CĂN BẢN TÁT BÀ ĐA BỘ LUẬT NHIẾP

Nguyên tác: Tôn giả Thắng Hữu – Hán dịch: Tam tạng Pháp sư Nghĩa Tịnh đời Đường. TQ
Việt dịch: Ban phiên dịch chùa Pháp Bảo, HT Thích Tịnh Hạnh giám tu – năm 2005
Hiệu đính và nhuận văn: NS Thích nữ Như Lộc tại chùa Phổ Minh. Năm 2010.

QUYỂN 14

VI. BỐN PHÁP BA LA ĐỀ XÁ NI:

Nhiếp tụng:

Thọ của ni chẳng thân thích,
Trong nhà xử phân thức ăn,
Không thỉnh mà đến Học gia,
Thọ thức ăn bên ngoài chùa.

1. Thọ thức ăn từ Ni không bà con:

Phật tại Trúc lâm, thành Vương xá, lúc đó Bí-sô ni Liên hoa sắc tự phát nguyện: “khi tôi khất thực được đầy bát thứ nhất, tôi sẽ dâng cúng cho Tăng; bát thứ hai tôi mới tự ăn”. Sau đó, khất thực được bát thứ hai định ăn thì gặp một Bí-sô đói nên đem dâng cúng, do duyên này nên đoạn thực; sáng hôm sau, khất thực được bát thứ nhất đem cúng cho Tăng, khất thực được bát thứ hai định ăn thì Bí-sô Ô-ba-nan-đà theo xin nên đem dâng cúng. Do sức yếu lại thêm nhịn đói hai ngày nên cô ngất xỉu giữa đường, các cư sĩ thấy vậy liền chê trách các Bí-sô nên Phật chế học xứ:

Nếu Bí-sô không bịnh, ở trong nhà bạch y tự tay thọ thức ăn từ Bí-sô ni không phải bà con; Bí-sô này khi trở về trú xứ nên đến bên Bísô khác nói tội rằng: “Đại đức, tôi phạm pháp đáng quở trách, là việc không nên làm, nay đến bên Đại đức nói tội”. Đây là pháp Ba la đề đề xá ni thứ nhất.

Nói không bà con ý nói nếu Ni là bà con theo thọ thức ăn thì không phạm; hoặc ở trú xứ Ni, Ni là thí chủ thiết cúng, thức ăn không phải do khất thực mà được, theo thọ thì không phạm; hoặc Ni sai người đưa thức ăn đến, thọ thì không phạm. Nói thức ăn là năm loại Khư đà ni và năm loại Bồ thiện ni, nếu thọ thì phạm Đọa. Các tội khác đều đối trước người khác sám hối, vì sao chỉ riêng bộ tội này được gọi là đối thuyết?. vì phạm tội trong bộ tội này, ở trong trú xứ hễ có Bí-sô đều phải biệt đối để nói tội, không giống như bộ tội khác nên mới có tên gọi này; lại nữa phạm tội này rồi không được để lâu sẽ biến thành tội khác. Cảnh tưởng có sáu câu: hai câu đầu phạm bổn tội, hai câu kế phạm tội Ác tác, hai câu sau không phạm.

2. Thọ thức ăn do Ni chỉ trao:

Phật tại vườn Cấp-cô-độc, thành Thất-la-phiệt, lúc đó Lục chúng Bí-sô nói với ni Thổ-la-nan-đà: “nếu chỗ nào có thí chủ thỉnh Tăng thọ thực, cô hãy đến đó khuyến hóa họ cúng thức ăn ngon cho chúng tôi”, Thổ-la-nan-đà vâng lời đến những chỗ thỉnh Tăng khuyến hoa để đem thức ăn ngon về cho Lục chúng Bí-sô, khiến không đủ thức ăn cúng cho các Bí-sô khác… nên Phật chế học xứ:

Có các Bí-sô đến nhà bạch y thọ thỉnh thực, trong nhà này có một Bí-sô ni chỉ bảo bạch y đưa cơm cho Bí-sô này, đưa canh cho Bí-sô kia. Các Bí-sô nên nói với Bí-sô ni này rằng: “cô hãy thôi đi, hãy đợi các Bí-sô dùng cơm xong”, nếu trong các Bí-sô không có ai nói với Bí-sô ni này như vậy thì các Bí-sô này khi trở về trú xứ nên đến bên Bí-sô khác nói tội rằng: “Đại đức, tôi phạm pháp đáng quở trách, là việc không nên làm, nay đến bên Đại đức nói tội”. Đây là pháp Ba la đề đề xá ni thứ hai.

Nói đến nhà bạch y là nếu đến trong chùa Ni thì không phạm; nếu trong nhà bạch y thấy có Bí-sô ni nên ngăn rằng: cô hãy đợi một chút, nếu có một người nói ngăn thì cả chúng không phạm. Khi vào nhà bạch y nên hỏi chủ nhà có Bí-sô ni chỉ trao thức ăn hay không, nếu không hỏi thì phạm tội Ác tác; nếu thấy có Ni ra vào nhà cũng nên hỏi như trên, nếu ni là bà con hoặc ni thiết thực cúng Tăng nên chỉ trao thức ăn thì không phạm.

3. Nơi nhà Học gia thọ thực:

Phật tại thành Quảng nghiêm, lúc đó tướng quân Tăng ha kiến đế nên sanh chánh tín, thường cúng Tăng nên không bao lâu sau khánh tận. Thế tôn bảo các Bí-sô bạch nhị yết ma ngăn không cho các Bí-sô đến nhà kia thọ thực nữa; lúc đó tôn giả Xá-lợi-phất và Đại Mục-kiềnliên trước đã thọ tướng quân thỉnh thực nên mới đến nhà thọ thực, Lục chúng Bí-sô thấy vậy liền suy nghĩ: “người này khi mới kiến đế cũng đã thỉnh ta thọ thực”, nghĩ rồi liền đến nhà đó thọ thực, thọ thực xong liền thấy nam nữ trẻ con trong nhà kêu khóc vì đói… Phật nhân việc này chế học xứ:

Có nhà của Học gia, chư Tăng đã tác pháp yết ma Học gia; nếu Bí-sô biết Tăng đã tác pháp yết ma Học gia, Bí-sô này trước không được tùy ý thỉnh mà đến trong nhà Học gia này tự tay thọ thức ăn, Bí-sô này khi trở về trú xứ nên đến bên Bí-sô khác nói tội rằng: “Đại đức, tôi phạm pháp đáng quở trách, là việc không nên làm, nay đến bên Đại đức nói tội”. Đây là pháp Ba la đề đề xá ni thứ ba.

Nói học gia là người đã chứng được quả Dự lưu cho đến quả Bất hoàn, là học nhân tại gia chứ không phải Vô học; nói yết ma Học gia là Tăng tác pháp thành tựu, nếu trước đã thọ thỉnh hoặc vị này được giải yết ma thì thọ thực không phạm. Nói giải yết ma là nếu học gia kia trở lại sung túc như trước kia, Tăng tác pháp yết ma giải để xả pháp ngăn trước.

4. Nơi A-lan-nhã thọ thức ăn:

Phật tại thành Kiếp-tỷ-la, lúc đó Lục chúng Bí-sô ở nơi A-lannhã, tuy trong rừng này có giặc cướp tụ tập nhưng người có tín tâm vẫn đem thức ăn đến cúng Tăng. Khi Lục chúng Bí-sô đến đón nhận thức ăn thì thấy các người nữ mang thức ăn đến bị giặc cướp lột hết y phục, lỏa hình núp trong bụi cỏ; vậy mà vẫn gắng gượng kêu họ ra trao thức ăn cho mình. Người nhà của các người nữ này đến sau hỏi biết rõ sự việc rồi liền mất tín tâm và chê trách các Bí-sô. Phật nhân việc này chế học xứ:

Có trú xứ A-lan-nhã là nơi có nghi sợ, nếu Bí-sô biết trước trú xứ A-lan-nhã này là nơi có nghi sợ, Tăng cũng chưa tác pháp yết ma cho mà lại ở ngoài tinh xá thọ thức ăn, Bí-sô này khi trở về trú xứ nên đến bên Bí-sô khác nói tội rằng: “Đại đức, tôi phạm pháp đáng quở trách, là việc không nên làm, nay đến bên Đại đức nói tội”. Đây là pháp Ba la đề đề xá ni thứ tư.

A-lan-nhã là nơi cách thôn một Câu lô xá, nhưng Bí-sô không nên ở những nơi có ác ma hay Dược xoa đáng sợ và thú dữ. Nếu ở chỗ có hiểm nạn, Tăng nên sai Bí-sô có đủ năm pháp đến xem xét, nếu thấy có giặc thì nên đốt lửa có khói bốc lên để báo hiệu hoặc treo cây phương trên cao để cho người ở xa nhìn thấy mà cảnh giác, hoặc sai người ra đón tiếp. Bí-sô được sai này được ăn trước giờ ăn chánh mà không phạm, về cảnh tưởng có sáu câu như trên. Bí-sô ở A-lan-nhã nên biết rõ đường đi nơi đó, nếu thấy có người lui tới nên chào hỏi thiện lại và tùy sức cung cấp thức ăn và nước; nên tươi cười trước khi nói, không nên nhăn nhó; nếu gặp người nữ nên dựa trên tuổi tác mà khởi tưởng như mẹ hoặc chị em gái mà đối xử.

VII. CHÚNG HỌC PHÁP:

Tổng nhiếp tụng:

Ăn mặc thân tề chỉnh,
Nhà tục giữ dung nghi,
Giữ bát trừ người bịnh,
Cỏ nước, leo quá đầu.

Nói chúng học pháp là những tội ác tác, ác thuyết đều nhiếp trong bộ tội chúng học pháp này; chẳng hạn như các Bí-sô không được đánh trống nhạc, hoặc khi cúng dường không được bảo nhạc công: “hãy trổi nhạc”, mà nên nói: “hãy cúng dường Đại sư”. Bí-sô không được dùng ba ngón tay chấm than vẽ ba vạch trên trán, cũng không được soi gương hay soi nước xem mình có đẹp hay không. Nếu khi xem nước nhìn thấy mặt, hoặc xem mụn trên mặt hoặc xem tóc bạc, da mặt nhăn để khởi tưởng nhàm lìa thì không phạm. Nếu vì chúng tăng trông cây ăn trái, chưa có hoa quả thì không nên bỏ đi xa, nếu đi nên dặn người coi giữ thì không phạm.… Khi rước tượng Bồ-tát vào trong thành ấp, năm chúng nên đi theo vây quanh tượng, người tuổi trẻ có sức lực nên phụ giúp khiên tượng… những việc như trên gọi chung là chúng học pháp.

Lúc đó Phật suy nghĩ: “chư Phật quá khứ dạy chúng Thanh văn mặc y phục như thế nào?”, chư thiên liền hiện ra bạch Phật: “chúng Thanh văn quá khư mặc y phục như chư thiên cõi trời Tịnh cư”, Phật liền dùng thiên nhãn quán biết đúng như lời chư thiên nói không khác, sau đó chế pháp y cho các Bí-sô. Nói tề chỉnh là lìa lỗi đắp y không tề chỉnh, nói không quá cao là không cao quá gối, nói không quá thấp là không phết đất. Nếu Bí-sô không như lời Phật dạy, phi pháp trương y ra thì phạm tội trách tâm Ác tác, nếu đắp lên người thì phạm tội đối thuyết Ác tác. Nếu Bí-sô có tâm thuận hành nhưng lại không như pháp đắp y hoặc do quên niệm, hoặc không biết mặc như vậy là phi pháp thì cũng phạm tội Ác tác trách tâm. Nói không giống vòi voi là không xoắn cái chéo y như cái vòi voi rủ xuống eo lưng; nói không giống đầu rắn là không lật ngược chéo y cuộn vào trong eo lưng; nói không như lá cây Đa-la là trên tụ lại dưới xòe ra; nói không như hình hột đậu là không vo tròn chéo y nhét vào eo lưng; nói đắp y kín đáo là không để cho lộ hình; nói ít lời là không nói nhiều lời với người tục; nói không kêu lớn là nếu kêu mà người kia không nghe thì nên nhờ người tục kêu lớn; nói không nhìn cao là không ngước nhìn lên, nên nhìn về phía trước chừng một Du già địa, lượng của một Du già là dài bốn khuỷu tay; nói không nhìn một bên cũng không nhìn ngoái lại là nên nhìn thẳng về phía trước mà đi. Nếu gặp bò, chó… nên xem xét, không nên đi quá gần sẽ bị nó làm tổn thương. Bí-sô không nên trùm đầu như cô dâu mới, cũng không được vén y để lộ hình thể. Khi đi thân không dao động uốn éo, tay không nên đánh xàng xa, đầu cũng không nên nghiêng qua nghiêng lại, không chạm vai người khác cũng không nắm tay nhau đi trên đường. Vào nhà bạch y, nếu họ chưa mời ngồi thì không nên liền ngồi là Phật tại thành Thất-la-phiệt, do nơi Ô-ba-nan-đà mà chế học xứ này. Khi buông thân ngồi nên khéo quán sát là Phật tại thành Thất-la-phiệt, do nơi Ô-đà-di mà chế học xứ này. Nói không ngồi tréo chân là hoặc bắp chân này chồng lên bắp chân kia, hoặc gót chân này tréo qua gót chân kia. Nói cung kính thọ thực là khi thọ thực nên nhiếp niệm, không nên thọ cơm thức ăn đầy bát, vì nếu thọ thêm canh rau sẽ đầy tràn ra ngoài. Người dọn đưa thức ăn chưa đến thì không nên vẫy gọi, khi họ đến dâng cúng thức ăn, chớ khởi tâm tham, nếu đưa bát ra trước chờ đón thức ăn là biểu hiện của tâm tham. Nói khi thọ thực nên khéo dụng tâm là tay vắt lấy miếng cơm ăn không nhiều cũng không ít, sao cho vừa miệng để ăn; nếu há miệng đợi thức ăn là hiện tướng tham ăn. Trong miệng đang có thức ăn thì không nên nói chuyện, nếu nói chuyện thì giống như bạch y. Canh cơm không nên phủ lên nhau, ý muốn được sớt đưa thêm là tăng thêm lòng tham, nên khởi tưởng nhàm lìa đối với thức ăn, giữ niệm thiểu dục là việc nên làm của người xuất gia. Nếu thức ăn quá ngọt, không nên chắt lưỡi dối hiện tướng là chua, nếu thức ăn quá chua cũng không nên suýt xoa dối hiện tướng là ngọt, nếu thức ăn quá nóng cũng không nên hít hà dối hiện tướng là lạnh, nếu thức ăn quá lạnh cũng không nên thổi phù phù dối hiện tướng là nóng, mục đích là để đùa cợt trêu chọc thí chủ. Khi ăn không dùng tay bươi xới thức ăn, cũng không cắn một nửa để nửa kia rơi trong bát, cũng không le lưỡi ra liếm hai môi hiện tướng thèm ăn; cũng không lấy bánh bột nặn thành hình cái tháp, để miếng củ cải lên trên làm luân tướng rồi nói đây là tháp của ngoại đạo Bộ thích noa ở trong địa ngục. Khi ăn tay dính thức ăn cũng không nên le lưỡi liếm; tay dính nước cũng không nên rảy văng trúng người khác, nên hệ tâm quán tưởng ăn để no thân mà tu đạo nghiệp. Tay dính thức ăn dơ không nên cầm bình nước sạch, phải rửa tay sạch rồi mới được cầm và ăn hay uống. Nếu có người tục đến xin nước trong bát cho là nước kiết tường có thể trị lành bịnh, Phật do nhân duyên Ôba-nan-đà nên chế pháp trao nước bát như sau: nên rửa bát ba lần cho thật sạch rồi mới đựng đầy nước sạch, tụng kệ chú ba biến rồi mới trao nước bát này cho người tục. Trên đất không có vật kê lót thì không nên để bát, nếu dùng lá cây lót thì không phạm; cũng không đứng rửa bát và để bát ở những nơi nguy hiểm dễ rớt bể. Người nghe pháp phải có tâm thành kính, nếu ôm lòng kiêu mạn thì nước pháp không thấm vào tâm, phải cung kính mới thọ lãnh được đạo mầu; lại phải lìa tướng kiêu mạn và các binh khí trên tay mới nên vì nói pháp, nếu bịnh thì không phạm. Trên cỏ xanh, dưới cây tươi tốt, cây có hoa quả sum suê và chỗ người thường qua lại đều không được đại tiểu tiện, nếu ở bụi gai thì không phạm. Làm nhà xí nên làm ở chỗ khuất kín phía Đông bắc của chùa và nên làm riêng chỗ đại tiểu; khi đi đại tiện nên cầm theo bình nước đến nhà xí, khi sắp vào nhà xí nên cởi y treo trên sào, kế lấy mười lăm cục đất để bên ngoài gần chỗ rửa, cầm ba cục đất cùng vật lau thân và bình nước rửa vào trong nhà xí rồi đóng cửa lại. Khi đại tiện xong, lau thân dưới xong, tẩy tịnh bằng ba cục đất rồi rửa sạch tay trái ba lần, kẹp bình dưới nách trái, dùng tay phải đẩy cửa rồi cầm bình nước kẹp dưới nách trái đi đến chỗ rửa. Kế dùng bảy cục đất để tẩy tịnh tay trái rồi dùng những cục còn lại để tẩy tịnh cả hai tay, cục đất cuối cùng dùng để chùi bình nước rửa, sau đó đến chỗ rửa rửa sạch tay chân rồi cầm lấy y trở về phòng lấy nước sạch súc miệng ba lần xong mới được làm việc khác. Pháp tẩy tịnh này do tôn giả Xá-lợi-phất làm mà điều phục được ngoại đạo Bà-la-môn; Phật nhân việc này mà chế các Bí-sô nếu không làm theo pháp này thì phạm tội Ác tác. Khi thấy nhà xí dơ nên quét dọn cho sạch chớ để hôi dơ, nếu có đóng bùn đất cũng nên khơi thông; nếu người bịnh không thể tự đi đến nhà xí được thì nên xoi lỗ nơi giường nằm, phía dười giường để bô, cũng nên cất chứa hai cái bô để thay đổi khi đem bô rửa phơi. Khi vào nhà xí đại tiểu tiện chỉ nên mặc Tăng khước kỳ và quần, nếu đại tiểu tiện xong, chưa tẩy tịnh và súc miệng sạch thì không nên thọ người khác lễ kính, cũng không được lễ kính người khác, không ngồi trên giường tòa và cầm lấy thức ăn ăn. Ai làm trái thì phạm tội Ác tác. Nếu bị bịnh tiêu chảy lâu không dứt thì không nên dùng nước rửa, đợi khi bịnh dứt mới y pháp mà tẩy tịnh cho sạch. Nếu cảm thấy chưa muốn đại tiểu tiện thì không nên đi, cũng không nên cố rặn ra tiếng; nếu muốn đại tiểu tiện thì nên đi liền, chớ để quá bức bách mới đi, việc xong không nên ở lâu trong nhà xí làm trở ngại người đi sau. Ở trước Thượng tòa hay nơi đất sạch hay trước người đang ăn, không nên khạc nhổ hỉ mũi ra tiếng; nếu bịnh thì nên dùng ống nhổ, nếu dùng ống nhổ thì nên thường xuyên rửa sạch chớ để bôc mùi hôi. Nói không được leo lên cây cao quá đầu người là do nhóm thập thất Bí-sô sợ giờ ngọ qua nên leo lên cây cao trông ngong người đưa thức ăn đến, mà Phật chế học xứ này; nếu có nạn duyên như hổ báo, leo lên cây cao tránh nạn thì không phạm.

VIII. BẢY PHÁP DIỆT TRÁNH:

Nhiếp tụng:

Hiện tiền và ức niệm,
Bất si và cầu tội,
Đa nhơn ngữ, tự ngôn,
Cỏ phủ trừ các tránh.

1- Đáng cho Hiện tiền Tỳ-nại-da thì nên cho Hiện tiền Tỳ-nạida.

2- Đáng cho Ức niệm Tỳ-nại-da thì nên cho ức niệm Tỳ-nại-da.

3- Đáng cho Bất si Tỳ-nại-da thì nên cho bất si Tỳ-nại-da.

4- Đáng cho Cầu tội tự tánh Tỳ-nại-da thì nên cho Cầu tội tự tánh Tỳ-nại-da.

5- Đáng cho Đa nhơn ngữ Tỳ-nại-da thì nên cho Đa nhơn ngữ Tỳnại-da.

6- Đáng cho Tự ngôn Tỳ-nại-da thì nên cho Tự ngôn Tỳ-nại-da.

7 – Đáng cho cỏ phủ Tỳ-nại-da thì nên cho Cỏ phủ Tỳ-nại-da.

Nếu có việc tranh cải khởi lên nên dùng bảy pháp này thuận theo lời Phật dạy như pháp như luật dứt diệt. Nói bảy pháp diệt tránh là dùng bảy pháp này có thể diệt được bốn tránh; nói bốn tránh là bình luận tránh, phi ngôn tránh, phạm tội tránh và tác sự tránh. Nói bình luận tránh là như có người nói: “hễ khi nói pháp mà được lợi dưỡng thì lợi dưỡng này nên đưa cho người nói pháp”, lại có người nói không được; do đây sanh tranh cãi, đây là hạn cục nơi chúng tăng. Nếu vọng về người khác mà nói thì cội gốc của việc tranh cãi ( tránh căn ) có sáu, nếu duyên sai khác thì thành mười bốn. Nói sáu là phẩn hận, phú não, tật xan, siểm cuống, vô tàm vô quý và ác dục tà kiến. Nói mười bốn là pháp, phi pháp, điều phục, phi điều phục, có phạm, không phạm, trọng, khinh, hữu dư, vô dư, tội trách tâm, tội Ác tác, tội Ác thuyết và tội Việt pháp. Lại có ba pháp là thiện, bất thiện và vô ký cũng là tránh căn. Lại có bốn câu: một là có bình luận nhưng không phải tranh cãi, hai là có tranh cãi mà không phải là bình luận, ba là có cả hai, bốn là cả hai đều không. Ba loại tránh sau, mỗi tránh đều có bốn câu, chuẩn theo loại tránh này nên biết.

Nói phi ngôn tránh là nếu người kia thiện thì không nên gạn hỏi, nếu gạn hỏi thì gọi là phi ngôn tránh. Phi nghĩa là xấu ác, đem pháp xấu ác gạn hỏi là ý nói người kia xấu ác, như đối với Bí-sô Thật-lực-tử đem việc phi pháp gạn hỏi mới sanh tranh cãi, đây là cội gốc của việc tranh cãi.

Nói phạm tội tránh là chỉ cho năm bộ tội, do tranh cãi về phạm tội, cội gốc của việc tranh cãi là từ thân ngữ tâm có phạm. Chỉ có thân phạm tội là như Bí-sô ngủ chung phòng với người chưa thọ Cận viên quá hai đêm, hoặc Bí-sô nằm ngủ trước rồi người nữ mới đến, hoặc lúc đang ngủ có người bế để nằm trên giường cao rộng lớn… Chỉ có ngữ phạm tội là như Bí-sô nói pháp cho người nữ quá năm sáu lời; chỉ có tâm phạm tội là như khi nghe thuyết giới có tâm che giấu tội; thân tâm đều có phạm là như sát sanh, uống rượu; ngữ tâm đều có phạm là như nói pháp cho người nữ, cố tâm nói quá năm sáu lời; thân ngữ tâm đều có phạm là như sát sanh, uống rượu, nói lời khen ngợi, đều là do ba nghiệp phạm tội có sai khác. Nói tác sự tránh là làm đơn bạch… các pháp yết ma, cội gốc của việc tranh cãi là từ việc đã làm mà sanh tranh cãi.

Nếu là bình luận tránh thì nên dùng hai pháp: hiện tiền và đa nhân ngữ để diệt tránh; nếu là phi ngôn tránh thì nên dùng ba pháp: hiện tiền, ức niệm và bất si để diệt tránh; nếu là phạm tội tránh thì nên dùng bốn pháp: hiện tiền, tự ngôn, cầu tội tự tánh và như cỏ phủ để diệt tránh; nếu là tác sự tránh thì nên hòa hợp Tăng để diệt tránh. Nói hiện tiền là có hai: nhân và pháp, nhân là năng diệt tránh, pháp là sở diệt tránh; nghĩa là như pháp như luật diệt tránh. Nói đa nhân ngữ là nếu việc tranh cãi khó dứt diệt thì nên phát thẻ, dựa trên thẻ như pháp nhiều mà diệt tránh. Phát thẻ có bốn cách: một là mật kín, hai là hiển lộ, ba là kề tai, bốn là nói. Nói ứcniệm là như Bí-sô Thật-lực-tử bị Bí-sô khác đem việc phi pháp gạn hỏi nên tâm sanh hổ thẹn, Tăng nên bạch tứ yết ma cho pháp ức niệm để hiển rõ Thật-lực-tử là không phạm. Nói bất si là như Bí-sô Tây yết đa khi cuồng si đã làm nhiều việc phi pháp, phạm nhiều tội; sau trở lại được bổn tâm bị các Bí-sô khác gạn hỏi, Tăng nên bạch tứ yết ma cho pháp bất si. Nói tự ngôn là như Bí-sô phạm tội dù có gạn hỏi hay không gạn hỏi, dù cho ức niệm hay không cho ức niệm, vẫn đối trước Bí-sô như pháp nói tội. Nói cầu tội tự tánh là ở trong chúng ban đầu nói phạm, sau nói không phạm…, Tăng nên cho yết ma cầu tội tự tánh. Nói như cỏ phủ là hai phe nhóm tranh cãi không hòa hợp, bậc tôn túc trong hai phe nên ở trong phe nhóm của mình, dùng lý khai giải để cùng làm pháp sám hối tội mà mình đã phạm, để cầu được hòa hợp. Có ba hạng người: một là người cử tội, hai là người bị cử tội, ba là người trung gian; hai hạng người trên đều có mười sáu pháp, người trung gian có tám pháp. Đối với Bí-sô, diệt trừ tranh cãi cốt yếu là hàng phục phiền não vì do phiền não mà sanh ra phạm: xa là do quên mất chánh niệm nên tạo nghiệp tội, gần là phiền não bỗng nhiên khởi nên hiện

tiền tạo nghiệp. Khi Bí-sô biết nguyên nhân rồi thì nên xa lìa, thuận lý tác ý khiến cho nhân không khởi nữa; nếu sức mình không thể diệt trừ phiền não kia thì nên đến chỗ bậc tôn túc giỏi ba tạng là người có đức hạnh để thỉnh hỏi pháp đối trị. Nếu tác ý trừ diệt không được thì nên ngày đêm đọc tụng tư duy, quyết trạch nghĩa lý để phiền não không hiện hành; nếu vẫn không diệt trừ được thì nên đến trong rừng thây chết tu pháp quán bất tịnh, khởi tưởng vô thường… Nếu cũng không diệt trừ được thì nên hổ thẹn suy nghĩ: “đối với giới pháp thanh tịnh, ta không thể mỗi mỗi như pháp hộ trì mà lại thọ thí chủ cúng dường tứ sự. Phật và Thánh chúng cùng các thiện thần dùng thiên nhãn thấy biết ta phá giới; vì vậy ta phải tự khác trách tâm mình, như cứu lửa cháy đầu, đối trước Bí-sô thanh tịnh phát lồ tội đã phạm, chớ để sau này phải hối hận”. Nếu làm nhiều hạnh đối trị như thế mà vẫn không diệt trừ hết phiền não thì dù thọ tín thí cúng dường vẫn không phạm. Nếu xét thấy mình nhiều phiền não, không thể tự kiềm chế thì nên xả giới hoàn tục, vì nếu tạo nghiệp tội nhất định sẽ chiêu cảm quả dị thục ở đời sau.

Nếu có những việc mà Phật không chế ngăn cũng không tùy khai thì Bí-sô ở đời vị lại phải hành như thế nào?. Như trong luật phần Tạp sự có nói, nếu việc trái với không thanh tịnh, thuận với thanh tịnh thì việc này là tịnh nên làm theo; nếu việc trái với thanh tịnh, thuận với bất tịnh thì việc này là bất tịnh, không nên làm theo. Phật chế lược giáo có hai ý: một là ngăn ngoại đạo phỉ báng Phật không phải là Nhất-thiết-trí, hai là khiến cho các đệ tử ở đời vị lai được an lạc trụ.

LƯỢC GIÁO CỦA BẢY ĐỨC PHẬT

1. Phật Tỳ Bà Thi: trong giáo pháp của Phật Tỳ bà thi, chúng Thanh văn phần nhiều thích tu khổ hạnh cho là chánh hạnh. Lại có các tà sư nói ra tà pháp, cho rằng chỉ có khổ hạnh mới chiêu cảm quả an vui như sau: “nghiệp ác đã tạo đời trước đều do tu khổ hạnh mà được trừ diệt, quả khổ không sanh nên phá được sanh tử không còn luân chuyển nữa và được thường lạc, như thế mới gọi là Sa môn”, Phật Tỳ bà thi muốn đối trị tà pháp này nên nói lược giáo như sau:

“Trong cần, nhẫn là trên,
Hay được quả Niết-bàn,
Xuất gia xúc não người,
Không gọi là Sa môn”

Hai câu đầu của bài tụng này ý muốn đối trị pháp tu khổ hạnh nên nói nhẫn là tối thượng trong tinh cần, không phải do khổ hạnh mà được Niết-bàn thù thắng. Nhẫn trong đây nói chính là Đế sát pháp nhẫn. Hai câu sau là ngăn các ngoại đạo tà kiến xuất gia vọng nói dị pháp khiến cho mình người đều bị não hại, không được quả lợi ích.

2. Phật Thi Khí: trong giáo pháp của Phật Thi khí, chúng Thanh văn phần nhiều tu phạm hạnh để được sanh thiên, thọ diệu lạc ở cõi trời. Phật muốn đối trị họ nên nói lược giáo như sau:

“Mắt sáng tránh đường hiểm,
Đến được chỗ an ổn,
Người trí trong Sanh giới,
Xa lìa được các ác”.

Mắt sáng trong đây là chỉ cho mắt tuệ, tương ưng với tuệ; nói đường hiểm là chỉ cho hai nơi: một là sanh thiên, hai là đọa ba đường ác, vì sanh cõi trời tuy thọ được diệu lạc thù thắng nhưng khi phước báo hết vẫn bị đọa trong ba đường ác. Nói chỗ an ổn là chỉ cho Niết-bàn thường trụ an ổn, người trí ở trong ba cõi biết dùng thiện phương tiện tu nhân xa lìa các ác, tu hạnh xuất ly.

3. Phật Tỳ Xá Phù: trong giáo pháp của Phật Tỳ xá phù, chúng Thanh văn phần nhiều đối với trì giới, tâm sanh hỉ túc nên không tu thắng hạnh; lại thường hay nói lỗi của người, để đối trị nên Phật nói lược giáo như sau:

“Không báng cũng không hại,
Khéo hộ trì giới kinh,
Ăn uống biết vừa đủ,
Thọ dụng ngọa cụ xấu,
Siêng tu Định tăng thượng,
Là lời chư Phật dạy”.

Hai câu tụng đầu ngăn lỗi nơi khẩu nghiệp và ý nghiệp, khuyên hộ trì giới kinh; bốn câu kế khuyên lìa lỗi chấp hai bên mới khế hợp lý trung đạo và siêng tu định tăng thượng.

4. Phật Câu Lưu Tôn: trong giáo pháp của Phật Câu lưu tôn, chúng Thanh văn phần nhiều mong cầu lợi dưỡng, xem nhẹ việc tu phẩm thiện, để đối trị nên Phật nói lược giáo như sau:

“Ví như ong hút mật,
Không hoại sắc và hương,
Chỉ hút lấy hương vị,
Như Bí-sô vào thôn”.

Bài tụng này ý khuyên các Bí-sô khi vào thôn khất thực, không nên làm hoại tâm tín kính của thí chủ, ví như ong hút nhụy hoa không làm tổn sắc hương.

5. Phật Yết Nặc Ca Mâu Ni: trong giáo pháp của vị Phật này, chúng Thanh văn phần nhiều tự cho mình là thù thăng nên hay chê bai người khác; để đối trị nên Phật nói lược giáo như sau:

“Không chống trái việc người,
Không xem làm, không làm,
Chỉ xem lại hạnh mình,
Là chánh hay không chánh”.

Bài tụng này ý khuyên Bí-sô trì giới thấy người phá giới không nên vạch tìm lỗi của họ, khiến tâm mình tán loạn không thể chứng giải; chỉ nên xét lại hạnh thiện ác của mình.

6. Phật Ca-Diếp-Ba: trong giáo pháp của vị Phật này, chúng Thanh văn phần nhiều ưa tu thiền định, đắm trước thiền vị nên không thể tiến tu; để đối trị nên Phật nói lược giáo như sau:

“Chớ đắm nơi tâm định,
Siêng tu chỗ vắng lặng,
Người nên cứu không lo,
Thường khiến niệm không mất.
Nếu người hay huệ thí,
Phước thêm, oán tự dứt,
Hành thiện trừ các ác,
Dứt hoặc đến Niết-bàn”.

Bài tụng này ý khuyên chớ buông lung, đắm trước vị định; cũng khuyên siêng tu để mau được kiến đế, vì có kiến đế mới sinh khởi diệu Niết-bàn, cũng do kiến đế mà không còn phiền não. Tuy đắc định, tạm thời không phiền não nhưng định không đoạn được phiền não, đời sau sẽ lo buồn trở lại; nếu được kiến đế thì không còn lui sụt, các phiền não khác sẽ lần lượt đoạn trừ và siêng tu hạnh bố thí thì phước tăng trưởng, oán tránh cũng tự dứt.

7. Phật Thích Ca Mâu Ni: trong giáo pháp của Phật Thích ca, chúng Thanh văn tánh nhiều phiền não, buông lung không tu phẩm thiện, vừa làm chút thiện liền sanh hỉ túc; nhưng trong mười hai năm đầu Tăng già không có tỳ vết nên Phật lược nói giáo giới như sau:

“Tất cả ác chớ làm,
Tất cả thiện nên tu,
Điều phục khắp tự tâm,
Là lời chư Phật dạy.
Lành thay, hộ thân nghiệp,
Lành thay, hộ ngữ nghiệp,
Lành thay, hộ ý nghiệp,
Hộ ba nghiệp tối thiện,
Bí-sô hộ tất cả,
Giải thoát mọi khổ đau.
Khéo hộ nơi miệng nói,
Cũng khéo hộ nơi ý,
Thân không làm các ác,
Ba nghiệp thường thanh tịnh,
Đây là tùy thuận theo,
Đạo Đại tiên đã hành”.

Bài tụng này ý các ác không làm, các thiện vâng làm, điều phục tự tâm và hộ trì ba nghiệp, do khéo hộ trì nên chứng được thường lạc. Bí-sô nào ba nghiệp thường thanh tịnh mới gọi là thiện Bí-sô, mới có thể làm rạng rỡ Thánh giáo. Bảy vị Phật này vào ngày Bao-sái-đà, tùy cơ nói giáo nhiều ít không đồng, vị Phật đầu tiên chế sáu tháng làm trưởng tịnh một lần và lược nói giáo giới; các vị Phật kế chế năm tháng làm trưởng tịnh một lần và cũng lược nói giáo giới; nhưng đến Phật Thích ca thì chế mỗi nửa tháng làm trưởng tịnh và nói Ba-la-đề-mộc-xoa.

“Tỳ bà thi, Thức khí,
Tỳ xá, Câu lưu tôn,
Yết nặc ca mâu ni,
Ca-diếp, Thích ca tôn,
Đều là Trời trong trời,
Vô thượng điều ngự sư,
Bảy Phật đều hùng mãnh,
Hay cứu hộ thế gian,
Đầy đủ đại danh xưng,
Đều nói Giới kinh này.
Chư Phật và đệ tử,
Đều cùng tôn kính giới,
Do cung kính Giới kinh,
Chứng được quả vô thượng.
Người nên cầu xuất ly,
Siêng tu lời Phật dạy,
Hàng phục quân sanh tử,
Như voi xô nhà cỏ,
Ở trong pháp luật này,
Nên tu không phóng dật,
Khô được biển phiền não,
Dứt hết bờ mé khổ.
Đã vì nói giới kinh,
Hòa hợp làm trưởng tịnh,
Phải cùng tôn trọng giới,
Như mao ngưu tiếc đuôi.
Tôi đã nói giới kinh,
Chúng tăng trưởng tịnh rồi,
Phước lợi thí hữu tình,
Đều cùng thành Phật đạo”.

Nói bảy đức Phật đều là thiên trung thiên vì đã tự chứng quả vô thượng, riêng Phật Thích ca thị hiện trong cõi ác năm trược này, điều phục những người khó điều phục, tùy cơ giáo hóa khiến cho đều được giải thoát nên gọi là thiên trung thiên. Bảy vị đều nói ra giới pháp này nên chúng đệ tử Thanh văn có tôn trọng giới kinh mới chứng được quả vô thương. Kế khuyên chúng đệ tử nên cầu xuất ly, siêng tu lời Phật dạy là được kiến đạo; hàng phục quân sanh tử là được tu đạo; ở trong pháp luật không buông lung… là được chứng đạo. Cuối cùng khuyên nên hòa hợp làm trưởng tịnh, đem phước lợi hồi thí cho các hữu tình, đều cùng thành Phật đạo.

 

-Trọn bộ Hết-

 

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14