CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ NI ĐÀ NA MỤC ĐẮC CA

Hán dịch: Tam tạng Pháp sư Nghĩa Tịnh đời Đường – TQ
Việt dịch: Ban phiên dịch chùa Pháp Bảo, HT Thích Tịnh Hạnh giám tu – năm 2005
Hiệu đính và nhuận văn: NS Thích nữ Như Lộc tại chùa Phổ Minh – năm 2010

 

QUYỂN 5

7. Nhiếp tụng thứ bảy trong Biệt môn thứ tư:

Ngoại đạo lạm nhận y,
Ký hiệu, khi chết cho,
Có năm loại thân hữu,
Tác pháp xin được đi.

Phật tại Trúc lâm, thành Vương xá, lúc đó vua Ảnh Thắng nước Ma-kiệt-đà sau khi nghe Phật thuyết diệu pháp được kiến đế, cùng tám vạn chư thiên và các trưởng giả, cư sĩ, Bà-la-môn trong nước Ma-kiệtđà có hơn trăm ngàn người. Ở trong đại chúng này vua lập chế nghiêm và thông báo cho nhân dân trong nước đều biết là cấm ngặt không được trộm cướp, nếu ai trái phạm sẽ bị đuổi ra khỏi nước và tịch thu hết tài sản của kẻ cướp để bồi thường cho người bị cướp. Lúc đó Phật cũng thuyết kinh Thiếu niên cho vua Thắng quang nước Kiều-tát-la, vua được điều phục rồi cũng lập chế nghiêm cho nhân dân trong nước mình là cấm ngặt không được trộm cướp, ai trái phạm sẽ bị xử tử và tịch thu hết tài sản của kẻ cướp để bồi thường cho người bị cướp. Do đó bọn giặc cướp phải rút đi đến ở nơi biên giới của hai nước này, lúc đó có đoàn thương nhân từ nước Ma-kiệt-đà đến nước Kiều-tát-la buôn bán, khi đến biên giới nước Kiều-tát-la, họ cho những người theo hộ vệ trở về, không ngờ ngay chỗ biên giới lại gặp giặc cướp cướp hết tài vật, họ chạy thoát đến gặp vua Thắng quang tâu rằng: “đại vương biết cho, ở trong quốc giới này trước đây có nhiều giao dịch mua bán, nhưng nay có cướp ắt là các thương nhân sẽ không đến nữa”, vua nghe rồi liền ra lịnh cho đại tướng quân Tỳ lư trạch ca thống lĩnh bốn binh đến biên giới bắt giặc cướp. Lúc đại tướng quân đem quân đến bao vây bốn phía khu rừng, chỗ bọn cướp đang trú ẩn thì chúng đang phân chia tài vật đã cướp được. Khi nghe tiếng trống, chúng kinh hoàng bỏ chạy nhưng cuối cùng cũng bị bắt hết, địa tướng quân thu hết tài vật và áp giải bọn cướp đến chỗ vua, vua bảo các thương nhân: “hãy xem kỹ số tài vật này, tài vật nào của các người thì cứ lấy mang đi”, các thương nhân đến nhận lại tài vật của mình rồi mang đi, các ngoại đạo cũng đến nhận lại tài vật của mình và lấy luôn y bát của các Bí-sô mang đi. Khi các Bí-sô đến tìm không thấy có y bát của mình nên tâu lại vua, vua nói: “nếu không có y bát của các thầy trong đây thì hãy gọi các ngoại đạo trở lại xét xem có lấy lầm không”, khi các ngoại đạo trở lại đưa ra tài vật mà mình vừa lấy thì các Bí-sô liền nói: “đây là Tăng-già-lê của tôi, đây là Tăng khước kỳ của tôi, đây là bát của tôi”, vua trách ngoại đạo: “giặc cướp kia là giặc nhỏ, các thầy mới là giặc lớn, vì sao lại cố ý lấy y vật của người khác?”, ngoại đạo liền im lặng. Vua nói với các Bí-sô: “các thầy nên ghi ký hiệu trên y vật để có thể phân biệt được đây là vật của ngoại đạo, đây là vật của Bí-sô”, Bí-sô nói Phật chưa cho làm ký hiệu, sau đó bạch Phật, Phật nói nên làm ký hiệu, các Bí-sô không biết làm ký hiệu như thế nào, Phật nói: “nên kết nút hay điểm tịnh bằng mực và các cách ghi ký hiệu khác rồi mới thọ trì”.

Phật tại thành Thất-la-phiệt, lúc đó có một trưởng giả cưới vợ chưa bao lâu, vợ liền sanh con trai, không lâu sau đó người vợ chết, trưởng giả cưới thêm vợ hai và có thêm một con trai. Người con trai thứ hai này đến tuổi trưởng thành xuất gia trong pháp luật thiện thuyết, khi vị này đang du hành trong nhân gian thì người cha bịnh nặng sắp chết. Trước khi qua đời ông bảo người con trưởng chia tài sản đã có làm ba phần và dặn dò như sau: “một phần cho con để lo liệu gia nghiệp, một phần để lo hậu sự cho cha, phần còn lại cho người em xuất gia của con”, ông nói kệ:

“Tích tụ đều tiêu tán,
Cao ngất ắt rơi rớt,
Hội họp ắt biệt ly,
Có mạng đều phải chết”.

Nói xong thì qua đời, người con xuất gia nghe tin cha mất liền trở về nhà, hai anh em gặp nhau đau buồn than thở, người anh nói: “lúc cha sắp mất có di chúc để lại cho em một phần gia tài, em hãy nhận lấy”, Bí-sô này suy nghĩ: “như Phật đã dạy khi chết mới cho là vật phi pháp, không nên nhận”, bạch Phật, Phật nói: “người tại gia có tâm thân ái buộc ràng nên khi lâm chung di chúc cho tài vật thì nên nhận, nhận rồi có thể đem cúng dường Tam bảo. Còn người xuất gia không còn tâm luyến ái nên khi lâm chung mà di chúc cho thì không nên nhận”.

Duyên xứ như trên, lúc đó có hai Bí-sô là bạn thân rất hợp ý nhau nên cùng ở chung một chỗ, sau đó một Bí-sô du hành trong nhân gian và để lại ở trong phòng các vật cần dùng như y vật, tăm xỉa răng, bột tẩy…. Bí-sô kia thu dọn lấy cất rồi sanh tâm nghi nên bạch Phật, Phật nói: “lấy cất không phạm, vì thân hữu có năm loại: một là yêu mến nhau, hai là tâm hoan hỉ, ba là sư trưởng, bốn là hợp ý nhau, năm là nếu nghe biết ta dùng vật của họ thì sanh tâm vui mừng. Vật dụng của năm hạng thân hữu này được lấy dùng không phạm”.

Duyên xứ như trên, lúc đó có một trưởng giả cưới vợ chưa bao lâu, vợ sanh được một gái. Người con gái này lớn lên xuất gia trong pháp luật thiện thuyết, gặp lúc thời thế mất mùa đói kém, khất thực khó được, khi theo thứ lớp khất thực lần lượt đến trước nhà mình, người cha thấy con liền hỏi: “hiện nay con sống như thế nào?”, Bí-sô ni nói: “nay gặp lúc thời buổi đói kém, khất thực khó được, vất vả khất thực mà không đủ no, lửa đói thiêu đốt rất khó chịu”, người cha nói: “từ nay về sau, hằng ngày con có thể đến nhà thọ thực”, Bí-sô ni nhận lời. Hôm sau, Bí-sô ni dẫn thêm một ni khác đến nhà thọ thực, người cha nói: “cha không đủ khả năng cung cấp cho hai người, con nên đến một mình”, Bí-sô ni nói: “Phật chế ni không được đi một mình, nếu Phật khai cho thì con không gặp khổ này”, bạch Phật, Phật nói: “gặp lúc thời buổi đói kém, khất thực khó được, ta khai cho Bí-sô ni theo chúng xin yết ma tới lui và dừng ở bên nhà cha mẹ, tác pháp xin như sau: Bí-sô ni nên trải tòa rồi đánh kiền chùy tập Ni tăng, khi Ni tăng nhóm nên lễ Ni tăng rồi ở trước vị Thượng tòa cung kính chắp tay bạch rằng:

Đại đức Ni tăng lắng nghe, con là Bí-sô ni —- nay gặp lúc thời buổi đói kém, khất thực khó được, không đủ no nên nay con theo Ni tăng xin yết ma tới lui và dừng ở bên nhà cha mẹ. Cúi xin Ni tăng cho con tên —- yết ma tới lui và dừng ở bên nhà cha mẹ, xin thương xót (ba lần).

Ni tăng bạch nhị yết ma cho, khi Ni tăng tác pháp cho yết ma rồi thì Bí-sô ni được lui tới và dừng ở bên nhà cha mẹ một mình và tùy ý thọ thực không phạm. Sau khi thời thế được mùa sung túc trở lại thì không được một mình đến thọ thực nữa, nếu còn đến một mình thì phạm tội Việt pháp”.

8. Nhiếp tụng thứ tám trong Biệt môn thứ tư:

Mua chịu y người khác,
Đoán giá y cho người,
Không trả giá thấp cao,
Nên trả hai ba giá.

Duyên xứ như trên, lúc đó có Bí-sô mua chịu vải của cư sĩ mang về chùa, không bao lâu thì qua đời, cư sĩ này hay tin liền đến trong chùa đòi tiền thiếu chịu, các Bí-sô nói: “Bí-sô ấy đã qua đời, hiện đang ở trong Thi lâm, ông đến đó mà đòi”, cư sĩ này nói: “y bát của người chết để lại, các thầy đã cùng chia, nay bảo tôi đến Thi lâm đòi tiền người chết, tại sao Thích tử lại khi dối người như vậy”, các Bí-sô bạch Phật, Phật nói: “nên lấy y bát của Bí-sô qua đời trả lại tiền đã mua chịu”.

Lại có một Bí-sô mua chịu vải quý giá nơi nhà một cư sĩ không chịu trả mãi đến khi qua đời, cư sĩ này hay tin liền đến trong chùa đòi tiền đã thiếu chịu, các Bí-sô liền đem y của người chết để lại đưa cho cư sĩ coi như là trả tiền thiếu chịu, cư sĩ này nói: “trước đây vị ấy mua là vải mới quý giá, nay đưa lại cho tôi y cũ rách này coi như là trả tiền thiếu chịu hay sao?”, các Bí-sô không biết làm sao, bạch Phật, Phật nói: “nên lấy những vật hiện còn của vị ấy để lại bù đắp thêm vào tiền đã thiếu chịu, nói với chủ nợ rằng: người ấy qua đời, tài vật để lại chỉ có bao nhiêu đây, chúng tôi đưa hết để trả tiền vị ấy đã thiếu chịu, ông nên hoan hỉ”.

Có hai cư sĩ đang giao dịch mua bán, người mua hỏi vải này giá bao nhiêu, người bán nói là hai mươi Ca lợi sa ba noa, người mua trả giá mười Ca lợi sa ba noa. Vừa lúc ấy có Ô-ba-nan-đà đi đến, hai cư sĩ này suy nghĩ: “Bí-sô nói lới quyết định, ta nên nhờ vị ấy đoán giá”, nghĩ rồi mỗi người đến hỏi Ô-ba-nan-đà: “Đại đức, vải này trị giá chừng bao nhiêu?”, Ô-ba-nan-đà hỏi lại: “vải này ông định mua hay bán?”, đáp là mua, Ô-ba-nan-đà nói trị giá chừng hai mươi Ca lợi sa ba noa. Sau đó cũng hỏi lại người thứ hai là muốn mua hay bán, đáp là muốn bán, Ô-ba-nan-đà nói trị giá đến bốn mươi Ca lợi sa ba noa. Hỏi xong người bán liền lên giá vải này là bốn mươi, người mua nói hồi nảy bán là hai mươi sao giờ lại lên giá bốn mươi, nhân đây hai bên cãi cọ nhau. Sau đó người bán nói: “do người đoán giá nói vải này trị giá đến bốn mươi nên tôi mới lên giá”, người mua hỏi ra mới biết người đoán giá chính là Ô-ba-nan-đà muốn não loạn hai người nên làm thế. Các Bí-sô nghe biết việc này liền bạch Phật, Phật bảo: “Bí-sô không nên đoán giá cho người thế tục, cũng không được ở trong chợ luận về giá cả cao thấp cho người mua bán ở chợ. Ai làm trái thì phạm tội Ác tác”.

Lại có Bí-sô khi mua vải trả giá thấp cao, người bán nói: “tôi là người mua bán nhỏ, các vị là người mua bán lớn”, các Bí-sô nghe biết việc này liền bạch Phật, Phật bảo: “Bí-sô không nên trả giá thấp cao, nếu muốn mua y nên nhờ cư sĩ trả giá hộ, nếu không có cư sĩ thì tự mình được trả chừng hai ba giá, nếu trả nhiều giá hơn thì phạm tội Ác tác”.

9. Nhiếp tụng thứ chín trong Biệt môn thứ tư:

Sai chăm sóc cây trái,
Bốn loại không nên chia,
Trái chín hiền tiền chia,
Xem sâu chớ ồn náo.

Phật tại thành Vương xá, lúc đó vua Tần-tỳ-sa-la cúng cho Tăng vườn Am-một-la ngàn cây trái sum suê, các Bí-sô hái trái ăn hết rồi không sai người chăm sóc nên vườn cây Am-một-la trở nên xơ xác. Vua Tần-tỳ-sa-la khi thấy nhìn thấy vườn cây này không nhận ra là vườn của mình đã cúng nên hỏi thị vệ là vườn cây của ai, thị vệ nói rõ nguyên do sự việc, vua nghe rồi chê trách. Các Bí-sô nghe biết việc này liền bạch Phật, Phật bảo: “đối với sản nghiệp của chùa không được bỏ phế, Tăng nên sai người chăm sóc vườn cây Am-một-la”, Tăng liền sai người chăm sóc vườn cây, người này dựng rào dậu và tính số cây trái để chia, ở dưới gốc cây các Bí-sô đánh răng súc miệng, rửa chân tay… như để tưới nước cho cây nên không bao lâu sau vườn cây Am-một-la sum suê trở lại và cho ra nhiều trái chín. Lúc đó có nhiều khách Bí-sô đến, thấy có nhiều trái chín ngon nên xin, người coi vườn nói: “tôi đã phân chia hết rồi nên không thể đem cho các vị được, đây là phần của Thân giáo sư, đây là phần của Quỹ phạm sư, đây là phần của đồng Thân giáo sư, đây là phần của đồng Quỹ phạm sư…”. Các Bí-sô nghe biết việc này liền bạch Phật, Phật bảo: “có bốn loại không nên chia: một là vật của Tứ phương tăng, hai là vật của tháp, ba là thuốc trị bịnh cho Tăng và bốn là tài sản của chùa. Ai làm trái thì phạm tội Ác tác, từ nay tất cả trái cây trong vườn này nên đem chia đều hết cho Tăng”. Lúc đó có kẻ trộm đến hái trái, Phật bảo nên cắt đặt người coi giữ, người coi giữ vườn lo trông coi nên không thể đi thọ thực được, Phật bảo nên cắt đặt thêm một người nữa, người này thọ thực trước rồi đến thay cho người kia đi thọ thực. Lúc đó người giữ vườn hái trái xong đem chia đều cho Tăng nhưng có người gặp phải trái có sâu, Phật nói: “nên xem kỹ trái nào có sâu nên lựa bỏ ra, trái cây hái xuống nên tác tịnh trước rồi mới phân chia”. Sau đó các Bí-sô xem xét trái nào có sâu, nói chuyện ồn ào, nước miếng văng ra làm dơ trái cây, Phật nói: “không được làm ồn náo, nên im lặng như bậc Thánh để xem xét, nếu ai làm ồn náo thì phạm tội Ác tác”.

10. Nhiếp tụng thứ mười trong Biệt môn thứ tư:

Không tịnh nhơn, tự đưa,
Không được tự lấy ăn,
Không được lựa, trừ bịnh,
Kết giới, ra làm chứng.

Tôn giả Ưu-ba-ly hỏi Phật: “như Phật đã dạy nên chia trái cây đến cho Tăng, vậy người nào nên đưa?”, Phật nói: “nên sai tịnh nhơn đưa, nếu không có tịnh nhơn nên sai Cầu tịch, nếu không có Cầu tịch thì nên tác tịnh trước rồi Bí-sô mới lấy đưa đến cho Tăng”, lại hỏi: “như Phật dạy nên sai người coi giữ vườn, nếu sau khi tịnh nhơn hay Cầu tịch vừa đi, có chim chóc bay đến mổ làm hư trái cây thì phải làm sao?”, Phật nói: “nên lấy lá cây đậy trái cây lại, đợi tịnh nhơn hay Cầu tịch làm xong việc trở về sẽ chỉ cho họ thấy”.

Lúc đó Lục chúng Bí-sô tới phiên giữ vườn, họ liền lựa lấy những trái ngon mang về trú xứ mình tác pháp thọ rồi ăn, các Bí-sô nói với nhau: “đã lâu không thấy đưa trái ngon đến”, có người nói: “trái ngon đã bị Lục chúng Bí-sô lựa lấy mang về trú xứ, bảo người khác trao cho, thọ lấy rồi ăn”, bạch Phật, Phật nói: “không được tự lấy ăn, nếu làm như vậy thì phạm tội Ác tác”. Sau đó Lục chúng Bí-sô lựa trước trái ngon rồi bảo người khác trao, thọ lấy rồi ăn; do đưa người này, đưa người kia nên làm náo loạn, Phật nói: “không được tự lựa rồi lấy ăn, ai làm thế thì phạm tội Ác tác; không phạm là ai sức lực yếu thì được ăn trái chín ngọt, ai sức lực mạnh thì ăn trái sống chua”.

Duyên xứ như trên, lúc đó có các Bí-sô du hành trong nhân gian, đi đến một trú xứ Tăng trong một tụ lạc, nhưng lại không thấy có Bí-sô cựu trụ nào cả, họ nói với nhau: “trong chùa này không có ai, không lẽ chúng ta lại ở nơi không có kết giới, chúng ta nên kết giới”, nói rồi cùng kết tiểu giới trước. Lúc đó các Bí-sô cựu trụ về đến, các Bí-sô khách tưởng họ là khách mới đến nên chào hỏi rồi muốn sắp xếp chỗ cho họ nghỉ ngơi, Bí-sô cựu trụ nói: “vì sao các vị lại sắp xếp chỗ cho chúng tôi nghỉ ngơi, trú xứ này là của chúng tôi, ban ngày chúng tôi tạm đi đến chỗ nhàn tịnh thiền tư”, Bí-sô khách nói: “chúng tôi cho trú xứ này chưa kết giới nên muốn kết giới và đã kết tiểu giới trước rồi”, Bí-sô cựu trụ nói: “nơi đây chúng tôi đã kết giới rồi”. Lúc đó các Bí-sô đều sanh nghi không biết nên lấy giới đã kết trước hay lấy giới mới kết sau, bạch Phật, Phật nói: “nên lấy giới đã kết trước, giới kết sau không thành kết. Tất cả Bí-sô khách khi đến trú xứ nào, nên ở tạm bảy tám ngày nếu không thấy có người đến, lúc đó mới cùng kết giới, ai làm trái thì phạm tội Ác tác”.

Duyên xứ như trên, lúc đó có một Bí-sô ở nơi A-lan-nhã thấy có hai nông dân tránh cãi nhau một hồi rồi đánh nhau, cả hai đều nói Bí-sô là người làm chứng. Khi họ đến chỗ vua kiện cáo, nói Bí-sô là người làm chứng nên vua cho gọi Bí-sô đến rồi hỏi sự việc xảy ra như thế nào, Bí-sô nói: “nếu vua có thể tự giao ước là sẽ xử đoán việc như Chuyển luân thánh vương thì tôi sẽ nói rõ sự việc”, vua bằng lòng giao ước, Bísô nói: “hai người này tranh cãi nhau một hồi rồi đánh nhau”, vua nghe rồi liền xử cả hai đều có tội, Bí-sô nói: “vì sao vua lại xử phạt họ như thế, vua đã giao ước là sẽ xử như Chuyển luân thánh vương giáo hóa ở đời?”, vua hỏi Luân vương hành hóa như thế nào, Bí-sô nói: “hễ là Luân vương thì nên ngăn dứt việc vô ích và làm việc hữu ích”, vua nghe rồi liền xử cả hai đều có tội nhưng phạt nhẹ rồi thả đi, do đây cả hai nông dân đều giận Bí-sô. Các Bí-sô nghe biết việc này liền bạch Phật, Phật bảo: “nếu thấy người khác đánh nhau, Bí-sô không nên đứng một bên xem, nên mau bỏ đi, nếu không làm thế thì phạm tội Ác tác”.

V. TỔNG NHIẾP TỤNG CỦA BIỆT MÔN THỨ NĂM:

Cúng dường tượng Bồ-tát,
Kiết tường, đại chúng ăn,
Đại hội, ngồi tòa cỏ,
Nhóm tăng đánh trống lớn.

1. Nhiếp tụng trong Biệt môn thứ năm:

Cho làm tượng Bồ-tát,
Và làm năm loại cờ,
Làm tòa để tôn nghi,
Tùy ý làm trụ sắt.

Duyên xứ như trên, lúc đó nếu Phật có mặt ở trong chúng làm Thượng tòa thì do oai đức của Phật nên chúng tăng đều nghiêm túc; nếu Phật không có mặt ở trong chúng thì sẽ không như thế. Cho nên trưởng giả Cấp-cô-độc đến xin Phật cho ông làm hình tượng Phật, Bồtát (Thiệm bộ), Phật nói tùy ý; ông lại muốn trang hoàng phướn lọng, Phật cũng cho làm, ông không biết làm loại phướn gì, Phật nói: “có năm loại phướn: một là phướn hình Sư tử, hai là phướn hình Một yết la, ba là phướn hình Rồng, bốn là phướn hình Yết lộ trà và năm là phướn hình Ngưu vương”. Trưởng giả lại muốn làm tòa cho hình tượng Bồ-tát, Phật cũng cho làm, lại muốn làm trụ sắt để treo phướn, Phật đều cho làm.

2. Nhiếp tụng thứ hai trong Biệt môn thứ năm:

Cúng dường tượng Bồ-tát,
Cho làm các chuỗi ngọc,
Hương thoa cùng xe, kiệu,
Dù lọng và cờ phướn.

Duyên xứ như trên, trưởng giả Cấp-cô-độc lại hỏi Phật: “có phải khi Phật còn làm Bồ-tát thường cúng dường rộng lớn hay không?”, Phật nói phải, trưởng giả xin Phật cho ông làm hình tượng Bồ-tát để tùy ý cúng dường, Phật cho làm; lại hỏi: “có phải khi Phật còn làm Bồ-tát thường đeo các chuỗi ngọc hay không?”, Phật nói phải, trưởng giả xin Phật cho ông làm các chuỗi ngọc cho hình tượng Bồ-tát, Phật nói: “trừ vòng đeo chân và vòng đeo tai ra, tất cả đều cho làm”. Trưởng giả lại muốn làm hương thoa, hương bột để lau tay chân cho hình tượng Bồ-tát, Phật đều cho làm; lại bạch Phật: “Phật khi còn làm Bồ-tát thường đi kiệu ra vào hoặc đi xe, nay con muốn làm xe kiệu”, Phật cho làm; lại bạch Phật: “khi Phật còn là Bồ-tát thường có tàng lọng che và cờ phướn đi theo, nay con muốn làm tàng lọng và cờ phướn cho hình tượng Bồtát”, Phật cho làm; lại bạch Phật: “Phật khi còn là Bồ-tát thường trang nghiêm thân bằng vòng hoa chuỗi ngọc, nay con muốn làm các vật ấy để trang nghiêm cho hình tượng Bồ-tát”, Phật đều cho làm.

3. Nhiếp tụng thứ ba trong Biệt môn thứ năm:

Kiết tường và cúng dường,
Vòng hoa, hương tổng hợp,
Khi mọi người tập họp,
Ngày mở cửa, đêm đóng.

Lúc đó trưởng giả Cấp-cô-độc bạch Phật: “khi Phật còn là Bồ-tát, đại chúng thường đem việc kiết tường cung kính cúng dường, xin Phật cho con làm việc kiết tường thiết cúng tượng Bồ-tát”, Phật cho làm; lại muốn làm vòng hoa trang nghiêm trên đầu hình tượng Bồ-tát và dùng các loại hương tổng hợp để cúng dường, Phật đều cho làm. Trưởng giả lại muốn vì tượng Bồ-tát mà trang nghiêm trong chùa, họa vẽ nhiều màu sắc và dùng hương hoa…, tấu các loại kỹ nhạc để cúng dường, Phật đều cho làm. Dân chúng thấy chùa trang nghiêm nên sanh tâm hi hữu cùng kéo đến chiêm ngưỡng rất đông nên làm ồn náo, các Bí-sô thấy vậy liền đóng cửa cả ngày đêm, dân chúng thấy vậy liền chê trách là ngăn chận sanh thiện, Phật nói: “ban ngày nên mở cửa cho họ đến chiêm ngưỡng cúng dường, ban đêm đóng lại”.

4. Nhiếp tụng thứ tư trong Biệt môn thứ năm:

Đại chúng nhóm thọ thực,
Sanh tháng Tiết xá khư,
Hương đài, năm sáu năm,
Nên thiết lập đại hội.

Khi trưởng giả Cấp-cô-độc thiết lễ cùng dường, nhiều Bí-sô cùng bảy chúng đều đến dự khiến trưởng giả sanh tâm hoan hỉ, suy nghĩ: “như Phật đã dạy có năm loại thời thí (bố thí đúng thời):

1. Cấp thí cho Bí-sô mới đến hay sắp đi xa.

2. Cấp thí cho Bí-sô bịnh và người khán bịnh.

3. Cấp thí vào những năm mất mùa đói kém và tại đường hiểm trở.

4. Khi thu hoạch ngũ cốc và hoa quả mới, vào những ngày lễ trong năm nên cấp thí cho Bí-sô trì giới có đức trước rồi mình mới tự dùng.

5. Vào thời tiết gió mưa hay tuyết lạnh nên đem bánh, cháo… và các loại nước uống đến cúng dường chúng tăng, đừng để các Thánh tăng phải đi khất thực cực khổ, họ thọ thức ăn uống này của ta sẽ được an lạc trụ.

Nay ta thấy bảy chúng từ xa đến, đi đường mệt nhọc, nếu Phật cho, ta sẽ mở đại hội cúng dường”, nghĩ rồi liền đến xin Phật cho mở đại hội vô già cúng dường, Phật nói tùy ý làm. Sau đó trưởng giả hỏi Phật: “Bồ-tát đản sanh vào ngày tháng mấy?”, Phật nói là vào ngày trăng tròn của tháng Tiết xá khư, trưởng giả xin Phật cho mở đại hội mừng sanh nhật Phật, Phật cho làm. Lại xin Phật cho vì hình tượng Bồ-tát làm hương đài, Phật cho làm; lại hỏi Phật: “khi Phật còn là Bồ-tát trải qua mấy năm mới cắt búi tóc trên đỉnh đầu?”, Phật nói năm năm, trưởng giả xin Phật cho làm đại hội Đảnh kế năm năm, Phật cho làm; lại hỏi Phật: “Bồ-tát mấy năm mới mọc lại búi tóc?”, Phật nói sáu năm, trưởng giả xin Phật cho làm đại hội Phật đà, Phật cho làm.

5. Nhiếp tụng thứ năm trong Biệt môn thứ năm:

Đại hội làm tòa cỏ,
Không nên ngồi tạp loạn,
Nên đánh kiền chùy, trống,
Thông báo cho biết hết.

Khi trưởng giả Cấp-cô-độc thiết lập đại hội, dân chúng trong sáu thành lớn đều tụ đến dự, các Bí-sô cũng rất đông nên không đủ chỗ ngồi, Phật bảo nên làm tòa cỏ để tùy thời thọ thực. Các Bí-sô thọ thực xong không thu cất tòa cỏ liền bỏ đi, Phật nói: “khi thọ thực xong nên thu cất tòa cỏ để một bên rồi mới tùy ý đi, đợi khi đại hội Phật đà xong mới đem vất bỏ”. Lúc đó khi thọ thực, các Bí-sô không ngồi theo thứ lớp tuổi hạ mà ngồi tạp loạn khiến cho người dọn đưa thức ăn phải kéo dài thời gian, hoặc khi dọn ăn xong lại có người khác đến phải dọn ăn nữa, nên mất nhiều thời gian. Phật nói nên báo giờ để họ biết đến đúng giờ, khi báo giờ vì ồn nào nên nhiều người không nghe biết, Phật bảo nên đánh kiền chùy, vẫn còn có người không nghe, Phật bảo nên thổi ốc hay đánh trống, vẫn không nghe khắp hết, Phật nói: “nên đánh trống lớn, trước đánh ba hồi rồi đánh một hồi dài”. Lúc đó người bịnh và người thọ sự thiếu phần thức ăn, Phật nói: “nên chờ người bịnh nhận được phần ăn và người thọ sự ăn xong mới đánh hồi dài, nếu không làm như thế thì phạm tội Việt pháp”.

6. Nhiếp tụng thứ sáu trong Biệt môn thứ năm:

Nhóm Tăng đánh trống lớn,
Cúng xong tháo cờ phướn,
Nếu được nhiều trân bảo,
Tùy lớn nhỏ chia đều.

Như Phật dạy nhóm Tăng nên đánh kiền chùy nhưng không nghe khắp hết, Phật bảo nên đánh trống lớn cho khắp nơi đều nghe thấy. Khi mở đại hội, xa gần đều tụ đến nhưng khi đại hội hoàn mãn, mọi người vẫn chưa giải tán, Phật bảo nên tháo cờ phướn xuống, mọi người thấy sẽ tự nhiên giải tán. Sau đại hội này các Bí-sô được cúng dường nhiều tài vật, trân bảo không biết phải làm sao, Phật nói: “nên tập họp tài vật lại một chỗ rồi theo thứ lớp từ Thượng tòa cho đến người nhỏ nhất, tùy lớn nhỏ y theo pháp mà chia đều”, lúc đó các Bí-sô vẫn còn lăng xăng vì số người quá đông nên khó chia, Phật nói: “nếu chúng quá đông nên chia một phần cho nhóm một ngàn người để họ tự chia; nếu ít hơn thì chia một phần cho nhóm một trăm người hoặc hai mươi người cho đến mười người để họ tự chia”. Lúc đó tôn giả Ưu-ba-ly hỏi Phật: “nếu trong nhóm mười người có một người chết thì phần của người chết ai được thọ?”, Phật nói: “nếu trong nhóm mười người đã chia phần xong rồi thì phần của người chết sẽ đưa vào trong Tăng già; nếu chưa chia thì hợp vào phần của chín người được chia. Nhiều người hơn cũng căn cứ theo đây mà chia”.

 

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10