CHÚ ĐẠI THỪA NHẬP LĂNG GIÀ KINH

Sa-môn Bảo Thần ở Đông Đô soạn.

 

 

Phẩm 10: NHƯ LAI THƯỜNG VÔ THƯỜNG

1. Như lai là thường hay vô thường:

“Khi ấy, Bồ-tát Đại Tuệ… cho đến là thường hay vô thường”: Vì trên đây là lời các Đức Phật quá khứ, vị lai, hiện tại nói, nếu Như lai rơi vào ba đời thì là vô thường, cho nên hỏi Như lai ứng chánh đẳng giác là thường hay vô thường.

“Phật bảo Này Đại Tuệ! Như lai ứng chánh đẳng giác… cho đến nhưng Phật Như lai thật chẳng dứt diệt”: Nói Phật là thường hay vô thường đều có lỗi. Vì sao? Vì nếu Như lai là thường thì đồng với ngoại đạo chấp thần ngã v.v… là năng tác, vì năng tác là thường. Nếu Như lai là vô thường thì đồng với tác pháp hữu vi của thế gian, là năng tướng, sở tướng, cuối cùng bại hoại, trở thành không có, pháp thân nên dứt diệt, nhưng Phật Như lai thật chẳng phải đoạn thường.

2. Như lai chẳng phải thường chẳng phải vô thường:

“Này Đại Tuệ! Tất cả những gì làm ra đều vô thường, như cái bình, chiếc y… cho đến vì thế Như lai chẳng phải thường, chẳng phải vô thường. Nếu nói Như lai là vô thường thì đồng với cái bình, chiếc y, tất cả pháp làm ra có lỗi vô thường. Chánh nhân sở tu của Như lai là phước tuệ trang nghiêm, đều có lợi ích. Nhưng Phật Như lai công đức lưu lại muôn đời thường còn, đạo thông khắp ức kiếp vững bền. Lại tất cả thế gian có pháp làm ra, đều ứng với Như lai, vì đồng làm nhân sinh. Nhưng nói Như lai là thường, vô thường sẽ có lỗi như trên nên không thể nói năng.

“Lại nữa, Đại Tuệ, Như lai chẳng phải thường, chẳng phải vô thường…, cho đến đồng như sừng thỏ, sừng ngựa, cá, rắn…”. Đây lại phá chuyển chấp. Nếu nói Như lai như hư không là thường thì không đợi tự giác Thánh trí tu nhân thành, vì hư không lìa bốn câu, phần đắc thí dụ cho Như lai. Lại nữa, nếu nói Như lai là vô sinh thường, thì như sừng thỏ sừng, ngựa, xưa nay không sinh. Nếu đồng hư không, thỏ ngựa nói là thường thì không thành nghĩa phương tiện rộng lớn lợi ích chúng sinh, cho nên khác nhau.

3. Có Phật hay không thì lý chân thường vẫn thường trụ:

“Lại nữa, Này Đại Tuệ! Vì nghĩa khác… cho đến nhưng phàm phu chẳng thể biết được”. Vì nghĩa khác cũng được nói thường, nghĩa là vì hiện tiền lìa niệm trí sáng, chứng pháp thân thường, cũng được nói thường. Đây là lý chân thường, có Phật hay không Phật vẫn thường trụ không thay đổi, trùm khắp tất cả pháp, chẳng phải đoạn diệt. Phàm phu ngoại đạo đâu thể giác biết. Cho nên kinh Pháp Hoa chép: Cùng đồng trong một pháp mà không được việc này.

Này “Đại Tuệ, Như lai dùng trí tuệ thanh tịnh… cho đến Như lai không từ phân biệt luống dối sinh”. Nói Như lai là do sở chứng tự giác Thánh trí mà gọi tên, không phải do tâm, ý, thức, tự tướng, cộng tướng vọng huân tập mà gọi tên. Tất cả thế gian đều từ vọng tưởng không thật mà sinh, đức Như lai từ đó chẳng sinh.

4. Người học nên dứt hai thứ phân biệt luống dối:

“Này Đại Tuệ! Do hai pháp nên có thường vô thường… cho đến khi tâm phân biệt giác chớ để cho còn chút nào”. Có vọng chấp lấy bỏ sinh tử Niết-bàn nên mới có thường, vô thường, sở chứng của Như lai không có hai pháp, lìa thường và vô thường, không chấp vắng lặng. Người học nên dứt hai thứ phân biệt luống dối, khiến hết sạch không còn.

“Khi ấy, Đức Thế Tôn lại nói kệ rằng: Xa lìa thường, vô thường, mà hiện thường, vô thường… cho đến vì thế không trái nghịch”: Văn xuôi trong ba bài kệ trên văn kinh có nói rõ rất dễ hiểu.