KINH TRỪ CÁI CHƯỚNG BỒ-TÁT SỞ VẤN

Hán dịch: Đời Triệu Tống, Đại sư Pháp Hộ
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 12

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười thứ pháp sau đây, tức có thể xa lìa tám nạn. Những gì là mười pháp?

  1. Xa lìa nghiệp bất thiện.
  2. Không vượt trái với giới cấm của Như Lai đã lập nên.
  3. Xa lìa sự keo kiệt.
  4. Theo cội nguồn của các đức mà chư Phật trước đã vun trồng.
  5. Siêng tu phước hạnh.
  6. Trí tuệ đầy đủ.
  7. Khéo hiểu rõ các phương tiện.
  8. Gồm đủ thệ nguyện thù thắng.
  9. Thường khởi tâm lo chán.
  10. Khởi phát siêng năng tinh tấn.

Này thiện nam! Bồ-tát không tạo nghiệp bất thiện nên không bị đọa vào địa ngục. Giả như thị hiện sinh vào địa ngục, thì cũng không phải chịu những nỗi khổ cùng cực ở cõi đó. Lại cũng không ở lâu trong ấy, đối với các hữu tình kia cũng không sinh tâm giận dữ. Vì sao? Vì bản tánh của Bồ-tát luôn tu tập mười nghiệp thiện. Do nhân duyên đó nen Bồ-tát không bị đọa vào địa ngục.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát đối với giới cấm của Như Lai không trái, vượt, nên không bị đọa vào đường súc sinh. Giả sử thị hiện sinh vào cõi ấy thì cũng không nhận chịu nỗi khổ cua loài súc sinh.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát không khởi tâm keo kiệt, không vì nhân duyên keo kiệt mà bị đọa vào đường ngạ quỷ. Giả sử thị hiện sinh vào cõi ấy cũng sẽ không chịu cái khổ của ngạ quỷ.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát không sinh vào nhà theo tà kiến. Giả sử có sinh vào nơi ấy thì cũng không bị mất niềm tin thanh tịnh,

Bồ-tát thường được gặp gỡ những bậc Thiện tri thức. Vì sao? Vì Bồ-tát

tu tập pháp thiện từ lâu, nơi trú xứ của Phật trước đã vun trồng gốc của các đức, nên luôn được sinh vào nhà có chánh kiến, nhân đấy mà có đầy đủ đức tin thanh tịnh, lại cũng phát triển rộng lớn niềm tin thanh tịnh.

Lại nữa, này thiện nam! Các căn của Bồ-tát cũng không hư, thiếu. Nếu không như thế thì ở trong giáo pháp của Phật, không thể đảm nhận là hàng pháp khí. Vì sao? Bồ-tát tích tập rộng khắp các phước đức, siêng tu phước hạnh, thường tôn trọng, cúng dường tháp miếu của Như Lai, hoặc Pháp, hoặc Tăng, luôn gần gũi để thực hiện các hành thù thắng. Do có các hạnh thù thắng tu tập rộng nơi bản thân mình, nên các căn đầy đủ. Vì các căn đầy đủ nên ở trong pháp Phật là hàng đại pháp khí.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát không sinh nơi nước thuộc biên địa, vì ở đấy các hữu tình nhiều ngu tối, điếc, câm, dáng vẻ, sức lực không đầy đủ, không thể gánh vác nổi việc gì, lời thiện, lời ác đều không hiểu rõ nghĩa, đối với pháp Phật, không thể là hàng pháp khí, không biết cung kính các bậc cha mẹ, Sa-môn, Bà-la-môn. Do đó, Bồtát thường sinh ở vùng giữa cõi nước. Vì ở đấy, các hữu tình có căn tánh sáng tỏ, nhanh lẹ, nhiều người có trí tuệ, lại vì những người có trí tuệ chấp thuận, nên là nơi chốn đảm nhận được, gồm đủ năng lực, lời thiện lời ác đều hiểu rõ nghĩa, ở trong giáo pháp của Phật-đà là bậc Đại pháp khí, tin tưởng sâu xa các bậc Sa-môn, Bà-la-môn. Vì sao? Vì trước họ đã từng tu tập về diệu lực của trí tuệ.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát không sinh vào cõi trời Trường thọ, nếu sinh nơi cõi ấy, dù có vô số chư Phật ra đời, cũng không thể gặp được, các điều lợi cho hữu tình không thể hoàn thành. Do đó, Bồtát sinh nơi Dục giới, ở đấy, các các hữu tình gặp Phật ra đời, yêu thích, gần gũi, có thể được Phật hóa độ. Vì sao? Vì Bồ-tát khéo gồm đủ các phương tiện.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát không sinh nơi thế giới không có Phật, vì nếu sinh vào cõi ấy thì không gặp Phật, không nghe Pháp, không cúng dường Tăng, nên Bồ-tát thường sinh trong cõi Phật có đầy đủ Tam bảo. Vì sao? Do từ trước đã tu tập đầy đủ hạnh nguyện thù thắng. Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nếu nghe những điều đáng chán, không thể không sinh tâm chán ghét điều ác. Vì sao? Vì Bồ-tát vừa nghe sự việc đó liền khởi tâm chán bỏ. Sinh tâm lo chán rồi thì phát khởi hạnh siêng năng tinh tấn, tu tập các pháp thiện, dứt trừ các pháp ác.

Này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp ấy tức có thể xa lìa tám nạn.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp sau đây sẽ đạt được hạnh không làm mất tâm Bồ-đề. Mười pháp ấy là những gì?

  1. Xa lìa dua nịnh, lừa dối.
  2. Ngay thẳng không quanh co, thanh tịnh, trong lành, xa lìa sự theo đuổi, do dự, phân biệt.
  3. Thọ trì pháp Phật.
  4. Đối với pháp không giấu, tiếc.
  5. Xa lìa pháp keo kiệt.
  6. Không tạo ra nhân duyên làm chướng ngại các pháp.
  7. Luôn nói lời chân thật.
  8. Thâu nhận pháp Đại thừa, hành trì đúng như điều đã giảng nói. Đối với người thọ trì pháp Đại thừa luôn khởi tâm tôn trọng.
  9. Đối với trú xứ của người thọ trì pháp Đại thừa, vì dần dần đi vào pháp Đại thừa nên khởi tưởng thân cận.
  10. Nhờ vào sâu pháp Đại thừa, nên đối với người thuyết pháp luôn khởi lên tưởng là bậc thầy tôn kính.

Này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp ấy, liền đạt được hạnh không làm mất tâm Bồ-đề.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp sau đây sẽ chứng được túc mạng thông. Mười pháp ấy là những gì?

  1. Cúng dường chư Phật.
  2. Thu giữ chánh pháp.
  3. Tu trì giới tịnh.
  4. Diệt bỏ nghi ngờ, xa lìa chướng ngại.
  5. Luôn sinh hoan hỷ.
  6. Luôn thực hiện quán tưởng.
  7. Tâm thường trú nơi định.
  8. Sinh khởi nơi chốn thanh tịnh.
  9. Thường thọ nhận hóa sinh.
  10. Đạt được thức sáng suốt, nhanh nhạy.

Này thiện nam! Bồ-tát do cúng dường rộng khắp chư Phật nên có thể tôn trọng chánh pháp. Do tôn trọng chánh pháp nên tôn trọng người hành trì chánh pháp. Từ nhân duyên đó nên có thể đối với chánh pháp liền thọ trì, đọc tụng. Vì hiểu rõ được chánh pháp nên vì người khác giảng nói rộng, từ đó không tiếc thân mạng, siêng năng tu tập, thọ trì chánh pháp, lại có thể tu giữ giới tịnh. Giới có ba loại: loại dành cho thân, loại dành cho ngữ và loại dành cho ý. Từ giới của ba nghiệp được thanh tịnh, tức có thể dứt trừ nghi ngờ, lìa xa các chướng ngại, cấu nhiễm. Vì sao? Trước hết từ giới hạnh thanh tịnh, nên có thể trừ diệt nghi ngờ, xa lìa chướng ngại. Rời xa nghi ngờ, chướng ngại nên luôn sinh hoan hỷ. Do tâm hoan hỷ nên thường tu quán tưởng. Nhờ tu tap quán tưởng nên tâm được an trú trong định. Tâm trú trong định nên phát sinh nơi chốn thanh tịnh. Nơi chốn thanh tịnh nên thường thọ nhận hóa sinh. Do hóa sinh nên thức được sáng suốt, nhanh nhạy. Nhờ thức sáng suốt, nhanh nhay nên có thể nhận biết được một đời, hai đời, ba, bốn, năm đời, hoặc từ mười… hai mươi, cho đến trăm ngàn vô số đời, nơi thần túc thông.

Này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp ấy liền đạt được thần túc thông.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp sau đây, sẽ không lìa xa bậc Thiện tri thức. Mười pháp ấy là những gì?

  1. Không lìa việc được gặp Phật, hoặc nghe, hoặc nhớ nghĩ.
  2. Không lìa việc nghe chánh pháp.
  3. Không lìa việc cúng dường Tăng.
  4. Không lìa bỏ việc tán thán, lễ bái, chắp tay cung kính hoặc đảnh lễ chư Phật, Bồ-tát.
  5. Không lìa nơi chốn có bậc đa văn để được nghe giảng nói về chánh pháp.
  6. Không lìa việc nghe nhận các pháp Ba-la-mật.
  7. Không lìa việc nghe nhận pháp Bồ-đề phần.
  8. Không lìa việc nghe nhận pháp ba môn giải thoát.
  9. Không lìa bỏ nghe nhận bốn pháp phạm hạnh.
  10. Không lìa bỏ việc nghe nhận pháp Nhất thiết trí.

Này thiện nam! Bồ-tát tu tập mười pháp ấy thì luôn không xa lìa những bậc Thiện tri thức.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp sau đây sẽ mãi xa lìa những tri thức ác. Mười pháp ấy là những gì?

  1. Xa lìa kẻ phá giới, tức có thể lìa tri thức ác.
  2. Xa lìa kẻ phá hoại chánh kiến.
  3. Xa lìa kẻ phá hoại khuôn phép.
  4. Xa lìa kẻ phá hoại lối sống chân chánh.
  5. Xa lìa những kẻ đam mê nghiện ngập.
  6. Xa lìa những kẻ lười biếng.
  7. Xa lìa kẻ đắm chìm trong sinh tử.
  8. Xa lìa kẻ phản lại đạo Bồ-đề.
  9. Xa lìa người hay gần gũi kẻ thế tục.
  10. Xa lìa những phiền não, nên có thể xa lìa hàng tri thức ác.

Này thiện nam! Bồ-tát nơi những trường hợp ấy tuy đều xa lìa, nhưng đối với các kẻ kia cũng không sinh tâm giận ghét, không sinh tâm não hại, không sinh tâm khinh mạn. Bồ-tát chỉ khởi tâm như vầy: Như Phật đã giảng nói, các cảnh giới của tất cả hữu tình đều do nhân duyên mà thành, tánh ham muốn cùng cấu nhiễm, thói quen cùng gần gũi nên mới có điều hư hoại, vì thế ta nay nên lìa xa các nơi chốn tác động đến tâm tánh.

Này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp ấy, liền xa lìa được hàng tri thức ác.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp sau đây thì đạt được Pháp thân Như Lai. Mười pháp ấy là những gì?

1. Đạt được thân bình đẳng. 2. Đạt được thân thanh tịnh.

  1. Đạt được thân vô tận.
  2. Đạt được thân chứa nhóm những pháp thiện.
  3. Đạt được Pháp thân.
  4. Đạt được thân không thể lường xét tính toán.
  5. Đạt được thân không thể nghĩ bàn.
  6. Đạt được thân vắng lặng.
  7. Đạt thân như hư không.
  8. Đạt thân trí tuệ mầu nhiệm.

Này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp ấy liền đạt được Pháp thân Như Lai.

Bồ-tát Trừ Cái Chướng bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Bồ-tát đạt được Pháp thân Như Lai thì theo những phần vị nào?

Phật nói:

–Này thiện nam! Bồ-tát trụ Địa thứ nhất đạt được thân bình đẳng. Vì sao? Vì Bồ-tát ấy có thể lìa mọi thân hiểm ác, nhận biết khắp tất cả pháp nơi địa Bồ-tát. Bồ-tát trụ Địa thứ hai đạt thân thanh tịnh, khéo gồm đủ giới hạnh thanh tịnh. Bồ-tát trụ Địa thứ ba đạt được thân vô tận, lìa xa hết những phiền não giận dữ. Bồ-tát trụ Địa thứ tư đạt được thân chứa nhóm các pháp thiện, chứa nhóm các pháp của Phật. Bồ-tát trụ Địa thứ năm đạt được Pháp thân, biết rõ tất cả các pháp. Bồ-tát trụ Địa thứ sáu đạt thân không thể lường xét tính toán, chứa nhóm tất cả các pháp sâu xa không thể xét lường được. Bồ-tát trụ Địa thứ bảy đạt được thân không thể nghĩ bàn, chứa góp những phương tiện thiện xảo. Bồ-tát trụ Địa thứ tám đạt được thân vắng lặng, xa lìa tất cả lý luận, rời bỏ các phiền não. Bồ-tát trụ Địa thứ chín đạt được thân như hư không, có thể hiện ra vô lượng thân to lớn. Bồ-tát trụ Địa thứ mười đạt được thân trí tuệ nhiệm mầu, chứa nhóm tất cả các pháp đã nhận biết.

Bồ-tát Trừ Cái Chướng bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Pháp thân của Như Lai và Pháp thân của Bồ-tát có gì khác nhau?

Phật nói:

–Này thiện nam! Thân thì không có gì khác nhau nhưng tướng công đức của thân ấy thì mỗi bên có khác.

Bồ-tát Trừ Cái Chướng bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Thế nào là thân thì không khác mà tướng công đức thì có sai khác?

Phật nói:

–Này thiện nam! Thân thật sự không khác. Vì sao? Vì thân chứa nhóm các yếu tố tạo nên đều cùng một tướng, nhưng tướng của công đức thì có khác.

Bồ-tát Trừ Cái Chướng bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Chỗ khác biệt về công đức đó là thế nào?

Phật nói:

–Này thiện nam! Nay ta nêu ví dụ để làm rõ nghĩa này. Ví như ngọc báu ma-ni không được mài dũa so với ngọc báu ma-ni đã được mài dũa. Hai loại báu ấy đều có tên là ma-ni, nhưng được mài dũa thì ngọc ma-ni kia tỏa chiếu ánh sáng rực rỡ, trong lành đáng yêu thích, đối chiếu với ngọc chưa mài dũa, thực không sao so sánh được. Ngọc ma-ni báu nới thân Bồ-tát, ngọc ma-ni báu nới thân Như Lai cũng lại như vậy, thật sự đều đồng. Nhưng ngọc báu ma-ni nơi thân Bồ-tát đem so trước ngọc báu ma-ni của thân Như Lai, nói về tướng thanh tịnh tỏa sáng thì không thể so sánh được. Vì sao? Vì ngọc báu ma-ni nơi thân Như Lai rộng lớn vô lượng, gồm đủ cảnh giới hữu tình và cảnh giới hư không, ánh sáng tỏa chiếu rực rỡ, đứng yên mà hiển bày. Vì sao? Vì ngọc báu ma-ni nơi thân Như Lai đã được mài dũa trong sạch, lìa hết thảy cấu bẩn không thể đem ngọc báu ma-ni nơi thân Bồ-tát để so sánh được. Vì sao? Vì Bồ-tát vẫn còn cấu uế.

Lại nữa, này thiện nam! Ví như trong thời gian có trăng sáng, ánh trăng nơi hai đêm đầu so với sự tròn của mặt trăng đêm rằm thì khác xa, nhưng thể của trăng thì không khác. Pháp có sai khác dần dần, thân của Như Lai và thân của Bồ-tát cũng lại như thế, đều gọi là thân, nhưng ánh sáng soi chiếu của thân Bồ-tát đối trước Như Lai thì không thể nào sánh bằng, cung giống như trăng nơi hai đêm đầu và trăng nơi đêm rằm.

Này thiện nam! Do đó nên biết, nói thân Như Lai và thân Bồ-tát tuy đồng một tướng, nhưng công đức thì khác nhau.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười phap sau đây thì đạt được thân kim cương bất hoại. Mười pháp ấy là những gì?

  1. Không bị tham, sân, si hủy hoại.
  2. Không bị các thứ phiền não như giận dữ, buồn phiền, mỏi mệt, kiêu mạn, nhận thức điên đảo hủy hoại.
  3. Không bị tám pháp trong thế gian hủy hoại.
  4. Không bị các nỗi khổ ở cõi ác hủy hoại.
  5. Không bị tất cả các thứ khổ hủy hoại.
  6. Không bị nỗi khổ sinh, già, bệnh, chết làm cho hư hoại.
  7. Không bị lý luận của hàng ngoại đạo dị học làm cho hư hoại.
  8. Không bị các thứ ma cùng quyến thuộc của chúng hủy hoại.
  9. Không bị các hàng Thanh văn, Duyên giác hủy hoại.
  10. Không bị tất cả cảnh cảnh giới ái dục làm hư hoại.

Này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp ấy liền đạt được thân kim cương bất hoại.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp sau đây sẽ là bậc Đạo sư. Mười pháp ấy là những gì?

  1. Được kẻ khác tin tưởng, chấp thuận.
  2. Được người khác kính trọng.
  3. Khéo làm người chỉ dẫn.
  4. Làm chỗ dựa cho người khác.
  5. Có thể làm người cứu vớt mạng sống.
  6. Khéo gồm đủ mọi hành trang tụ tập.
  7. Có nhiều tài sản báu. 8. Không hề dừng chân.
  8. Làm người dẫn đường đi trước.
  9. Khéo đi đến thành trì Nhất thiết trí.

Thế nào là được người khác tin tưởng ưng thuận? Cho đến khéo đi tới thành trì Nhất thiết trí? Này thiện nam! Như người thầy dẫn đường trên biển, hoặc vua hoặc quan thảy đều tin tưởng, ưng thuận. Bồ-tát là bậc thầy dẫn đường lớn cũng lại như thế, hoặc chư Phật, hoặc đệ tử Thanh văn của Phật thảy đều tin tưởng, ưng thuận.

Lại nữa, này thiện nam! Như bậc thầy dẫn đường trên biển được hang Bà-la-môn, Sát-đế-lợi, cùng tất cả dân chúng cung kính cúng dường. Bồ-tát là bậc thầy dẫn đường lớn cũng lại như thế, được tất cả chúng Hữu học, Vô học, cùng các hàng Trời, Rồng, Dạ-xoa, Càn-thátbà… cung kính cúng dường.

Này thiện nam! Như bậc thầy dẫn đường trên biển có thể ở giữa nơi hoang vắng mênh mông nhiều hiểm nạn để làm người dẫn đường, khiến mọi người được yên ổn, không mệt nhọc. Bồ-tát, bậc thầy dẫn đường lớn, cũng lại như vậy, có thể ở giữa cõi sinh tử mênh mông đầy hiểm nạn, vì các hữu tình chỉ dẫn nẻo đường tu tập, khiến họ biết rõ nơi có giặc ác, phiền não, đạt được yên ổn, không bị mỏi mệt.

Lại nữa, này thiện nam! Như vị thầy dẫn đường trên biển vì các người khốn khổ cô độc làm nơi chốn nương tựa, khiến họ có thể thoát khỏi quãng đường hiểm nguy nơi chốn mênh mông vắng vẻ. Bồ-tát, bậc thầy dẫn đường lớn cũng lại như vậy, có thể làm chỗ nương tựa cho các ngoại đạo… khiến họ ra khỏi con đường đầy hiểm ác nơi chốn đồng trống vắng mênh mông của cõi sinh tử.

Lại nữa, này thiện nam! Như bậc thầy dẫn đường trên biển có thể vì vua, quan cùng tất cả dân chúng tạo lập điều kiện cần thiết để cứu vớt tánh mạng của họ. Bồ-tát, bậc thầy dẫn đường lớn cũng lại như thế, có thể vì các loài hữu tình đang tham đắm, vướng mắc trong cõi sinh tử tạo nên phương tiện nhằm cứu vớt tánh mạng cho họ.

Lại nữa, này thiện nam! Như vị thầy dẫn đường trên biển, tùy theo nơi chốn hoặc đi hoặc dừng, cùng với các thương nhân vượt qua đoạn đường nơi đồng trống vắng mênh mông đầy những hiểm ác, hẹn đến được thành ấp. Lúc ấy, vị thầy dẫn đường khéo chuẩn bị đầy đủ các hành trang khiến các thương nhân cùng ra khỏi quãng đường cho đến khi yên ổn tới được chốn thành ấp. Bồ-tát, bậc thầy dẫn đường lớn cũng lại như vậy, vì muốn tìm đến trụ xứ của Phật để được thân cận, nhằm thu nhận rộng rãi nhiều hữu tình vượt quãng đường sinh tử đầy hiểm ác, khiến họ thảy đều đến chốn thành trì lớn Nhất thiết trí, cho nên Bồ-tát khéo chuẩn bị đầy đủ các hành trang hạnh phước đức, trí tuệ.

Lại nữa, này thiện nam! Như vị thầy hướng dẫn trên biển, muốn dừng lại những nơi chốn có nhiều của cải báu là vật dụng để nuôi thân như vàng, bạc, lưu ly, ngọc ma-ni, san hô, xa cừ… Bồ-tát, bậc thầy dẫn đường lớn cũng lại như vậy, muốn dừng lại nơi thành lớn Nhất thiết trí, nên tập hơp rộng khắp tất cả những hạnh thù thắng hơn hẳn của pháp Phật.

Này thiện nam! Như vị thầy dẫn đường trên biển, đối với những của cải báu chỉ kia thu lấy một ít thì không đủ. Bồ-tát, bậc thầy dẫn đường lớn cũng lại như thế, đối với những của cải là Thánh pháp thì sự tích chứa không cho là đủ.

Lại nữa, này thiện nam! Như vị thầy dẫn đường trên biển, đối với những thương nhân luôn khéo làm người đi trước dẫn đường. Vì sao? Vì là người chủ, vì khéo tăng thêm lợi ích, vì chỗ tạo tác luôn hơn hẳn có thể dùng những lời lẽ thân ái để thu nhận. Bồ-tát, bậc dẫn đường lớn cũng lại như thế, có thể vì tất cả hữu tình, làm người đi trước dẫn đường. Vì sao? Vì khéo tăng trưởng các pháp công đức, vì là phận vị tối thắng, là vị chủ tể hơn hẳn, vì luôn nói ra những lời chân thật.

Lại nữa, này thiện nam! Như vị thầy dẫn đường trên biển, vì có đầy đủ năng lực nên đến được những thành ấp. Bồ-tát, vị thầy dẫn đường lớn cũng lại như thế, có đủ năng lực thù thắng nên đến được thành trì lớn là Nhất thiết trí.

Này thiện nam! Những điều đó gọi là Bồ-tát được kẻ khác tin tưởng chấp thuận cho đến đạt được thành trì Nhất thiết trí.

Này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp như thế tức là bậc thầy dan đường lớn.

Này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp sau đây tức đạt bậc khéo biết rõ về chánh đạo. Mười pháp ấy là những gì?

  1. Khéo nhận biết về đường sá bằng phẳng.
  2. Khéo nhận biết về đường sá hiểm ác.
  3. Nhận khéo biết về đường sá an ổn.
  4. Biết con đường kia là thiện.
  5. Khéo nhận biết đường sá lầy lội hay khô ráo.
  6. Nhận biết rõ nơi chốn của đường sá.
  7. Nhận biết rõ hình tướng của đường sá.
  8. Biết rõ con đường ngay thẳng.
  9. Biết rõ con đường khúc khuỷu, quanh co.
  10. Biết rõ nẻo xuất yếu của con đường.

Này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp như thế tức khéo nhận biết về chánh đạo.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp sau đây thì có thể khéo giảng nói, chỉ bày về đạo không điên đảo. Mười pháp ấy là những gì?

  1. Nếu có hữu tình nên dùng pháp Đại thừa để hóa độ, liền vì họ giảng nói pháp của đạo Bồ-tát, không giảng nói pháp của đạo Thanh van.
  2. Có hữu tình nên dùng pháp của bậc Thanh văn để hóa độ, liền vì họ giảng nói pháp của đạo Thanh văn, không giảng nói pháp của đạo Bồ-tát.
  3. Có hữu tình nên dùng đạo Nhất thiết trí để hóa độ, liền giảng nói pháp Nhất thiết trí, không giảng nói pháp của đạo Duyên giác.
  4. Có hữu tình nên dùng pháp của bậc Duyên giác để hóa độ, liền vì họ giảng nói pháp của đạo Duyên giác, không giảng nói về đạo Nhất thiết trí.
  5. Có các hữu tình vướng vào sự chấp ngã, chấp pháp, nên giảng nói về pháp không, vô ngã, không giảng nói các pháp về ngã, chúng sinh, thọ mạng, sự nuôi dưỡng, Bổ-đặc-già-la.
  6. Có hữu tình vướng mắc, dựa vào chấp đoạn, chấp thường, lien vì họ giảng nói pháp lìa bỏ hai loại chấp ấy, không giảng nói về pháp vướng mắc nơi hai loại chấp ấy.
  7. Có hữu tình tâm bị tán loạn, liền vì họ giảng nói pháp Chỉ, Quán, không giảng nói pháp tán loạn.
  8. Có hữu tình tham chấp nơi hý luận, liền vì kẻ ấy giảng nói pháp chân như, không giảng nói pháp của kẻ ngu tối tham chấp nơi hý luận.
  9. Có hữu tình mê đắm trong sinh tử, liền vì kẻ ấy giảng nói pháp Niết-bàn, không giảng nói về pháp sinh tử.
  10. Có hữu tình đang ở trong tà đạo, Bồ-tát liền vì kẻ ấy giảng nói pháp lìa bỏ những gai gốc của lỗi lầm, không giảng nói về pháp gai gốc của phiền não.

Này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười thứ pháp ấy, tức co thể nên giảng chỉ rõ về đạo không điên đảo.

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20