CHÚ ĐẠI THỪA NHẬP LĂNG GIÀ KINH

Sa-môn Bảo Thần ở Đông Đô soạn.

 

Phẩm 6: NIẾT-BÀN

1. Ngoại đạo vọng tưởng phân biệt, khởi chấp Niết-bàn:

“Khi ấy, Bồ-tát Đại Tuệ… cho đến mà các ngoại đạo phân biệt các thứ”. Do ở trên ngoại đạo hỏi, hư không Niết-bàn và phi vắng lặng là sở tác, hay phi sở tác? Phật bảo Đại Tuệ, hư không Niết-bàn và phi vắng lặng, vốn không có thể tánh chỉ có số ba thôi! Cho nên nêu Như lai nói pháp gì gọi là Niết-bàn, mà các ngoại đạo đều vọng tưởng phân biệt, khởi chấp Niết-bàn.

“Phật bảo Này Đại Tuệ! Như các ngoại đạo… cho đến lắng nghe! Lắng nghe! Ta sẽ nói cho ông”: Là nói chẳng phải ngoại đạo kia vọng chấp Niết-bàn, có thể chứng đắc Niết-bàn thuận theo chân thật.

2. Phật nói về Niết-bàn Thanh văn:

“Này Đại Tuệ! Hoặc có ngoại đạo nói thấy pháp vô thường… cho đến chẳng phải do kiến hoại gọi là Niết-bàn”. Có ngoại đạo nói thực hành quán vô thường v.v… cho nên không luyến tiếc cảnh giới, quán thành thì đắc định, các pháp sắc, tâm, tâm sở không hiện ra trước, cũng không duyên niệm cảnh giới ba đời. Nghiệp nhân si ái hết, như đèn hết dầu không thể sáng nữa, như hạt giống hư chẳng nẩy mầm được nữa, như lửa hết củi không thể cháy được. Năng thủ sở thủ không khởi phân biệt luống dối không sinh, đối với hữu dư, vô dư này khởi tưởng Niếtbàn, đây là Niết-bàn Thanh văn. Do kiến chấp diệt hoại sinh tử phần đoạn mới được Niết-bàn, cũng đồng với ngoại đạo.

3. Thuyết khác về Niết-bàn:

“Có chỗ cho rằng đến phương khác gọi là được cảnh giới Niết-bàn lìa tưởng, như gió dừng lặng”: Nói phương luận sư, chấp từ phương sinh người, người sinh trời đất, khi diệt rồi lại nhập phương. Nói phương là thường, gió là tiên luận sư, chấp gió có công năng sinh sát muôn vật, tánh gió cũng thường, đều gọi là đắc Niết-bàn.

“Có chỗ cho rằng không thấy năng giác, sở giác… cho đến thường, vô thường gọi là Niết-bàn”. Luận Vi đà sư chấp phạm thiên có khả năng sinh ra tất cả gọi là năng giác, muôn vật gọi là sở giác. Luận sư Yxa-na chấp tất cả từ y-xa sinh, vật là vô thường, mà kia là thường, nghĩa là không thấy năng sở không khởi phân biệt, gọi là được Niết-bàn.

“Hoặc có các thuyết nói phân biệt các tướng… cho đến rất sinh ái lạc chấp là Niết-bàn”. Luận sư Lõa hình khởi chấp như vậy, không biết tướng từ tâm hiện. Lại nói rằng có một loại ngoại đạo cho trời vô tưởng là Niết-bàn, và cho tứ không xứ là Niết-bàn, đều có chấp như ở đây.

“Có chỗ cho rằng giác biết các pháp trong ngoài… cho đến có tánh bất hoại khởi tưởng Niết-bàn. Tỳ thế luận sự chấp hư không và tánh bốn đại, ba đời không hoại”.

“Hoặc chấp ngã, nhân, chúng sinh, tuổi thọ và tất cả pháp không có hoại diệt, nghĩ là Niết-bàn”. Chấp thường luận sư chấp ngã và các pháp không còn hoại diệt.

“Lại có ngoại đạo không có trí tuệ… cho đến tưởng tất cả vật là Niết-bàn”. Nữ nhân quyến thuộc luận sự chấp có tự tánh và sĩ phu, công năng chuyển biến tạo ra tất cả vật.

“Hoặc có ngoại đạo chấp phước chẳng phải phước hết… cho đến thật là người tạo cho là Niết-bàn”. Ngoại đạo khổ hạnh chấp tội phước đều hết. Luận sư Tịnh nhãn chấp không do trí tuệ các hoặc đều hết. Luận sư Ma-đà-la chấp trời Đại tự tại là chân thật có khả năng tạo tác chúng sinh sinh tử.

“Có chỗ cho rằng chúng sinh xoay vần sinh nhau… cho đến vì không biết rõ cho nên chấp là Niết-bàn. Luận sư Ni-kiền-tử chấp vào kiếp sơ sinh một nam một nữ, hai bên hòa hợp, xoay vần sinh nhau, không biết đó là vô minh ái nghiệp mà làm cội gốc, nghĩa là tất cả vật diệt hết rồi trở về chỗ đó cho là Niết-bàn.

“Hoặc có ngoại đạo chấp chứng đạo đế, luống dối phân biệt cho là Niết-bàn”. Luận sư Tăng-khư chấp hai mươi lăm đế từ minh đế sinh, bốn đức tự nhiên, cho là chứng đạo đế chân thật.

“Hoặc chấp cầu-na và cầu-na giả… cho đến câu và bất câu chấp là Niết-bàn”. Luận sư Ma-hê-thủ-la chấp Ma-hê-thủ-la một thể ba phần, có đại công năng hòa hợp với người có công năng, rơi vào chấp bốn câu, chấp là Niết-bàn.

“Hoặc chấp các vật từ tự nhiên sinh… cho đến tức chấp tự nhiên cho là Niết-bàn”. Tự nhiên luận sư chấp có hai: hoặc cho tự nhiên làm nhân năng sinh muôn vật, tức là tà nhân, hoặc cho rằng muôn vật tự nhiên sinh ra tức là vô nhân.

“Hoặc có người hiểu được hai mươi lăm đế… cho đến bảo vệ chúng sinh, thì được Niết-bàn” Luận sư Ca-tỳ-la nói cho rằng hai mươi lăm đế là Niết-bàn. Hoặc chấp người thọ sáu đức luận làm cho muôn dân an vui, tánh an vui ấy tức là Niết-bàn.

“Hoặc có người chấp thời sinh thế gian, thời là Niết-bàn”. Luận sư thời Kính chấp thời tiết là nhân, năng sinh các pháp thế gian.

“Hoặc chấp hữu vật là Niết-bàn… cho đến không khác với Niếtbàn là Niết-bàn”. Hoặc chấp hữu tánh là Niết-bàn, hoặc chấp vô tánh là Niết-bàn, hoặc chấp hữu tánh vô tánh là Niết-bàn, hoặc chấp muôn vật là xao động, Niết-bàn là vắng lặng, hai thứ này chẳng khác nhau gọi là Niết-bàn. Như trên các thứ vọng chấp của ngoại đạo khởi chấp Niếtbàn, đầy đủ như luận Đề-bà v.v… có giải thích rộng tướng ấy.

“Này Đại Tuệ! Lại có các ngoại đạo khác nói… cho đến và cho ý thức được gọi là Niết-bàn”: Ở đây là nêu Niết-bàn chân thật của Như lai, giúp cho chúng sinh khai ngộ rồi thuận theo chứng nhập, như trong kinh có nói. Cho nên luận Thành Duy Thức chép: Y theo hàng ba thừa, vốn có tu hiển bày nghĩa riêng Niết-bàn. Gồm có bốn thứ, các thứ khác đều là tà kiến: 1. Niết-bàn xưa nay tự tánh thanh tịnh: nghĩa là tất cả pháp tướng lý chân như, tuy có khách trần phiền não làm nhiễm, nhưng vốn thanh tịnh, có vô số lượng công đức nhiệm mầu, vô sinh vô diệt trong lặng như hư không, tất cả loài hữu tình đều có một cách bình đẳng chẳng phải một, chẳng phải khác với tất cả pháp, lìa tất cả tướng, tất cả phân biệt, bặt dứt đường suy nghĩ, gọi là đạo dứt. Chỉ có bậc Thánh chân thật tự chứng ở bên trong, tánh kia vốn vắng lặng nên gọi là Niếtbàn. 2. Niết-bàn hữu dư y: nghĩa là tức chân như vượt ra khỏi phiền não chướng, tuy còn có chỗ nhỏ nhiệm chưa dứt bỏ hết, nhưng chướng đã dứt hẳn, nên gọi là Niết-bàn. 3. Niết-bàn vô dư y: nghĩa là chân như vượt ra khỏi khổ sinh tử, phiền não đã hết, dư y cũng diệt, các khổ dứt hẳn, cho nên gọi là Niết-bàn. . Đại Niết-bàn vô trụ xứ: Nghĩa là chân như vượt ngoài sở tri chướng, đại bi Bát-nhã thường giúp đỡ, do đó không trụ sinh tử Niết-bàn, lợi lạc hữu tình cùng tận đời vị lai, dụng mà thường vắng lặng, cho nên gọi Niết-bàn. Trong đó tất cả loài hữu tình chỉ có một thứ Niết-bàn đầu, người Hai thừa vô học thì có ba loại trước là tự tánh, hữu dư và vô dư. Chỉ có Đức Thế Tôn mới có đầy đủ bốn loại Niết-bàn. Các ngoại đạo kia chấp các thứ khác nhau, tức là quên bản lai tự tánh thanh tịnh Niết-bàn này mà rơi vào tà kiến, đều phân biệt luống dối khởi chấp Niết-bàn. Trước hết tu quán vô thường, không nghĩ cảnh giới, như đèn tắt nghĩ là Niết-bàn, tức đây là Niết-bàn hữu dư và vô dư y. Ở trên nói biết rõ duy tâm hiển hiện thì vào được Phật địa, siêu vượt tâm, ý, thức v.v… gọi là đắc Niết-bàn, tức đây là Đại Niết-bàn vô trụ xứ. (Niết-bàn, xưa dịch là vô vi, cũng dịch là diệt độ, đời Đường dịch là Viên tịch, nghĩa là đầy đủ công đức, dứt trừ hết các chướng).

4. Khuyên nên xa lìa các chấp đắm:

“Này Đại Tuệ! Các chấp đắm luống dối của các ngoại đạo như thế… cho đến ông và các Bồ-tát phải nên xa lìa”: Là nói các ngoại đạo, các thứ vọng chấp khởi nghĩ là Niết-bàn đã trái với chánh lý, rốt ráo không thành tựu được gì, chỉ tăng thêm vọng thức rong ruổi theo tán loạn, qua lại trong vòng sinh tử, không được giải thoát, vì vậy cho nên khuyên các Bồ-tát phải nên xa lìa.

5. Đức Phật nói lại bài kệ:

“Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn nói lại kệ rằng: Ngoại đạo chấp Niếtbàn, đều phân biệt khác nhau… ngu si vọng phân biệt”. Là nói các ngoại đạo vọng chấp Niết-bàn, không giải thoát, phương tiện vọng sinh tưởng giải thoát, mỗi phái tà giải đều có hướng về khác nhau, đều là ngu si phân biệt luống dối.

“Tất cả ngoại đạo si, vọng thấy tác sở tác… cho đến chân thật diệt nhân khổ”. Lời nói thế luận là gốc của sinh tử trong ba cõi, lìa thế luận nói năng, đó gọi là nhân diệt khổ chân thật.

“Như hình bóng trong gương, tuy hiện mà chẳng thật… cho đến phân biệt thì bất sinh”. Nói trong gương tâm vọng tưởng hiện ra cảnh giới, vì không thật cho nên chẳng được nói hai, kẻ ngu không biết cho nên thấy có hai. Nếu hiểu biết duy tâm thì năng thủ, sở thủ vọng tưởng không sinh.

“Tâm tức là các thứ, xa lìa tướng sở tướng… cho đến phàm ngu không thể rõ”: Nói từ vọng tâm sinh các cảnh giới, đã từ tâm phân biệt sinh cho nên không có năng tướng, sở tướng, như người ngu chấp phân biệt luống dối. Kiến tức là vô kiến, ba cõi cũng vậy, kẻ ngu không thể biết.

“Các kinh nói phân biệt, chỉ là khác tên gọi, nếu lìa bỏ danh ngôn, thì nghĩa ấy không thật”. Nói pháp phân biệt luống dối chỉ có lời nói không thật nghĩa, nếu xa lìa danh tướng thì nghĩa phân biệt luống dối không thật có.