Phật chế học xứ:

Nếu Bí-sô vì sân giận không vui, giơ tay dọa đánh Bí-sô khác thì phạm Ba-dật-đề.

Vừa giơ tay dọa liền phạm Đọa, nếu một lần giơ tay dọa đánh nhiều Bí-sô thì tùy có bao nhiêu Bí-sô thì phạm bấy nhiêu tội Đọa. Nếu Bí-sô nhỏ làm cho Bí-sô lớn giận thì nên đến sám tạ, nếu Bí-sô lớn tâm sân chưa dứt thì không nên liền đến sám tạ, nhưng Bí-sô không nên cố chấp mà không chịu tha thứ cho nhau; nếu Bí-sô lớn vẫn cố chấp thì Bí-sô nhỏ cầu sám tạ nên nhờ người trí làm phương tiện hòa giải giùm. Bí-sô nhỏ nên đến bên Bí-sô lớn kính lễ sám tạ, Bí-sô lớn nên nói không bịnh. Khi thấy các Bí-sô tranh cãi nên dùng tâm không phe nhóm để hòa giải; nếu thấy người tục đang cãi nhau, Bí-sô không nên đứng nhìn, sợ họ sẽ nhờ làm chứng… Ai không tuân theo hành pháp kể trên thì phạm tội Ác tác.

50. Che giấu tội thô của Bí-sô khác:

Duyên xứ như trên, lúc đó Bí-sô Đạt ma thấy Bí-sô Ô-ba-nan-đà phạm tội Tăng già bà thi sa, Ô-ba-nan-đà sợ Đạt ma nói cho người khác biết nên nói rằng: “Thân giáo sư của thầy tuy tôi biết có phạm tội nhưng tôi vẫn không nói với ai, vì vậy dù thầy thấy tôi phi lý cũng nên che giấu”, Đạt ma nghe rồi liền đem việc này nói cho các Bí-sô biết. Phật nhân việc này chế học xứ:

Nếu Bí-sô biết Bí-sô khác có tội thô ác mà che giấu thì phạm Badật-đề.

Nói biết là tự biết hay nghe người khác nói, tội Thô là tội thuộc hai bộ giới đầu và tội phương tiện. Nếu Bí-sô che giấu tội Thô của Bí-sô khác cho đến sáng hôm sau, khi mặt trời vừa mọc liền phạm Đọa, che giấu các tội trong bộ giới khác thì phạm tội Ác tác; nếu đối trước người phá giới phát lồ thì không thành phát lồ. Không phạm là nếu khi nói với người khác sẽ khiến mình không được an, hoặc mạng nạn hoặc sẽ có nhân duyên phá Tăng nên phải che giấu thì không phạm.

Nhiếp tụng thứ sáu:

Làm buồn, đốt lửa, dục,
Cùng ngủ, pháp không chướng,
Chưa bỏ, Cầu tịch, nhuộm,
Cầm vật báu, quá nóng.

51. Rủ cùng đến nhà thế tục mà không cho ăn:

Duyên xứ như trên, lúc đó Bí-sô Ô-ba-nan-đà do trước có hiềm khích với Bí-sô Đạt ma, muốn xúc não Đạt ma nên vào một ngày khác dùng lời dịu ngọt rủ Đạt ma cùng đi đến nhà thế tục thọ thỉnh thực, nhưng lập bày phương tiện không cho Đạt ma ăn, khiến Đạt ma phải đoạn thực. Phật nhân việc này chế học xứ:

Nếu Bí-sô nói với Bí-sô khác: “thầy hãy cùng tôi đến các nhà kia, tôi sẽ bảo họ cúng thức ăn ngon”, đến nơi lại không bảo cúng cho thức ăn, mà còn nói rằng: “thầy hãy đi đi, tôi cùng thầy cùng ngồi, cùng nói chuyện không vui; tôi ngồi một mình, nói chuyện một mình vui hơn”, vì muốn xúc não Bí-sô kia, nghĩ rằng: “khiến cho Bí-sô này phiền não cho đến trong chốc lát”, vì nhân duyên này không phải vì duyên gì khác thì Bí-sô này phạm Ba-dật-đề.

Nếu có tướng Bí-sô, khởi tưởng Bí-sô mà xúc nảo, người kia nhận hiểu thì phạm Đọa, xúc não người thọ học và chúng khác thì phạm tội Ác tác; nếu ở chùa Ni hay miếu thờ trời, nhà ngoại đạo mà xúc não thì phạm tội Ác tác.

52. Xúc chạm lửa:

Phật tại thành Vương xá, nhân việc đốt cây hơ lửa làm cho rắn độc trong bọng cây bò ra, khiến các Bí-sô hoảng sợ bỏ chạy; lại nhân việc cầm cây lửa quay vòng đùa giỡn nên Phật chế học xứ:

Nếu Bí-sô không bịnh, đốt lửa sưởi ấm nơi đất trống, dùng cây cỏ hay phân trâu để đốt hay bảo người khác đốt thì phạm Ba-dật-đề.

Nói không bịnh là nếu có duyên bịnh thì không phạm, tất cả việc xúc chạm lửa không ở trong thời mà đốt hay tắt, thổi lửa, khêu lửa… đều phạm Đọa; nếu trở lửa than để nướng bánh, tuy ở trong thời mà không có tâm thủ trì đều phạm tội Ác tác, nếu có tâm thủ trì thì không phạm. Nói trong thời là vì Tam bảo hay vì Ô-ba-đà-da, A-giá-lợi-da hoặc vị đồng phạm hạnh hoặc vì mình mà xông bát, nấu thức ăn… thì xúc chạm lửa không phạm. Nói có tâm thủ trì là khi xúc chạm lửa khổi tâm niệm: “ta vì vị đồng phạm hạnh cần làm việc như vậy nên phải xúc chạm lửa”, khi tắt lửa cũng khởi tâm vì xong việc nên tắt lửa. Về cảnh tưởng có sáu câu: hai câu đầu phạm Đọa, hai câu kế khinh, hai câu sau không phạm; nếu phóng hỏa đốt đồng nội thì phạm Tốt-thổ-la để, cũng không được ở trên nền đốt lửa, nên lót gạch đá ở dưới; nếu đốt lửa ở ngoài sân chùa, đợi cho khói bay hết rồi mới đem vào phòng. Ban đêm tụng kinh nên đốt đèn, cây đèn nên làm một tầng, nếu là vật của Tăng thì được làm nhiều tầng.

 

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14