CĂN BẢN TÁT BÀ ĐA BỘ LUẬT NHIẾP

Nguyên tác: Tôn giả Thắng Hữu – Hán dịch: Tam tạng Pháp sư Nghĩa Tịnh đời Đường. TQ
Việt dịch: Ban phiên dịch chùa Pháp Bảo, HT Thích Tịnh Hạnh giám tu – năm 2005
Hiệu đính và nhuận văn: NS Thích nữ Như Lộc tại chùa Phổ Minh. Năm 2010.

QUYỂN 13

72. Cho người chưa đủ tuổi thọ Cận viên:

Phật tại vườn Cấp-cô-độc, thành Thất-la-phiệt, lúc đó tôn giả Đại Mục-kiền-liên cho nhóm mười bảy thiếu niên xuất gia thọ Cận viên, sau đó do không chịu nổi đói khát nên họ kêu khóc… Phật nhân việc này chế học xứ:

Nếu Bí-sô biết người chưa đủ hai mươi tuổi mà cho thọ Cận viên, thành tánh Bí-sô thì phạm Ba-dật-đề. Người này không phải Cận viên và các Bí-sô cũng phạm tội.

Nói thọ Cận viên là bao gồm người truyền trao, người thọ giới, oai nghi tiến chỉ và các hành pháp đã có.

Người truyền trao gồm có Ô-ba-đà-da, A-giá-lợi-da và các Bí-sô tôn chứng. Ô-ba-đà-da có hai hạng: một là vị thầy cho ta cạo tóc, xuất gia và thọ mười học xứ, hai là vị cho ta thọ Cận viên; phải đủ mười hạ và thành tựu năm pháp: một là biết phạm, hai là biết không phạm, ba là biết khinh, bốn là biết trọng và năm là có thể khai giải kinh Biệt giải thoát; đối với các học xứ Phật chế đầu tiên hay tùy khai hay gặp nạn duyên khéo biết thông bít, thường tụng giới bổn có thể quyết nghi cho người, giới kiến đa văn, tự tha đều lợi,oai nghi hành pháp đều không trái phạm, đầy đủ các đức có thể dạy pháp xuất ly cho người, nên được gọi là Thân giáo sư. Nếu Bí-sô đối với các học xứ không biết khinh trọng thì dù tuổi đời tám mươi, tuổi hạ sáu mươi vẫn phải y chỉ bậc minh đức, nếu thầy nhỏ tuổi hơn thì trừ việc lễ bái ra, các việc khác đều nên làm và không được cho người xuất gia thọ Cận viên, vị này được gọi là lão tiểu Bí-sô. Có năm hạng A-giá-lợi-da:

1. Thập giới A-giá-lợi-da là vị truyền trao pháp Tam quy và mười học xứ.

2. Bình giáo (giáo thọ) A-giá-lợi-da là vị ở chỗ khuất gạn hỏi các chướng pháp ( già nạn ).

3. Yết ma A-giá-lợi-da là vị tác pháp bạch tứ yết ma.

4. Y chỉ A-giá-lợi-da là vị cho y chỉ ít nhất là ở lại một đêm.

5. Giáo độc (thọ kinh) A-giá-lợi-da là vị dạy đọc tụng ít nhất là bốn câu kệ pháp.

Năm hạng này đều có thể dạy pháp tắc cho đệ tử nên được gọi là Quỹ phạm sư. Túc số Tăng truyền giới có hai: túc số Tăng ở Trung phương là mười người và túc số Tăng ở biên địa là năm người; nếu ở chỗ có được mười người mà chỉ lấy túc số năm người thì cũng gọi là thiện thọ, nhưng chúng tăng phạm tội Việt pháp ; nếu ở chỗ chỉ có được năm người thì gọi là thiện thọ. Nếu túc số không đủ thì không được xếp Phật vào túc số vì Phật bảo và Tăng bảo khác biệt; nếu xếp người cuồng, điếc hay bộ chúng của thiên thọ vào túc số thì không thành thọ Cận viên.

Người thọ giới có nhiều loại: một là ý tổn hoại, hai là sở y tổn hoại, ba là trượng phu tổn hoại, bốn là bạch pháp tổn hoại, năm là hệ thuộc người khác, sáu là tướng xấu ác không đoan nghiêm. Nói ý tổn hoại là khi sắp chết hoặc sợ có kẻ áp bức, vì mạng sống nên cầu xuất gia; sở y tổn hoại là thân mang bịnh nan y, muốn nương Tam bảo để được trị lành; trượng phu tổn hoại là Bán trạch ca có năm loại: một là Sanh Bán trạch ca ( Phiến xá ), tức là vừa sanh ra đã không phải là nam; hai là Bán nguyệt Bán trạch ca, tức là nửa tháng là nam, nửa tháng là nữ; ba là Xúc bảo Bán trạch ca, tức là khi có xúc chạm và ôm thì sanh chi liền khởi; bốn là Tật đố Bán trạch ca, tức là khi thấy người khác hành dâm sanh tâm tật đố thì căn liền khởi; năm là Bị hại Bán trạch ca, tức là bị bịnh nên căn thương tổn hoặc bị thiến. Năm loại này xuất gia thọ giới thì gọi là phi phần, loại thứ năm không nhất định, vì nếu đã thọ Cận viên rồi căn mới bị thương tổn thì nên xét tánh hạnh, nếu không biến đổi thì vẫn ở địa vị cũ, nếu biến đổi thì nên diệt tẫn. Nói bạch pháp tổn hoại có mười loại:

Một là các ngoại đạo tôn sùng tà giáo không có chánh tín, trừ ngoại đạo thờ lửa ra, các ngoại đạo khác nếu muốn xuất gia nên cho ở chung bốn tháng, ăn thức ăn của Tăng, mặc áo của Thân giáo sư, cung cấp thừa sự và làm việc giống như Cầu tịch, nếu xét thấy không bỏ kiến chấp cũ thì nên đuổi đi; nếu bỏ kiến chấp thì cho xuất gia.

Hai là ô nhục Bí-sô ni, ni này phải là người không phạm tám Tha thắng, nếu ni này làm hạnh bất tịnh hoặc cả hai đều có tâm nhiễm, trước xúc chạm rồi cùng làm hạnh bất tịnh thì không gọi là làm ô nhục Ni.

Ba là tạc trụ, tức là người không nương theo thầy mà tự xuất gia rồi cùng các Bí-sô thanh tịnh khác trải qua hai ba lần trưởng tịnh, cho đến cùng tác pháp yết ma. bốn là quy ngoại đạo, tức là ngoại đạo nương trong Phật pháp, tuy mặc pháp y nhưng không bỏ kiến chấp cũ nên trở về với ngoại đạo mà không xả học xứ cho đến khi mặt trời mọc.

Năm loại kế là giết hại cha mẹ, giết A-la-hán, phá Tăng, ác tâm làm Phật bị thương chảy máu.

Mười là người trước đã phạm giới, tức là đã phá giới trọng trong năm giới, mười giới hoặc trong bốn pháp Tha thắng. Lại có hai loại dị trụ, tức là người từ trong nhóm Pháp đến với nhóm Phi pháp và người bị Tăng xả trí hoặc hoàn tục.

Nói hệ thuộc người khác là chỉ cho nô tỳ, người mắc nợ, đại tướng của vua hoặc người mà cha mẹ không cho.

Nói tướng xấu ác không đoan nghiêm là chỉ cho phi nhân hoặc bàng sanh có thể biến hình người đến xuất gia thọ giới, hoặc hình dạng khác với người như thân nhiều lông, đầu giống đầu bò hoặc đầu voi, đầu ngựa… hoặc quá cao, quá lùn, gù lưng, người bị chặt tay chân… Truyền thọ Cận viên xong nên vì nói kệ:

“Người trong pháp tối thắng,
Đầy đủ thọ Thi la,
Chí tâm thường phụng trì,
Khó được thân không chướng,
Thân đoan nghiêm xuất gia,
Thanh tịnh thọ Cận viên,
Nói ra lời chân thật,
Tri kiến đấng chánh giác”.

Nói oai nghi tấn chỉ là người muốn xuất gia nên tìm đến một Bísô, Bí-sô này nên hỏi các chướng pháp, nếu hoàn toàn thanh tịnh thì được tùy ý nhiếp thọ. Khi đã nhiếp thọ rồi nên truyền trao cho họ pháp Tam quy và năm học xứ, kế dạy thỉnh Thân giáo sư và thỉnh một Bí-sô làm người bạch Tăng, vị này nên hỏi bổn sư đã hỏi các chướng pháp chưa, nếu không hỏi thì phạm tội Ác tác. Nếu chúng nhóm nên bạch Tăng, nếu chúng không đến nhóm thì nên dẫn đến từng phòng bạch, nếu không bạch thì phạm tội Ác tác. Bạch rồi nên cho cạo tóc, nên chừa lại một ít tóc trên đầu rồi hỏi giới tử có chịu cạo sạch tóc trên đầu không, nếu đáp là không thì cho họ tùy ý trở về nhà, nếu đáp là chịu thì nên cạo sạch rồi cho họ tắm rửa sạch sẽ. Nếu trời lạnh thì nên cho nước nóng tắm, nếu trời nóng nên cho nước lạnh tắm, sau đó cho mặc y phục của người xuất gia. Khi họ mặc y phục nên xem xét họ có phải là người hai căn hoặc không căn hoặc căn không đầy đủ, xem xét rồi mới cho thọ y Man điều đắp mặc. Khi tuổi đủ hai mưới thầy nên vì lo liệu cho đủ y bát… sáu vật, mới cho thọ Cận viên, trước thỉnh thập sư vào trong đàn tràng, Giáo thọ sư dạy thỉnh Ô-ba-đà-da rồi bảo đưa bát trình cho đại chúng thấy, vì sợ bát quá nhỏ hay quá lớn hay màu sắc không như pháp; nếu là bát tốt như pháp thì đại chúng nên nói là bát như pháp, nếu không nói thì phạm tội Việt pháp. Cho thọ trì y bát xong nên bảo người thọ giới đến đứng ở chỗ mắt thấy tai không nghe, hướng về đại chúng. Sau đó Giáo thọ sư ở chỗ khuất hỏi các chướng pháp rồi gọi vào trong Tăng, dạy quỳ gối chắp tay ở trước Yết ma sư nhất tâm lãnh thọ giới pháp. Tác pháp xong, Yết ma sư lấy thước đo bóng mặt trời ở dưới chân ngắn hay dài bao nhiêu, đo xong nên bảo giới tử: “con thọ Cận viên vào trước giờ ăn hay sau giờ ăn, bóng mặt trời đo dưới chân là một ngón tay hay hai ngón tay cho đến bằng thân người “, nếu thọ vào ban đêm thì nên nói là vào nửa đêm hay giữa đêm. Kế nói rõ thời tiết thọ giới là vào mùa đông hay mùa xuân, mùa mưa, cuối mùa mưa hay mùa hạ dài (mùa Đông có bốn tháng từ ngày 1 tháng đến ngày 15 tháng 1, mùa xuân có bốn tháng từ ngày 1 tháng 1 đến ngày 15 tháng 5, mùa mưa có một tháng từ ngày 1 tháng 5 đến ngày 15 tháng , cuối mùa mưa có một ngày đêm là ngày 1 tháng ; mùa hạ dài có ba tháng từ ngày 17 tháng đến ngày 15 tháng ). Kế nói bốn pháp Tha thắng, pháp tứ y và bốn pháp nên làm của Sa môn.

Có năm việc không thành thọ Cận viên:một là không xưng tên Ô-ba-đà-da, hai là không xưng tên mình, ba là không bạch Tăng, bốn là Tăng không tác pháp yết ma, năm là yết ma thiếu. Ngược với năm việc trên gọi là thiện thọ, nếu khi thọ Cận viên mà chuyển căn thành nữ thì cũng thành thọ, nên đưa sang chùa ni; nếu nữ chuyển căn thành nam thì đưa sang chùa Tăng, mỗi người tự nương theo giới của mình. Nếu hai bộ Tăng bỉnh yết ma mà không hỏi chướng pháp hoặc không có Thân giáo sư, hoặc có mà không thỉnh, hoặc chưa thọ mười giới mà cho thọ Cận viên thì đều không thành thọ. Nếu biết Thân giáo sư là người phá giới thì không thành thọ, nếu không biết thì thành thọ. Thật có chướng pháp mà tự nói là không có thì không thành thọ, chúng tăng không phạm; thật không có chướng pháp mà nói là có thì tuy được thọ giới nhưng chúng tăng phạm tội Việt pháp. Nếu khi thọ giới tự nói tôi không muốn thọ thì không thành thọ; hoặc khi đang tác pháp, Tăng chuyển căn thành ni, nếu tác bạch rồi mới chuyển thì thành thọ, chuyển trước khi tác bạch thì không thành.

Nếu trong một giới được truyền giới cho một lượt ba người, cho đến bốn giới, mỗi giới một lượt ba người, cũng thành thọ Cận viên. Có mười loại thọ đắc giới: một là không thầy, đó là Phật Thế tôn; hai là chứng trí, đó là năm Bí-sô; ba là han hỏi, đó là Ô-đà-di; bốn là quy y, đó là Đại Ca-diếp; năm là biên quốc năm người truyền giới; sáu là trung phương mười người truyền giới; bảy là thọ bát kỉnh pháp, đó là Đại thế chủ; tám là sai sứ thọ giới, đó là Đạt ma trần na; chín là hai bộ Tăng tác pháp yết ma; mười là thiện lai, tức là Thế tôn đích thân gọi vì đời này là thân sau cùng. Khi Thế tôn khai cho tác pháp yết ma rồi thì các pháp khác đều dừng, trừ trường hợp thiện lai.

Hành pháp đã có sau khi thọ giới: Bí-sô nhỏ nên lễ Bí-sô lớn, nếu mới gặp nhau chưa quen biết thì nên hỏi tuổi hạ để biết lễ kính nhau. Có bốn hạng người nên lễ kính: một là Như lai, tất cả trời người nên kính lễ; hai là người xuất gia không lễ kính người tục mà được người tục lễ kính lại; ba là Bí-sô thọ Cận viên sau nên kính lễ Bí-sô thọ Cận viên trước, trừ Ni chúng; trong Ni chúng cũng như vậy; bốn là người chưa thọ Cận viên nên kính lễ người đã thọ Cận viên. Lại có mười hạng người không nên kính lễ, đó là bốn hạng người hạnh biệt trụ, ba hạng người thọ học, người bị xả trí, người tại gia và người chưa thọ Cận viên. Nếu một yết ma truyền trao giới cho một lượt ba người thì không phân biệt lớn nhỏ, không nên kính lễ nhau. Nghi lễ kính có hai: một là năm vóc gieo sát đất, hai là quỳ gối chắp tay, miệng nói kính lễ; nếu đối trước vị đồng phạm hạnh thì chỉ cần cúi đầu chắp tay miệng nói kính lễ. Nếu biết thân người khác có xúc chạm dơ mà kính lễ hoặc tự thân có xúc chạm dơ mà kính lễ người khác thì đều phạm tội Ác tác. Có hai loại xúc chạm dơ: một là ăn xong chưa súc miệng mà xúc chạm; hai là tiện lợi xong chưa rửa tay mà xúc chạm.

Bí-sô không nên ôm hận trong lòng, nếu có hiềm khích thì vị nhỏ nên đến bên vị lớn sám tạ kính lễ, vị lớn nên đáp lại là vô bịnh; nếu cả hai không nói như thế thì phạm tội Ác tác. Nếu Bí-sô chỉ mặc quần, không có áo trên thì không nên kính lễ người khác, cũng không nên thọ người khác kính lễ, ai làm trái thì phạm tội Ác tác.

Bí-sô được năm tuổi hạ trở lại nên ở bên Thân giáo sư học Luật tạng và các kinh luận khác, nếu Thân giáo sư không thể dạy được thì nên gởi đệ tử cho bậc minh đức khác, y chỉ tu học. Nếu muốn thọ y chỉ thì vị thầy nên xét người kia, tánh hạnh có ôn nhu cung kính, có hổ thẹn và ưa thích tu phẩm thiện hay không, mới cho y chỉ. Khi thỉnh Y chỉ sư, nên đầy đủ oai nghi bạch rằng: “Đại đức nhớ nghĩ, con tên _____ nay xin thỉnh Đại đức làm Y chỉ sư, xin Đại đức cho con y chỉ, con xin nương ở nơi Đại đức để tu học” (ba lần). Nếu không có thầy y chỉ thì không được du hành đến những nơi khác; nếu đủ năm hạ và thành tựu năm pháp: một là biết phạm, hai là biết không phạm, ba là biết khinh, bốn là biết trọng và năm là đối với kinh Biệt giải thoát khéo biết thông bít, thì được lìa bổn sư và thầy y chỉ để du phương cầu học. Lại có năm pháp không cho y chỉ: một là không có tâm tín kính, hai là nói lời thô ác, ba là thân gần bạn ác, bốn là tánh thường biếng nhác, năm là tâm không cung kính; ngược với năm pháp trên thì nên cho. Lại có năm việc xả y chỉ: một là quyết bỏ đi ra khỏi giới, hai là hoàn tục, ba là Thân giáo sư đến, bốn là từ phe nhóm này bỏ qua phe nhóm khác, năm là xả y chỉ. Nếu tại trú xứ, thầy y chỉ qua đời, không có ai để cầu y chỉ thì không nên ở đó nữa; nếu trong an cư thầy qua đời, đệ tử nên tự phòng tâm mà ở, qua hai tháng thì không nên ở đó nữa. Nếu đệ tử ở trú xứ cách xa chỗ ở của hai thầy hai Du thiện na rưỡi, thì mỗi nửa tháng nên đến kính lễ; nếu cách một Câu lô xá thì thì khoảng sáu bảy ngày nên đến kính lễ; nếu cách năm dặm thì mỗi ngày nên đến kính lễ; nếu ở trong cùng một giới thì mỗi ngày ba thời nên đến kính lễ. Đối với hai thầy, đệ tử đều phải như pháp hầu hạ, nếu thầy y chỉ và thầy giáo thọ đều bịnh thì nên thăm nuôi cả hai nếu đủ sức, nếu không đủ sức thì nên thăm nuôi thầy y chỉ, vì nếu không có thầy y chỉ thì không được dừng ở. Đệ tử muốn làm việc gì đều phải nên bạch hỏi hai thầy, trừ năm việc là uống nước, ăn cơm, xỉa răng và đại tiểu tiện. Thầy nên lượng nghi mà cho làm, nhưng đệ tử cũng nên tự xét nét lại mình, không được buông lung tình mạn như ngựa không cương, nên siêng tu phẩm hạnh; thầy cũng nên thường răn nhắc đệ tử, nếu không nghe theo thì nên tùy việc quở trách, nếu thấy không thể dạy bảo được thì nên đuổi đi.

Tướng phạm trong học xứ này là nếu người chưa đủ hai mươi, tưởng không đủ và nghi thì không thành thọ Cận viên, khi hỏi nên nói thật; nếu tuổi chưa đủ hai mươi, tưởng là đã đủ và nghi, khi hỏi im lặng không đáp thì không thành thọ Cận viên; nếu người này cùng Bí-sô thanh tịnh trải qua hai ba lần trưởng tịnh thì gọi là tặc trụ. Nếu người đã đủ hai mươi nhưng tướng mạo không đủ, xét tướng mạo có bốn: đó là hình dáng, tiếng nói, sự tướng và tướng thành thục. Nếu hình dáng và tiếng nói không còn là trẻ con, sự tướng là dưới nách và các chỗ khác đã mọc lông, tướng thành thục là ý nghĩ và tánh hạnh không phải là trẻ con thì gọi là tướng mạo đủ. Trong bốn tướng này, nếu tướng đầu và tướng thứ ba không đủ thì không phạm; nếu tướng thứ hai và tướng thứ tư không đủ thì phạm. Nếu nghi tuổi không đủ nên âm thầm kiểm tra tướng ẩn, nếu người cở tuổi mười lăm thì nên độ cho xuất gia làm Cầu tịch; cho đến bảy tuổi có thể đuổi chim quạ, giữ lúa thóc cho Tăng cũng được độ cho xuất gia làm Cầu tịch ; nếu tám tuổi mà không thể đuổi được chim quạ hoặc sáu tuổi mà có thể đuổi được chim quạ đều không được độ. Bí-sô không nên nuôi một lượt hai Cầu tịch, nếu biết người kia có thể thuận giáo thì cho xuất gia thọ mười giới rồi giao cho y chỉ người khác, vị thầy y chỉ muốn cho thọ Cận viên cũng phải hỏi Thân giáo sư.

73. Hoại đất sống:

Duyên xứ như trên, lúc đó Lục chúng Bí-sô trộn hồ và đào đất sống… nên Phật chế học xứ:

Nếu Bí-sô tự tay đào đât hay bảo người khác đào thì phạm Badật-đề.

Đất có hai loại là đất sống và không phải đất sống, đất sống là đất chưa từng đào hoặc đã từng đào nhưng bị nước mưa thấm ướt hoặc nước khác thấm qua ba tháng; nếu không có nước mưa và nước khác thấm ướt thì qua sáu tháng cũng gọi là đất sống. Nếu Bí-sô biết là đất sống, chưa từng đào xới cũng không bị lửa đốt mà tự tay đào hay bảo người khác đào đều phạm Đọa; nếu đất xốp, đào thì phạm tội Ác tác. Về cảnh tưởng có sau câua nên biết, không phạm là chỗ thuần là cát đá, hoặc định làm nền móng, giăng dây đóng cọc sâu chừng bốn tấc không phạm.

74. Qua bốn tháng còn đòi hỏi thức ăn:

Phật tại thành Kiếp-tỷ-la, trong vườn cây Đa căn, lúc đó Lục chúng Bí-sô thọ Ma ha nam thỉnh cúng dường bốn tháng, qua bốn tháng rồi lại đòi hỏi nữa nên Phật chế học xứ:

Nếu Bí-sô, có người thỉnh bốn tháng Dược, cần thì được thọ, nếu thọ quá thì phạm Ba-dật-đề, trừ thời khác. Thời khác là biệt thỉnh, cánh thỉnh, ân cần thỉnh và thường thỉnh.

Nói biệt thỉnh là riêng từng thí chủ thỉnh riêng Bí-sô như tôn giả Tất-lân-già-bà-ta nhận lời vua thỉnh thực, sau đó lại nhận lời thỉnh của em rể vua. Cánh thỉnh là do hết hạn nên các Bí-sô đến chỗ vua thỉnh không dám thọ thực, vua hỏi nguyên do rồi thỉnh lại. Ân cần thỉnh là như có khách Bí-sô đến nói: “vua có nhiều việc, ta nên khất thực”, vua biết rồi liền ân cần thỉnh thực. Thường thỉnh là các Bí-sô thọ thỉnh bốn tháng dược đã đủ liền đi khất thực giống như trước kia, vua thấy vậy liền nói: “không hạn cuộc thời tiết, thường thỉnh”. Nếu bốn tháng chưa đủ, thấy họ cúng thức ăn thô dỡ liền đòi hỏi thức ăn ngon thì phạm tội

Ác tác, ăn qua cổ thì phạm Đọa; nếu cúng thức ăn ngon lại đòi thức ăn dơ, thì khi đòi phạm tội Ác tác, khi ăn không phạm.

75. Ngăn truyền giáo:

Phật tại Trúc lâm, thành Vương xá, khi Phật muốn chế học xứ chung cho hai bộ Tăng thì hai bộ Tăng đều phải tập họp, nhưng khi chế giới qua bốn tháng còn đòi hỏi thức ăn thì Ni chúng không hiện tiền, Phật mới bảo A-nan sai Bí-sô Bán thác ca đến nói lại cho Ni chúng biết. Khi Bán thác ca vâng lời Phật đi thì gặp Lục chúng Bí-sô hỏi, Bán thác ca nói rõ mọi việc, Lục chúng Bí-sô liền nói ra lời thô để ngăn cản… Phật nhân việc này chế học xứ:

Nếu Bí-sô khi nghe thuyết giới nói rằng: “tôi nay chưa học giới này, nhưng thầy là người ngu không hiểu rõ, cũng không khéo giải thích, tôi sẽ hỏi các Bí-sô đọc tụng kinh luật luận”, thì phạm Ba-dật-đề.

Bí-sô muốn được pháp lợi thì nên học Giới kinh, cũng nên hỏi các Bí-sô đọc tụng kinh luật luận, hỏi rằng: “Đại đức, lời này có ý nghĩa gì?”, việc này đúng pháp nên làm như thế. Khi nói Bí-sô khác ngu… liền phạm Đọa, nếu thật như thế thì không phạm.

76. Rình nghe bình luận:

Phật tại vườn Cấp-cô-độc, thành Thất-la-phiệt, lúc đó nhóm thập thất Bí-sô muốn tác pháp xả trí cho Bí-sô Ô-ba-nan-đà, nên cùng nhau bàn bạc. Lục chúng Bí-sô đến chỗ khuất rình nghe họ bàn bạc nên Phật chế học xứ:

Nếu Bí-sô biết các Bí-sô khác đang bàn bạc, muốn cầu lỗi lăng xăng nên lặng lẽ đến rình nghe, nghĩ rằng: “ta nghe rồi sẽ khiến họ tranh cãi nhau”, do duyên này không gì khác thì phạm Ba-dật-đề.

Nói lặng lẽ đến rình nghe là nghe trộm họ bàn bạc, nói khiến họ tranh cãi nhau là việc nhỏ mới phát sinh thì sẽ khiến thành việc tranh cãi lớn, lăng xăng không dứt diệt được. Nếu biết các Bí-sô đang bàn bạc, muốn đến nên khảy móng tay hoặc tằng hắng thì không phạm; nếu lặng lẽ đến rình nghe, vừa nghe được tiếng thì phạm tội Ác tác, hiểu được nghĩa thì phạm Đọa; nếu không có ý đến rình nghe mà ngẫu nhiên nghe được hoặc nghe rồi muốn khiến đứt tranh thì không phạm; về cảnh tưởng có sáu câu nên biết.

77. Không gởi dục im lặng bỏ đi:

Duyên xứ như trên, lúc đó nhóm thập thất Bí-sô tác pháp yết ma xả trí cho Bí-sô Ô-ba-nan-đà, Bí-sô Nan đà tự biết mình không đủ sức ngăn lại sợ bị trị phạt nên cuộn cái mền lông để trên chỗ ngồi rồi lặng lẽ bỏ đi… Phật nhân việc này chế học xứ:

Nếu Bí-sô biết chúng tăng như pháp tác pháp yết ma mà lặng lẽ rời tòa đứng dậy bỏ đi, có Bí-sô khác mà không dặn lại thì phạm Badật-đề, trừ duyên khác.

Nói lặng lẽ bỏ đi là đi đến chỗ không nghe, nói trừ duyên khác là có duyên sự cần đi thì nên gởi dục, nếu không gởi dục mà bỏ điđến chỗ chưa lìa nghe thì phạm tội Ác tác, đến chỗ lìa nghe thì phạm Đọa; nếu đi tiện lợi xong rồi trở lại hoặc đến chỗ không lìa nghe hoặc chúng tăng tác pháp yết ma phi pháp nên lặng lẽ bỏ đi thì không phạm. Cảnh tưởng có sáu câu nên biết.

78. Không cung kính:

Phật tại Trúc lâm, thành Vương xá, lúc đó Bí-sô Chất Đa-la ở trong chúng, thấy Bí-sô kia như pháp dứt tránh liền sanh tâm trái nghịch không chịu tùy thuận, nên Phật chế học xứ: Nếu Bí-sô không cung kính thì phạm Ba-dật-đề.

Nói không cung kính có hai: một là không kính Tăng, hai là không kính bậc tôn đức như Ô-ba-đà-da, A-giá-lợi-da. Nếu Bí-sô ở trong Tăng, Tăng sai đứng hoặc đi… mà không làm theo thì phạm Đọa; nếu hai thầy dạy bảo mà không nghe theo thì phạm tội Ác tác, nếu không chỉ dạy không thuận lý, phi pháp, không nghe theo thì không phạm. Không cung kính bao gồm các việc như việc Pháp, việc Phật, việc của tôn đức, việc của đệ tử hoặc vua quan hoặc người thế tục… đều dựa vào việc khinh hay trọng mà kết phạm.

Nói việc Pháp là trước nên quán tự thân: giới có thanh tịnh không; hoặc việc đọc tụng, giáo thọ, thí pháp nghĩa cho người… có tương ưng với như lý tác ý tĩnh lự không; đối với việc nên làm mà không vâng làm, tâm thường biếng nhác, không tu phẩm thiện, không kính giới, nói lời vô ích vô nghĩa… thì phạm Đọa. Nói việc Phật là không siêng năng kính lễ tôn tượng, không lau quét tháp, hoặc thấy bị hư hoại tuy có khả năng tu bổ mà không làm thì phạm Đọa. Nói việc của tôn đức là đi đứng ngồi trước chư tôn đức không cung kính, dạy không chịu lắng nghe, không bảo ngồi liền ngồi, không bảo nói liền nói, khi bậc tôn đức đang nói liền ngắt lời… thì đều phạm Đọa. Nói việc của đệ tử là phi thời phi xứ quở trách, có phạm lỗi nhỏ cũng không khoan dung tha thứ, không khích lệ, không khéo khai dắt, đệ tử có nghi cũng không thể quyết nghi, tâm không thương xót, nói ra lời độc hại, không dùng pháp và thực để nhiếp thọ… thì đều phạm Đọa. Nói việc của vua quan là vua quan ra lịnh bảo làm gì đều không nghe theo, do nhân duyên này vua quan sanh tâm bất tín hoặc giết hại hoặc làm việc không lợi ích, nên phạm Đọa. Nói việc của người thế tục là do tự ý làm theo ý mình nên bị người tục chê trách như đi đại tiểu tiện ở đường đi…, cũng không nên tranh cãi với người tục. Cảnh tưởng có sáu câu: hai câu đầu phạm Đọa, bốn câu sau phạm tội Ác tác.

79. Uống rượu:

Phật tại vườn Cấp-cô-độc, thành Thất-la-phiệt, lúc đó Bí-sô Sa yết đà ở nhà người tục được mời uống nước phi thời có pha với rượu nên say, té ngã ngoài đường. Phật nhân việc này chế học xứ:

Nếu Bí-sô uống rượu thì phạm Ba-dật-đề.

Rượu do dùng gạo nếp nấu chín rồi ủ với men rượu cất thành, hoặc dùng các loại tạp như củ rễ, cọng, lá, hoa và quả ủ với chút men rượu cất thành. Nếu có sắc, hương vị rượu có thể làm cho người say, uống thì phạm Đọa; nếu thể không phải là rượu mà có sắc rượu, tuy uống cũng không phạm. Cảnh tưởng có sáu câu: hai câu đầu phạm Đọa, hai câu kế khinh, hai câu cuối không phạm. Phật bảo các Bí-sô: “nếu các thầy nương theo ta xuất gia thì không nên uống rượu, cũng không cất chứa, cho đến dùng cọng cỏ tranh nhỏ rượu vào trong miệng”. Không phạm là rượu đem chưng nấu mất tính chất làm say, hoặc miệng có bịnh thầy thuốc bảo nên ngậm rượu hoặc dùng rượu thuốc thoa thân, hoặc rượu đã biến thành giấm, uống không làm say, dùng lượt lượt rồi để lắng trong, tác tịnh rồi uống dùng đều không phạm. Nếu Bí-sô trước kia là người ghiền rượu, do không đuợc uống rượu nên gầy yếu không sức lực; Phật khai cho lấy ít men rượu hòa trộn với hương dược, giã thành bột bọc trong túi vải, cột vào một cái cây treo bên trong nồi rượu mới nấu, nhưng không cho rượu thấm vào, trải qua hai ba đêm cho có mùi rượu rồi lấy ra hòa với nước, thời hay phi thời uống dùng đều không phạm.

80. Phi thời vào tụ lạc mà không dặn lại Bí-sô:

Duyên xứ như trên, lúc đó Bí-sô Ô-đà-di phi thời vào tụ lạc, bị giặc giết chết… nên Phật chế học xứ:

Nếu Bí-sô phi thời vào tụ lạc mà không dặn lại Bí-sô khác thì phạm Ba-dật-đề, trừ duyên khác.

Nói phi thời là sau giờ ngọ cho đến sáng hôm sau khi mặt trời chưa mọc; nói tụ lạc là chỗ ở của người thế tục; nói có Bí-sô khác là nếu không có Bí-sô thì không phạm. Nói trừ duyên khác là thân có bịnh hoặc gởi y bát trong tụ lạc, nghe nhà đó bị cháy nên phải đến xem, hoặc bị mạng nạn, phạm hạnh nạn… đều không phạm. Cảnh tưởng có sáu câu: hai câu đầu phạm Đọa, hai câu kế khinh, hai câu sau không phạm; nêu Bí-sô ở A-lan-nhã cần vào tụ lạc hoặc đường đi băng qua tụ lạc, hoặc đường đi ở giữa hai tụ lạc, hoặc nương hư không mà đi hoặc không có Bí-sô nên dặn lại người tục thì đều không phạm.

Nhiếp tụng thứ chín:

Ăn, minh tướng nay biết,
Ống kim, lượng chân giường,
Dồn bông và tọa cụ,
Ghẻ, mưa, y Đại sư.

81. Trước giờ ăn, sau giờ ăn đến nhà khác:

Duyên xứ như trên, lúc đó Bí-sô Ô-ba-nan-đà có người bạn bạch y tín kính Tam bảo, muốn thiết thực cúng Phật và Tăng tại nhà nên nhờ Ô-ba-nan-đà thỉnh giùm. Ô-ba-nan-đà thỉnh rồi, sáng sớm hôm đó đến nói với thân hữu: “tôi có duyên sự cần đến nhà kia trước, hãy đợi tôi về mới dọn thức ăn dâng cúng”, vị thí chủ này vì chờ đợi Ô-ba-nan-đà nên không dọn thức ăn lên dâng cúng, mãi cho đến qua giờ ngọ nên đại chúng phần đông không được ăn. Phật nhân việc này chế học xứ: Nếu Bí-sô đã thọ người thế tục thỉnh thực rồi, trước giờ ăn và sau giờ ăn đến nhà khác mà không dặn lại thì phạm Ba-dật-đề.

Nếu trước giờ ăn không dặn lại mà đi quá hai nhà thì phạm Đọa; sau giờ ăn đi quá ba nhà cũng phạm Đọa. Nếu nói với thí chủ: nếu tôi không về kịp thì hãy dâng cúng Tăng cho no đủ, chớ để thiếu thốn; hoặc thí chủ không vì người này mà thiết cúng Tăng thì người này có bỏ đi cũng không phạm.

82. Vào cung vua:

Duyên xứ như trên, lúc đó Bí-sô Ô-đà-di có duyên giáo thọ, mới sáng sớm đã đến chỗ của phu nhân Mạt lợi, phu nhân chưa ngủ dậy, nghe Ô-đà-di đến nên giật mình thức giấc, mặc áo thưa mỏng thuờng mặc trong cung ra tiếp đón… Phật nhân việc này chế học xứ:

Nếu Bí-sô, mặt trời chưa mọc, vua dòng Sát-đế-lỵ quán đảnh chưa cất của báu, loại tợ báu mà bước qua ngạch cửa cung thì phạm Ba-dậtđề, trừ duyên khác.

Nói vua dòng Sát-đế-lỵ là nêu không phải thuộc dòng Sát-đế-lỵ nhưng được quán đảnh cũng gọi là vua; nói ngạch cửa cung có ba: một là ngạch cửa thành, hai là ngạch cửa cung vua, ba là ngạch cửa nội cung. Bí-sô qua hai ngạch cửa đầu thì phạm tội Ác tác, qua ngạch cửa nội cung thì phạm Đọa; nếu vào ngạch cửa cung của vua trời Tứ thiên vương… thì phạm tội Ác tác. Bí-sô thường vào cung vua có mười lỗi: một là nếu phu nhân thấy Bí-sô cười, vua sẽ nghi Bí-sô; hai là nếu cung nữ có thai, vua cũng nghi Bí-sô; ba là trong cung mất vật báu, vua cũng nghi Bí-sô; bốn là vua có điều gì hay lời gì bí mật, nếu lọt ra ngoài vua sẽ nghi Bí-sô; năm là Thái tử có tổn; sáu là vua có tổn; bảy là tướng quốc bị cách chức; tám là đại thần được đề cử; chín là vua đi chinh phạt nước khác và mười là cử tướng soái. Năm việc đầu vua nghi Bí-sô,năm việc sau mọi người đều nghi Bí-sô; vì vậy Bí-sô không nên thường vào trong cung vua.

83. Không lắng tai nghe giới lại nói là không biết:

Duyên xứ như trên, lúc đó Lục chúng Bí-sô mỗi nửa tháng nghe thuyết giới, không lắng tai nghe lại còn nói rằng: “tôi nay mới biết pháp này là do Thiện thệ nói”… Phật nhân việc này chế học xứ:

Nếu Bí-sô khi thuyết giới nói rằng: “tôi nay mới biết pháp này mỗi nửa tháng thường tụng, rút ra từ trong Giới kinh”, các Bí-sô biết Bí-sô này đã ngồi trong chỗ thuyết giới hai, ba lần huống chi là nhiều lần. Bí-sô này không phải vì không biết mà được thoát tội, tùy theo tội đã phạm nên như pháp mà trị, nên quở trách rằng: “thầy đã mất lợi, không lợi, không tốt; khi thuyết giới thầy đã không kính giới, không nhất tâm nhớ nghĩ, không lắng tai nghe pháp”, do việc này nên phạm Ba-dật-đề.

Trong đây hiển bày sáu lỗi: một là lỗi không tín tâm, hai là lỗi không cung kính, ba là lỗi không ưa muốn nghe giới, bốn là lỗi duyên ngoại cảnh, năm là lỗi hôn trầm, sáu là lỗi sanh mõi mệt. Nếu Bí-sô đã từng hai ba lần nghe thuyết giới mà nói là không biết, hoặc do phiền não, hoặc do quên niệm hoặc ngủ gật hoặc loạn tâm… thì đều phạm Đọa. Nếu nghe giới bất cọng của Ni mà nói lời này thì phạm tội Ác tác, nếu là cọng giới với Bí-sô thì phạm Đọa. Nếu già yếu không hiểu biết, như thật mà nói thì không phạm; vào ngày thuyết giới nên cử người làu thông giới kinh lên thuyết giới, trước khi lên nghe thuyết giới, các Bísô nên tự xét nếu nhớ có tội nên như pháp sám hối rồi mới được nghe giới.

84. Làm ống kim bằng ngà, sừng:

Duyên xứ như trên, lúc đó có người thợ tiện tên Đạt ma giỏi tiện ngà sừng làm thành đồ vật tinh xảo, ông nói với các Bí-sô: “nếu quý thầy cần làm ống kim bằng ngà sừng thì con sẽ cúng”. Do các Bí-sô lần lượt nhờ làm ống kim bằng ngà sừng nên không bao lâu sau, người thợ tiện này trở nên nghèo khó… Phật nhân việc này chế học xứ:

Nếu Bí-sô làm ống kim bằng ngà sừng thì phạm Ba-dật-đề, làm thành rồi thì nên đập bỏ.

Nói làm là tự làm hay bảo người khác làm, có hai loại ống kim

Phật khai cho cất chứa, đó là bằng tre hay bằng đồng; lại có bốn loại ống kim được cất chứa là bằng đồng, bằng sắt, bằng du thạch và bằng đồng đỏ; không được dùng bảy báu làm ống kim như vàng bạc…; nếu cất kim, dao… bị rỉ sét, nên dùng sáp bọc lại. Nói không được làm ống kim bằng ngà, sừng, nếu làm thành rồi nên đập bỏ thì đối với các tư cụ khác, chuẩn theo đây nên biết. Bí-sô được cất chứa con dao và con dấu; dao có ba loại hình như cánh gà cong hoặc như cánh chim: dao bậc thượng dài sáu ngón tay, rộng một ngón, dao bậc hạ dài bốn ngón tay, giữa hai loại này là bậc trung; con dấu được làm bằng đồng trắng, đồng đỏ hoặc bằng gỗ, không được làm bằng vật báu. Nếu là con dấu của Tăng thì nên khắc tên chủ chùa, trên có luân tướng, tùy chức vụ lớn nhỏ mà làm; nếu là con dấu của cá nhân thì trên nên khắc đầu lâu hoặc bộ xương để quán bất tịnh. Về cảnh tưởng có sáu câu nên biết.

85. Làm giường quá lượng:

Duyên xứ như trên, lúc đó Lục chúng Bí-sô làm giường cao mười hai khuỷu tay và đặt thang để lên xuống nên phật chế học xứ:

Nếu Bí-sô muốn làm tòa ngồi hay giường nằm, chân giường nên cao bằng tám ngón tay của Như lai, trừ chỗ tra vào lỗ bệ, nếu cao quá tám ngón tay thì phạm Ba-dật-đề.

Nói làm giướng là tự làm hay bảo người khác làm, nếu làm chân giường cao quá lượng thì nên cắt bỏ, nếu chân giường nhọn sợ làm tổn đất thì nên dùng vật kê đở hoặc là bao vỏ trấu hoặc miếng gạch, miếng cây…

86. Dồn bông của cỏ cây:

Duyên xứ như trên, lúc đó Bí-sô Ô-ba-nan-đà dùng bông Đâu la miên dồn làm nệm nằm, khi có Bí-sô đến nằm, trên người đều dính bông trắng nên Phật chế học xứ:

Nếu Bí-sô dùng bông của cỏ cây như Đâu la miên dồn làm nệm nằm thì phạm Ba-dật-đề, làm thành rồi thì nên bỏ.

Nói bông của cỏ cây có năm: một là thảo miên ( bông cỏ ), hai là mộc miên ( bông cây ), ba là kiếp bối, bốn là lông dê, năm là các loại bông tạp khác. Nếu dùng tơ hay vải sạch dồn làm thì khi mới làm phạm tội Ác tác, làm thành thì phạm Đọa; nếu dùng các loại bông tạp bất tịnh để dồn thì phạm tội Ác tác; loại bông mà Bí-sô được dùng làm thì gọi là tịnh, loại bông mà Bí-sô không được làm thì gọi là bất tịnh.

87. Làm Ni-sư-đàn quá lượng:

Duyên xứ như trên, lúc đó các Bí-sô làm Ni-sư-đàn quá lượng… nên Phật chế học xứ:

Nếu Bí-sô muốn may Ni-sư-đàn nên liệu lượng, lượng trong đây là dài hai gang tay của Phật, rộng một gang rưỡi, nếu thân lớn thì may thêm một gang tay nữa. Nếu may quá lượng này thì phạm Ba-dật-đề.

88. May y che phủ ghẻ quá lượng:

Duyên xứ như trên, lúc đó các Bí-sô mặc bịnh ghẻ nên Phật cho cất chứa y che phủ ghẻ, do các Bí-sô may y này quá lượng nên Phật chế học xứ:

Nếu Bí-sô muốn may áo che thân, nên liệu lượng, lượng trong đây là dài bốn gang tay của Phật, rộng hai gang rưỡi, nếu may quá lượng này thì phạm Ba-dật-đề.

89. May y tắm mưa quá lượng:

Duyên xứ như trên, lúc đó các Bí-sô lộ hình tắm mưa, Phật nhân nơi Tỳ-xá-khư lộc tử mẫu nên cho các Bí-sô cất chứa y tắm mưa, do các Bí-sô may y này quá lượng nên Phật chế học xứ:

Nếu Bí-sô muốn may áo tắm mưa, nên liệu lượng, lượng trong đây là dài sáu gang tay của Phật, rộng hai gang rưỡi, nếu may quá lượng này thì phạm Ba-dật-đề.

90. May y bằng lượng y của Phật:

Duyên xứ như trên, lúc đó Bí-sô Nan đà may y Tăng-già-lê bằng lượng y của Phật, khi đắp y này, phần dư dồn lại phía bên vai… nên Phật chế học xứ:

Nếu Bí-sô may y bằng lượng y của Phật hoặc hơn thì phạm Badật-đề. Lượng y của Phật là chiều dài mười gang tay, chiều rộng sáu gang tay..

 

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14