KINH TRỪ CÁI CHƯỚNG BỒ-TÁT SỞ VẤN

Hán dịch: Đời Triệu Tống, Đại sư Pháp Hộ
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 15

Lại nữa, này thiện nam! Thế nào là Bồ-tát đối với các lỗi lầm khéo có thể dứt trừ? Nghĩa là nếu Bồ-tát nơi bản thân mình có điều lỗi lầm, thì siêng năng tu tập để trừ dứt, nếu nơi thân của người khác có điều lỗi lầm thì chỉ dạy khiến họ dứt trừ. Kẻ không thể nhận lãnh được tức nên lìa bỏ. Những gì là lỗi lầm? Đó là đối với Phật, Pháp, Tăng không sinh tôn trọng, đối với người tu tập giới, các vị Thánh, các vị cùng tu phạm hạnh ở bậc thượng trung hạ, nơi các bậc ấy cũng không tôn trọng, lại sinh ngã mạn, khinh chê người khác, thuận theo các cảnh ái nhiễm trái ngược với Niết-bàn, khơi dấy chấp ngã, chấp hữu tình, thọ mạng, sĩ phu, sự nuôi dưỡng, các loài chúng sinh… Chấp không, chấp đoạn, chấp thường, vô thường, không thích chư Thánh, gần theo kẻ ngu, xa lìa người giữ giới thanh tịnh, tôn trọng, cúng dường người phá giới, chạy theo bạn ác, lìa bỏ bạn lành, chê bai, nói xấu kinh điển thâm diệu của Như Lai, đối với kinh điển thâm diệu ấy lại sinh sợ hãi. Lười biếng, trễ nãi, xem thường bản thân, ý chí thấp kém, không có uy nghi, cũng không biện tài, trái xứ tạo ác, chỗ không nên nghi lại sinh nghi hoặc, điều đáng nghi ngờ lại không thể nghi. Ngăn che, trói buộc, dua nịnh, lừa gạt, chìm đắm tối tăm trong sự ngủ nghỉ, tham chấp về lợi dưỡng, giòng họ, thân thuộc, đất nước… Lại thường gần gũi sách vở của ngoại đạo, chán lìa chánh pháp, hủy bỏ thệ nguyện, quen tu theo pháp bất thiện, lơ là với pháp thiện, thân thiện nơi kẻ không phải là người xuất gia, lại hay giao du với người nam, người nữ, trẻ nam, trẻ nữ, cùng các ngoại đạo, không ưa thích nơi A-lan-nhã. Ăn uống không biết hạn lượng, không ở gần nơi các bậc thầy, bậc tôn trưởng. Nếu có tu niệm cũng không biết đúng giờ giấc, lại cũng chẳng biết nơi chốn hành hóa, học giới vi tế cũng chẳng tôn kính. Đối với những tội nhỏ chẳng sinh sợ hãi. Nơi những người căn tánh si tối lại xem là vắng lặng. Đối với người có căn tánh thù thắng, nhanh nhạy lại sinh kiêu ngạo hành theo tà kiến, thường nói ra những lời xấu ác. Trong những sắc tướng đáng yêu, hay không đáng yêu theo từng trường hợp mà chấp trước. Thấy người giận dữ không khởi tâm Từ, thấy người khổ não không sinh thương xót, thấy người tật bệnh không sinh tâm chán lìa, thấy người chết không có ý sợ sệt, ở trong ngôi nhà lửa mà không cầu nẻo xuất ly. Không quán xét, tìm hiểu về thân, không quan sát hành giới điều nào đã làm, điều nào sẽ làm, điều nào đang làm. Điều không nên suy nghĩ thì lại suy nghĩ, điều không nên tính toán thì lại tính toán, chỗ không nên theo đuổi thì lại tìm cầu, sự việc không nên lìa ra thì tưởng chấp là neo lìa thoát. Không phải là đạo lại chấp tưởng là chánh đạo, chưa đạt sự chứng ngộ thì cho là đã chứng ngộ. Làm việc thế tục thì tâm chuyên nhất, điều không đáng làm lại siêng năng, dốc sức. Pháp thiện rộng lớn lại thường xả bỏ, chê bai pháp Đại thừa, khen ngợi pháp của hàng Thanh văn, nói xấu người có lòng tin sâu xa nơi pháp Đại thừa, ca ngợi người tu hành theo pháp Thanh văn. Thường cùng người khác tranh cãi, lời lẽ luôn xấu xa, thô bỉ, hay tự đề cao, phóng túng, không thành thật, khinh chê người khác, điều không đáng nói lại nói, lời toàn hư dối, yêu thích, tham chấp theo hý luận. Đó là những điều lỗi lầm. Bồ-tát khéo dứt trừ những thứ lỗi lầm đó rồi, lìa xa những hý luận, siêng năng tu tập pháp quán không. Tuy tu tập nhiều về pháp quán không, nhưng ở mọi nơi chốn tâm Bồ-tát luôn rộng mở, trụ chỗ an lạc. Bồ-tát tức thì đối với các cảnh, xứ, tìm khắp tự tanh thảy đều là không, nên rõ là chẳng thể thủ đắc. Do cảnh không, nên quán sát tâm cũng đều là không. Tâm cảnh đều không, nên có thể quan sát trí cũng là không, thấu tỏ là chẳng thể thủ đắc. Bồ-tát lại siêng năng quan sát các tướng đều là không. Bồ-tát tuy quán không tướng, nhưng vẫn có các tướng ấy hiện ra trước mắt, gây tạo đối ngại, cho nên quán không có tướng bên trong. Không có tướng bên trong nên thân không thể thủ đắc. Cả thân niệm trụ càng không thể thủ đắc, cũng chẳng buộc tâm nơi đâu. Nơi thân cũng không có tướng bên ngoài để có thể thủ đắc. Cũng không có niệm trụ của tướng bên ngoài có thể thủ đắc. Tâm không ràng buộc, tướng bên ngoài tách rời, nên tướng thân cũng tách rời. Do các tướng bên trong đã dứt trừ, nên siêng năng phát khởi tu tập ý lạc. Từ việc tu tập nhiều hạnh quán nên thường dốc sức tu tập pháp Chỉ, Quán. Hạnh tu ấy không gián đoạn, đó là tánh của tâm cảnh là một, tức là chỉ. Quán sát như thật về tự tánh của các pháp, đó là quán. Do đạt tánh của tâm nhất cảnh trụ nơi chỉ, tức đối với định tâm hoan hỷ, không hối tiếc. Vì sao? Vì giới pháp thanh tịnh và hành giới đầy đủ đó là hạnh Du-già của Bồ-tát. Vì hành giới đầy đủ nên làm tăng trưởng hạnh Du-già. Hành giới đầy đủ nên tu tập Du-già, đó gọi là tu tập hạnh Du-già.

Này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp như thế tức khéo tu tập hạnh Du-già.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp sau đây thì có thể thọ trì giáo nghĩa nơi Khế kinh của Như Lai. Mười pháp ấy là những gì?

  1. Vì để bảo vệ chánh pháp nên nghe hiểu, thọ trì, không vì của cải.
  2. Vì để giữ gìn giáo pháp, nên nghe hiểu, thọ trì, không vì lợi dưỡng.
  3. Nhằm khiến cho hạt giống của Tam bảo không bị dứt mất, nên nghe hiểu, thọ trì, không vì mong được người khác cung kính.
  4. Vì muốn thu nhận hữu tình an trú nơi pháp Đại thừa, nên nghe hiểu, không vì danh tiếng.
  5. Vì đem lại lợi ích cho những hữu tình không nơi nương tựa, không người cứu vớt, nên nghe hiểu, thọ trì.
  6. Vì nhằm chiếm những hữu tình khổ não được yên vui, nên nghe hiểu, thọ trì.
  7. Nhằm khiến cho người không có Tuệ nhãn đạt được Tuệ nhãn, nên nghe hiểu, thọ trì.
  8. Vì những người trụ nơi thừa Thanh văn, giảng nói, chỉ rõ về giao pháp Thanh văn, nên nghe hiểu, thọ trì.
  9. Vì những người trụ nơi Đại thừa, giảng nói, chỉ rõ pháp Đại thừa, nên nghe hiểu, thọ trì.
  10. Để tự đắc chứng trí tuệ Vô thượng, nên nghe hiểu, thọ trì. Không vì cầu những thừa thấp kém.

Này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp ấy tức có thể thọ trì giáo nghĩa nơi Khế kinh của Như Lai.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp sau đây tức có thể thọ trì giáo nghĩa của giới luật. Mười pháp ấy là những gì?

  1. Khéo nhận biết về giới luật.
  2. Khéo nhận biết về khuôn phép của giới luật.
  3. Giỏi khéo nhận biết về ý nghĩa sâu xa của giới luật.
  4. Khéo nhận biết về tướng vi tế của giới luật.
  5. Khéo nhận biết ve điều nên làm điều không nên làm.
  6. Khéo nhận biết tự tánh của sự trái, phạm.
  7. Khéo nhận biết về sự nêu bày trái, phạm.
  8. Khéo nhận biết về nhân duyên dấy khởi của giới luật biệt giải thoát.
  9. Khéo nhận biết giới luật của bậc Thanh văn.
  10. Khéo biết giới luật của Bồ-tát.

Này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp ấy, tức khéo thọ trì giáo nghĩa của giới luật.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp sau đây tức khéo nhận biết đầy đủ về phép tắc, chỗ hành trì, cảnh giới oai nghi.

Mười pháp ấy là những gì?

  1. Khéo tu học giới của hàng Thanh văn.
  2. Khéo tu học giới của bậc Duyên giác.
  3. Khéo tu học giới của Bồ-tát.
  4. Đối với tất cả những học xứ kia đều tu tập đầy đủ.
  5. Đối với sự hành trì các phép tắc đầy đủ rồi, nên có thể lìa bỏ hạnh không phải là Sa-môn.
  6. Do nhân duyên ấy nên Bồ-tát không hành hóa đối với không phải nơi, không phải chốn, không phải lúc.
  7. Đối với phép tắc nơi nẻo hành hóa của một vị Sa-môn đã được đầy đủ rồi nên không bị các Sa-môn, hoặc Bà-la-môn chê bai một cách phi lý.
  8. Khiến cho kẻ khác cũng tu học như thế.
  9. Chỗ hành trì đúng phép tắc được đầy đủ rồi thì diện mạo hình tướng đoan nghiêm, oai nghi tịch tĩnh.
  10. Đầy đủ oai nghi, không giả hiện ra điều khác lạ.

Này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp ấy, sẽ khéo hiểu rõ

về phép tắc, cảnh giới hành hóa, oai nghi đầy đủ.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp sau đây tức có thể lìa bỏ keo kiệt, ganh tị. Mười pháp ấy là những gì?

  1. Tự mình làm người bố thí.
  2. Dạy người khác hành bố thí.
  3. Khen ngợi sự bố thí.
  4. Thấy người khác bố thí sinh tâm tùy hỷ.
  5. Khiến những người bố thí khác vui vẻ, sung sướng vì lợi ích.
  6. Khi thấy người khác nhận bố thí, không nghĩ là vật ấy nên bố thí cho ta, đừng bố thí cho người khác, tộc họ của ta nên được, tộc họ khác thì không nên được.
  7. Bồ-tát phát tâm như thế này: Cứu giúp cho các hữu tình có được đời sống đầy đủ của cải, an lạc.
  8. Nhằm khiến các hữu tình đều có thể thành tựu sự an lạc tối thượng, thù thắng, xuất thế gian.
  9. Bồ-tát suy nghĩ: Ta thường siêng năng tu tập đều vì lợi ích cho hữu tình.
  10. Bồ-tát suy nghĩ thế này: Ta trọn không khởi tâm keo kiệt, ganh ghét.

Này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp ấy tức có thể lìa bỏ keo kiệt, ganh ghét.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp sau đây tức có thể đối với tất cả hữu tình luôn trụ nơi tâm bình đẳng. Mười pháp ấy là những gì?

  1. Đối với tất cả hữu tình phát khởi phương tiện bình đẳng.
  2. Đối với tất cả hữu tình khởi tâm không chướng ngại.
  3. Đối với tất cả hữu tình khởi tâm không giận dữ não hại.
  4. Vì tất cả hữu tình hành bố thí rộng khắp.
  5. Giữ gìn giới hạnh.
  6. Tu trì nhẫn nhục.
  7. Phát khởi siêng năng tinh tấn.
  8. An trú nơi thiền định.
  9. Tu tập trí tuệ thù thắng.
  10. Chứa nhóm Nhất thiết trí.

Bồ-tát luôn dựa vào chỗ chứa nhóm tâm vô nhị như thế. Vì sao? Vì Bồ-tát đối với tất cả hữu tình luôn tích chứa bình đẳng, xem tất cả hữu tình là cảnh của đối tượng được duyên để tích tập. Như vậy nhanh chóng có thể khiến khắp thảy đều chứng ngộ pháp tánh. Bồ-tát tự mình có thể lìa khỏi ngôi nhà lửa lớn rồi, lại khiến người khác cũng được lìa khỏi. Do an trú nơi tâm bình đẳng nên tâm không có cao thấp.

Này thiện nam! Ví như vị trưởng giả có sáu người con, mỗi mỗi người con đều xứng đáng theo ý của cha, yêu quý, thương nhớ đều bằng nhau. Các người con ấy còn nhỏ nên không hiểu rằng người cha đã dùng những phương tiện giống nhau để dạy dỗ, nuôi nấng các con. Khi ngôi nhà của cha bỗng nhiên bốc cháy, nhưng các con của ông mỗi đứa ở một nơi.

Này thiện nam! Ý ông nghĩ sao? Lúc ấy ông trưởng giả có thể nghĩ, các người con kia cùng khiến thoát ra một lúc, hay người thoát ra trước, người thoát ra sau?

Bồ-tát Trừ Cái Chướng bạch Phật:

–Không phải thế, bạch Thế Tôn! Vì sao? Vì ông Trưởng giả với tâm bình đẳng yêu thương không khác, lúc ấy, thấy các con mỗi đứa ở một nơi, nhưng với tâm yêu thương bình đẳng của mình, ông muốn họ đều thoát ra cả.

Phật bảo:

–Này thiện nam! Bồ-tát cũng lại như vậy. Tất cả hữu tình đều là hàng ngu si, không phải là bậc Thánh, ở lâu trong nhà lửa sinh tử, si mê không nhận biết, không thấu rõ. Mọi hữu tình đều phân tán trong các cõi, Bồ-tát do muốn cứu độ họ nên tùy thuận dùng các phương tiện cùng lúc khiến họ ra khỏi nhà lửa lớn kia, ra khỏi rồi thì được an trú nơi thế giới tịch tĩnh.

Này thiện nam! Bồ-tát tu tập mười pháp như thế, tức có thể đối với các hữu tình trụ tâm bình đẳng.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp sau đây thì khéo có thể thừa sự cúng dường Như Lai. Mười pháp ấy là những gì?

  1. Dùng pháp cúng dường, đó là thừa sự cúng dường Như Lai không phải dùng của cải để cúng dường.
  2. Như lời giảng mà tu hành, đó là cúng dường.
  3. Vì các hữu tình làm những việc lợi lạc, đó là cúng dường.
  4. Thu nhận các hữu tình, đó là cúng dường.
  5. Vì các hữu tình mà mọi việc làm đều thuận hợp, đó là cúng dường.
  6. Không lìa thệ nguyện, đó là cúng dường.
  7. Không lìa bỏ sự nghiệp tu tập của Bồ-tát, đó là cúng dường.
  8. Như chỗ giảng nói, có thể thực hành, đó là cúng dường.
  9. Những chỗ hành trì không sinh ra biếng trễ, mệt mỏi, đó là cúng dường.
  10. Không bỏ tâm Bồ-đề.

Đó là thừa sự cúng dường Như Lai, không phải dùng tài sản để cúng dường. Vì sao? Này thiện nam! Pháp thân tức là Như Lai, cho nên dùng pháp cúng dường, đó là cúng dường Như Lai. Lại tích tập những lời dạy của Như Lai, tức là như chỗ nêu giảng mà tu hành. Phát khởi các việc lợi lạc, tức là làm lợi lạc cho hữu tình. Gây tạo sự nghiệp cho hữu tình, đó là thu nhận hữu tình.

Này thiện nam! Nếu không thể tạo lợi ích cho hữu tình thì đó là người có thệ nguyện nhỏ bé. Xả bỏ sự nghiệp tu tập của Bồ-tát, tức không thể thuận theo các hành của hữu tình, không thể lam tăng trưởng thệ nguyện, làm bền chắc sự nghiệp của Bồ-tát. Lại nếu nói lời hư dối, ý chí thiếu giảm, tức là không thể hành trì theo như lời Phật dạy. Lại nếu sinh tâm lười mỏi, tức đối với các việc làm không thể không sinh biếng trễ, mỏi mệt. Lại đối với tâm Bồ-đề có chỗ thoái mất, không chứng ngộ, tức không thể không lìa bỏ tâm Bồ-đề. Vì sao? Này thiện nam! Vì nếu thế thì Bồ-tát đối với quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác vốn không chỗ đạt được, cũng không có chỗ chứng ngộ. Vậy nay ông phải biết như thế, dùng pháp cúng dường tức là thừa sự cúng dường Như Lai, không phải là dùng của cải để cúng dường.

Này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp ấy, tức khéo có thể thừa sự cúng dường Như Lai.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp sau đây, tức có thể trừ bỏ được ngã mạn. Mười pháp ấy là những gì?

  1. Bồ-tát bỏ nhà đi xuất gia, lìa các bạn bè, bà con, người quen biết, giống như đã chết là trừ bỏ ngã mạn.
  2. Từ bỏ dáng vẻ đẹp đẽ của mình, mặc y phục hoại sắc, thuận theo chánh pháp nên trừ diệt ngã mạn.
  3. Cạo bỏ râu tóc, tay cầm bình bát, đến từng nhà xin ăn, nên diệt trừ ngã mạn.
  4. Do nhân duyên khất thực, hạ thấp tâm ý, so với Đồng tử thuộc hàng Chiên-đà-la không khác nhau, nên từ bỏ ngã mạn.
  5. Thường suy nghĩ thế này: Ta xin ăn nơi người khác, thì thân mạng ta thuộc về người khác, nên trừ bỏ ngã mạn.
  6. Chỗ ta thọ nhận thức ăn là để được thanh tịnh, chư Phật đã chuẩn hứa, nên trừ bỏ ngã mạn.
  7. Vì muốn được gần gũi các bậc sư trưởng, giáo thọ trong Thánh chúng, nên trừ bỏ ngã man.
  8. Ta có đủ oai nghi phép tắc, những điều làm đúng như pháp, muốn khiến những người đồng tu phạm hạnh trông thấy đều vui mừng, nên trừ bỏ ngã mạn.
  9. Đối với những người chưa đầy đủ pháp Phật, nguyện sẽ được đầy đủ, nen trừ bỏ ngã mạn.
  10. Đối với những hữu tình có tâm giận dữ, não hại ta phải thường hành trì hạnh nhẫn nhục, nên trừ bỏ ngã mạn.

Này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp ấy tức có thể trừ bỏ được ngã mạn.

Lại nưa, này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp sau đây tức có thể sinh tin tưởng thanh tịnh. Mười pháp ấy là những gì?

  1. Phước hạnh đều thành tựu trọn vẹn.
  2. Do đầy đủ nhân chánh nên đạt được căn lành từ đời trước viên mãn.
  3. Không khởi sự tin tưởng tà vạy, nên có đủ chánh kiến.
  4. Không nương tựa người thầy tà vạy, nên đạt được ý vui thích đầy đủ.
  5. Lìa bỏ lời dua nịnh, dối trá, nên đạt được hành chân chánh, không quanh co.
  6. Căn tánh nhanh nhạy nên đạt được trí tuệ hơn hẳn.
  7. Luôn được thanh tịnh nên xa lìa các chướng ngại.
  8. Xa lìa tri thức ác nên thường được gần những bậc Thiện tri thức, hiểu biết tốt.
  9. Thường tìm cầu những lời giảng nói tốt đẹp cho nên trừ bỏ được tâm tăng thượng mạn.
  10. Ở trong pháp Phật đã giảng nói có đầy đủ lòng tin lớn lao nên có thể lìa bỏ sự chấp trước tà vạy, hiểu rõ uy đức rộng lớn của Như Lai.

Này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp ấy tức có thể sinh tin tưởng thanh tịnh.

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20