CĂN BẢN TÁT BÀ ĐA BỘ LUẬT NHIẾP

Nguyên tác: Tôn giả Thắng Hữu – Hán dịch: Tam tạng Pháp sư Nghĩa Tịnh đời Đường. TQ
Việt dịch: Ban phiên dịch chùa Pháp Bảo, HT Thích Tịnh Hạnh giám tu – năm 2005
Hiệu đính và nhuận văn: NS Thích nữ Như Lộc tại chùa Phổ Minh. Năm 2010.

QUYỂN 3

3. Đoạn mạng người:

Phật tại nước Phật lật thị, lúc đó các Bí-sô nghe Phật thuyết pháp quán Bất tịnh, sau khi tu tập pháp quán này liền sanh tâm nhàm lìa thân bất tịnh này và nhờ một Sa môn ngoại đạo là Lộc trượng cầm dao giết mình và cùng nhau tự sát, Phật nhân việc này nên chế học xứ:

Nếu lại có Bí-sô đối với người hoặc thai người, cố ý tự tay mình giết chết, hoặc cầm dao đưa cho người, hoặc tự sát, hoặc tìm người cầm dao, hoặc khuyên chết hoặc khen ngợi chết rằng: này nam tử, mang cái thân tội lụy bất tịnh ác này sống làm chi, thà chết còn hơn sống. Tùy tâm mình mà dùng những lời khuyên, khen khiến cho họ cầu chết thì Bí-sô này phạm Ba la thị ca, không cùng ở chung.

Đây là cảnh người và có tâm giết, tưởng là người và dùng phương tiện để giết mà thành phạm. Cảnh trong giới này là người và thai người, nói người là sáu căn đã đủ, nói thai người là nương vào thai mẹ có thân mạng và ý căn nên thuộc đồng phần; nam hay nữ, Bán trách ca dù thể trạng đủ hay không đủ đều thành cảnh giết. Nói cố ý là không phải do nhầm lẫn, phương tiện giết có hai là dùng thân và lời nói; dùng thân là dùng tay chân… để giết, hoặc cầm dao đưa cho người, hoặc tự cầm dao; dùng lời nói là khuyến dụ hay khen ngợi, nếu người kia không muốn chết thì khuyến dụ, nếu người kia muốn chết thì khen ngợi. Nói mang cái thân tội lụy này sống làm chi là khen ngợi chết được phước nhiều, nói thà chết còn hơn sống là khuyến khích nên chết. Nói tùy tâm niệm mình… cho đến người kia nhân đây mà chết là ý nói không do việc gì khác, chỉ do khuyến khích khen ngợi chết nên người kia mới chết thì Bí-sô này phạm Ba la thị ca, nếu người kia không chết thì phạm Tốtthổ-la để.

Tướng phạm trong giới này: nếu Bí-sô dùng nội thân như tay chân… hoặc dùng vật bên ngoài như gạch đá, dao…, hoặc dùng cả hai như tay cầm dao…, hoặc dùng thuốc độc, đào hầm hố, hoặc dùng rượu cho đến các loại thuốc cho người kia uống sanh tâm loạn, hoặc dùng bùa chú làm cho người kia mê muội, hoặc đặt bẩy rập, hoặc xô người kia từ trên cao nguy hiểm như sườn núi… rơi xuống đất, hoặc vào đêm lạnh buốt bắt người kia ở ngoài đất trống cho chết cóng… nếu nhân đây mà chết thì phạm Ba la thị ca, không chết thì phạm Tốt-thổ-la để. Nếu Bí-sô sai khiến tử thi đứng dậy đi giết người thì tùy cảnh mà kết tội; nếu tử thi quay trở lại hại Bí-sô thì Bí-sô do làm phương tiện trước nên phạm Tốt-thổ-la để, Bí-sô hại tử thi cho đến thân biến hóa đều phạm Thô tội.

Nếu đối với người mẹ không có tâm giết, nhưng có tâm giết thai nhi nên đạp bụng người mẹ, nếu thai nhi chết thì phạm Ba la thị ca, nếu người mẹ chết thì phạm Thô tội, nếu cả hai cùng chết thì phạm Ba la thị ca, nếu cả hai không chết thì phạm Tốt-thổ-la để. Nếu đối với người mẹ có tâm giết nhưng không có tâm giết thai nhi thì ngược với trên nên biết.

Nếu biết người nữ mang thai là bàng sanh hay phi nhân nên cố ý làm cho sẩy thai thì phạm Thô tội, nếu biết bàng sanh mang thai người hoặc biết người biến hòa làm bàng sanh mà cố ý giết thì phạm bổn tội; nếu biến thân mình thành bàng sanh để giết người khác mà tự biết mình là Bí-sô thì cũng phạm bổn tội. Muốn giết người khác mà giết lầm cha mẹ hay A-la-hán thì phạm Thô tội, vì đối với ba hạng người này không có tâm giết. Nếu không phải là A-la-hán, tưởng là A-la-hán hoặc là Ala-hán tưởng không phải là A-la-hán; cha mẹ cũng vậy. Nếu đối với cha mẹ làm phương tiện giết hại mà cha mẹ tự chết trước thì Bí-sô phạm Thô tội. Nếu người nữ bỏ thai nhi, người nữ khác đem về nuôi lớn, nếu người con này muốn xuất gia thì nên hỏi ý người mẹ sau, nếu giết người mẹ sau thì không phạm tội nghịch.

Nếu là người, tưởng là người và nghi mà giết thì phạm bổn tội; nếu là phi nhân, tưởng là người và nghi mà giết thì phạm Thô tội; nếu là người, tưởng là bàng sanh mà giết thì phạm tội Ác tác, tưởng là phi nhân mà giết cũng Ác tác. Hữu tình bị rượt đuổi, Bí-sô trông thấy có tâm hại nên báo cho mọi người biết, tùy việc thành phạm; nếu đối trước nhiều người, có tâm giết người này mà giết lầm người kia thì phạm Tốt-thổ-la để, nếu là tâm vô ký thì phạm tội Ác tác; nếu khi chơi đùa đánh tát lại khiến người kia chết thì phạm tội Ác tác. Khi chưa thọ Cận viên và khi đã thọ Cận viên, hai trường hợp bốn câu giống như giới trước nên biết.

Nếu thấy hữu tình bị nước cuốn trôi hay bị lửa thiêu đốt hoặc bị đói khát bức bách mà không cứu giúp, thấy họ sắp chết tuy có thể cứu giúp mà khởi tâm xả không cứu giúp, tuy không mong họ chết nhưng nếu họ chết cũng phạm tội Ác tác. Nếu thấy người bị giết, chắc chắn sẽ mạng chung mà nghe lời người này ra tay giết để người này được chết mau thì phạm Tốt-thổ-la để; nếu người kia không chắc chắn sẽ chết mà giết để cho chết mau thì phạm bổn tội.

Nếu có nạn gấp xảy đến, bỏ chạy để tránh nạn nên xô đẩy người phía trước, tuy không có tâm hại họ, nhưng nhân xô đẩy mà họ chết thì Bí-sô phạm Thô tội, không chết thì phạm tội Ác tác; nếu có tâm hại họ thì phạm bổn tội. Nếu kính pháp mà xuất gia thì nên giữ gìn thân mạng để cầu giải thoát, nếu tự sát liền phạm Thô tội. Nếu do chuyển dời hoặc không nghe theo lời yêu cầu mà bắt ép chữa trị, nhân đây người bịnh chết thì không phạm. Nếu đối với người bịnh tuy không có tâm sát hại, nhưng nói ra lời khiến họ muốn chết hay để dao, dây… gần bên người bịnh thì phạm tội Ác tác. Cho nên không được sai người vô trí làm người khán bịnh, nếu có việc gấp phải đi nhờ người vô trí khán bịnh thì nên dặn dò kỹ lưỡng rồi mới đi. Nếu người bịnh nói đừng đở tôi dậy mà cưỡng ép dở ngồi dậy, người bịnh nhân đây mà chết thì Bí-sô phạm Thô tội; các oai nghi khác dựa theo đây nên biết. Nếu Bí-sô nuôi bịnh mõi mệt hay khởi ác ý muốn có được tài vật của người bịnh nên nói rằng: “ông chết đi cho rồi, tôi không nuôi bịnh cho ông nữa”, người bịnh nhân đây mà chết thì phạm Thô tội. Nếu Bí-sô khán bịnh cho ăn thức ăn không nên ăn hoặc không cho ăn thức ăn nên ăn, người bịnh nhân đây mà chết thì phạm Thô tội; nếu không phân biệt được thức ăn thì không phạm.

Nếu mụt nhọt chưa muồi mà đè nặn, người bịnh nhân đây chết thì phạm Thô tội, đã muồi thì không phạm; nếu dùng kim chích thì không phạm, nhưng nếu trước chưa hỏi thầy thuốc giỏi thì không được dùng kim chích. Bịnh trĩ không được dùng dao cắt, nên dùng thuốc và trì chú cho tiêu. Khi muốn trị bịnh nên hỏi thầy thuốc, nếu không có thầy thuốc nên hỏi Bí-sô biết về thuốc, nếu cũng không có thì nên hỏi người đã từng bị bịnh này, nếu cũng không có thì nên hỏi người từng trải, nếu vội cho thuốc uống thì phạm tội Việt pháp. Nếu là Bí-sô hiểu y thuật, có người đến hỏi nên khởi bi tâm cho họ phương thuốc, không vì cầu lợi thì không phạm, nếu vì cầu lợi là không nên. Nếu băng bó cho người bị thương thì nên làm ở chỗ khuất, chớ cho người tục nhìn thấy; nếu cho người khác uống thuốc tả chớ bỏ đi liền, nên chỉ dẫn kỹ điều nên làm rồi mới đi thì không phạm.

Nếu thấy Bí-sô bịnh sắp qua đời liền suy nghĩ: “nếu Bí-sô bịnh qua đới thì y bát và tài vật đã có, ta sẽ được”, đấy là ý nghĩ của kẻ Chiên-đà-la nên phạm tội Việt pháp. Nếu thấy người cho người nữ có thai uống thuốc phá thai mà không ngăn chận thì phạm tội Việt pháp. Nếu Bí-sô cùng người bịnh đi trên đường, không nên thúc đẩy đi nhanh, nên thường dừng nghỉ và nên mang giúp hành lý. Nếu thấy sắp đến giờ ăn, nếu đến kịp thì nên đi, nếu thấy không đến kịp thì đi trước; đến nơi ăn rồi nên vì thỉnh thực mang về cho người bịnh, nếu không làm thế thì phạm tội Ác tác. Nếu thấy người bị mắc nghẹn nên vỗ đập, nhân đây họ chết thì không phạm, vì thế khi vỗ đập nên cẩn thận.

Khi làm công việc xây cất, Bí-sô quăng gạch cho nhau, trúng phải đầu Bí-sô khác, nhân đây mà chết thì không phạm; nhưng khi chuyền gạch nên chuyền trao qua tay, không nên quăng ném; nếu khi đang chuyền, gạch rớt bể nên báo cho biết rồi mới chuyền tiếp. Khi leo lên thang hay ở trên cao làm việc thì Bí-sô nên cột chặt hạ quần chớ để người phía dưới thấy lộ thân. Khi làm việc xây cất, các Bí-sô nên giúp đỡ lẫn nhau và nên làm trong một thời gian, không nên làm cả ngày; nếu là mùa xuân thì nên làm trước giờ ngọ, nếu là mùa đông thì nên làm sau giờ ngọ. Bí-sô thọ sự nên xem giờ giấc cho họ ngừng nghỉ, rửa tay chân rồi thọ ngọ thực; nếu là Bí-sô khất thực thì Bí-sô thọ sư nên làm thêm thức ăn ngon cung cấp cho họ được no đủ, gọi là Duyệt ý thực.

Nếu Tăng già thiếu thốn, Bí-sô thọ sư nên khuyến hóa người khác tùy thời cúng dường, hoặc tiểu thực hoặc nước uống phi thời…, nếu không làm thế thì phạm tội Ác tác. Nếu Bí-sô khuân vác vật nặng, đuối sức nên buông xuống trúng phải người thợ nhân đây mà chết, Bí-sô tuy không phạm nhưng không nên khuân vác nặng. Nếu cần khiên đời nên nhờ người khiên giúp, Bí-sô và Bí-sô ni không nên khuân vác vật nặng, trên đấu, trên vai, trên lưng…, nếu làm thế thì phạm tội Ác tác. Nếu muốn bỏ vật xuống nên báo cho kẻ khác biết để tránh xa, trúng phải họ tuy không phạm, nhưng không báo trước mà liền buông bỏ xuống thì phạm tội Ác tác. Nếu tránh con bò, bỏ chạy làm té ngã đứa bé nhân đấy mà chết, do không cố ý nên không phạm, nhưng lúc tránh con bò nên khéo dụng tâm. Nếu dùng dây cột trói người rồi báo quan xử chặt tay chân của họ thì phạm Thô tội. Nếu ở chỗ có cọp sói, rủ người khác đến ở chung nhân dây nên bị thương hay bị cọp giết thì Bí-sô không phạm nhưng ở đâu phải xem kỹ nơi đó có nạn hay không nạn mới được ở. Có Bí-sô tự đánh sanh chi, Phật nói: “cái nên đánh lại không đánh, cái không nên đánh lại đánh, đó là người vô trí phạm tội Ác tác”. Ô-đàdi vào nhà bạch y không xem kỹ chỗ ngồi liền buông thân ngồi xuống, đè chết đứa con nhỏ của chủ nhà, nếu ngồi mà không xem kỹ thì phạm tội Ác tác.

4. Vọng nói chứng pháp thượng nhân:

Phật tại nước Phệ xá ly, bên sông Bạt lũ mạt để, lúc đó các Bí-sô vì ăn uống nên đối trước thân tộc lần nhau khen ngợi là đã chứng được pháp Thượng nhân, để mong cầu lợi dưỡng nên Phật chế học xứ này:

Nếu lại có Bí-sô thật sự không biết, không biết gì hết, tự biết mình không chứng đắc pháp Thượng nhân, là pháp mà bậc Thánh giả tịch tịnh chứng ngộ thù thắng, trụ trong Trí kiến an lạc mà nói là ta biết ta thấy. Bí-sô này vào thời gian khác hoặc có người hỏi hay không có người hỏi, vì muốn được thanh tịnh nên nói rằng: này các cụ thọ, thật sự tôi không biết, không thấy mà vọng nói là có biết có thấy thì Bí-sô này phạm Ba la thị ca, không nên cùng ở chung, trừ bậc Tăng thượng mạn.

Nói không biết là đối với cảnh nên biết như vô thường… cho đến nên nhàm lìa và đối với pháp Thượng nhân đều không hiểu rõ. Nói không biết gì hết là đối với cảnh trên không biết như thật, có hay chẳng phải có cho đến các pháp như năm uẩn đều không thật biết, vọng sanh tà giải nên nói phi pháp. Nói tự biết mình không chứng được pháp Thượng nhân tức là tự biết chưa chứng các pháp thắng thượng của bậc Thánh. Nói tịch tĩnh là tối diệu, cũng tức là Niết-bàn; nói Thánh nhân là chỉ cho bậc đã lìa tội ác; nói chứng ngộ thù thắng là ý nói không phải do sắc lực cho đến thông minh mà có thể chứng ngộ được, tức là bốn quả Thánh. Nói tri kiến là chỉ cho Khổ pháp nhẫn và Khổ pháp trí…, hoặc tri là biết rõ khổ không vô thường…, kiến là thấy được trời rồng… Nói an lạc trụ là an trụ trong các địa định và các công đức đã có.

Nếu trước đã đại vọng ngữ, dù không tự nói ra, há không phạm tội Tha thắng hay sao, đâu cần nói thêm vào thời khác có người hỏi hay không có người hỏi mới nói ra?: sở dĩ phải nói thêm câu này là vì người phạm giới nếu tự không nói ra mình đã phạm bổn tội thì người khác sẽ khởi nghi cho là chưa phạm sao lại cho Bất cọng trụ. Nói hư dối là lời nói ra không thật nghĩa, do cầu ăn uống mà nói như thế.

Tướng phạm trong đây là nếu Bí-sô nói tôi thấy Trời, rồng, dạ xoa, Yết lộ đồ, Kiền đạt bà, Khẩn na la, Cưu bàn trà, Yết tra bố đơn na, quỷ Tất xá già…; hoặc nói tôi đến chỗ họ, nghe tiếng họ nói; hoặc họ đến chỗ tôi cùng tôi nói chuyện; nếu người nghe hiểu được thì Bí-sô này phạm Ba la thị ca. Nếu Bí-sô nói tôi chứng được hai mươi pháp Tưởng như tưởng vô thường, tưởng khổ vô thường, tưởng khổ không, tưởng không vô ngã, tưởng nhàm lìa ẩm thực, tưởng không ưa thích tất cả thế gian, tưởng hoạn nạn, tưởng đoạn trừ, tưởng lìa dục, tưởng chấm dứt, tưởng chết chóc, tưởng bất tịnh, tưởng bầm xanh, tưởng phìng trướng, tưởng máu mủ chảy ra, tưởng trùng vòi ăn, tưởng máu huyết đầy khắp, tưởng tan rã, tưởng xương trắng, tưởng quán không, đều phạm bổn tội.

Nếu Bí-sô nói tôi chứng được bốn định, bốn không, bốn vô lương tâm, sáu thần thông; hoặc nói: “Bí-sô A-lan-nhã không bị phi nhân xúc não tức là Thánh nhân, tôi ở nơi đó cũng không bị xúc não”; hoặc nói: “ở trong nhà kia nếu ai là Thánh nhân mới được ngồi trên tòa thắng diệu, tôi ở nơi đó đã được ngồi trên tòa thắng diệu”; hoặc nói: “khi tôi chánh niệm, tôi được pháp tự tướng, hàng phục phiền não”, thì đều phạm bổn tội.

Nếu Bí-sô nói: “tôi đối với ba quả chưa được mà thối chuyển hoặc đã được mà thối chuyển”; hoặc mật ý nói: “tôi là học nhân, học Tỳ-nại-da; tôi là vô học đã học ba tạng; tôi được vô sở hữu, không có y bát dư; thân này của tôi là thân sau cùng; tôi là dư lưu, đã đắc quả đọc tụng; tôi đã lìa ba thứ sợ hãi, đã đoạn trừ phiền não; điều mà các đệ tử Thanh văn của Phật nên được thì tôi đều đã được; tôi là đệ tử Thanh văn của Phật Tý bà thi, ở bên chư Phật quy y… ” thì đều phạm Thô tội. Nếu không mật ý nói mà nói thẳng là tôi đã chứng pháp Thượng nhân thì phạm bổn tội.

Nếu Bí-sô nói: “ai ở trong nhà ấy đều là Thánh nhân, tôi tuy ở trong nhà ấy nhưng không phải là thánh nhân”, hoặc nói: “người khác nói tôi chứng quả Dự lưu, nhưng tôi thật không có đắc; cho đến ba quả còn lại cũng như vậy”; hoặc nói: “hôm nay tôi không nhập được định thế tục, diệu định siêu việt hơn cũng chưa nhập được”; hoặc nói: “tôi ở chỗ đó được Sơ định nhưng không tương ưng với Giác phần”…, thì đều phạm Thô tội. Tùy dùng phương tiện biểu hiện mình có đủ đức huệ thù thắng, nhưng không tự nói là tôi chính là người ấy thì đếu phạm Thô tội; lúc đang nói thì phạm tội Ác tác, người nghe hiểu hay không hiểu mà định tội nặng hay nhẹ.

Nếu thí chủ nói: “ai là Thánh nhân thì đến ngồi tòa này”, Bí-sô im lặng thọ; hoặc thí chủ nói: “ai là A-la-hán thì hãy đến thọ thỉnh thực”, Bí-sô im lặng thọ thì đều phạm Thô tội. Đối diện người nói thật là người, tưởng là người và nghi thì khi người nghe hiểu liền phạm bổn tội; đối diện người nói thật là phi nhân mà tưởng là người và nghi thì phạm Thô tội. Không có người mà tưởng có người, hoặc đối diện người nói là người đang nhập định hay ngủ say hay là kẻ vô tri, hoặc người nghe mà không hiểu… thì đều phạm Thô tội.

Trường hợp không phạm là như tôn giả Đại Mục-kiền-liên dự đoán người nước Phệ xá ly chiến thắng, dự đoán trời mưa cho đến sanh con trai; hoặc nhập định Vô sở hữu nghe được tiếng của voi chúa…

Trong bốn tội Tha thắng, sở dĩ nói việc dâm trước là do duyên phạm có trước sau, lại do việc trước dẫn sanh việc sau mà làm thứ lớp, tức là do làm hạnh bất tịnh nên làm hạnh trộm cắp, do trộm cắp nên hại oan gia, nếu có người hỏi liền vọng ngữ; lại do phiền não dấy khởi mạnh nhất chính là dâm nên chế trước.

Tướng của bốn tội Tha thắng là không nhàm lìa, không nhẫn và không chứng; tướng không nhàm lìa mạnh nhất nên chế hai giới đầu để ngăn tâm tham dâm và tham tài; tướng không nhẫn kế nên chế giới Sát; tướng không chứng nên chế giới Vọng.

Các Đại đức, tôi đã nói bốn pháp Ba la thị ca, nếu Bí-sô phạm mỗi một pháp nào thì không được ở chung, không được cùng làm việc. Như trước (trước khi xuất gia thọ giới), sau (sau khi phạm Ba la thị ca) cũng như vậy, Bí-sô phạm Ba la thị ca thì không được ở chung và cùng làm việc. Nay xin hỏi các Đại đức, trong đây có thanh tịnh không? (3 lần). Các Đại đức, trong đây thanh tịnh vì im lặng. Việc này xin nhớ giữ như vậy.

Hỏi: trước khi xuất gia là người tục không có phần Bí-sô, sau khi phạm Ba la thị ca thì cùng với người tục trước, thể có khác biệt không?

Đáp: khi còn là tục gia không phải là Bí-sô, sau khi phạm tội này thì cùng với trước không có khác, nên trong văn giới nói như trước khi xuất gia thọ giới, sau khi phạm Ba la thị ca cũng như vậy.

II. 13 PHÁP TĂNG GIÀ BÀ THI SA:

Nhiếp tụng:

Tiết, xúc, bỉ, cúng, môi,
(Tiết tinh, xúc chạm, nói thô bỉ, cúng dường, mai mối)
Tiểu phòng, đại tự, báng,
(Xây phòng nhỏ, chùa lớn, vu báng)
Phiến tợ, phá tăng sự,
(Chút tương tợ, việc phá tăng)
Tùy tùng, ô, mạn ngữ.
(Tùy tùng, ô gia và nói khinh mạn).

1. Cố ý tiết tinh:

Phật tại thành Thất-la-phiệt, lúc đó Bí-sô Ô-đà-di do tâm nhiễm tự làm đọng sanh chi nên tiết ra chất bất tịnh, Phật nhân việc này chế 712 học xứ:

Nếu lại có Bí-sô cố ý làm tiết tinh, trừ trong mộng, phạm Tăng già phạt thi sa.

Trong học xứ này, cảnh và việc không có người nữ khác với ba học xứ sau, nhưng có thọ lạc; hai học xứ kế do thân ngữ làm phương tiện, học xứ thứ tư giả lập phương tiện để mong cầu dục lạc. Tinh có năm loại: tinh của Chuyển luân thánh vương và Thái tử quán đảnh có sắc xanh, tinh của các vương tử khác sắc vàng, tinh của luân ấn đại thần sắc đỏ, tinh của người thường sắc trắng…

Trừ trong mộng không phạm, vì trong mộng tuy có tình thức nhưng việc không có định thật để cầu nên không thể dựa vào việc trong mộng để định tội. Dù cho khi tỉnh thức có tâm muốn làm xuất tinh, khi nằm mộng tinh mới xuất thì cũng không phạm bổn tội.

Tăng già bà thi sa có hai nghĩa: một là do chúng trị tội, cũng do chúng trừ tội; hai là thể hữu dư khác với bốn tội đầu là vô dư; cũng gọi là tội Chúng giáo, tức do do vâng lời chúng dạy mà tội được dứt trừ.

Tướng phạm trong đây: nếu Bí-sô ưa thích hoặc do thuốc hoặc muốn thử sức nơi nội thân hay với hữu tình bên ngoài mà tiết tinh thì phạm tội Chúng giáo. Nếu vật bên ngoài không phải là hữu tình, cố ý tiết tinh cũng phạm bổn tội; nếu làm phương tiện như cầm nắm, xúc chạm… tâm thọ lạc muốn xuất tinh, nếu tinh chảy ra thì phạm bổn tội, không chảy ra thì phạm Thô tội. Nếu lúc tỉnh thức làm phương tiện, trong mộng xuất tinh hoặc khi làm phương tiện, tinh sắp động (sắp chảy ra) liền nhiếp niệm thì đều phạm Thô tội. Nếu Nếu cố ý nhảy múa theo tiếng nhạc, hoặc thoa thuốc nơi chỗ ngứa, hoặc đứng ngược dòng nước chảy làm động căn, hoặc do va chạm… làm cho tinh xuất đều phạm Thô tội; nếu tinh không xuất thì phạm tội Ác tác. Nếu cầm nắm sanh chi của người khác hay của mình nên tinh xuất, đều phạm Thô tội; nếu có tâm nhiễm nhìn sanh chi của mình thì phạm tội Ác tác.

Không phạm là do cào gãi chỗ ghẻ ngứa hoặc nhảy qua hầm hố hoặc đi mau, hoặc chạm vào đùi hoặc nhớ vợ cũ, hoặc lúc tắm kỳ cọ; hoặc do va chạm người nữ, tâm phiền não hừng thạnh nên tinh xuất thì đều không phạm. Nếu là người đa dục, Phật khai cho chứa bao da để bọc sanh chi lại, nên dùng da dê hay dai nai, thuộc da cho mềm, rửa sạch phơi khô chớ để có mùi hôi sẽ bị hoại, nên cột nơi thắt lưng, không nên mang vào trong chúng và nơi tháp Phật, chỗ kính lễ.

2. Tâm nhiễm xúc chạm:

Phật tại thành Thất-la-phiệt, lúc đó có nhiều người nữ đến trong tinh xá tham quan, Bí-sô Ô-đà-di dẫn đi đến xem các phòng rồi thuyết pháp cho họ nghe, nhân đây sanh dục nhiễm xúc chạm thân họ để thọ lạc. Phật nhân việc này chế học xứ:

Nếu lại có Bí-sô, do tâm nhiễm ô xúc chạm thân người nữ, hoặc nắm tay, hoặc nắm cánh tay hoặc vuốt tóc cho đến xúc chạm bất cứ thân phần nào để khởi tâm thọ lạc thì phạm Tăng già phạt thi sa.

Tâm nhiễm: tâm nhiễm bị dính mắc có bốn trường hợp: 1. Là có tâm nhiễm nhưng không dính mắc; 2. Là tâm có dính mắc nhưng không có tâm nhiễm; 3. Là có cả hai; 4. Là không có cả hai. Người nữ: chỉ cho người có thể cùng giao hội, nơi thân phần của họ không có thương tổn. Tay là phần trước của cổ tay, Cánh tay là phần sau của cổ tay, tóc là đầu tóc và khăn cột tóc.

Tướng phạm trong đây: tâm nhiễm xúc chạm nếu đủ chín việc thì thành phạm:

  1. Xúc: tay vừa xúc chạm.
  2. Cực xúc: thường xúc chạm nhau.
  3. Dựa: hai thân dựa nhau.
  4. Cầm nắm: đưa tay cầm nắm.
  5. Khiên: từ xa kéo lại gần.
  6. Duệ: ở chỗ gần kéo giữ lấy.
  7. Thượng: nhấc từ dưới lên.
  8. Hạ: từ trên cao để xuống.
  9. Ôm: ôm nhau.

Nếu thân nữ hoại hoặc cả hai thân đều hoại hoặc thân có ghẻ lở, hoặc muốn xúc chạm người này lại chạm nhằm người kia, hoặc sanh nghi không biết là người nay hay người kia, hoặc xúc chạm Bí-sô nhập Diệt tận định, hoặc xúc chạm thân sình trướng cho đến bộ xương thì đều phạm Thô tội.

Nếu Bí-sô có tâm nhiễm xúc chạm người nữ, người nữ này chuyển thành nam hoặc bản thân tự chuyển hoặc cả hai đều chuyển thì phạm Thô tội hoặc Ba la thị ca. Bí-sô xúc chạm người nam, người nam này chuyển thành nữ thì phạm bổn tội, tự chuyển hay cả hai đều chuyển thì phạm Thô tội hoặc Ba la thị ca. Trường hợp Bí-sô ni cũng giống như vậy nên biết. Nếu xúc chạm người nữ nhỏ tuổi không thể hành dâm, người nam và Bán trạch ca thì phạm Thô tội.

Người nữ tưởng là người nữ và nghi, tâm nhiễm xúc chạm thì phạm bổn tội; người nữ tưởng là phi nhân nữ và nghi thì phạm Thô tội; phi nhân nữ tưởng là người nữ và nghi thì phạm tội Ác tác. Nếu đối

tượng là mẹ hay chị em, khi chạm thân họ có tâm thọ lạc thì phạm Thô tội, vì có tâm hổ thẹn thì tâm nhiễm không sanh; nếu không có tâm hổ thẹn thì phạm bổn tội. Bí-sô không nên vẽ hình tượng người nữ, nếu vẽ thì phạm tội Ác tác. Không phạm là vẽ bộ xương trắng, đầu lâu hoặc xúc chạm mẹ hay chị em mà không có tâm nhiễm; hoặc xúc chạm người nữ mà tưởng là mẹ… hoặc tuy xúc chạm nhưng giống như chạm vào đất; hoặc có tâm tốt sờ xem nóng hay lạnh; hoặc thấy người nữ sa vào trong lửa, thấy uống thuốc độc, thấp cầm dao tự cắt, thấy bị nước cuốn trôi… khởi tâm cứu vớt. Nếu thấy người nữ bị nước cuốn trôi, nếu biết mình có khả năng thì nên xuống nước vớt họ lên, nhưng không nên sanh tâm nhiễm, nên khởi tưởng là mẹ mình. Nếu người nữ kia không cử động được thì nên đặt họ nằm trên đất và chăm sóc họ chớ có bỏ đi, nhưng không được ở gần sát bên họ; nếu có việc gấp cần phải đi thì nên nhờ người chăm sóc, việc xong nên trở lại xem họ sống chết thế nào.

Có năm loại bàng sanh có thể cỡi qua sông, đó là voi, ngựa, bò, trâu và mao ngưu; nếu là bàng sanh cái thì không nên cỡi; nếu dùng phao thì không nên sơn vẽ nhiều màu trên đó. Nếu mẹ hay con gái đến ôm hoặc bỗng té ngã lên người nữ hoặc nơi đường hẹp chạm phải vai người nữ thì đều không phạm, vì vậy khi đi vào trong thôn xóm khất thực nên khéo dụng tâm. Nếu có người nữ với tâm nhiễm đến xin nước uống, Bí-sô không nên liên tục rót nước cho uống, đợi uống gần hết mới rót thêm, nếu làm trái thì phạm tội Ác tác; nếu người nữ không có tâm nhiễm thì rót liên tục không phạm.

3. Nói lời thô tục tương ưng với dâm dục:

Phật tại thành Thất-la-phiệt, lúc đó Bí-sô Ô-đà-di thấy nhiều người nữ vào chùa, khi dẫn họ đi tham quan các nơi, do tâm nhiễm nên đối trước họ nói ra những lời thô tục tương ưng với dâm dục. Phật nhân việc này chế học xứ:

Nếu lại có Bí-sô do tâm nhiễm dính mắc nói lời thô tục (lời yêu đương trăng gió) với người nữ, tương ưng với dâm dục như lời hai vợ chồng nói với nhau thì phạm Tăng già phạt thi sa.

Tâm nhiễm: giải thích như trên, người nữ: chỉ cho người hiểu được tốt xấu. Trong giới này hiển rõ bốn việc:

1. Lỗi lầm: tức là nói lời thô tục, tự thể và nhân đều là tạp nhiễm.

2. Cọng tướng: nói lời phi pháp.

3. Tự tướng: lời tương ưng với dâm dục.. Ví dụ: như vợ chồng nói với nhau.

Tướng phạm trong đây: có chín trường hợp nói đều thành bổn tội là nói đẹp, nói xấu, nói thẳng, nói quanh co, hỏi thẳng, hỏi quanh co, dẫn việc, khen ngợi, giận mắng; nếu người nghe không hiểu thì Bí-sô phạm Thô tội. Nói đẹp là nói cô rất đẹp, rất đáng yêu; nói xấu là nói cô không đẹp, không đáng yêu; nói thẳng là nói hãy đến cùng tôi làm việc như thế như thế; nói quanh co là nói nếu cô yêu tôi thì tôi cũng yêu cô; hỏi thẳng là nói nếu người nữ nào làm việc như thế thì sẽ được người nam yêu, cô có thể làm việc như thế không; hỏi quanh co là nói nếu người nữ làm việc như thế thì được người nam yêu, cô đâu có làm việc như thế phải không; nói dẫn việc là nói trước đây có người nữ tên _____ đã cùng tôi làm việc như thế, cô cũng nên cùng tôi làm việc như thế; nói khen ngợi: là nói nếu cô cùng tôi làm việc như thế thì sẽ được phước lạc ở cõi trời; nói giận trách là nói lời giận hờn trách móc. Nếu còn cách nói nào khác tương ưng với dâm dục thì đều phạm bổn tội, như nói với người nữ: “hãy cho tôi nước”, đáp là không có nước, liền nói: “cô chính là nước”; hoặc người nữ hỏi vì sao không vui, Bí-sô đáp là vì muốn được cô. Nếu người có tánh ưa nói lời thô chọc ghẹo hoặc đối trước người nam, Bán trạch ca, hoặc có người nữ mà tưởng là không có người nữ mà nói ra những lời thô tục này thì đều phạm Thô tội. Nếu đối trước bé trai hay Bán trạch ca nhỏ tuổi hoặc bàng sanh hoặc không có người nữ, tưởng là có mà nói thì đều phạm tội Ác tác. Nếu không khởi tâm hạn cuộc thì tùy đối trước người nữ nói lời thô tục tương ưng với dâm dục đều phạm bổn tội; nếu khởi tâm hạn cuộc là đối trước người nữ này mới nói, người nữ khác không nói nhưng khi nói lại có người nữ khác thì chỉ phạm Thô tội. Lời nói thô tục nhưng tưởng là không thô tục mà nói thì không phạm; nếu lời thô tục tưởng là lời thô tục và nghi mà nói, hoặc người nghe là người nữ, tưởng là người nữ và nghi mà nói thì đều phạm bổn tội. Nếu người nghe là phi nhân nữ, tưởng là người nữ và nghi mà nói thì phạm Thô tội; nếu phi nhân nữ tưởng là phi nhân nữ thì phạm tội Ác tác.

4. Đòi hỏi cúng dường thân:

Phật tại thành Thất-la-phiệt, lúc đó Bí-sô Ô-đà-di đến chỗ người nữ đòi hỏi cúng dường thân nên Phật chế học xứ:

Nếu lại có Bí-sô do tâm nhiễm dính mắc, ở trước người nữ tự khen ngợi mình rằng: này các vị, nếu Bí-sô nào tương tợ như tôi đầy đủ thi la, có pháp thắng thiện, tu phạm hạnh thì hãy đem pháp dâm dục cúng dường. Nếu Bí-sô nói lời như vậy thì phạm Tăng già phạt thi sa.

Nói đầy đủ thi la là giới uẩn viên mãn, nói có pháp thắng thiện là định uẩn đầy đủ, nói tu phạm hạnh là tương ưng với tuệ uẩn. Có mười tám tướng phạm là tối, thắng, thù, diệu, hiền, thiện, ứng cúng, khả ái, quảng bác; cực tối, cực thắng, cực thù, cực diệu, cực hiền, cực thiện, cực ứng cúng, cực khả ái, cực quảng bác, đều là tự khen ngợi mình có thiện pháp viên mãn. Nếu có tâm nhiễm tự khen ngợi mình như thế để mong cầu cúng dường thân, người nghe hiểu được thì phạm bổn tội.

5. Làm mai mối:

Phật tại thành Thất-la-phiệt, lúc đó Bí-sô Ca lô mật lật già la tử làm việc mai mối khiến cho các cư sĩ có người khen, có người chê và bị các ngoại đạo chê cười nên Phật chế học xứ: Nếu lại có Bí-sô làm việc mai mối, đem ý của người nam nói với người nữ, đem ý của người nữ nói với người nam hoặc để tác thành chồng vợ hoặc việc tư thông dù chỉ trong chốc lát, phạm Tăng già phạt thi sa.

Trong học xứ này hiển rõ làm đủ ba việc liền thành phạm:

1. Chủ định: là Bí-sô đem ý của người nam đến nói với người nữ, đem ý của người nữ đến nói với người nam.

2. Sự định: mai mối cho hai bên nam nữ để thành việc vợ chồng hay tư thông.

3. Thời định: cho đến trong chốc lát.

Có bảy loại vợ là vợ thủy thọ, vợ tài sính, vợ vương kỳ, vợ tự nhạo, vợ y thực, vợ cộng hoạt và vợ tu du. Vợ thủy thọ là cha mẹ đưa nước cho chàng rễ để giao phó con gái; vợ tài sính là cha mẹ nhận sính lễ rồi mới gả con gái; vợ vương kỳ là vua đi chinh phạt nước khác hoặc chúa giặc đánh cướp thôn xóm bắt được phụ nữ đem về làm thê thiếp; vợ tự nhạo là người nữ này mong muốn được làm vợ người kia; vợ y thực là người nữ này vì cầu y thực mà đến làm vợ người kia; vợ cộng hoạt: là cả hai đều có tài sản riêng cùng giao ước ở chung nhau kết làm vợ chồng; vợ tu du là làm vợ chồng không lâu dài, chỉ trong thời gian ngắn, cũng gọi là vô tạp phụ, tức là người vợ này giữ pháp thanh cư, tới lui với chồng khác với người thường.

Về tư thông có mười loại người nữ đã được bảo hộ, đó là cha bảo hộ, mẹ bảo hộ, anh em bảo hộ, chị em bảo hộ, đại công bảo hộ, đại gia bảo hộ, người thân bảo hộ, chủng tộc bảo hộ, dòng họ bảo hộ và vương pháp bảo hộ. Nếu Bí-sô nơi bảy loại vợ và mười loại người nữ được bảo hộ mà làm mai mối, nhận lời của người này, đến nói với người kia và trở về báo lại tổng cộng ba lần, hoặc tự đi hoặc bảo người khác đi, hoặc sai chuyền đi đủ cả ba lần, việc thành thì phạm bổn tội. Nếu tự làm một lần, sai người khác làm hai lần; hoặc tự làm hai lần, sai người khác làm một lần, việc thành cũng phạm bổn tội; nếu việc không thành thì phạm Thô tội. Lại nữa nếu mai mối cho cả hai bên đều là Tôn (giàu có, tôn quý) đủ ba lần và việc thành thì phạm bổn tội; nếu một bên là Tôn, một bên là Ti (nghèo, giai cấp thấp hèn ), nhận lời bên Tôn đến nói với bên Ti, hoặc nhận lời bên Ti đến nói với bên Tôn thì phạm Thô tội. Lại có ba việc tuy không trở về báo lại cũng thành phạm, đó là:

1. Hen chỗ: như nói nếu thấy tôi đứng ở chỗ _____ thì biết việc đã thành.

2. Định thời: như nói nếu vào giờ đó thấy tôi đi ra thì biết việc đã thành.

3. Hiện tướng: như nói nếu thấy tôi mang bát hay đắp y mới đi ra thì biết việc đã thành.

Lại có ba cách làm mai mối: nói, đưa thư và in dấu tay, tùy dùng một cách đủ ba lần: nhận lời, đến kia nói và trở về báo lại thì đều phạm bổn tội. Lại có bảy cách chia tay, Bí-sô mai mối làm cho hòa hợp trở lại:

  1. Đang lúc tranh cãi liền chia tay.
  2. Tranh cãi xong liền chia tay.
  3. Bẻ cỏ làm tướng chia tay.
  4. Ném ngói gạch làm tướng chia tay.
  5. Đối chứng nói chia tay.
  6. Nói người này không phải vợ tôi.
  7. Báo cho mọi người biết hai vợ chồng đã ly hôn.

Ba loại vợ đầu trong bảy loại vợ chia tay với chồng theo ba cách đầu, Bí-sô mai mối làm cho hòa hợp lại thì phạm tội Ác tác, chia tay theo ba cách kế mà làm cho hòa hợp lại thì phạm Thô tội, đã ly hôn mà làm cho hòa hợp trở lại thì phạm bổn tội. Bốn loại vợ sau và mười loại người nữ được bảo hộ trong trường hợp tư thông, tùy chia tay theo cách nào trong bảy cách trên mà làm cho hòa hợp lại thì phạm bổn tội.

Nếu chỉ bụng mai mối mà một người sanh trai, một người sanh gái hoặc cả hai đều sanh trai hay cả hai đều sanh gái; hoặc làm mai cho phi nhân, hoặc làm mai cho Bí-sô hay Bí-sô ni hay người phạm hạnh, hoặc tự làm mai cho mình, đều phạm Thô tội. Khi làm mai mối, nếu một bên chuyển hình hoặc cả hai bên đều chuyển hình, hoặc bị tâm loạn… đều phạm Thô tội. Nếu có người đến yêu cầu chúng tăng làm mai mối, chúng tăng hòa hợp sai một người làm, việc thành thì chúng tăng đều phạm bổn tội; nếu một người tự ý làm việc này không đợi Tăng sai, việc thành thì chỉ một người này phạm bổn tội. Nếu làm mai xong mà cha mẹ đổi ý hoặc người nam hay người nữ kia qua đời, hoặc mắc bịnh… do thiếu duyên nên việc không thành thì Bí-sô chỉ phạm Thô tội. Nếu nói với người nữ sao không lấy chồng, hay nói với người nam sao không lấy vợ thì phạm tội Ác tác. Nếu nói nhà kia có con gái sao không đến cầu hôn, do có ý làm mai nên phạm Thô tội. Nếu người nữ hay người nam nhờ Bí-sô đưa tin, Bí-sô hiểu ý làm theo lời thì phạm Thô tội, không hiểu ý thì không phạm.

6. Xây cất phòng nhỏ:

Phật tại thành Thất-la-phiệt, lúc đó các Bí-sô vì làm phòng ốc cho mình, nhiều việc lo toan nên bỏ phế việc tu phẩm thiện; lại do thường lui tới nhà thí chủ khất cầu nên xúc não họ, Phật nhân việc này chế học xứ:

Nếu lại có Bí-sô tự khất cầu để xây cất phòng nhỏ, không có thí chủ, vì mình mà làm thì phải làm đúng lượng là dài mười hai gang tay của Phật và rộng bảy gang tay của Phật. Bí-sô này phải đưa các Bí-sô đến xem xét chỗ xây cất, các Bí-sô kia phải xem xét chỗ xây cất nay có phải là chỗ tịnh, đúng pháp không, chỗ có tranh chấp không, chỗ có tiến thú không. Nếu Bí-sô ở chỗ không tịnh, không đúng pháp, có tranh chấp, không có tiến thú mà tự khất cầu để xây cất phòng nhỏ, không có thí chủ, vì mình mà làm, không đưa các Bí-sô đến xem xét chỗ xây cất, lại xây cất quá lượng đã chế thì phạm Tăng già phạt thi sa.

Nói tự khất cầu tùy theo sở thích của mình để xây cất phòng nhỏ cho mình, hoặc tự làm hoặc nhờ người làm, không phải làm cho Tăng. Nói phải làm đúng lượng vì nếu làm quá lớn thì nhiều việc bỏ phế chánh nghiệp, nếu quá nhỏ thì sợ có tai họa đến bất chợt. Nói Bí-sô phải đưa các Bí-sô đến xem chỗ muốn xây cất là để phòng ngừa ba việc: một là không đúng lượng, hai là nếu nơi đó có hang chuột, rắn hay rít… thì gọi là không thanh tịnh,, ba là nếu nơi đó gần cung vua, hoặc nhà trưởng giả, nhà ngoại đạo, chùa ni hoặc phải đốn bỏ đại thọ thì gọi là có tranh chấp; hoặc chung quanh nơi đó trong vòng một tầm có giếng nước, có vách núi cheo leo thì gọi là không có tiến thú. Nếu đủ ba việc này thì Tăng không nên cho xây, Bí-sô được sai đến xem xong, nếu thấy không có các trở ngại kể trên thì khi trở về nên bạch trước chúng tăng:

Đại đức tăng lắng nghe, tôi Bí-sô _____ đã xem xét chỗ đất kia xong, thấy nơi đó như pháp, thanh tịnh, không có tranh chấp, xin hãy biết thời.

Tăng nên tác pháp yết ma cho phép xây, nếu có đủ ba việc trên, làm phòng xong, có thể ở được thì phạm bổn tội; nếu nột việc trong ba việc trên, hoặc làm quá lượng nhưng nửa chừng ngừng làm, hoặc bị người khác cướp đoạt, hoặc vừa mởi khởi công liền qua đời hoặc hoàn tục làm bạch y hoặc thối xuống làm Sa di, hoặc dùng vật liệu của mình mà làm thì đềuphạm Thô tội. Nếu Bí-sô nói với Bí-sô khác: “hãy giúp tôi làm phòng nhưng chớ làm quá lượng”, nếu Bí-sô kia làm quá lượng thì Bí-sô kia phạm tội; nếu bảo người khác làm phòng và nói là nơi đấy như pháp, thanh tịnh nhưng thật sự là không thanh tịnh như pháp thì cả hai đều phạm tội. Nếu mười người cùng khởi phương tiện làm một phòng thì cả mười người đều phạm tội. Không phạm là được phòng đã làm xong trước rồi hay phòng cũ đã có người thọ dụng rồi.

 

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14