CHÚ ĐẠI THỪA NHẬP LĂNG GIÀ KINH

Sa-môn Bảo Thần ở Đông Đô soạn.

 

 

Phẩm 11: NHƯ LAI TẠNG TÁNH

1. Nếu không có ngã thì ai biết khổ hết ai chứng Niết-bàn:

“Khi ấy, Đại Bồ-tát Đại Tuệ lại bạch Phật… cho đến không cầu dứt khổ, không chứng Niết-bàn”. Do ở trên nói Như lai dùng tâm, ý, thức pháp ấm, giới, nhập vọng tập mà có tên. Lại, Đức Phật thường nói các pháp vô ngã, cho nên hỏi cúi mong vì chúng con nói tướng sinh diệt của uẩn giới xứ. Trong ấm, giới, nhập kia đã không có ngã, thì ai sinh ai diệt. Nhưng kẻ ngu y theo sinh diệt, bất giác khổ hết, chẳng chứng Niết-bàn là pháp vô sinh diệt. Nếu không có ngã, thì ai biết khổ hết! Ai chứng Niết-bàn?

2. Như lai tàng có khả năng tạo dựng pháp sinh từ khắp trong sáu đường:

“Phật bảo Này Đại Tuệ! Lắng nghe! Lắng nghe… cho đến biến hiện các đường lìa ngã, ngã sở”. Như lai tàng là tên của tự tánh thanh tịnh tâm tại triền. Phật dạy trong ấm giới nhập tuy vô ngã mà có Như lai Tạng, năng thọ nhận lành, không lành, cho nên có khả năng tạo dựng pháp sinh tử khắp trong sáu đường, thí như cô đào hát nương chú thuật biến hiện pháp hình sắc trong sáu đường, vô ngã, ngã sở. Phàm phu nương Như lai Tạng khởi sáu đường sinh tử, vô ngã ngã sở cũng giống như vậy.

“Vì bất giác nên có ba duyên hòa hợp… cho đến sinh bảy thức vô minh trụ địa”. Do hai thừa không biết Như lai tàng vô ngã, chấp ba duyên căn, trần, thức hòa hợp làm nhân sinh. Ngoại đạo không biết Như lai tàng vô ngã, chấp thần ngã tạo tác. Do ác tập từ vô thỉ huân xông, gọi Như lai Tạng là tàng thức, sinh ra bảy thức vô minh trụ địa. Hai câu dưới, có chỗ khác nói sinh vô minh trụ địa cùng chung với thức thứ bảy.

3. Như biển lớn có sóng nối tiếp nhau:

“Thí như biển lớn mà có sóng… cho đến lại sinh nhân khổ của tham và sở duyên”: Nên biết biển lớn kia nhân gió mà khởi sóng, tướng nước tướng sóng nối nhau không dứt, huống chi biển Như lai Tạng, do gió vô minh thổi động làm khởi sóng bảy thức. Sinh tử nối nhau không dứt cũng giống như vậy. Nhưng Như lai Tạng xưa nay tự tánh thanh tịnh không có cấu uế, lìa thường, vô thường và lỗi ngã luận của các ngoại đạo; còn các thức kia niệm niệm sinh diệt, vì nhân duyên luống dối hòa hợp nên sinh khởi sinh tử ba cõi; không biết rõ tất cả các pháp như sắc v.v… do tự tâm hiện. Chấp đắm danh tướng khởi các phiền não, gây ra nghiệp thiện ác chiêu cảm quả báo khổ vui, đã từ tham sinh, rồi lại sinh tham. Hoặc nhân và duyên trôi lăn trong sinh tử, không có lúc nào được giải thoát. Cho nên kinh Pháp Hoa chép: Nhân của các khổ thì tham dục là cội gốc. Từ đây trở lên nói về Như lai Tạng và ba cõi hữu lậu thiện ác làm nhân.

“Các thủ căn diệt, không nối nhau sinh… cho đến liền vọng phát sinh, nghĩ là được giải thoát”. Đây nói nếu ái thủ các căn diệt, không nối nhau sinh, tự ác giác quán phân biệt khổ lạc thọ, tu hạnh như vậy, hoặc đắc tứ thiền diệt định, nhập bốn đế giải thoát, liền vọng sinh tưởng được giải thoát chân thật. Cho nên Kinh Pháp Hoa chép: Chỉ hết sinh tử gọi là giải thoát, kỳ thật chưa được tất cả giải thoát. Trên đây là nói Như lai Tạng và Thanh văn, Duyên giác xuất thế gian yếu kém, pháp lành vô lậu làm nhân.

4. Thanh văn, Duyên giác chưa phải giải thoát chân thật:

“Thật chưa xả chưa chuyển… cho đến chấp tự tướng, cộng tướng”: Ý nói Thanh văn, Duyên giác kỳ thật chưa xả bỏ thói quen luống dối, tức chưa thể chuyển tên tàng thức, chẳng phải giải thoát chân thật. Nếu không có tàng thức thì bảy thức không chỗ nương, thói quen cũng diệt, là giải thoát chân thật. Vì sao? Vì tàng thức kia là chỗ nương tựa, và tướng phần kia làm sở duyên, vì các thức khác sinh, nhưng chẳng phải cảnh giới của hai thừa, ngoại đạo, do vô minh pháp chấp kia chưa diệt.

“Nếu thấy Như lai tàng thì năm pháp tự tánh… cho đến phải làm thanh tịnh tên gọi Như lai Tạng tàng thức”: Đây nói năng chuyển diệt tàng thức thấy tâm Như lai Tạng, năm pháp ba tự tánh hai vô ngã v.v… đối trị pháp môn thì diệt, công dụng ác giác không thể làm nghiêng động, trụ Bất động địa vô công dụng đạo, hiểu rõ mười thứ như huyễn tam-muội, như mộng qua sông, chưa qua mà thức giấc, được năng lực giác ngộ của tam-muội kia, giữ gìn nhậm vận tu hành Phật pháp khó suy nghĩ bàn luận, nguyện lực rộng lớn không trụ vô vi và vô sinh nhẫn, đạt được tự giác Thánh trí không chung với các thừa, mà chứng đạo Thập địa Thánh nhân, ý sinh pháp thân, lìa các hạnh tam-muội có công dụng, cho nên Bồ-tát muốn được Phật phát thắng tịnh nhiệm mầu phải làm thanh tịnh tên gọi của tàng thức vọng tập, không phải như hai thừa đều dứt sanh tử phần đoạn bèn cho là giải thoát chân thật.

5. Phật thấy rõ Như lai tạng như thấy quả yêm-ma-lặc trong lòng bàn tay:

“Này Đại Tuệ! Nếu không có Như lai Tạng… cho đến mà không bỏ sự tinh tấn mạnh mẽ”: Nếu không có tên gọi tạng thức thì không có hai món phần đoạn, biến dịch sinh tử của phàm Thánh, giả hành chân tu, tuy thấy tự thật tế, trụ hiện pháp lạc trụ tam-muội, nhưng không bỏ phương tiện hướng đến Phật địa, gọi là bậc Thánh sinh diệt.

“Này Đại Tuệ! Như lai Tạng tàng thức này… cho đến như xem quả yêm-ma-lặc ở trong bàn tay”: Ngoại đạo vọng giác, hai thừa thiên giác, chẳng phải hiện tiền thấy. Bồ-tát phần giác tuy có hơn, nhưng cũng chưa rốt ráo. Như lai hiện thấy Như lai Tạng, như nhìn quả yêmma-lặc trong lòng bàn tay, rõ ràng không lầm lẫn.

6. Như lai tạng là cảnh giới Phật:

“Này Đại Tuệ! Ta vì phu nhân Thắng-man… cho đến chớ chỉ nghe rồi liền nghĩ là đủ”: Nói Như lai Tạng và tàng thức là cảnh giới Phật, chẳng phải là cảnh giới của ngoại đạo hai thừa, nên khuyên họ tu quán sát ba tuệ đầy đủ, chớ chỉ nghe hiểu mà nghĩ là đủ.

“Khi ấy, Đức Thế Tôn lại nói kệ rằng: Như lai tàng sâu kín, cùng chung thức thứ bảy, chấp đắm hai thứ sinh, biết rõ thì xa lìa”: Nói hai thứ sinh, tức là hàng phàm phu ở trên và bậc Thánh trên đều có sinh diệt.

“Thói quen vô thỉ xông như bóng hiện trong tâm, nếu quán sát như thật, cảnh tướng đều không có”. Như gương do cảnh trước có sắc tượng luống dối hiện, cũng như Như lai tạng do thức thứ bảy huân tập nghiệp ác từ vô thỉ, nên có các pháp vọng y báo, chánh báo của ba cõi hiện, như thật quán sát thì tất cả đều vô.

7. Người trí không nhìn ngón tay mà nhìn mặt trăng:

“Như ngu thấy chỉ trăng,

Nhìn tay chẳng thấy trăng,

Người chấp đắm văn tự,

Chẳng thấy ngã chân thật”.

Người trí thấy tay chỉ thì biết có mặt trăng, người ngu thì trái lại, cho nên chỉ nhìn ngón tay văn tự, không được pháp chân thật.

“Tâm như người diễn trò,

Ý như kẻ phụ trò,

Năm thức là bè bạn,

Vọng tưởng chúng xem hát”.

Nói Như lai tàng và tàng thức được sự huân tập giữ gìn, biến khởi căn thân khí giới, như người diễn trò, mạt-na nhiễm ô chấp ngã chấp pháp, như người phụ trò; năm chuyển thức trước chấp trần giúp nhau, thí như bạn bè, ý thức thứ sáu phân biệt luống dối, giống như người xem kia.