KINH TRỪ CÁI CHƯỚNG BỒ-TÁT SỞ VẤN

Hán dịch: Đời Triệu Tống, Đại sư Pháp Hộ
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

 

QUYỂN 2

Bấy giờ, Đại Bồ-tát Trừ Cái Chướng cùng các vị Bồ-tát khác đến núi Tượng đầu. Khi cách núi không xa, các vị Đại sĩ ấy cùng lúc hóa hiện ra lưới báu bao trùm tam thiên đại thiên thế giới, lại từ nơi không trung mưa các loài hoa trời cùng vô số các loài quả trời, vòng báu, hương hoa, y phục cõi trời, hương bột cõi trời, cờ phướn, lọng báu, các vật dụng cúng dường, các vị Bồ-tát biến hóa rộng khắp và tùy theo chỗ đã biến hóa ấy mà các loài hữu tình được nhìn thấy, thảy đều được niềm an lạc tối thượng. Các rừng cây hiện có ở núi Tượng đầu kia liền khi ấy mất đi khung cảnh cũ, đặc biệt hiện ra nhiều loại cây quý báu, kỳ diệu như cây Kiếp, cây Hoa, cây Quả, cây Chiên-đàn hương, cây Trầm thủy hương, tất cả đều do thần lực của các vị Bồ-tát biến hóa. Lại từ nơi không trung phát ra tiếng trống trời vi diệu và trong tiếng trống ấy phát ra lời kệ:

Vườn Long-di-ni sinh tối thắng
Không dùng các phiền não so sánh
Lễ Đấng Vô Đẳng như hư không
Nên con đến núi tối thắng này.
Ngồi nơi cây đạo chứng Chánh giác
Ngăn chặn, bẻ gãy sức quân ma
Đảnh lễ giữ hào quang thanh tịnh
Nên con đến núi tối thắng này.
Như huyễn, dợn nắng, trăng đáy nước
Hiểu rõ được lý các pháp ấy
Đảnh lễ cây đại phước tối thượng
Nên con đến núi tối thắng này.
Rõ pháp thế gian như trò đùa
Khéo hiện các pháp như cung vua
Đảnh lễ kho phước thắng, không động
Nên con đến núi tối thắng này.
Từ lâu trải qua nhiều trăm kiếp
Vì muốn tròn đầy tâm Từ bi
Đảnh lễ Thế Tôn: trăng thanh tịnh
Nên con đến núi tối thắng này.
Nhiều trăm câu-chi chúng Bồ-tát
Chư Thiên cúng dường cũng như thế
Đảnh lễ Đấng lìa các tối tăm
Nên con đến núi tối thắng này.
Đã được kho Thánh pháp tối thượng
Bi tạo nên thân, bỏ của cải
Đảnh lễ bậc đại lợi vô song
Nên con đến núi tối thắng này.
Thường hiện Từ bi tâm vắng lặng
Như sen nơi nước không nhiễm ô
Đảnh lễ Bậc công đức hơn hết
Nên con đến núi tối thắng này.
Tướng tốt hoa nở thân thanh tịnh
Tùy hiện vẻ đẹp nuôi dưỡng đời
Cung kính cây báu nhánh vô biên
Đến đây cúng dường xin thâu nhận.

Lời kệ nơi tiếng trống trời vừa dứt, Tôn giả Mục-kiền-liên liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch áo bày vai bên phải, gối phải quỳ xuống đất chắp tay hướng về Đức Phật, bạch:

–Bạch Thế Tôn! Vì cớ gì hôm nay hiện ra những điềm lành từ xưa chưa từng nghe, chưa từng thấy?

Phật bảo Tôn giả Mục-kiền-liên:

–Ở phương Đông, cách thế giới này bằng số thế giới nhiều như cát sông Hằng, nơi đó có thế giới tên là Đại liên hoa, Đức Phật Thế Tôn ở thế giới ấy hiệu là Liên Hoa Nhãn Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chánh Giác, hiện tại đang thuyết pháp, đem lại lợi ích cho chúng sinh. Trong cõi Phật ấy, có vị Đại Bồ-tát hiệu là Trư Cái Chướng cùng với vô số câu-chi na-do-tha trăm ngàn Bồ-tát, Đại sĩ cùng đi đến thế giới Ta-bà này, các vị ấy sắp tới nên hiện ra các điềm lành như thế.

Phật vừa nói dứt thì Đại Bồ-tát Trừ Cái Chướng cùng vô số câuchi na-do-tha trăm ngàn các vị Bồ-tát khác vây quanh cùng đến, mỗi vị đều dùng uy lực đại thần thông của mình để tới chỗ Phật, đến nơi, các vị đồng cung kính đảnh lễ sát chân Phật.

Khi ấy, Đại Bồ-tát Trừ Cái Chướng liền nói kệ:

Đủ danh hiệu lớn trí tuệ lớn
Đạt vô úy lớn, tĩnh mặc lớn
Đã vượt qua sinh tử, nạn hiểm
Đảnh lễ bậc vượt bờ phiền não.
Phật là ánh sáng chiếu rực khắp
Phật là đuốc lớn soi mọi nơi
Phật đạt hết thảy cửa giải thoát
Đảnh lễ nương theo bậc Đẳng giác.
Vững vàng không động, như núi chúa
Sâu rộng vô ngần, như biển lớn
Tà ma ngoại đạo không phá được
Đảnh lễ ca ngợi Đại Pháp Vương.
Pháp vô sinh xưa nay vắng lặng
Tự tánh như thế vốn Niết-bàn
Thánh pháp Thế Tôn khéo khai sáng
Đảnh lễ đấng Chuyển đại pháp luân.
Có lúc giảng nêu các chánh đạo
Hoặc dạy đường vào lý chân thật
Chỉ cửa mầu nhiệm thực Niết-bàn
Hoặc thọ ký quả vị giác ngộ.
Tâm ý hữu tình Phật biết rõ
Trong ấy không ít kẻ chẳng tỏ
Hữu tình xem Phật trọn pháp hành
Đảnh lễ theo Phật nghe giảng dạy.
Có ba thứ độc: tham, sân, si
Và còn bao thứ cấu nhiễm khác
Ngồi đạo tràng thành Bậc Chánh Giác
Dùng lửa đại trí thiêu hết thảy.
Phật đã đạt đạo, độ chúng sinh
Phật tự giải thoát lợi thế gian
Điều Phật rất mong ở trong đời
Trừ hết các hiểm nạn sinh tử.
Kẻ vô trí chìm trong phiền não
Hữu tình lưu chuyển dòng sinh tử
Vì họ, Phật mở ra đường giác
Đảnh lễ nhận xem như thân hữu.
Phật xem các vị Đại sĩ này
Hết thảy vững tin đạo Bồ-đề
Đều muốn được nghe pháp nhiệm mầu
Cầu mong Thế Tôn vì họ nói.

Đại Bồ-tát Trừ Cái Chướng nói kệ ca ngợi Đức Phật xong, Phật liền bảo ông an tọa nơi bên đài sen. Các vị Bồ-tát khác, Phật cũng khuyên tùy chỗ thích hợp ngồi lên một bên đài sen.

Bấy giờ, Đại Bồ-tát Trừ Cái Chướng, từ tòa ngồi đứng dậy, trịch áo bày vai bên phải, gối phải quỳ lên đài sen, chắp tay hướng về Phật, bạch:

–Bạch Thế Tôn! Con nay muốn thưa hỏi Đức Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chánh Giác, mong Phật Thế Tôn thương xót lắng nghe lời con sẽ hỏi và xin Phật giảng giải.

Phật bảo Đại Bồ-tát Trừ Cái Chướng:

–Này Đại sĩ! Việc ông muốn hỏi cũng chỉ là chuyện thường. Chư Phật Như Lai thảy đều cho phép hỏi những điều còn nghi ngờ, Như Lai sẽ vì ông giảng nói tất cả.

Đại Bồ-tát Trừ Cái Chướng vâng theo lời Phật dạy, liền bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Các vị Đại Bồ-tát làm sao để việc tu hạnh bố thí được đầy đủ? Làm sao được hạnh trì giới đầy đủ? Làm sao được hạnh nhẫn nhục đầy đủ? Làm sao được hạnh tinh tấn đầy đủ? Làm sao được hạnh thiền định đầy đủ? Làm sao có được trí tuệ đầy đủ? Làm sao được hạnh phương tiện đầy đủ? Làm sao được nguyện đầy đủ? Làm sao được lực đầy đủ? Làm sao được trí đầy đủ? Bồ-tát làm sao được như đất? Làm sao được như nước? Làm sao được như lửa? Làm sao được như gió? Làm sao được như hư không? Làm sao được như mặt trăng? Làm sao được như mặt trời? Làm sao được như sư tử? Làm sao để điều phục? Làm sao hiểu rõ? Làm sao được như hoa sen? Làm sao được tâm quảng đại? Lam sao được tâm thanh tịnh? Sao gọi là tâm không còn nghi hoặc? Sao gọi là được trí như biển? Sao gọi là được trí vi diệu? Sao gọi là được trí biện tài? Sao gọi là được biện tài giải thoát? Sao gọi là được biện tài thanh tịnh? Sao gọi là đạt được biện tài làm cho tất cả hữu tình hoan hỷ? Sao gọi là được lời nói tín thuận? Sao gọi là được lời nói đúng chánh pháp? Sao gọi là được hạnh tùy pháp? Sao gọi là khéo vào pháp giới? Sao gọi là trụ nơi cảnh giới không? Sao gọi là được hạnh vô tướng? Làm sao được các nguyện lìa bỏ tham đắm? Làm sao được thân từ? Làm sao được thân bi? Làm sao được hạnh hỷ? Làm sao được hạnh xả? Làm sao được thần thông diệu dụng? Làm sao xa lìa được tám nạn? Làm sao được tâm Bồ-đề không quên mất? Làm sao được trí túc mạng? Làm sao được không lìa bỏ tri thức thiện? Làm sao được luôn xa lìa tri thức ác? Làm sao đạt được thân pháp tánh của Như Lai? Làm sao đạt được thân kim cang chân thật? Làm sao đạt được bậc đại Đạo sư? Làm sao được các con đường khéo nhận biết? Làm sao giỏi giảng nói về con đường không điên đảo? Làm sao được an trú vào tâm đẳng dẫn vi diệu? Vì sao mặc y phấn tảo? Vì sao phải giữ ba y? Vì sao thường ngồi không nằm? Vì sao thường đi khất thực? Vì sao chỉ ăn một bữa trong ngày? Vì sao ăn xong không uống nước gạo? Làm sao nhận pháp A-lan-nhã? Vì sao ngồi nơi cội cây? Vì sao ngồi nơi đất trống? Vì sao ở nơi có tử thi? Vì sao phải hạn chế ăn uống? Vì sao trải tọa cụ thuận hợp? Làm sao được hạnh tương ưng? Vì sao nên giữ kinh? Vì sao phải giữ luật? Vì sao phải giữ luận? Làm sao phải theo phép tắc va giữ được uy nghi đạo hạnh đầy đủ? Làm sao xa lìa được sự keo kiệt và ganh tị? Làm sao khởi tâm bình đẳng với tất cả hữu tình? Làm sao khéo thực hành việc cúng dường phụng sự chư Phật Như Lai? Làm sao có thể bẻ gãy các thứ kiêu mạn? Làm sao có thể phát triển rộng, nhiều, tịnh tín? Vì sao khéo nhận biết về thế gian? Làm sao khéo hiểu rõ nghĩa tối thắng? Làm sao khéo biết được các pháp duyên sinh? Làm sao biết được mình? Làm sao rõ được người khác? Làm sao có thể sinh về cõi Phật thanh tịnh?

Làm sao có thể lìa sự sinh nơi thai tạng cấu nhiễm? Làm sao có thể lìa bỏ gia đình để xuất gia? Làm sao có thể tự nuôi được tịnh mạng của mình? Làm sao có thể đạt được tâm không mỏi mệt, biếng nhác? Làm sao nhận được lời dạy của chư Phật? Làm sao đạt được tướng mặt vui vẻ? Làm sao lìa bỏ được vẻ mặt nhăn nhó, buồn phiền? Làm sao đạt được đa văn? Làm sao đạt được sự thâu nhận chánh pháp? Làm được thành con của Đấng Pháp Vương? Làm sao có thể vượt hơn các vị Thiên vương: Phạm vương, Đế Thích. Hộ thế? Làm sao có thể biết được tâm ý của các loài hữu tình? Làm sao có thể biết được trọn vẹn các pháp thưc của hữu tình? Làm sao có thể thành bậc Trí tuệ? Làm sao có thể thường đạt được sự an lạc nhiệm mầu? Làm sao khéo nhận biết về bốn Nhiếp pháp? Làm sao đạt được tướng tốt đầy đủ? Làm sao có thể làm chỗ nương tựa cho người khác? Làm sao được như cây thuốc lớn vi diệu? Làm sao đạt được hạnh siêng năng tu phước? Làm sao khéo rõ được mọi biến hóa? Làm sao có thể mau chứng được quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác?

Khi ấy, Đức Thế Tôn khen ngợi Đại Bồ-tát Trừ Cái Chướng:

–Lành thay, lành thay! Này thiện nam! Những điều ông hỏi thực rất tốt, vì thương xót cõi thế gian, muốn cho hết thảy hàng trời, người đều được những lợi ích an vui, nên đã hỏi Như Lai về những ý nghĩa ấy. Vậy ông nên lắng nghe và khéo suy nghĩ, ta sẽ vì ông mà giảng nói.

Đại Bồ-tát Trừ Cái Chướng vâng lời Phật, xin hết sức lắng nghe.

Phật nói:

–Này thiện nam! Bồ-tát nếu thực hành được mười pháp bố thí tức đạt đầy đủ hạnh bố thí. Mười pháp ấy là gì?

  1. Pháp thí.
  2. Vô úy thí.
  3. Tài thí.
  4. Bố thí không cầu lợi ích nơi quả.
  5. Bố thí tình yêu thương.
  6. Bố thí bằng tâm không khinh mạn.
  7. Bố thí bằng sự cung kính.
  8. Bố thí bằng tâm thừa sự cúng dường.
  9. Bố thí bằng tâm không tham đắm.
  10. Bố thí bằng tâm thanh tịnh.

Này thiện nam! Thế nào là pháp thí? Đó là Bồ-tát không dùng tâm về của cải, lợi lộc mà dùng những pháp mình thọ nhận được, rồi tùy căn cơ mà trao truyền cho người khác, không lấy việc mong muốn lợi dưỡng, được cung kính làm nguyên nhân, cũng không muốn người khác biết mình, không cầu tìm được tiếng khen, được tên tuổi, cũng không vì bất cứ nguyên nhân nào khác, chỉ nên nghĩ về hữu tình do đâu chịu khổ não, nay ta vì muốn diệt trừ nỗi khổ cho họ nên dùng pháp này, lại cũng không mang tâm mong muốn tìm cầu, nên mang tâm bình đẳng, không phân bỉ – thử mà vì người giảng nói. Như giảng nói cho bậc vua chúa, quan lại, hay giảng nói cho những người Chiênđà-la, con cái của người Chiên-đà-la cũng với tâm ý như vậy, huống hồ là với những hạng người khác. Bồ-tát khi thực hành hạnh bố thí cũng không khởi tâm cao ngạo.

Này thiện nam! Như thế gọi là pháp thí của hàng Bồ-tát.

Thế nào là vô úy thí? Đó là Bồ-tát từ nơi chỗ hiềm nghi mà bỏ dao gậy cùng những thứ binh khí khác, cũng khuyên người khác lìa bỏ binh khí, cũng đối với hết thảy hữu tình kia, Bồ-tát nên nghĩ đó có thể là cha mình, mẹ mình, con mình, hoặc có thể là bà con thân thuộc, là những bạn bè, quen biết. Vì sao? Lúc ấy, Bồ-tát phát khởi suy nghĩ thế này: Như lời Phật đã dạy, nơi việc chuyển sinh kia, hết thảy đều chuyển dời, trong chỗ các hữu tình tụ họp, chưa chắc là không có những người từng là cha, mẹ, con cái của mình, hoặc là bạn bè thân thuộc. Đến cả những hữu tình có than hình bé nhỏ đi nữa cũng vì chúng mà phát khởi tâm làm lợi ích, giả như xương thịt của mình hãy còn có thể cho, huống chi là đối với những hữu tình có thân mạng to lớn khác.

Này thiện nam! Như thế gọi là Bồ-tát đã đạt vô úy thí.

Thế nào là tài thí? Ấy là Bồ-tát khi thấy có hữu tình đã tạo những nghiệp rất bất thiện thì dùng tài sản để thu phục hữu tình ấy, khi thu phục được rồi, thì khiến những nghiệp bất thiện kia đều được dứt trừ, rồi từ nghiệp thiện khiến hữu tình kia được an trụ. Bồ-tát suy nghĩ thế này: Như lời Phật đã dạy, bố thí là đạo hạnh của Bồ-tát, Bồtát hành hạnh bố thí thì trừ diệt được ba pháp bất thiện:

  1. Trừ được tánh keo kiệt.
  2. Trừ được tánh ganh tị.
  3. Trừ được tâm tham lam. Cho nên ta đã thọ nhận pháp bố thí nơi Phật, Như Lai hành bố thí không có tâm cao ngạo.

Này thiện nam! Như thế gọi là Bồ-tát đã hành tài thí.

Thế nào là sự bố thí không cau lợi ích nơi quả? Đó là nếu Bồ-tát làm việc bố thí không lấy sự mong muốn làm nhân, không lấy tài lợi làm nhân, không vì quyến thuộc làm nhân, không lấy việc gần gũi thế gian làm nhân, Bồ-tát phải tu hạnh bố thí cho được như thế. Nhân kia, duyên kia là chỗ hành hạnh bố thí, xa lìa tất cả quả báo tạo nhiều lợi ích.

Này thiện nam! Đó gọi là Bồ-tát làm việc bố thí không cầu lợi ích nơi quả báo.

Sao gọi là hành bố thí bằng lòng yêu thương? Đó là nếu Bồ-tát thương xót các hữu tình chịu nhiều khổ não như đói khát, rách rưới, hoặc có kẻ nhơ bẩn, tật nguyền, không chủ, không ai cứu giúp, không nơi để quy về, không chỗ nương tựa, không gặp may mắn… Bồ-tát thấy thế sinh tâm thương xót: Ta hãy vì những hữu tình ấy mà phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Nghĩ đến những trường hop không có người chỉ dạy, không có người cứu giúp, không chốn về, không nơi nương tựa của các hữu tình đã trôi lăn trong vòng sinh tử, vậy ta nay phải dùng phương tiện nào để vì những hữu tình ấy mà làm người chỉ vẽ, người cứu giúp, làm nơi nương tựa, làm chỗ quay về. Lúc suy nghĩ như thế, Bồ-tát vì sự thúc bách của tâm đại Bi, liền dùng những phương tiện, rồi tùy theo cơ duyên mà thâu nhận những hữu tình ấy. Bồ-tát thâu nhận những hữu tình ấy, đồng thời phát khởi căn lành, không hề cao ngạo.

Này thiện nam! Như thế gọi là Bồ-tát đã hành hạnh bố thí với lòng yêu thương.

Thế nào là bố thí không khinh mạn? Tức là như Bồ-tát thực hành bố thí không phân biệt khinh, trọng, không đem tâm coi thường người nhận bố thí, không lấy cớ để hủy báng người nhận bố thí, cũng không khiến người nhận bố thí phải cực khổ tốn công sức, không dựa vào sự giàu có, tiếng tăm, sự kiêu căng, buông lung mà làm việc bố thí, không mong cầu tiếng tốt mà làm việc bố thí, không cậy mình tài giỏi, biết nhiều mà làm hạnh bố thí. Bồ-tát khi hành hạnh bố thí phải luôn có tâm cung kính, tôn trọng người được bố thí, hết lòng cúng dường, thương yêu, phụng sự.

Này thiện nam! Như thế gọi là Bồ-tát hanh hạnh bố thí không khinh mạn.

Thế nào là bố thí với lòng cung kính? Đó là Bồ-tát đối với các vị quỹ phạm sư, thân giáo sư và những người đáng tôn trọng, những người tu phạm hạnh… thân rất cung kính, tâm rất tôn trong, do cung kính, tôn trọng nên nói những lời an ủi, vỗ về, chắp tay đảnh lễ, cúi đầu tiếp đón nhận nơi hữu tình ấy, hiện nhiều tướng lành phù hợp mà bao bọc, giúp đỡ.

Này thiện nam! Như thế gọi là Bồ-tát bố thí với sự cung kính.

Thế nào là bố thí với tâm cúng dường, thừa sự? Tức là như Bồtát hoặc cúng dường Phật, Pháp, Tăng, hoặc sửa chữa chùa tháp, tượng của Phật bị hư hoại, hoặc quét đất, lau bụi, hoặc làm trang nghiêm thanh tịnh, hoặc dùng các thứ hoa hương vi diệu và hương xoa để cúng dường, đó là Phật sự. Thế nào gọi là hành các pháp sự? Đó là khi nghe những pháp môn của Phật liền thọ trì, biên chép, đọc tụng, suy nghĩ, tu tập, vì người khác mà giảng nói, hoặc tu học theo con đường không điên đảo để khế hợp, đó là pháp sự. Sao gọi là hành hóa Tăng sự? Đó là dùng áo quần, thức ăn, thức uống, dụng cụ để ngồi, nằm, thuốc men chữa bệnh mà phụng sự chúng Tăng, cho đến chỉ dùng một ít nước lạnh trong sạch mà cúng dường, cũng gọi là hành Tăng sự.

Này thiện nam! Như thế gọi là Bồ-tát hành bố thí với tâm cúng dường, thừa sự.

Thế nào là bố thí không có tâm tham đắm? Đó là khi làm việc bố thí, Bồ-tát nghĩ như thế này: Nay ta làm việc bố thí không cầu tìm quả báo nơi cõi trời, hoặc các thứ khác nơi cõi trời, không cầu tìm quả báo nơi ngôi vua, hoặc như bậc vua chúa.

Này thiện nam! Như thế gọi là Bồ-tát hành hạnh bố thí không tham đắm.

Thế nào là bố thí với tâm thanh tịnh? Đó là Bồ-tát theo như pháp bố thí mà mình đã giảng nói, liền xem xét, lúc Bồ-tát xem xét thấy pháp bố thí ấy không có điều sai lam, không có cấu nhiễm, không có chướng ngại, khó khăn, tà vạy, thì này thiện nam, như thế là Bồ-tát bố thí với tâm thanh tịnh. Nếu Bồ-tát tu trì được mười pháp bố thí ấy tức là đạt được sự bố thí đầy đủ.

Này thiện nam! Bồ-tát nếu tu trì mười loại giới pháp, sẽ đạt được hạnh trì giới đầy đủ. Mười loại ấy là gì?

  1. Hành giới biệt giải thoát.
  2. Bồ-tát hành giới nhiếp luật nghi.
  3. Hành giới lìa các phiền não thiêu đốt.
  4. Hành giới lìa tác ý không sâu xa, chắc chắn.
  5. Hành giới sợ gây tạo nghiệp.
  6. Hành giới sợ tạo tội.
  7. Hành giới lo sợ chỗ giữ lấy của cải phi nghĩa.
  8. Hành giới với ý chí kiên cố.
  9. Hành giới không chấp trước vào chỗ nương tựa.
  10. Hành giới ba luân đều thanh tịnh.

Này thiện nam! Sao gọi là hành giới biệt giải thoát? Ấy là nếu Bồ-tát ở nơi kinh điển của các Như Lai, hoặc nơi giới luật và các phần pháp tu học khác đã được Phật nêu giảng, đều khởi tâm tôn trọng lời chỉ dạy của bậc Đại sư, rồi đối với mỗi một pháp, theo đúng lý mà tu học, không tham chấp về giòng họ, không tham chấp về chỗ hiểu biết của mình, không tham chấp về chúng hội, không sai lầm về ngã, về người nhận, nơi những phần pháp đã được học kia phát sinh lòng tôn kính.

Này thiện nam! Như thế gọi là Bồ-tát hành giới biệt giải thoát.

Thế nào là hành giới nhiếp luật nghi? Đó là như Bồ-tát khởi tâm xem xét: Ta ở nơi hành giới biệt giải thoát không thể chứng được đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Nghĩa là ở mỗi mỗi kinh của Như Lai giảng dạy về chỗ Bồ-tát hành hóa và tu học, ta phải y như lý mà tu tập. Những gì gọi là việc hành hóa của Bồ-tát? Đó là Bồ-tát không hề trái xứ, không trái phương, không trái thời, chỗ làm không trái thời, điều nói ra luôn đúng thời, biết rõ phương, đúng lượng. Vì sao? Như có hữu tình đối với Như Lai sinh tâm bất tín, thì Bồ-tát vì họ khiến sinh tâm tin hiểu và tùy theo căn cơ mà thâu giữ họ. Bồ-tát tự có thể thành tựu viên mãn hạnh Bồ-đề tối thắng, khéo gồm đủ các uy nghi, hòa diệu, bao dung, không xen tạp, ồn ào, hướng đến cửa lặng dừng, cửa rất thanh tịnh, đây là chỗ hành hóa của Bồ-tát. Thế nào là phần pháp tu học của Bồ-tát? Đó là những pháp của Như Lai đã giảng dạy cho hàng Bồ-tát ở hầu hết trong các kinh. Bồ-tát từ đó sinh tâm tin tưởng, thuận theo, không gặp phải những khó khăn, ngăn ngại. Đó là những phần pháp tu học của hàng Bồ-tát.

Này thiện nam! Đó là Bồ-tát hành giới Nhiếp luật nghi.

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20