CHÚ ĐẠI THỪA NHẬP LĂNG GIÀ KINH

Sa-môn Bảo Thần ở Đông Đô soạn.

 

 

Phẩm 16: ĐOẠN THỰC NHỤC

1. Bồ-tát Đại Tuệ thỉnh Phật nói về việc cấm ăn thịt:

Khi ấy, Bồ-tát Này Đại Tuệ!… Cho đến công đức và tội lỗi của việc ăn thịt và không ăn thịt: Như lai nói pháp trong cung vua quỷ, các Dạ-xoa nhớ đến giờ ăn sắp đến nhưng chẳng có thịt không ăn, Đại Tuệ muốn giúp cho các quỷ sinh lòng từ bi, nên thỉnh Như lai nói công đức và tội lỗi của việc ăn thịt và không ăn thịt. Tức là trong hội nói tâm của tất cả các Đức Phật, tâm Phật là tâm từ bi.

“Con và các Đại Bồ-tát… cho đến rốt ráo sẽ thành Vô thượng Chánh giác”. Chúng sinh ở thế gian sinh tử trôi lăn oán kiết với nhau, rơi vào các đường ác, chịu nhiều khổ não, đều do ăn thịt giết hại lẫn nhau, tăng thêm phiền não không thể thoát khỏi. Nếu có thể xả bỏ mùi vị của thịt, tìm cầu pháp vị, dùng từ tâm hướng về nhau, thanh tịnh sáng suốt, như thật tu hành, thì chứng được Vô thượng chánh đẳng chánh giác.

2. Nói về tội lỗi của việc ăn thịt:

Bạch Thế tôn! Lộ-ca-da… cho đến mà cho phép mình và người được ăn thịt ư! Này Đại Tuệ! Nêu tà để so sánh với chánh, để nói về tội lỗi của sự ăn thịt. Nghĩa là các ngoại đạo còn có sự ngăn cấm ăn thịt, huống chi là Như lai cứu hộ chúng sinh mà cho phép mình và người ăn thịt ư! Lộ-ca-da, không thấy Hán dịch.

“Lành thay! Đức Thế Tôn có tâm đại từ bi… cho đến nghe rồi vâng làm, nói rộng người nghe”. Đây là Này Đại Tuệ! Khen ngợi Phật Thế Tôn có tâm đại bi cứu khổ ban vui, nguyện xin giải thích, chúng con sẽ vâng làm, cũng giúp cho tất cả chúng sinh không bao giờ còn ăn thịt.

3. Cấm ăn cả năm thứ rau cay:

“Khi ấy, Bồ-tát Đại Tuệ lại nói kệ rằng: Các vị Bồ-tát kia, chí cầu vô thượng giác… cho đến thương xót nói con nghe”: Năm món cay hành… tanh nồng hôi hám bất tịnh, chúng sinh ăn vào sinh nóng giận, ăn thịt chín thì sinh tâm dâm, uống rượu thì tâm thần tán loạn, làm tổn hại các điều lành, phát sinh các điều ác, cho nên ăn những món cay nồng và uống rượu đều chướng ngăn nghiệp lành.

“Phật bảo Đại Tuệ rằng… cho đến chỉ nói một ít phần? Có vô lượng nhân duyên không nên ăn thịt, dưới đây Như lai sẽ nói lược.

“Này Đại Tuệ! Tất cả chúng sinh từ vô thỉ đến nay… cho đến người tu hạnh từ không nên ăn thịt.” Tiếng Phạm Chiên-đà-la, Hán dịch 8 sát nhân súc giả (kẻ giết người và súc vật).

“Này Đại Tuệ! Người ăn thịt thân thể hôi hám… cho đến nếu nói cho phép ăn thịt thì người này chê bai ta”. Như lai thường nói hễ ăn uống thì phải nghĩ như ăn thịt con mình, chỉ ăn uống mà còn như vậy, huống chi đệ tử Phật mà lại ăn thịt hay sao?

4. Nên ăn những thứ mà bậc Thánh ăn:

“Này Đại Tuệ! Thức ăn ngon ngọt… cho đến thì được những người chẳng có các ác tánh như cọp sói yêu mến tôn trọng”. Đức Phật chỉ cho ăn những thức ăn tốt lành mà bậc Thánh thường ăn, còn ngoài ra đều không cho.

5. Hễ là thịt thì tất cả không được ăn:

“Này Đại Tuệ! Đời quá khứ có vị vua tên Sư Tử, ưa ăn các món thịt… cho đến ta cho phép hàng Thanh văn. Ăn những thứ thịt như vậy”: Nói ở đời không có thứ thịt nào không từ sự sát sinh mà được ăn, do nghĩa đó nên Phật cho hàng Thanh văn ăn những thứ thịt như vậy ư! Ý nói không cho phép.

“Này Đại Tuệ! Đời vị lai có người ngu si… cho đến hễ là thịt thì tất cả không được ăn”: Ở đây nói có nói nói rằng trong luật Đức Phật cho phép ăn thịt, những lời đó đều chê bai Phật. Trong các kinh nói ngăn mười thứ, hứa cho ba thứ vì chúng sinh thói quen xấu ác đã lâu mà tình dục không thể dứt ngay, cho nên dần dần cấm hẳn, y theo tình mà cấm chế, giúp cho họ tu tập, nay ở trong hội này nói tất cả các thứ thịt, tất cả thời, khai ngăn phương tiện tất cả đều cấm, đó gọi là lời dạy thanh tịnh sáng suốt cuối cùng của ta. Nói ngăn cấm mười thứ thịt đó là thịt người, rắn, voi, ngựa, rồng, cáo, heo, chó, sư tử, khỉ. Cho phép ăn ba thứ thịt là ăn mà không thấy, không nghe, không nghi. Nói thịt có hai loại: Người khác giết, tự chết. Thấy nghe không nghi là người khác giết, không thấy không nghe không nghi là tự chết. Hoặc nói cho phép ăn năm thứ, đó là ngoài không thấy nghe không nghi cộng thêm các loài chim giết hại lẫn nhau và tự chết, cộng thành năm thứ. Tuy nói ba thứ, năm thứ khác nhau, nhưng đều không ngoài một nghĩa thịt của con vật tự chết.

6. Phật xác nhận không hề cho đệ tử ăn thịt:

“Này Đại Tuệ! Ta không hề cho đệ tử ăn thịt… cho đến huống là ăn thức ăn máu thịt bất tịnh sẽ”: Tất cả loài hữu tình đều nương vào việc ăn mà sống, nghĩa là ăn để nuôi sống các căn đại chủng tâm tâm sở pháp, sinh ra hỷ lạc, tiếp tục duy trì. Tóm lại có bốn thứ: 1. Dứt thực: biến hoại là tướng, nghĩa là ba thứ hương vị xúc trói buộc vào cõi Dục, khi biến hoại có thể lấy làm thức ăn. 2. Xúc thực: xúc cảnh là tướng, nghĩa là hữu lậu xúc, khi vừa chấp cảnh thì được vui mừng… đem làm thức ăn. 3. Ý tư thực: hy vọng là tướng, nghĩa là hữu lậu tư và dục đều chuyển, mong cảnh đáng ưa, có thể lấy làm thức ăn. .Thức thực: chấp trì là tướng, nghĩa là thức hữu lậu, do thế lực của dứt thực, tư thực, xúc thực thêm lớn, có thể làm thức ăn. Bốn cách ăn này có công năng duy trì thân mạng loài hữu tình, khiến không dứt hoại, nên gọi là Thực. Dứt thực chỉ có ở cõi Dục. Xúc, ý, tư thực tuy ở khắp ba cõi, nhưng dựa vào thức mà chuyển, tùy theo thức mà có không. Đây là đối với sự ăn uống máu thịt của loài hữu tình, cho nên lại nói không ăn đoạn thực, đối với bốn nghĩa này thì nên dứt, cho nên dứt dưới nói pháp thân chẳng phải tạp thực, nghĩa là siêu tình thức, cả bốn thứ đều không.

7. Pháp thân Như lai không tạp thực:

“Này Đại Tuệ! Thanh văn, Duyên giác và các Bồ-tát… cho đến nói lời ấy là không có việc đó”: Bậc Thánh ba thừa đều dùng pháp hỷ thiền duyệt làm thức ăn. Pháp thân Như lai không tạp thực. Như luận Trí Độ nói trừ thật tướng các pháp, ngoài ra đều là việc ma, phiền não sở tri, các thói quen hiện hành thảy đều dứt kiết, chủng trí tròn sáng bi tâm vô duyên, quán chúng sinh nghĩ như con một, chẳng lẽ cho đệ tử ăn thịt con mình ư! Lại tự ăn thịt con ư?

8. Đức Phật nói kệ:

“Khi ấy, Đức Thế Tôn lại nói kệ rằng:

Đều từng làm quyến thuộc,

Các thứ dơ sinh lớn,

Làm các chúng sinh sợ,

Do đó không nên ăn”.

Một bài kệ này trong các nhân duyên trên, lược tụng ba bài.

“Tất cả thịt và hành,

Tỏi nén cùng rượu chè…,

Cho đến trong đó rất sợ hãi”.

Dưới đây các bài kệ phần nhiều nêu lỗi ăn thịt, đều khiến xa lìa. Có một vài bài văn xuôi nói nên lìa dầu mè, là phong tục ở nước ngoài là ủ mè đến lên men mới có dầu. Hễ càng nhiều dầu thì càng béo, làm sao nỡ ăn, giường ghế có kẽ hở thì thường có rệp, đều không nên nằm ngồi.

“Ăn uống sinh buông lung,

Buông lung sinh tà giác…

Cho đến sinh tử không giải thoát”.

Buông lung là một trong các đại tùy phiền não, uống rượu ăn thịt tâm sinh nhiều buông lung, các điều ác do đó mà thêm nhiều, cho nên sinh tử luân hồi, không thể lìa bỏ.

“Vì lợi giết chúng sinh, dùng tiền mua các thịt… cho đến các Phật đều quở trách”. Đã không tưởng mà dạy đi tìm thì ba tịnh nhục chẳng có, phàm các thứ thịt đều là do giết sinh mạng mà có, như vậy làm sao có thể ăn.

“Lần lượt lại ăn nhau, chết rơi vào đường ác… cho đến là quả báo ăn thịt”. Chiên-trà-la tức là chiên-đà-la.

“Ăn rồi không hổ thẹn, đời đời thường si tối… cho đến ta đều cấm ăn thịt”. Tượng Hiếp, Đại Vân, Niết-bàn, Ương-quật-ma đều là tên kinh.

“Trước nói thấy nghe không nghi, đã dứt tất cả thịt, do thói quen xấu nên người ngu dối phân biệt”. Trước Đức Phật dạy thấy giết, nghe giết, nghi giết thì không cho ăn, đã là dứt hết, nhưng kẻ ngu huân tập điều ác không hiểu ý Phật dạy, vọng khởi phân biệt nói là cho phép ăn thịt.

“Như giải thoát chướng tham, thịt vân vân cũng thế… cho đến biết lượng mà khất thực”: Nói hễ ăn ăn thức ăn trong sạch còn tưởng như uống thuốc tưởng như ăn thịt con, huống chi ăn thịt, cho nên Tỳ-kheo ít muốn biết đủ mà thực hành khất thực, để dứt bỏ tham ái. Ăn thịt trái với đạo giải thoát và trái với biểu tướng của bậc Thánh, khiến chúng sinh sinh sợ hãicho nên không nên ăn. Trái với chánh giải thoát do không có từ tâm trí tuệ, mất sự lợi người, lợi mình, và trái với nghi biểu hộ sinh của bậc Thánh.

“Người sống trong từ tâm, ta nói thường nhàm lìa, sư tử và cọp sói đáng lẽ cùng ở chung”: Tâm đã không hại vật, dù cho thú dữ như cọp, sói, sư tử cũng thường thuần phục.

“Hoặc đối thịt rượu thảy, tất cả đều không ăn, được sinh trong dòng Thánh, giàu sang và trí tuệ”. Một bài kệ này nói không ăn thịt thì được quả báo là sinh trong hội các Đức Phật hay dòng Thánh hiền, giàu sang đầy đủ pháp tài, có chủng trí của Phật.