CĂN BẢN TÁT BÀ ĐA BỘ LUẬT NHIẾP

Nguyên tác: Tôn giả Thắng Hữu – Hán dịch: Tam tạng Pháp sư Nghĩa Tịnh đời Đường. TQ
Việt dịch: Ban phiên dịch chùa Pháp Bảo, HT Thích Tịnh Hạnh giám tu – năm 2005
Hiệu đính và nhuận văn: NS Thích nữ Như Lộc tại chùa Phổ Minh. Năm 2010.

QUYỂN 9

6. Cùng người chưa thọ Cận viên đọc tụng:

Duyên xứ như trên, lúc đó Lục chúng Bí-sô cùng những người chưa thọ Cận viên đồng thanh đọc tụng làm ồn náo như pháp của Bà-lamôn, Phật nhân việc này chế học xứ:

Nếu Bí-sô cùng người chưa thọ Cận viên đồng câu đọc tụng và dạy pháp thì phạm Ba-dật-đề.

Nói người là giả không phải thật, vì do bốn nghĩa giả nhưng thuận theo thế tục mà gọi là người, nếu nói khác họ sẽ kinh sợ. Nói đồng câu là hoặc đồng câu hoặc trước câu, hoặc đồng chữ, trước chữ; nếu đọc tụng cùng một lúc thì gọi là đồng câu, nếu A-giá-lợi-da chưa đọc xong, đệ tử liền đọc theo thì gọi là trước câu; nói dạy pháp là dạy mười hai phần giáo, có thuyết nói pháp trong đây là pháp tương ưng với Tỳnại-da; chế ngăn người chưa thọ cụ, nếu thọ cụ thì không phạm. Nếu Bí-sô dạy pháp cho người thật chưa thọ Cận viên, khởi tưởng chưa thọ Cận viên và nghi mà đọc tụng đồng câu hoặc trước câu, đồng chữ hay trước chữ thì phạm Ba-dật-đề; nếu đối tượng là phi nhân, bàng sanh hay người điên cuồng tâm loạn, tâm bịnh hoại… thì phạm tội Ác tác. Nếu người tục vì tìm lỗi hoặc có tâm trộm pháp, hoặc không tín kính, không hiểu biết gì hoặc là ngoại đạo mà nói lời tương ưng với luật cho họ nghe thì phạm Đọa. Nếu chúa giặc hoặc vua hoặc người tín kính muốn nghe giới kinh, nói cho họ nghe thì không phạm. Có năm hạng người không nên nói Tỳ-nại-da cho họ nghe: một là người tánh không hiểu biết gì mà gắng gượng hỏi, hai là người không phải vì trừ nghi mà hỏi, ba là người hỏi để thử, bốn là người muốn xúc não nên hỏi, năm là người hỏi để tìm lỗi; ngược với năm hạng người trên thì nói cho họ nghe không phạm. Không phạm là nói cà lăm, tánh hấp tấp hoặc đồng tụng câu chánh văn, hoặc trước khi dạy pháp có bảo người kia không được đồng đọc tụng.

Người thọ pháp phải đủ oai nghi, không nên khi thọ pháp mà ngủ gật; hễ là đệ tử thì dù già hay trẻ, khi đến chỗ thầy thỉnh hỏi đều nên cung kính chắp tay, trước thăm hỏi thầy có an không, kế thỉnh thầy quyết nghi, thầy dạy nên nhất tâm lãnh thọ không để cho quên mất, thọ pháp xong đảnh lễ thầy rồi lui ra. Nếu thầy ra ngoài có việc phải đi theo thì nên đi sau thầy, thầy ngồi mình nên đứng một bên hoặc ngồi ở ghế thấp. Thầy đối với đệ tử nên quý trọng chớ nên khinh miệt và dạy bảo với tâm hư dối, cũng không nên có tâm xẻn pháp, có nhẫn có thương, không khởi sân giận để người thọ pháp không sanh phiền não. Đối với người thường hầu hạ,thầy nên thường dạy bảo; đối với người bẩm tánh ngu độ cũng nên dạy riêng. Nếu khi thuyết pháp, dạy pháp bằng giọng ca vịnh thì phạm tội Ác tác, tụng kinh thì không phạm; không nên đọc tụng kinh sách ngoại đạo, nếu muốn hàng phục ngoại đạo, tự biết mình có khả năng thì mỗi ngày ba thời nên dành hơn hai thời phần để học Phật pháp, thời phần còn lại mới nghiên cứu ngoại thư. Không nên chia năm tháng làm thời phần, nên chia ngày đêm ba thời, đầu đêm sau đêm tu định, giữa đêm ngủ nghỉ. Nếu đọc tụng kinh theo tiết đoạn va âm vận của Bà-la-môn thì phạm tội Việt pháp; dù là phương ngôn hay quốc ngữ, tùy thời ngâm vịnh để xướng dắt, cũng không phạm. Bí-sô nên học luật của Bí-sô ni để khi ni thỉnh giáo thọ, như pháp mà giáo thọ hoặc có nghi thì giải nghi cho họ. Nếu khi thuyết giảng mà quên nhân duyên, chỗ ở, phương xứ thì tại sáu thành lớn là nơi Như lai trú lâu nhất ở trong đại Chế để, nói ra những nơi ấy thì không phạm. Nếu quên hiệu của các vua thì nói vua Thắng quang, nếu quên trưởng giả thì nói trưởng giả Cấp-cô-độc, nếu quên Ô-ba-tư-ca thì nói Tỳ-xá-khư… nên biết như vậy. Đối với nơi khác thì tùy theo vua hay trưởng giả ở nơi đó mà nói. Nếu nói về nhân duyên sự việc đời trước thì tùy thời mà nói, như nói thành Bà-la-nê-tư thì có vua hiệu Phạm thọ, có trưởng giả tên Tương tục, có Ô-ba-tư-ca tên Trưởng tịnh. Lại nữa vào ngày mồng tám, mười bốn mỗi tháng, Bí-sô ở trú xứ vào bữa tiểu thực nên đánh kiền chùy nhóm chúng để thuyết kinh pháp, nếu ngoại đạo đến thì nên phương tiện bảo họ đi ra. Nên thỉnh bậc kỳ túc thuyết kinh pháp, người thuyết pháp không nên cầu lợi để nuôi mạng sống; nếu người thuyết pháp nói phi pháp thì Thượng tòa nên ngăn lại; người thuyết pháp cũng không nên dẫn nhiều đồ đệ làm thị tùng, nếu họ tự nguyện đi theo thì không phạm. Người thuyết pháp nên ngồi tòa cao và nếu người khác không thỉnh mà liền vì nói thì phạm tội Việt pháp.

7. Nói tội Thô của người khác cho người chưa thọ Cận viên nghe:

Duyên xứ như trên, lúc đó trong Lục chúng Bí-sô có một Bí-sô già phạm tội Tăng già bà thi sa, bị tăng trị phạt; các Bí-sô khác nói cho người chưa thọ Cận viên nghe, khiến họ khinh miệt Bí-sô già kia, Phật nhân việc này chế học xứ:

Nếu Bí-sô biết Bí-sô khác có tội thô mà nói cho người chưa thọ Cận viên nghe thì Bí-sô này phạm Ba-dật-đề, trừ Tăng yết ma cho nói.

Tội thô là tội thuộc hai bộ giới đầu và tội phương tiện; nói trừ Tăng yết ma là như trường hợp của Bí-sô Quảng Ngạch và Bí-sô ni Tùng thọ, Phật bảo các Bí-sô tác yết ma sai người đi nói tội của họ cho người tục biết; nếu một mình vị này không thể làm được thì Tăng nên tác đơn bạch cho cả chùng cùng nói, do một người đi nói thì dễ bị hại nên cho nhiều người nói, mục đích để ngăn Bí-sô ác làm tổn giảm Tam bảo và ngăn bè nhóm ác phá giới tăng thêm, muốn khiến họ bỏ bạn ác gần bạn lành; lại cũng muốn hộ tâm mọi người, chớ để họ cho là Tăng đồng ác hạnh và cho là các Bí-sô phần đông là phạm giới hạnh, che giấu cho nhau; cũng ngăn Bí-sô ác đến nhà bạch y làm điều không lợi ích.

Nếu người tục trước không biết Bí-sô kia có tội Thô, Bí-sô tưởng không biết và nghi mà nói tội Thô của Bí-sô kia cho nghe thì phạm Badật-đề; nếu nói tội Thô của mình, hoặc khi nói tội Thô của người khác, người nghe không hiểu thì phạm tội Ác tác. Tuy được Tăng yết ma cho nói, nhưng nếu nói cho người chưa biết có tâm phẩn nộ riêng tư thì cũng phạm tội Ác tác. Không phạm là tội của người đó, mọi người trong thành ấp thả đều nghe biết, nếu có chưa biết, tưởng là biết mà nói, hoặc nói cho người Kiến đế nghe thì không phạm.

8. Thật được pháp của bậc thượng nhân nói cho người chưa thọ Cận viên nghe biết:

Phật tại thành Phệ xá ly, bên sông Bạt lũ mạt để, lúc đó các Bí-sô trước kia chưa thật được pháp của bậc thượng nhân, nay đã được nên đem nói cho người chưa thọ Cận viên biết. Phật nhân việc này chế học xứ:

Nếu Bí-sô ở trước người chưa thọ Cận viên nói tôi được pháp hơn người, nếu là thật thấy biết nên nói là thấy biết như vậy, thì Bí-sô này phạm Ba-dật-đề.

Giới này khác với giới đại vọng ngữ ở chỗ giới kia là hư, giới này là thật; giới kia phạm trọng, giới này phạm khinh; giới kia tội phương tiện là Tốt-thổ-la để, giới này tội phương tiện là Ác tác. Tướng phạm trong giới này là nếu Bí-sô thật được pháp của bậc thượng nhân, nói cho người chưa thọ Cận viên nghe biết thì phạm Đọa; nếu đối trước phi nhân, người điên cuồng… thì phạm tội Ác tác. Nếu trong tay Bí-sô đang cầm quả, có người hỏi thầy được quả phải không, nếu ý ở nơi quả trong tay mà đáp là được thì phạm tội Ác tác; nếu ý ở nơi quả Thánh mà đáp là được thì phạm Đọa; đối trước người tục hiện thần thông cũng phạm tội Ác tác; Bí-sô ni đối trước Phật mà hiện thần thông cũng phạm tội Ác tác. Không phạm là vì muốn cho Thánh giáo được hiển hiện nên hiện các thần biến hoặc tự hiển bày đức của mình, hoặc muốn tâm hữu tình kia được giáo hóa điều phục nên nói không phạm.

9. Vu báng hồi chuyển lợi vật của chúng:

Phật tại thành Vương xá, lúc đó Bí-sô Thật-lực-tử làm việc chúng nặng nhọc nên ba y đều hư rách, Phật bảo các Bí-sô tác yết ma cho Thật-lực-tử y. Trong chúng có hai anh em Mật-đát-la và Bộ-nhĩ-ca do đời trước có oán thù với Thật-lực-tử nên nhân việc này vu báng để xúc não Thật-lực-tử, các Bí-sô cũng vì việc này sanh tranh cãi. Phật chế học xứ:

Nếu Bí-sô trước đã hoan hỉ cho, sau lại nói rằng: “các Bí-sô tùy thuận người quen biết nên hồi chuyển vật của Tăng đem cho”, thì Bí-sô này phạm Ba-dật-đề.

Nói đã hoan hỉ cho là tâm hòa đồng với việc mà Tăng đã làm; nói tùy thuận người quen biết tức là A-giá-lợi-da, Ô-ba-đà-da và các môn nhân ở chung; nói lợi vật là dựa trên duyên khởi mà nói, bao gồm y lợi và thực lợi.

Trong đây phạm là không hồi chuyển, khởi tưởng không hồi chuyển và nghi thì phạm Ba-dật-đề; hồi chuyển, khởi tưởng không hồi chuyển thì phạm tội Ác tác; không phạm là hồi chuyển hay không hồi chuyển mà khởi tưởng là hồi chuyển.

10. Khinh chê học xứ:

Phật tại vườn Cấp-cô-độc, thành Thất-la-phiệt, lúc đó Lục chúng Bí-sô mỗi nửa tháng nghe thuyết Ba-la-đề-mộc-xoa; khi nghe thuyết Ba la thị ca thì im lặng, nghe thuyết đến Tăng già bà thi sa… liền sanh bất nhẫn nói ra lời khinh chê học xứ nên Phật chế học xứ:

Nếu Bí-sô khi thuyết giới nói rằng: “cụ thọ sao lại nói những giới vụn vặt ấy làm chi, mỗi nửa tháng từ trong Giới kinh nói những giới này làm cho Bí-sô khác tâm sanh hối, tâm hoại, tâm phiền não, áy náy, ưu sầu không vui”, nói lời khinh chê giới như vậy thì Bí-sô này phạm Badật-đề.

Nói thuyết giới là bắt đầu từ lời tựa giới, bốn pháp Ba la thị ca cho đến hết bảy pháp Diệt tránh, tổng nhiếp các việc và nhưng học xứ vụn vặt đã có. Do Lục chúng Bí-sô thường hay phạm tội nên khi nghe đến những giới này, tâm tình không vui nên nói ra lời chê trách, khinh chê học xứ như thế. Nói vụn vặt là chỉ cho ba bộ giới dưới. Nói tâm sanh hối… là đối với điều mình ưa thích lại không ưa thích, điều nên làm lại không làm; do hối nên phiền não, ưu sầu không vui, khi nói ra lời khinh chê này liền phạm Đọa. Nếu đối với mười bảy việc trong Ni đà na. Mục đắc ca, tăng năm, tăng sáu cho đến tăng mười sáu… và các kinh khác tương ưng với Tỳ-nại-da mà khinh chế đều phạm Ba-dật-đề; không tương ưng với Tỳ-nại-da thì phạm tội Ác tác. Cảnh tưởng và nghi giống như trên.

11. Hoại chủng tử sống:

Duyên xứ như trên, lúc đó có Bí-sô trước kia là thợ xây dựng, vì muốn làm chùa nên đốn chặt cây đại thọ thù thắng gần miếu thờ trời, thần cây ngay trong đêm đó đến chỗ Phật bạch lại việc trên. Phật an ủi thần cây rồi bảo các Bí-sô: “các thầy không nên đốn chặt cây cối, nếu vì muốn làm chùa cần đốn chặt cây thì trước đó khoảng bảy tám ngày, ở nơi gốc cây đó làm Mạn đà la, đọc kinh ba lần xong liền nói bố thí chú nguyện, kế nói mười nghiệp bất thiện là nhân của đọa lạc và khuyên tu mười thiện nghiệp để được quả giải thoát”, kế nói rằng: “nếu trên cây này có thần nương ở, nay nên đi chỗ khác; tôi vì tăng làm chùa hay tháp”, nói như thế xong mới đốn chặt. Nếu khi chặt có hiện tướng lạ thì nên ca ngợi phước bố thí, chê trách bỏn xẻn; nếu vẫn hiện tướng lạ thì không nên chặt. Do Lục chúng Bí-sô tự tay chặt cỏ cây, ngoại đạo và người tục thấy liền chê trách là không có tâm từ mẫn, làm tổn hại chỗ ở của chúng sanh và thôn xóm của quỷ thần, nên Phật chế học xứ: Nếu Bí-sô tự hoại chủng tử sống là thôn xóm của hữu tình, hoặc bảo người khác làm thì phạm Ba-dật-đề.

Chủng tử có năm loại:

1. Căn chủng: loại sinh từ củ, từ gốc như hương phụ tử, gừng, khoai…

2. Hành chủng: loại sinh từ thân cành như cây Bồ đề, thạch lựu…

3. Tiết chủng: loại sinh từ lóng đốt như mía, tre…

4. Khai liệt chủng: loại sinh từ hạt nứt tét ra, nẩy mầm và tăng trưởng như hạt đào, hạt đậu…

5. Dị tử chủng: loại sinh từ hột khác loại như từ lông dê mà sanh cỏ Đề xanh, từ phân bò sanh hoa sen xanh; lúa bắp… vừa là dị tử chủng vừa là khai liệt chủng, vì cũng do nứt hạt mà nẩy mầm, cũng gọi là Tử tử chủng.

Nói quỷ thần thôn là cây cối trong rừng đều là nơi nương ở của cầm thú và quỷ thần, giống như thôn xóm của người; nói hoại là bao gồm bẻ, nhổ, đốn chặt… Nếu Bí-sô nơi chủng tử, cây cỏ sống, khởi tưởng chủng tử cây cỏ sống và nghi mà dùng dao, cưa để đốn chặt, hoặc dùng móng tay ngắt, dùng tay bẻ… làm tổn hại khiến cho chúng khô chết, hoặc ở chỗ kinh hành giẫm đạp cỏ tươi, tự làm hay bảo người làm đều phạm bổn tội, nếu chúng không thương tổn thì phạm tội Ác tác. Nếu làm tổn hoại riêng từng loài thì tùy tổn hoại bao nhiêu phạm Đọa bấy nhiêu, nếu dùng nhiều phương tiện thì đều phạm tội Ác tác, nếu dùng một phương tiện làm tổn hoại nhiều loài thì phạm một tội Ác tác và nhiều tội Đọa. Trong các học xứ khác, vọng về cảnh và tâm mà luận tội nhân quả; còn trong học xứ này, nếu cây cỏ mới mọc, lúa hoặc trái đã chín, hoa đã nở… mà làm cho rơi rụng thì đều phạm tội Ác tác; nếu là cây cỏ sống, trái xanh, hoa chưa nở… làm rụng thì phạm Đọa; khuấy động bèo, rêu nổi trên mặt nước thì phạm tội Ác tác, vớt ra khỏi mặt nước thì phạm Đọa.

Tổ chim hay ong nếu chưa đẻ trứng hoặc đã đẻ trứng nhưnh trứng hư thì trừ bỏ khong phạm, nếu muốn dời tổ của chúng đi chỗ khác thì nên cẩn thận chớ làm tổn thương chúng; nếu khi quét dọn… vô tình làm tổn thương chúng thì không phạm. Các loại rau củ nếu thọ nên tác tịnh rồi mới được ăn, có năm cách tác tịnh là hỏa tịnh, đao tịnh, tiến tịnh, điểu tịnh và chỉ giáp (móng tay) tịnh; lại có năm cách tác tịnh là rơi rụng hư, nhổ lên, vặn đứt, bửa ra và không phải hạt giống. Hỏa tịnh là như có nhiều trái cây nên nhóm lại một đống rồi dùng lửa châm vào ba bốn chỗ để làm tịnh; nếu tác tịnh riêng thì dùng dao hay móng tay bấm vào; nếu là hạt giống sống mà có chỗ tổn cũng gọi là tịnh; loại không phải hạt giống tức là giống hư không thể nẩy mầm, nấu ăn không phạm. Nếu Bí-sô tự cầm dao tác tịnh thì khi ăn không phạm, nhưng khi tác tịnh phạm Đọa; nếu tự dùng hỏa tịnh thì có lỗi tự nấu, ở chỗ không phải là tịnh địa nấu thì có lỗi bên trong nấu, đều không nên ăn; nếu đi đường hiểm không có tịnh nhân hay người chưa thọ Cận viên hoặc vào thời buổi mất mùa đói kém thì tự tác tịnh không phạm.

12. Chê bai khinh hủy Bí-sô:

Phật tại thành Vương xá, lúc đó Bí-sô Thật-lực-tử được Tăng sai làm người phân chia ngọa cụ và thức ăn, hai anh em Mật-đát-la và Bộnhĩ-ca do có oán thù đời trước nên thường phỉ báng Thật-lực-tử. Tăng đã tác pháp quở trách nhưng vẫn đối trước mặt Thật-lực-tử nói lời chê bai khinh hủy, nên Phật chế học xứ:

Nếu Bí-sô chê bai khinh hủy Bí-sô khác thì phạm Ba-dật-đề.

Chê bai hủy bàng có hai: trước mặt và ở chỗ khuất, trong học xứ này là đối trước mặt hủy báng người được Tăng sai. Đối với mười hai hạng người được Tăng sai, người đã bị Tăng tác pháp quở trách dù đối trước mặt hay ở sau lưng chê bai khinh hủy đều phạm Đọa; nếu Tăng chưa tác pháp quở trách thì phạm tội Ác tác; nếu đó thật là ngước ác, khởi tưởng ngước ác mà hủy báng thì không phạm; nếu là người ác, khởi tưởng không phải là người ác và nghi mà hủy báng thì phạm tội Ác tác; nếu là người thiện, khởi tưởng người thiện và nghi mà hủy báng thì phạm Đọa; người thiện mà tưởng là người ác, hủy báng thì không phạm.

13. Chống trái lời dạy xúc não:

Phật tại vườn Cù sư la, nước Kiều-thiểm-tỳ, lúc đó Bí-sô Xiển đà đã phạm tội rồi, các Bí-sô khuyên nên cải hối, Xiển đà nói lời lạ để xúc não, Phật bảo các Bí-sô tác yết ma quở trách, Xiển đà lại im lặng xúc não, các Bí-sô lại tác pháp quở trách. Xiển đà tuy bị quở trách vẫn không cải hối, hoặc nói hoặc nín để xúc não nên Phật chế học xứ:

Nếu Bí-sô chống trái lời dạy xúc não thì phạm Ba-dật-đề.

Nói chống trái xúc não là khi các Bí-sô như pháp dạy bảo: điều này nên làm, điều này không nên làm; nghe rồi liền chống trái nói ra lời bất nhẫn hoặc im lặng không đáp.

Nói lời lạ là như có Bí-sô hỏi Bí-sô: “thầy có thấy Bí-sô hoặc nam nữ thế tục có tướng mạo như thế như thế hay không?”, Bí-sô này khởi tâm xúc não nên đáp: “người như vậy tôi chưa từng thấy, chỉ thấy có hai chân đi từ chỗ này”, hoặc im lặng không đáp, thì đều phạm Đọa; như vậy cho đến đối với Tăng hay Bí-sô thanh tịnh, nếu có tâm xúc não khi dối hoặc nói lời lạ hoặc im lặng để chống trái xúc não thì đều phạm Đọa. Nếu khi có người khác hỏi, trước đáp sau nín thì phạm tội Ác tác; nếu đối với Tăng hay bậc tôn túc xứng lý dạy bảo, khởi tâm cấu uế xúc não cũng phạm Đọa; nếu dạy bảo không xứng lý, nói lời chống trái xúc não thì phạm tội Ác tác; khi Tăng dạy bảo nên làm việc này mà lại làm việc kia, cũng phạm Đọa. Lời dạy bảo xứng lý, khởi tưởng xứng lý và nghi mà chống trái xúc não thì phạm Đọa; lời dạy không xứng lý, khởi tưởng xứng lý và nghi thì phạm tội Ác tác;lời dạy xứng lý, khởi tưởng không xứng lý mà chống trái thì không phạm. Nếu giặc đến A-lan-nhã khủng bố bắt Bí-sô làm thức ăn cho bọn giặc ăn; Phật bảo nên làm theo, 00 nếu thấy không thể thì nên bỏ trốn đi, nếu ở lại thì phạm tội Ác tác.

Về lời dạy bảo có năm trường hợp:

1. Nếu lời dạy phi lý hư dối thì nên chống trái.

2. Nếu lời dạy phi lý và có ý sân thì nên xả.

3. Nếu lời dạy phi lý nhưng không có ý sân cũng không nên nghe theo.

4. Nếu lời dạy bảo nên như thuyết hành trì, tức là hễ có phạm nên cải hối thì phải nghe theo.

5. Nếu lời dạy bảo khuyên nên trì giới, cũng phải nghe theo.

Nếu Tăng sai làm việc chúng, khởi tâm cấu uế, việc nên làm lại không chịu làm, việc không nên làm lại làm thì đều phạm Đọa; không khởi tâm cấu uế thì phạm tội Ác tác. Nếu miệng tuy không nói lời chống trái nhưng thân lại hiện tướng xúc não như sai đi mà không đi, không sai đi lại đi; hoặc gọi đến mà không đến, không gọi đến lại đến; có tâm cấu uế hay không có tấm cấu uế đều kết phạm giống như trên.

Không phạm là khi Bí-sô thấy thợ săn đuổi theo con nai, nếu thợ săn hỏi Bí-sô có thấy con nai chạy qua đây không, nếu trời lạnh thì Bísô nên nói hãy vào hơ lửa, nếu trời nóng nên nói hãy vào uống nước; nếu thợ săn cứ hỏi nữa thì Bí-sô nhìn vào móng tay rồi đáp là nặc khư bát xà nhĩ, hoặc nhìn lên hư không rồi đáp như trên; hoặc nhìn bốn phía suy nghĩ tất cả hành là vô ngã, không có hữu tình, nghĩ như vậy rồi đáp là không thấy có hữu tình nào chạy qua đây, thì không phạm. Nếu miệng đau đang ngậm thuốc, không đáp được thì không phạm.

14. Không cất phu cụ:

Phật tại vườn Cấp-cô-độc, thành Thất-la-phiệt, lúc đó các Bí-sô trải phu cụ của tăng nơi đất trống ngồi rồi bỏ đi không thu cất. Thế tôn thấy trời sắp mưa nên tự tay thu cất, thấy các Bí-sô không biết quý tiếc khi thọ dụng ngọa cụ nên Phật chế học xứ:

Nếu Bí-sô đem ngọa cụ, đồ ngồi nằm của Tăng để nơi chỗ đất trống, tự trải hay bảo người trải để ngồi nằm; khi đi không tự dẹp cất, cũng không bảo người khác dẹp cất thì Bí-sô này phạm Ba-dật-đề.

Có sáu loại Tăng: một là Tăng bốn người, hai là Tăng bốn người trở lên, ba là Tăng hiện tiền, bốn là Tăng bốn phương, năm là Tăng cựu trụ (chủ), sáu là Khách tăng. Trong học xứ này nói Tăng là chỉ cho Tăng bốn phương.

Nói phu cụ là bao gồm giường tòa, mền nệm… Giường có nhiều loại, hoặc giường cây có chân tròn, chân nhọn, hoặc giường dây; nếu là giường tòa cao lớn phi pháp thì Bí-sô không nên thọ dụng, nếu nằm ngồi thì phạm tội Ác tác; nếu ở nhà thí chủ, vì thương xót nên ngồi nằm thì không phạm. Nệm nằm có chiếu dài khoảng bốn gang tay, rộng hai khuỷu tay, bốn bên may kín, bên trong dồn lông hay bông hoặc kiếp bối, vải vụn…; nệm nhỏ dùng để ngồi.

Nói chỗ đất trống là chỗ không có bóng che; nói không dặn cất là nếu có Bí-sô thì nhờ cất giùm, nếu không có Bí-sô thì nhờ Cầu tịch, nếu cũng không có thì nhờ thí chủ ở gần, nếu cũng không có thì nên nhìn bốn phía rồi thu cất để trong phòng khóa lại; khi đi đến giữa đường nếu gặp Bí-sô thì nên chỉ chỗ cất chìa khóa. Có năm hạng người không nên dặn hoặc nhờ: một là người không biết hổ thẹn, hai là người có hiềm khích với mình, ba là người già yếu, bốn là người bịnh, năm là người chưa thọ Cận viên.

Tướng phạm trong đây là nếu trải phu cụ của Tăng ở chỗ đất trống hoặc do có duyên khác, hoặc do tâm khinh mạn không quý tiếc, hoặc quên nên bỏ đi không cất; khi chưa ra khỏi thế phần thì phạm tội Ác tác, ra khỏi thế phần ( tầm) thì phạm Đọa. Nếu quên, đi đến giữa đường mới nhớ thì nên tâm nghĩ miệng nói: “ta sẽ không tái phạm như thế nữa”, hoặc nghĩ: “vị đồng phạm hạnh trong chùa thấy ta đi, ắt sẽ cất giùm”; nếu không nghĩ như thế thì phạm tội Ác tác. Nếu giữa đường gặp Bí-sô nên ân cần nhờ cất giùm, Bí-sô nhận lời nhưng khi về đến chùa lại quên thu cất, cho đến sáng hôm sau khi mặt trời mọc mới nhớ thu cất, nếu không hư tổn gì thì phạm tội Ác tác, nếu có hư tổn thì phạm Đọa; nói hư tổn là hoặc do gió thổi làm tổn, hoặc do mưa làm ướt trong ngoài. Nếu phu cụ là bất tịnh như được dồn bằng lông lạc đà, lông xen tạp…, hoặc giường cao quá tám ngón tay của Phật…, hoặc không ở trong chùa mà ở chỗ Sa môn, Bà-la-môn khác… không thu cất thì phạm tội Ác tác.

Nếu giường tòa hai người cùng ngồi thì người đứng lên sau nên thu cất, nếu cả hai cùng đứng lên một lượt thì người nhỏ nên thu cất, nếu bằng tuổi hạ thì cả hai cùng cất. Cảnh tưởng có sáu câu: hai câu đầu phạm trọng, hai câu kế phạm khinh, hai câu sau không phạm. Nếu trải phu cụ rồi có một trong tám nạn duyên xảy đến thì nên dặn thu cất rồi mới đi; nếu nạn duyên đến sát bên, liền bỏ đi thì không phạm. Nếu mền nệm có thêu vẽ nhiều màu thì Bí-sô không nên cất chứa ngồi nằm, nếu là ngọa của của Tăng thì không được lấy vật khác thay thế, nếu làm thế thì không cho thọ dụng. Nếu dùng ngọa cụ của Tăng, lở làm hư hoại thì không nên im lặng bỏ đó mà không khâu vá lại; nếu quá mục không thể khâu vá lại được thì nên cắt nhỏ dùng làm tim đèn hoặc làm giẻ lau… 02 để thì chủ được phước.

Môn nhân đệ tử thường nên vào ngày mồng tám, mười lăm, hai mươi ba, ba mươi, xem xét ngọa cụ của thầy hoặc phủi quét hong phơi hoặc giặt giũ, nếu không làm thì phạm tội Ác tác; nếu không có môn nhân thì Bí-sô phải tự lo liệu. Nếu có giặc đến khủng bố thì y vật của Tăng già không nên bỏ lại, vật gì có thể thọ dụng được thì nên mang theo, người nào mang theo thì được tự dùng; sau khi nạn khủng bố hết, trở về chùa thì nên trả lại y vật này về chỗ cũ, không được tự dùng nữa.

Nếu Bí-sô nhỏ hạ dùng vật dụng của Tăng để nhuộm y, Bí-sô lớn hạ hơn không được đến giành lấy dùng, cũng không được bảo đứng dậy; cho đến ở chỗ thọ thực, người khác đến trước đã ngồi thọ thục rồi, mình đến sau cũng không được bảo đứng dậy. Ở chỗ ngồi thiền, nếu đứng dậy đi kinh hành thì nên để Tăng khước kỳ hoặc dây lưng trên chỗ ngồi của mình, để người khác không đến giành chỗ. Khi đến nghe pháp, Cầu tịch hoặc Bí-sô ni không được ngồi trên tòa ngồi tốt của Tăng, nếu là người lìa dục, có dụng tâm thì được ngồi. Bí-sô cũng không nên ngồi chung tòa ngồi với Cầu tịch, người thế tục và người thọ học, nếu có nạn duyên thì không phạm. Bí-sô không có tuổi hạ không nên ngồi chung tòa với Bí-sô ba tuổi hạ, Bí-sô một tuổi hạ không nên ngồi chung tòa với Bí-sô bốn tuổi hạ, Bí-sô hai tuổi hạ trở lên được ngồi chung tòa với Bísô ba tuổi hạ trở lên; nếu ở nhà bạch y chật hẹp thì được ngồi chung tòa với Ô-ba-đà-da không phạm. Nếu đi đường mượn được ngọa cụ thì nên chia đều để thọ dụng, không nên một mình thọ dụng, nếu nhiều ngọa cụ thì chia riêng cho từng người, nếu không đủ thì dùng chung, không được giành thọ dụng một mình. Không nên hai người nằm chung một giường, nếu người có hổ thẹn thì không phạm, nếu chỉ có một giường lớn phải nằm chung thì nên dùng y ngăn ở giữa. Nếu thí chủ có tâm tín kính trải vải trên đất thỉnh chúng tăng bước lên, Bí-sô nên thương xót thí chủ và khởi tưởng vô thường để bước lên thì không phạm.

Nếu thí chủ thỉnh Tăng thọ thực, cần nhiều ngọa cụ để trải nên đến chùa hỏi mượn, Tăng nên cho mượn, nếu họ tự mang đến trả lại thì tốt, nếu họ không nhớ mang đến trả thì Tăng nên đánh kiền chùy, bảo các Bí-sô đến đó lấy lại. Nếu thí chủ ở A-lan-nhã làm chùa cho Tăng, thiết lễ cúng dường cần ngọa cụ cũng nên cho mượn, nếu khi mang đi gặp trời mưa nên để dưới gốc cây dùng y cũ phủ che lên; thiết lễ xong mà không đem trả lại thì nên đến cưỡng đoạt lại chớ để cho mất. Nếu để tượng Bồ-tát ở ngoài đất trống, gặp trời mưa không có tịnh nhân hay người chưa thọ Cận viên thì Bí-sô nên khởi tưởng Đại sư, tự khiên vào trong. Nếu Quỹ phạm sư hay Thân giáo sư ngồi thiền ở trong rừng hay ở chỗ yên tĩnh, môn nhân đệ tử nên cầm tọa cụ mang về cho thầy; nếu thấy thầy tự may vá hay quét dọn, môn nhân đệ tử nên bạch thầy xin làm thay; nếu thầy vì cầu phước nên tự làm hoặc được Tăng sai làm người may y Yết-sỉ-na, đệ tử không làm thay thì không phạm. Nếu Bísô tụng kinh riêng thì nên ở chỗ lìa nghe để không làm náo loạn người bên cạnh, nếu muốn tập tu định thì tùy chọn một chỗ yên tĩnh để tự tư duy.

Khi có thí chủ thỉnh thực, Tăng nên đánh kiền chùy báo giờ để đến dúng giờ, Thượng tòa dẫn môn nhân đệ tử đi nên kiểm soát họ, cũng nên hỏi khách Bí-sô có cùng đi hay không. Bí-sô vô sự không nên đoạn thực, nếu tự đoạn thực thì phạm tội Ác tác; nếu mang phu cụ của tăng đến chỗ thọ thực thì nên để bên vách hoặc dưới gốc cây rồi nhờ người coi giữ, thọ thực xong nhớ mang về. Nếu người tục mượn ngọa cụ mang đến trong chùa trả, bỏ đó rồi ra về, Bí-sô thấy thì nên thu cất, nếu không thể thu cất được thì nên báo cho vị thọ sự biết để thu cất. Nếu trong chùa phơi ngọa cụ nhiều, có nạn duyên đến nên đánh kiền chùy để cả chúng cùng thu cất; nếu chùa bị hỏa hoạn, Bí-sô nên đem y bát của mình ra trước, kế mang y vật củA-tăng-kỳ ra rồi sai người coi giữ, vì y bát của mình nếu cháy mất thì sẽ bị thiếu thốn, còn vật của Tăng thì không như vậy. Nếu Bí-sô không làm theo hành pháp trên đây thì phạm tội Ác tác.

15. Không thu dọn phu cụ cỏ trong phòng:

Duyên xứ như trên, lúc đó có hai Bí-sô từ phương Nam đến trong chùa xin ngủ đêm, họ trải phu cụ cỏ trong phòng để nằm ngủ, sáng hôm sau ra đi không thu dọn phu cụ cỏ này để đến nổi phòng xá bị tổn hoại. Phật nhân việc này chế học xứ:

Nếu Bí-sô ở trong phòng Tăng, tự trải phu cụ cỏ hay bảo người trải để ngồi nằm; khi đi không tự thu dọn, cũng không nhờ người khác thu dọn thì Bí-sô này phạm Ba-dật-đề, trừ có duyên khác.

Trong phòng Tăng là phòng xá của Tăng bốn phương, nếu trong phòng riêng thì phạm tội Ác tác, phu cụ cỏ là dùng cỏ hay lá để làm phu cụ. Nếu đến trong chùa hoặc trong nhà bạch y nào thường dùng ngọa cụ bằng cỏ mềm cho khách tăng dùng, khách tăng khi đi nên hỏi chủ, nếu chủ ngăn không cho đem bỏ thì không được đem bỏ, nếu làm trái ý chủ thì phạm tội Ác tác. Loại phu cụ cỏ này do hai thứ làm hư hoại là gió thổi và trùng kiến cắn; nếu ở chỗ kinh hành dùng cỏ trải đất, không thể mỗi ngày thu dọn thì khi đi nên cột bó lại treo trên cây. Trong đại hội nếu phải trải tòa cỏ cho các Bí-sô ngồi, ngồi xong nên thu dọn lại để một bên, đợi khi đại hội xong mới đem bỏ.

16. Kéo người ra khỏi phòng Tăng:

Duyên xứ như trên, lúc đó Bí-sô Ô-đà-di ở trong trú xứ của Tăng bốn phương, vì sân giận nên ban đêm kéo môn nhân ra ngoài… Phật nhân việc này chế học xứ:

Nếu Bí-sô ở trong phòng Tăng vì sân giận không vui, tự lôi kéo Bí-sô khác ra hay bảo người khác lôi kéo ra, nói rằng: “hãy đi đi, thầy không nên ở trong phòng này nữa”, vì nhân duyên này không phải vì duyên gì khác thì Bí-sô này phạm Ba-dật-đề.

Nói duyên khác là nếu phòng sắp sụp đổ, lôi kéo người bịnh ra ngoài thì không phạm; nếu Bí-sô kia là người hay tranh cãi, trước không có việc tranh cãi cũng sẽ sanh tranh cãi, hoặc đã có tranh cãi thì sẽ chuyển tăng thêm không dứt diệt, hoặc giới kiến oai nghi đều có khuyết nên lôi kéo ra thì không phạm, nhưng nếu không có tâm thiện thì cũng phạm tội Ác tác. Trong đây phạm là nếu vì tài vật hoặc trả thù hoặc vì lợi dưỡng mà sanh tật đố mà tự kéo lôi ra hay bảo người khác kéo lôi ra thì đều phạm Đọa; nếu nắm y bát kéo lôi ra thì phạm tội Ác tác. Nếu ở trú xứ Ni hoặc chỗ người thọ học, chỗ phi nhân, chỗ ngoại đạo… lôi kéo Bí-sô thanh tịnh ra thì phạm tội Ác tác. Trú xứ Tăng tưởng trú xứ Tăng có sáu câu cảnh tưởng: hai câu đầu phạm Đọa, bốn câu sau phạm tội Ác tác; Bí-sô không lỗi, khởi tưởng không lỗi cũng có sáu câu cảnh tưởng: hai câu đầu phạm trọng, hai câu kế phạm khinh, hai câu cuối không phạm. Nếu là người phá giới, đại chúng nên đuổi ra; nếu sợ có đấu tranh và họp sức nên mang y bát của người này ra ngoài; nếu người này ôm cột hoặc níu khung cửa thì nên chặt phá chỗ đó để kéo ra, việc dứt thì chỗ bị phá đó Tăng nên sửa chữa. Nếu đối với môn đồ hay người khác mà có ý muốn quở trách trừng trị nên kéo lôi ra khỏi phòng thì không phạm, nhưng không được đuổi ra khỏi trú xứ.

Có năm cách quở trách môn đồ: một là không nói đến, hai là không cùng thọ dụng, ba là không cho thừa sự, bốn là ngăn phẩm thiện, năm là xả y chỉ. Môn đồ nếu có năm lỗi mới được quở trách: một là không có tín tâm, hai là biếng nhác, ba là nói lời thô, bốn là gần bạn ác, năm là không cung kính. Nếu môn đồ đáng quở trách mà không quở trách hoặc không đáng quở trách lại quở trách thì thầy phạm tội Ác tác; nếu môn đồ không có phá giới, chỉ là khó cùng nói chuyện thì nên dùng pháp kéo dây cương để chiết phục, nên nhờ người có trí đến can ngăn khiến môn đồ bỏ việc ác và đến sám tạ thầy; thầy nếu thấy môn đồ biết cải hối thì nên tha thứ, nếu không đáng tha thứ mà tha thứ hoặc đáng tha thứ mà không tha thứ thì thầy phạm tội Ác tác.

Nếu người đã thọ Cận viên mà không hành cung kính, không thể giáo hối thì nên cho sáu vật rồi đuổi đi; nếu là Cầu tịch cũng nên cho hai y thượng hạ rồi đuổi đi. Nếu có rồng rắn đến trú xứ, Bí-sô nên khảy móng tay bảo rồng rắn bỏ đi, đừng có não loạn các Bí-sô; nếu rồng rắn không đi nên phương tiện lùa bắt bỏ vào trong túi lưới mềm rồi đem ra chỗ bụi cỏ, nhẹ nhàng thả nó ra, chớ làm nó tổn thương, đợi nó bò vào hang mới được bỏ đi; nếu là rận rệp nên bỏ trên miếng vải cũ, hoặc bỏ trong lỗ hổng của tường vách để nó tự sống. Nếu làm trái hành pháp trên thì phạm tội Ác tác.

 

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14