CĂN BẢN TÁT BÀ ĐA BỘ LUẬT NHIẾP

Nguyên tác: Tôn giả Thắng Hữu – Hán dịch: Tam tạng Pháp sư Nghĩa Tịnh đời Đường. TQ
Việt dịch: Ban phiên dịch chùa Pháp Bảo, HT Thích Tịnh Hạnh giám tu – năm 2005
Hiệu đính và nhuận văn: NS Thích nữ Như Lộc tại chùa Phổ Minh. Năm 2010.

QUYỂN 2

TỔNG GIẢI THIÍCH HỌC XỨ:

Giải thích mỗi học xứ đều có 21 môn:

1. Duyên xứ phạm tội: tức là tại thành ấy nước ấy chế học xứ ấy.

2. Người phạm tội: tức là do có người phạm tội mà chế ra học xứ.

3. Tội đã phạm: tức là tội do thân ngữ tạo tác.

4. Cảnh và việc đã phạm: có hai loại tình và phi tình, tùy trong mỗi giới mà nhận biết, nói tóm có 5 việc:

a) Mười việc thứ nhất: dâm nhiễm, nhiếp thủ, bất nhẫn, cầu lợi, trú xứ, đồng phạm hạnh, Tăng già, thọ dụng thức ăn, thọ dụng pháp và Ô-ba-tư-ca.

b) Mười việc thứ hai: y dư, lìa y, mong đủ, nhân cầu, thọ tài vật bất tịnh, ngọa cụ, đi đường, chứa bát, cầu tốt, giữ y.

c) Mười việc thứ ba: thọ y, cất y, hồi vật của người khác, bịnh cần thuốc, trái với tâm, xuất gia, môn đồ, khởi tránh, thuyết pháp.

d) Mười việc thứ tư: chưa là cận viên, giới kinh, hoại chủng tử, quỷ thần thôn, khinh hủy, chống trái xúc não, dùng nước, ni, ăn uống, đến nhà thế tục.

e) Mười việc thứ năm: ngoại đạo, xem quân, kết bạn, dùng lửa, gởi dục, ngủ nghỉ, không khéo quán sát, nhuộm y, theo ý thích của mình, bàng sanh.

f. Mười việc thứ sáu: cười đùa, người nữ, cận viên, hoại đất, thỉnh lại, khinh thường học xứ, luận nghĩa, đấu tranh, thọ thỉnh, vào tụ lạc.

g. Năm việc sau cùng: ống đựng kim, kích lượng giường nằm, kích lượng y, pháp thức và cật vấn.

5. Do nơi phiền não: phiền não có hai: một là câu sanh, hai là duyên phát, tùy tâm tạo nghiệp nhiều loại không đồng, ở trong các học xứ tùy việc mà nói ra, tóm có 27 loại phiền não là tham, sân, si, dâm, nhiếp thủ, bất nhẫn, cầu lợi dưỡng, tranh hận, trú xứ, nghiệp thô bỉ, trí tà, xẻn về nhà, cầu tự tại, quá phần hạn, bỏ sót, đợi duyên, chê trách, che giấu, nhiếp thu ba môn đồ, mạn pháp, không thương xót, khinh chế, khinh thường, không thu cất, không tịch tĩnh, không kính, bất nhẫn khi bị cật vấn.

6. Lợi ích của chế giới: Phật quán mười lợi nên chế học xứ.

7. Có phạm không phạm: nếu cố tâm phạm thì gọi là có phạm, khác với trên là không phạm.

8. Đủ chi thành phạm: tùy theo mỗi học xứ có đủ mấy chi duyên mới thành phạm.

9. Nhân sanh ra tội: có sáu nhân là do thân, do ngữ, do tâm, do thân tâm, do ngữ tâm và do thân ngữ tâm.

10. Giải thích tên tội: tên tội không đồng như Ba la thị ca…

11. Thể của tội: tạo tội đều do nơi thân ngữ nên Tư là thể của tội.

12. Có thể xử trị và không thể xử trị: có thể trị là như trường hợp người thọ học (Sa di học hối), không thể trị là những người không có hổ thẹn.

13. Tội có tánh giá: tánh tội là tội từ bản tánh, giá tội là tội do chế giới mà phạm. Có thuyết nói tánh tội là tội do tâm nhiễm, giá tội là tôi bao gồm nhiễm và không nhiễm.

14. Làm và không làm: làm là do thân ngữ tạo tác, không làm là do quên mà việc thành.

15. Phương tiện có không: cố tâm làm gọi là có phương tiện, vô tâm phạm gọi là không phương tiện.

16. Tội trọng: phân biệt có sáu tướng:

a. Do chế: do Phật chế học xứ nên có tội trọng này.

b. Do việc: như giết bàng sanh phạm Ba-dật-đề, dù là việc thuộc tội chúng giáo cũng không thể nặng hơn.

c. Do phiền não: do không kính giáo, phiền não sanh khởi nên tội nặng.

d. Do thường phạm: nên tội nặng.

e. Do người: do người không trồng thiện căn, bẩm tánh ngu độn nên tội bèn nặng.

f. Do thời gian: do che giấu thời gian lâu nên tội thành nặng.

17. Tội khinh: ngược với sáu tướng trên là tội nhẹ.

18. Cộng tướng không khác: học xứ dù tánh hay giá đều lấy thân ngữ tâm làm cộng tướng.

19. Nêu tội có khác: có bốn sai khác.

a. do trị phạt cực nặng mới được xuất tội, tức là tội Ba la thị ca.
b. do ở trong Tăng trị phạt, tức là tội Tăng già bà thi sa.
c. do trị phạt nhẹ (hạ), tức là tội Ni-tát-kỳ-ba-dật-đề.
d. không do trị phạt tức là các tội còn lại.

20. Có nhiễm không nhiễm: nếu lấy tham… làm nhân gọi là có nhiễm, ngược với đây gọi là không nhiễm.

21. Nguyên do phạm tội: có năm

a. do tánh không hổ thẹn.
b. do tâm không kính pháp.
c. do trong tâm phóng dật.
d. do bẩm tánh si độn.
e. do quên mất chánh niệm.

I. BỐN PHÁP BA LA DI:

Nhiếp tụng:

Nếu làm hạnh bất tịnh,
Trộm cắp và giết người,
Vọng nói pháp thượng nhân,
Đều không được ở chung.

1. Làm hạnh bất tịnh:

Hạnh bất tịnh: trong mười hai năm đầu, trong Tăng chưa phát sanh việc ác; vào năm thứ mười ba, đức Bạc-già-phạm tại thôn Yết lan đạc ca, nước Phật lật thị, con trai của Yết lan đạc ca là Tô trận na do bà mẹ dạy bảo để có cháu nối dòng, lại do phiền não dâm nên làm việc dâm. Phật quán mười lợi nên chế học xứ này.

1. Nhiếp thủ Tăng: ở trong bốn giai cấp Sát-đế-lỵ, Bà-la-môn, Phệ xá, Thủ đà la nếu có thiện nam, thiện nữ nào sanh tín kính xuất gia trong chánh pháp làm Bí-sô… gọi là nhiếp thủ Tăng.

2. Tăng cực thiện: ở trong pháp luật thiện thuyết có thể làm cho thiện pháp tăng thạnh cùng tột.

3. Khiến Tăng được an lạc trụ: nương nơi thiện pháp này để trả nợ của tín thí.
4. Khiến người không tin được tịnh tín: sanh chánh tín
5. Khiến người đã tin được tăng trưởng: khéo hộ tự tâm.
6. Chiết phục người ác: người phạm trọng do không hộ trì giới phẩm thì tăng tác pháp chiết phục mà đuổi đi.
7. Khiến người có hổ thẹn được lạc trụ: người cực thuần thiện trong hàng Dị sanh khiến không có đấu tranh mà được an lạc trụ.
8. Đoạn phiền não lậu hoặc đời này.
9. Đoạn phiền não lậu hoặc đời sau.
10. Khiến phạm hạnh trụ lâu ở đời.

Nếu lại có Bí-sô cùng các Bí-sô đồng được học xứ, không xả học xứ, học xứ không suy kém, không tự nói ra mà làm hạnh bất tịnh, hai thân giao hội cho đến với loài bàng sanh thì Bí-sô này phạm Ba la thị ca, không được ở chung.

Nếu lại có Bí-sô: chỉ cho người phạm tội. Có năm loại Bí-sô:

1. Danh tự Bí-sô: tên gọi là Bí-sô, như người thế gian đặt tên cho con trai, con gái để gọi.
2. Tự xưng Bí-sô: thật không phải là Bí-sô mà tự xưng là Bí-sô thanh tịnh.
3. Khất cầu Bí-sô: Bí-sô do khất cầu để tự nuôi sống.
4. Phá trừ phiền não Bí-sô: Bí-sô đã đoạn trừ phiền não.
5. Bạch tứ yết ma thọ Cận viên Bí-sô: trong đây gọi Bí-sô là chỉ cho hàng Bí-sô thứ năm này.

Lại dựa vào bảy thanh để làm rõ nghĩa Bí-sô:

1. Tác giả thanh: ai là Bí-sô, tức là người thọ Cận viên.
2. Tác nghiệp thanh: tạo nghiệp gì, tức là đồng học giới.
3. Sở do thanh: do đâu mà được, tức là do ba nghiệp.
4. Sở vi thanh: làm việc gì, tức là cầu Niết-bàn.
5. Sở tùng thanh: từ đâu mà được, tức là từ thầy…
6. Thuộc chủ thanh: pháp của ai, pháp của Thế tôn.
7. Sở y thanh: nương vào đâu, tức là dục giới và pháp luật thiện thuyết.

Nếu thêm âm thanh kêu gọi thì thành tám thanh, ba lần chuyển thành hai mươi bốn thanh sai khác.

Lại dựa vào 11 việc để giải nghĩa Bí-sô:

1. Bí-sô quá khứ: đã xả học xứ.
2. Bí-sô chưa đến: chưa thọ học xứ.
3. Bí-sô hiện tại: không xả học xứ.
4. Nội: tức là bên trong đoạn trừ phiền não.
5. Ngoại: tức là tướng bên ngoài nhiếp trì.
6. Thô: chỉ cho bốn loại Bí-sô danh tự… phải đợi người khác răn nhắc.
7. Tế: chỉ cho Bí-sô phá trừ phiền não có thể tự điều phục tâm.
8. Hạ liệt: chỉ cho người phá các giới nhỏ, tâm không thường hằng cũng không kiên cố.
9. Thù thắng: trái ngược với hạ liệt trên.
10. Xa: người có thể xuất gia mới ưa thích học giới.
11. Gần: người đang thọ Cận viên.

Cùng các Bí-sô đồng được học xứ: cùng với các học xứ đã có của Bí-sô tương tự nên nói là đồng được, cho dù đã thọ Cận viên trước đủ một trăm năm thì các việc nên học cùng với người mới thọ không khác nên nói là đồng được.

Không xả học xứ: không đối trước người khác tác pháp xả. Nếu đối trước người không hiểu lời mình nói như người ở trung phương đối trước người ở biên phương và ngược lại, hoặc đối trước người người điên cuồng tâm loạn, tâm bịnh hoại, ngu si, câm, điếc, ngủ say, nhập định, phi nhân, trời, bàng sanh biến hóa và các hình tượng để xả học xứ thì không thành xả.

Đồng được học xứ, không xả học xứ có bốn câu: một là Bí-sô ái trọng học xứ; hai là đến chỗ sáu chúng, người thọ học và ngoại đạo xả học xứ; ba là Bí-sô không ái trọng học xứ; bốn là trừ ba trường hợp trên.

Học xứ suy kém, không nói ra cũng có bốn câu: một là xả học xứ nhưng không phải học xứ suy kém; hai là muốn xả học xứ nhưng khi đối xả chỉ nói là học xứ khó hành trì mà không nói là xả học xứ; ba là hai trường hợp trên cùng làm; bốn là cả hai trường hợp trên đều không làm.

Bí-sô muốn xả học xứ nên đối trước người có trí nói rằng: “Cụ thọ nhớ nghĩ, tôi là Bí-sô __________ nay xả học xứ”, đây gọi là xả học xứ. Hoặc nói: “Tôi xả Phật đà, Đạt ma, Tăng già”, hoặc nói: “Tôi xả Tố đát la, Tỳ-nại-da, Ma sất lý ca”, hoặc nói: “Tôi xả Ô ba đa da, A giá lợi gia”, hoặc nói: “biết Tôi là người tục, biết Tôi là Cầu tịch, là Phiến tra bán trạch ca, làm ô nhục Bí-sô ni, giết cha, hại mẹ, giết A-la-hán, phá hòa hợp tăng, tâm ác làm Phật bị thương chảy máu, là ngoại đạo, là người hướng về ngoại đạo, là tặc trụ, là người biệt trụ, bất cọng trụ”, cho đến nói: “Tôi với người đồng pháp, đồng phạm hạnh như các vị không phải là bạn bè”. Đây đều gọi là xả học xứ.

Làm hạnh bất tịnh, hai thân giao hội: có Bí-sô xả học xứ, học xứ suy kém nhưng không làm hạnh bất tịnh, hai thân giao hội, cũng có bốn câu:

1. Là đối với hạnh khất thực, ăn thức ăn thô, hạnh thu nhiếp do không kham nổi nên xả học xứ, nhưng có thọ trì học xứ không làm hạnh bật tịnh.

2. Là không xả học xứ vì tâm không sợ hại, trộm cắp nhưng làm hạnh bất tịnh.

3. Là làm hạnh bất tịnh và khéo xả học xứ.

4. Là Bí-sô được lạc trụ.

Cho đến cùng với loài bàng sanh: tức là cùng khỉ vượn… Ba la thị ca: nghĩa là cực xấu xa, lại có nghĩa là tha thắng, tức là vừa phạm tội này liền bị bậc tịnh hạnh khác vượt lên, lại bị các phiền não chiết phục lấn lướt. Người xuất gia thọ Cận viên đáng lẽ phải đoạn trừ phiền não, nay do phá giới nên trở lại bị phiền não chiết phục.

Không được ở chung: người phạm tội này đối với pháp và thực vĩnh viễn không có phần, ví như thây chết nên gọi là không được ở chung. Bí-sô phạm Ba la thị ca nhưng không phải là Bất cọng trụ cũng có bốn câu:

1. Là người được quả Bất hoàn đã hàng phục được phiền não đã có, được thắng.
2. Là người bị Tăng cho yết ma xả trí trị phạt.
3. Là hạng người xấu ác phạm pháp đọa lạc.
4. Là trụ bổn Bí-sô.

Lại có Bí-sô: người làm đầu tiên không phạm, người làm kế sau đó mới phạm nên nói là lại có Bí-sô. Nếu người khi thọ Cận viên không có các chướng pháp, Tăng và giới cho đến tác yết ma không có lỗi thì được gọi là thiện thọ Cận viên, là chân thật Bí-sô. Có trường hợp Bí-sô làm hạnh bất tịnh nhưng không phạm Ba la thị ca hay không?: có thuyết cho là người trước khi xuất gia. Nói lại có Bí-sô tức là không phải Bí-sô ni, nếu Bí-sô ni chuyển căn thì liền thành Bí-sô. Nói học là chỉ cho ba môn học tăng thượng Giới tâm và huệ, trong đây là chỉ cho Giới học. Nói không xả học xứ tức là do có bốn duyên mới thành xả: nói xả, hai hình sanh, mạng chung và đoạn thiện căn. Nếu trước xả sau thọ lại thì cũng gọi là đồng được, phân biệt khác với người phạm. Nói học xứ suy kém, không tự nói ra là đối với học xứ không có sức hộ trì nên gọi là suy kém, trong lòng buồn phiền không nói nên gọi là không tự nói ra. Nếu hạnh thanh tịnh mới có thể chứng hội Niết-bàn, làm hạnh bất tịnh tức là làm trái ngược điều trên. Nói hai thân giao hội tức là hai căn giao hội, có thuyết nói ngoài hai căn, nơi thân phần khác gọi là hai thân giao hội. Nói Bí-sô này là chỉ cho người phạm tội. Nói phạm Ba la thị ca là người phạm tội này bị quân phi pháp hàng phục, thua trận mất chỗ tôn quý của mình, không còn là Sa môn, là Thích ca tử nữa.

Tướng phạm trong giới này: nếu Bí-sô ở nơi ba đường hành dâm là miệng và đường đại tiểu tiện, tùy lúc vào nếu là đường đại tiểu tiện, vào qua màng da đỏ; nếu là miệng, vào qua răng mà khởi thọ lạc liền phạm bổn tội. Đối tượng là người, hai hình hay bán trạch ca, chết hay sống, ngủ hay thức hoặc nhập định, cuồng si… nếu Bí-sô nơi ba chỗ là chỗ đại tiểu tiện và miệng hành dâm, vừa vào ba chỗ này cùng giao hội liền phạm Ba la thị ca. Nếu Bí-sô cùng ba hạng người làm hạnh bất tịnh phạm Ba la thị ca, đó là nam, nữ và bán trạch ca. Bí-sô nơi ba chỗ hành dâm chưa hư hoại của người nữ còn sống để làm việc dâm dục, có y phục hành dâm với người có y phục hay không có y phục, hoặc không có y phục hành dâm với người không có y phục, vừa vào ba chỗ hành dâm này cùng giao hội liền phạm Ba la thị ca. Bí-sô nơi ba chỗ tổn hoại của người nữ còn sống làm việc dâm dục, có y phục hay không có y phục như trên, vừa vào ba chỗ hành dâm này liền phạm Tốt-thổ-la để. Bí-sô nơi ba chỗ không hư hoại của người nữ đã chết làm việc dâm dục, có y phục hay không có y phục như trên, vừa vào ba chỗ hành dâm này liền phạm Ba la thị ca; nếu nơi ba chỗ tổn hoại của người nữ đã chết làm việc dâm có y phục hay không có y phục như trên, vừa vào ba chỗ hành dâm này liền phạm Tốt-thổ-la để. Đối với phi nhơn nữ hay bàng sanh cái sống hay chết, ba chỗ tổn hoại hay không tổn hoại, có cách hay không cách, phạm tội nặng nhẹ như trên có thể biết. Nếu Bí-sô hay Bí-sô ni đang ngủ hoặc bị kẻ khác dụ uống rượu say rồi cưỡng bức hành dâm, trong ba thời: lúc đầu biết, giữa và sau không biết thì không phạm, nhưng người hành dâm phạm tội căn bản; nếu ban đầu và giữa biết, sau lại không biết cũng không phạm, nhưng người hành dâm phạm tội căn bản; nếu cả ba thời đều biết mà tâm không thọ lạc cũng không phạm, nhưng người hành dâm phạm tội căn bản; nếu cả ba thời tâm đều biết với tâm thọ lạc thì cả hai đều phạm tội căn bản. Nếu Bí-sô dùng chú thuật chuyển biến tự thân thành thân bàng sanh hoặc biến thân người khác để cùng hành dâm, nếu tưởng là Bí-sô thì phạm Ba la thị ca, nếu không tưởng thì phạm tội thô. Đối tượng là người bị chém ngang lưng hay chặt đầu nếu hành dâm nơi hai đường đều phạ trong, nếu nơi miệng thì phạm tội thô, nơi thân phần khác cũng tội thô. Nếu thân bị cắt đứt nối cho hợp dính lại mà thấy rõ đường nối thì phạm tội thô, nếu không thấy thì phạm trọng. Nếu khi cùng làm việc phi pháp mà có tâm sợ hãi hay hổ thẹn thì chỉ phạm tội thô không phạm bổn tội, vì nếu có tâm sợ hãi hay hổ thẹn thì tâm nhiễm không sanh. Nếu ở trong phòng hay ở ngoài thôn, khi ngủ bị người đến cưỡng bức hành dâm, tâm không thọ lạc thì không phạm; vì vậy Bí-sô khi ngủ nên đóng cửa hoặc nhờ Bí-sô khác canh chừng. Như nơi A-lan-nhã có Bí-sô đã đắc định, người nữ kiếm củi nhìn thấy nam căn nơi thân Bí-sô sanh khởi nên dục sanh liền cùng Bí-sô hành dục, do Bí-sô không có tâm nhiễm nên không phạm; vì vậy Bí-sô nơi A-lan-nhã nên dùng tre làm hàng rào bao quanh chỗ ở của mình. Người không ly dục có năm nhân duyên khiến sanh chi sanh khởi: một và hai là bị đại tiểu tiện bức bách, ba là gió làm lay động, bốn là dùng tay gãi nơi trùng cắn, năm là do tâm nhiễm; nếu người đã lìa dục thì chỉ có bốn nhân duyên trên. Nếu Bí-sô bị thiên nữ âm nhạc bắt đưa lên cung điện của mình để cưỡng bức hành dâm, Bí-sô do mất bản tâm nên không phạm; vì thế Bí-sô không nên dừng ở nhưng nơi có nạn khủng bố như thế. Nếu đúng là đường hành dâm, tưởng là đường hành dâm và nghi mà vào quá phần hạn đã chế thì phạm Ba la thị ca; nếu tưởng không phải và nghi thì chỉ phạm Tốt-thổ-la để; nếu khởi tâm dục muốn làm hạnh bất tịnh thì chỉ phạm tội trách tâm Ác tác; nếu khởi phương tiện sửa soạn đi đến, cho đến khi hai thân chưa xúc chạm thì phạm đối thuyết Ác tác; sắp làm phi pháp cho đến khi chưa vào quá phần hạn đã chế thì phạm Tốt-thổ-la để; vào quá phần hạn đã chế thì phạm bổn tội. Nếu xúc chạm tóc cho đến các thân phần khác của người nữ mà không có tâm thọ lạc thì phạm Tốt-thổ-la để; nếu có tâm thọ lạc thì phạm tội Chúng giáo. Nếu Bí-sô dùng minh chú cùng các tạp dượchoặc dùng huyễn thuật tạo ra các hình tượng để hành dâm thì phạm Tốt-thổ-la để. Nếu Bí-sô phạm tội trọng này, không có hai tâm ác là không sợ hãi và tặc tâm, chỉ vì bị phiền não bức bách nên làm việc phi pháp thì đến Bí-sô khác phát lồ, Tăng nên bạch tứ yết ma cho thọ học; người thọ học hành pháp này cũng giống như người hành biệt trụ, chỉ khác là cho đến khi nào còn sống thì phải trao thức ăn cho người, cũng được thọ thức ăn để ăn, khi nào chứng được quả A-la-hán thì đồng như thiện Bí-sô, ngồi vào chỗ ngồi trước đây. Có thuyết nói phải sáu tháng hầu cận các Thượng tòa trong Tăng, coi giữ y bát và làm các sự nghiệp như pháp đã có trong Tăng, nếu có thể làm Tăng vừa ý và tự điều phục theo hướng thiện, lúc đó Tăng sẽ cho ngừng hành pháp trị phạt, đây gọi là từ tội mà đứng dậy.

Các học xứ sau giải thích cũng giống như giới này nên không giải thích lại nữa, những người phạm đầu tiên tuy không phạm bổn tội nhưng có tội Đột sắc ngật lý ca trách tâm. Không phạm là người điên cuồng tâm loạn, tâm bịnh hoại… Học xứ này đủ tám duyên mới thành phạm: một là đại Bí-sô, hai là cảnh có thể hành dâm, ba là chỗ hành dâm không hư hoại, bốn là căn môn của tự thân nguyên vẹn, năm là khởi phương tiện, sáu là vào quá phần hạn đã chế, bảy là có tâm thọ lạc, tám là có đủ hai tâm không sợ hãi và tặc tâm. Đủ tám duyên này thì phạm Ba la thị ca không thể cứu, vì có thể hại phẩm thiện khiến tiêu diệt và sanh khởi tội trong ba đường. Nếu với tặc tâm cố ý phạm tội này thì không thể cứu, ngược với trên thì có thể cứu bằng cách cho thọ học, trọn đời mới được xuất tội. Nếu phạm tội phương tiện trọng Tốt-thổ-la để thì phải đối trong Tăng sám trừ, nếu là khinh Tốt-thổ-la để thì nên đối trước bốn người ở ngoài giới sám. Ba tội Tha thắng sau cũng giống như đây nên biết.

2. Không cho mà lấy:

Phật tại thành Vương xá, do Bí-sô Đạt ni ca trộm cây gỗ tốt của vua A xà thế, bị bắt giữ và bị vua mắng là đáng tội chết nên các Bí-sô bạch Phật, Phật bảo A-nan đi hỏi pháp quan để biết theo vương pháp phạm tội trộm tới mức độ nào mới xử tội chết, pháp quan nói là trộm vật trị giá năm Ma sái trở lên sẽ xử tội chết. Phật nhân việc này dựa theo vương pháp chế Bí-sô nếu trộm đủ năm Ma sái thì bị tẫn và chế học xứ như sau:

Nếu lại có Bí-sô ở trong tụ lạc hay ở chỗ nhàn tỉnh vắng lặng, lấy vật mà người khác không cho với tâm trộm cắp, khi lấy như vậy nếu vua hay đại thần bắt hoặc giết hoặc trói hoặc đuổi ra khỏi nước, mắng rằng: này sa môn, thầy chính là giặc, ngu si không biết chi nên mới lấy cắp như vậy. Khi lấy cắp như thế thì Bí-sô này phạm Ba la thị ca không cùng ở chung.

Ở trong tụ lạc là bên trong tường rào, chỗ nhàn tĩnh vắng vẻ là bên ngoài tường rào; nói người khác không cho là chỉ cho nam nữ, bán trạch ca… không quen biết, không tin tưởng nhau, không tự tay đưa vật cho. Tâm trộm cắp là ý nói biết vật của người khác mà khởi tâm trộm lấy, nghĩ là không trả lại. Lấy là tự lấy hay bảo người lấy và tưởng thuộc về mình. Năm Ma sái là chế hạn để kết tội trọng, theo vương pháp thời ấy thì một Ca lợi sa ba noa có 20 Ma sái. Vua là người đứng đầu một nước, đại thần là phụ tướng của vua, giúp vua lo việc nước. Bắt là bắt giữ, giết là xử tội chết, trói là bị gông cùm xiềng xích, đuổi là đuổi ra khỏi nước. Các trường hợp trên là vua và đại thần bất tín, nếu vua quan có tín tâm thì chỉ quở mắng và tỏ thái độ khinh thường. Mắng là giặc là tổng nêu; mắng là ngu si là biệt nêu vì do ngu si mới làm việc trộm cắp, không sợ hiện pháp cũng không sợ quả báo đời sau. Tướng phạm trong giới này: nếu Bí-sô tự làm hay bảo người làm, có tâm trộm cắp và khởi phương tiện, biết là vật của người khác và vật tính đủ năm Ma sái, khi nhấc rời khỏi chỗ cũ tưởng thuộc về mình liền phạm bổn tội. Nếu vừa móng tâm thì phạm tội Ác tác trách tâm; Bí-sô có tâm lấy cắp khởi phương tiện cho đến chưa chạm đồ vật thì phạm đối thuyết Ác tác; nếu đã xúc chạm nhưng chưa nhấc rời khỏi chỗ thì phạm Tốt-thổ-la để, nếu đã nhấc rời khỏi chỗ tính theo thời giá định tội như trên. Nếu làm một phương tiện lấy đủ năm Ma sái thì phạm bổn tội, nếu làm nhiều phương tiện nhiều lần mới lấy đủ thì mỗi lần lấy là mỗi phạm Tốt-thổ-la để, lần cuối tuy tính đủ năm Ma sái nhưng không thành bổn tội.

Chỗ để vật hoặc trên đất, hoặc trong rương tráp, tủ, hoặc trên tường, trên giá, trên cọc ngà voi, trên giường tòa, hoặc sau cánh cửa… Nếu trên mặt đất bằng phẳng trơn tru thì gọi là một chỗ, nếu gồ ghề hay có sụp lở, đắp vá hoặc có ghi chữ hay tô vẽ thì gọi là khác chỗ. Nếu trên bàn hay mâm bằng phẳng thì gọi là một chỗ, nếu có bể móp hay tô vẽ thì gọi là khác chỗ. Nếu trên chiếu thảm đồng một màu sắc thì gọi là một chỗ, nếu nhiều màu sắc khác nhau thì gọi là khác chỗ; nếu ở trong hang, hầm ngang bằng với cửa một màu sắc thì gọi là một chỗ, nếu không ngang bằng và chất cao thấp không bằng hoặc có vách ngăn thì gọi là khác chỗ. Nếu trên yên ngựa dùng tấm trải một màu sắc thì gọi là một chỗ, nếu là tạp sắc thì gọi là khác chỗ; trên thớt voi, trên xe cũng vậy; nếu thân voi mập mạp da thịt tròn đầy thì gọi là một chỗ, nếu ốm gầy thấy xương sườn xương sống… thì tùy mỗi chỗ gọi là khác chỗ.

Nếu Bí-sô thấy thuyền đã cột neo, khởi tâm lấy cắp đi đến làm thuyền dao động thì phạm Ác tác; nếu mở dây neo làm cho thuyền trôi theo dòng nước, mắt vẫn còn trông thấy thuyền thì phạm Tốt-thổ-la để, khi thuyền khuất khỏi tầm mắt thấy liền phạm bổn tội; nếu chèo thuyền đi ngược dòng nước ở trong phạm vi tương tợ bề rộng của con sông thì phạm tội Căn bản.

Nếu đệ tử giữ y cho hai thầy, khởi tâm trộm cắp mang từ phòng ra đến ngoài hiên hoặc từ hiên ra đến cửa chùa, ra khỏi chùa; hoặc mang từ chỗ cao xuống chỗ thấp hoặc từ chỗ thấp lên chỗ cao…, hoặc đi phía sau thì bước chầm chậm, hoặc đi phía rước thì rảo bước nhanh, khi đi đến chỗ mắt không nhìn thấy thì đều phạm bổn tội.

Nếu có tâm trộm cắp kinh sách cho đến cây thuốc, cây hoa… đều tính giá của vật mà kết phạm; nếu trộm xá lợi Phật có người coi giữ, ý muốn cúng dường thì phạm tội Ác tác, nếu muốn mua bán để cầu tài lợi thì phạm bổn tội. Trong miếu thờ trời, trong tháp Phật lấy trộm các vật thờ cúng mà có người coi giữ, tính giá đủ thì phạm bổn tội; nếu phi nhân coi giữ thì phạm tội thô. Nếu trộm cắp vật của bàng sanh tính giá đủ thì phạm Thô tội, không đủ thì Ác tác; nếu là vật của người bị bàng sanh trộm lấy, Bí-sô tưởng của người mà trộm lấy vật ấy tính giá đủ cũng phạm bổn tội, nếu tưởng của bàng sanh thì phạm Thô tội.

Nếu Bí-sô trộm cắp các loài vật không chân, hai chân, bốn chân hoặc nhiều chân, tính giá đủ thì phạm bổn tội như trên. Loài không chân như rắn… do người nuôi dưỡng để cầu lợi. Loài hai chân như chim hay người, nếu bắt cóc người thì khi đến chỗ hẹn liền phạm bổn tội; nếu bắt chim thì có hai trường hợp: nếu tự tay bắt rời khỏi chỗ nó đang ở liền phạm, hoặc chim đang bay đuổi bắt, khi nó rơi xuống bắt được liền phạm. Nếu đệ tử hay môn nhân bị giặc bắt cóc, đã thuộc về họ hay chưa thuộc về họ, đoạt lại từ giặc, phạm hay không phạm như trong luật đã nói; nếu tự thân trốn thoát thì không phạm. Loài bốn chân như voi, ngựa, trâu, dê… trộm lấy từ trong bấy, đàn hoặc trộm từ chỗ nó bị cột giữ, khi đi đến chỗ không nhìn thấy được liền phạm bổn tội. Loài nhiều chân như rít, bò cạp, ong… do ba hạng người nuôi dưỡng là quan cai ngục, đại thần và các thương nhân, trộm lấy tính giá đủ thì phạm bổn tội như trên.

Nếu trộm phục tàng có chủ muốn dùng chú lực để mang đi, khi chưa thấy dược phục tàng thì phạm Thô tội, khi đã thấy liền phạm bổn tội; nếu trộm phục tàng không chủ muốn dùng chú lực mang đi, khi chưa thấy phục tàng thì phạm tội Ác tác, khi đã thấy liền phạm Thô tội.

Nếu trời nắng hạn, khơi cho nuớc chảy vào ruộng của mình, ý muốn cho ruộng mình được tốt còn ruộng người không được tốt. Kết quả ruộng mình tốt, ruộng người bị thiệt hại, tùy thiệt hại bao nhiêu tính theo thời giá định tội. Hoặc lúc mưa to ngập lụt, khơi cho nước chảy vào ruộng của người, tùy ruộng người bị thiệt hại bao nhiêu, tính theo thời giá mà định tội như trên. Những nơi nước khan hiếm, nếu trộm nước của người cũng tính theo giá mà định tội, nếu trộm của phi nhân thì phạm Thô tội.

Nếu Bí-sô thấy thợ săn bủa lưới giăng bắt chúng sanh hoặc trâu, bò, ngựa bị cột; khởi tâm trộm lấy đến mở dây dẫn nó đi thì tính giá định tội như trên, nếu khởi tâm từ bi mà thả thì chỉ phạm Ác tác. Nếu Bí-sô lúc trộm nghĩ rằng: “lấy được vật rồi liềnhủy hoại khiến cho kẻ kia mất tài vật, chứ không lấy làm của riêng mình”, thì phạm Tốt-thổ-la để. Thợ săn đuổi theo Nai chạy vào chùa, tùy bị thương hay không bị thương, Bí-sô không trả lại cho thợ săn thì không phạm; nếu nai bị bắn tên chạy vào chùa rồi chết thì Bí-sô nên trả lại cho thợ săn, không nên làm trở ngại.

Nếu ruộng đất, vườn, quán xá của người khác, cho là của Tăng già nên nói lời phi lý để giành lấy, khi đưa tới quan xử, quan xử cho Bí-sô thắng, nếu tâm của người kia chưa xả thì Bí-sô phạm Thô tội, khi tâm người kia xả thì Bí-sô phạm bổn tội; nếu quan xử không cho Bí-sô thắng thì Bí-sô cũng phạm Thô tội. Nếu là vua xử, vua xử cho Bí-sô thắng thì Bí-sô phạm trọng, do trong việc xử đoán, vua là trên hết; nếu quan khác xử đoán thì đợi khi tâm người kia xả, tội của Bí-sô mới thành trọng. Nếu Bí-sô dùng hàng rào rào quanh, khi chưa rào giáp khắp thì phạm Tốt-thổ-la để, khi rào giáp khắp thì tính giá định tội.

Nếu Bí-sô đồng tâm với giặc chỉ chỗ cho đi cướp, sau đó được chia phần, tùy được bao nhiêu mà kết tội; nếu sau khi chỉ chỗ cho giặc đi cướp rồi hối hận, Bí-sô đến chỗ đó bảo họ đề phòng giặc cướp chớ để bị cướp; hoặc sau khi kết bạn với giặc, hối hận không đi theo, dù chỉ có giặc đi cướp, Bí-sô cũng phạm tội phương tiện, sau đó tuy không nhận phần cũng phạm Thô tội. Nếu cùng đi với giặc muốn làm việc trộm cướp, giữa đường hối quay trở lại thì phạm tội Ác tác; nếu đồng tâm với giặc làm người canh chừng, khi chia vật tùy nhận mà kết phạm; nếu vì sợ giặc nên đi theo nhưng không có tâm trộm cướp, giặc tuy trộm được nhưng Bí-sô không phạm. Nếu không làm khế ước, hễ được liền thuộc về mình, do có hạn cuộc nên khi được liền phạm; nếu khác với đây thì tùy được chia bao nhiêu mà định tội.

Nếu Bí-sô mang vật của mình hay vật của người khác mà nói là muốn trốn thuế thì phạm tội Việt pháp, nếu chỉ cho người trốn thuế đi đường khác thì phạm tội Ác tác. Nếu khởi tặc tâm chỉ cho người trốn thuế đi đường khác, khỏi phải đóng thuế thì phạm Thô tội. Mang vật của người khác qua chỗ thu thế mà không có tâm lấy phần thì phạm Thô tội; nếu chưa qua chỗ thu thuế mà nhận lấy nửa phần hay toàn phần đều phạm Thô tội; nếu đã qua chỗ thu thuế tính giá đủ số thì phạm bổn tội. Nếu mang vật của mình đến chỗ thu thuế rồi nhờ người khác mang qua, tính giá đủ số cũng phạm bổn tội. Nếu là tài vật của mình, quyết tâm hồi chuyển cho cha mẹ anh em nên nói với người thu thuế là không phải vật của tôi; hoặc đi trên hư không, hoặc ngậm trong miệng, hoặc giấu trong áo, hoặc đi tránh đường khác thì đều phạm Thô tội. Nếu đã trộm được vật, rẻ hay đắc chưa biết được giá, khi biết được giá, nếu rẻ thì phạm Thô tội, nếu đắc thì phạm bổn tội.

Nếu thương nhân nhét vật phải đóng thuế vào trong đãy y của Bísô mà Bí-sô không hay biết, khi mang qua khỏi chỗ thu thuế thì không phạm. Cho nên các Bí-sô khi đi đường, những y vật đã có nên cử người coi giữ, những người đi khất thực được trở về nên chia phần cho người coi giữ này. Nếu không cho các thương nhân để vật phải đóng thuế vào trong đãy y mà họ vẫn gượng nhét vào, nếu không có tịnh nhân thì Bísô nên tự lấy vật đó bỏ ra rồi nói với họ: “vật của các ông hãy tự lấy lại”. Nếu Bí-sô một mình tháp tùng những người đồng hành để đi xa, khi cần đi khất thực nên làm dấu trên y vật của mình rồi mới đi, khi trở về nên xem kỹ lại. Nếu vì công việc của Tam bảo hay của cha mẹ phải mang các vật đóng thuế qua chỗ thu thuế, Bí-sô nên nói pháp cho vị quan thu thuế hoặc tán thán Tam bảo hoặc nói công ơn của cha mẹ…, nếu họ nghe rồi không thu thuế thì không phạm, nếu họ vẫn bảo đóng thuế thì nên đóng thuế. Khi mang tài vật của Tam bảo qua chỗ thu thuế nên lấy một phần để đóng thuế, sau đó chia đều, chớ nên thiên vị chia nhiều ít. Nếu đi với bạn nên hỏi bạn rồi mới mang vật qua giùm, không nên mang vật phải đóng thuế qua chỗ thu thuế. Nếu vật là vải mới nên nhuộm cho hoại sắc rồi mang đi không phạm, nếu là y đổi thuốc thì không nên nhuộm, vì để đổi thuốc trị bịnh nên mang qua không phạm. Khi nhờ người nhuộm y nên hỏi người ấy đã từng nhuộm y chưa, nếu không hỏi thì phạm tội Ác tác. Nếu Bí-sô không chịu mang vật giúp cho người trốn thuế, lại đưa vật đó cho quan thu thuế thì phạm tội Ác tác.
Nếu người chồng không có nói cho mà Bí-sô dối nói với người vợ để được vật thì tùy được vật mà định tội nặng hay nhẹ. Nếu nhiều người cùng trộm một y, tùy khi nhận phần mà định tội; nếu ban đầu trộm lấy đãy y định lựa lấy y, khi dời đãy y thì phạm Thô tội, khi lựa lấy được y liền phạm bổn tội. Nếu y vật của người khác treo trên cọc ngà voi hay trên sào tre, Bí-sô trộm lấy cả cọc hay sào mang đi thì phạm Thô tội, khi lấy y rời khỏi cọc hay sào thì tùy việc kết phạm. Nếu sai Bí-sô này đến lấy y, Bí-sô này khởi tặc tâm trộm lấy, khi lấy được tùy việc kết phạm. Nếu Bí-sô không được sai bảo, vì người ấy mà đi trộm vật, khi lấy được thì phạm Thô tội.
Bảo người khác đi lấy trộm có bốn câu:

1. Là người đã thọ Cận viên bảo người khác không phải là cận viên đi lấy trộm, được vật thì pham Thô tội.

2. Là người không phải cận viên bảo người đã thọ Cận viên đi lấy trộm, được vật cũng phạm Thô tội.

3. Là người đã thọ Cận viên bảo người đã thọ Cận viên đi lấy trộm, được vật thì phạm bổn tội.

4. Là người không phải cận viên bảo người không phải cận viên đi lấy trộm, được vật thì phạm tội Ác tác.

Trường hợp người đang thọ cận viên cũng có bốn câu như trên, hai trờng hợp có bốn câu này thông các học xứ, tùy việc nên suy xét. Trộm cắp có năm cách: một là đối mặt cưỡng đoạt lấy, hai là lén trộm lấy, ba là giỡn lấy, bốn là nhận của người khác gởi rồi lấy luôn, năm là cho rồi đoạt lấy lại. Năm cách lấy trên nếu dựa theo pháp luật để lấy thì không phạm, nếu là tặc tâm lấy thì phạm. Nếu lấy trộm trái trên cây của người, dùng cây đập cho trái rụng xuống để lấy, nếu đập một lần mà tính giá đủ số thì phạm bổn tội, nếu tính giá không đủ số thì tùy số lần đập mà kết Thô tội.

Nếu Bí-sô ở nơi hai châu Đông và Tây thì căn cứ theo tiền tệ lưu hành của nơi ấy mà định tội nặng hay nhẹ, riêng ở Bắc Câu lô châu do không có tưởng sở hữu cũng không có việc không cho mà lấy nên không có tội trộm cắp. Nếu có phương xứ lấy sắt… làm tiền tệ, Bí-sô trộm vật bằng sắt tính giá mà định tội.

Nếu Bí-sô trộm bối xỉ nhiều lần tính đến vạn ức, nhưng mỗi lần lấy trộm chỉ lấy có bốn Ma sái thì không phạm bổn tội mà phạm nhiều tội Tốt-thổ-la để.

Nếu tưởng vật của người khác nên khởi phương tiện lấy trộm, sau đó mới biết là vật của mình thì phạm Thô tội; nếu là đống lúa lớn, phá ra để trộm lấy mang đi, nếu một lần lấy tính giá đủ số thì phạm bổn tội, ngoài ra giống như trên.

Nếu trộm lấy vật báu rồi đem chôn giấu, ý muốn làm cho hoại thì phạm Thô tội; nếu thí chủ đem vật đến cúng, biết không phải phần mình mà nói là mình có phần thì phạm Thô tội, khi nhận phần tính theo giá mà định tội. Nếu người khác không thọ thỉnh thực mà đến thọ thực thì Bí-sô phạm tội Ác tác, nếu bổn sư có việc đi đến nơi khác, thọ lợi dưỡng giùm thầy thì không phạm, nhưng khi lấy phần nên nói cho mọi người biết, nếu không nói mà lấy phần của người khác thì phạm. Nếu người khác nhờ mang y vật đến cho người bịnh, nếu nghe tin người bịnh qua đời thì nên đem y vật đó trả lại cho chủ; nếu khi mang đến, người bịnh còn sống, sau đó mới qua đời thì y vật này thành vật của người chết để lại.

Nếu người giữ kho khởi tặc tâm trộm lấy vật đem cúng cho Bí-sô, Bí-sô cho là vật thí, nhận thì không phạm. Nếu giặc trộm cướp vật của người khác vì sợ bị bắt nên đem cúng cho Bí-sô, Bí-sô biết thì không nên nhận, nếu khởi tâm nhận rồi sau đó trả lại cho chủ mà nhận thì không phạm; nếu chúa giặc cúng, Bí-sô nên nhận, nhận rồi nên cắt nhuộm làm cho hoại sắc rồi cất giữ, nếu người chủ của vật đến đòi thì nên trả lại. Nếu khởi phương tiện muốn trộm tài vật của người khác, sau khi xúc chạm rồi mới theo chủ của vật xin, nếu người chủ cho thì Bí-sô mắc tội Thô trước. Nếu ban đầu vay mượn, sau đó không muốn trả lại, khi quyết định không trả lại thì phạm bổn tội. Nếu vật của người khác gởi, khởi tâm lấy nên đem dời để chỗ khác thì phạm Thô tội và cả bổn tội; nếu dời di rồi mới quyết tâm lấy, không trả lại cho chủ thì phạm bổn tội. Ý muốn lấy vật này nhưng lấy nhầm vật kia, do trái với bổn tâm nên chỉ phạm Thô tội, nếu ban đầu trộm đãy y xấu, không ngờ bên trong có y quý giá, khi xem thấy thì tính giá mà kết tội.

Nếu là vật của chùa này, Bí-sô có tâm trộm lấy dời đến trong chùa khác thì phạm tội Ác tác. Nếu chuột tha vật của mình, khi thấy được lấy lại, nếu nó đã tha về hang là vật của nó thì không nên lấy lại; nếu chuột tha vật tới cho thì chuột là thí chủ, tưởng vật của nó nên nhận. Nếu Bí-sô bịnh nhờ người khán bịnh đem vật cúng dường Tăng già để cầu phước lợi, người khán bịnh không làm theo lời người bịnh mà tùy ý xử phân thì phạm Tốt-thổ-la để. Vật của Bí-sô chết để lại, đệ tử Phật đều được chia nhưng nếu chúng tăng đã tác pháp rồi mà trộm lấy thì tính giá đủ số liền phạm trọng. Người trông coi việc xây cất nếu vì chúng tăng vay mượn, chẳng may qua đời thì nên lấy vật của chúng tăng trả cho chủ nợ; khi vay mượn, vị thọ sự này nên báo cho vị trưởng lão trong Tăng biết và làm giấy tờ rõ ràng để theo đó mà trả cho chủ nợ.

Khi bị giặc cướp vật, nếu Bí-sô khởi tâm xả, sau đó đoạt lấy lại thì tính giá đủ số kết trọng; vì khi khởi tâm xả thì vật bị cướp đã thuộc về người kia, Bí-sô không được đoạt lại. Cho nên khi bị giặc cướp, Bí-sô không nên vội vàng khởi tâm xả, nếu sau đó thấy thì được lấy lại không phạm. Nếu thấy giặc đến cướp, Bí-sô nên hiện tướng sân để giặc bỏ đi, nếu bắt được giặc không nên giao cho quan liền, nên nói pháp để họ trả lại vật đã cướp; nếu họ không chịu trả lại thì nên đưa cho họ nửa giá cho đến đủ giá để chuộc lại, vì y bát đã thành rốt cuộc rất khó được.

Nếu Bí-sô thấy tử thi chưa hoại mà tự làm cho hoại hay bảo người làm cho hoại để lấy y phấn tảo của tử thi thì phạm tội Ác tác; khi nào tử thi bị trùng kiến làm cho hoại thì mới được lấy y phấn tảo này. Nếu ở trong rừng thây chết có người coi giữ thì không nên lấy y phấn tảo của người chết, nếu lấy thì phạm Thô tội.

Nếu giặc đánh cướp tài vật, không thể mang đi hết thì Bí-sô không nên lấy những vật giặc đã bỏ lại, nếu có người nói tùy ý lấy thì lấy không phạm. Nếu giặc trộm lấy thức ăn như mía… của người rồi bỏ lại, Bí-sô đối trước đông người mới được lượm lấy. Nếu lượm được y phấn tảo dơ uế bất tịnh thì không nên cất giữ, nên giặt sạch nhuộm rồi mới cất dùng; nếu là y phấn tảo của tử thi nên giặt nhuộm phơi trên sào chừng bảy tám ngày mới được cất dùng. Nếu là vải liệm phủ người chết, người thân mang đến chùa cúng, sau đó đến xin lại thì nên đưa lại cho họ, không đưa lại thì phạm tội; sau đó họ lại mang đến trả cho chùa, Bí-sô cũng nên nhận, không nên không nhận.

Có Bí-sô khách đến ở trong phòng, chủ nên hỏi để biết nếu có người khác đến lấy y vật thì có cho lấy không, nếu đáp là cho lấy thì bị mất vật không phải đền; nếu khách nói chớ cho lấy mà chủ lại để cho lấy thì vật bị mất phải đền lại cho khách. Lại nữa Bí-sô khách vốn không quen biết thì khi mới đến, chủ chỉ nên thăm hỏi có khỏe không, không nên chỉ chỗ cho nghỉ ngơi liền; nếu khách ở lại, những vật cần dùng như nước tắm, xà bông, cây đánh răng… đã có nên hỏi chủ rồi mới được lấy dùng, không hỏi mà lấy dùng thì mắc tội. Nếu là khách đã quen biết, chủ nên chỉ chỗ cho nghỉ ngơi, những vật cần dùng như nước tắm, xà bông… được tùy ý lấy dùng, khng cần hỏi chủ.

Nếu ở trên thuyền nơi bến sông, trao và nhận vật nên cẩn thận, người trao vật không nên vội buông tay khiến cho vật tổn thất, nếu vật bị tổn thất thì phải tính giá đền lại; khác với trên thì không phạm.

Hễ là Bí-sô thọ sự thì khi đóng cửa chùa có năm việc sai khác: trên dưới chuyền gọi nhau khóa cửa, khóa cửa trong cửa ngoài và cài then. Nếu không làm như thế, kẻ trộm lẻn vào lấy hết tài vật thì tùy việc phải tính giá đền lại; nếu làm thiếu một việc thì đền một phần, nếu cả năm việc không làm thì phải đền lại hoàn toàn.

Nếu bản tâm của thí chủ lập chùa và cúng dường vật cần dùng cho người ở trong chùa này, nếu Bí-sô lấy thức ăn đem cho người khác thì tính giá đền trả lại. Nếu Bí-sô nhặt được của rơi nên để ở chỗ hiển lộ, nếu có người đến nhận thì nên đưa lại cho họ. Nếu đi tìm thuốc cho người bịnh, nên hỏi người bịnh là tìm ở đâu rồi theo lời của người bịnh mà tìm.

Bí-sô có duyên sự nhờ Bí-sô làm giúp và hứa sẽ cho bát nhỏ, Bí-sô kia theo lời đã hứa nên tự lấy dùng, tưởng là của mình thì không phạm; nhưng các Bí-sô không nên nhận lời làm thuê, nếu thay đổi tác nghiệp hay khởi tâm làm phước thì không phạm.

Lúc đó con trai của trưởng giả Cấp-cô-độc bị giặc bắt cóc, tôn giả Đại Mục-kiền-liên tìm được và mang về cho trưởng giả; tôn giả Tấtlân-già-bà-ta lấy lại cháu ngoại bị giặc bắt và vì thương xót các tịnh nhân giữ chùa nên hiện thần lực và dùng chú thuật để lấy lại thì đều không phạm.

Vật của người khác, tưởng của người khác và nghi mà trộm lấy thì phạm bổn tội; vật không phải của người khác, tưởng của người khác và nghi mà trộm lấy thì phạm Thô tội; vật có chủ, tưởng không chủ hoặc tưởng vật của mình, hoặc lấy tạm dùng, hoặc báo cho người khác biết, hoặc cho là bạn thân nên lấy dùng thì không phạm. Bạn thân có thể nhờ cậy gởi gắm có ba bậc thượng trung và hạ, nên theo thứ lớp ấy mà nhờ cậy, nếu không theo thứ lớp ấy thì phạm tội Việt pháp.

Nếu Bí-sô biết vật của người khác, vật có chủ mà khởi tâm trộm, dùng một phương tiện mà lấy đủ năm Ma sái, dời khỏi chỗ cũ, tưởng là vật của mình thì phạm bổn tội; nếu không đủ thì phạm Thô tội, nếu không có tâm trộm cắp thì không phạm. Lại nữa không phạm là trường hợp người phạm đầu tiên, người người điên cuồng tâm loạn, tâm bịnh hoại…

 

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14