KINH TRỪ CÁI CHƯỚNG BỒ-TÁT SỞ VẤN

Hán dịch: Đời Triệu Tống, Đại sư Pháp Hộ
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 5

Lại nữa, này thiện nam! Thế nào là phương tiện khéo xoay chuyển các các kiến chấp của ngoại đạo? Đó là nếu Bồ-tát đến những nơi chốn của các ngoại đạo như Tả-la-ca, Ba-lý-mot-la, Nhãca-ni-càn-đà… để làm công việc giáo hóa, nhằm điều phục họ, vì muốn họ đạt được những thành tựu đầy đủ. Vì nhân duyên ấy thì Bồtát nên suy nghĩ: Những người ngoại đạo này rất ngã mạn, kiêu căng, ta nay, trước hết không nên đóng vai trò bậc thầy giáo hóa mà nên thể hiện làm đệ tử cung phụng họ, rồi sau sẽ tìm cách điều phục. Ta cần xuất gia theo giáo pháp của họ, rồi siêng năng tu tập theo cách tu của họ, từ tri thức đến cách thức tu tập đều cần đạt tới nơi tới chốn, cho đến hơn hẳn họ. Những người ngoại đạo ấy có sai bảo điều gì ta đều thi hành đúng theo, giống như đối với các bậc tôn trưởng, không sai trái, nhờ thế ta được gần gũi họ rồi lựa lời mà nói: “Này các Nhân giả! Pháp tu của chư vị không phải là con đường giải thoát, cũng không phải là cách để xa lìa tham dục, lại không phải là con đường đưa đến Niết-bàn.” Cứ thế, dần dần có thể điều phục và đưa họ vào giáo pháp của Như Lai. Lại, đối với những ngoại đạo tu tập phạm hạnh, đạt đủ năm thứ thần thông, Bồ-tát nên theo cách tu tập ấy rồi siêng năng hành trì, đạt được pháp tu của họ, theo đấy có thể thanh tựu được công việc. Nếu ngoại đạo tu tập pháp thiền định thì Bồ-tát gắng sức tu tập hơn hẳn họ, nên dũng mãnh tiến tu những hạnh khó hành. Khi những người trí trong hàng ngũ ngoại đạo cũng công nhận, lúc ấy Bồ-tát biết là những người đó căn tánh đã thành thục liền đối với pháp tu thiền định của họ mà biện luận thuyết phục: “Này các Nhân giả! Pháp tu thiền định của các vị không phải là con đường giải thoát, không thể lìa bỏ tham dục, lại không phải là Niết-bàn.” Từ đó, dần dần dắt họ trở về an trụ trong pháp của Như

Lai. Đó là Bồ-tát đạt được phương tiện khéo xoay chuyển các kiến chấp của ngoại đạo.

Thế nào là phương tiện khéo xoay chuyển cảnh giới của năm trần? Nghĩa là khi Bồ-tát thấy có người nhiễm sâu nơi tham ái, Bồ-tát không dùng những phương tiện dị biệt, chỉ nên tùy theo sở thích của kẻ ấy mà điều phục họ. Như dùng thần lực biến thành người nữ đoan chánh, xinh đẹp hơn hẳn những cô gái khác. Người kia trông thấy rồi tất sinh tham đắm, lúc này, người nữ được biến hóa kia chỉ trong chốc lát hóa thành xác chết mục rữa, hôi thối. Kẻ có lòng yêu thích kia chắc sẽ khiếp hãi, sinh tâm chán ngán, đau buồn, nói: Làm thế nào để mau chóng có thể rời khỏi cảnh nhơ bẩn thối tha này? Bấy giờ Bồ-tát liền hiện ra trước người ấy giảng nói pháp thích hợp làm cho kẻ tham đắm kia nhờ đó mà xa lìa ái dục. Đó là Bồ-tát đạt được phương tiện khéo xoay chuyển cảnh giới của năm trần.

Thế nào là pháp phương tiện khéo dứt trừ được sự nghi ngờ, hối hận? Nghĩa là Bồ-tát khi thấy có người tạo năm nghiệp vô gián hoặc các nghiệp bất thiện, liền đến chỗ kẻ ấy, nói: “Hôm nay vì sao ông buồn bã không vui?” Người kia sẽ đáp: “Thiện nam! Tôi trót tạo năm nghiệp vô gián, vì thế mà buồn lo không vui. Do tội lỗi này, tôi sẽ mãi mãi không bao giờ vui sướng mà luôn rất đau khổ.” Lúc này, Bồ-tát sẽ vì kẻ kia giảng nói về giới luật và phương pháp sám hối. Nếu như giảng nói pháp sâu xa mà người kia chưa thể bỏ được tâm trạng nghi ngờ, hối hận, thì Bồ-tát nên hiện thần thông giúp kẻ ấy cởi bỏ tâm trạng đó, khiến sinh tin tưởng, ngay lúc đó, trước Bồ-tát, người ấy nảy sinh lòng tin vui thanh tịnh, từ đó có thể tin nhận được giáo pháp. Bồtát vì để dẫn dắt người ấy vào chanh đạo, nên đối trước kẻ tạo năm nghiệp vô gián kia biến hóa ra cha mẹ mình rồi sát hại và nói với người kia: “Tôi và ông cùng gây ra tội giống nhau, vậy chớ nên sinh nghi ngại hối hận nữa.” Bồ-tát nói xong lại hiện thần thông. Người ấy suy nghĩ: “Bồ-tát có đủ thần thông trí tuệ mà còn giết hại cha mẹ huống chi là ta.” Khi ấy, Bồ-tát mới vì người đó giảng nói các pháp khiến tội ác vơi nhẹ đi như cánh loài muỗi. Đó là Bồ-tát được phương tiện khéo dứt trừ nghi ngờ, hối hận.

Thế nào là phương tiện khéo nhận biết để cứu độ hữu tình? Tức

là, nếu Bồ-tát thấy những người có thể thọ nhận được pháp Phật, nhưng người ấy lại tạo nghiệp cực ác. Bồ-tát vì muốn cứu độ những người ấy, nên tùy căn cơ mà hóa hiện. Như bằng hình tướng của hàng vua chúa mà cứu độ được thì hiện thân hàng vua chúa. Nếu thấy cần dùng thân hàng tể quan mà cứu độ được thì dùng thân hang tể quan để cứu độ. Nếu dùng thân Sát-đế-lợi, Bà-la-môn, dân thường… mà cứu độ được thì hiện thân Sát-đế-lợi, Bà-la-môn, dân thường để cứu độ. Nếu bằng thân chư Thiên mà cứu độ được thì hiện thân chư Thiên để cứu độ. Nếu bằng thân Kim cang lực sĩ mà cứu độ được thì hiện thân Kim cang lực sĩ. Nếu dùng thân hiền hòa đáng yêu mà cứu độ được thì hiện ra thân ấy. Nếu dùng thân lo sợ, bị trói cột đánh đập mà cứu độ được thì hiện ra các thân như thế. Nếu có người toan gây tạo năm nghiệp đại ác, lại có người toan làm nhiễu loạn đối với Bồ-tát, thì Bồtát nên dùng các loại phương tiện khiến những kẻ ấy ngưng ý định gây nghiệp ác, hoặc bằng phương tiện khác để kẻ đó không tạo ra nghiệp ác quá nặng, sau đấy đối trước kẻ ấy biến hóa, thậm chí có thể hiện ra cảnh tượng nơi địa ngục để giáo hóa. Lại nếu có người chưa đạt thần thông, sắc tướng, thọ lượng của hàng Bồ-tát, tất nhiên Bồ-tát sẽ biết rõ. Lại có những hữu tình sắp thành tựu, sắp hủy hoại, Bồ-tát khởi tâm đại Bi, đều có thể nhớ nghĩ: Hữu tình ấy sắp hoại diệt, hữu tình ấy đã hoại diệt. Bồ-tát do nhất tâm mà biết rõ đúng như thật khác nào xem quả Am-ma-lặc trong lòng bàn tay. Bồ-tát do khởi tâm chán ghét muốn rời xa cảnh khổ của thế gian mà suy nghĩ: Nếu có một hữu tình tạo nghiệp ác rồi, sắp bị đọa vào địa ngục vô gián, vì định nghiệp của kẻ ấy ta không có phương tiện nào khác để cứu vớt được. Ta thà thay kẻ ấy nhận chịu những nỗi khổ ở địa ngục, cho đến khi kẻ hữu tình kia an trụ trong cảnh giới Niết-bàn vô dư. Đó là Bồ-tát đạt được phương tiện khéo nhận biết việc cứu độ hữu tình.

Thế nào là phương tiện khéo nhận biết sự cứu giúp đời sống cho hữu tình? Tức là Bồ-tát hoặc thấy những hữu tình lại không đủ năng lực để hiểu được chánh pháp, mà chỉ tham đắm chuyện ăn, mặc, không mong muốn gì khác, Bồ-tát liền vì hạng hữu tình ấy mà hiện ra các thứ sách vở, phép tính toán, cùng những thứ kỹ thuật khác, khiến kẻ có tâm thiện sẽ học tập và tùy chỗ đạt được có thể nhờ đó cứu sống thân mạng. Đó là Bồ-tát đạt được phương tiện khéo nhận biết sự cứu giúp đời sống cho hữu tình.

Thế nào là phương tiện khéo thọ nhận sự cúng dường? Đó là nếu Bồ-tát hoặc được kho báu nhiều như núi Tu-di, Bồ-tát cũng thọ nhận. Hoặc được những vật dụng nhỏ như sợi lông, Bồ-tát cũng thọ nhận. Vì sao? Vì Bồ-tát suy nghĩ: Những hữu tình trong thế gian thường tham lam, keo kiệt, dua nịnh, nhỏ nhen, do nhân duyên đó, khác nào ca ở trong nước, luôn chìm nổi nơi biển lớn sinh tử. Bồ-tát vì yêu thương sâu xa những hữu tình ấy, nên muốn cho họ được mãi mãi lợi ích, an vui, nên thọ nhận những của cải kia nhưng không làm của riêng mình, không nảy sinh lòng tham, mà đem của ấy bố thí cho hết thảy hữu tình khác, lại còn dùng vào việc phụng sự Tam bảo: Phật, Pháp, Tăng. Những người nghèo khổ cũng đều được cứu giúp tất cả khiến cho những thí chủ sinh tâm vui mừng. Đó là Bồ-tát đạt được phương tin khéo nhận sự cúng dường.

Thế nào là phương tiện khéo xoay chuyển hàng Nhị thừa khiến nhập vào Đại thừa? Nghĩa là nếu Bồ-tát thấy người nơi hàng Nhị thừa có thể làm pháp khí cho quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, như đối với thừa Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát dùng phương tiện khiến những hàng Nhị thừa ấy chuyển đổi tâm thức, an trú vào giáo pháp Đại thừa, cho đến những đồ đệ của họ cũng lìa bỏ được tam Nhị thừa. Đó gọi là Bồ-tát đạt được phương tiện khéo xoay chuyển hàng Nhị thừa khiến nhập vào Đại thừa.

Thế nào là phương tiện khéo chỉ dạy giáo hóa đạo lợi ích, an vui? Tức là Bồ-tát đối với mọi người chưa phát tâm Bồ-đề, thì khiến phát tâm. Nếu đã phát tâm mà lười biếng, trễ nãi, chỉ giữ lấy ít hành giới đã cho là đủ, Bồ-tát nên vì người ấy mà khuyến khích tiến tu các hạnh thiện. Nếu đối với kẻ học hành giới có một ít thiếu sót, sai phạm do đó mà lo ngại, không phát khởi được tâm thanh tịnh, vui mừng, Bồtát nên vì kẻ ấy giảng nói pháp yếu, bằng phương tiện khéo léo làm cho kẻ ấy phát khởi tâm thanh tịnh. Đó là Bồ-tát đạt được phương tiện khéo chỉ dạy giáo hóa tạo lợi ích an vui.

Thế nào là phương tiện khéo nhận biết cúng dường phụng sự Như Lai? Tức là nếu Bồ-tát xuất gia, có được chút ít của cải, lợi lạc, sinh khởi tâm vui mừng, cho là đầy đủ, chỉ tìm cái lợi nơi chánh pháp, sau đó đến nơi chốn vắng vẻ để tu tập, đồng thời suy nghĩ: “Nay ta tại sao lại không nhớ đến việc phát tâm cúng dường Như Lai?” Liền đó, khởi tâm dùng các thứ vật dụng để cúng dường chư Phật. Do theo lúc nghĩ tưởng ấy nên có thể thành tựu đầy đủ sáu pháp Ba-la-mật. Tại sao từ sự quán tưởng ấy mà có thể thực hiện đầy đủ sáu hạnh Ba-lamật? Vì lúc nghĩ đến việc thực hiện cúng dường, tức là đầy đủ hạnh Bố thí ba-la-mật. Hoặc ở trong pháp cúng dường lại khiến hết thảy hữu tình sinh khởi chỗ duyên nơi tâm thiện, tức là đầy đủ hạnh Trì giới ba-la-mật. Nếu trong khi thực hành pháp cúng dường, phát khởi tâm vui mừng, yêu thích, tức là có đầy đủ hạnh Nhẫn nhục ba-la-mật. Hoặc trong khi thực hành pháp cúng dường, tâm không lười biếng, thoái lui, tức là đã đầy đủ hạnh Tinh tấn ba-la-mật. Nếu khi thực hành pháp cúng dường, tâm trụ vắng lặng, tịch tĩnh, tức đầy đủ hạnh Thiền định ba-la-mật. Hoặc khi ở trong pháp cúng dường, các hành đều trang nghiêm, tức là đạt đầy đủ Trí tuệ ba-la-mật. Đó là Bồ-tát đạt được phương tiện khéo nhận biết về cúng dường phụng sự Như Lai.

Này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười thứ pháp như thế tức là đạt được đầy đủ phương tiện.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp này thì đạt đầy đủ các nguyện. Những gì là mười pháp ấy?

  1. Không phát nguyện thấp kém.
  2. Phát nguyện không sợ sinh tử.
  3. Phát nguyện vượt trên hết thảy hữu tình.
  4. Phát nguyện được chư Phật ngợi khen.
  5. Phát nguyện khéo hàng phục các ma.
  6. Phát nguyện không vì duyên cớ khác.
  7. Phát nguyện rộng lớn vô biên.
  8. Phát nguyện không sợ hãi.
  9. Phát nguyện không lười biếng thoái chuyển.
  10. Phát nguyện khéo gồm đủ viên mãn.

Thế nào là phát nguyện không thấp kém? Nghĩa là Bồ-tát không vì muốn ở trong ba cõi để thọ hưởng an vui mà phát nguyện. Đó là Bồ-tát phát nguyện không thấp kém.

Thế nào là phát nguyện không sợ sinh tử? Tức là Bồ-tát không chán sợ ba cõi, không mong cầu lìa dục, không hướng đến Niết-bàn mà phát nguyện. Đó gọi là Bồ-tát phát nguyện không sợ sinh tử.

Thế nào là phát nguyện vượt qua hết thảy hữu tình? Tức là Bồtát phát nguyện thế này: Trong khắp các cõi hữu tình, chừng nào tất cả đều chứng được đại Niết-bàn, sau đó ta mới vào Niết-bàn. Đó là Bồtát phát nguyện vượt qua hết thảy hữu tình.

Thế nào là phát nguyện được chư Phật ngợi khen? Đó là nếu Bồtát phát nguyện như vầy: Khắp hết các cõi hữu tình, kẻ nào chưa phát tâm Bồ-đề thì nguyện cho tất cả đều phát tâm Bồ-đề, người nào đã phát tâm thì lần lượt tu hạnh Bồ-tát, đã an tọa nơi đạo tràng, tôi sẽ cung kính cúng dường từng vị một, sau đó sẽ khuyến thỉnh những vị ấy chuyển pháp luân nhiệm mầu. Nếu có vị nào muốn nhập Niết-bàn, thì cũng thành tâm cầu xin ở lại thế gian lâu hơn để làm lợi ích cho chúng sinh. Đó là Bồ-tát phát nguyện được chư Phật ngợi khen.

Thế nào là phát nguyện khéo hàng phục các ma? Đó là nếu Bồtat phát nguyện như thế này: Như chỗ ta tu hành, ta và hết thảy hữu tình đến lúc chứng quả Chánh giác, trong cõi Phật không nghe âm thanh của ma chứ đừng nói là có các loài ma. Đó là Bồ-tát phát nguyện khéo hàng phục cac ma.

Thế nào là phát nguyện không vì duyên cớ khác? Tức là Bồ-tát không vì duyên cớ nào khác mà phát nguyện cầu đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Vì sao? Vì Bồ-tát dùng trí tuệ thù thắng của mình xem xét trong thế giới hữu tình với vô số nỗi khổ não, vì nhằm cứu độ, nên phát nguyện dốc đạt đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Đó là Bồ-tát phát nguyện không vì duyên cớ khác.

Thế nào là phát nguyện vô biên? Đó là phạm vi phát nguyện của hàng Bồ-tát không bị hạn chế ở một nơi chốn nào cả. Vì sao? Là vì hạnh Bồ-đề rộng lớn vô lượng, vô biên, không biên vực. Khi Bồ-tát phát nguyện thì trịch áo vai phải, gối phải quỳ lên đất, đối với các thế gian tâm sinh chán lìa rồi phát lời nguyện này: Xem khắp tất cả các cõi nơi mười phương, những vị Bồ-tát hiện đang tu khổ hạnh, hoặc hiện đang ngồi ở đạo tràng Bồ-đề thành Bậc Chánh Giác, chuyển pháp luân. Cầu xin chư Bồ-tát hãy soi xét tâm tôi, cho đến nói pháp cứu độ, được độ thoát rồi, tôi thảy đều tùy hỷ, rồi đem căn lành của sự tùy hỷ ấy hồi hướng lên quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Đó là Bồ-tát phát nguyện vô biên.

Thế nào là phát nguyện không sợ hãi? Tức là khi mới phát tâm, Bồ-tát nghe pháp thâm diệu, hoặc thấy chư Phật có diệu lực của oai đức lớn lao, sâu xa, hoặc nghe các pháp môn thâm diệu, các thứ thần thông diệu dụng của hàng Bồ-tát, lại nghe pháp nơi phương tiện quyền xảo vi diệu của chư Phật… nghe xong thảy đều không kinh sợ. Bồ-tát lại suy nghĩ: Sự giác ngộ của Phật là vô biên. Cảnh giới của Phật là vô biên. Chư Phật Thế Tôn giáo hóa tạo mọi thành tựu đầy đủ cho các hữu tình cũng vô biên. Trí lực của ta không thể hiểu thấu, chỉ có Phật cùng Phật mới có thể hiểu hết được. Đó là Bồ-tát phát nguyện không sợ hãi.

Thế nào là phát nguyện không lười biếng, thoái chuyển? Tức là Bồ-tát hoặc thấy có hữu tình ương ngạnh khó điều phục, vì thế nên có ý muốn từ bỏ để sinh đến cõi thanh tịnh. Ta không muốn nghe những tên gọi xấu ác của các hữu tình đó. Dù như thế nhưng Bồ-tát không lìa bỏ việc làm lợi ích cho hữu tình. Vì sao? Vì Bồ-tát có đầy đủ bi, trí nên phát tâm thế này: Cùng khắp trong các cảnh giới của hữu tình, những kẻ ít trí tuệ, hành tinh tấn yếu kém, nhưng kẻ ngu si mê mờ, câm ngọng không có khả năng đạt đến Niết-bàn, những kẻ ấy nói năng xúc phạm hay xa lánh chư Phật và Bồ-tát, nguyện cho tất cả những hữu tình đó ở trong cõi nước của ta, hết thảy đều phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, cho đến ngồi nơi đạo tràng Bồ-đề thành tựu Bậc Chánh Giác. Khi Bồ-tát phát tâm như thế, tất cả cung điện của Ma vương đều chấn động, Phật ngợi khen là đã làm trang nghiêm, trong sạch cõi Phat, nên mau chứng được quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Đó là Bồ-tát phát nguyện không biếng nhác thoái chuyển.

Thế nào là phát nguyện khéo gồm đủ, trọn vẹn? Đó là nếu Bồtát thệ nguyện ngồi nơi đạo tràng Bồ-đề, hàng phục quân ma và chứng quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Trên đây thì không còn lời nguyện nào khác nữa.

Này thiện nam! Ví như trong bát đã chứa đầy sữa hoặc dầu nên không thể chứa thêm một hạt bụi nữa. Bồ-tát cũng lại như vậy, đã chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác rồi thì không thể nào lại giảm đi một lời nguyện, dù nhỏ như hạt bụi. Đó là Bồ-tát phát nguyện khéo gồm đủ, viên mãn.

Này thiện nam! Bồ-tát tu tập mười pháp như thế liền đạt được đầy đủ các nguyện.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát tu tập mười thứ pháp sau đây, liền đầy đủ các lực. Mười pháp ấy là những gì?

  1. Lực không ai có thể hơn.
  2. Lực không gì khuất phục được.
  3. Lực của phước đức.
  4. Lực của trí tuệ.
  5. Lực của đồ chúng.
  6. Lực của thần thông.
  7. Lực tự tại.
  8. Lực của pháp Đà-la-ni.
  9. Lực gia trì bất động.
  10. Lực của giáo pháp không thể vượt hơn.

Thế nào là lực không ai có thể hơn được? Tức là lực của Bồ-tát không ai có thể hơn. Như lực của tất cả hàng ngoại đạo, hàng Nhị thừa đều không thể sánh bằng lực của Bồ-tát. Đó là Bồ-tát đạt được lực không ai có thể hơn được.

Thế nào là lực không thể khuất phục? Tức là Bồ-tát có đủ lực thù thắng nên đối với các hữu tình, không một ai có thể khuất phục được lực của Bồ-tát. Đó là Bồ-tát đạt được lực không thể khuất phục được.

The nào là lực của phước đức? Tức là Bồ-tát đã tích tập được tất cả phước đức của thế gian và xuất thế gian. Đó là Bồ-tát đạt được lực của phước đức.

Thế nào là lực của trí tuệ? Nghĩa là Bồ-tát đối với pháp Phật, với trí tuệ chân chánh thảy đều biết rõ, không một pháp nhỏ nào mà không thấy, không chứng, hoặc không giác ngộ được. Đó gọi là Bồ-tát đạt được lực của trí tuệ.

Thế nào là lực của đồ chúng? Tức là Bồ-tát có những đồ chúng không sai sót về hành giới, không hủy hoại chánh kiến, không vượt qua các pháp thức, không làm cấu nhiễm đời sống thanh tịnh. Vì sao? Vì đồ chúng của Bồ-tát cũng có hạnh ngay thẳng, chân chánh như Bồtát. Đó là Bồ-tát đạt được lực của đồ chúng.

Thế nào là lực của thần thông? Tức là Bồ-tát có được lực nơi thần thông của thế gian, hãy còn có thể vượt hơn cảnh giới thần thông của hết thảy hàng Thanh văn, Duyên giác. Còn lực nơi thần thông tối thắng của Bồ-tát ấy, ở trong một hạt bụi nhưng có thể dung nạp cả cõi Diêm-phù-đề cùng bốn đại châu, tiểu thiên thế giới, trung thiên thế giới, đại thiên thế giới, hoặc vô số thế giới bằng số cát của một sông Hằng, cho đến không thể nói hết, không sao kể hết số cát sông Hằng được, thế giới nhiều như vậy mà trong một hạt bụi nhỏ cũng có thể thâu nạp được, thế nhưng số vi trần không tăng, số thế giới cũng không giảm và những hữu tình trong các thế giới ấy không va chạm, ngăn ngại nhau. Đó là Bồ-tát đạt được lực của thần thông.

Thế nào là lực tự tại? Tức là như lực của Bồ-tát luôn tự tại muốn khiến cho bảy báu đầy khắp nơi, tam thiên đại thiên thế giới thì tùy theo ý muốn, cho đến không thể nói về số thế giới không thể nêu bày được ấy thảy đều đầy đủ tất cả các thứ báu kia. Đó là Bồ-tát đạt được lực tự tại.

Thế nào là lực của Đà-la-ni? Tức là Bồ-tát ở trong số cõi Phật không thể nói, không thể nêu bày hết những pháp mà chư Phật Thế Tôn đã giảng nói, các danh số, câu văn, cùng tất cả những nghĩa lý… chỉ trong một khoảnh khac Bồ-tát có thể thọ trì, hiểu rõ, tu tập. Đó là Bồ-tát đạt được lực của pháp Đà-la-ni.

Thế nào là lực gia trì bất động? Đó là Bồ-tát có chỗ gia trì của lực gia trì thù thắng, các hữu tình không thể làm lay động lực của Bồtát, chỉ trừ Bậc Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác. Đó là Bồ-tát đạt được lực gia trì bất động.

Thế nào là lực của sự giáo hóa không thể vượt hơn? Tức là Bồtát đối với những hữu tình không còn thấy kẻ nào dám sai trái với giáo pháp và lời dạy của Bồ-tát, chỉ trừ việc dùng phương tiện quyền xảo để tạo lợi ích. Đó là Bồ-tát đã đạt được lực của sự chỉ dạy không thể vượt hơn.

Này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp ấy tức đạt được các lực đầy đủ.

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20