KINH TRỪ CÁI CHƯỚNG BỒ-TÁT SỞ VẤN

Hán dịch: Đời Triệu Tống, Đại sư Pháp Hộ
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 16

Bấy giờ, Bồ-tát Trừ Cái Chướng bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Như Lai có uy đức rộng lớn, xin Phật Thế Tôn giảng nói ít phần.

Phật nói:

–Này thiện nam! Ông nên lắng nghe, nay ta sẽ vì ông lược nói về những uy đức rộng lớn của Như Lai.

Bồ-tát Trừ Cái Chướng bạch Phật:

–Lành thay, Đức Thế Tôn! Con xin vui thích nghe. Bồ-tát Trừ Cái Chướng vâng lời lắng nghe.

Phật nói:

–Này thiện nam! Như Lai thành tựu đại Từ bình đẳng vô lượng đối với khắp tất cả hữu tình. Như Lai thể hiện hạnh Từ nơi một hữu tình rồi thì đối với tận cùng giới hữu tình, ở mọi nơi, cũng the hiện hạnh Từ như vậy, cho đến bằng cõi hư không mọi chốn hành hóa. Nhưng thật ra không thể nhận biết được giới hạn nơi tâm đại Từ của Như Lai. Lại nữa, này thiện nam! Sự thành tựu nơi công đức đại Bi của Như Lai không thể lấy công đức của hàng Thanh văn, Bồ-tát so sánh được. Đức Như Lai thể hiện hạnh đại Bi nơi một hữu tình rồi, thì đối với tận cùng giới hữu tình, chỗ hành trì hạnh đại Bi cũng như vậy, luôn vì các hữu tình tạo lợi ích rộng khắp. Lại nữa, này thiện nam! Như Lai thành tựu sự thuyết pháp vô tận, như chỗ thành tựu ấy, hoặc một kiếp, trăm kiếp, ngàn kiếp, cho đến vô lượng vô số kiếp, số hữu tình ấy có bao nhiêu chủng loại, tên gọi, tiếng nói khác nhau, nghĩa lý không giống nhau, Như Lai cùng lúc có thể vì họ mà giảng nói giáo pháp, nhưng thực sự không thể biết hết giới hạn nơi sự thuyết giảng giáo pháp của Như Lai. Lại nữa, này thiện nam! Như Lai thành tựu không lường được những câu hỏi đáp. Nếu các hữu tình, cho đến số

đông hữu tình trong cùng một lúc đều dùng vô số thứ khác nhau về ý nghĩa của danh cú văn để hỏi Phật, Thế Tôn, thì Như Lai chỉ trong một sát-na, trong một lạp-phược (bảy ngàn hai trăm sát-na), trong một Mâu-hô-lật-đa (hai trăm mười sáu ngàn sát-na) đều có thể giải đáp, nhưng thực sự là không thể biết được tướng biện tài tận cùng trong việc giải đáp của Như Lai.

Lại nữa, này thiện nam! Như Lai đã thành tựu cảnh giới thiền định không ngăn ngại. Giả sử hết thảy các hữu tình đều an trú vào Thập địa, những hữu tình ấy cùng lúc đều nhập vào vô số trăm ngàn môn chánh định, lúc nhập như thế, trải qua vô số ức trăm ngàn kiếp, chỗ chứng nhập chánh định ấy, mỗi mỗi sai khác, nhưng cũng không thể biết được về các pháp môn chánh định hiện có và cảnh giới chánh định của Như Lai.

Lại nữa, này thiện nam! Như Lai đã thành tựu vô lượng pháp môn hóa hiện sắc thân. Nếu các hữu tình dùng sắc tướng của Như Lai để có thể hóa độ, Như Lai chỉ trong một sát-na, một lạp-phược, một mâu-hô-lật-đa, nơi mỗi một thời điểm ấy đều có thể ở trước hữu tình kia hiện thân Như Lai. Nếu các hữu tình dùng những sắc tướng khác biệt để có thể hóa độ, Như Lai chỉ trong một sát-na, đều hiện ra vô số sắc thân khác nhau.

Lại nữa, này thiện nam! Như Lai đã thành tựu vô lượng cảnh giới Thiên nhãn. Nếu có hữu tình gồm đủ ánh sáng Thiên nhãn, không phải là Nhục nhãn, thì tận cùng cảnh giới của hữu tình, các loài hữu tình nhiều như thế, vượt ngoài mọi tính đếm, suy nghĩ so sánh nơi những thế giới ấy, Như Lai đều có thể nhìn thấy theo từng thế giới như nhìn trái Am-ma-lặc trong lòng bàn tay.

Lại nữa, này thiện nam! Như Lai đã thành tựu vô lượng cảnh giới Thiên nhĩ, như trước đã nói, tất cả hữu tình đều đầy khắp trong vô biên thế giới đó, những hữu tình ấy cũng trong một sát-na, phát ra những âm thanh với vô số uẩn khúc sai biệt, nhưng Như Lai có thể cùng lúc nghe được từng loại tiếng và đều hieu rõ.

Lại nữa, này thiện nam! Như Lai đã thành tựu vô lượng trí tuệ thù thắng. Giả như vô lượng, vô biên tận cùng cảnh giới của hữu tình cùng với cảnh giới hư không, những loại hữu tình mỗi mỗi đều suy nghĩ, đều tính toán lường xét, tùy theo những tính toán, lường xét ấy, mỗi mỗi đều tạo nên nghiệp khác nhau, Như Lai chỉ trong một sátna, một lạp-phược, một mâu-hô-lật-đa đều có thể hiểu rõ những loài hữu tình ấy suy nghĩ thế này, loài hữu tình kia tính toán lường xét như thế kia, loài hữu tình này tạo nghiệp như thế này, đạt quả báo thế này… Như Lai dùng hiệu lực của trí tuệ thanh tịnh, vô ngại nơi ba đời đều có thể biết rõ.

Này thiện nam! Như Lai thường trụ trong chánh định, không hề rời chánh định ấy. Vì sao? Vì Như Lai không hề mất chánh niệm, các căn không chút tán loạn, không có suy nghĩ khác lạ, đã dứt trừ tất cả phiền não, Như Lai luôn tịch tĩnh, hoàn toàn vắng lặng.

Này thiện nam! Nếu có những phiền não thì tâm sẽ tán loạn. Tâm tán loạn thì không thể tích tập các pháp thiện, cho nên Như Lai đã dứt trừ phiền não, lìa bỏ các cấu nhiễm nơi trần cảnh, diệt sạch hết các lậu, đạt tất cả các pháp, bình đẳng, tự tại, hoàn thành hạnh thù thắng nơi cảnh giới tịnh quán.

Này thiện nam! Như Lai nơi mỗi mỗi nẻo uy nghi, mỗi mỗi pháp chánh định thường tu hành, cho đến khi nhập Niết-bàn, những hạnh tu tập ay vẫn không sai mất, huống chi là pháp chánh định siêu vượt, hơn hẳn.

Này thiện nam! Như Lai đã tích tập công đức trong vô số kiếp, do đó công đức hiện có của Như Lai không thể lường xét, không thể gọi tên, suy nghĩ, kể đếm.

Bấy giờ, Bồ-tát Trừ Cái Chướng bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Lẽ nào chẳng phải Như Lai đã tích chứa công đức trong ba vô số vô lượng kiếp sao?

Phật bảo:

–Không phải, không thể, này thiện nam! Cảnh giới của Như Lai là không thể nghĩ bàn, nếu trụ ở quả vị Bồ-tát không thể nghĩ bàn thì mới có thể chứa nhóm, không phải là trong ba vô số kiếp có thể chứa nhóm được. Vì sao? Nếu Bồ-tát có thể hội nhập vào tất cả các pháp bình đẳng, mới đi vào số kiếp, không phải người mới phát tâm có thể hội nhập được.

Bồ-tát Trừ Cái Chướng lại bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Như điều đã nói thì Như Lai có uy đức rộng lớn, nên người nào được nghe rồi, có thể sinh tin tưởng thanh tịnh, hoan hỷ, vui thích, nên biết là người ấy có đầy đủ phước đức lớn, tạo tác các nghiệp thiện, dứt trừ các nghiệp chướng, tin hiểu rộng lớn, người ấy được gần đạo Bồ-đề, huống chi lại ở trong pháp ấy, nghe hiểu, thọ trì, đọc tụng thông suốt, có thể vì người khác mà giảng nói rộng khắp, nên biết người ấy chẳng bao lâu sẽ phát sinh những uy đức rộng lớn ngang bằng với Như Lai.

Phật nói:

–Đúng thế, đúng thế! Này thien nam! Như lời ông nói, người ấy sẽ được chư Phật nhiếp hộ vì đã vun trồng sâu xa căn lành, nơi trú xứ của nhiều Đức Phật luôn tôn trọng cung kính. Do đó các thiện nam, thiện nữ, nghe giảng nói về uy đức lớn của Như Lai rồi chớ sinh nghi ngờ, chớ khởi do dự. Nếu các thiện nam, thiện nữ kia, có thể trong bảy ngày đêm, chuyên chú, buộc giữ niệm, tâm không tán loạn, tưởng nghĩ về uy đức rộng lớn của Như Lai, theo chỗ suy nghĩ, tác ý sâu ben, tin hiểu rõ chắc, tùy theo chỗ ngộ nhập, quá bảy ngày đêm, nên sạch sẽ, nghiêm trang, trải bày các thứ cúng dường, mặc y phục mới, sạch, tâm thanh tịnh, tưởng nghĩ chân thành, tức trong đêm ấy được thấy Như Lai. Nếu lại không thể đúng y như cách thức ấy hay giảm bớt điều gì, chỉ có thể chuyên chú nhất tâm, người ấy khi lâm chung cũng được Như Lai hiện ra trước mặt.

Bồ-tát Trừ Cái Chướng bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Hoặc có người khi nghe giảng nói về uy đức lớn lao của Như Lai, lại sinh tâm không tin tưởng chăng?

Phật nói:

–Này thiện nam! Cũng có những hữu tình nghe nói về uy đức lớn lao của Như Lai lại khởi tâm ý xấu ác, tổn hại. Đối với bậc thầy thuyết pháp, lại khởi ý tưởng về người bạn xấu. Do duyên cớ ấy các hữu tình kia khi thân hoại mạng chung sẽ bị đọa vào địa ngục.

Này thiện nam! Lại nếu có người, khi nghe nói về uy đức lớn lao của Như Lai sinh tâm tin tưởng thanh tịnh, đối với bậc thầy nói pháp khởi tưởng về hàng tri thức thiện, về bậc sư trưởng tôn quý, người như thế chắc chắn trong kiếp trước đã từng nghe nói về uy đức rộng lớn của Như Lai, đời đời nối tiếp nhau, cho đến hiện tại thường ở trong chúng hội, được nghe công đức của Như Lai.

Này thiện nam! Như Phật đã nói, nếu có người được nghe chánh pháp này, thì người ấy nơi đời trước đã từng được nghe.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn hiện bày tướng lưỡi thanh tịnh, che khuất khuôn mặt, che đỉnh đầu, lại đảo vòng che toàn thân, rồi che quanh tòa Sư tử, lần lượt che các hàng Bồ-tát, hàng Thanh văn trong chúng hội, cho đến trời Đế Thích, Phạm vương, Hộ thế cùng tất cả đại hội. Như vậy thứ lớp vòng che rộng khắp, xong rồi thì thâu tướng lưỡi trở lại như thường, bảo khắp đại chúng trong pháp hội: Này các thiện nam! Các ông xem tướng lưỡi của Như Lai như thế biểu thị lời nói của Như Lai là chân thật, không hư dối, các ông phải tăng thêm tâm tin tưởng thanh tịnh, sẽ khiến cho các ông ở trong cõi sinh tử được lợi lạc lớn.

Khi Phật giảng nói pháp ấy, trong chúng hội có tám vạn bốn ngàn Bồ-tát đạt được pháp Nhẫn vô sinh, vô số trăm ngàn các chúng hữu tình xa lìa được bụi bặm cấu uế, đạt Pháp nhãn thanh tịnh. Lại có vô số hữu tình, trước đó chưa từng phát tâm Bồ-đề, nay đều phát tâm cầu đạt đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Lúc này, Đức Thế Tôn bảo Bồ-tát Trừ Cái Chướng:

–Này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp sau đây tức khéo nhận biết về thế tục. Mười pháp ấy là những gì?

  1. Tuy nêu bày sắc uẩn, nhưng ở trong Thang nghĩa đế, thì sắc uẩn không thể thủ đắc, cũng không chấp giữ. Tuy nêu bày các uẩn: Thọ, tưởng, hành, thức, nhưng trong Thắng nghĩa đế, thức uẩn không thể thủ đắc, cũng không chấp giữ.
  2. Tuy kiến lập địa giới, nhưng ở trong Thắng nghĩa đế, thì địa giới không thể thủ đắc, cũng không chấp giữ. Tuy kiến lập các giới như: Thủy, hỏa, phong, không, thức, nhưng ở trong Thắng nghĩa đế, thức giới không thể thủ đắc, cũng không chấp giữ.
  3. Tuy kiến lập nhãn xứ, nhưng trong Thắng nghĩa đế, thì nhãn xứ không thể thủ đắc, cũng không chấp giữ. Tuy gây dựng các xứ như: Nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý, nhưng trong Thắng nghĩa đế, ý xứ không thể thủ đắc, cũng không chấp giữ.
  4. Tuy kiến lập về ngã, nhưng trong Thắng nghĩa đế, ngã không thể thủ đắc, cũng không chấp giữ.
  5. Tuy kiến lập các hữu tình, nhưng trong Thắng nghĩa đế, các hữu tình không thể thủ đắc, cũng không chấp giữ.
  6. Tuy kiến lập thọ mang, sự nuôi dưỡng, bậc trượng phu, các chúng sinh, con người, nhưng trong Thắng nghĩa đế, thì các thứ ấy đều không thể thủ đắc, cũng không chấp giữ.
  7. Tuy kiến lập thế gian, nhưng trong Thắng nghĩa đế, thế gian không thể thủ đắc, cũng không chấp giữ.
  8. Tuy kiến lập các pháp của thế gian, nhưng trong Thắng nghĩa đế, pháp của thế gian không thể thủ đắc, cũng không chấp giữ.
  9. Tuy kiến lập pháp Phật, nhưng trong Thắng nghĩa đế, pháp Phật không thể thủ đắc, cũng không chấp giữ.
  10. Tuy kiến lập đạo Bồ-đề, nhưng trong Thắng nghĩa đế thì Bồđề là không thể thủ đắc, cũng không chấp giữ, cũng không có người đắc đạo Bồ-đề.

Này thiện nam! Kiến lập tên gọi và hình tướng, đó là pháp thế tục, nhưng Thắng nghĩa đế cũng không xa lìa pháp thế tục mà có. Nếu không có pháp thế tục tức không thể đạt được Thắng nghĩa đế. Bồ-tát đối với các “xứ” như thế hiểu rõ về thế tục tức là khéo thấy tỏ về pháp thế tục.

Này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp như thế tức khéo nhận biết về pháp thế tục.

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20