KINH TRỪ CÁI CHƯỚNG BỒ-TÁT SỞ VẤN

Hán dịch: Đời Triệu Tống, Đại sư Pháp Hộ
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 8

Lại nữa, những gì là mười tám pháp Bất cộng của Như Lai? Đó là:

  1. Thân của Như Lai không lười, mỏi mệt.
  2. Lời nói không vội vàng, thô bạo.
  3. Không mất chánh niệm.
  4. Luôn giữ tâm nơi chánh định.
  5. Không có các thứ tưởng.
  6. Tâm luôn nhận biết, xả bỏ.
  7. Tâm mong cầu không giảm.
  8. Tinh tấn không giảm.
  9. Niệm không giảm.
  10. Định không giảm.
  11. Tuệ không giảm.
  12. Giải thoát, giải thoát tri kiến không giảm.
  13. Ở đời quá khứ không có tri kiến chấp trước, chướng ngại, luôn chuyển biến thuận hợp.
  14. Đối với đời vị lai, tri kiến không chấp trước, không chướng ngại, chuyển biến tùy thuận.
  15. Đối với đời hiện tại, tri kiến không chấp trước, không chướng ngại, luôn chuyển biến thuận hợp.
  16. Đối với các nghiệp về thân, trí tuệ luôn dẫn đường đi trước, theo trí tuệ mà chuyển biến.
  17. Đối với các nghiệp về ngôn ngữ, trí tuệ luôn dẫn đường đi trước, theo trí tuệ mà chuyển biến.
  18. Đối với các nghiệp về ý, trí tuệ luôn dẫn đường đi trước, theo trí tuệ mà chuyển biến.

Đó là mười tám pháp Bất cộng của Như Lai.

Những gì là tâm đại Bi của Như Lai?

Này thiện nam! Luôn tinh tấn hanh hóa ba mươi hai tướng tức dấy khởi tâm đại Bi của Như Lai. Đối với vô biên thế giới khắp mười phương luôn hiện ra các tướng không thể nghĩ bàn, đều từ tâm đại Bi của Như Lai mà biến chuyển.

Những gì là ba mươi hai tướng? Đó là:

  1. Các pháp đều không có ngã, nhưng các hữu tình không thể tự hiểu rõ lý vô ngã ấy nên Như Lai vì họ mà phát khởi tâm đại Bi.
  2. Hết thảy các pháp đều không có thọ mạng, nhưng các hữu tình chấp là có, nên Như Lai phát khởi tâm đại Bi.
  3. Tất cả các pháp đều không có thọ mạng, nhưng các hữu tình chấp là có, nên Như Lai phát khởi tâm đại Bi.
  4. Tất cả các pháp đều không có Bổ-đặc-già-la, nhưng các hữu tình sinh tâm chấp giữ, nên Như Lai phát khởi tâm đại Bi.
  5. Tất cả các pháp đều không có tự tánh, nhưng các hữu tình lại nhận là có tự tánh, nên Như Lai phát khởi tâm đại Bi.
  6. Tất cả các pháp đều không có chướng ngại, nhưng các hữu tình lại vướng mắc nơi các chướng ngại, nên Như Lai phát khởi tâm đại Bi.
  7. Tất cả các pháp đều không chứa đựng, nhưng các hữu tình lại thích đắm nhiễm, nên Như Lai phát khởi tâm đại Bi.
  8. Các pháp đều không có chủ thể, nhưng các loài hữu tình lại chấp nơi tướng ngã, nên Như Lai phát khởi tâm đại Bi.
  9. Tất cả các pháp đều không có tùy thuộc, nhưng các hữu tình sinh tâm chấp giữ, nên Như Lai phát khởi tâm đại Bi.
  10. Hết thảy các pháp đều không có hình tướng, sự vật, nhưng các hữu tình lại tham vướng nơi cảnh vật, nên Như Lai phát khởi tâm đại Bi.
  11. Các pháp đều không có chủng tộc, nhưng các hữu tình lại sinh tâm chấp trước, nên Như Lai phát khởi tâm đại Bi.
  12. Tất cả các pháp đều không sinh, không diệt, nhưng các hữu tình chấp là có sinh diệt, nên Như Lai phát khởi tâm đại Bi.
  13. Tất cả các pháp đều không có cấu nhiễm, nhưng các hữu tình tự sinh tâm cấu nhiễm, nên Như Lai phát khởi tâm đại Bi.
  14. Tất cả các pháp đều lìa tham, nhưng các hữu tình thì sinh tâm tham ái, nên Như Lai phát khởi tâm đại Bi.
  15. Tất cả các pháp đều lìa sân, nhưng các hữu tình lại sinh tâm giận dữ, nên Như Lai phát khởi tâm đại Bi.
  16. Tất cả các pháp đều xa lìa si, mà các hữu tình luôn dấy tâm si tối, nên Như Lai phát khởi tâm đại Bi.
  17. Tất cả các pháp đều không đến, nhưng các hữu tình chấp là có các cõi, nên Như Lai phát khởi tâm đại Bi.
  18. Các pháp đều không đi, nhưng các hữu tình lại chấp là có sinh ra, nên Như Lai phát khởi tâm đại Bi.
  19. Tất cả các pháp đều không hành, mà các hữu tình thì luôn hành động, tạo tác, nên Như Lai phát khởi tâm đại Bi.
  20. Tất cả các pháp đều không hý luận, nhưng các hữu tình ưa thích, tham đắm trong hý luận, nên Như Lai phát khởi tâm đại Bi.
  21. Các pháp đều không, nhưng các hữu tình lại dấy theo chấp có, nên Như Lai phát khởi tâm đại Bi.
  22. Tất cả các pháp đều vô tướng, nhưng các hữu tình lại vướng mắc nơi tướng của cảnh giới, nên Như Lai phát khởi tâm đại Bi.
  23. Tất cả các pháp đều vô nguyện, nhưng các hưu tình đều luôn chuyển theo nguyện, nên Như Lai phát khởi tâm đại Bi.
  24. Các hữu tình trong thế gian khi tụ họp thường tranh tụng dấy các lỗi lầm như: tham, giận… Như Lai xem xét, vì họ giảng nói những pháp cơ bản, khiến họ dứt trừ được tâm tham sân kia, nên Như Lai phát khởi tâm đại Bi.
  25. Các hữu tình trong thế gian khi nhóm họp thường làm những điều điên đảo, giẫm lên đường hiểm ác, ở các nơi chốn tà, quái, nhằm khiến những kẻ đó vào nẻo như thật, nên Như Lai phát khởi tâm đại Bi.
  26. Các hữu tình trong thế giới khi nhóm họp, thường gia tăng lòng tham lam, keo bẩn, xâm phạm hoặc chiếm lấy tài sản của kẻ khác, không biết chán đủ, vì muốn cho những kẻ ấy có đủ những của cải nơi Thánh pháp như giới, văn, xả, tuệ, do đó Như Lai phát khởi tâm đại Bi.
  27. Các hữu tình trong thế gian đối với các thứ như nhà ở, của cải, vợ con, luôn sinh tâm tham ái, phải tự hạ thấp thân mình như kẻ tôi tớ, ở nơi không chân thật mà luôn nghĩ tưởng, tính toán cho là chân thật, Phật vì những kẻ ấy giảng nói pháp yếu khiến họ biết các pháp chỉ đều là vô thường, nên Như Lai phát khởi tâm đại Bi.
  28. Những hữu tình trong thế gian do phải gian khổ để mưu sinh nên luôn dối trá, lừa gạt lẫn nhau, Phật vì những kẻ ấy giảng nói pháp cơ bản nhằm khiến họ có được đời sống trong sạch, tự nuôi thân mạng, do đó Như Lai phát khởi tâm đại Bi.
  29. Những hữu tình ở thế gian vì danh vọng lợi dưỡng luôn dốc sức kiếm tìm, không hề biết thỏa mãn, vì nhằm khiến những kẻ ấy hiểu rõ như thật, sinh tâm chán đủ, cuối cùng diệt được khổ, đạt được an lạc của Niết-bàn, do đó Như Lai phát khởi tâm đại Bi.
  30. Những hữu tình trong thế gian thường sinh tham ái, ở nơi cõi khổ hầu hết bị cấu nhiễm, Phật vì những kẻ ấy giảng nói pháp chính yếu khiến họ lìa khổ, ra khỏi ba cõi, cho nên Như Lai phát khởi tâm đại Bi.
  31. Vì cho tất cả các pháp là lìa nhân duyên, nên những hữu tình trong thế gian sinh tâm biếng trễ, nơi cửa giải thoát của Thánh pháp lại dấy chướng ngại. Phật vì những hữu tình đó giảng nói pháp giải thoát chân thật, khiến họ dốc hành tinh tấn, vì thế Như Lai phát khởi tâm đại Bi.
  32. Những hữu tình trong thế gian từ bỏ trí vi diệu tối thượng, không chấp trước của Niết-bàn thù thắng, lại thích cầu quả vị Niếtbàn nơi thừa thấp là Thanh văn, Duyên giác. Vì muốn cho những người ấy ưa thích về cõi rộng lớn, là cầu đạt trí tuệ Phật, vì thế Như Lai phát khởi tâm đại Bi.

Này thiện nam! Siêng năng thực hành ba mươi hai thứ tướng như vậy, nên Như Lai phát khởi tam đại Bi. Như thế chỗ nói về hạnh đại Bi của Như Lai, nếu có Bồ-tát tinh tấn hành trì ba mươi hai tướng đó phát khởi tâm đại Bi, thì vị Đại Bồ-tát ấy, ở trong cõi công đức phước báo, có thể thành tựu, đầy đủ uy quang rộng lớn, đem lợi lạc cho các hữu tình, khế hợp với sự nghiệp, đạt quả vị bất thoái chuyển. Do vậy nên biết vô lượng, vô số pháp tự tại hiện có như thế nơi phần vị, hoặc chư Như Lai, hoặc các Bồ-tát, cho đến người ở nơi kiếp sau rốt tận cùng giảng nói rộng nhưng đều không thể đạt được nẻo tận cùng kia, nay chỗ nêu bày ấy chỉ là một phần rất nhỏ vì nhằm khiến các hữu tình phát sinh hoan hỷ tin tưởng thanh tịnh tối thượng. Đó là Bồ-tát đạt pháp bất động nơi pháp thiện của hết thảy hữu tình, nhằm cứu độ nuôi dưỡng các loài.

Này thiện nam! Thế nào là Bồ-tát có vô lượng mây pháp hàm chứa sự thấm ướt, tạo nên các trận mưa pháp rộng lớn? Như gió nơi thế gian không có biên vực giới hạn, nhưng phong luân thì rộng lớn, vững bền, nhận giữ hết thảy các thế giới khắp nơi hoặc lúc tạo nên, hoặc khi hủy diệt, cùng với vô số mây nơi thủy luân, gồm biển lớn và bốn đại chau, núi Mục-chân-lân-đà, núi Đại mục-chân-lân-đà, núi Tuyết, núi Thiết vi, núi Đại thiết vi, núi Hương túy và rừng cây, cung điện, lầu gác… Phong luân Đà-la-ni của Đại Bồ-tát cũng lại như thế, đều có thể thâu tóm, nhận giữ hết thảy mây của Bậc Chánh Đẳng Chánh Giác, tuôn ra những trận mưa pháp rộng lớn, không ngăn ngại, ở nơi tất cả thế giới đều có thể thành tựu pháp công đức của Phật. Như điều đã nói về núi Tu-di… Là các tướng sai biệt nơi thế gian, tức là tướng thù thắng của trăm phước, mười Địa, mười pháp Ba-la-mật, mười pháp chánh định, mười hai pháp Đà-la-ni, sáu pháp Thần thông, mười Tự tại, mười Lực, bốn pháp Vô sở úy, bốn pháp Vo ngại giải, mười tám pháp Bất cộng, tâm đại Bi… là hết thảy pháp của Phật và Bồ-tát, đều có thể thâu nhận nắm giữ đầy đủ, lại thường nắm giữ hết thảy trăm ngàn nhóm pháp của thế gian và xuất thế gian, đều thành tựu trọn vẹn. Đó là Bồ-tát có vô lượng đám mây pháp hàm chứa sự thấm ướt tạo nên những cơn mưa pháp rộng lớn.

Này thiện nam! Thế nào là pháp lớn của Bồ-tát với vô số thứ lầu gác trang nghiêm bày biện uy nghi đẹp đẽ? Như gió nơi thế gian có thể thổi lay cùng khắp tất cả lầu gác trang nghiêm, mọi thứ đều đặt để ổn định, rất nguy nga, đẹp đẽ, đáng yêu thích, cùng với hết thảy rừng cây, cành lá, thân nhánh, hoa, trái, nhụy… Và tất cả bộ phận trong thân của các hữu tình đều do sức gió thường thổi lay mà thành. Gió của Bồ-tát cũng lại như vậy, dùng trí biện tài với diệu lực vô biên, vô ngại, không chấp trước, đều có thể nêu bày tất cả các thứ pháp môn của thế gian và xuất thế gian, thứ lớp đầy đủ khơi mở chỉ rõ, soi chiếu sáng, gồm vô số pháp thù thắng vi diệu. Đó là: Tướng ấy là pháp của cõi ác tạo nên, đây là pháp của cõi thiện tạo nên, đây là pháp tạo thành sự tăng trưởng, đây là địa ngục, đây là ngạ quỷ, đây là súc sinh, đây là hàng người, trời, đây là Chuyển luân thánh vương, đây là các Thiên chủ Đế Thích, Phạm vương, Hộ thế, đây là quyến thuộc của sắc tướng cùng diệu lực của phước đức thông tỏ, nhanh nhẹn, đây là sự khéo suy tính của trí tuệ sáng suốt, đây là năng lực, tài nghệ, đây là sách vở khéo giải rõ các giáo điển, đây là pháp của thừa Thanh văn làm nên quả vị Thanh văn, đây là pháp của bậc Duyên giác làm nên quả vị Duyên giác, đây là pháp Đại thừa có đủ các tướng hơn hẳn, đầy đủ sự nghiệp tự lợi, lợi tha, thành tựu tất cả thắng trí của hạnh Phổ Hiền, cho đến đây là mười Địa, mười pháp Ba-la-mật, mười pháp Chánh định, mười hai pháp Tổng trì, sáu pháp Thần thông, ba Minh, mười pháp Tự tại, tám pháp Giải thoát, mười Lực, bốn Vô sở úy, bốn pháp Biện giải vô ngại, mười tám pháp Bất cộng.

Này thiện nam! Bồ-tát khéo có thể thiết lập vô lượng các thứ pháp như thế, pháp môn Tổng trì Liên Hoa trang nghiêm, bày biện pháp trang nghiêm diệu xảo. Đó là Bồ-tát có pháp lớn với vô số lầu gác trang nghiêm bày biện uy nghi, đẹp đẽ.

Này thiện nam! Thế nào là Bồ-tát ở trong các chúng hội, thường quyết định dùng cây quý trang nghiêm phát ra pháp âm chân chánh, nhiệm mầu, tuôn mưa hoa làm tâm ý vui thích? Như rừng cây quý, được gió thổi động, làm mưa xuống vô số các loài hoa hương, y phục quý báu, tấu các loại nhạc… đầy đủ các thứ trang nghiêm như thế lại liên tục tuôn ra, khiến cho các hàng trời, người đều được hoan hỷ, vui thích, không còn lo buồn, luôn đủ mọi sắc tướng, uy lực, sự siêng năng, vui mạnh không giảm. Gió trí tuệ của Bồ-tát cũng lại như thế. Bồ-tát thường ở trong pháp hội lớn nơi các thế giới thanh tịnh của Như Lai, vì các hữu tình giảng nói về mười hai phần giáo là Khế kinh, Ứng tụng, Ký biệt, Phúng tụng, Thí dụ, Duyên khởi, Tự thuyết, Bản sự, Bản sinh, Phương quảng, Hy pháp, Luận nghĩa, thường tuôn mưa hoa báu chánh pháp như thế, vì các chúng sinh nơi việc thuận, trái, với những tập quán, từ khởi đầu đến từng thứ bậc trước sau giảng nói trao truyền giáo pháp. Hết thảy các chỗ duyên hợp ở thế gian đều dẫn dắt, chỉ dạy về tánh của pháp là vô ngã, vắng lặng, thanh tịnh, mở bày, làm rõ tất cả các pháp môn, gồm thu chung mọi pháp tánh, chỉ bảo khiến hội nhập vào pháp như huyễn không thể nghĩ bàn, làm hiển lộ trí tuệ lớn nơi pháp môn như huyễn, khiến các hữu tình tăng trưởng tự tại nơi tất cả pháp lạc. Mọi sự hỏi đáp không ở trong, không ở hai bên, nên có thể khéo phát khởi, tạo hoan hỷ rộng khắp, luôn khiến cho mọi vườn rừng chánh pháp không tạo lỗi lầm nơi các nghiệp thân, khẩu, ý. Không tạo thêm mọi vui vẻ, dứt mọi biếng trễ thoái chuyển. Lại khiến cho hàng trời người thọ dụng đầy đủ, pháp thiện không giảm, ánh sáng của trí tuệ chiếu soi, thường an trụ trong pháp thanh tịnh tối thắng. Đó là Bồ-tát ở trong các chúng hội quyết định dùng cây quý trang nghiêm phát ra pháp âm chân chánh, nhiệm mầu, tuôn xuống mưa hoa khiến tâm ý vui thích.

Này thiện nam! Thế nào là Bồ-tát trong vô số kiếp ở nơi Thánh hội thanh tịnh tạo lập tích chứa thành biển pháp môn Tam-ma-địa, Tổng trì, giải thoát rừng rậm giáo pháp như ánh sáng mặt trời mặt trăng soi khắp núi Diệu cao, như cung điện đẹp đẽ nơi núi Luân vi… cùng tất cả hữu tình đã được điều phục, thành thục, trang nghiêm, khéo an trụ nơi quả vị vô thượng, không thân làm chỗ dựa chuyển biến thuận theo ngọn gió trí tuệ nơi đạo tràng là nhân của giải thoát? Ví như gió kiếp vào thời kỳ thế giới bị hủy hoại, gió ấy không bị ngăn trở, uy lực càng nhanh chóng, mạnh mẽ thổi động cùng khắp cả tam thiên đại thiên thế giới, với hàng trăm ngàn vô số ức các núi Thiết vi, Tu-di, biển lớn… đều bị phá tan, hủy diệt hết sạch, đồng như hư không. Gió cua Bồ-tát cũng lại như thế. Từ trong nhiều trăm ngàn kiếp, tích lũy vô số các loại phước đức, trí tuệ trang nghiêm. Bồ-tát dùng diệu lực rộng lớn có thể hiện ra đủ các thứ thần thông biến hóa, khéo chuyển pháp luân thanh tịnh, không ngăn ngại, phát ra âm thanh nhiệm mầu, điều phục khắp tất cả chúng hội. Do đấy từ phong luân trí tuệ hiện bày các nhóm pháp từng tích lũy. Chỗ điều phục kia, xem xét ánh sáng của pháp vi diệu tối thượng nên các hành không vướng mắc, dấy khởi ở sức mạnh hơn hẳn, đầy đủ sự bền chắc, trong tâm trụ nơi chân chánh, thành tựu chánh định, nơi tưởng uẩn, xứ, giới, cùng thân nơi ba cõi tạo tác các hành, đều phá trừ chỗ chấp về không thân, hiểu rõ đều là phân biệt hư vọng, vượt lên trên tất cả thế gian, sau đấy mới hiện bày đầy đủ phước đức thù thắng xuất thế gian, vô tướng, không thể nghĩ bàn, nương tựa, biến chuyển, thuận hợp, đạt được sự thanh tịnh tột bậc, trụ vào biên vực sau cùng, lìa mọi sầu khổ. Đó là Bồ-tát trong vô số kiếp từng ở nơi các Thánh hội thanh tịnh, tạo lập, tích chứa thành biển các pháp môn Tam-ma-địa, Tổng trì giải thoát, là nhân của giải thoát.

Này thiện nam! Bồ-tát nếu tu mười thứ pháp như thế tức đạt được như gió.

Bấy giờ, Bồ-tát Trừ Cái Chướng tiến đến trước chỗ Phật, bạch:

–Hy hữu thay, Thế Tôn! Hy hữu thay bậc Thiện Thệ! Đã khéo giảng nói pháp rộng lớn như vậy, cho đến đầy đủ hết thảy các tướng thù thắng, có thể khiến cho các Bồ-tát, Đại sĩ đều sinh hoan hỷ. Bạch Thế Tôn! Nếu hàng trời, người có thể ở nơi các pháp như thế, tin, hiểu, tu hành, đúng như điều Phật đã giảng dạy, người ấy liền đạt được hết thảy, thọ nhận đầy đủ sự an lạc, vi diệu, hơn hẳn, tự tại như các vị trời Phạm vương, Đế Thích, Hộ thế… mọi đời này, đời khác hiện có người ấy đều đạt được đầy đủ tất cả hạnh lợi tha thù thắng… Phật nói:

–Này thiện nam! Đúng vậy, đúng vậy! Như ông đã nói, những hữu tình kia vượt qua hết thảy các thế gian, được nhiều người hết lòng chiêm ngưỡng, dứt hết các pháp ác, đầy đủ các pháp thiện, là chỗ quy hướng của hết thảy thế gian.

Này thiện nam! Nếu các hữu tình ở trong pháp này có thể tu tập, hoặc ngược lại có kẻ nảy sinh tâm khinh thường, chê bai, thì Như Lai nói kẻ ấy là hạng ngu si sẽ bị đọa vào đại địa ngục tối tăm, chịu bao khổ nảo, các hàng Trời, Người, A-tu-la… nơi thế gian thảy đều buồn thương.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nếu tu hành mười thứ pháp sau đây tức được như hư không. Những gì là mười pháp? Đó là:

  1. Không có cấu uế.
  2. Không ngăn ngại.
  3. Vắng lặng.
  4. Không có hình tướng.
  5. Trí tuệ vô biên.
  6. Bình đẳng theo đấy nhận biết hết thảy pháp.
  7. Biết rõ tất cả pháp như hư không, tự tánh là giải thoát.
  8. Không trụ.
  9. Vượt qua tướng của các cảnh giới.
  10. Vượt qua mọi nẻo tầm tứ.

Nếu Bồ-tát tu tập mười thứ pháp ấy tức đạt như hư không.

Này thiện nam! Lại có mười pháp, nếu Bồ-tát tu hành theo đấy sẽ được như hư không. Mười pháp ấy la những gì? Đó là:

  1. Đối với mọi hình sắc hợp ý hoặc không hợp ý đều không yêu, không ghét.
  2. Đối với các loại âm thanh hợp ý hay không hợp ý đều không yêu, không ghét.
  3. Đối với các mùi hương vừa ý hoặc không vừa ý đều không yêu, không ghét.
  4. Đối với các mùi vị hợp ý hay không hợp ý đều không yêu, không ghét.
  5. Đối với các xúc chạm hợp ý hay không hợp ý đều không yêu, không ghét.
  6. Đối với tất cả các pháp hợp ý hay không hợp ý đều không yêu, không ghét.
  7. Đối với các pháp lợi lạc hay suy tổn đều không yêu, không ghét.
  8. Đối với các pháp vui hay khổ đều không yêu, không ghét.
  9. Đối với các pháp được khen hay bị chê đều không yêu, không ghét.
  10. Đối với các pháp được đề cao hay bị hủy báng đều không yêu, không ghét.

Bồ-tát nếu tu hành mười thứ pháp ấy tức như hư không.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nếu tu hành mười thứ pháp sau đây, tức đạt được như mặt trăng. Những gì là mười pháp? Đó là:

  1. Khiến cho các loài hữu tình đều sinh hoan hỷ.
  2. Mọi người đều thích nhìn thấy.
  3. Pháp thiện thêm lớn.
  4. Pháp ác tổn giảm.
  5. Mọi người đều ca ngợi.
  6. Thể tướng thanh tịnh.
  7. Hành hóa theo thừa tối thượng.
  8. Thường tự trang nghiêm.
  9. Pháp lạc tự tại.
  10. Đầy đủ đại thần thông, uy đức.

Này thiện nam! Thế nào là Bồ-tát khiến cho các hữu tình đều sinh hoan hỷ? Như mặt trăng mới mọc, hết thảy hữu tình đều được mát mẻ, vừa ý, nên sinh hoan hỷ. Mặt trăng của Bồ-tát cũng lại như thế, lúc mới xuất hiện, hết thảy hữu tình liền được xa lìa phiền não nung đốt, nên sinh mừng rỡ vui vẻ. Đó là Bồ-tát khiến cho các hữu tình đều sinh hoan hỷ.

Thế nào là Bồ-tát được mọi người vui thích nhìn ngắm? Như trăng mới mọc, hết thảy hữu tình đều thích nhìn ngắm, đều khen là trong sáng, tươi đẹp, khiến các chúng sinh sinh lòng mừng vui. Mặt trăng của Bồ-tát cũng lại như thế, lúc mới xuất hiện hết thảy hữu tình đều yêu thích, vừa ý, tức là các căn thanh tịnh, hạt giống thuần khiết, các nẻo hành hóa làm đều đầy đủ uy nghi. Đó là Bồ-tát được mọi người vui thích nhìn ngắm.

Thế nào là Bồ-tát có pháp thiện tăng trưởng? Như thời gian có trăng, từ lúc mới xuất hiện ngày ngày càng tròn sáng dần, cho đến đêm rằm thì trăng tròn đầy, các hình tướng đều trọn vẹn. Ánh trăng của Bồ-tát cũng lại như thế, từ khi mới phát tâm cho đến lúc ngồi nơi đạo tràng, pháp thiện ngày ngày dần dần thêm lớn, đến khi an tọa nơi đạo tràng rồi thì hết thảy các tướng tốt đẹp đều hiện bày đầy đủ. Đó là Bồ-tát có những pháp thiện tăng trưởng.

Thế nào là Bồ-tát có những pháp ác được tổn giảm? Như thời gian không có mặt trăng, hình tướng sáng tròn của trăng cứ dần dần giảm đi, liên tục như thế cho đến đêm cuối tháng thì tất cả không con hiện nữa. Mặt trăng của Bồ-tát cũng lại như vậy, đến khi gồm đủ trí xuất thế thì pháp ác dần dần giảm đi, như thế cho đến khi ngồi nơi đạo tràng, tất cả pháp ác đều giảm hết không còn sót gì cả. Đó là Bồ-tát có các pháp ác được tổn giảm.

Thế nào là Bồ-tát đều được mọi người ngợi khen? Như mặt

trăng khi vừa mới mọc, các hàng Bà-la-môn, Sát-đế-lợi, nam, nữ lớn, nhỏ, hết thảy dân chúng đều khen ngợi. Mặt trăng của Bồ-tát cung lại như thế, lúc mới xuất hiện, hết thảy hàng Trời, Người, A-tula, Càn-thát-bà… trong thế gian đều ngợi khen. Đó là Bồ-tát được mọi người ngợi khen.

Thế nào là Bồ-tát được thể tướng thanh tịnh? Như Nguyệt Thiên tử, thể tướng đều thanh tịnh, tinh khiết, sáng trong, không cấu nhiễm, tức là chỗ thành tựu của loại nghiệp báo hơn hẳn. Thể tướng của Bồtát cũng lại như vậy, xưa nay không cấu nhiễm, thanh tịnh, tinh khiết, tạo nên chỗ hóa sinh thanh tịnh, không phải từ tinh khí bất tịnh của cha mẹ… sinh ra. Đó là thể tướng thanh tịnh của Bồ-tát.

Thế nào là Bồ-tát hành hóa theo thừa tối thượng? Như Nguyệt Thiên tử ngự nơi cỗ xe thanh tịnh, chiếu soi khắp cõi thiên hạ. Mặt trăng của Bồ-tát cũng lại như thế, hành hóa nơi thừa Bồ-tát tối thượng chiếu soi khắp vô biên hết thảy các thế giới. Đó là Bồ-tát hành hóa nơi thừa tối thượng.

Thế nào là Bồ-tát thường tự trang nghiêm? Như Nguyệt Thiên tử tướng vốn thanh tịnh, luôn tự trang nghiêm, không dùng sự tắm gội để tự trang nghiêm. Mặt trăng của Bồ-tát cũng lại như thế, các thứ công đức hơn hẳn luôn dùng để tự trang nghiêm. Đó là Bồ-tát thường tự trang nghiêm.

Thế nào là Bồ-tát tự tại nơi các pháp lạc? Như Nguyệt Thiên tử thường thọ nhận diệu lạc nơi cõi trời. Mặt trăng của Bồ-tát cũng lại như thế, thường tự tại nơi các pháp lạc thắng diệu, không nhiễm các cảnh giới dục của thế gian. Đó là Bồ-tát tự tại nơi các pháp lạc.

Thế nào là Bồ-tát có đầy đủ uy đức của đại thần thông? Như Nguyệt Thiên tử đầy đủ đại thần thông, uy đức, soi chiếu rộng khắp tất cả. Mặt trăng Bồ-tát cũng lại như thế, có đầy đủ phước đức, trí tuệ, công đức hơn hẳn. Đó là Bồ-tát có đầy đủ uy đức của đại thần thông.

Này thiện nam! Bồ-tát nếu tu hành đủ mười thứ pháp ấy thì được như mặt trăng.

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20