KINH TRỪ CÁI CHƯỚNG BỒ-TÁT SỞ VẤN

Hán dịch: Đời Triệu Tống, Đại sư Pháp Hộ
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 4

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát tu mười thứ pháp thì đạt được thiền định đầy đủ. Mười pháp ấy là những gì?

  1. Rộng tích tập các phước đức.
  2. Luôn sinh tâm nhàm chán, lo lắng.
  3. Phát khởi tinh tấn.
  4. Đầy đủ đa văn.
  5. Đem giáo pháp không điên đảo trao truyền, siêng năng tu tập.
  6. Thuận hành theo chánh pháp.
  7. Căn tánh sáng láng, lanh lợi.
  8. Tâm thiện thuần thục trọn đủ.
  9. Khéo thấu tỏ pháp Chỉ Quán.
  10. Không chấp trước các tướng thiền.

Thế nào là rộng tích tập các phước đức? Đó là Bồ-tát đối với pháp Đại thừa từ lâu đã tích chứa căn lành, đời đời sinh ra đều dốc tu trì, hành giới, được các bậc Thiện tri thức thâu nhận, tùy chốn nơi sinh ra thường sinh vào nhà của những tộc họ lớn như Bà-la-môn, hoặc Sátđế-lợi, hoặc trưởng giả đầy đủ chánh tín. Nơi sinh ra đó nhờ có nhân duyên tốt mà căn lành ngày càng phát triển lớn, cũng không xa lìa Thiện tri thức. Thế nào là nơi chốn của bậc Thiện tri thức? Đó là Phật và Bồ-tát, có thể làm tăng trưởng thiện căn đời trước. Do sức mạnh của sự tu tập thường xuyên nên suy nghĩ thế này: Thế gian là nơi khổ lớn, là nơi có nhiều tai họa, thế gian luôn bị sự si mê, tăm tối ràng buộc, che lấp, ở đó chúng sinh đều do tham dục làm nhân duyên. Hiểu rõ những nguyên nhân ấy đó là Bồ-tát rộng tích tập phước đức.

Thế nào là Bồ-tát luôn sinh tâm nhàm chán và lo lắng? Đó là nếu Bồ-tát vì những duyên cớ này mà suy nghĩ: Ta nay không nên ở trong thế gian kết hợp chồng chất thêm nữa, gần gũi đắm nhiễm những cảnh giới tham dục, rồi từ tham dục nảy sinh phân biệt hư dối, như lời Đức Thế Tôn dạy: Thường dùng nhiều thứ nhân duyên để chê trách về tham dục, đấy là cho tham dục là cái xoa bén, là cái kích bén, là mũi kiếm, mũi dao, là rắn độc, tham dục lại như đám bọt nước, như ung nhọt, tham dục thật cấu uế. Cảnh trạng của tham dục như thế nên tâm sinh chán ghét, do đó mà cắt bỏ râu tóc, mặc ca-sa, phát tâm chánh tín, lìa gia đình, xuất gia. Ấy gọi là Bồ-tát luôn sinh tâm nhàm chán, lo lắng.

Thế nào là Bồ-tát phát khởi tinh tấn? Đó là Bồ-tát do xuất gia nên phát khởi tinh tấn, tức thấy người nào chưa đắc pháp thì làm cho họ đắc pháp, người chưa giác ngộ thì làm cho họ giác ngộ, người chưa chứng quả thì khiến họ chứng quả. Đó là Bồ-tát hành tinh tấn.

Thế nào là Bồ-tát đầy đủ đa văn? Tức là Bồ-tát nhờ những nhân duyên ấy mà có thể nghe và thọ nhận những điều đã nói về chân lý của pháp thế tục và chân lý của pháp thắng nghĩa. Đó là Bồ-tát đầy đủ về đa văn.

Thế nào là Bồ-tát chỉ dạy trao truyền pháp không điên đảo siêng năng tu tập? Nghĩa là Bồ-tát đối với hai thứ pháp thế tục và thắng nghĩa có thể chỉ dạy trao truyền đúng đắn, siêng năng tu tập, không có pháp điên đảo. Đó là Bồ-tát chỉ dạy trao truyền pháp không điên đảo cùng siêng năng tu tập.

Thế nào là Bồ-tát tu hành thuận theo chánh pháp? Đó là Bồ-tát đối với các pháp chân chánh như: Chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh cần, chánh niệm, chánh định, Bồ-tát hành trì như thế liền giác ngộ được chánh đạo. Đó gọi là Bồ-tát tu hành thuận theo chánh pháp.

Thế nào là căn tánh sáng tỏ, lanh lợi? Đó là nếu Bồ-tát do hành trì đúng chánh pháp, trí tuệ biện tài sáng tỏ, căn tánh lanh lợi chuyển hơn. Ấy là Bồ-tát có căn tịnh sáng tỏ, lanh lợi.

Thế nào là tâm thiện thuần thục đầy đủ? Đó là Bồ-tát có căn tánh lanh lợi, hơn hẳn, nên luôn sinh tâm chán ghét, lo lắng, xa lìa hết thảy những thói quen ồn ào của đám đông, xa lìa những lời nói xen tạp của thế gian về các thứ giác nơi tham dục, giận dữ, hại diệt cũng lại không đắm nhiễm các chỗ dục về tri thức, thân ái, tiếng tăm, lợi dưỡng… Nhờ thế mà thân, tâm vắng lặng, đạt được tâm thiện thuần thục, do có tâm thiện nên quán sát thế này: Ta nay với tâm này nên hành trì những pháp gì? Là pháp thiện, pháp bất thiện hay pháp vô ký? Nếu hành pháp thiện thì tâm sẽ được thanh tịnh, hoan hỷ. Những gì là pháp thiện? Đó là ba mươi bảy pháp Bồ-đề phần. Nếu làm theo pháp bất thiện thì nên sinh tâm chán ghét lo sợ, có nhiều cách quán xét để siêng năng dứt trừ những pháp bất thiện. Thế nào là những pháp bất thiện? Đó là tham, sân, si. Tham có ba hạng: Thượng, trung, hạ. Hạng tham bậc thượng thì tâm hoặc thân đều ở phần vị tham lam tột bậc nên sinh đắm nhiễm không rời được tâm tham. Vì đắm nhiễm nên đối với tất cả nơi chốn đều không sinh hổ thẹn. Thế nào là không hổ? Đó là khi ở vắng vẻ một mình, suy nghĩ rồi nảy sinh muốn tìm cầu những điều tham duc, ca ngợi cảnh dục lạc, lại tự hiện bên ngoài như người có đức đó là tâm không biết hổ. Thế nào là khôngg thẹn? Do nhân duyên tham dục nên đối trước cha mẹ thì chống trái, hung ác, làm điều não hại, còn đối với thay dạy hay những bậc tôn trưởng thì không biết xấu hổ, lại tự hiện ra như người có đức hạnh. Đó là không biết thẹn. Vì thế, sau khi chết sẽ bị đọa vào đường dữ. Đấy gọi là tham bậc thượng. Tham bậc trung là khi gần gũi với cảnh tham dục, trước sau tuy có tạo các việc sai trái, nhưng dấy khởi tâm lìa tham, liền sinh hối hận. Đó gọi là tham bậc trung. Tham bậc hạ là khi gần gũi cảnh dục, hoặc thân đụng chạm, hoặc miệng nói năng, hoặc nhìn ngắm, vừa dấy khởi liền diệt, đó là tham bậc hạ. Tóm lại, hết thảy những việc như cứu nạn thọ nhận các vật dụng nuôi sống mà có sự ham muốn đều là tâm tham bậc hạ. Giận dữ cũng có ba bậc: Thượng, trung, hạ. Giận dữ bậc thượng là tùy chỗ phát khởi nơi các cảnh giới giận dữ, sinh ra sự giận dữ tột bậc, bạo ác, đến nỗi gây nên năm tội vô gián, có khi do hoàn cảnh mà phạm một tội vô gián, hoặc như chê bai chánh pháp. Hễ như thế thì đều gồm chung vào năm tội vô gián. Mọi sự tính đếm, thí dụ cho đến chia chẻ thành những phần rất nhỏ nơi sự vi tế cũng không thể kể hết được. Do nhân duyên ấy nên khi thân mạng chết rồi, sẽ bị đọa vào đại địa ngục, còn nếu được sinh làm người thì thân tướng đen đủi, hai mắt đỏ lộ ra tánh hung bạo, tánh lại thường dữ, ác, vì thế mà sau đấy cũng bị đọa vào địa ngục. Đó gọi là giận dữ bậc thượng. Giận dữ bậc trung là tùy theo các hoàn cảnh đáng giận mà nổi cơn giận tạo ra nghiệp tội bất thiện nhẹ, nhỏ, nhưng rồi sau đó biết ăn năn cố khởi tâm đối trị để cho hết giận. Đó gọi là giận dữ bậc trung. Giận dữ bậc hạ là trong cảnh thân ái hòa hợp, theo nơi duyên giận liền sinh khinh khi, chê bai, tuy tâm khởi trong khoảnh khắc rồi sinh tâm ăn năn, khởi tâm đối trị khiến tâm giận dữ kia diệt mất. Đó gọi là giận dữ bậc hạ. Si cũng có ba bậc: Thượng, trung, hạ. Si me bậc thượng là khi ở mọi nơi, trong những lúc đi, lúc đứng không làm được một điều thiện nào, cũng không lo lắng, chẳng sinh sự biến đổi, hối hận. Đó là si mê bậc thượng. Si mê bậc trung là khi phát khởi một phần nhỏ ít nghiệp bất thiện, tuy có việc đã làm xong nhưng sau đấy thì ăn năn, liền đến chỗ người cùng tu phạm hành bày tỏ tội lỗi, không hiện bày tướng đạo đức của mình. Đó là si mê bậc trung. Si mê bậc hạ là đối với giới luật của Như Lai đã chế, dạy, không vượt qua tánh tội, chỉ sai phạm nơi tội thuộc phần đầu của giới, đó là si mê bậc hạ.

Hàng Bồ-tát xa lìa những pháp nhiễm ô ấy thì liền có được tâm hoàn toàn vắng lặng. Do vì có chỗ hoàn toàn, chỗ thiện nên có thể lìa tham ái của dục, là những đắm nhiễm của dục. Vì sao? Vì tùy theo chỗ thiện nơi tâm nếu hoặc hành pháp vô ký, tức là luôn nhớ nghĩ, siêng năng hành trì, quán sát. Những gì là pháp vô ký? Nếu tâm không duyên nơi bên ngoài, hoặc không duyên bên trong, không duyên nơi pháp thiện, cũng không duyên nơi pháp bất thiện, không trụ nơi pháp chỉ, cũng không hành nơi pháp quán, tâm thì chìm ngập, vương mắc trong sư ngủ nghỉ. Như người ngủ vừa thức, mắt nhìn chưa rõ. Nếu tâm vô ký hiện tiền thì tâm không sáng suốt, lanh lẹ, cũng lại như vậy. Do vậy Bồ-tát nếu hành theo tâm thiện thì đạt được tâm trạng vui và tâm sẽ được an trụ. Đó là hàng Bồ-tát có đủ tâm thuần thiện.

Thế nào là sự hiểu rõ về pháp Chỉ Quán? Nghĩa là nếu Bồ-tát do có đầy đủ tâm thuần thiện, nên có thể quán xét các pháp: Pháp này như huyễn, pháp này như mộng, pháp này là bất thiện, pháp này là thiện, pháp này là xa lìa, pháp này không phải là lìa xa. Bồ-tát lại suy nghĩ như vầy: Tất cả các pháp kia tâm làm chỗ nương tựa, tâm là người dẫn đường đi trước, nên Bồ-tát phải khéo thu giữ tam mình, phải khéo điều phục tâm, khéo hiểu rõ tâm, nhờ đó tức có thể khéo thu tóm các pháp, cũng khéo điều phục, khéo hiểu rõ. Như thế, tức có thể quan sát đúng đắn về các pháp. Nhờ nhân duyên đó mà có được tâm vắng lặng. Dùng tâm bó buộc tâm, dùng tâm ngăn chặn tâm, dùng tâm an trụ tâm, như thế tâm được sách tấn để đạt sự vắng lặng, liền đạt được tánh của tâm cảnh hợp nhất, vì tâm cảnh hợp nhất nên thành tựu được Tam-ma-địa, Tam-ma-sí-đa, do đó mà hiện tiếp được ly sinh hỷ lạc vì tâm hỷ lạc nên có thể xa lìa pháp bất thiện tạo nên tội lỗi. Lại có thể thành tựu pháp thiền định bậc thứ nhất là có tầm có tứ ly sinh hỷ lạc. Thứ đến, nơi các tầm tứ đều không có đối ngại. Ở chỗ hỷ lạc kia không sinh đắm vướng nơi hương vị, thực hiện pháp quán vô thường xong, trở lại từ bậc sơ thiền tâm dần dần phát khởi xa lìa tâm có chỗ tham đắm, nên có thể thành tựu được pháp định nơi nhị thiền là định vô tầm, vô tứ định sinh hỷ lạc. Lại từ nơi lạc quán về khổ, thực hiện pháp quán khổ rồi liền thành tựu được hành xả, hành xả niệm, như chỗ quán xét của bậc Thánh, có thể thấu to đứng đắn, về diệu lạc đang hiện tiền nên có thể thành tựu được pháp định nơi tam thiền là ly hỷ diệu lạc. Thứ đến ở trong định của tam thiền, thực hiện pháp quán về không xong thì dần đến tâm tứ thiền. Trong tứ thiền ay thì trừ bỏ được chấp ngã. Chấp ngã không còn, nên vui khổ cũng dứt. Khổ vui đã dứt, như chỗ dấy khởi ở trước, các tâm ý vui cũng đều lìa và liền thành tựu được pháp xả niệm thanh tịnh. Tiếp đó, xem tự thân cùng vơi hư không bằng nhau nên tạo được một thứ giải thoát. Quán xét sự giải thoát như vậy, nên đối với mọi nơi, mọi loài đều vượt qua các tưởng về sắc cùng lìa hết chướng ngại. Do vượt qua mọi tưởng về sắc, các chướng ngại, nên mọi thứ, loại tưởng kia thảy đều không còn duyên để tác ý nữa. Hư không vô biên dùng làm hành tướng, tức có thể thành tựu được pháp định là Không vô biên xứ. Tiếp theo, ở nơi xứ không vô biên cùng thời quán về xứ thức vô biên, lấy đó làm hành tướng liền có thể thành tựu pháp định Thức vô biên xứ. Theo đấy vượt qua xứ thức vô biên ấy duyên nơi xứ vô sở hữu lấy đó làm hành tướng, tức có thể thành tựu pháp định Vô sở hữu xứ. Thứ nữa, lại vượt quá xứ vô sở hữu ấy duyên nơi xứ phi tưởng phi phi tưởng lấy đó làm hành tướng liền có thể thành tựu pháp định Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Thứ đến, đối với tâm như trên không còn hành tướng, diệt mọi tưởng thọ, lìa các phát khởi, tỏ ngộ gọi là Định diệt tận. Các pháp như thế gọi là Bồ-tát khéo thấu rõ về pháp Chỉ, Quán.

Thế nào là không tham chấp nơi thiền tướng? Đó là nếu Bồ-tát dù đã nhập định diệt tận cũng không vui đắm trong cõi tịch diệt, tức có thể cùng lúc phát khởi tâm Từ, đều lìa các cảnh oán, thân, thuận, nghịch, tâm vận hành rộng lớn, trước hết từ nơi một phương phát khởi hành từ vô lượng, xem xét khắp nơi tạo sự giải thoát rồi, các phương Nam, Tây, Bắc… bốn hướng và hai phương trên, dưới cũng lại như thế. Tâm Từ khởi lên thì các tâm Bi, Hỷ, Xả cũng đều phát khởi như trước, xa lìa các cảnh giới oán, thân, thuận, nghịch, mở tâm rộng lớn khắp cả mười phương, phát khởi hành Bi, Hỷ, Xả vô lượng, xem xét khắp hết thảy tạo sự giải thoát. Bồ-tát như thế liền có thể dấy khởi năm Thần thông, cũng không cho là đủ, không chấp trước nơi tướng thiền, mà lại tiến tới cầu đạt pháp trên hết, với hành thù thắng Bồ-đề viên mãn. Đó là Bồ-tát không tham chấp, vướng mắc nơi thiền tướng.

Này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười thứ pháp như thế tức đạt đầy đủ hạnh thiền định.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười thứ pháp sau đây tức là đạt đầy đủ tuệ thù thắng. Mười pháp ấy là gì?

  1. Khéo hiểu rõ về vô ngã.
  2. Khéo nhận biết về nghiệp báo.
  3. Biết rõ về các pháp hữu vi.
  4. Biết rõ nẻo lưu chuyển luân hồi.
  5. Khéo nhận biết về pháp căn bản ra khỏi luân hồi.
  6. Biết rõ về pháp của thừa Thanh văn, Duyên giác.
  7. Hiểu rõ pháp Đại thừa.
  8. Có thể giỏi ngăn chặn các nghiệp ma.
  9. Đầy đủ trí tuệ không điên đảo.
  10. Đầy đủ trí tuệ không gì bằng.

Này thiện nam! Thế nào là khéo hiểu rõ về vô ngã? Đó là Bồtát dùng trí tuệ chân chánh quan sát về sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Như quán về sắc: Sắc lúc sinh không thể nắm bắt, sắc tích tập cũng không thể nắm bắt, sắc diệt cũng không thể nắm bắt. Thọ, tưởng, hành, thức sinh cũng không thể nắm bắt, tích tập cũng không thể nắm bắt, diệt cũng không thể nắm bắt. Chân lý của thắng nghĩa kia không rời chân lý của thế tục. Hoặc chân lý của thắng nghĩa, hoặc chân lý của thế tục, tự tánh của hai thứ ấy chỉ có nơi ngôn thuyết, là danh giả, không có thực thể. Bồ-tát tuy xem xét như vậy, nhưng cũng không vì thế mà dứt bỏ hết các hành phát tâm tinh tấn, vì các hữu tình thành tựu những việc lợi ích, xem việc ấy như cứu nạn cháy đầu, cứu nạn cháy áo. Như thế là Bồ-tát khéo hiểu rõ về vô ngã.

Thế nào là khéo biết rõ về nghiệp báo? Đó là nếu Bồ-tát suy xét như vầy: Nay ở thế gian này, những tướng tụ hội vốn như ảo hóa, như thành của Càn-thát-bà, tự tánh đều không. Nếu ở nơi cảnh giới hữu tình hay phi tình mà tham đắm, chấp ngã, thì những hữu tình đó vì thế không thể giác ngộ chánh đạo được. Các hữu tình ấy suy nghĩ: Nếu cho là vô ngã, vô hữu tình, không có thọ mạng, cử động, dù là nhỏ nhặt để nuôi dưỡng, thì nơi quá trình phát triển của con người (Sĩ phu, Bổ-đặc-già-la, Ý sinh, Ma-noa-phược-ca), tức cho là có nghiệp thiện, nghiệp bất thiện để có thể biểu thị ai sẽ thọ nhận, không có hữu tình thực sự với nghiệp báo có thể có được. Bồ-tát dù chỗ hiểu biết đúng như thật của mình là không thật có hữu tình, nhưng vẫn cứ hiển hiện rõ nghiệp báo về thiện, ác. Bồ-tát dùng trí tuệ chân chánh ấy để nhận biết đúng như thật. Đó là Bồ-tát khéo biết rõ về nghiệp báo.

Thế nào là khéo thấu rõ pháp hữu vi? Nghĩa là nếu Bồ-tát ở trong pháp hữu vi, dùng trí tuệ chân chánh ấy có thể nhận biết một cách rành rẽ, rồi suy nghĩ: Pháp hữu vi này luôn luôn lưu chuyển trong từng ý niệm, khác gì những giọt sương, hoặc dòng nước nơi khe suối chảy mãi không dừng. Những bậc có trí tuệ há lại khởi tâm chấp trước, yêu thích đối với các pháp như thế hay sao? Nhưng nếu khi nhận thấy sự tàn tạ của cảnh vui, hoặc sinh tâm sầu buồn, do nhân duyên ấy mà sinh tâm chán lìa một cách sâu xa, vui cầu tìm sự vắng lặng. Đó là Bồ-tát khéo thấu rõ về các pháp hữu vi.

Thế nào là khéo nhận biết về luân hồi, lưu chuyển? Đó là: Bồtát thường suy xét thấy những hình tướng do tụ hội mà có trong thế gian này, do vô minh tối tăm che lấp nên luân chuyển không ngừng, điều đó là do sợi dây ái trói buộc. Do ái nên sinh thủ (giữ lấy), do thủ làm nhân nên tạo tác các hành nơi nghiệp thiện, bất thiện. Vì tạo nên những nghiệp thiện, bất thiện đó nên có hữu tiếp nối nhau. Do hữu nên có sinh và do sinh nên có già, chết. Do có pháp chết nên buồn sầu khổ não, do đấy mà tạo sự trói buộc. Như thế là một khối khổ lớn được tích tụ làm nguyên nhân cho sự luân hồi, lưu chuyển liên tục, khác nào bánh xe guồng nước lần lượt lên xuống. Bồ-tát dùng trí tuệ chân chánh của mình ở nơi các pháp ấy hiểu rõ đúng như thật. Đó gọi là Bồ-tát khéo nhận biết về luân hồi lưu chuyển.

Thế nào là khéo hiểu rõ về pháp căn bản để thoát khỏi vòng luân hồi? Đó là khi Bồ-tát khởi tâm xem xét: Nếu không có vô minh thì không có hành, không có hành thì không có thức, không có thức thì không có danh sắc, lục xứ, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sinh, không có sinh thì già chết lo buồn khổ não thảy đều dứt hết. Bồ-tát dùng trí tuệ chân chánh của mình hiểu rõ đúng như thật về các pháp như thế, đấy là Bồtát khéo thấu rõ về pháp căn bản để vượt ra khỏi luân hồi.

Sao gọi là khéo hiểu rõ về pháp của thừa Thanh văn, Duyên giác? Đó là Bồ-tát xem xét, thấy rõ: Pháp này đạt quả Tu-đà-hoàn, pháp này đạt quả Tư-đà-hàm, pháp này đạt quả A-na-hàm, pháp này dứt hết các lậu và những thứ kết sử, không còn thọ thân sau, đạt được Niết-bàn rốt ráo, chứng quả vị A-la-hán. Pháp này chứng quả Duyên giác, như tê giác một sừng. Bồ-tát đối với các quả vị ấy đã dùng trí tuệ chân chánh hiểu rõ đúng như thật rồi, nhưng cũng không ở trong các pháp đó mà thủ chứng. Vì sao? Vì Bồ-tát suy nghĩ: Ta tạo nên tiếng sư tử gầm, thu nhận hết thảy hữu tình, ta phải vì họ, ở nơi đồng trống vắng, chốn hiểm nạn của sinh tử để hành hóa cứu độ, chứ không nên một mình ra khỏi sinh tử. Bồ-tát phát khởi hạnh nguyện kiên cố ấy. Đó là Bồ-tát khéo hiểu rõ pháp của thừa Thanh văn, Duyên giác.

Thế nào là khéo hiểu rõ pháp Đại thừa? Đó là Bồ-tát đối với các pháp môn đều có thể khéo tu học. Nhưng trong lúc tu học không hề chấp giữ, cũng không thủ đắc về đạo pháp đã được tu học, Bồ-tát tuy không chấp giữ nơi hình tướng kia, cũng không do nhân duyên ấy mà rơi vào đoạn kiến. Đó là Bồ-tát khéo hiểu rõ về pháp Đại thừa.

Thế nào là khéo ngăn chặn nghiệp ma? Đó là nếu Bồ-tát ở hết thảy các nơi chốn thường xa lìa tri thức xấu ác, cũng không đến các nước xấu ác, lại không gần gũi, tu tập theo kinh điển của ngoại đạo. Tuy ở khắp mọi nơi mà thường xa lìa những sự cung cấp lợi dưỡng của thế gian, cùng các phiền não khác gây chướng ngại cho đạo Bồ-đề, phải nên trừ bỏ chúng, tức phát khởi những pháp đối trị, phá trừ những chướng ngại kia. Đó là Bồ-tát khéo ngăn chận những nghiệp ma.

Thế nào là đầy đủ trí tuệ không điên đảo? Đó là Bồ-tát đối với tất cả sự nghiệp văn chương, lý luận, thư tịch của thế gian, thảy đều dùng trí tuệ thù thắng đưa vào pháp tu học. Việc tu học của Bồ-tát chỉ nhằm tạo mọi thành tựu đầy đủ cho hết thảy hữu tình, không vì muốn được sự hiểu biết tiếng tăm, không hiển bày đức hạnh của mình. Nghĩa là luôn xem pháp, luật của Như Lai đó là sự nêu giảng về các pháp tối thượng, tối thắng, đầy đủ uy đức lớn lao. Do hiển bày công đức thù thắng ấy cũng như tinh tấn tu học nên rốt cuộc không sa vào tà kiến của ngoại đạo. Đó là Bồ-tát gồm đủ trí tuệ không điên đảo.

Thế nào là đầy đủ trí tuệ không gì sánh bằng? Tức là nếu Bồ-tát ở trong thế gian vơi các hàng hữu tình như trời, người, Ma vương, Phạm thiên, Sa-môn, Bà-la-môn, không ai sánh bằng trí tuệ của Bồtát, chỉ trừ có trí tuệ tối thắng của Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chánh Giác. Đó là Bồ-tát đầy đủ trí tuệ không ai sánh bằng.

Này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười thứ pháp như thế liền đạt được đầy đủ tuệ thù thắng.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập đầy đủ mười thứ pháp thì đạt được đầy đủ phương tiện. Những gì là mười pháp?

  1. Phương tiện khéo hiểu rõ về hồi hướng.
  2. Phương tiện khéo xoay chuyển những kiến chấp của ngoại đạo.
  3. Phương tiện khéo xoay chuyển cảnh giới của năm trần.
  4. Phương tiện khéo trừ bỏ nghi ngờ, hối tiếc.
  5. Phương tiện khéo nhận biết sự cứu độ hữu tình.
  6. Phương tiện khéo biết rõ việc cứu mạng cho hữu tình.
  7. Phương tiện khéo biết thọ nhận sự bố thí.
  8. Phương tiện khéo xoay chuyển hàng Nhị thừa hướng nhập vào Đại thừa.
  9. Phương tiện khéo nhận biết sự chỉ dạy điều lợi lạc an vui.
  10. Phương tiện khéo nhận biết sự cúng dường, phụng sự Như Lai.

Này thiện nam! Thế nào là phương tiện khéo hiểu rõ về hồi hướng? Đó là nếu Bồ-tát đối với hết thảy những gì không phải sở hữu của mình, không thuộc về mình như hoa, trái, hoặc cây thơm, cây báu… mà luôn nơi ngày ba lần, đêm ba lần tưởng nhớ đến việc cúng dường chư Phật, chư Bồ-tát, đem căn lành ấy hồi hướng đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Bồ-tát lại từ trong các kinh điển sâu xa rộng lớn do Phật đã giảng nói, với những pháp cúng dường, nghe rồi từ nơi đáy lòng nảy sinh vui thích, tin tưởng, rồi đem thiện căn ấy hồi hướng đến chư Phật và Bồ-tát. Lại nữa, hết thảy Bồ-tát trong mười phương thế giới cùng các loài hữu tình đã tạo được tất cả nghiệp thiện, đầy đủ hạnh Bồ-đề, khiến thâm tâm của Bồ-tát đều sinh tùy hỷ rồi đem căn lành ấy hồi hướng đến ngôi vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Lại nữa, đối với tháp miếu và hình tượng của Như Lai nên dùng hoa, hương và hương xoa để cúng dường tu đạo, nguyện cho hết thảy hữu tình dứt trừ được thứ hương phá giới, nhơ, xấu, nguyện cho khắp hết thảy chúng sinh đạt được hương giới thanh tịnh. Lại khi quét dọn tháp miếu, sửa sang lại nền đất, nên nguyện cho hết thảy hữu tình xa lìa các tướng xấu, đạt được tướng tốt, đoan nghiêm, đầy đủ mọi uy nghi. Lại khi dùng lọng hoa cúng dường Phật, nên nguyện cho hết thảy chúng sinh xa lìa được các loại phiền não thiêu đốt. Lại nếu khi vào chùa, tháp, nên khởi tâm niệm: Nguyện cho hết thảy hữu tình đều được vào thành Niết-bàn. Lúc ra khỏi chùa tháp nên khởi ý niệm như vầy: Nguyện cho hết thảy chúng sinh được ra khỏi sinh tử. Lại, hoặc nơi chỗ ở, khi mở cửa liền khởi tâm niệm: Xin nguyện mở bày cửa trí tuệ xuất thế gian nơi các cõi thiện. Lúc đóng cửa thì phát khởi niệm: Mong đóng hết các cửa đi vào đường ác. Nếu khi theo chỗ ngồi thì khởi ý niệm: Nguyện cho hết thảy hữu tình được ngồi ở chốn đạo tràng. Khi nằm nghiêng bên phải thì phát khởi ý niem: Nguyện cho hết thảy hữu tình đều nằm nghiêng bên phải mà vào Niết-bàn. Lúc thức dậy cũng phát khởi ý niệm: Nguyện cho tất cả hữu tình đều vượt khỏi chốn bùn lầy phiền não. Khi đi đứng thì phát khởi ý niệm: Nguyện cho hết thảy hữu tình được đi đứng như bậc đại nhân. Lúc an trụ thì phát khởi ý niệm: Nguyện cho hết thảy hữu tình lìa được mọi lo phiền. Khi đại tiểu tiện thì khởi ý niệm: Nguyện cho hết thảy hữu tình trừ sạch được phiền não cấu nhiễm, lầm lỗi. Lúc rửa tay, phát khởi ý nghĩ: Nguyện cho hết thảy hữu tình trừ diệt được các thứ khí cấu uế của phiền não. Khi rửa chân, khởi niệm: Nguyện cho hết thảy hữu tình diệt được vô số các thứ bụi nhơ của phiền não. Khi xỉa răng, phát khởi ý niệm: Nguyện cho hết thảy chúng sinh xa lìa các thứ cấu nhiễm. Cho đến các phần vị của thân, nếu khi vận động cũng đều nguyện cho hết thảy hữu tình đạt được lợi ích an vui. Khi lễ bái ở chùa, tháp, nơi có thờ hình tượng Như Lai thì khởi ý niệm: Nguyện cho hết thảy hữu tình đều được cả trời, người cung kính, lễ bái. Đó là Bồ-tát đạt được phương tiện khéo hiểu rõ về hồi hướng.

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20