KINH TRỪ CÁI CHƯỚNG BỒ-TÁT SỞ VẤN

Hán dịch: Đời Triệu Tống, Đại sư Pháp Hộ
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 1

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở tại núi Tượng đầu cùng với chúng đại Bísô là bảy vạn hai ngàn người tụ hội. Các vị đều đã chứng quả A-lahán, các lậu đã hết, phiền não không còn khởi dậy, tâm khéo giải thoát, trí tuệ khéo giải thoát như đại Long vương, những gì đã làm đều được rõ ràng, trừ bỏ các gánh nặng, kịp được lợi mình, hết những ràng buộc nơi hữu lậu, có trí tuệ chân chánh, tâm thâm diệu đều được giải thoát, mọi nẻo thức đều được tự tại, vượt hẳn sang bờ bên kia, giỏi vào cõi pháp dựng ngọn cờ chánh pháp, tâm có thể vứt bỏ mọi thứ lợi dưỡng, thực sự xuất gia, rất vẹn toàn đầy đủ, hoàn thành mọi sở nguyện an trú nơi Niết-bàn. Chỉ có một vị còn ở bậc Hữu học đó là Tôn giả A-nan.

Các vị Đại Bồ-tát có tám vạn bốn ngàn đều là những bậc Nhất sinh bổ xứ, đạt được các pháp Tổng trì, cầu Nhất thiết trí, ngay trước mắt đang hướng về Bậc Nhất Thiết Trí, dần dần nhập vào Nhất thiết trí, làm tăng trưởng rộng lớn Nhất thiết trí, đạt Tổng trì vô ngại các pháp Tam-ma-địa, lại có thể an trú trong Tam-ma-địa Thủ-lăngnghiêm vương sâu xa, có được thần thông lớn, diệu dung tự tại, bước lên con đường nhẹ nhàng yên ổn, xa lìa hết thảy những ngăn ngại, vướng mắc, với tâm đại Từ, đại Bi rộng hiển bày khắp mười phương trong tất cả thế giới, vượt lên vô biên hết thảy cõi Phật, thông đạt hạnh không và hạnh vô tướng, các nguyện xa lìa sự chấp trước, siêng năng phát khởi hạnh thù thắng trong các việc làm lợi ích cho hết thảy hữu tình, khéo vào hết thảy cảnh giới của chư Phật, tâm như hư không, đầy đủ trí vô biên, tâm như biển cả không đáy, không bờ, tâm như núi chúa Tu-di chắc chắn không gì lay động được, tâm như hoa sen xa lìa mọi đắm nhiễm, tâm như vật báu nhiệm mầu hết mực thanh tịnh. Tâm của những vị ấy như vàng nguyên chất tinh ròng, trong sạch.

Tên của những vị ấy là Đại Bồ-tát Bảo Tinh, Đại Bồ-tát Bảo Thủ, Đại Bồ-tát Bảo Ấn Thủ, Đại Bồ-tát Bảo Quán, Đại Bồ-tát Bảo Kế, Đại Bồ-tát Bảo Phong, Đại Bồ-tát Bảo Tích, Đại Bồ-tát Bảo Đỉnh, Đại Bồ-tát Bảo Tràng, Đại Bồ-tát Kim Cang Tạng, Đại Bồ-tát Kim Tạng, Đại Bồ-tát Bảo Tạng, Đại Bồ-tát Cát Tường Tạng, Đại Bồ-tát Tịnh Tạng, Đại Bồ-tát Tịnh Vô Cấu Tạng, Đại Bồ-tát Như Lai Tạng, Đại Bồ-tát Trí Tạng, Đại Bồ-tát Nhật Tạng, Đại Bồ-tát Đẳng Trì Tạng, Đại Bồ-tát Liên Hoa Tạng, Đại Bồ-tát Giải Thoát Nguyệt, Đại Bồ-tát Pho Nguyệt, Đại Bồ-tát Phổ Hiền, Đại Bồ-tát Quán Tự Tại, Đại Bồ-tát Đắc Đại Thế, Đại Bồ-tát Phổ Quang, Đại Bồ-tát Phổ Nhãn, Đại Bồ-tát Liên Hoa Nhãn, Đại Bồ-tát Quảng Nhãn, Đại Bồ-tát Phổ Uy Nghi Đạo, Đại Bồ-tát Phổ Nghiêm Tướng, Đại Bồ-tát Phổ Giới Tuệ, Đại Bồ-tát Trí Tuệ, Đại Bồ-tát Pháp Tuệ, Đại Bồ-tát Thắng Tuệ, Đại Bồ-tát Thượng Tuệ, Đại Bồ-tát Kim Cang Tuệ, Đại Bồ-tát Tối Thắng Tuệ, Đại Bồ-tát Sư Tử Tuệ, Đại Bồ-tát Sư Tử Du Hý, Đại Bồ-tát Đại Âm Thanh Vương, Đại Bồ-tát Sư Tử Hống Thanh, Đại Bồ-tát Chấn Hống Thâm Diệu Âm Thanh, Đại Bồ-tát Vô Nhiễm Trước, Đại Bồ-tát Ly Chư Cấu, Đại Bồ-tát Nguyệt Quang, Đại Bồ-tát Nhật Quang, Đại Bồ-tát Trí Quang, Đại Bồ-tát Trí Cát Tường, Đại Bồ-tát Hiền Cát Tường, Đại Bồ-tát Nguyệt Cát Tường, Đại Bồ-tát Liên Hoa Cát Tường, Đại Bồ-tát Bảo Cát Tường, Đồng chân Đại Bồ-tát Diệu Cát Tường… những vị Bồ-tát đó là bậc Thượng thủ trong đại chúng.

Lại có mười sáu vị Đại sĩ thuộc nhóm Bồ-tát Hiền Hộ… Bồ-tát Từ Thị và hết thảy những vị Bồ-tát trong đời Hiền kiếp. Bốn Đại vương Thiên chủ và các vị Thiên tử của bốn vị Đại Thien vương; vị Thiên chủ cõi trời Đao-lợi là Đế Thích cùng các Thiên tử ở cõi trời Đao-lợi, vị Thiên chủ cõi trời Tu-dạ-ma cùng các Thiên tử ở cõi trời Dạ-ma; vị Thiên chủ cõi trời Đâu-suất-đà và các Thiên tử ở cõi trời Đâu-suất-đà; vị Thiên chủ cõi trời Thiện biến hóa và các Thiên tử ở cõi trời Hóa lạc; vị Thiên chủ cõi trời Tha hóa tự tại cùng các Thiên tử nơi cõi trời Tha hóa tự tại, các vị Đạo sư và các Thiên chúng ở cõi Thiện phân ma vương; vị Thiên chủ cõi trời Đại phạm cùng các Thiên tử nơi cõi trời Phạm chúng; vị Thiên chủ cõi trời Đại tự tại cùng các Thiên tử ở cõi trời Ngũ tịnh cư; A-tu-la vương Tỳ-ma-chất-đa-la, A-tula vương Đại Lưc, A-tu-la vương La-hầu… cùng vô số trăm ngàn chúng A-tu-la. Đại Long vương A-na-bà-đạt-đa, đại Long vương Mana-tư, đại Long vương Sa-già-la, đại Long vương A-nan-đà, đại Long vương Phược-tô-chỉ… cùng vô số trăm ngàn chúng Long vương, con của vị Long vương Cát Tường Uy Quang cùng vô số trăm ngàn nam, nữ con của Long vương, còn có vô số trăm ngàn chúng Trời, Rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lâu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già, Nhân phi nhân… đã cùng tụ họp trong chúng hội.

Bấy giờ, ở núi Tượng đầu trong vòng bốn do-tuần bao quanh bốn phía là đại chúng trời, người, đầy nơi hư không, đông đảo đến nỗi ở đầu một sợi lông, một hạt bụi nhỏ cũng không thiếu vắng. Nơi khoảng giữa chúng hội gồm các hàng Trời, Rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tula, Ca-lâu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già, Nhân phi nhân… như thế đã đặt ở chỗ Phật một tòa Sư tử đẹp đẽ: Chiều cao của tòa là một dotuần, ngang dọc vuông vức mỗi chiều nửa do-tuần, trên tòa trang trí vô số trăm ngàn vải báu trời, cùng các chuông báu, lưới báu, bên trên che bằng những lọng báu, lại có vô số trăm ngàn tấm vải lụa báu của trời giăng bọc chung quanh. Lại giăng, tung rải hoa trân châu và những hoa quý, những nơi vòng quanh tòa Sư tử đều là kim cương tạo thành làm tăng vẻ trang nghiêm tươi đẹp. Đất bằng như bàn tay mềm mại, trong sạch và tỏa hương thơm, có vô số trăm ngàn loài hoa báu của trời rải trên những chỗ ấy. Lại có những đóa sen to như bánh xe với vô số trăm ngàn lá bằng vàng ròng, lưu ly làm cành, đế thanh làm đài hoa, mã não làm tua của nhị hoa, mùi hương thơm lạ tạo sự vui thích, sung sướng, hết thảy được bày biện trang nghiêm như vậy nơi chỗ Phật ngồi. Lại ở bốn góc của tòa Sư tử cách đó không gần cũng không xa lắm, có bốn cây báu vọt thẳng lên, cao nửa do-tuần, chung quanh đó là cây cỏ xanh tốt rộng độ ba câu-lô-xá.

Khi ấy, Đức Thế Tôn an tọa nơi tòa Sư tử giữa đại chúng, dùng trí tuệ rất thanh tịnh giảng nói pháp nhiệm mầu, hàng phục quân ma, không nhiễm pháp thế gian, bằng giọng oai nghiêm như tiếng sư tử gầm làm rõ đức vô úy, giống như ao lớn trong suốt không xen tạp, lại như biển cả chứa những báu lạ sâu không bờ đáy, như núi Tu-di cao vượt hơn các núi khác, như ánh sáng mặt trời sáng hơn hết thảy, như ánh trăng tròn mọi người đều vui thích, như vua rồng lớn có thể tuôn mưa pháp, như vua trời Đại Phạm là bậc cao tốt trong thế gian, Đức Thế Tôn cùng vô số trăm ngàn triệu ức Phạm vương, Hộ thế, vô biên những đệ tử đã khéo điều phục thân tâm đều hội đủ.

Lúc này, toàn thể đại chúng một lòng chân thành lắng tâm chiêm ngưỡng Đức Thế Tôn. Khi đó, Đức Thế Tôn trước hết dùng hào quang thường hằng soi rọi đại chúng. Từ nơi hào quang thường hằng ấy và từ trên đỉnh đầu phóng ra luồng hào quang lớn tên là Phổ Chiếu, trong hào quang ấy lại có vô số trăm ngàn ánh sáng phụ thuộc nữa. Hào quang lớn ấy sau khi chiếu soi khắp mười phương trong tất cả thế giới, lien trở về chỗ Phật, nhiễu quanh Đức Phật ba vòng rồi vào miệng Đức Thế Tôn, nhưng miệng vẫn không động tĩnh, ví như ánh sáng mặt trời, mặt trăng từ cõi hư không chiếu ra mà cõi hư không cũng không chút động tĩnh, ánh sáng lúc vào miệng Đức Thế Tôn cũng giống như vậy. Lại như đống cát khô mà đổ dầu hoặc nước vào đó thì cũng không động tĩnh gì, hào quang của Phật lúc đi vào miệng cũng giống như thế.

Bấy giờ, ở phương Đông cách xa cõi Ta-bà này rất nhiều thế giới như số cát sông Hằng, ở đó có một thế giới tên là Đại liên hoa, Đức Phật ở thế giới ấy hiệu là Liên Hoa Nhãn, gồm đủ mười tôn hiệu: Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn, vì các vị Bồ-tát mà giảng nói yếu nghĩa của pháp Phật. Pháp do Đức Phật kia giảng nói chỉ dùng Nhất thừa để phát khởi lợi ích. Trong cõi của Đức Phật ấy không có danh hiệu Thanh văn, Duyên giác chứ đừng nói là có pháp của thừa Thanh văn, Duyên giác. Những hữu tình ở thế giới ấy đều tu theo pháp của hạnh Bồ-tát, đạt sự không thoái chuyển nơi quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Lại ở thế giới ấy cũng không dùng hình thức ăn uống để nuôi thân. Hàng Bồ-tát ở cõi ấy thảy đều dùng pháp Hỷ của đẳng trì, tĩnh lự mà làm thức ăn. Lại nữa, ở thế giới ấy không dùng mặt trời, mặt trăng và các vì sao để soi sáng, ánh sáng của Đức Như Lai kia chiếu soi khắp cả và thảy đều thanh tịnh. Cõi đất nơi ấy không có những cây cỏ, cát, sỏi, núi đất, núi đá, mặt đất bằng phẳng như lòng bàn tay. Nơi cõi ấy có vị Đại Bồ-tát hiệu là Trừ Cái Chướng riêng trụ một chốn, nếu các hữu tình nghe được danh hiệu của vị Đại Bồ-tát ấy thì tất cả những chướng ngại, vướng mắc đều được trừ sạch.

Lúc này, Đại Bồ-tát Trừ Cái Chướng thấy được ánh sáng của Phật Thích-ca soi rọi tới, liền rời trú xứ của mình, đến chỗ Đức Phật kia, tới nơi cúi đầu đảnh lễ xuống chân Phật rồi ngồi sang một bên. Cùng lúc, có các vị Bồ-tát khác cũng thấy được ánh sáng của Phật Thích-ca chiếu đến và cũng đều lìa trú xứ của mình, đến chỗ Đức Thế Tôn Liên Hoa Như Lai, đến nơi mỗi mỗi vị đều lễ xuống chân Phật rồi đứng sang một bên.

Khi ấy, Đại Bồ-tát Trừ Cái Chướng từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch áo bày vai bên phải, gối phải quỳ lên đài hoa sen, chắp tay đảnh lễ rồi bạch Đức Phật Liên Hoa Nhãn:

–Bạch Thế Tôn! Vì lý do gì có ánh sáng lớn này, ánh sáng rất tốt, không bụi nhơ, vô cùng trong sạch, làm vui lòng người, khiến những loài hữu tình được ánh sáng chiếu đến làm cho thân tâm điều hòa, thuận hợp?

Đức Như Lai Liên Hoa Nhãn nói với Đại Bồ-tát Trừ Cái Chướng:

–Này thiện nam! Ở phương Tây cách cõi này xa hơn số thế giới bằng cát sông Hằng, tại đó có thế giới tên là Ta-bà, Đức Phật nơi cõi ấy hiệu là Thích-ca Mâu-ni gồm đủ mười tôn hiệu: Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn. Nếu các hữu tình được nghe danh hiệu của Đức Như Lai đó thì thảy đều được quả vị Bất thoái chuyển nơi Bậc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, Đức Như Lai đó đã hiện ra ánh sáng mà các ông đã thấy.

Đại Bồ-tát Trừ Cái Chướng bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Vì nhân duyên gì mà các hữu tình nghe danh tự của Đức Như Lai kia thảy đều đạt được quả vị Bất thoái chuyển nơi Bậc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác?

Đức Như Lai Liên Hoa Nhãn bảo Bồ-tát Trừ Cái Chướng:

–Này thiện nam! Đức Phật Như Lai kia, trong đời quá khứ khi còn tu hạnh Bồ-tát đã phát lời thệ nguyện: Nguyện sau này khi tôi chứng đắc ngôi vị Chánh giác rồi, hết thảy hữu tình khi nghe được danh hiệu của tôi thì thảy đều đạt bậc Bất thoái chuyển nơi ngôi vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Bồ-tát Trừ Cái Chướng nói:

–Phải chăng trong cõi của Đức Thế Tôn kia hết thảy hữu tình đều đạt được Bất thoái chuyển?

Phật đáp:

–Không phải thế, thiện nam.

Bồ-tát Trừ Cái Chướng lại hỏi:

–Như vậy phải chăng cũng có những hữu tình không nghe được danh hiệu Đức Phật ấy?

Phật đáp:

–Này thiện nam! Hết thảy đều được nghe.

Bồ-tát Trừ Cái Chướng hỏi:

–Nếu được nghe thì cớ gì có kẻ không đạt được Bất thoái chuyển?

Phật bảo:

–Này thiện nam! Điều ta nói về hết thảy Bất thoái chuyển cũng không phải là hết thảy Bất thoái chuyển.

Bồ-tát Trừ Cái Chướng thưa:

–Như lời Phật vừa nói, hết thảy Bất thoái chuyển cũng không phải là hết thảy Bất thoái chuyển là nghĩa thế nào?

Phật bảo:

–Này thiện nam! Nếu có hữu tình được nghe danh hiệu của Đức Như Lai ấy, tâm sinh khởi chủng tử Bất thoái chuyển, ta nói những hữu tình ấy đạt được Bất thoái chuyển, không phải là được nghe danh hiệu của Đức Như Lai ấy thì cùng lúc đều đạt được Bất thoái chuyển.

Này thiện nam! Nay ta lại nêu thêm thí dụ để làm rõ nghĩa ấy: Ví như có loài cây mới vừa gieo hạt giống thì hạt giống ấy xa lìa những thứ đã mục nát, sau đó nhờ những duyên mà phát sinh mầm, thân, cho đến lớn dần rồi ra trái, kết hạt.

Này thiện nam! Tại sao cây kia lại chỉ nói về hạt giống?

Bồ-tát Trừ Cái Chướng bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Vì cây là do hạt giống phát triển mà thành, do đó phân tích ra mà nói thì là do hạt giống.

Phật bảo:

–Này thiện nam! Những hữu tình đạt được Bất thoái chuyển cũng lại như vậy. Do các hữu tình kia khi vừa được nghe danh hiệu của Như Lai thì chủng tử Bất thoái chuyển phát sinh đầy đủ, nên hữu tình đó liền đạt được Bất thoái chuyển nơi quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Bấy giờ, Đại Bồ-tát Trừ Cái Chướng bạch Phật Liên Hoa Nhãn Như Lai:

–Bạch Thế Tôn! Hôm nay con muốn đến thế giới Ta-bà để chiêm ngưỡng Đức Thích-ca Mâu-ni Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chánh Giác cùng lễ bái, phụng sự, để được gần gũi, cúng dường.

Đức Như Lai Liên Hoa Nhãn bảo Bồ-tát Trừ Cái Chướng:

–Này thiện nam! Ông có thể đến nơi ấy và nay là rất đúng lúc.

Các vị Bồ-tát khác bạch Phật Liên Hoa Nhãn Như Lai:

–Bạch Thế Tôn! Chúng con cũng muốn đến cõi Ta-bà để chiêm ngưỡng Đức Thích-ca Mâu-ni Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chánh Giác, cùng lễ bái, gần gũi, cúng dường.

Đức Thế Tôn ấy bảo các Bồ-tát:

–Này các thiện nam! Các ông nay có thể đến đó là đúng lúc, nhưng các ông sang thế giới ấy chớ có phóng túng. Vì sao? Vì trong thế giới kia, những loài hữu tình rất tham, sân, si, không nghĩ đến các hàng Sa-môn, Bà-la-môn, cha mẹ, lại thích làm những điều không đúng với chánh pháp, họ hung dữ, tàn bạo, miệng nói lời ác, kiêu căng, khinh mạn, mê đắm, biếng lười, phá giới, tạo điều ác, keo kiệt, ganh tị ngày càng tăng, nơi nhiều loại phiền não căn bản và tùy phiền não… như vậy, Đức Thế Tôn kia ở trong các hữu tình xấu ác ấy mà thuyết pháp.

Các vị Bồ-tát bạch Đức Phật Liên Hoa Nhãn:

–Bạch Thế Tôn! Vậy Đức Phật, Như Lai ở cõi Ta-bà kia đã có thể làm điều khó làm, trong cõi có nhiều hữu tình xấu ác mà lại vì những hữu tình ấy thuyết giảng chánh pháp.

Phật trả lời các Bồ-tát:

–Đúng vậy, đúng vậy! Này các thiện nam! Đức Phật Như Lai kia có thể làm điều khó làm, ở trong cõi hữu tình xấu ác đã vì họ ma giảng nói chánh pháp. Lại nữa, này các thiện nam! Những hữu tình ở thế giới kia cũng như thế, khó làm những điều có thể làm. Trong thế giới tạp nhiễm ấy, có thể khởi một tâm niệm thiện thật là khó. Vì sao? Vì nếu trong thế giới thanh tịnh, các loài hữu tình cũng thanh tịnh thì phát khởi tâm niệm thiện đâu có hiếm thấy. Còn ở trong thế giới tạp nhiễm có thể phát khởi được hạnh thiện thì thực là hiếm có. Có thể chỉ trong khoảnh khắc búng ngón tay mà phát khởi được lòng tin, chỉ trong khoảnh khắc búng ngón tay mà biết quy y Tam bảo Phật Pháp Tăng, chỉ trong khoảnh khắc búng ngón tay mà biết tu trì giới tịnh, chỉ trong khoảnh khắc búng ngón tay mà xa lìa được tâm tham đắm, chỉ trong khoảnh khắc búng ngón tay mà phát khởi được lòng yêu thương, phát tâm đạt đến Bậc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác thì hết sức hiếm có.

Các vị Bồ-tát nói:

–Thực là thế giới hiếm có, thực hiem thấy đấng Thiện Thệ như thế.

Lúc đó, Đại Bồ-tát Trừ Cái Chướng và các vị Bồ-tát khác đều lên tiếng khen ngợi:

–Quý hóa thay!

Khi ấy, các vị Bồ-tát từ nơi chỗ Đức Phật với hành tướng như vậy nghe lời Phật bảo, tuân theo sự chỉ giáo của Phật, mỗi vị lần lượt lễ xuống chân Phật, rời khỏi đạo tràng của Phật, cùng lúc đi đến thế giới Ta-bà nơi chỗ Đức Thế Tôn Thích-ca Mâu-ni để cúng dường. Hoặc có vị hóa ra những cây báu cành la sum suê, tươi, rậm, hoa trái đầy đủ. Có vị hóa ra cây báu lưu ly, có vị hóa ra cây Phả-chi-ca, hoặc hiện cây Kiếp, hoặc cây vàng ròng, hoặc cây nhiều hoa, hoặc cây nhiều quả, hoặc hiện ra vô số áo quý báu nhiệm mầu, hoặc vô số thứ trang nghiêm, hoặc vô số hương xoa, hoặc vô số lọng báu, hoặc vô số vòng hoa báu, hoặc vô số lọng đẹp, hoặc vô số hương bột, hoặc vô số âm nhạc tấu vang… như chỗ ứng hợp, đều hóa hiện xong, tất cả cùng nhau họp lại, theo chỗ chỉ dẫn, Đại Bồ-tát Trừ Cái Chướng và các vị Bồ-tát cùng đến cõi Ta-bà.

Bấy giờ, Đại Bồ-tát Trừ Cái Chướng bảo các Bồ-tát:

–Này các Nhân giả! Các hữu tình ở thế giới Ta-bà chịu nhiều đau khổ sâu nặng, các vị nên tùy thần lực của mình mà hóa hiện, để cho các hữu tình ở cõi đó đạt được niềm vui thù thắng.

Các vị Bồ-tát liền tuân theo lời dặn dò ấy.

Khi ấy, Bồ-tát Trừ Cái Chướng từ sắc tướng vốn có, dùng thần lực của mình biến hóa, liền từ thân phóng ra ánh sáng lớn vi diệu, thanh tịnh, hoàn toàn thuận hợp. Nhờ ánh sáng đó, khiến các loài hữu tình thân tâm điều hòa, an vui. Ánh sáng ấy chiếu khắp tam thiên đại thiên thế giới. Từ trong tam thiên đại thiên thế giới ấy, có các nẻo ác như địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, các loài hữu tình ở đấy đều nhờ ánh sáng chiếu đến mà được xa lìa nổi khổ, dứt tâm giận dữ, mưu hại, cùng nhau đều dấy khởi tưởng của mẹ cha. Nơi cõi tối tăm của tam thiên đại thiên thế giới, những nơi ánh sáng mặt trời, mặt trăng không chiếu tới, nhưng ánh hào quang của Bồ-tát cũng chiếu đến khắp. Vì có thần lực lớn, có uy đức lớn nên hào quang của Bồ-tát át cả ánh mặt trời, mặt trăng, những nguồn sáng ấy không còn tác dụng. Lại trong cõi tam thiên đại thiên thế giới này, ánh sáng kia đều chiếu khắp khiến những hữu tình trong đó nhìn thấy được nhau. Lại nữa, trong cõi tam thiên đại thiên thế giới, những ngọn núi Thiết vi, Đại thiết vi, Mục-chân-lân-đà, Đại mục-chân-lânđà, các Bảo sơn, Hắc sơn và những núi khác, ánh sáng kia đều chiếu khắp, trên đến cõi Phạm thế, dưới thấu đến đại địa ngục A-tỳ, cả trong khoảng giữa không có nơi nào, hướng nào mà ánh sáng nơi hào quang của Bồ-tát không soi tới.

Lúc này, các chúng Bồ-tát, tùy theo sắc tướng và chỗ hợp ứng của mình, cũng đều dùng thần lực tạo ra các sự việc, khiến các hữu tình: kẻ cần ăn được ăn, kẻ cần uống được uống, kẻ cần áo mặc được áo mặc, kẻ cần xe cộ có xe cộ, cần của cải có của cải, người mù thấy được, người điếc nghe được, kẻ trần trụi được áo quần che phủ, kẻ mê loạn được trở lại chánh niệm, kẻ khổ được vui, người mang thai thì sinh sản dễ dàng.

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20