LUẬN ĐẠI THỪA BẢO YẾU NGHĨA
Hán dịch: Đời Triệu Tống, Đại sư Pháp Hộ
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 1

Quy mạng Như Lai và Bồ-tát
Thanh văn, Duyên giác quá, vị, hiện
Ở trong tất cả các thế giới
Khắp cả mười phương không giới hạn.

Người có trí nên biết: Được làm thân người là điều khó, vì trong khoảng sát na là mất; hoàn thành được các thắng hạnh cũng là điều khó. Nếu không khởi suy nghĩ làm việc lợi ích trong kiếp người này thì đời sống uổng phí, vô vị. Và làm thế nào để có thể phát tâm dõng mãnh siêng năng, học và thu nhận lời dạy bảo thanh tịnh của đấng Như Lai? Bởi vì gặp được thời Phật xuất thế còn rất khó hơn hai điều khó: thân người khó được và chánh pháp khó được nghe.

Hỏi: Trong đây có gì ấn chứng là gặp thời Phật xuất thế rất khó?

Đáp: Trong vô số kinh có suy lường nhất định về điều này. Như kinh Diệu Pháp Liên Hoa nói: Phật dạy: Này các Tỳ-kheo! Bậc Như Lai Ứng Cúng Chính Đẳng Chánh Giác trải qua trăm nghìn vô số kiếp, trong thời gian xa dài mênh mông như vậy, hoặc có, hoặc không có, bậc Như Lai xuất hiện ở thế gian cho nên rất là khó gặp; giống như sự xuất hiện của hoa Ưu-đàm.

Kinh Quyết Định Vương nói: Phật bảo: A-nan! Hoa Ưu-đàm xuất hiện cùng với lúc chư Phật xuất thế. Hoa ấy như vàng ròng, có ánh sáng tịnh diệu, nở to phát mùi hương lạ khắp phạm vi một do tuần. Hoa này sáng rực rỡ có sức phá tan sự tăm tối, có thể khiến ai nghĩ đến nó đều được thanh tịnh. Nó có thể dứt được bệnh khổ, có thể chiếu sáng, trừ khử được mùi hôi hám, phát ra mùi hương kỳ diệu; mùi hương này ngăn dứt được bốn cảnh giới tăng giảm. Hoa này chỉ ứng hiện theo bậc Kim Luân Vương, không tùy tiện theo Chuyển Luân vương và khắp chốn mà xuất hiện. Huống gì các loại hữu tình không giữ giới! Chỉ khi Phật xuất thế hoa Ưu-đàm ấy mới xuất hiện.

Hỏi: Trong đây, làm sao biết trong thời gian dài xa có hay không có hoa Ưu-đàm?

Đáp: Như trong “Hữu duyên khởi” có nói: Phía Bắc Hồ lớn Vô- nhiệt não có núi tên Ngũ Phong. Trên núi có rừng hoa Ưu-đàm. Lúc Phật Thế Tôn từ cung trời Đâu suất, nhập thai mẹ, giáng sinh cõi nhân gian, lúc đó hoa Ưu-đàm mới ngậm nhụy. Lúc Phật Thế Tôn xuất thai mẹ thì hoa Ưu-đàm tăng trưởng hé mở, khi Phật Thế Tôn thành đạo quả Bồ-đề vô thượng, thì hoa Ưu-đàm nở ra tươi tốt. Khi Phật Thế Tôn xả bỏ thọ mạng và duyên hạnh, hoa Ưu-đàm héo úa. Lúc Phật Thế Tôn nhập Niết-bàn thì lá hoa và quả đều rụng. Hoa Ưu-đàm to như vành bánh xe.

Kinh Giác Trí Phương Quảng nói: Vua Tiên Đại Danh Xưng nói với các vị tiên: Này các vị! Nếu Bồ-tát gặp thời Như Lai xuất thế thuyết pháp hóa lợi. Đó là tương ứng.

Kinh Hoa Nghiêm nói: Trong vô số kiếp gặp được thời Phật xuất thế, nghe nhận chánh pháp tôn trọng tin thờ, đây mà chân thực thấy là rất khó được.

Kinh Hiền Kiếp nói: Sáu mươi lăm kiếp sau thời Hiền kiếp không có Phật xuất thế. Sau có một kiếp tên Đại danh xưng, trong kiếp này có mười ngàn vị Phật xuất thế. Sau kiếp Đại danh xưng, tám mươi ngàn kiếp không có Phật xuất thế. Sau có kiếp tên Tinh Dụ, trong kiếp này, tám mươi ngàn vị Phật xuất hiện nơi thế gian. Lại trải qua ba trăm kiếp sau kiếp Tinh Dụ không có Phật xuất thế. Sau đó có kiếp tên Công Đức trang nghiêm, tám vạn bốn nghìn vị Phật xuất hiện nơi thế gian.

Hỏi: Làm sao để biết thân người khó được?

Đáp: Trong các Khế kinh đều có nói, như kinh Tạp A Hàm, Đức Phật dạy: Các Tỳ-kheo! Ví như nước chảy tràn đầy đại địa có người khoét lỗ bộng trên khúc cây rồi thả xuống nước. Khúc gỗ nhẹ nổi trôi tùy theo gió, gió đông thổi thì trôi về Tây, gió tây thổi thì trôi về Đông, gió nam trôi Bắc, gió bắc dạt Nam. Có một con rùa chột mắt sống trong nước, sống vô số trăm tuổi. Cứ hàng trăm năm nổi lên một lần tìm lọt vào bộng gỗ. Các Tỳ-kheo! Ý các ông thế nào? Con rùa chột sống thọ hết sức dài lâu, trăm năm một lần nổi lên có thể gặp bộng gỗ không?

Các Tỳ-kheo đều nói: Thưa Thế Tôn! Không thể gặp.

Phật bảo: Các Tỳ-kheo! Gặp được thời Phật xuất thế thuyết pháp hóa độ, hiểu được chánh pháp đạt đến Niết-bàn cũng như rùa chột tìm bộng gỗ trôi, rất khó, cực kỳ khó như vậy đó. Hoặc gặp thời khắc đầy đủ để được thân người cũng rất là khó.

Hỏi: Làm sao biết được khó gặp đầy đủ thời khắc?

Đáp: Các Khế kinh có nói điều này. Như Kinh Tăng Nhất A Hàm nói: Phật dạy: Các Tỳ-kheo! Có tám điều khó để tu phạm hạnh mà không gặp thời khắc. Tám điều khó là những gì?

1. Lúc Phật xuất thế, dạy nói pháp yếu, hóa độ hữu tình đưa đến Niết-bàn thì một loài hữu tình đang trong địa ngục.

Đây là điều khó thứ nhất về thời phần để tu phạm hạnh.

2. Lúc Phật xuất thế, dạy nói pháp yếu, hóa độ hữu tình đưa đến Niết-bàn thì một loài hữu tình đang ở trong loài súc sinh. Đây là điều khó thứ hai về thời gian để tu phạm hạnh

3. Lúc Phật xuất thế, dạy nói pháp yếu, hóa độ hữu tình đưa đến Niết-bàn thì một loài hữu tình đang trong giới ngạ quỉ.

Đây là điều khó thứ ba về thời gian để tu phạm hạnh.

4. Lúc Phật xuất thế, dạy nói pháp yếu, hóa độ hữu tình đưa đến Niết-bàn thì một loài hữu tình ở tại cõi trời Trường Thọ.

Đây là điều khó thứ tư về thời gian để tu phạm hạnh.

5. Lúc Phật xuất thế, dạy nói pháp yếu, hóa độ hữu tình đưa đến Niết-bàn thì một loài hữu tình đang ở tại các nước biên địa độc ác sân hại

Đây là điều khó thứ năm về thời gian để tu phạm hạnh.

6. Lúc Phật xuất thế, dạy nói pháp yếu, hóa độ hữu tình đưa đến Niết-bàn thì một loài hữu tình tuy sinh ở nước trung tâm nhưng lại điếc, câm, các căn không đầy đủ nên nói thiện nói ác đều không hiểu.

Đây là điều khó thứ sáu về thời gian để tu phạm hạnh.

7. Lúc Phật xuất thế, dạy nói pháp yếu, hóa độ hữu tình đưa đến Niết-bàn thì một loài hữu tình tuy sinh ở nước trung tâm không câm điếc, đầy đủ sáu căn, nói thiện, nói ác đều rõ nhưng lại khởi tà kiến chấp trước điên đảo, cho là không bố thí, không lợi ích, không thờ cúng, không quả báo của nghiệp thiện nghiệp ác, không có đời này không có đời sau, không cha không mẹ, không thế gian, không Sa-môn Bà-lamôn, không có cõi chính và chính đạo, không có trí giải của bậc A-lahán về đời này, đời sau, dùng lực tự thông chứng đắc Thánh quả.

Đây là điều khó thứ bảy về thời gian để tu phạm hạnh.

8. Hoặc có loại hữu tình được sinh nơi ơ nước trung tâm, không câm điếc, các căn đầy đủ, hiểu biết điều thiện điều ác, có chính kiến, không chấp trước điên đảo, tin có bố thí, có lợi cho đến có trí giải để thủ chứng Thánh quả của bậc A-la-hán nhưng lại không gặp thời Phật xuất thế dạy nói pháp yếu.

Đây là điều khó thứ tám, về thời gian để tu phạm hạnh.

Các Tỳ-kheo! Nên biết có một thời gian hòa hợp để tu phạm hạnh. Đó là lúc Phật xuất thế dạy nói pháp yếu, văn nghĩa sâu xa, phần đầu giữa và sau đều thiện, rõ ràng thuần nhất không lẫn lộn, đầy đủ tướng thanh bạch phạm hạnh, mà một loài hữu tình được ở nước trung tâm, không bị câm điếc, sáu căn không thiếu, biết thiện biết ác, đầy đủ chánh kiến, không chấp trước điên đảo, tin có thí có lợi, có thờ cúng, có quả báo của các nghiệp thiện, ác, có đời này, có đời khác, có cha mẹ, có thế gian, có Sa-môn, Bà-la-môn, có cõi chính, đạo chính, có trí giả: của bậc A-lahán về đời này, đời sau, dùng lực tự thông để chứng Thánh quả. Đây là một loại thời gian hòa hợp.

Phẩm Nguyệt Tạng trong kinh Đại Tập nói: Các nhân giả! Thời gian hòa hợp cũng đúng vào lúc như cây tỏa hương, rất khó đạt đúng lúc.

Hỏi: Đó là nói về điều được thân người. Còn chỗ nói về thanh tịnh, bình đẳng thanh tịnh làm sao đạt?

Đáp: Có mười loại công đức, nếu viên mãn thì được thân người bình đẳng thanh tịnh.

Mười loại ấy là gì? Như kinh Siêu Việt Hạ Tộc nói:

Một là: Nếu thiện nam thiện nữ phát tâm Bồ-đề rồi sinh tâm tịnh tín.

Hai là: Thanh tịnh rộng lớn, mong gặp Thánh Hiền.

Ba là: Ưa thích nghe chánh pháp.

Bốn là: Không sinh tâm keo sẻn, đố kỵ mà hành bố thí rộng khắp.

Năm là: Thân đoan nghiêm giữ niệm, ưa thích đạo Niết-bàn.

Sáu là: Bố thí rộng với lòng thiện và vô ngại.

Bảy là: Tin có nghiệp và nghiệp báo.

Tám là: Không khởi phân biệt.

Chín là: Không cầu, không nghi cũng không có tuệ nhiễm.

Mười là: Không hủy hoại quả nghiệp thiện ác.

Đã hiểu rõ mười loại như vậy, trong đời này, chớ làm việc ác, duyên với các việc ác

Hỏi: Thế nào là tín?

Đáp: Tín là thuận theo bậc Thánh Hiền; không làm ác, như kinh Phá Nhiễm Tuệ nói: Trong các pháp thiện, tín như người đi trước dẫn đường, Tín, nghĩa như thế nào? Là nghĩa tin thuận theo có khả năng đạt đầy đủ trí không chướng ngại của Như Lai, có thể thuyết giảng chánh pháp sâu xa khó nghe khó thấy – dứt hẳn ràng buộc của Ái. Đó là không mắt, không diệt mắt, không tai – mũi-lưỡi-thân-ý, không diệt tai mũi lưỡi thân ý, không trụ, chẳng phải không trụ, không ý vui, chẳng phải không ý vui. Đầy đủ sáu mươi loại âm thanh, văn cú – Thứ lớp các nghiệp về lời nói thanh tịnh, thân trở nên rất tịnh; tâm hiện ra các lớp sắc tướng – như Phật Như Lai không chỗ nào không biết, không chỗ nào không thấy, không có pháp nào không chứng thành, không có điều gì không hiểu rõ. Như Lai dùng mắt thanh tịnh và mắt rộng khắp của Như Lai đoạn trừ hẳn lỗi lầm, xa lìa tham ái, phá những lỗi tối ám ngu si của mắt thịt nên có thể quán chiếu đảnh tướng sâu xa, tuyên thuyết nghĩa đệ nhất đế, không nghĩa nào hơn (vô thượng). Tất cả pháp Phật tuy phân biệt, pháp Phật như thế nhưng không chống trái duyên khởi. Tin tất cả những điều trên gọi là tín.

Kinh Tín Lực Nhập Ấn Pháp Môn nói: Phật dạy: Này Diệu Cát Tường! Thế nào là tín lực? Đó là hiện tiền thuận theo đúng như tất cả các pháp Phật, tin, hiểu không nghi và cũng không mong cầu khác. Quyết định, thật sự theo nghiệp và nghiệp báo, lòng tin không xen tạp, phát lòng tin thanh tịnh các pháp Không, Vô tướng, Vô nguyện. Tin bố thí có quả bố thí, trì giới có quả trì giới, nhẫn nhục có quả nhẫn nhục, tinh tấn có quả tinh tấn, thiền định có quả thiền định, trí tuệ có quả trí tuệ, tin như vậy nói là tin thanh tịnh. Đối với Pháp Đại thừa bằng sự hiểu biết thù thắng có thể sinh niềm tin thanh tịnh, đó gọi là Tín lực. Nếu lại hiểu rõ những chấp trước gọi là Tín căn. Tín lực và Tín căn gọi chung là Tín.

Lại nữa, trong đây sao gọi là Tín lực, Tín là thuận theo đúng (ấn), có thể tin lời người khác, thì thế nào là người tu hạnh Bồ-tát tin lời người khác ư?

Đó là nghe lời người khác chỉ dạy phát tâm Bồ-đề, tu hạnh Bồ-tát, Bồ-tát y chỉ vào Bát-nhã Ba-la-mật đa các phương tiện khéo léo, bốn nhiếp pháp, tất cả pháp Phật, các pháp Bồ-tát v.v… Nghe người khác nói rồi rốt ráo sinh tâm tin thanh tịnh. Đó gọi là Tín lực.

Kinh Bồ Tát Tạng nói:

Phật dạy: Này Xá-lợi-tử! Người tu hạnh Bồ-tát ấy, trong đã phát tâm Bồ-đề liền sinh tịnh tín; thanh tịnh rộng lớn, muốn gặp bậc Thánh Hiền, ưa nghe chánh pháp, tin quyết định có nghiệp và quả báo nghiệp, dứt mười nghiệp bất thiện, tu mười nghiệp thiện. Tin có Sa-môn, Bàla-môn, cõi chính, chính đạo mà lại rộng nghe học; tâm tương ưng hòa hợp những gì đã hiểu, vượt qua nghi ngờ, không thọ nhận thân sau. Một lòng kính trọng yêu mến, thường thân cận ở Phật, Bồ-tát, Thanh văn cùng các bậc thiện tri thức chân chính, tin về nghiệp và quả báo mà các vị thiện tri thức ấy đã dạy. Biết được pháp khí rồi, các thiện tri thức như tương ưng giảng nói bàn luận rất sâu về nghĩa: Không, vô tướng, vô nguyện, vô hành, vô sinh, vô khởi, luận về vô ngã, vô nhân, vô hữu tình, vô thọ giả và duyên sinh đối với các luận nói ấy, nghe rồi không nghi ngờ, cũng không chấp mà thuận theo đi vào tất cả pháp năm uẩn, mười hai xứ, mười tám giới thảy đều không chấp trước; tin tự tánh của tất cả pháp đều là “không”, dùng trí như Phật suy tìm thuần nhất không chút phóng dật.

Thế nào là không phóng dật? Là lúc các căn khởi tán loạn nên dùng tự tâm điều phục, tâm người hỗ trợ.

Kinh Nguyệt Quang Bồ Tát nói: Các hữu tình khởi tâm tịnh tín nơi Tam bảo thật là khó được. Ví như cầu ngọc quí như ý thật là khó đạt.

Kinh Nhập Như Lai Công Đức Trí Bất Tư Nghì Cảnh Giới nói: Bồ-tát Thánh Trừ Cái Chướng thưa với Bồ-tát Diệu Cát Tường: Có năm loại pháp mà các bậc Bồ-tát nên sinh thắng giải (hiểu biết thù thắng) dù đây hay kia sẽ thu hoạch được vô số công đức tối thắng. Năm loại là những gì?

Một là: Tất cả các pháp đều “không”.

Hai là: Tất cả các pháp đều không đối trị.

Ba là: Tất cả các pháp đều không sinh.

Bốn là: Tất cả các pháp đều không diệt.

Năm là: Tất cả các pháp đều không thể ghi nhớ để nói.

Năm loại pháp như vậy nên sinh thắng giải. Như ở cõi Diêm-phùđề có những phép tắc uy nghi và chỗ tác dụng nhiều hơn số vi trần thì bậc Như Lai đều không phát khởi giác ngộ và không phân biệt, nhưng tùy tâm của chúng sinh đúng lúc hay không đúng lúc, đấng Như Lai thường chuyển tất cả các pháp. Bậc đại Bồ-tát nên sinh thắng giải về ý nghĩa này.

Kinh Tinh Hạ Tao Na Nhĩ Duyên Khởi nói: Phật Thế Tôn Thíchca Mâu-ni Như Lai vì làm lợi ích hóa độ chúng sanh, trong hằng hà sa số kiếp tu các hạnh, hiện thành Chánh giác. Các bậc đại Bồ-tát nên sinh tín giải điều này.

Lại nữa, Phật Thế Tôn Thích Ca Mâu-ni Như Lai được Phật Nhiên Đăng thọ ký, trải qua vô số vô biên kiếp tu các hạnh thù thắng, vào khắp các cảnh giới chư Phật, cho đến nay thành Chánh giác. Nên sinh tín giải điều này!

Lại nữa, Phật Thế Tôn Thích-Ca Mâu-ni Như Lai thấy rõ nhân duyên dòng họ Thích bị giết hại, vì làm lợi ích hóa độ hữu tình, trải qua vô biên vô số kiếp tu thắng hạnh, nay thành Chánh giác. Nên sinh tín giải điều này. Do đó nên biết, hết thảy hữu tình nên phát tâm Bồ-đề, đây là điều khó đạt.

Hỏi: Phát tâm Bồ-đề thực là khó được, vậy làm như thế nào khởi phát?

Đáp: Có nhiều kinh nói. Như kinh Hoa Nghiêm nói: Loài hữu tình trong thế gian phát tâm cầu đạt đạo quả Bồ-đề vô thượng khó được.

Phải biết tâm Bồ-đề như hạt giống ở thế gian, vì tất cả pháp thiện thế gian đều gieo trồng, như tất cả cảnh giới pháp Phật, tất cả việc ác hẳn bị thiêu đốt hết, giống như gặp kiếp Hỏa tất cả pháp không thiện đều bị tiêu hoại. Giống như đại địa tất cả nghĩa có thể thành tựu, như ngọc báu như ý tất cả ý vui đều được viên mãn. Cũng như bình công đức, đẩy ra ngoài dòng sinh tử, như mồi câu tốt. Tất cả nơi trời, người, A-tu-la thế gian, cho đến tất cả pháp Phật, tất cả công đức Phật đều ngợi khen công đức của tâm Bồ-đề, như khen ngợi tháp miếu Phật. Vì sao? Vì trong đó đầy đủ cảnh giới thù thắng của hạnh Bồ-tát.

Lại nhữa, tâm Bồ-đề nầy sinh ra tất cả chư Phật quá khứ vị lai và hiện tại.

Này thiện nam! Thí như có một loại thuốc tên Thiết Kim Quang. Một lượng thuốc này có thể biến một ngàn lượng sắt thành vàng. Như vậy, không phải một ngàn lượng sắt mà có thể hủy hoại một lượng thuốc Thánh. Người phát tâm Bồ-đề cũng lại như vậy. Một khi đã phát tâm Nhất thiết trí, thì thiện căn của Thánh dược vi diệu trở lại hướng đến những gì thuộc về trí tuệ, có thể khiến tất cả nghiệp chướng phiền não thành vàng, tất cả pháp vàng tất cả trí vàng. Đây không phải tất cả nghiệp chướng phiền não có thể làm ô nhiễm tâm Nhất thiết trí.

Này Thiện nam! Lại cũng như cầm một cây đuốc sáng lớn vào phòng tối thì tất cả bóng tối tích tập từ trăm ngàn năm đều bị diệt phá, trở nên sáng rỡ rỗng suốt. Phát tâm Bồ-đề cũng như vậy. Cầm đuốc tâm vào chỗ tâm ý mờ ám, vào đến trong rồi thì tất cả nghiệp chướng phiền não tích tập từ vô số trăm ngàn kiếp đến nay, vô minh đen tối đều bị tiêu trừ do trí sáng lớn phát ra sáng rõ.

Này Thiện nam! Lại cũng như cái mão có diệu bảo đại như ý nơi đảnh Long vương, không bị kẻ oán người khác đến uy hiếp. Các bậc đại Bồ-tát cũng lại như vậy, mũ báu nơi đảnh tâm Bồ-đề và mũ diệu bảo vương tâm đại bi không bị tất cả nẻo ác việc ác uy hiếp, xâm phạm. Lại cũng như trong ánh sáng của mặt trời, mặt trăng viên mãn, thanh tịnh, mọi vật rất rõ ràng, sáng tỏ, trong đó hiện ra tất cả vàng bạc châu báu vòng hoa y phục, đồ dùng kỳ diệu thích thú. Tổng chung tất cả vật đó không thể sánh bằng giá trị như Bảo Vương như ý.

Phát tâm Bồ-đề cũng lại như vậy, cùng tận ba đời, trí Nhất thiết trí pháp giới, đạo tràng, tùy chỗ chiếu diệu, trong đó ứng hiện tất cả hữu tình, tất cả trời người và tất cả các bậc Thanh văn, Duyên giác. Tất cả thiện căn dù hữu lậu hay vô lậu cũng không thể sánh bằng phát tâm Bồ-đề bảo vương tự tại.

Lại nữa, như sữa bò dê đầy cả biển lớn, nếu vài giọt sữa sư tử nhỏ vào biển ấy thì sữa bò dê không thể ngưng kết được và cũng không thể hòa hợp. Tâm Bồ-đề cũng như vậy. Nghiệp phiền não tích tụ vô số trăm nghìn kiếp như biển lớn. Giọt sữa sư tử: Ví như tâm Nhất thiết trí của Như Lai, đại trượng phu rơi vào biển lớn ấy thì tất cả phiền não dứt sạch không còn sót. Tất cả giải thoát của bậc Thanh văn, Duyên giác cũng không hòa hợp. Lại nữa cũng như thân gần một người khỏe mạnh thì các oán ác cũng không thể xâm hại. Phát tâm Bồ-đề cũng vậy. Thân gần các bậc Bồ-tát dũng mãnh thì tất cả oán ác không thể xâm hại.

Lại cũng như viên kim cương bị sứt mẻ tuy đã bị tổn giảm nhưng vẫn quý giá nhất trong các vật quý, trang nghiêm hơn các vật trang sức khác. Vật báu kim cương, tên vẫn không mất, vẫn có thể giúp được khắp những người nghèo khó. Có ít phần tâm Bồ-đề cũng vậy; như kim cương bị sứt mẻ tuy không được tròn vẹn nhưng vẫn trang nghiêm công đức hơn tất cả Thanh văn Duyên giác. Danh hiệu Bồ-tát vẫn không mất, có thể độ được những kẻ nghèo thiếu không có Thánh tài.

Kinh Thắng Quân Vương Vấn nói: Phật dạy: Lành thay! Lành thay! Đại vương! Ông có tâm yêu thích mong cầu pháp Phật. Như nay ông đang trị vì nước Kiều-tát-la, đem an lạc lợi ích cho tất cả dân chúng, an ủi, cứu giúp, khiến họ quy về chánh đạo. Nếu ông có thể làm lợi ích rộng cho tất cả hữu tình, khiến phát tâm Nhất thiết trí, viên mãn tất cả pháp Phật, hướng đến chứng đạo quả Bồ-đề vô thượng, thì lợi lạc to lớn. Lại nữa, tại rừng Kỳ-đà thường có vô số Thánh Hiền ở ẩn trong đó đáng được tôn trọng. Đại vương! Các Thánh Hiền ấy ưa muốn Chính đẳng giác, có lòng tin cầu, có nguyện có tâm tùy hỷ. Các vị Thánh Hiền này, thân, ngữ, ý rất đáng tín trọng. Vì sao vậy? Đại Vương! Vì vùng đất ấy có vô số trăm Phật xuất hiện, vô số trăm lần chuyển pháp luân, vô số trăm Thánh chúng được nối tiếp đắc độ. Như vậy cho đến vô số trăm ngàn vô số hằng hà sa số các vị Phật xuất hiện, chuyển chánh pháp luân, hóa độ Thánh chúng. Các vị Thánh Hiền như vậy đều phát sinh lòng tin, ham thích, tâm nguyện và cầu đạo Bồ-đề.

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10