KINH TRỪ CÁI CHƯỚNG BỒ-TÁT SỞ VẤN

Hán dịch: Đời Triệu Tống, Đại sư Pháp Hộ
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 7

 

Lại nữa, này thiện nam! Thế nào là Bồ-tát như gió đi khắp không bị ngăn ngại? Này thiện nam! Như gió ở thế gian trong tất cả nơi chốn không nương tựa, không vướng mắc, cũng không có hình sắc, nhưng có thể thổi tới bất cứ nơi nào, từ cung điện, lầu gác, cho đến núi Tu-di, biển cả thảy đều có gió thổi. Gió trí tuệ của Bồ-tát cũng lại như thế, đối với mọi nơi chốn cũng đều không bị vướng mắc, nhưng có thể nêu bày, gây tạo tất cả các pháp như uẩn, xứ, giới. Uẩn, tức sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Giới, tức nhãn giới, sắc giới, nhãn thức giới; nhĩ giới, thanh giới, nhĩ thức giới; tỷ giới, hương giới, tỷ thức giới; thiệt giới, vị giới, thiệt thức giới; thân giới, xúc giới, thân thức giới; ý giới, pháp giới, ý thức giới.

Xứ là nhãn xứ, sắc xứ; nhĩ xứ, thanh xứ; tỷ xứ, hương xứ; thiệt xứ, vị xứ; thân xứ, xúc xứ; ý xứ, pháp xứ; cho đến pháp thế gian và pháp xuất thế gian, cùng với các hàng trời, người, Chuyển luân thánh vương, Phạm vương, Đế Thích, trời Hộ thế, chư Thiên, Đại tự tại thiên, Thanh văn, Duyên giác, các Bồ-tát, Bậc Nhất Thiết Trí… dù có chỗ tạo tác nhưng thảy đều không trụ chấp, vướng mắc. Bồ-tát ở khắp mọi nơi không hề trụ chấp, vướng mắc. Như các chúng sinh, hoặc có tánh, hoặc không tánh, hoặc tánh, hoặc khác tánh, hoặc là tánh chân như… tuy có vô số tâm ý như thế, nhưng không có chủng loại nào dị biệt, khong gây tạo cũng không có chỗ duyên dựa, hết thảy đều là cảnh giới giải thoát, không chướng ngại, do đó các vị: Phạm vương, Đế Thích, trời Hộ thế… theo như lý mà hành hóa, nên trong mười phương thế giới không biên vực, hết thảy hữu tình cùng sự việc của hữu tình đều khiến đạt được. Ở mọi nơi chốn đều hoàn thành rồi, cho đến trong biên vực sau cùng của kiếp số ẩn giấu không hiện nhưng Pháp thân thì không thể phân biệt, cũng không phải là không thể chia ra. Đó là Bồ-tát như gió chuyển động không hề bị ngăn ngại.

Thế nào là cảnh giới hành hóa của Bồ-tát không có biên vực? Như gió nơi thế gian có thể ở trong vô lượng thế giới phát khởi, tạo thành tất cả mọi hạt giống. Gió trí tuệ của Bồ-tát cũng lại như thế, ở trong vô biên tận cùng của tất cả các pháp thế gian và thắng nghĩa, đều hiển hiện rộng lớn, khai mở nẻo giác ngộ, an lập trọn vẹn cùng giảng nói nơi chúng hội của Như Lai, chúng hội của Bồ-tát và hết thảy chúng hội nơi thế gian, suy nghĩ, hành động luôn thuận hợp, tâm không bị ngăn ngại. Nơi mọi phương xứ thảy đều thông đạt, không có giới hạn. Đó là cảnh giới hành hóa của Bồ-tát không có biên vực.

Thế nào gọi là Bồ-tát như gió có thể làm sụp đổ, phá tan đỉnh núi cao ngạo, kiêu mạn của hữu tình? Như gió trong thế gian, tất cả những thứ như núi đá, rừng rậm, cung điện… đều co thể thổi bay, phá vỡ, khiến sụp lở, ngã đổ. Gió trí tuệ của Bồ-tát cũng lại như thế, những thứ kiêu mạn, đam mê, chấp trước, thân kiến, cao ngạo, những hữu tình cậy vào hình sắc của tuổi trẻ, khỏe mạnh, sung sức, giàu sang, sống lâu, không bệnh, yên ổn, cùng với những hiểu biết rộng, thông kỹ nghệ, biện tài thân thuộc phú quý… Những hữu tình như thế do duyên cớ ấy nên khởi tâm ngã mạn, chấp tướng, làm điều sai trái với chánh đạo. Bồ-tát có thể vì các chúng sinh ấy giảng nói chỉ bày pháp thù thắng để phá trừ tâm kiêu mạn của họ, khiến họ khéo lìa xa cấu nhiễm, đạt được thanh tịnh. Đó là Bồ-tát như gió có thể thổi làm sụp đổ phá tan ngọn núi kiêu mạn của hữu tình.

Thế nào là Bồ-tát như gió thổi lay tạo các đám mây mưa pháp lớn? Như gió ở thế gian thổi lay các đám mây lớn từ bốn phương nổi lên, những vầng mây nhiều màu sắc chuyển động phát ra âm thanh sâu xa êm dịu, những tiếng sóng biển cùng vô số các âm thanh ca vịnh vang rõ, không ngừng, những âm thanh trong trẻo tuyệt vời khiến tâm ý vui thích, các ánh chớp nối tiếp đẹp đẽ, hiện bày cùng khắp cả đến trăm ngàn ức thế giới đều có thể thổi lay, tất cả những nơi chốn đáng ưa thích trong thế gian, các thứ hạt giống, lúa mạ, rừng cây, luôn tuôn xuống các loại mưa quý giá. Gió trí tuệ của Bồ-tát cũng lại như vậy, thường hiện ra vo số các loại mây thân tướng vi diệu, ánh sáng tỏa chiếu khắp mười phương thế giới, khiến hết thảy hữu tình đều yêu thích, sắc tướng nổi bật hơn hết, ánh sáng rực rỡ, hòa dịu dùng để trang nghiêm, phát ra pháp âm như thật cùng sáu mươi ngàn loại âm thanh nhiệm mầu, hơn hết. Gió đại Bi của Bồ-tát hiện bày khắp pháp giới, thâu tóm khắp các thế gian, che phủ tất cả thế giới, cứu vớt hết thảy các loài hữu tình nơi cõi ác, chốn nạn, hien đủ mọi tướng tốt rạng rỡ, mọi ánh sáng thanh tịnh tỏa chiếu, hộ trì, khiến cho hết thảy hữu tình đều thành tựu hạnh chân chánh, phá diệt hạnh tà, tuôn các trận mưa pháp lớn, các vật dụng để trang trí mà trang nghiêm cho họ, lập nên các cõi an vui tối thượng, khiến cho hàng trời, người thảy được trụ vào nơi chốn hỷ lạc tột bậc, mọi thứ hạt giống pháp thiện hiện có của thế gian và xuất thế gian nơi cỏ thuốc, rừng rậm đều được ươm trồng, những thời kỳ an lành đều được trao pháp quán đảnh. Đó gọi là Bồ-tát thổi lay tạo các đám mây mưa pháp lớn.

Thế nào là Bồ-tát có thể diệt trừ mọi ngọn lửa cháy bừng của phiền não nơi thế gian? Như gió trong thế gian có thể thổi lồng làm tung tóe làn nước mát, trong lành, dứt hẳn nỗi khổ bị nung đốt của các hữu tình, khiến họ được mát mẻ, vui thích. Gió trí tuệ của Bồ-tát cũng lại như vậy, tất cả những phiền não như tham, sân, si… của mọi chúng sinh nơi cõi ác, nhận thức sai ác, tạo hành tà ác, rơi vào cảnh giới bần cùng, đắm nhiễm ái dục, khổ vì oán ghét phải gặp nhau, khổ vì yêu thương mà phải xa lìa, hoặc các thứ bệnh tật bức bách, tham ái các pháp… tất cả những lửa cháy bừng ấy đều có thể bị diệt trừ do nước pháp tuôn rưới nên được mát mẻ tột bậc. Dùng nguyện lực “bất không” nên hoặc thấy, hoặc biết, thảy đều không bị ngăn ngại. Đó là Bồ-tát có thể diệt trừ ngọn lửa cháy bừng của tất cả phiền não nơi thế gian, cùng đưa các hữu tình ở vào cõi không còn lo lắng.

Thế nào là Bồ-tát không lay động nơi pháp thiện của tất cả chúng sinh, có thể cứu vớt, nuôi lớn thân mạng? Như người trong thế gian nhờ giữ được sức gió khi thở ra hít vào mà duy trì được mạng sống. Bồ-tát cũng lại như thế, dùng gió trí tuệ của mình thành tựu đầy đủ pháp thiện cho các hữu tình, khiến họ có được trọn vẹn và đều sinh tâm hoan hỷ.

Lại nữa, này thiện nam! Như gió nơi thế gian có thể tạo nên mọi thứ trang nghiêm, tốt đẹp đáng yêu thích nơi tất cả thế giới. Đó là núi kim cương Luân vi, núi Tiểu thiết vi, núi Đại thiết vi cùng bốn đại châu, những thứ vật báu trong biển lớn được Kim luân giữ lấy, núi Tudi, núi Đại Tu-di và các núi báu khác, cho đến núi Tuyết, núi Hương túy… cùng các cung điện lầu gác nơi bốn đại châu thuộc coi Diêmphù, nơi tiểu thiên thế giới, trung thiên thế giới, tam thiên đại thiên thế giới. Gió trí tuệ của Bồ-tát cũng lại như vậy, tức có thể phát khởi tạo thành khối phước đức rộng lớn cho hết thảy hữu tình, lần lượt bày biện như tạo nên núi Tuyết, nên có sự nhận biết như vậy, tức là chỗ tạo thành khối phước đức trong thế gian, như tạo nên núi Tu-di giữa bốn châu lớn. Nên biết chỗ tạo thành bậc Thanh văn như tạo nên tiểu thiên the giới. Nên biết chỗ tạo thành bậc Duyên giác như tạo nên trung thiên thế giới. Nên biết chỗ tạo thành tướng rộng lớn của Bồ-tát như tạo nên tam thiên đại thiên thế giới. Nên biết chỗ tạo thành thân tướng trăm phước đức của Như Lai, cao vượt trên tất cả thế gian, tận cùng hư không, được tất cả thế giới xưng tán về sự thanh tịnh vi diệu tột bậc, thực hiện mọi sự cúng dường tối thắng, đủ mọi hình tướng, sự việc. Hết thảy đều hiện tiền thành tựu như thế, thường trụ nơi Tamma-sí-đa (chánh định). Như tạo thành biển lớn, nên biết tức là chỗ tạo thành biển cả chánh định. Như tạo thành châu lớn, châu vừa cùng núi, đá nơi bốn châu lớn… nên biết tức là những Đà-la-ni nhằm hóa độ các học chúng của những hữu tình. Như tạo thành cung điện, lầu gác và các tòng lâm, nên biết tức là đã làm thanh tịnh cõi Phật bằng những công đức trang nghiêm. Như tạo thành vô số thứ biến hóa nơi kiếp thọ, nên biết tức là các pháp rộng lớn, tự tác, tối thượng, như mười Địa, mười Ba-la-mật, mười định, các pháp Đà-la-ni, sáu Thần thông, ba Minh, các trí tuệ sáng suốt, mười pháp tự tại… Lực, Vô úy của Phật và các Bồ-tát tâm đại Bi, các pháp Bất cộng.

Này thiện nam! Trong những pháp ấy thì những gì là tướng trăm phước của chư Phật, Thế Tôn?

Này thiện nam! Ví như mãn trong một kiếp tích chứa khắp mười phương, mà mỗi mỗi phương đều có vô số thế giới nhiều như số cát sông Hằng, trong các thế giới ấy hết thảy những loài hữu tình hiện có đều đầy đủ khối phước đức của các tiểu Chuyển luân vương nơi mười lần tam thiên đại thiên thế giới đã có được. Đem đủ vô số phước đức của các tiểu Luân vương hiện có cũng như khối phước đức nơi các loài hữu tình kia có được gộp lại, so với khối phước đức của một đại Chuyển luân vương là bằng nhau.

Lại vượt qua tất cả thế giới ở phương Đông, trong số thế giới ấy với các loài hữu tình hiện có mỗi mỗi hữu tình đều có đủ nhóm phước đức của một vị đại Chuyển luân vương như đã nói ở trên, như thế cho đến mười phương cùng khắp cõi hư không, tất cả hữu tình trong hết thảy thế giới ấy, mỗi mỗi hữu tình đều có đủ nhóm phước đức như bậc đại Chuyển luân vương có được. Lấy số phước đức ấy để so sánh, thì nhóm phước đức của các loài hữu tình này so với nhóm phước đức của một vị Đế Thích là bằng nhau.

Lại nữa, nếu trong mười phương, mỗi mỗi phương ấy đều có vô số thế giới nhiều như số cát sông Hằng, mỗi mỗi thế giới đó với vô số hữu tình hiện có đều có đủ nhóm phước đức của một vị Đế Thích. Phước đức của các vị Đế Thích ấy góp lại thành của một vị Đế Thích, rồi dùng số phước đức đó, cho đến cùng khắp cõi pháp giới trong hư không, hết thảy hữu tình hiện có nơi các thế giới ấy đều có đầy đủ nhóm phước đức của vị Đế Thích như đã nói trên, dùng số phước đức ấy để so sánh, thì nhóm phước đức của các hữu tình này so với phước đức của một vị Đại phạm thiên là bằng nhau.

Lại, như trong mười phương, mỗi mỗi phương đều có vô số thế giới nhiều như số cát sông Hằng, các loài hữu tình hiện có nơi mỗi mỗi thế giới kia đều có đủ nhóm phước đức của một vị Đại phạm thiên, tất cả gom lại thành một vị Đại phạm Thiên vương, rồi lấy số lượng như thế tận cùng pháp giới trong hư không, tất cả các loài hữu tình hiện có trong thế giới đó đều có đủ nhóm phước đức như của vị Đại phạm thiên vương đã nói trên, lấy số phước đức ấy để so sánh, thì nhóm phước đức của các hữu tình ấy tức bằng với chỗ chứng đắc của các bậc Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát, về vô số hào quang lớn nơi đại địa, trao truyền pháp Quán đảnh, đạt được mười tự tại với những công đức hiện có.

Này thiện nam! Từ sự việc ấy, hết thảy những hữu tình hiện có trong mười phương không hạn lượng thế giới, tận cùng cõi hư không, dồn chứa khối lượng phước đức có được trong ba đời, dùng nhóm phước đức ấy tận cùng khắp cõi hư không, tất cả các thế giới hiện có số lượng nhiều như số hạt bụi, rồi gấp lên hàng trăm lần, tức thành mỗi mỗi lỗ chân lông của Như Lai, trong mỗi mỗi lỗ chân lông ấy có thể thu vào nhóm phước đức kia dùng mười lần bội số của trăm ngàn a-tăng-kỳ, rồi gấp lên lần nữa tức thành tám mươi vẻ đẹp của Như Lai, trong mỗi mỗi vẻ đẹp kèm theo kia thu nạp hết thảy nhóm phước đức, tăng lên bằng số của mười lần số bất khả thuyết, lại gấp lên nữa tức thành ba mươi hai tướng tốt của Như Lai, trong mỗi mỗi tướng tốt được thành tựu kia, lấy bội số của mười lần số không thể nêu bày được nhân gấp lên tức thành tướng Bạch hào của Như Lai, viên mãn không cấu uế như vầng trăng tròn đầy, sáng trong, thù thắng. Từ những tướng tốt ấy, dùng mười lần số không thể nêu bày không thể nói hết hàng ngàn ức rồi gấp bội lên nữa, tức thành tướng tốt Nhục kế trang nghiêm nơi đỉnh đầu Như Lai, mà hết thảy những gì cao lớn, hiển bày nhất trong thế gian cũng không thể trông thấy được. Từ tướng tốt ấy, lấy mười lần số chẳng thể nêu, chẳng thể nêu bày hàng ức triệu trăm ngàn số gấp bội, rồi gấp bội nữa, mới làm nên sáu mươi ngàn thứ chỗ duyên nơi âm thanh không giới hạn, lan truyền điều mầu nhiệm đặc biệt, khiến không nơi nào khi được nghe mà không khởi tâm giác ngộ, khiến cho khắp các loài hữu tình đều phát sinh tâm đại hoan hỷ, mở bày chỉ rõ hết thảy các thế giới qua ngôn ngữ thanh tịnh, nơi đại biện tài của Phật.

Này thiện nam! Đây là nói về tướng trăm phước đức của chư Phật, Thế Tôn. Như Lai đã dùng phước trí, nơi hạnh thù thắng vô tận này làm trang nghiêm khắp nơi chốn, rộng vì hết thảy các hữu tình mà cứu giúp nuôi dưỡng thân mạng họ.

Này thiện nam! Giả như tận cùng khắp pháp giới nơi hư không trong mười phương, hết thay các thế giới ấy với những hữu tình hiện có trọn trong một kiếp thảy đều trụ nơi quả vị của Bồ-tát là địa Pháp vân (Địa thứ mười), đầy đủ các thắng tướng, là chỗ trang nghiêm của thân ngữ ý, đầy đủ các pháp Đà-la-ni cùng mười thứ tự tại, các vị Bồ-tát ấy, dùng những dụng cụ làm bằng vàng Diêm-phù-đàn dung lượng bằng cõi hư không, nhiều như số cát sông Hằng, mỗi mỗi dụng cụ ấy chứa đầy các vật báu, trải qua thời gian như thế cho đến biên vực tận cùng trọn vẹn trong kiếp, nơi từng sát-na luôn đến rồi đi, mỗi mỗi đều giữ lấy nhập vào một lỗ chân lông của Như Lai, mà nơi một lỗ chân lông của Phật Thế Tôn nhóm phước đức hiện có cũng không thêm không bớt.

Này thiện nam! Đó là tướng trăm phước đức không thể nghĩ bàn của Như Lai.

Lại nữa, những gì là mười hai địa? Đó là địa chưa phát tâm Bồđề, địa Hoan hỷ, địa Ly cấu, địa Phát quang, địa Diệm tuệ, địa Nan thắng, địa Hiện tiền, địa Viễn hành, địa Bất động, địa Thiện tuệ, địa Pháp vân, địa Phổ biến quang minh Phật, đó là mười hai địa. Trong ấy những gì là địa chưa phát tâm Bồ-đề? Bồ-tát này đã vượt qua hết thảy những hạnh tà của hạng ngu phu, cùng hết thảy các vị trời Phạm vương, Đế Thích, Hộ thế, các Thanh văn, Duyên giác trong ba đời với những hành tướng an lành hơn hẳn, vượt qua hết thảy thế gian, làm trang nghiêm cho ba nghiệp thân ngữ ý. Nơi vô biên thế giới trong mười phương gồm đủ vầng ánh sáng lớn rực rỡ, chiếu rọi khắp nơi, đạt được diệu lực không bị chướng ngại, hành trì pháp Đà-la-ni nơi vô số thế giới, trong mỗi mỗi tướng mặc tình hiện bày rộng mở. Trong bốn đại châu nơi thế giới, hiện ra khắp nơi các mùi hương, ánh sáng rực rỡ như vòm lưới rộng lớn làm trang nghiêm khắp các cõi ấy. Hoa sen đỡ chân đặt để khắp, cả đến chỗ tận cùng của đại thiên thế giới tôn vẻ trang nghiêm nơi pháp tòa mầu nhiệm, đạt hết thảy các pháp điều phục thuận hợp, khéo xem xét những thành tựu theo ý, không hề bị trở ngại. Duyên theo sự tướng hiện ra mười loại tướng tốt lớn, cùng vô số các tướng hiển hiện, chỉ bày pháp Bất thoái chuyển. Nơi hết thảy xứ sở không biên giới, tùy chốn tùy lúc hóa độ phóng ra lưới ánh sáng rộng lớn không thể nghĩ bàn, hiện thân với vô số sự trang nghiêm theo ảnh tượng đến khắp vô lượng cõi nước nơi các thế giới nhiều đến nỗi không thể nêu bày hoặc lường biết được, có thể vì những bậc chủ của các cõi ấy, khuyên họ thọ trì pháp Quán đảnh, làm tăng trưởng sự gia trì, vì cả cõi thế gian và xuất thế gian, thường xuyên tuôn xuống vô lượng trận mưa pháp báu lớn, với các pháp môn quang minh mầu nhiệm đều không bị ngăn ngại, bao trùm rộng khắp thực hiện phước hạnh đại thí tối thượng, tùy thuận hết thảy thế gian, vì khắp các loài hữu tình tạo đầy đủ mọi pháp bất không theo đúng ý nguyện của họ.

Kẻ nhìn thấy đều phát khởi tâm thanh tịnh thuần thiện, đáng yêu thích, làm chấn động khắp các cõi, theo chỗ suy niệm hướng đến các cõi ác với hết thảy hữu tình ở đấy nhờ đó mà được cứu độ, khắp chốn thâu nhận pháp môn cúng dường vô biên chư Phật, hiện rõ diệu dụng nơi hết thảy các pháp chánh định Tổng trì, giải thoát thông tỏ, vô biên pháp lạc với vườn pháp vi diệu hơn hết nhưng không tham đắm. Đạt được vô biên ức kiếp không phát khởi tỏ ngộ, không dấy bày nghi hoặc, vui thích nơi hạnh sáng rỡ, vô số ức na-do-tha trăm ngàn kiếp tu tập đầy đủ phần vị thanh tịnh của Đại thừa, hoàn thành vô số hạnh lợi tha, trăm ngàn loại phước trí, thắng hạnh rộng lớn, viên mãn rốt ráo, gồm đủ tuyệt đối ba pháp: Tín, Giải, Hạnh, liền đạt được Địa thứ nhất. Nay theo thứ lớp nơi quả vị Bồ-tát. Đó gọi là Địa chưa phát tâm Bồđề.

Này thiện nam! Ví như Chuyển luân thánh vương, tuy có sắc tướng vượt hơn hẳn mọi người, nhưng chưa đạt được sắc tướng của chư Thiên. Quả vị Bồ-tát này cũng lại như vậy, tuy đã vượt hơn hết thảy thế gian, các bậc Thanh văn, Duyên giác, nhưng chưa đạt quả vị tối thượng của Bồ-tát.

Lại nữa, ánh sáng chiếu khắp nơi quả vị Phật không ở giữa, không ở ngoài biên, nhưng không sót một nơi chốn nào, hết thảy đều thanh tịnh, đối với các pháp đều tự tại, có thể khéo xem xét khắp vô số thứ tướng khiến tất cả hữu tình cùng đạt được lợi lạc.

Những gì là các Bồ-tát hành trì mười loại Tam-ma-địa? Đó là:

  1. Cao quý hơn hết.
  2. Khéo an trụ.
  3. Không lay động.
  4. Không thoái chuyển.
  5. Chứa nhóm những thứ báu.
  6. Như ánh mặt trời sáng rực.
  7. Hết thảy các nghĩa đều thành tựu.
  8. Trí tuệ sáng tỏ.
  9. An trú hiện tại trước Phật.
  10. Đạt pháp Tam-muội Thủ-lăng-nghiêm. Như thế tức nẻo hành trì chánh định của Bồ-tát là vô biên.

Lại nữa, có mười hai loại pháp Tổng trì. Những gì là mười hai pháp?

  1. Pháp Quan đảnh.
  2. Pháp Đại trí.
  3. Âm thanh thanh tịnh.
  4. Kho chứa vô tận.
  5. Chuyển đổi vô biên.
  6. Pháp Hải ấn.
  7. Hoa sen trang nghiêm.
  8. Hướng đến cửa vô ngại.
  9. Quyết định xuất sinh các hành, giải vô ngại.
  10. Trụ nơi cõi Phật trang nghiêm.
  11. Sắc tướng vô biên.
  12. Thành tựu viên mãn sắc tướng nơi thân Phật. Đó là mười hai loại pháp Tổng trì.

Lại có sáu thứ Thần thông. Những gì là sáu?

  1. Thiên nhãn thông.
  2. Thiên nhĩ thông.
  3. Tha tâm trí thông.
  4. Túc trụ tùy niệm trí thông.
  5. Thần cảnh trí thông.
  6. Lậu tận trí thông.

Đó là sáu Thần thông.

Lại nữa, các vị Bồ-tát có mười thứ tự tại. Những gì là mười?

  1. Có đủ diệu lực thọ lượng trong vô lượng a-tăng-kỳ kiếp, tức là thọ mạng tự tại.
  2. Có pháp môn Tam-ma-địa vi diệu không thể nêu bày, không thể bàn luận liên tục hội nhập vào những cảnh giới tương ưng thù thắng, tức là tâm tự tại.
  3. Có vô số vật dụng trang nghiêm của tất cả the giới, trang nghiêm, hộ trì chỉ rõ chỗ thuận hợp, tức là thọ dụng tự tại.
  4. Tùy theo sức mạnh của nghiệp báo trong thời phần nào đó đều được hiển bày, tức là nghiệp tự tại.
  5. Thị hiện thọ sinh nơi tất cả các thế giới, tức thọ sinh tự tại.
  6. Gặp Phật thị hiện trọn vẹn ở hết thảy các thế giới, tức là tin hiểu tự tại.
  7. Tùy theo lúc muốn thích ở trong các quốc độ hiện thành Bồđề, tức là ý nguyện tự tại.
  8. Ở nơi hết thảy các thế giới, có thể hiện bày vô biên thần thông, tức là thần thông tự tại.
  9. Ánh sáng của pháp môn vô biên, vô trung thường hiện rõ, tức là pháp lực tự tại.
  10. Đối với những pháp của Như Lai như mười Lực, bốn Vô sở úy, bốn vô ngại giải, mười tám pháp Bất cộng, ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp cùng hiện chứng quả vị Bồ-đề tối thượng, ba đời đầy đủ nơi hết thảy cõi Phật, trong số lượng cõi nhiều như những hạt bụi đều biết rõ về một tướng, gồm đủ các tướng thù thắng cho đến hiện chứng Nhất thiết trí thảy hiển bày rõ, tức là trí tự tại.

Đó là mười thứ tự tại của Bồ-tát.

Lại nữa, những gì là mười Lực của Bồ-tát? Đó là:

  1. Lực của ý vui thích.
  2. Lực sâu xa, bền bĩ.
  3. Lực của phương tiện.
  4. Lực của trí tuệ.
  5. Lực của nguyện.
  6. Lực hành trì.
  7. Lực chuyên chở.
  8. Lực biến hóa thần diệu.
  9. Lực Bồ-đề.
  10. Lực chuyển pháp luân.

Đó là mười Lực của hàng Bồ-tát.

Những gì là bốn Vô sở úy của Bồ-tát? Đó là:

  1. Đối với các pháp Tổng trì, tùy chỗ nghe được đều có thể nhận lấy nêu giảng về nghĩa lý, không lo sợ.
  2. Thấu rõ pháp vô ngã, nên không nhiễu hại kẻ khác, gồm chứa pháp gốc vô tướng, tu tập oai nghi không thiếu sót, ba nghiệp thanh tịnh, thành tựu việc hộ trì rộng lớn, không hề sợ sệt.
  3. Thường giữ gìn chánh pháp không hề quên mất, an trú rốt ráo nơi phương tiện trí tuệ, cứu độ hữu tình, không sinh tâm buông lung, mở bày pháp thiện, đạt được sự xa lìa các chướng ngại, khó khăn không hề sợ hãi.
  4. Không quên mất tâm của Nhất thiết trí, cũng như đối với các thừa khác, nơi các con đường xuất ly đều được tự tại, viên mãn, thành tựu được hết thảy các loại, hết thảy các việc, không sợ hãi.

Đó là bốn pháp Vô sở úy của Bồ-tát.

Những gì là mười tám pháp Bất cộng của Bồ-tát. Đó là:

  1. Bồ-tát bố thí, không chấp trước.
  2. Bồ-tát trì giới, không chấp trước.
  3. Bồ-tát thực hành hạnh nhẫn nhục, không chấp trước.
  4. Bồ-tát luôn tinh tấn, không chấp trước.
  5. Bồ-tát tu tập thiền định, không chấp trước.
  6. Bồ-tát đạt trí tuệ, không chấp trước.
  7. Bồ-tát dùng bốn Nhiếp pháp để thu phục hữu tình.
  8. Khéo rõ các pháp hồi hướng.
  9. Khéo dùng các phương tiện khiến cho các hữu tình tăng trưởng các hạnh đã tu tập.
  10. Mở bày chỉ rõ con đường xuất ly của pháp thượng thừa.
  11. Đối với pháp Đại thừa không hề thoái chuyển.
  12. Bày tỏ về cửa sinh tử và Niết-bàn.
  13. Đối với văn bản nơi kinh điển không bớt câu chữ.
  14. Trong chỗ tạo tác, hành hóa, trí tuệ luôn đi trước.
  15. Nơi sinh ra luôn xa lìa lỗi lầm.
  16. Đối với thân, khẩu, ý luôn gồm đủ mười nghiệp thiện.
  17. Chịu đựng các khổ, không lìa bỏ hết thảy hữu tình.
  18. Tất cả những sự yêu thích nơi thế gian thảy đều thể hiện rõ ràng, cùng khắp, từ hàng phàm phu, đến bậc Thanh văn, Duyên giác, khéo dùng những thứ quý báu và cây như ý trang trí đẹp đẽ, vững chắc, khiến tâm của Nhất thiết trí vĩnh viễn không quên mất, đạt tất cả pháp, y theo pháp Quán đảnh, thường theo chỗ mong muốn được gặp Phật, Pháp, Tăng.

Đó là mười tám pháp Bất cộng của Bồ-tát.

Thế nào là mười Lực của Như Lai? Đó là:

  1. Trí lực nơi xứ, chẳng phải là xứ.
  2. Trí lực giáo hóa, chỉ rõ về nhân quả báo ứng theo nghiệp trong đời quá khứ, hiện tại, vị lai.
  3. Trí lực tin tưởng và hiểu rõ về mọi thứ pháp.
  4. Trí lực hiểu rõ đủ loại cảnh giới.
  5. Trí lực hiểu rõ, phân biệt được căn trí của mình và của người khác.
  6. Trí lực đạt đến nẻo đạo.
  7. Trí lực phát khởi hết thảy phap thiền định, giải thoát, các pháp chánh định, đẳng trì nhiễm, tịnh….
  8. Trí lực theo sự nhớ nghĩ về kiếp trước.
  9. Trí lực về sinh tử.
  10. Lực dứt sạch hết các lậu.

Đó là mười Lực của Như Lai.

Thế nào là bốn pháp Vô sở úy của Như Lai? Đó là:

  1. Trí hiện chứng tất cả pháp, không sợ hãi.
  2. Trí dứt sạch các lậu, không sợ hãi.
  3. Quyết định giảng nói về chướng ngại nơi đạo, không sợ hãi.
  4. Xuất ly hết sạch các nẻo khổ, không sợ hãi.

Đó là bốn pháp Vô sở úy của Như Lai.

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20