CHÚ ĐẠI THỪA NHẬP LĂNG GIÀ KINH

Sa-môn Bảo Thần ở Đông Đô soạn.

 

Phẩm 5: LÔ-CA-DA-ĐÀ

1. Nói về chú thuật của ngoại đạo:

“Khi ấy, Đại Bồ-tát Đại Tuệ bạch Phật… cho đến Thế Tôn, vì sao nói lời như thế?” Đại Tuệ do ở trên Phật dạy Như lai ba đời có hai thứ pháp: pháp nói năng và pháp như thật, tức có lời nói cho nên nêu Phật ngày xưa nói từ luận chú thuật của Lô-ca-da-đà, không nên gần gũi thưa hỏi Như lai, lời này dạy đã có nói năng, kia dạy vì sao lại nói như vậy. Lô-ca-da-đà chưa tìm thấy chính dịch, là luận sư ngoại đạo.

“Phật bảo Này Đại Tuệ! Lô-ca-da-đà… cho đến luân hồi trong các đường không bao giờ ra khỏi”. Nghĩa là ngoại đạo có pháp nói năng, chỉ là câu văn trau chuốt làm mê hoặc thế gian, không đúng nghĩa, không hợp lý, không thể chứng nhập pháp như thật, làm hoại mình hoại người, không bao giờ giải thoát.

“Vì sao? Vì không hiểu biết các pháp chỉ do tâm hiện… cho đến chẳng thoát khỏi sinh già bệnh chết, lo buồn v.v… Vì sao? Ấy là Đức Phật tự trình bày. Không hiểu thì xem giải thích dưới, cho nên ở dưới tổng kiết, lời văn rất dễ hiểu.

2. Không nên gần gũi chú thuật của ngoại đạo:

“Này Đại Tuệ! Thích-đề-hoàn-nhân giải rộng các luận… cho đến kia có công năng làm nhân sinh khổ”: Ý nói cung Đế-thích phước trí đầy đủ cao quý, vẫn bị đệ tử thế luận hiện hình súc sinh, dùng văn từ mê hoặc khuấy rối chư thiên…, huống chi là người, vì vậy không nên gần gũi, vì thế luận kia là nhân khổ sinh tử.

“Này Đại Tuệ! Thế luận chỉ nói cảnh giới do thân giác… cho đến cũng không tự biết là pháp mê hoặc thế gian”: Nói thế luận nói năng, chỉ nói thân này thấy nghe, hay biết cảnh giới luống dối, tất cả có trăm ngàn câu chữ, đời sau chia thành nhiều bộ, đều vượt ra ngoài Lô-ca-dađà, nhân tướng khác nhau đều không tự biết là pháp mê hoặc thế gian, chấp là hiểu biết cao sâu.

3. Bồ-tát Đại Tuệ vặn hỏi Như lai:

“Khi ấy, Bồ-tát Đại Tuệ bạch Phật: Bạch Thế Tôn!… cho đến Thế Tôn nói cũng đồng với ngoại đạo”: Đây là vặn hỏi Như lai cũng nói các thứ ngôn từ thế gian, rơi vào Thế luận. Chẳng phải pháp tự chứng, nếu như vậy cũng đồng với lời nói của ngoại đạo!

“Phật bảo Này Đại Tuệ! Ta chẳng nói thế luận, cũng không đến đi… cho đến gọi là giải thoát”: Đức Phật đáp ta không nói pháp thế luận sinh diệt, khác nhau với ngoại đạo rơi vào trong vọng tưởng, các pháp hữu vô bên ngoài chỉ do tự tâm hiện, lìa năng thủ, sở thủ, không khởi phân biệt luống dối, nhập vào nhất tâm, ba môn giải thoát, chứng pháp như thật.

4. Phật nhắc lại việc cũ:

“Này Đại Tuệ! Ta nhớ một hôm, dừng nghỉ ở một nơi… cho đến đó là thế luận thứ mười một”: Như lai nêu việc ngày xưa nói rộng về Thế luận. Nói tất cả pháp do Phạm thiên tạo ra. Vì trước hỏi cho nên đáp thế luận ban đầu, lại hỏi cho nên đáp thế luận thứ hai, sau bốn lần nữa hợp lại thành sáu. Lại sáu lần trước cộng với năm lần sau thành mười một phần. Cù-đàm là họ Phật, nghĩa như chỗ khác nói.

Này Đại Tuệ! Kia lại hỏi rằng: Tất cả hữu ký chăng?… cho đến thế luận của ông chẳng phải do ta nói”. Hư không Niết-bàn và phi trạch diệt, ba thứ này là pháp vô vi, các nghĩa khác rất dễ hiểu, đều là thế luận của ngoại đạo, chẳng phải pháp do Như lai nói.

Bà-la-môn! Ta nói do hý luận từ vô thỉ… cho đến huống gì là nói tác và phi tác. Phật dạy tất cả pháp, do vọng tưởng thói quen hý luận luống dối chấp đắm các thứ ác từ vô thỉ mà sinh ra ba cõi, kẻ ngu không biết chỉ do tự tâm vọng tưởng mà thấy, chấp lấy các pháp bên ngoài, và ngoại đạo nói ta và căn cảnh hòa hợp mà biết sinh. Đức Phật chẳng phải như vậy, nghĩa là biết tất cả pháp đều là luống dối, không được nói có nhân, vô nhân, chỉ nương vọng niệm năng sở phân biệt, giả lập duyên khởi vốn không thật thể, chẳng chấp ngã là năng sở giác biết. Lại, Niếtbàn cũng chỉ là số có ba, huống gì là nói tác và phi tác.

5. Phật nói về lý do sinh vào ba cõi:

Này Đại Tuệ! Khi ấy, Bà-la-môn Thế luận… cho đến phân biệt cảnh bên ngoài đều là thế luận. Do vô minh ái nghiệp làm nhân duyên cho nên sinh ba cõi, và tất cả pháp đều nhập vào tự tướng, cộng tướng, đó là pháp Hai thừa… cho đến ít có tâm thức, trôi chảy bất tận, đều là thế luận.

“Này Đại Tuệ! Khi ấy Bà-la-môn kia… cho đến nghĩa lý tương ưng chẳng phải không tương ưng”: Bà-la-môn nói tất cả từ luận, các thứ cú vị của tất cả ngoại đạo, nhờ thí dụ mà trang nghiêm, chẳng phải không từ trong pháp của ta có ra, đều là thế luận. Có pháp nào chẳng phải thế luận chăng? Phật dạy có pháp chẳng được pháp thế luận, chẳng phải ông có, cho nên chẳng phải ông chấp nhận, chẳng phải thế luận không chấp nhận. Tuy lìa ngôn luận cũng nhờ vào các văn cú, nhân dụ trang nghiêm mới được ngộ, cho nên nói chẳng phải không nói các thứ văn cú, nghĩa lý tương ưng chẳng phải không tương ưng.

6. Các pháp bên ngoài không thật:

“Kia lại hỏi: Chẳng lẽ có thế gian chấp nhận mà chẳng phải Thế luận ư!… cho đến chẳng phải ông có”: Là nói các pháp bên ngoài không thật, do luống dối phân biệt chấp đắm, không biết đều do tự tâm hiện lượng, cho nên không thể biết chẳng phải thế luận. Luận Khởi Tín chép: Tất cả các pháp chỉ nương vọng niệm mà có khác nhau, nếu lìa tâm niệm thì không có tướng tất cả cảnh giới, cho nên tất cả các pháp từ xưa đến nay lìa tướng lời nói, lìa tướng danh tự, lìa tướng tâm duyên, rốt ráo bình đẳng, không có thay đổi, không thể phá hoại, chỉ là nhất tâm, cho nên gọi là chân như. Có thể trụ ở chỗ mình, không khởi vọng tưởng phân biệt hữu vô, đó là pháp của Như lai, ngoại đạo chẳng thể có được.

“Bà-la-môn! Nói lược… cho đến đều là Thế luận của ông chẳng phải pháp của ta”: Là nói vọng thức chấp đắm các pháp khứ lai v.v…

Đều là Thế luận.

7. Thế luận giả nghĩ rằng Như lai nói không đúng:

“Này Đại Tuệ! Thế luận Bà-la-môn… cho đến là nói phân biệt này bất sinh”: Nói Thế luận giả hỏi như trên, Phật đáp như trên, còn không thiếu giác, tự cho là Thánh minh, ông ấy không cáo từ mà lùi lại nghĩ rằng lời Như lai nói không đúng.

“Này Đại Tuệ! Nay ông cũng lại hỏi ta nghĩa này… cho đến chỉ được tài lợi không được pháp lợi”. Đây là nêu trước Đức Phật đáp nghĩa Bà-la-môn, tổng kiết đáp lời thưa hỏi của Đại Tuệ.

“Đại Tuệ bạch Phật: Nói tài pháp… cho đến hý luận phân biệt hai bên thường dứt”: Nói tài lợi thêm lớn tham ái, sinh già bệnh chết lo buồn khổ não, không nên gần gũi. Pháp lợi là được Phật quán đảnh, đối với tất cả pháp đều được tự tại, cho nên phải nên gần gũi thờ phụng cúng dường.

“Này Đại Tuệ! Thế luận của ngoại đạo giúp cho những người ngu rơi vào hai bên…, cho đến phải siêng quán sát”. Ngoại đạo chấp năm ấm không từ nhân duyên sinh, cho nên khởi chấp thường; chấp tạo sắc diệt không thể sinh lại, gọi là chấp đoạn Như lai nói chỉ do tự tâm hiện lượng, không thấy sinh trụ diệt, hai thứ này khác nhau, khuyên phải siêng quán sát, chẳng phải như ngoại đạo chấp đắm không bỏ.

8.  Đức Thế tôn nói kệ:

“Lúc ấy, Đức Thế Tôn lại nói kệ rằng:

Điều phục các chúng sinh,

Dùng giới hàng phục ác,

Trí tuệ diệt các kiến,

Được thêm lớn giải thoát”.

Như lai điều phục che chở chúng sinh, thường nói tu hành ba nghĩa quyết định, đó là nhiếp tâm làm giới, do giới sinh định, do định phát tuệ, đó gọi là ba môn học vô lậu. Học đạo này cho nên giải thoát thêm lớn, chứng được thật tướng, nhưng giới là thể của định, tuệ là dụng của định. Kệ văn lược bày chẳng phải không nói.

“Ngoại đạo nói luống dối đều là thế tục luận, chấp ngang tác, sở tác, không thể tự thành lập”. Nói phạm thiên v.v… là Năng tác, tất cả các pháp là sở tác, vọng chấp năng sở. Pháp thân Như lai chân thật tự tông, ngoại đạo không thể thành tựu.

“Chỉ tự tông của ta, không đắm năng và sở, vì các đệ tử nói, khiến lìa các thế luận”. Là nói Như lai chỉ dùng một tự tông xuất hiện ở thế gian, năng sở ảnh tượng đều không, Phật nói cho đệ tử nghe, giúp xa lìa Thế luận.

“Pháp năng thủ, sở thủ, do tâm, không thật có…, cho đến đều là thế pháp luận”. Bốn câu kệ trên lược văn xuôi thế luận chấp đắm, lời văn rất dễ hiểu. Nhưng ngoại đạo tà kiến tuy có chín mươi sáu thứ đều không lìa năm thứ kiến và hai nhân. Năm kiến là năm không lợi sử trong mười sử phiền não, như quyển thứ ba đã lược giải thích. Nói hai nhân là vô nhân và tà nhân; hoặc chấp hai mươi lăm đế, từ minh đế, v.v… sinh; hoặc chấp sáu câu do hòa hợp v.v… sinh; hoặc nói do trời tự tại v.v… sinh; hoặc cho là cát bụi, hư không, túc tác… mà thành thế gian và cội gốc Niết-bàn. Gồm thâu sự chấp đắm không ngoài bốn thứ, đó là Số luận chấp một, Thắng luận chấp khác, Lặc-sa-bà chấp một vừa khác, Nhã-đề-tử chấp chẳng một chẳng khác. Nếu chấp một thì gọi là trong nhân có quả, nếu chấp khác thì nói trong nhân không có quả, ba thì vừa có vừa không, bốn thì chẳng phải có chẳng phải không, ngoài ra các thứ chấp khác không ra ngoài bốn thứ chấp này. Tuy nhiều dạng khác nhau, nhưng tựu trung tổng kiết sơ qua thì không ra ngoài hai nhân, đó là từ hư không tự nhiên sinh, tức là vô nhân, các thứ khác đều là tà nhân. Ở Trung Quốc Nho giáo và Đạo giáo, nếu y theo về lễ quân thần, phụ tử, tam tài, ngũ thường v.v… thì chính là giới hạn phong hóa, cố nhiên không ở tại lời. Hơn nữa, ngoại đạo ở Thiên Trúc, nói rõ ba đời, cũng tin nhân quả, biết chán sinh tử, ưa cầu Niết-bàn, nhưng chỉ vì nguồn chân có chút khác nhau nên làm cho cách đạo rất xa, huống chi là cái học chuyên môn, chỉ một thân trên hết, dù có trọn đời lo buồn, nhưng chẳng lo buồn qua đời khác, tuy bằng sinh tử mạnh nhất thịnh suy, chỉ chấp tự nhiên, hoặc tìm thiên mạng, như cái gọi là người pháp địa, địa pháp thiên, thiên pháp đạo, đạo pháp tự nhiên. Nếu cho tự nhiên là nhân thì năng sinh muôn vật, thì tức là tà nhân. Nếu cho muôn vật do tự nhiên mà sinh, như con hạc màu trắng, con quạ màu đen, tức là vô nhân. Lại nói rằng dễ có thái cực là sinh hai nghi, hai nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái, tám quái quyết định lành dữ, lành dữ sinh ra đại nghiệp. Nếu chấp thái cực làm nhân, tức là tà nhân. Nếu nói một âm một dương gọi là đạo, tức là chấp âm dương thay đổi, năng sinh muôn vật, cũng là tà nhân. Nếu chấp một là hư giả, không có tự nhiên, thì cũng là vô nhân. Nhưng vô nhân tà nhân là thành lỗi lớn. Cho rằng hư không tự nhiên v.v… sinh thì đáng lẽ thường sinh. Xưa nói nhân duyên Tiểu thừa đã bác bỏ sự sâu mầu của ngoại tông, họ cho rằng Phật pháp nông cạn không bằng sự sâu xa của ngoại đạo, cho nên biết sự khác nhau về phương vực đều do mê lầm nhân duyên chân chánh nên lăng xăng các chấp khác nhau. Họ không biết rằng ba cõi do tâm, vì si mà có ái xoay vần không cùng tận, đâu biết lý tánh không môn diệu hữu, chân như tùy duyên, tánh tướng không ngăn ngại, viên dung soi chiếu vào nhau, bước vào lớp lớp. Nói có điều gì đồng với đạo Phật đều là Phật pháp, đồng với ví dụ trộm trâu trong kinh Niết-bàn, không thể khéo nhận, lại thêm dùng nước tương, sữa mà còn khó được, huống chi muốn cho sữa lừa mà thành đề hồ, hoặc hiểu biết thấp kém lầm lẫn, vọng tìm thế trí, hoặc muốn cầu hư danh, quen theo tà kiến, trồng gốc khổ địa ngục, nhân sâu ngăn che hạt giống trí tuệ, đâu không thương xót ư! Nói rộng dị chấp, như luận Du-già quyển sáu, luận Hiển Dương quyển chín, mười, luận Bà-sa quyển mười một, mười hai, và luận Kim Thất Thập nói, Trung luận Bách luận cũng rộng bác bỏ.