CHÚ ĐẠI THỪA NHẬP LĂNG GIÀ KINH

Sa-môn Bảo Thần ở Đông Đô soạn.

 

 

Phẩm 12: NGŨ PHÁP MÔN

1. Thưa hỏi về năm pháp, v.v…

“Khi ấy, Bồ-tát Đại Tuệ… cho đến địa vị Như lai tự chứng”. Do ở trên thấy Như lai Tạng, năm pháp ba tự tánh, các thức, vô ngã, đối trị pháp môn thì diệt. Cho nên nay lại nêu tướng năm pháp, ba tự tánh, các thức, vô ngã khác nhau để thưa hỏi.

“Phật dạy: Lắng nghe, lắng nghe, ta sẽ nói cho ông v.v… cho mà sanh phân biệt chẳng phải các bậc Thánh”. Năm pháp v.v… này là pháp môn đối trị để độ chúng sinh, nếu không tu hành trị chướng, sở trị, chứng nhập chân thật thì tức là phàm phu phân biệt luống dối.

2. Nói về năm pháp:

“Đại Tuệ bạch Phật: Thế Tôn, thế nào là không rõ… cho đến thắng tánh mà sinh, theo dòng danh tướng”: Là nói người ngu không hiểu danh là giả lập, tâm trôi theo sự xao động, thấy có các pháp, chấp ngã, ngã sở sinh tử trôi lăn, chẳng giác các pháp tánh như huyễn v.v… chỉ do tự tâm phân biệt luống dối khởi lên, lìa năng thủ, sở thủ và sinh trụ diệt, nghĩa là từ tự tại thắng tánh v.v… sinh, vọng tâm ngoại duyên trôi giạt theo trần.

“Này Đại Tuệ! Tướng ở trong đây là vật mà nhãn thức nhìn thấy…

cho đến như vậy v.v… ta gọi đó là tướng”. Năm căn, sáu cảnh gọi chung là tướng, cũng nói là vật mà nhãn thức nhìn thấy, gọi là hữu kiến hữu đối sắc, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý sở đắc gọi là vô kiến hữu đối sắc, ý thức sở đắc gọi là vô kiến vô đối sắc. Ba thứ sắc tướng này gọi là tướng.

“Phân biệt là đặt ra các tên gọi… cho đến quyết định không khác, đó gọi là phân biệt”. Đặt ra rất nhiều tên gọi, nói lên các tướng khác nhau, nghĩa là có các tên voi ngựa v.v… sinh, tức có các tướng voi ngựa v.v… khởi. Việc này như vậy là nói lên tự tướng. Chắc chắn không khác là nói lên cộng tướng. Chấp có các danh tướng này nên gọi là vọng tưởng luống dối.

“Chánh trí là quán danh tướng làm khách lẫn nhau… cho đến đó gọi là chánh trí”: Dùng chánh trí quán sát, vật không có tên thật, là công tên không có vật. Tự tánh vốn không, làm khách lẫn nhau, cho nên không phân biệt danh tướng thức sinh, đâu có liên quan đến đoạn thường, rơi vào địa vị phàm phu.

“Này Đại Tuệ! Đại Bồ-tát… cho đến ta nói pháp này gọi là Như như”: Nói chánh trí này chẳng chấp pháp danh tướng là có, không bỏ pháp danh tướng là vô, xa lìa hai chấp tổn giảm và tăng ích. Danh tướng  vọng thức vốn tự bất sinh, nên gượng gọi là Như như.

“Này Đại Tuệ! Đại Bồ-tát… cho đến nhập vào Như như mà được”: Nói trụ như như là được nhập vào cảnh giới vô tướng vắng lặng, hạnh vượt ngoài thắng giải hạnh, lên Hoan hỷ địa cho đến công đức đầy đủ. Ở cõi Sắc cứu cánh chứng Như lai địa, làm thành thục chúng sinh, như trăng đáy nước soi chiếu hiện bày, vô lượng ứng thân tùy nghi nói pháp, thể tánh thanh tịnh, lìa tâm, ý, thức, thành tựu đủ nguyện xưa vô tận mười câu, đó gọi là Bồ-tát như thật tu hành năm pháp v.v… được pháp thân Như như. Nếu không tu thì sinh phàm phu điên đảo, trôi lăn trong chốn hoang vắng trong các đường.

3. Ba tự tánh có tướng riêng hay không?

“Khi ấy, Bồ-tát Đại Tuệ… cho đến vì không thể hoại cho nên thuộc về tánh viên thành”: Đại Tuệ trước nêu lên bốn môn để hỏi, Đức Như lai chỉ y theo môn năm pháp mà đáp, cho nên ở đây là hỏi ba tự tánh, nhập vào trong năm pháp;, ba tự tánh có tự tướng riêng hay không! Phật đáp: Ngoài ba pháp môn ra đều xếp vào năm pháp, do chỉ tu một môn thì các môn khác đều gồm thâu đầẵy đủ, ngoài ba pháp ra cũng giống như vậy. Nghĩa là trong danh tướng kia sinh vọng chấp tự tánh, vọng chấp tự tánh này nhập vào trong danh tướng năm pháp. Nếu nương pháp tâm, tâm sở phân biệt kia thì sẽ theo danh tướng đồng thời mà khởi, thí như mặt trời và ánh sáng là chung, đó gọi là duyên khởi tự tánh nhập vào năm pháp phân biệt. Chánh trí, như như chẳng phải pháp làm ra, cho nên không thể hoại, đó là tánh viên thành nhập vào chánh trí như như trong năm pháp. Ở trên nói ba tự tánh nhập vào năm pháp đã xong.

4. Các pháp được xếp vào năm pháp:

Này Đại Tuệ! Do tự tâm hiện ra… cho đến thảy đều xếp vào năm pháp này”: Nói khi đối với pháp do tự tâm hiện mà sinh chấp đắm thì có tám thứ phân biệt của tâm, ý, thức, khởi tướng khác nhau này, tám danh tướng này tức xếp vào năm pháp gọi là tướng phân biệt, biết rõ danh tướng này đều là không thật, chỉ vọng chấp tánh, thì xếp vào chánh trí như như trong năm pháp, ở đây nói tám thức nhập vào trong năm pháp. Thiết lập đều không thật chỉ vọng chấp tánh, hoặc chấp thật có tên hai thứ ngã và hai tướng ngã, tức xếp vào danh, tướng phân biệt trong năm pháp, nếu giác được hai ngã kia không thật thì được trí sinh vô ngã là sinh và pháp, tức xếp vào chánh trí như như trong năm pháp. Ở đây nói hai thứ vô ngã nhập vào trong năm pháp, chẳng phải chỉ năm pháp thuộc về ba môn còn lại, Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát, Như lai, hoặc nhân hoặc quả tất cả các pháp đều xếp vào trong ấy.

“Lại nữa, Này Đại Tuệ! Năm pháp… cho đến tâm, tâm pháp gọi là phân biệt”: Ở đây Đức Phật lại nói về nghĩa năm pháp. Hai pháp danh, tướng rất dễ hiểu, khởi tâm tâm sở, duyên niệm danh tướng của bình, y v.v… thì gọi là phân biệt. Tâm pháp tức tám thức tâm vương, tâm sở pháp tức sáu vị tâm sở, cũng gọi tâm sở pháp, nghĩa như ở chỗ khác nói:

“Danh kia, tướng kia, rốt ráo không thật có… cho đến cho đến giác diệt đó gọi là Như như”: Biết rõ danh tướng kia không thật, cho nên không có phân biệt giác biết, đó gọi là Như như.

“Này Đại Tuệ! Chân thật quyết định rốt ráo căn bản tự tánh có thể được… cho đến đó gọi là chánh trí”: Ở đây chỉ có một sự thật này, hai điều kia thì chẳng thật, cho nên nói quyết định rốt ráo căn bản tự tánh có thể được, còn ngoài ra đều là việc ma. Vì vậy cho nên các Đức Phật thuận theo chứng nhập, như thật tướng kia, vì chúng sinh kia mà mở bày giảng nói năm pháp môn v.v… giúp họ nhập vào chỗ như thật. Hai thừa ngoại đạo không thể chứng được, nên gọi là chánh trí.

“Này Đại Tuệ! Đây gọi là năm pháp, ba tự tánh, tám thức, hai thứ vô ngã… cho đến tâm, quyết định không bị người khác chuyển”: Nói phải giác biết chánh trí như như, chớ để cho danh tướng phân biệt xoay chuyển.

“Khi ấy, Đức Thế Tôn lại nói kệ rằng: Năm pháp, ba tự tánh và cùng tám thứ thức, hai thứ pháp vô ngã, đều thuộc về Đại thừa”: Bài kệ trên nói bốn môn đều thuộc về tất cả pháp nghĩa Đại thừa.

“Danh tướng và phân biệt, thuộc hai thứ tự tánh, chánh trí và như như, đó là viên thành thật”: Bài kệ này nói ba tự tánh được xếp vào năm pháp.