KINH TRỪ CÁI CHƯỚNG BỒ-TÁT SỞ VẤN

Hán dịch: Đời Triệu Tống, Đại sư Pháp Hộ
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

QUYỂN 17

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp sau đây thì khéo nhận biết được Thắng nghĩa đế. Mười pháp ấy là những gì?

  1. Thành tựu pháp không sinh.
  2. Thành tựu pháp không diệt.
  3. Thành tựu pháp không hoại.
  4. Thành tựu pháp không ra không vào.
  5. Thành tựu cảnh giới vượt khỏi ngôn ngữ.
  6. Thành tựu pháp không giảng giải.
  7. Thành tựu pháp không hý luận.
  8. Thành tựu pháp không thể nêu bày.
  9. Thành tựu pháp vắng lặng.
  10. Thành tựu pháp bậc Thánh.

Vì sao? Này thiện nam! Vì lý của Thắng nghĩa đế vốn không thể hủy hoại, Phật có ra đời hay không ra đời lý ấy vẫn là như vậy, không sinh, không diệt, không ra, không vào, không thể nêu bày bằng văn tự, không thể giảng giải biểu thị bằng văn tự, rời xa mọi hý luận, thủ chứng.

Này thiện nam! Thắng nghĩa đế ấy trong suốt, vắng lặng, không thể nói bàn, chỉ những bậc Thánh tự chứng đắc từ bên trong. Lại nữa, này thiện nam! Thắng nghĩa đế ấy, hoặc Phật ra đời, hoặc Phật không ra đời, vốn không bị hủy hoại, từ ý nghĩa đó, nếu có thiện nam khởi tâm chánh tín, xuất gia thanh tịnh, cạo bỏ râu tóc, khoác ca-sa, đã xuất giá rồi, luôn siêng năng tinh tấn tu tập các hạnh thiện, như đầu che lụa vải cứu lửa cháy, cầu pháp cũng như thế.

Này thiện nam! Nếu không đạt được pháp Thắng nghĩa đế thì kết quả của sự tu phạm hạnh là hư vọng, không lợi lạc, dù Như Lai có ra đời cũng chẳng tạo được lợi ích. Vì vậy, này thiện nam! Nếu đạt được Thắng nghĩa đế thì gọi là Bồ-tát hiểu rõ về thắng nghĩa.

Này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp ấy, tức khéo nhận biết về Thắng nghĩa đế.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp sau đây, tức khéo nhận biết về duyên sinh. Mười pháp ấy là những gì?

  1. Nhận biết các pháp là không.
  2. Nhận biết các pháp là không thực có.
  3. Nhận biết các phap là không chân thật.
  4. Nhận biết các giống như hình tượng.
  5. Nhận biết các pháp như hình bóng.
  6. Nhận biết các pháp như tiếng vang.
  7. Nhận biết các pháp như huyễn.
  8. Nhận biết các pháp là không tồn tại lâu.
  9. Nhận biết các pháp luôn chuyển động.
  10. Nhận biết các pháp đều từ duyên sinh.

Bồ-tát suy nghĩ thế này: Các pháp như vậy là không, là không sở hữu, là không chân thật, là như ảnh tượng, là hình bóng, là huyễn ảo, không tồn tại lâu, luôn chuyển động, là do duyên sinh. Tuy biết rõ các pháp có sinh ra nhất định không tồn tại lâu dài mà nhanh chóng bị hủy hoại, nhưng cũng tạo lập pháp về sinh, về diệt, về trụ. Lại suy nghĩ kỹ các pháp như vậy từ nguyên nhân nào sinh, từ nguyên nhân nào diệt. Suy nghĩ như thế rồi liền biết pháp ấy từ vô minh sinh ra, nhân vô minh mà có, do vô minh làm kẻ dẫn đường đi trước, hết thảy đều nương ở vô minh. Dựa vào vô minh nên các hành phát sinh, dựa vào hành nên có thức, do có thức mà có danh sắc, có danh sắc nên có sáu xứ, có sáu xứ nên xúc sinh ra, do có xúc nên thọ sinh ra, do thọ làm nhân, kẻ ngu phu sinh ra ái, ái thúc bách nên khơi ra thủ, từ có thủ trói buộc nên có hữu, do có hữu mà có sinh, có sinh nên có lão, có lão nên các chúng sinh, sĩ phu đều chết, vì có chết nên lo buồn, khổ não, sầu than, như thế nên có khối khổ lớn được nhóm chứa. Vì thế, những người có trí tuệ là phải siêng năng, gắng sức dứt trừ vô minh, phá trừ vô minh, nhổ gốc rễ của vô minh, tiêu diệt pháp vô minh. Do vô minh bị diệt tức có thể diệt trừ pháp nương tựa vào chỗ không có trí tuệ. Ví như mạng căn bị diệt rồi thì các căn khác cũng bị diệt. Vô minh diệt rồi, các pháp dựa vào chỗ không có trí tuệ đều bị tiêu diệt, cũng lại như thế. Vì sao? Vì không có vô trí nên không sự tích tập của hết thảy các phiền não, không chuyển đến các đường ác, tức có thể dứt trừ nguyên nhân của sinh tử, gần với Niết-bàn.

Này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp ấy tức khéo nhận biết về duyên sinh.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp sau đây, tức có thể tự hiểu biết rõ. Mười pháp ấy là những gì?

1. Bồ-tát khéo tự quan sát mình: Nay thân ta từ tộc họ nào sinh ra? Bà-la-môn? Sát-đế-lợi? Trưởng giả? Hay tộc họ cao quý, giàu sang? Hoặc thuộc đẳng cấp thấp kém? Nếu sinh ra nơi dòng họ cao quý, giàu sang, ta không nên dựa vào đấy để sinh kiêu ngạo. Nếu như sinh từ đẳng cấp thấp kém, thì suy nghĩ thế này: Do từ xưa ta tạo ra các nghiệp không tốt nen phải sinh vào giòng dõi như thế. Từ nhân duyên đó nên chán lìa thế gian, do chán lìa nên tìm cầu xuất gia.

2. Bồ-tát đã xuất gia rồi, nên quán sát: Nay ta vì ý nghĩa gì mà cầu xuất gia? Bèn tự suy xét: Xuất gia tức có thể tự độ được mình và khiến kẻ khác cũng được độ. Tự mình giải thoát rồi, cũng khiến kẻ khác đều được giải thoát. Vì duyên cớ ấy nên cuối cùng không sinh trễ nãi lười biếng.

3. Bồ-tát quan sát thế này: Nay ta xuất gia nên dứt trừ tất cả tội, diệt trừ hết sạch những pháp bất thiện, nếu đã đoạn các pháp bất thiện, tất sẽ hoan hỷ, vui thích, còn như chưa dứt trừ hết chúng thì phải gắng sức mau chóng làm cho dứt trừ.

4. Bồ-tát quan sát thế này: Ta nay xuất gia phải nên gia tăng tu tập rộng rãi các pháp thiện. Nếu đã phát triển rộng lớn các pháp thiện, thì tâm được vui mừng, thích thú. Còn nếu chưa gia tăng tu tập pháp thiện thì phải gắng sức nhanh chóng khiến chúng tăng trưởng.

5. Bồ-tát quan sát: Nếu ta nương tựa vào bậc tôn sư, tức có thể tăng trưởng tất cả pháp thiện, diệt trừ tất cả các pháp bất thiện. Từ nhân duyên đó ở chỗ các vị Thân giáo sư (Hòa thượng) không lay việc nghe ít hay nghe nhiều, có trí tuệ, không có trí tuệ, giữ giới hay phá giới, mà phải nên dấy khởi tưởng về bậc Đại sư là Phật. Nơi bậc thầy tôn kính kia, luôn yêu thích, tin kính, tôn trọng, phụng sự. Đối với bậc thầy khuôn phép mẫu mực (A-xà-lê), cũng giống như trên, là luôn tôn trọng, cung kính.

6. Bồ-tát quan sát: Nếu ta do nương nhờ nơi bậc thầy khuôn phép mẫu mực rồi đối với các pháp Bồ-đề phần nếu chưa viên mãn thì có thể thành tựu trọn vẹn, đối với những phiền não chưa dứt trừ thì có thể dứt trừ tất cả, cho nên ở chỗ các bậc thầy mẫu mực, khuôn phép, phải hết lòng cung kính, phụng sự như tưởng nghĩ về bậc Thân giáo sư (Hòa thượng) tâm rất vui mừng. Bậc thầy đáng kính kia tất dùng chánh đạo và các pháp thiện để thâu nhận ta, không dùng tà đạo, pháp bất thiện để thu phục.

7. Bồ-tát quán sát: Ai là thầy ta? Liền suy xét kỹ: Tất cả những bậc có trí tuệ đều là thầy lớn của ta. Người đó hiểu biết rõ về tất cả, yêu thương thế gian, khởi tâm đại Bi, làm ruộng phước lớn, có thể là bậc thầy của cả hàng Trời, Người, A-tu-la… Do duyên cớ ấy nên tâm rất vui mừng, sung sướng. Lại suy nghĩ: Nếu Đức Phật Thế Tôn là bậc Đại sư của ta thì ta thực sự được lợi ích tốt đẹp lớn lao. Như Phật Thế Tôn kiến lập việc học đạo, ta sẽ suốt đời vâng theo lời dạy mà tu học, như chỗ đã lãnh hội, theo đó chuyển đổi, suốt đời không lỗi lầm.

8. Bồ-tát suy nghĩ: Ta nên tìm đến những ai để khất thực? Quán sát khắp cả, ta thấy nên đi đến từ nhà Bà-la-môn, Sát-đế-lợi cho tới nhà của thứ dân để khất thực, khiến cho người bố thí thức ăn đạt được phước báo lớn, thành tựu được nghĩa lợi lớn, đầy đủ uy đức lớn. Vì muốn cho mọi người đạt phước quả nên ta tuần tự khất thực như thế.

9. Bồ-tát suy nghĩ: Các hàng Bà-la-môn, Sát-đế-lợi… vì nghĩ tưởng về gì mà cho ta thức ăn? Suy xét kỹ thì hàng Bà-la-môn, Sátđế-lợi kia chắc nghĩ: Ta là Sa-môn, là Bí-sô, là ruộng phước, nên cho ta thức ăn. Ta nay phải nên tích lũy, chứa nhóm công đức tu hành của hàng Sa-môn, công đức của hàng Bí-sô, công đức của ruộng phước.

10. Bồ-tát suy nghĩ: Ta sẽ làm thế nào để có thể lìa khỏi sinh tử từ vô thỉ? Suy ngẫm, quán xét, như thế: Một là ta thành tựu được hình tướng Bí-sô, đây là điều thứ nhất để lìa bỏ sinh tử; hai là ta đã thành tựu các công đức hiện có của bậc Bí-sô, đây là điều thứ hai để lìa bỏ sinh tử; ba là ta có thể phát khởi tinh tấn, lìa bỏ biếng trễ, tu tập các hạnh thiện, chứng ngộ pháp tánh, đây là điều thứ ba để lìa bỏ sinh tử; bốn là tu tập khắp các hạnh cho đến thành Phật hóa độ hữu tình. Đây là điều thứ tư để lìa khỏi sinh tử. Bồ-tát nếu có thể quán xét kỹ và luôn quán xét thì đó gọi là khéo tự mình hiểu biết rõ.

Này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp ấy tức đạt khéo tự mình hiểu biết rõ ràng.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp sau đây sẽ đạt khéo biết rõ về thế gian. Mười pháp ấy là những gì?

  1. Thấy kẻ cao ngạo thì nên tự khiêm tốn.
  2. Thấy kẻ ngã mạn thì nên xa lìa kiêu mạn.
  3. Thấy kẻ dua nịnh dối trá, mình nên hiện bày ngay thẳng.
  4. Thấy kẻ nói dối thì ta nên nói lời chân thật.
  5. Thấy kẻ nói lời xấu ác, nên vì người đó mà dùng lời hòa ái.
  6. Thấy kẻ hung bạo thì ta nên hiện tướng hiền hòa.
  7. Thấy kẻ giận dữ thì mình nên hành nhẫn nhục.
  8. Thấy kẻ độc ác, mưu hại, thì ta nên khởi tâm Từ bi.
  9. Thấy kẻ khổ não, nên khởi tâm thương xót.
  10. Thấy kẻ keo kiệt bủn xỉn thì nên hành hạnh bố thí.

Này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp ấy tức sẽ khéo rõ biết về thế gian.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp sau đây sẽ được sinh vào các cõi Phật thanh tịnh. Mười pháp ấy là những gì?

  1. Gồm đủ hành giới thanh tịnh, không dứt mất, không xen tạp, thành tựu giới hạnh không cấu nhiễm.
  2. Thực hiện tâm bình đẳng, vì tất cả hữu tình tạo nên những phương tiện bình đẳng.
  3. Thành tựu những căn lành rộng lớn, không thiếu, không ít.
  4. Xa lìa những thứ danh tiếng, lợi dưỡng của thế gian, cũng không cấu nhiễm, vướng mắc.
  5. Đầy đủ sự tin tưởng trong sạch không có tâm nghi ngờ.
  6. Phát khởi sự siêng năng tinh tấn, lìa bỏ biếng lười.
  7. Tu tập đầy đủ về thiền định không để tâm tán loạn.
  8. Tu tập hạnh đa văn mà không có trí tuệ xấu ác.
  9. Căn tánh lanh lợi, trí tuệ nhạy bén không tối tăm, chậm lụt.
  10. Rộng rãi thi hành hạnh Từ bi không có tâm làm tổn hại.

Này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp như thế liền được sinh đến những cõi Phật thanh tịnh.

Bấy giờ, Bồ-tát Trừ Cái Chướng bạch Phat:

–Bạch Thế Tôn! Vì sao nói tu tập đủ mười pháp mới có thể được sinh về cõi Phật? Nếu tu tập một pháp không thiếu sót có được sinh nơi cõi Phật không?

Phật nói:

–Này thiện nam! Nếu tu một pháp môn, không dứt đoạn, không thiếu sót, không xen tạp, không nhiễm ô, thanh tịnh hoàn toàn tức có thể thành tựu các pháp hạnh khác.

Này thiện nam! Trong ý nghĩa ấy, nếu có thể tu tập các pháp không thiếu, không bớt, sẽ được sinh nơi cõi Phật, chắc chắn không nghi ngờ.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp thì không sinh theo nẻo bào thai cấu nhiễm. Mười pháp ấy là những gì?

  1. Tu tập đối trị theo hình tượng của Như Lai.
  2. Sửa chữa làm trang nghiêm những tháp miếu bị hư hoại.
  3. Dùng loại hương vi diệu, sơn quét lên bảo tháp của Như Lai.
  4. Dùng nước thơm tinh khiết để tắm rửa tượng Phật.
  5. Tô bồi, trang trí, rảy nước quét dọn nền đất nơi bảo tháp Như Lai.
  6. Cung kính tôn thờ cha mẹ.
  7. Cung kính tôn thờ vị thầy mẫu mực, khuôn phép, vị Hòa thượng cùng những người đồng tu phạm hạnh.
  8. Tuy hành hóa như thế nhưng không mong cầu.
  9. Đem những căn lành hiện có ấy để hồi hướng, nguyện dùng những điều thiện ấy làm cho tất cả hữu tình không sinh theo nẻo bào thai cấu nhiễm.
  10. Tâm chí sâu xa bền vững.

Này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp ấy sẽ không sinh theo đường bào thai cấu nhiễm.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp sau đây thì tuy ở tại gia nhưng là xuất gia. Mười pháp ấy là những gì?

  1. Đạt không chỗ chấp giữ.
  2. Không ở nơi tạp loạn.
  3. Từ bỏ các cảnh.
  4. Xa lìa những ái chấp nơi các cảnh.
  5. Không bị cấu nhiễm nơi các lỗi lầm hiện có của những cảnh.
  6. Đối với những pháp môn tu học do Như Lai đã nêu dạy, nên cung kính tu tập, gia tăng sự gắng sức, không chán.
  7. Tuy có được một ít thức ăn uống, y phục, ngọa cụ, thuốc men, nhưng tâm thường vui, cho là đủ.
  8. Tùy chỗ có được về ứng khí, lìa bỏ tâm chấp giữ.
  9. Chán lìa các cảnh, thường sinh lo sợ.
  10. Thường siêng năng tu tập, khiến tịch tĩnh luôn hiện ra trước.

Này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp ấy liền đạt sự xuất gia nơi tại gia.

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20