CHÚ ĐẠI THỪA NHẬP LĂNG GIÀ KINH

Sa-môn Bảo Thần ở Đông Đô soạn.

 

Phẩm 9: HIỆN CHỨNG

1. Đại tuệ hỏi Phật về tam-muội Diệt Tận và tướng các Địa:

“Khi ấy, Bồ-tát Đại Tuệ… cho đến và các ngoại đạo trong chỗ sai lầm”. Vì ở trên nói các pháp thế gian, xuất thế gian và xuất thế gian thượng thượng, tức có Bồ-tát, Thanh văn, Duyên giác, dứt sinh tử thế gian, nhập diệt tận tam-muội lạc xuất thế gian, và đắc tướng các địa thứ lớp nối nhau. Cho nên Đại Tuệ nêu tam-muội diệt tận và tướng địa thứ lớp nối nhau để hỏi Như lai, muốn nói lên chỗ hơn kém của ba thừa Thánh phàm, giúp người tu hành tinh tấn chứng được quả Phật, không rơi vào trong quyền thừa và các tà kiến mê hoặc.

Phật bảo Này Đại Tuệ! Lắng nghe! Lắng nghe! Ta sẽ nói cho ông nghe… cho đến tâm, ý, ý thức phân biệt vọng tưởng diệt”. Nói Bồ-tát đến địa thứ sáu và Thanh văn, Duyên giác cùng dứt sinh tử phiền não trong ba cõi, có khả năng nhập tam-muội diệt tận. Hàng Bồ-tát Địa thứ bảy khác với hai thừa, niệm niệm thường nhập không có xen hở. Người hai thừa có phiền não sinh tử để dứt, cho nên không thể niệm niệm thường nhập. Hàng Bồ-tát Địa thứ tám vô công dụng đạo thường ở trong tam-muội không có tướng xuất nhập, đồng với Niết-bàn của Thanh văn, Duyên giác, diệt vọng tưởng tâm thức.

2. Khả năng của Bồ-tát Sơ địa đến địa thứ sáu:

Bắt đầu từ Sơ địa đến Địa thứ sáu… cho đến tướng năng thủ, sở thủ mà sinh chấp đắm”: Nói hàng Bồ-tát từ Sơ địa đến Địa thứ sáu, tuy chưa dứt hết tâm, ý, ý thức, nhưng có khả năng tu hành quán sát các pháp, do phân biệt mà có, thô tưởng phân biệt không còn hiện hành. Phàm phu bất giác từ vô thỉ đến nay tội ác do thói quen luống dối xông ướp, tự tâm biến tướng năng thủ, sở thủ, cho nên khởi chấp đắm, như sắt thép rỉ sét tự làm tổn hại.

3. Phật dùng bảy thứ gia trì che chở Bồ-tát bát địa:

“Này Đại Tuệ! Hàng Bồ-tát Địa thứ tám ở trong tam-muội… cho đến vì vậy ở trong đó khởi tưởng Niết-bàn”: Nói hàng Địa thứ tám này, mới được Vô sinh pháp nhẫn, giác tất cả pháp như huyễn như mộng, tâm lượng vọng tưởng trừ diệt, các Đức Phật dùng bảy thứ gia trì khuyến khích, đối với Tam-muội môn không nhập Niết-bàn, nếu không nhờ sự gia trì khuyến phát thì không thể tu hành đại nguyện rộng lớn, từ bi hóa độ hữu tình, cũng như hàng Thanh văn, Duyên giác làm hư chủng tánh Phật, vì vậy Như lai nêu bày vô lượng công đức khó suy nghĩ bàn luận, giúp cho kia thành tựu quả Phật tròn đầy, không rơi vào người hai thừa không sinh tam-muội sinh tưởng Niết-bàn. Nhưng phẩm này nói Thanh văn, Duyên giác, là xưa Bồ-tát thối nguyện Bồ-đề, người hai thừa thú tịch định tánh kia, còn không thể biết pháp Sơ địa, huống chi có thể phần đồng với Bồ-tát Địa thứ tám đắc Vô sinh pháp nhẫn ư!.

4. Nói về Bồ-tát Thất địa:

“Này Đại Tuệ! Hàng Bồ-tát Địa thứ bảy khéo hay quán sát… cho đến dần dần nhập vào các địa, đầy đủ pháp Bồ-đề phần”. Nói Bồ-tát Địa thứ bảy khéo quán tâm thức vọng tưởng đoạn, ngã, ngã sở sinh diệt tự tướng, cộng tướng, vô ngại biện tài khéo léo quyết định. Tuy chưa thể dứt bỏ sự trôi chảy của tâm, ý, thức, nhưng đối với tam-muội đã được tự tại, thứ lớp vào trong các địa đầy đủ pháp Bồ-đề phần của Bồ-tát. Nói bốn biện tài vô ngại, nghĩa là pháp nghĩa từ và lạc thuyết, nghĩa như ở chỗ khác giải thích.

“Này Đại Tuệ! Ta sợ các Bồ-tát… cho đến ta và các Đức Phật nói như thế”: Muốn khiến cho Bồ-tát, giác ấm, giới, nhập tự tướng, cộng tướng v.v… hư giả không thật, khéo biết các địa nối nhau thứ lớp, đối trị vọng tưởng không rơi vào đường tà ác kiến của ngoại đạo cho nên nói như vậy. Nhưng các pháp kia hữu vô sinh diệt là không thể thật có. Kẻ ngu không biết, cho nên các Đức Phật đều dùng phương tiện nói như vậy.

“Này Đại Tuệ! Hàng thanh văn Duyên giác cho đến Bồ-tát… cho đến sinh giác Niết-bàn, chẳng phải trí tuệ vắng lặng”. Thanh văn, Duyên giác thối Bồ-đề nguyện đối với địa thứ tám, đắm trước vô sinh tam-muội, vì họ say mê không thấu đạt ba cõi tự tướng, cộng tướng luống dối, vọng duyên hai thứ người pháp vô ngã không xứ, khởi tướng Niếtbàn, không thấy các pháp tự tánh vắng lặng là Niết-bàn chân thật.

5. Lại nói về Bồ-tát Bát địa:

“Này Đại Tuệ! Các đại Bồ-tát… cho đến được địa vị mà Như lai tự chứng”. Nói Địa thứ tám, tuy thấy cái vui của vô sinh tam-muội lạc, nhưng vì bổn nguyện thương xót đại bi thành tựu, đủ mười đại nguyện độ thoát chúng sinh, không chứng vô sinh cho là Niết-bàn, nhưng chẳng phải không khởi Bồ-đề phần chánh nhân Phật pháp, tùy trí tuệ như thật tu hành, như vậy cho nên được nhập vào Như lai địa.

“Này Đại Tuệ! Như người nằm mộng, thấy dùng phương tiện qua sông… cho đến tâm, ý, ý thức trong mộng hiện”. Khi thức dậy không thấy nước, nương thuyền chẳng phải thật. Khi mộng thấy sông, chiếc thuyền chẳng vọng, để ví dụ đắc địa thứ tám rồi, vốn không còn sinh tử, cho nên Bồ-đề phần công đức chẳng chân thật. Địa thứ bảy chưa giác, tâm lượng chưa diệt, cho nên Bồ-đề phần công đức chẳng phải vọng, chỉ là thấy nghe hiểu biết từ vô thỉ đã từng huân tập không dứt, cho nên tâm, ý, thức phân biệt mộng hiện. Nói lìa niệm hữu vô, xét hai bản khác chép là rơi vào niệm hữu vô.

6. Bồ-tát Sơ Địa đến thất địa:

“Này Đại Tuệ! Đại Bồ-tát… cho đến Niết-bàn sở đắc chẳng phải hoại diệt”: Nói Bồ-tát từ Sơ địa đến Địa thứ bảy, tăng tiến tu hành: hợp ở trên nói như người trong mộng dùng phương tiện qua sông tức nhập vào địa thứ tám, được trí vô phân biệt. Hợp ở trên nói chưa qua sông liền thức giấc, thấy tất cả pháp rồi, hợp ở trên nói đã tư duy v.v… văn hiển bày lẫn nhau, chiếu soi lẫn nhau, có thể dùng ý để biết được.

“Này Đại Tuệ! Đối với Đệ nhất nghĩa không có thứ lớp…, cho đến đó gọi là pháp vắng lặng”. Trong Đệ nhất nghĩa, bặt dứt suy tư nói năng, chỉ tự giác trí chứng đắc mới tương ưng, không được nói có Thập địa đối trị, tướng thứ lớp nối nhau, ở đây thì gượng gọi là pháp vắng lặng.

7. Đức Phật nói kệ:

“Lúc ấy, Đức Thế Tôn lại nói kệ rằng: Các trụ và Phật địa, duy tâm không hình bóng… cho đến khác thì ta chứng được”: Trụ cũng là địa: Không có hình bóng tức vô sở hữu. Địa thứ bảy trở xuống gọi chung là tâm lượng chưa diệt. Từ Địa thứ tám trở lên gọi là không thật có. Thập địa trở lên mới gọi là Phật. Cho nên nói hai địa này gọi là Trụ. Còn những thứ còn lại thì ta đã chứng được.

“Tự chứng và thanh tịnh, đây tức là địa ta… cho đến hoặc có khi trước hóa”: Nửa bài kệ đầu nói về pháp thân, bài kế tiếp nói về báo thân, bài thứ ba nói về hóa thân. Báo thân đều do pháp thân mà có.

“Đối kia nói ba thừa, đều là Như lai địa… cho đến vô tướng, thứ lớp gì”: Như lai phương tiện tùy chúng sinh nói pháp, tức có các thừa. Trong Đệ nhất nghĩa đâu có thứ lớp, cho nên kinh Tư Ích chép: Đắc các pháp chánh tánh, không từ một địa này đến một địa khác, vì vậy nếu dùng thật chiếu quyền, thì tướng phương tiện hết, đều không thật có.