KINH TRỪ CÁI CHƯỚNG BỒ-TÁT SỞ VẤN

Hán dịch: Đời Triệu Tống, Đại sư Pháp Hộ
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 9

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nếu tu hành mười thứ pháp sau đây liền được như mặt trời. Mười pháp đó là những gì?

  1. Phá trừ bóng tối của vô minh.
  2. Mở bày tất cả.
  3. Khắp cả mười phương đều được sự ấm áp hòa dịu.
  4. Phát khởi các pháp thiện.
  5. Những hữu lậu đều bị diệt hết.
  6. Làm ánh sáng chiếu soi.
  7. Ngăn chặn các thứ tà vạy, quái dị.
  8. Các pháp cao thấp đều được mở bày sáng rõ.
  9. Thành tựu những sự nghiệp.
  10. Người thiện ưa thích, mong muốn.

Này thiện nam! Thế nào là Bồ-tát phá trừ những bóng tối của vô minh? Như mặt trời mới mọc có thể trừ bỏ hết thảy những chốn tối tăm. Mặt trời của Bồ-tát cũng lại như vậy, từ khi mới mọc đã có thể dứt trừ tất cả bóng tối của vô minh. Đó là Bồ-tát phá trừ bóng tối của vô minh.

Thế nào là Bồ-tát mở bày tất cả? Như khi mặt trời mọc, sẽ làm bừng nở hoa sen trong lành cùng các loài hoa khác. Mặt trời của Bồtát cũng lại như vậy, đối với những hữu tình cần được hóa độ, Bồ-tát đều mở bày khiến được giác ngộ. Đó là Bồ-tát mở bày tất cả.

Thế nào là Bồ-tát làm cho khắp cả mười phương đều được ấm áp, hòa dịu? Như khi mặt trời mọc khiến cho cùng khắp mười phương đều được nắng ấm. Mặt trời của Bồ-tát cũng lại như thế, lúc mới xuất hiện, ánh sáng của trí tuệ Bồ-tát chiếu khắp mười phương, hết thảy đều được ấm áp nhưng không làm rối loạn các hữu tình trong thế gian. Đó là Bồ-tát làm cho khắp cả mười phương đều được ấm áp, hòa dịu.

Thế nào là Bồ-tát phát khởi các pháp thiện? Như khi mặt trời

sắp mọc, trong cõi Diêm-phù-đề trước tiên hiện ra tướng sáng rõ, nên biết đó là mặt trời sắp xuất hiện. Mặt trời của Bồ-tát cũng lại như thế, khi sắp xuất hiện, trước tiên hiện ra tướng ánh sáng của trí tuệ, các hữu tình liền biết là Bồ-tát sắp ứng hiện. Đó là Bồ-tát phát khởi các pháp thiện.

Thế nào là Bồ-tát diệt trừ hết các hữu lậu? Như ở cõi Diêm-phùđề, khi ánh sáng mặt trời ẩn mất thì biết là mặt trời lặn. Bồ-tát cũng lại như thế, khi các phiền não cấu nhiễm ẩn khuất không còn hiện ra, thì biết là các lậu nơi Bồ-tát đã hết. Đó là Bồ-tát đã diệt hết các thứ hữu lậu.

Thế nào là Bồ-tát tạo ra ánh sáng soi chiếu? Như mặt trời mới mọc, nơi cõi Diêm-phù-đề, các loài hữu tình đều được nhận ánh sáng soi chiếu khắp. Mặt trời của Bồ-tát cũng lại như vậy, khi mới xuất hiện, ánh sáng của trí tuệ soi chiếu khắp tất cả hữu tình, trừ bỏ hết thảy si mê, tăm tối che lấp. Đó là Bồ-tát tạo ra ánh sáng soi chiếu.

Thế nào là Bồ-tát ngăn chận các thứ tà vạy, quái dị? Như ánh sáng mặt trời xuất hiện thì che lấp các thứ ánh sáng nhỏ nhưng mặt trời không suy nghĩ: Ta có the làm mờ các thứ ánh sáng nhỏ. Vì sao? Vì khi ánh sáng mặt trời xuất hiện thì đúng lý phải như thế. Mặt trời của Bồ-tát cũng lại vậy, khi ánh sáng trí tuệ xuất hiện, thì tất cả ánh sáng nhỏ nhoi của ngoại đạo, tà giao dị học thảy đều bị che lấp, nhưng Bồ-tát cũng không suy nghĩ: Ta có thể làm mờ khuất ánh sáng nhỏ nhoi của tà giáo, dị học. Vì sao? Vì các thứ ánh sáng nhỏ kia theo như lý thì không thể không mờ khuất được. Đó là Bồ-tat ngăn chận những thứ tà vạy, dị học.

Thế nào là Bồ-tát đối với các pháp cao thấp đều mở bày làm rõ? Như khi mặt trời mọc, thì ở cõi Diêm-phù-đề, tất cả từ nơi gò đồi đến chỗ đất bằng, hết thảy mọi người đều có thể nhìn thấy rõ. Mặt trời của Bồ-tát cũng lại như vậy, ánh sáng của trí tuệ soi chiếu khắp khiến các loài hữu tình thấy rõ tất cả, từ nơi gò đồi cho đến chốn bằng phẳng. Chốn bằng phẳng tức là tám Chánh đạo, gò đống tức là tám thứ tà đạo. Đó là Bồ-tát khai mở rõ ràng các chốn cao thấp.

Thế nào là Bồ-tát thành tựu các sự nghiệp? Như mặt trời mới mọc tất cả nhà nông trong mùa cày cấy đều thức dậy và bắt đầu công việc. Mat trời của Bồ-tát xuất hiện cũng lại như thế, tất cả sự nghiệp về pháp thiện của hữu tình đều được thành tựu. Đó là Bồ-tát thành tựu các sự nghiệp.

Thế nào là Bồ-tát được các người thiện ưa thích, mong muốn? Như mặt trời mới mọc, người thiện yêu thích, kẻ dữ nghi, ghét. Mặt trời của Bồ-tát cũng lại như vậy, tất cả người trí tuệ đều sinh lòng yêu mến, những kẻ hướng theo tà đạo, gian ác, ngu tối, không trí thì tham đắm nơi sinh tử, kẻ quay lưng với Niết-bàn thì sinh nghi, ghét. Đó là Bồ-tát được người thiện vui thích, mong muốn.

Này thiện nam! Bồ-tát nếu tu mười thứ pháp như thế liền đạt được như mặt trời.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tap mười pháp sau đây thì sẽ như sư tử. Mười pháp ấy là những gì?

  1. Tự mình không sợ hãi.
  2. Không sợ kẻ khác.
  3. Luôn tiến tới, không thoái lui.
  4. Có thể như tiếng gầm của sư tử.
  5. Quán xét sự vật không hề sợ hãi.
  6. Thường đi trong rừng vắng.
  7. Thích ở nơi núi cao.
  8. Không hề bị ràng buộc.
  9. Tự có đủ sức mạnh, hàng phục được các thứ quân khác.
  10. Khéo tạo mọi việc giữ gìn.

Này thiện nam! Thế nào là Bồ-tát tự mình không sợ hãi? Ví như sư tử ung dung bước đi, không kinh không sợ. Vì sao? Vì không thấy có loài thú nào sánh bằng mình. Bồ-tát cũng lại như thế, vòng quanh, lui tới, đi khắp cả mà không hãi không sợ. Vì sao? Vì không thấy có người nào sánh ngang với mình. Đó là Bồ-tát tự mình không sợ hãi.

Thế nào là Bồ-tát không sợ kẻ khác? Như sư tử kia không sợ các loài thú khác cùng những tiếng gầm, rú, tà ác. Bồ-tát cũng lại như vậy, nếu như cùng với tất cả tông phái khác ngoại đạo tranh luận về nghĩa lý, tâm không khiếp sợ, cũng không tự ti. Đó là Bồ-tát không sợ kẻ khác.

Thế nào là Bồ-tát luôn tiến tới không thoái lui? Như sư tử kia

mãi tiến tới không lùi. Bồ-tát cũng lại như thế, bản tánh vốn luôn tiến tới theo chánh pháp, không hề thoái lui theo tà giáo dị học, luôn thể hiện biện tài không cùng. Đó là Bồ-tát luôn tiến tới, không thoái lui.

Thế nào là Bồ-tát có năng lực như tiếng gầm của sư tử? Ví như lúc sư tử phát ra tiếng gầm, tất cả các loài hươu nai, chồn cáo đều sợ hãi trốn chạy khắp chốn, Bồ-tát cũng lại như vậy, như khi tạo nên tiếng gầm của sư tử về vô ngã tất khiến cho hết thảy những kẻ tham đắm chấp ngã, tin điều tà, dị nơi ngoại đạo đều kinh sợ trốn chạy khắp các phương, nhưng Bồ-tát không hề não hại những kẻ ấy, chỉ vì họ mà phá trừ tâm tham đắm, chấp ngã nên khởi phát tiếng gầm như thế, lai cũng nhằm điều phục những hữu tình khác. Đó là Bồ-tát có năng lực như tiếng gầm của sư tử.

Thế nào là Bồ-tát quán xét không hề sợ hãi? Như sư tử kia với tư thế không sợ hãi khi nhìn xem cùng khắp. Bồ-tát cũng lại như thế, tâm chí luôn hành thanh tịnh, tạo tướng không sợ hãi khi xem xét cùng khắp. Đó là Bồ-tát xem xét không hề sợ hãi.

Thế nào là Bồ-tát thường đi lại trong rừng? Như bản tánh của sư tử là thích đi lại trong rừng vắng. Bồ-tát cũng lại như vậy, do tự tánh vắng lặng, xa lìa những nơi ồn ào nên thích đi lại trong rừng. Đó là Bồ-tát thường đi lại trong rừng.

Thế nào là Bồ-tát thích ở nơi núi sâu? Như sư tử kia thích ở nơi hang núi. Bồ-tát cũng lại như thế, thích trụ nơi hang núi trí tuệ, thiền định. Đó là Bồ-tát thích ở nơi núi sâu.

Thế nào là Bồ-tát không hề bị ràng buộc? Như sư tử kia không gì trói buộc được. Bồ-tát cũng lại như thế, đã trừ bỏ het thảy gánh nặng của các phiền não, xa lìa các trói buộc. Đó là Bồ-tát không hề bị ràng buộc.

Thế nào là Bồ-tát tự gồm đủ uy lực có thể hàng phục các thứ quân khác? Như sư tử kia một mình không bạn bè, có thể đánh bại những loài thú khác. Bồ-tát cũng lại như vậy, khi một mình không bạn bè, an tọa nơi đạo tràng, dùng uy lực của chính mình hàng phục các quân ma. Đó là Bồ-tát tự gồm đủ uy lực có thể hàng phục các thứ quân khác.

Thế nào là Bồ-tát khéo tạo sự giữ gìn? Như sư tử kia nếu ở gần

làng xóm thì những nơi đó các loài hươu, nai… không dám xâm hại hoa màu. Bồ-tát cũng lại như thế, khi an trụ nơi các quốc độ, thành ấp, hoặc những phương, xứ nào thì các hàng ngoại đạo, tà giáo, dị học hươu nai kia… không thể gây tổn hại đến hạt giống pháp thiện của hữu tình. Đó là Bồ-tát khéo tạo sự giữ gìn.

Này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp như thế tức như sư tử.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp sau đây thì có thể tạo được mọi sự điều phục. Mười pháp ấy là những gì?

  1. Tâm Bồ-đề luôn kiên cố.
  2. Tu trì hạnh Bồ-đề.
  3. Giữ gìn các căn.
  4. Hướng đến chánh đạo.
  5. Có thể gánh vác việc nặng nề.
  6. Vì các hữu tình nên không sinh tâm lười nhác, thoái lui.
  7. Tự nuôi dưỡng bằng đời sống chân chánh.
  8. Xa lìa dua nịnh.
  9. Không dấy lên tâm dối gạt, mê hoặc.
  10. Thân tâm luôn chánh trực.

Đó là mười pháp. Này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp như thế thì có thể tạo được mọi sự điều phục.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp sau đây thì có thể khéo hành hóa. Mười pháp ấy là những gì?

  1. Tuy tu hành định mà thường quán không.
  2. Tuy dứt hết những chướng ngại mà thường tu hạnh thiện.
  3. Tuy xa lìa mọi tạo tác mà khéo thuận theo lời Phật dạy, không trái nhau.
  4. Bình đẳng hiểu rõ hết thảy các pháp, lãnh hội diệu lý của pháp giới.
  5. Nơi thế gian thân luôn có thể tự hạ, khiêm tốn như là hàng Chiên-đà-la.
  6. Xa lìa kiêu mạn, đối với người khác luôn nghĩ tưởng là kẻ trí.
  7. Dùng trí hiện lượng thấu tỏ pháp Phật, xa lìa nghi hoặc.
  8. Tuy biết các pháp sai biệt nhưng đạt được tướng quyết định.
  9. Tự giữ lấy chánh đạo, không theo giáo pháp khác.
  10. Khéo thuận theo thế gian, làm ruộng phước cho đời.

Này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười thứ pháp ấy có thể khéo hành hóa.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp sau đây thì giống như hoa sen. Mười pháp ấy là những gì?

  1. Xa lìa những cấu nhiễm.
  2. Không kết hợp với điều ác dù là ít.
  3. Hương giới luôn sung mãn.
  4. Bản thể thanh tịnh.
  5. Vẻ mặt luôn hòa nhã vui vẻ.
  6. Mềm dịu không thô tháo.
  7. Ai trông thấy đều an lành.
  8. Mở bày đầy đủ.
  9. Trong sạch, thành thục.
  10. Mới sinh đã biết nghĩ tưởng.

Này thiện nam! Thế nào là Bồ-tát xa lìa những cấu nhiễm? Ví như hoa sen sinh ra trong nước mà nước không làm cấu nhiễm. Vì sao? Vì lý của pháp là như thế. Bồ-tát cũng lại như vậy, tuy ở trong dòng sinh tử mà không đắm nhiễm. Vì sao? Do phương tiện của trí tuệ đạt lý như vậy. Bồ-tát dùng phương tiện thiện xảo, ở trong cõi sinh tử mà không bị những lầm lỗi của sinh tử làm cho nhiễm ô, lại vận dùng trí tuệ phương tiện để thu nhận các hữu tình. Đó là Bồ-tát lìa những cấu nhiễm.

Thế nào là Bồ-tát không kết hợp với điều ác dù là một ít? Ví như hoa sen không hề lưu giữ lại dù chỉ là một giọt nước. Bồ-tát cũng lại như thế, không hề kết hợp với những cái xấu, dù là chút ít. Đó là Bồ-tát không thể kết hợp với những cái xấu dù là chút ít.

Thế nào là Bồ-tát với hương giới luôn sung mãn? Ví như hoa sen lúc nở, tùy theo nơi chốn mà hương thơm tỏa rộng. Bồ-tat cũng lại như thế, khi đến những cõi nước, thành ấp, xứ sở nào thì hương giới thơm lừng tỏa khắp nơi chốn ấy. Đó là Bồ-tát với hương giới luôn sung mãn.

Thế nào là Bồ-tát với bản thể thanh tịnh? Ví như hoa sen lúcnở, tự nhiên trắng trong, thanh tịnh, tùy theo nơi xuất hiện mà các hàng Bà-la-môn, Sát-đế-lợi cùng tất cả dân chúng đều ngợi khen. Bồ-tát cũng lại như thế, tùy theo những thôn ấp, nơi chốn sinh ra luôn trong lành, thanh tịnh. Vì sao? Vì giới hạnh của Bồ-tát luôn thanh tịnh. Hết thảy các hàng Trời, Rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, Atu-la, Ca-lâu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già, Nhân phi nhân… đều cùng ngợi khen, được chư Phật, Bồ-tát thâu nhận. Đó là bản thể thanh tịnh của Bồ-tát.

Thế nào là Bồ-tát với vẻ mặt luôn hòa nhã, vui vẻ? Ví như hoa sen lúc vừa nở khiến những người trông thấy tâm ý đều thư thái thích thú. Bồ-tát cũng lại như thế, vẻ mặt hòa nhã, vui vẻ, xa lìa mọi sự buồn lo, các căn thanh tịnh, khiến người trông thấy đều sinh vui vẻ. Đó là Bồ-tát có vẻ mặt hòa nhã, vui vẻ.

Thế nào là Bồ-tát luôn mềm dịu, không thô tháo? Ví như hoa sen thể tánh mềm mại. Bồ-tát cung lại như thế, tự thể thanh tịnh, mềm dịu, tinh tế nhiệm mầu. Đó là Bồ-tát luôn mềm dịu, không thô tháo.

Thế nào là Bồ-tát, ai trông thấy đều được an lành? Ví như hoa sen, cho đến trong giấc mộng, nếu trông thấy dù trong giây lát, cũng đều tốt đẹp. Vì sao? Vì tất cả những điều tốt đẹp đều thành tựu. Bồ-tát cũng lại như thế, nếu ở trong tất cả các phần vị, người trông thấy đều được an lành, tối thượng. Đó gọi là Bồ-tát, ai trông thấy đều được an lành.

Thế nào là Bồ-tát mở bày đầy đủ? Ví như hoa sen, nếu đã nở rồi thì gọi là đầy đủ. Bồ-tát cũng lại như thế, nếu lúc hoa trí tuệ, giác ngộ đã mở bày thì gọi là đầy đủ. Đó là Bồ-tát mở bày đầy đủ.

Thế nào là Bồ-tát đạt được sự thanh tịnh thành thục? Ví như hoa sen, nếu đã thành thục rồi thì khi mắt nhìn thì nhãn căn thanh tịnh, khi mũi ngửi thì tỷ căn thanh tịnh, khi thân xúc chạm thì thân căn thanh tịnh, khi tâm hoan hỷ thì ý căn thanh tịnh. Bồ-tát cũng lại như thế, khi chứng đắc quả vị trọn vẹn rồi, thì vẻ sáng rỡ của trí tuệ khiến hết thảy hữu tình, khi mắt trông thấy thì nhãn căn thanh tịnh, khi tai nghe thì nhĩ căn thanh tịnh, mùi thơm công đức của giới hạnh nơi Bồ-tát, nếu mũi ngửi được thì tỷ căn thanh tịnh, nếu lúc thân cúng dường thì thân căn thanh tịnh, khi suy nghĩ ngợi khen công đức hơn hẳn của Bồ-tát thì ý căn được thanh tịnh. Đó là Bồ-tát đạt được thanh tịnh thành thục.

Thế nào là Bồ-tát khi sinh ra đã có ý tưởng? Ví như hoa sen lúc nở, hoặc là người, không phải người, sinh rồi liền có ý tưởng. Bồ-tát cũng lại như thế, lúc mới sinh ra, Phật và Bồ-tát, cùng các hàng Thiên chủ như Đế Thích, Phạm vương, Hộ thế… đều có ý tưởng vui mừng ủng hộ, bảo vệ. Đó là Bồ-tát khi sinh ra đã có ý tưởng.

Này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp ấy tức như hoa sen.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp sau đây sẽ đạt được tâm rộng lớn. Mười pháp ấy là những gì?

  1. Vì muốn cho các hữu tình đạt được đầy đủ các pháp Ba-la-mật nên khởi tâm rộng lớn.
  2. Vì khiến cho tất cả pháp Phật đều được viên mãn.
  3. Vì muốn hóa độ các hạng hữu tình.
  4. Ngồi nơi đạo tràng chứng quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
  5. Khi thành Bậc Chánh Giác rồi, vì các hàng Sa-môn, Bà-lamôn, Trời, Người, Ma vương, Phạm thiên nơi tất cả thế gian chuyển pháp luân nhiệm mầu.
  6. Vì khiến cho các hữu tình tạo các việc lợi lạc, nên đi đến khắp vô lượng, vô biên thế giới thực hiện sự hóa độ.
  7. Dùng thuyền trí tuệ đưa các hữu tình vượt qua bờ sinh tử.
  8. Tất cả những người ở thế gian không nơi nương tựa, không người cứu giúp, không chỗ quy về, không chốn hướng tới, không kẻ thân thuộc, Bồ-tát vì họ mà làm nơi nương tựa, quy về, kẻ thân.
  9. Vì nhằm làm hiện rõ Phật là Đại Ngưu vương, là tiếng sư tử gầm vi diệu, các pháp thần thông tự tại của chư Phật, như vua rồng lớn nhìn ngắm, xem xét kỹ, Bồ-tát quan sát rộng khắp tất cả các hạng trong thế gian như Sa-môn, Bà-la-môn, Trời, Người, Ma, Phạm… khiến cùng đạt được công đức của Phật.
  10. Vì nhằm hóa độ hữu tình có đủ oai đức của Phật, không có hành thô tháo, không có hành khó làm, không có hành yếu kém, không có hạnh thấp hèn, cho nên khởi phát tâm rộng lớn.

Này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp ấy tức đạt được tâm rộng lớn.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp sau đây thì đạt được tâm thanh tịnh. Mười pháp ấy là những gì?

  1. Tâm sâu xa luôn đầy đủ, tâm sâu xa không lay động, tâm sâu xa luôn an trú, tâm sâu xa luôn ngay thẳng, chân chất.
  2. Xa lìa sự tác ý không sâu bền. Tác ý không sâu bền, đó là phát khởi hành Thanh văn, hành Duyên giác cùng dấy khởi cac duyên nhỏ.
  3. Lìa xa các thứ cấu nhiễm. Các thứ cấu nhiễm tức các thứ phiền não cấu uế.
  4. Xa lìa những lỗi lầm nơi thân, tức xa lìa các thứ oai nghi giả dối.
  5. Xa lìa những lỗi lầm nơi lời nói, tức nêu bày những ý nghĩa không chân thật, đúng đắn.
  6. Xa lìa những lầm lỗi nơi tâm ý. Đó là ở trong thân, ngữ, ý lại có chỗ lìa bỏ, biết thân là không hòa hợp, thường nói lời thiểu dục, tri túc, tâm không mong cầu.
  7. Biết ân, nghĩ đến sự báo đáp, chịu chút ít ân huệ hãy còn không quên, huống hồ là rộng nhiều.
  8. Ban ân cho người, nhưng không hiện bày đức của mình, không chê chỗ kém cõi của người, cho đến một ít ân huệ cũng không mong đáp đền, vui mừng, chỉ dạy, ngợi khen đức hạnh của người kia.
  9. Theo như chỗ nêu giảng mà hành hóa. Bồ-tát không hiện ra bên ngoài những lời nói hòa dịu, mềm mỏng mà tâm thì sinh giận dữ. Bồ-tát cũng không hiện ra bên ngoài những lời khen ngợi nhưng trong tâm thì suy nghĩ tìm phương tiện để gây khổ não. Bồ-tát không có bên ngoài nói những lời thân ái mà bên trong lại kết chặt mối cừu thù. Bồtát không hiện ra bên ngoài vẻ hiền lành nhưng bên trong lại khởi lên y xấu xa. Bồ-tát không hiện ra bên ngoài vẻ cung kính mà trong lòng thì khinh mạn. Bồ-tát luôn chân thật, cũng không bao giờ giả dối, lại không keo kiệt, đố kỵ, dua nịnh, dối gạt, không gây tranh cãi, không làm mất sự hòa thuận. Vì sao? Vì Bồ-tát ở trong mọi lúc, thân luôn biểu lộ sự cung kính, lời luôn nêu giảng những nghĩa lý chân thật, tâm niệm luôn thành tựu tất cả các pháp thiện.
  10. Đối với giáo pháp của Như Lai luôn xa lìa sự hủy bang. Bồ-

tát rốt cuộc không hề ở trong giáo pháp của Như Lai lại sinh tâm chê bai, nói xấu. Vì sao Bồ-tát ở trong giáo pháp của Như Lai không sinh tâm hủy báng? Là vì các Bồ-tát phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác rồi, cạo bỏ râu tóc, khoác ca-sa, từ trong giáo pháp của Như Lai mà xuất gia thanh tịnh, không vì nạn vua quan mà xuất gia, không vì nạn giặc giã mà xuất gia, không phải vì bị nợ nần bức bách mà xuất gia, không vì sợ không thể kiếm sống được mà xuất gia, chỉ theo niềm tin chân chánh mà xuất gia, tìm cầu các pháp thiện, gần gũi với bậc Thiện tri thức, đích thân cung kính, phụng sự nơi bậc Thiện tri thức nghe nhận chánh pháp, theo đấy tu tập không sinh tâm kiêu căng, ngã mạn. Do lìa bỏ kiêu mạn nên trừ dứt được chấp trước điên đảo, vì không còn điên đảo nên nhận biết rõ về chánh đạo. Hiểu biết rõ về chánh đạo nên có thể hội nhập vào pháp tánh, hội nhập nơi pháp tánh nên chắc chắn sẽ đạt quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Do đấy, Bồ-tát đối với giáo pháp của Như Lai không sinh tâm hủy báng.

Này thiện nam! Bồ-tát nếu tu mười thứ pháp như thế thì đạt được tâm thanh tịnh.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp sau đây thì đạt được niềm tin sâu xa, không nghi hoặc. Mười pháp đó là những gì?

  1. Tin những điều sâu kín nơi thân của Như Lai.
  2. Tin những lời nói sâu kín nơi thân của Như Lai.
  3. Tin ở sự sâu kín nơi tâm của Như Lai.
  4. Tin những sự hành hóa của Bồ-tát.
  5. Tin sự xuất sinh của Như Lai.
  6. Tin ở pháp giác ngộ.
  7. Tin Như Lai chỉ giảng nói một thừa.
  8. Tin Như Lai đã giảng nói vô số các thứ giáo pháp.
  9. Tin ở âm thanh sâu xa của Như Lai.
  10. Tin Như Lai luôn tùy thuận chỗ khế hợp để hóa độ hữu tình.

Này thiện nam! Thế nào là Bồ-tát tin ở sự sâu kín nơi thân của Như Lai? Tức là nếu Bồ-tát khởi lên ý nghĩ: Ta nghe về Pháp thân của Như Lai, thân vắng lặng, thân không gì hơn, thân không gì có thể sánh bằng, thân không hạn lượng, thân bất cộng, thân kim cương, tất cả đều chân thật, không hư dối như vậy, ta từ nơi đó mà tin tưởng, không chút nghi ngờ. Đó là Bồ-tát tin ở sự sâu kín nơi thân của Như Lai.

Thế nào là Bồ-tát tin ở sự sâu kín nơi lời nói của Như Lai? Bồtát nghĩ thế này: Ta nghe lời nói sâu kín của Như Lai vì các hữu tình thọ ký, hoặc thọ ký an mật cho các hữu tình, ta nhận biết thân của Như Lai không sai lầm, lời nói của Như Lai không thô, vội. Do vậy, mà lời nói dối, những sai lầm không từ đâu để phát sinh. Vì sao? Vì Như Lai đã đoạn hết mọi lỗi lầm, lìa các thứ cấu uế, xa lìa hết thảy bụi bặm, bặt mọi sự nung đốt, lìa các thứ phiền não, trong lành, tự tại, thanh tịnh, không còn nhiễm ô. Nếu cho thân của Như Lai có sai lầm, lời nói của Như Lai có thô gấp, là hoàn toàn không có điều ấy. Như vậy, những điều kia là chân thật không hư dối, ta từ nơi đấy mà tin tưởng, không nghi ngờ. Đó là Bồ-tát tin ở sự sâu kín nơi lời nói của Như Lai.

Thế nào là Bồ-tát tin ở sự sâu kín nơi tâm của Như Lai? Bồ-tát suy nghĩ: Ta nghe tâm ý sâu kín của Như Lai, Như Lai có những vui thích thảy đều hòa hợp với tâm của trí tuệ, dựa nơi tâm ấy. Hết thảy hàng Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát, tất cả hữu tình khác đều không thể nhận biết, chỉ trừ thần lực của Như Lai gia hộ. Vì sao? Vì trí tuệ của Như Lai sâu xa không cùng, không thể dò xét, vượt quá cảnh giới của sự tìm tòi, dò xét, rộng lớn vô lượng ngang bằng hư không, cũng lại vượt quá tất cả canh giới lường xét của thế gian, như thế chân thật là không hư dối, ta từ đấy tin tưởng, không hề nghi ngờ. Đó là Bồ-tát tin ở sự sâu kín nơi tâm tưởng của Như Lai.

Thế nào là Bồ-tát tin ở những nơi hành hóa của các Bo-tát? Bồtát có ý nghĩ: Ta nghe các Bồ-tát vì các hữu tình nên hiện tiền tạo các lợi ích, không sinh mỏi mệt, không khởi sợ hãi, gánh vác nặng nề, ý chí hành động luôn kiên cố bền vững tiến tới, đầy đủ các pháp Ba-lamật, thứ lớp hoàn thành tất cả pháp Phật, dùng trí tuệ vô ngại, trí tuệ vô biên, trí tuệ không gì bằng, trí tuệ bất cộng… với áo giáp kiên cố, tinh tấn bền chắc, thệ nguyện kiên cố, thệ nguyện chẳng lay động, thệ nguyện bất cộng, ấy là nhân Bồ-đề, tướng Bồ-đề, duyên Bồ-đề… như vậy lần lượt thành tựu trọn vẹn sự nghiệp thần thông rộng lớn. Tất cả đều chân thật không hư dối, ta ở nơi đấy tin tưởng không hề nghi ngờ.

Đó là Bồ-tát tin ở những nơi chốn hành hóa của các Bồ-tát.

Thế nào là Bồ-tát tin nơi sự xuất sinh của Như Lai? Bồ-tát suy nghĩ như vầy: Ta nghe các vị Bồ-tát an tọa nơi đạo tràng rồi đạt được các thứ thần thông, Thiên nhãn trí, Thiên nhĩ trí, Tha tâm trí, Túc trụ tùy niệm trí, Thần cảnh trí, Lậu tận trí, đều không vướng mắc, không bị ngăn ngại, lìa các chỗ duyên dựa, ba đời cùng một tướng của trí tuệ bình đẳng, có thể quan sát đúng như thật về các cảnh giới của hữu tình. Loại hữu tình này tạo các nghiệp ác nơi thân, ngữ, ý, hủy báng Thánh hiền, dấy lên nhận thức sai trái, gồm đủ các nghiệp tà kiến, do nhân duyên đó nên khi thân mạng hư hoại bị đọa vào đường ác, chịu quả báo ở địa ngục. Lại thấy loài hữu tình kia tạo ra các nghiệp thiện nơi thân ngữ ý, không hủy báng Thánh hiền, có những nhận thức chân chánh, gồm đủ hành nghiệp chánh kiến, do nhân duyên đó, khi thân hoại mạng chung được sinh nơi cõi thiện, nhận được phước báo hơn hẳn ở cõi trời. Bồ-tát xét thấy đúng như thật về cảnh giới của các hữu tình như thế, có thể biết đúng như thật về các nghiệp thiện và bất thiện. Bồ-tát lại suy nghĩ: Như ta ngày xưa, lúc tu tập hạnh Bồ-tát đã phát thệ nguyện lớn, khi ta giác ngộ những hành như thế rồi, sẽ làm cho các hữu tình cũng đều được giác ngộ, ta sẽ đạt được trọn vẹn nơi thệ nguyện như thế, mong ước của ta cũng đủ, những điều đó là chân thật không hư dối, ta từ nơi ấy tin tưởng, không hề nghi ngờ. Đó là Bồtát tin nơi sự xuất sinh của Như Lai.

Thế nào là Bồ-tát tin nơi giáo pháp Bồ-đề? Tức là Bồ-tát đối với phap Bồ-đề của Phật có thể giác ngộ được, dùng trí lực của mình để đạt quả vị Chánh giác, ta từ nơi đấy tin tưởng không nghi ngờ gì cả. Đó là Bồ-tát tin nơi giáo pháp Bồ-đề.

Thế nào là Bồ-tát tin Như Lai chỉ giảng nói giáo pháp Nhất thừa? Bồ-tát khởi ý nghĩ như vầy: Ta nghe pháp Nhất thừa, tức là Như Lai thừa, điều đó là chân thật, không hư dối, thành thật không sai khác, chân lý không gì là không thật. Vì sao? Vì từ Như Lai thừa, phát sinh ra các thừa. Ví như trong cõi Diêm-phù-đề, mỗi mỗi các cồn bãi, các châu nhỏ hiện có đều thuộc cõi Diêm-phù-đề, đều nương tựa vào cõi ấy, cho nên cùng gọi tên, số loại theo cõi Diêmphù-đề. Thừa của Như Lai cũng lại như vậy. Các thừa khác thảy đều thâu tóm nơi thừa Như Lai, từ nơi thừa Như Lai sinh ra, thảy đều nương tựa vào thừa Như Lai, cho nên Nhất thừa tức là thừa Như Lai. Ta từ nơi ấy tin tưởng không hề nghi ngờ gì cả. Đó là Bồ-tát tin Như Lai chỉ giảng nói pháp Nhất thừa.

Thế nào là Bồ-tát tin Như Lai giảng nói vô số các loại pháp? Bồ-tát khởi ý nghĩ thế này: Ta nghe Như Lai giảng nói vô số giáo pháp, vô số các loại kinh điển, đó là điều chân thật, không hư dối. Vì sao? Vì Như Lai luôn xem xét các hữu tình, kẻ nào đáng được hóa độ, thì tùy theo chỗ tin hiểu của kẻ ấy mà giảng nói pháp cốt yếu, ta từ nơi ấy tin tưởng, không hề nghi ngờ. Đó là Bồ-tát tin tưởng Như Lai đã giảng nói vô số các giáo pháp.

Thế nào là Bồ-tát tin tưởng Như Lai có đầy đủ âm thanh sâu xa? Bồ-tát suy nghĩ như vầy: Ta nghe Như Lai có đầy đủ âm thanh thanh tịnh, sâu xa, như thế là chân thật, không hư dối. Vì sao? Vì như các vị Thiên tử, chỉ do sức tu tập một phần ít căn lành hãy còn đạt được âm thanh thâm diệu thanh tịnh, huống chi là Đấng Như Lai, trong vô lượng vô số trăm ngàn kiếp đã tu tập tích lũy các hạnh thù thang. Ta từ nơi đấy mà tin, không hề nghi ngờ gì cả. Đó là Bồ-tát tin tưởng nơi âm thanh sâu xa của Như Lai.

Thế nào là Bồ-tát tin tưởng Như Lai tùy chỗ ứng hợp mà hóa độ các hữu tình? Bồ-tát khởi ý nghĩ thế này: Ta nghe Đức Như Lai tùy theo tâm niệm của hữu tình, như hữu tình ấy có lòng tin hiểu ứng hợp thì dùng các phương tiện để vì họ mà giáo hóa, cứu độ. Phật dùng một âm thanh dứt trừ các nghi hoặc. Các hữu tình ấy căn tánh đã thành thục, những người đáng được hóa độ ấy đều cho: Như Lai vì ta mà giảng nói chánh pháp, nhân đấy đều hiểu rõ, nhưng Phật Như Lai thì không phân biệt, lại cũng không phải là không phân biệt, những điều đó là chân thật, không hư dối, ta từ nơi ấy tin tưởng không nghi ngờ gì cả. Đó là Bồ-tát tin tưởng Như Lai tùy chỗ ứng hợp mà hóa độ các hữu tình.

Này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp ấy liền đạt tâm không nghi hoặc.

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20