CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ NI ĐÀ NA MỤC ĐẮC CA

Hán dịch: Tam tạng Pháp sư Nghĩa Tịnh đời Đường – TQ
Việt dịch: Ban phiên dịch chùa Pháp Bảo, HT Thích Tịnh Hạnh giám tu – năm 2005
Hiệu đính và nhuận văn: NS Thích nữ Như Lộc tại chùa Phổ Minh – năm 2010

 

QUYỂN 2

8. Nhiếp tụng thứ tám trong Biệt môn thứ nhất:

Dù y không cắt rọc,
Có nạn duyên được mặc,
Y may theo thân lượng,
Nếu thiếu may hạ y.

Tôn giả Ưu-ba-ly lại hỏi: y không cắt rọc có được thọ trì không?

Phật đáp: không được, nếu có nạn duyên thì được.

Lại hỏi: y không cắt rọc có được mặc đi vào tụ lạc hoặc nhà thế tục hoặc trú xứ của ngoại đạo không?

Phật đáp: không được, nếu có nạn duyên thì được.

Lại hỏi: y không cắt rọc có được mặc vào trong nhà ngoại đạo ngồi không?

Phật đáp: không được, nếu ngoại đạo không có ở nhà thì được ngồi không phạm.

Lại hỏi: như Phật đã dạy y nên may đúng theo kích lượng Phật đã chế mới được thọ trì, nếu người có thân lượng to lớn mà kích lượng Phật đã chế lại ngắn thì có nên y theo kích lượng Phật đã chế để may y không?

Phật nói: nên y theo thân lượng của người này mà may y.

Lại hỏi: nếu y theo thân lượng của người này để may y mà vải không đủ thì phải như thế nào?

Phật đáp: nên may thành y Quyết tô lạc ca (tức là hạ y: váy hay quần) để thọ trì.

9. Nhiếp tụng thứ chín trong Biệt môn thứ nhất:

Không chứa năm loại da,
Do vì có lỗi lầm,
Khai cho được thọ dụng,
Vừa đủ thân ngồi nằm.

Lại hỏi: như Phật đã dạy không được dùng da của voi chúa làm giày, vậy da của các loài voi khác có được dùng làm giày không?

Phật đáp: không được, vì các loài voi khác cũng có sức mạnh của ngà.

Lại hỏi: như Phật đã dạy không được dùng da của Trí mã làm giày, vậy da của các loài ngựa khác có được dùng làm giày không?

Phật đáp: không được, vì các loại ngựa khác cũng có sức mạnh khỏe để chạy.

Lại hỏi: như Phật đã dạy không được dùng da của sư tử, cọp, báo làm giày, vậy da của các loài thú khác có được dùng làm giày không?

Phật đáp: không được, vì các loài thú khác cũng có sức mạnh của móng vuốt.

hỏi: như Phật đã dạy không nên ngồi trên da của các loài thú kể trên, còn da của các loài thú khác thì được, vậy nên dùng kích lượng là bao nhiêu?

Phật đáp: nên dùng kích lượng vừa bằng chỗ ngồi.

Lại hỏi: nếu dùng để lót nằm thì nên dùng kích lượng là bao nhiêu?

Phật đáp: nên dùng kích lượng vừa bằng chỗ nằm.

10. Nhiếp tụng thứ mười trong Biệt môn thứ nhất:

Thịt sống, các loại dấm,
Có năm loại không dùng,
Bịnh trĩ không cắt bỏ,
Hồi thí, biết mong cầu.

Phật tại thành Thất-la-phiệt, Ưu-ba-ly hỏi Phật:

Lại hỏi: như Phật đã khai cho Bí-sô Tây yết da vì bịnh được ăn thịt sống, thịt sống này nên thọ lấy từ đâu?

Phật đáp: thọ lấy từ năm hạng đồ tễ, đó là kẻ giết dêm gà, heo, kẻ bắt chim và thợ săn.

Lại hỏi: nên sai ai đến thọ lấy?

Phật đáp: nên sai người có tín tâm.

Lại hỏi: thọ rồi nên đưa lại cho ai?

Phật đáp: nên đưa lại cho người có tín tâm.

Lúc đó trong thành có một Bí-sô mắc bịnh tiêu khát, đến thầy thuốc yêu cầu điều trị, thầy thuốc bảo nên dùng Tô, Bí-sô nói Phật chưa khai cho dùng, thầy thuốc nói: “Thế tôn đại bi ắt sẽ khai cho”, Bí-sô bạch Phật, Phật nói: “nếu thầy thuốc bảo dùng Tô mới hết bịnh thì được dùng”. Bí-sô này dùng Tô rồi vẫn bị bịnh bức bách, thầy thuốc nói: “nếu dùng Tô không hết bịnh thì nên dùng các loại rượu giấm”, Bí-sô nói Phật chưa khai cho dùng, thầy thuốc nói: “Thế tôn đại bi ắt sẽ khai cho”, Bí-sô bạch Phật, Phật nói: “nếu thầy thuốc bảo nên dùng rượu giấm thì ta khai cho được dùng”, Bí-sô không biết nên dùng các loại rượu giấm nào, Phật nói: “có sáu loại dấm đều có thể dùng, đó là đại rượu giấm, rượu giấm từ gạo, rượu giấm thuốc, rượu giấm nhạt, lạc tương và lạc tương khuấy. Đại rượu giấm là dùng đường cát với nước trộn vào trong các loại trái cây như nho… để ủ lâu ngày thành rượu giấm. Rượu giấm từ gạo là xay gạo nếp cùng các tạp vật khác rồi ủ lâu ngày thành rượu giấm. Rượu giấm thuốc là dùng rễ cành… của các loại cây thuốc cùng táo chua… ủ lâu ngày thành rượu giấm thuốc. Rượu giấm nhạt là nấu cơm chắt lấy nước rồi pha nước vào cho loãng để dùng. Lạc tương là nước uống chế biến từ Lạc. Lạc tương khuấy là khuấy Lạc thành Tô rồi chế biến thành nước uống, tất cả các loại nước uống khác đều gọi là Tương. Tất cả laọi nước uống này khi thọ dụng nên pha vào một ít nước để tác tịnh, dùng vải dày lượt rồi để lắng trong như màu nước tre, dù là thời hay phi thời, bịnh hay không bịnh đều được dùng không phạm”.

Lúc đó trong thành có một Bí-sô bị bịnh Trĩ, đầu Trĩ lòi ra ngoài nên Bí-sô dùng móng tay ngắt bỏ, đau đớn chịu không nổi liền suy nghĩ: “ta bịnh khổ không thể chịu nổi, vì sao Thế tôn không thương xót”. Phật do đại bi dẫn dắt nên đi đến chỗ Bí-sô bịnh hỏi: “thầy mắc bịnh khổ gì?”, Bí-sô nghe Phật hỏi liền thương cảm nghẹn ngào rơi lệ liền nói rõ bịnh tình của mình, Phật nghe rồi nói rằng: “trước đây ta có chế ngăn nếu mắc bịnh Trĩ không được cắt bỏ”, đáp là Phật đã chế ngăn, Phật hỏi: “nếu biết đã chế ngăn vì sao thầy còn làm?”, đáp là do bịnh khổ bức bách, Phật nói: “nếu do bịnh khổ bức bách thì không phạm, từ nay dù bị bịnh bức bách thế nào cũng không được cắt bỏ. Trị bịnh Trĩ này có hai cách là dùng thuốc hoặc dùng cấm chú, Bí-sô mắc bịnh khổ này không được tự cắt bỏ hay bảo người khác cắt bỏ giùm, ai làm trái thì phạm tội Việt pháp”, Phật lại bảo các Bí-sô: “ở chỗ khác trước đây ta đã nói cấm chú trị bịnh Trĩ này rồi, nhưng nay ta sẽ nói lại, nếu ai tụng trì ắt sẽ được lành bịnh, nếu tụng trì cho đến trọn đời thì sẽ không bị bịnh Trĩ này bức não, cũng được Túc mạng trí có thể nhớ biết việc trong bảy đời quá khứ”, Phật nói chú:

Đát điệt tha, a lỗ ni mạt lỗ ni tỷ ni, câu lê bà tỳ thế sa bà tỳ, tam bà tỳ, sa ha.

Này các Bí-sô, khi tụng chú nên nói lời này: “ở phương Bắc trong Đại tuyết sơn vương có đại thọ tên Tiết địa đa nở ra ba loại hoa: một tên là Tương tục, hai tên là Nhu nhuyến, ba tên là Càn khô. Như hoa Càn khô thì đến mùa khô sẽ rơi rụng, bịnh Trĩ này của ta hoặc là bịnh

Trĩ phong hay Trĩ nóng, Trĩ đàm ấm, Trĩ huyết, Trĩ phân và các loại Trĩ khác cũng đều sẽ khô rụng, không chảy máu mũ khiến cho đau đớn nữa, thảy đều khô rụng hết, sa ha”, Phật lại nói chú:

Đát điệt tha, chiêm mê, chiêm mạt nê khứ, sa ha.

Các Bí-sô nghe Phật nói rồi đều hoan hỉ phụng hành.

Phật tại tụ lạc thương buôn Na trĩ thuộc trú xứ Thích ca, trong tụ lạc này có một trưởng giả tín tâm và hỷ xả đã xây dựng một trú xứ cúng cho tôn giả La hỗ la. Tôn giả ở chưa được bao lâu, vì có duyên sự nên đắp y mang bát du hành trong nhan gian, trưởng giả nghe tin không biết tôn giả có trở về lại không, nên đem trú xứ này hồi thí cho Tăng. Sau một thời gian du hóa trở về lại trú xứ, La hỗ la mới biết trưởng giả đã đem hồi thí cho Tăng, liền đến chỗ Phật đảnh lễ bạch rằng: “Thế tôn, trong tụ lạc này có một trưởng giả tín tâm và hỷ xả đã xây dựng một trú xứ cúng cho con. Con ở chưa được bao lâu, vì có duyên sự nên đắp y mang bát du hành trong nhan gian, trưởng giả nghe tin không biết con có trở về lại không, nên đem trú xứ này hồi thí cho Tăng. Giờ con phải làm sao?”, Phật bảo La hỗ la: “con nên đến nói với trưởng giả rằng: “nơi thân ngữ ý của tôi, ông có từng sanh chút tâm chán ghét hay không?”, La hỗ la vâng lời Phật dạy đến hỏi trưởng giả như thế, trưởng giả đáp là chưa từng có ý tưởng chán ghét, La hỗ la trở về bạch lại lời của trưởng giả, Phật nghe rồi liền bảo A-nan: “thầy hãy đến tụ lạc Na trĩ thông báo cho các Bí-sô trú ở đó đến tập họp trong giảng đường”, A-nan vâng lời Phật dạy đi thông báo, khi các Bí-sô tập họp đông đủ, A-nan đến bạch Phật biết thời. Phật cùng các Bí-sô và La hỗ la đến trong giảng đường ngồi trước các Bí-sô nói rằng: “các thầy nên biết, nếu có thí chủ đem vật mà mình đã thí riêng cho một người, sau đó hồi thí lại cho người khác thì người thí là phi pháp, người thọ cũng phi pháp, gọi là thọ dụng bất tịnh. Cũng vậy, đem vật mà mình đã cho rồi hồi thí lại cho hai, ba người hoặc Tăng thì người thí và người cho đều không như pháp, thọ dụng đều bất tịnh. Này các Bí-sô, nếu có thí chủ đem vật mà mình đã thí riêng cho hai người hoặc ba người, sau đó hồi thí lại cho người khác thì người thí là phi pháp, người thọ cũng phi pháp, gọi là thọ dụng bất tịnh. Cũng vậy, đem vật mà mình đã cho rồi hồi thí lại cho hai, ba người hoặc Tăng thì người thí và người cho đều không như pháp, thọ dụng đều bất tịnh. Này các Bí-sô, nếu có thí chủ đem vật mà mình đã thí cho Tăng già, sau đó hồi thí lại cho người khác thì người thí là phi pháp, người thọ cũng phi pháp, gọi là thọ dụng bất tịnh. Cũng vậy, đem vật mà mình đã cho rồi hồi thí lại cho hai, ba người hoặc Bí-sô Tăng già khác, hoặc Bísô ni tăng già thì người thí và người cho đều không như pháp, thọ dụng đều bất tịnh. Vì sao, vì thí trước là thật thì, thí sau là phi pháp thí. Ngược lại, nếu có thí chủ đem vật mà mình đã thí riêng cho một người rồi, sau đó không hồi thí lại cho người khác thì người thí là như pháp, người thọ cũng như pháp, gọi là thọ dụng thanh tịnh. Cũng vậy, đem vật mà mình đã cho rồi, không hồi thí lại cho hai, ba người hoặc Tăng hoặc Ni tăng thì người thí và người cho đều là như pháp, thọ dụng đều thanh tịnh. Này các Bí-sô, đất đai thuộc của vua, vật dụng thuộc của thí chủ; phòng xá ngọa cụ thì thí chủ là chủ, y bát tư cụ thì Bí-sô là chủ. Những tài vật đã cúng cho chùa, nếu có hư hoại thì thí chủ tự sẽ tu bổ nhưng không được tự lấy đem hồi thí cho người khác, vì thí trước là như pháp, thì sau là phi pháp. Cho nên các Bí-sô nên trả lại trú xứ trước đã thí cho La hỗ la, từ nay Bí-sô đem vật mà mình đã cho người này hồi thí lại cho người kia thì phạm tội Việt pháp, trừ nạn duyên”, các Bí-sô vâng lời Phật dạy trả lại trú xứ trước đã thí cho La hỗ la.

Như Phật đã dạy năm hay sáu năm nên mở hội Đảnh kế một lần, lúc đó có các Bà-la-môn, trưởng giả tín tâm đem đủ loại bánh trái và rất nhiều thức ăn đến cúng cho Tăng, các Bí-sô ăn không hết nên đem thức ăn dư đó cho các Cầu tịch. Sáng hôm sau, các Cầu tịch đem thức ăn đó cho lại các Bí-sô, các Bí-sô hỏi thức ăn này được từ đâu, đáp là của các thầy cho hôm qua, các Bí-sô suy nghĩ: “đây là thức ăn dư của ta, hôm nay ăn lại, theo luật chế là phạm”, nghĩ rồi liền bạch Phật, Phật nói: “nếu có tâm mong cầu cho để được ăn lại thì khi cho phạm Ác tác, khi ăn liền phạm Đọa; nếu cho với tâm không mong cầu nhưng có tâm mong cầu được ăn lại thì khi cho không phạm, khi ăn liền phạm Đọa; nếu cho với tâm có mong cầu nhưng không có tâm mong cầu được ăn lại thì khi cho phạm Ác tác, ăn không phạm”.

II. TỔNG NHIẾP TỤNG CỦA BIỆT MÔN THỨ HAI:

Chia y và xướng dắt,
Trương y, người thọ học,
Làm lại, thâu nhiếp, đuổi,
Cầu tịch đồng trên tường.

1. Nhiếp tụng trong Biệt môn thứ hai:

Chia y vật người chết,
Cùng lấy vật lẫn nhau,
Thấy đánh nên can gián,
Xử phân theo đầu day.

Phật tại thành Thất-la-phiệt, lúc đó có một trưởng giả sanh được một trai, sau khi lớn lên xuất gia thọ Cận viên trong Phật pháp, thời gian sau không may bị bịnh nặng qua đời, các Bí-sô đem y bát táng theo tử thi, người tục thấy liền nói: “chúng tôi có con cháu nên muốn gì cũng dễ được, vậy mà vật của người chết cũng không táng theo hết; còn các thầy không có con cháu, các tư tài đã có phải khổ cầu mới được, vì sao không giữ lại vật của người chết để dùng?”, các Bí-sô nói: “Phật chưa cho giữ lại vật của người chết để dùng”, bạch Phật, Phật nói: “y bát của Bí-sô qua đời không nên bỏ”. Sau đó có Bí-sô bịnh qua đời, các Bí-sô lột lấy y để tử thi thân trần mà táng, người tục thấy liền chê trách, Phật nói: “không nên để tử thi thân trần, nên mặc y phục và phủ tấm vải trên người mà đem táng”, các Bí-sô lại mặc y phục tốt đẹp cho người chết rồi đem táng, Phật nói không nên như thế, các Bí-sô lại mặc y phục rách nát cho người chết rồi đem táng, Phật nói: “cũng không nên, nên dùng loại y phục không tốt lắm cũng không xấu lắm mặc cho người chết rồi đem táng”. Lúc đó các Bí-sô bạch Phật: “y bát của người chết để lại nên xử phân như thế nào?”, Phật nói: “nên đem cho Bí-sô nào nghèo thiếu”, Lục chúng Bí-sô liền làm ra vẻ nghèo thiếu để được cho, Phật nói: “không nên đem cho Lục chúng Bí-sô, nên cho theo thứ tự từ Thượng tòa trở xuống”, khi làm như vậy các Bí-sô nhỏ lại không được cho, Phật nói: “nên tập họp chúng rồi tác bạch, nếu chúng tăng hòa hợp chấp thuận lấy y bát đó đem bán rồi cùng chia”.

Duyên xứ như trên, lúc đó có một Bí-sô bịnh qua đời, y bát gởi tại trú xứ ni, sau khi được các Bí-sô ni tống táng xong, các Bí-sô mới hay biết liền đến trú xứ ni đòi lấy y bát của người đã chết, Bí-sô ni nói: “nếu vị ấy chết ở chùa tăng thì y bát thuộc về các thầy, nay vị ấy chết tại chùa ni lại là huynh đệ đồng pháp của tôi nên y bát của vị ấy nên thuộc về tôi”, Bí-sô bạch Phật, Phật nói: “ni nên đưa lại cho Bí-sô”.

Duyên xứ như trên, lúc đó có một Bí-sô ni bịnh qua đời, y bát gởi tại trú xứ của Bí-sô, các Bí-sô ni đến chỗ Bí-sô xin lại y bát của ni đã chết, Bí-sô nói: “vị ni ấy là tỷ muội đồng pháp của tôi nên y bát của vị ấy nên thuộc về tôi”, Phật nói nên đưa lại cho Bí-sô ni.

Duyên xứ như trên, lúc đó có một Bí-sô du hành trong nhân gian, đến nhà một cư sĩ trong một tụ lạc, bỗng mắc bịnh qua đời, chủ nhà tống táng rồi cất giữ y bát của Bí-sô. Sau đó có các Bí-sô ni du hành đến tụ lạc đó, vị cư sĩ ấy nói với Bí-sô ni: “Thánh giả, trước đây có một Bí-sô qua đời tại nhà tôi, tôi đang cất giữ y bát của vị ấy, các vị hãy lấy mang đi”, Bí-sô ni nói: “y bát của Bí-sô qua đời, ni không được thọ lấy”, các Bí-sô nghe biết việc này liền bạch Phật, Phật bảo: “ở chỗ không có Bísô thì Bí-sô ni nên thọ lấy”.

Duyên xứ như trên, lúc đó có một Bí-sô ni du hành trong nhân gian, đến nhà một cư sĩ trong một tụ lạc, bỗng mắc bịnh qua đời, chủ nhà tống táng rồi cất giữ y bát của Bí-sô ni. Sau đó có các Bí-sô du hành đến tụ lạc đó, vị cư sĩ ấy nói với Bí-sô: “Thánh giả, trước đây có một Bí-sô ni qua đời tại nhà tôi, tôi đang cất giữ y bát của vị ấy, các vị hãy lấy mang đi”, Bí-sô nói: “y bát của Bí-sô ni qua đời, tôi không được thọ lấy”, các Bí-sô nghe biết việc này liền bạch Phật, Phật bảo: “ở chỗ không có Bí-sô ni thì Bí-sô nên thọ lấy”.

Tôn giả Ưu-ba-ly hỏi Phật: “Thế tôn, nếu Bí-sô qua đời trong nhà thế tục, y bát của vị ấy ai được thọ lãnh?”, Phật nói: “ai đến trước thì được thọ lãnh”, lại hỏi: “nếu hai người cùng đến một lượt thì ai được thọ lãnh?”, Phật nói: “ai hỏi trước thì được”, lại hỏi: “nếu hai người cùng hỏi một lượt thì ai được?”, Phật nói: “cả hai đều được, hoặc tùy tâm của người tục thích đưa cho ai thì người đó được”.

Duyên xứ như trên, lúc đó có hai Bí-sô cùng đấu tranh, các Bísô thấy họ đấu tranh mà không can ngăn, người tục thấy vậy liền nói: “người tục chúng tôi khi thấy người khác cùng đấu tranh liền can ngăn hòa giải, tại sao các thầy thấy vậy mà lại khoanh tay đứng nhìn?”, đáp: “họ thích đấu tranh thì ai có thể can ngăn được”, bạch Phật, Phật nói: “nên can, không được đứng nhìn”. Sau đó các Bí-sô can nhưng họ không dừng lại, Phật nói: “nếu can mà không dừng lại thì các Bí-sô nên tác yết ma Xả trí cho họ”. Sau đó có hai Bí-sô luận nghị cốt lõi phải trái nên sanh tranh cãi, các Bí-sô liền tác yết ma Xả trí họ, hai Bí-sô này nói: “chúng tôi luận nghị phải trái, vì sao các thầy lại tác yết ma Xả trí chúng tôi?”, các Bí-sô nói: “Phật bảo thấy những người tranh cãi không ngừng thì nên tác yết ma Xả trí cho họ, nên chúng tôi mới tác yết ma”, bạch Phật, Phật nói: “không nên thấy tranh cãi liền tác yết ma Xả trí, nếu họ còn hai thầy thì nên nhờ hai thầy can ngăn; nếu họ đủ mười hạ, đã lìa y chỉ thì các Bí-sô nên can ngăn, khi nào họ không chịu dứt tranh thì lúc đó mới tác yết ma Xả trí cho họ”.

Tôn giả Ưu-ba-ly hỏi Phật: “nếu Bí-sô qua đời ở giữa hai giới thì y bát của vị ấy, bên nào được thọ lãnh?”, Phật nói: “đầu day về phía nào thì phía ấy được thọ lãnh”, lại hỏi: “nếu đầu day về phía giới chung của hai trú xứ thì như thế nào?”, Phật nói: “cả hai trú xứ đều được”.

2. Nhiếp tụng thứ hai trong Biệt môn thứ hai:

Người xướng ngôn đi xe,
Được y nên cất giữ,
Tăng già được y lợi,
Thánh phàm đều đồng chia.

Phật tại thành Thất-la-phiệt, lúc đó trong thành có nhiều ngoại đạo cư trú, từ khi Phật đến đây, thế lực của họ suy yếu nên lợi dưỡng cũng ít theo, những người tục còn tín ngưỡng ngoại đạo liền đi xin lợi vật để cúng cho họ. Mỗi sáng sớm trưởng giả Cấp-cô-độc đều đến chỗ Phật, trên đường đi, các đồ chúng của ngoại đạo theo ông xin tài vật để cúng cho thầy họ, trưởng giả liền suy nghĩ: “tà chúng của ngoại đạo mà còn biết đi xin tài vật để cúng cho thầy mình. Như Thế tôn đã dạy là nếu người chưa tin nên làm cho khởi lòng tin và điều phục họ trụ trong chánh pháp. Nếu Đại sư chấp thuận, ta sẽ vận động mọi người cúng dường phước điền này”, nghĩ rồi liền đến bạch Phật, Phật nói tùy ý. Sau đó trưởng giả đi khắp nơi vận động; các cư sĩ, Bà-la-môn nói: “nếu Thánh chúng cùng đến hóa duyên thì phước lợi càng tăng nhiều”, trưởng giả bạch Phật, Phật bảo các Bí-sô theo hổ trợ trưởng giả, các Bí-sô vâng lời Phật dạy cùng trưởng giả đi hóa duyên, mọi người nói: “xin xướng tên họ của chúng tôi cho mọi người đều biết”, các Bí-sô nói: “lành thay, như Phật đã dạy nếu có thí chủ cúng dường, nên ghi tên họ của họ để chú nguyện rồi mới thọ”, mọi người nói: “xin hãy xướng tên họ của chúng tôi để phước được tăng thêm”, Phật nói nên xướng tên họ của thí chủ. Sau đó có thí chủ mang tài vật đến chùa cúng dường, Phật nói: “nếu có thí chủ đến chùa cúng, cũng nên ghi tên họ, chú nguyện cho họ rồi mới thọ”.

Khi Bí-sô xướng ngôn vừa xướng tên, mọi người chen chúc tụ đến nên không thể đi tới trước được, Phật bảo nên đi xe hay ngồi trên kiệu; gặp trời nắng nóng hay mưa gió, Phật bảo nên che dù. Lúc đó cửa chùa chỉ mở có một cửa, mọi người vào quá đông nên nghẽn tắt lối đi, Phật nói nên mở cả bốn cửa và sắp đặt bốn người xướng ngôn.

Khi trưởng giả vận động được nhiều bạch điệp tốt và tài vật có đến trăm ngàn vạn ức, liền suy nghĩ: “đã khuyến hóa được nhiều tài vật, ta nên mở hội đại thí cúng dường Phật và Tăng, nên để tài vật này trước đại chúng để cúng dường một lần”, nghĩ rồi liền ở trong rừng Thệ đa sắp xếp các tài vật đã khuyến hóa được, cho người coi giữ rồi đến bạch Phật: “Thế tôn, ngày mai con muốn mở hội đại thí cúng dường Phật và Tăng”, Phật im lặng nhận lời. Trưởng giả ngay trong đêm đó lo liệu đầy đủ các món ăn thượng diệu, sáng hôm sau trải tòa ngồi rồi đến bạch Phật đã đến giờ thọ thực. Sau khi Phật và Tăng thọ thực xong, trưởng giả bạch Phật: “Thế tôn, trong nhân gian có mấy loại phước điền?”, Phật nói: “có hai, đó là bậc Hữu học và bậc Vô học. Bậc Hữu học sai biệt có mười tám hạng, bậc Vô học sai biệt có chín hạng, đều là phước điền có thể tiêu được lợi vật cúng dường. Mười tám bậc Hữu học là Dự lưu hướng, Dự lưu quả; Nhất lai hướng, Nhất lai quả; Bất hoàn hướng, Bất hoàn quả; A-la-hán hướng, A-la-hán quả; Tùy tín hành, Tùy pháp hành, Tín giải, Kiến trí, Gia gia, Nhất gia, Trung sanh, Hữu hành, Vô hành và Thượng lưu. Chín bậc Vô học là Thối pháp, Tư pháp, Hô pháp, Trú pháp, Kham đạt pháp, Bất động pháp, Bất thối pháp, Tuệ giải thoát và Cầu giải thoát”. Phật nói kệ:

“Bậc học, vô học trên thế gian,
Là bậc đáng cung kính cúng dường,
Thân khẩu ngay thẳng, tâm thanh tịnh,
Cúng phước điền này được phước lớn”.

Lúc đó trưởng giả ở trước vị Thượng tòa thỉnh Bí-sô xướng ngôn: “xin Thánh giả bạch với đại chúng rằng: “các đệ tử Thanh văn của Thế tôn, ai là bậc phước điền vô thượng đáng được cung kính lễ bái, xứng đáng được thế gian cúng dường thì xin hãy đến thọ lấy y vật này, tùy ý thọ dụng””, Bí-sô xướng ngôn liền tác bạch theo lời của trưởng giả, đại chúng nghe rồi, các bậc A-la-hán đã viễn ly tham sân si suy nghĩ: “ta là bậc đã chứng quả vô thượng ở trong Tăng xứng đáng được thọ lợi vật này, nhưng như Phật đã dạy: “nếu tự mình có thắng thiện thì phải giấu kín bên trong, nếu có lỗi thô thì nên phát lồ, nay ta há vì lợi vật này mà lại hiển dương đức của mình cho mọi người biết ta là bậc Ly dục vô thương”, nghĩ như thế rồi nên ngồi im lặng. Các bậc hữu học chưa trừ hết các hoặc cũng suy nghĩ: “các bậc phước điền vô thượng mới xứng đáng thọ lợi vật này, ta chưa hết các lậu hoặc thì không nên thọ”, nghĩ như thế rồi nên cũng ngồi im lặng. Các hàng dị sanh còn đầy đủ triền phược cũng suy nghĩ: “bậc phước điền vô thượng mới xứng đáng thọ lợi vật này, còn ta còn đầy đủ triền phược thì không có phần”. Do nghĩ như thế nên trong đại chúng, không có ai đến thọ lấy lợi vật cúng dường của trưởng giả, trưởng giả suy nghĩ: “có phải ta đã khiến cho Thánh phàm tăng này làm việc úp bát cho ta không?”, nghĩ rồi thần sắc liền biến đổi thành tiều tụy, đến bạch Phật, Phật tuy biết nguyên do nhưng vẫn hỏi A-nan: “vì sao trưởng giả cúng dường nhiều y vật cho đại chúng mà không ai đến thọ lấy vậy?”, A-nan đáp: “do trưởng giả tác bạch rằng: các đệ tử Thanh văn của Thế tôn, ai là bậc phước điền vô thượng đáng được cung kính lễ bái, xứng đáng được thế gian cúng dường thì xin hãy đến thọ lấy y vật này, tùy ý thọ dụng. Đại chúng nghe bạch như thế rồi đều im lặng, không ai đến thọ lấy cả”, Phật bảo A-nan: “thầy đi thông báo cho các Bí-sô đang ở trong thành Thất-la-phiệt và các nơi khác đến đều tập họp trong giảng đường”, A-nan vâng lời Phật dạy đi thông báo, khi các Bí-sô đều tập họp đông đủ, A-nan bạch Phật biết thời, Phật đến trong giảng đường ngồi trước các Bí-sô nói rằng: “trưởng giả Cấp-côđộc cùng dường nhiều y vật, vì sao các thầy không ai chịu thọ?”, các Bí-sô im lặng, Phật tuy biết nguyên do nhưng vẫn hỏi A-nan, A-nan liền nói rõ nguyên do, Phật nói: “chẳng phải ban đầu các thầy do lòng tin mà đến trong giáo pháp của ta xuất gia cầu giải thoát hay sao?”, đáp là phải, Phật nói: “nếu các thầy do lòng tin mà xuất gia trong Phật pháp để cầu giải thoát thì dù y phục đang mặc trị giá một ức tiền vàng, phòng xá đang ở trị giá năm trăm tiền vàng, thức ăn uống đủ trăm vị ngon, ta vẫn khai cho các thầy thọ, vì các thầy có thể tiêu hóa được. Nhưng nếu có Bí-sô nào phá giới thì ngay trong trú xứ cũng không tiêu hóa nổi miếng thức ăn, đất của Tăng già lam cũng không thể để chân vào, vì sao, vì người phá giới có mười lỗi:

1. Tự biết mình là người phá giới, người khác cũng biết mình là người phá giới.
2. Thiên thần không thân gần gộ trì nữa.
3. Đồng phạm hạnh khinh chê.
4. Người thiện biết pháp khinh chê.
5. Tiếng xấu lan truyền, bốn phương đều biết.
6. Người chưa chứng ngộ không thể chứng ngộ.
7. Người đã chứng ngộ sẽ thối thất.
8. Những pháp đã thấy nghe thảy đều quên.
9. Khi sắp chết tâm sầu não.
10. Sau khi chết bị đọa địa ngục.

– Lại nữa này các Bí-sô, thọ dụng có năm, đó là:

1. Chủ thọ dụng: chỉ cho bậc A-la-hán đã vĩnh viễn trừ hết ba độc.
2. Cha mẹ thọ dụng: chỉ cho bậc Học nhân còn có dư hoặc.
3. Khai cho thọ dụng: chỉ cho bậc dị sanh thuần thiện, giới thanh tịnh, siêng tu thiền tụng, không có tâm giãi đãi.
4. Mắc nợ thọ dụng: chỉ cho người tuy có trì giới nhưng không siêng tu giác phẩm thiện pháp.
5. Trộm cắp thọ dụng: chỉ cho người phạm một trong bốn trọng.

Vì thế các thầy nên tinh tấn tu học, đối với những y vật và lợi vật khác của trưởng giả này cúng dường, đại chúng nên bình đẳng phân chia”.

 

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10