CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ NI ĐÀ NA MỤC ĐẮC CA

Hán dịch: Tam tạng Pháp sư Nghĩa Tịnh đời Đường – TQ
Việt dịch: Ban phiên dịch chùa Pháp Bảo, HT Thích Tịnh Hạnh giám tu – năm 2005
Hiệu đính và nhuận văn: NS Thích nữ Như Lộc tại chùa Phổ Minh – năm 2010

 

QUYỂN 8

5. Nhiếp tụng thứ tư – Thất lợi cấp đa (tiếp theo):

Lúc đó Phật suy nghĩ: “Thất lợi cấp đa sẽ từ nơi ta mà được Kiến đế, nay tâm ý đang loạn muốn làm các hạnh ác. Nếu ta không thọ thỉnh thì sẽ chướng ngăn ông ta Kiến đế, vì vậy ta nên thọ thỉnh”, nghĩ rồi Phật im lặng nhận lời, Thất lợi cấp đa suy nghĩ: “Kiều-đáp-ma không phải là bậc Nhất-thiết-trí, đây là oan gia mà ta phải báo thù”. Sau khi về đến nhà, ngay trong đêm đó ông cho đào một cái hố lớn giữa nhà, bên dưới đốt than nóng đỏ rồi lấy vật gát lên trên, dùng cỏ tranh phủ rồi rải lên môt lớp đất mỏng và bỏ thuốc độc vào trong thức ăn đã nấu chín. Lúc đó em gái của Tụ để sắc ca là vợ của Thất lợi cấp đa thấy vậy liền hỏi muốn làm gì, đáp là muốn giết oan gia, lại hỏi oan gia là ai, đáp là Sa môn Kiều-đáp-ma, người vợ nói: “nếu Đại sư là oan gia thì ai là bạn thân?”, Thất lợi cấp đa suy nghĩ: “người vợ này của ta cùng với người anh thân sanh đều kính trọng Sa môn Kiều-đáp-ma, há không tiết lộ việc riêng của ta hay sao”, nghĩ rồi liền nhốt vợ vào trong phòng tối và khóa cửa lại. Sau đó đến nói với Bộ thích noa: “các thầy hãy đến xem tôi giết hại oan gia, tôi đã cho đào một hố than lửa và bỏ thuốc độc vào trong thức ăn”, các ngoại đạo lên gác ngồi chờ xem và nói với nhau: “chúng ta ngồi đầy chờ xem Kiều-đáp-ma bị thiêu đốt và ăn phải thức ăn độc ngã ra bất tỉnh thì chúng ta mới khoái chí”. Sáng hôm sau trải tòa, để nước và tăm xỉa răng xong, Thất lợi cấp đa sai sứ đến chỗ Phật bạch là đã đến giờ thọ thực, sứ vâng lời đến chỗ Phật đảnh lễ rồi bạch Phật là đã đến giờ. Phật bảo A-nan: “thầy hãy thông báo cho các Bí-sô không ai được tự tiện vào nhà Thất lợi cấp đa trước, đợi Như lai vào trước rồi mới vào theo”, A-nan vâng lời Phật đi thông báo. Khi Phật đắp y mang bát cùng các Bí-sô sắp đi, các thiên thần cựu trụ ở Trúc lâm hiện ra bạch Phật: “cúi xin Thế tôn đừng đến nhà Thất lợi cấp đa thọ thực, vì ông ta có ý ác muốn hại Như lai nên đã làm việc nghịch hại và tạo các nghiệp tội”, Phật nói: “ta đã đoạn trừ tất cả việc vô ích, làm sao ông ta có thể làm việc nghịch hại ta được”, thiên thần nói: “ông ta đã đào một hố lớn chất đầy than đốt cháy đỏ”, Phật nói: “tất cả lửa tham dục, sân hận, ngu si ta đều đã dùng nước trí huệ dập tắt hết rồi, lửa thế gian làm sao hại được”, thiên thần nói: “ông ta đã bỏ thuốc độc vào trong thức ăn”, Phật nói: “đối với ba độc tham sân si ta đều đã dùng thuốc trí huệ A yết đa trừ hết cả rồi, tất cả độc khác làm sao hại được”. Khi Phật vào thành Vương xá, thiên thần thủ hộ thành này cũng hiện ra bạch Phật như trên và Phật cũng đáp như trên. Khi Phật đến nhà Thất lợi cấp đa, vừa đến cổng, thiên thần cựu trụ trong đất nhà này cũng hiện ra bạch Phật như trên và Phật cũng đáp như trên. Lúc đó vợ của Thất lợi cấp đa bị nhốt trong phòng tối suy nghĩ: “giờ này chắc Phật đã đến cửa thứ nhất… giờ này chắc Phật đã đến cửa thứ hai… bây giờ chắc Phật đã sa vào trong hố lửa than…”, lẩm bẩm như thế rồi mê ngất đi. Khi Phật đến ngưỡng cửa của nhà chính sắp bước chân vào thì từ duới hố lửa mọc lên hoa Ba đầu ma, Phật an tường bước lên hoa Ba đầu ma để vào trong nhà ngồi. Thất lợi cấp đa thấy việc này rồi sanh tâm hi hữu nói với Bộ thích noa: “thầy hãy nhìn xem thần thông biến hiện của Thế tôn”, Bộ thích noa nói: “ông đã bị thu phục bởi huyễn thuật của Kiều-đáp-ma rồi sao?”, đáp: “dù là huyễn thuật thì thầy tự xưng là Nhất-thiết-trí há có thể làm được hay sao?”, Bộ thích noa và các ngoại đạo hổ thẹn cúi đầu lặng lẽ rời khỏi nhà. Lúc đó Thất lợi cấp đa hổ thẹn không dám đến gặp Phật liền đến chỗ nhốt vợ nói với vợ rằng: “nàng hãy mau ra đảnh lễ Thế tôn”, người vợ nói: “làm gì có Thế tôn, ông đã cùng người ác giết hại Như lai rồi”, Thất lợi cấp đa nói: “ai có thể làm hại được Như lai, tôi vì quá hổ thẹn nên không dám đến gặp Phật”, người vợ nghe rồi liền ra khỏi phòng cùng chồng đi đến chỗ Phật đảnh lễ, Thất lợi cấp đa phủ phục sát đất không dám ngẩng đầu lên, người vợ nói: “chồng con không còn mặt mũi nào dám nhìn Thế tôn, cúi xin Thế tôn từ bi tha thứ tội cực nặng phải đọa vào địa ngục Vô gián của chồng con”, Phật nói: “hãy đứng dậy đi, ta đã tha thứ rồi”, Thất lợi cấp đa hết lời tán thán: “Như lai Ứng chánh đẳng giác thật không có trái thuận”, vui mừng đứng dậy như người chết được sống lại bạch Phật rằng: “cúi xin Phật đợi trong giây lát, con sẽ cho làm lại các món ăn”, Phật nói: “chẳng phải ông đã sai sứ đến báo là giờ thọ thực đã đến rồi hay sao?”, đáp: “quả là con có sai sứ đến bạch như thế, nhưng con đã làm việc bất lợi cho Phật và Tăng”, Phật nói: “ta đã đoạn hết việc bất lợi, ông làm sao có thể làm việc bất lợi cho ta được”, đáp: “con đã bỏ thuốc độc vào trong thức ăn đã nấu chín”, Phật nói: “đối với ba độc tham sân si ta đều đã trừ sạch thì các độc khác không cần phải nói. Nay thức ăn đã nấu chín hết rồi, ông nên dọn lên”, Phật liền bảo A-nan: “thầy hãy thông báo cho các Bí-sô cho đến khi chưa xướng câu Tam bát la khứ đa thì các Bí-sô không ai được ăn trước”, A-nan vâng lời Phật thông báo cho các Bí-sô biết. Thức ăn dọn lên, Phật bảo một người đến trước Thượng tòa xướng câu Tam bát la khứ đa, nhờ uy lực của câu mật chú này mà chất độc trong thức ăn đều tiêu tan hết. Thất lợi cấp đa tự tay dâng cúng thức ăn từ Thượng tòa cho đến vị hạ tòa thấy tất cả đều không ai trúng độc, càng sanh tâm thâm tín. Phật và Tăng ăn xong, hai vợ chồng lấy chiếc ghế thấp ngồi trước Phật muốn nghe pháp, Phật quán biết căn tánh tùy miên của họ nói pháp Tứ đế khiến cho họ được khai ngộ và chứng quả Dự lưu. Sau khi chứng quả, Thất lợi cấp đa bạch Phật: “Thế tôn, con nay nhờ Phật khai ngộ được chứng sơ quả… như trên cho đến câu thọ Tam quy ngũ giới. Từ nay trở đi, đối với tất cả nam nữ ngoại đạo con đều đóng cửa vĩnh viễn; còn đối với Phật và Tăng cùng các Ô-ba-sách-ca và Ô-ba-tư-ca, con sẽ luôn luôn mở cửa”, Phật sau khi làm cho Thất lợi cấp đa được Kiến đế rồi liền trở về trú xứ. Về đến trú xứ, Phật bảo các Bí-sô: “nay ta chế hành pháp của Thượng tòa trong Tăng như sau: hễ là bậc Thượng tòa thủ chúng khi thấy thí chù dâng cúng thức ăn, trước nên bảo một người đến trước Thượng tòa xướng câu Tam bạt la khứ đa. Khi chưa xướng câu này thì đại chúng chưa được thọ thực, nên biết câu mật chú này có uy lực lớn, nếu làm trái hành pháp này thì phạm tội Ác tác”. (Tam bat la khứ đa dịch là Chánh chí hay thời chí là câu mật chú có công năng trừ độc).

Phật tại thành Thất-la-phiệt, lúc đó có một trưởng giả xây cất trú xứ cúng Tăng nhưng xây nửa chừng thì qua đời, con của trưởng giả thừa kế gia nghiệp nên các Bí-sô đến nhà nói với người con rằng: “cha của hiền thủ cất chùa, công quả được một nửa thì qua đời, công đức còn lại hiền thủ nên làm tiếp cho xong”, người con nói: “chùa cất quá lớn nên tôi không đủ sức làm tiếp, nếu Phật cho làm nhỏ lại thì tôi sẽ làm tiếp”. Các Bí-sô bạch Phật, Phật nói: “không thể làm lớn thì cho họ được làm nhỏ lại”. Lại có cư sĩ xây cất trú xứ cúng Tăng, công việc nửa chừng thì qua đời giống như trường hợp trên, chỉ khác là người con nói: “chùa đó xây quá nhỏ, tôi muốn làm lớn hơn, nếu Phật cho làm lớn hơn thì tôi sẽ làm”, Phật nói tùy ý cho làm lớn hơn. Lại có một trưởng giả xây tháp nhỏ, công việc nửa chừng thì qua đời… giống như trường hợp trên cho đến câu người con nói: “tháp đó quá nhỏ, tôi thích làm cao lớn hơn, nếu Phật cho làm cao lớn hơn thì tôi sẽ làm”, Phật nói tùy ý làm lớn hơn. Lại có một trưởng giả xây tháp lớn, công việc nửa chừng thì qua đời giống như trường hợp trên, chỉ khác là người con nói: “tôi nghèo nên không thể xây tiếp cho xong tháp lớn như thế, nếu Phật cho làm nhỏ lại thì tôi sẽ làm”, Phật nói tùy ý làm nhỏ lại.

Về việc xây tháp nếu nhỏ thì được làm lớn hơn, nếu lớn thì không nên làm nhỏ lại. Nếu cư sĩ có khả năng làm lớn thì tốt, nếu không thể thì các Bí-sô nên quyên góp để xấy tiếp cho xong, nếu luân tướng của tháp lâu ngày hư hoại thì nên sửa sang lại. Có người phá bỏ luân tướng cũ để làm cái mới nhưng lâu ngày vẫn chưa làm xong, Phật nói: “không nên phá cái cũ trước, nên làm cái mới xong rồi mới hạ cái cũ xuống”. Lúc đó tượng Phật bằng đất bùn bị hư hoại, Bí-sô nghi sợ nên không dám tu sửa lại, Phật nói: “nên làm lớn hơn hay tương tợ tùy ý”. Lúc đó những hình vẽ trên tường phai mờ không thấy rõ, Bí-sô nghi ngại không dám vẽ lại, Phật nói nên xóa sạch rồi vẽ mới lại. Lúc đó kinh Phật viết trên giấy lá bị hư, Bí-sô nghi ngại không dám viết lại, Phật nói nên xóa cái cũ rồi viết mới lại.

6. Nhiếp tụng thứ năm trong Biệt môn thứ hai:

Đưa tượng vào trong thành,
Thọ kiết tường, vật cúng,
Tùy tình trổi trống nhạc,
Bí-sô không nên làm.

Phật tại thành Thất-la-phiệt, lúc đó trưởng giả Cấp-cô-độc bạch Phật: “con muốn thỉnh tượng Bồ-tát vào thành để thi thiết cúng dường”, Phật nói làm đúng lúc. Các Bí-sô không biết ai nên đi theo đưa tượng vào thành, Phật nói: “Bí-sô nhỏ tuổi nên đi theo”, Bí-sô nhỏ quá ít nên không đủ số, Phật bảo năm chúng xuất gia nên đi theo. Lúc đó các cư sĩ, Bà-la-môn tịnh tín dùng bình báu đựng nước kiết tường rót vào tay Bí-sô rồi trao vật cùng dường nhưng không ai dám thọ, Phật nói: “các trưởng lão kỳ túc nên đưa tay phải ra thọ nước kiết tường và vật cúng dường”. Các Bí-sô đưa tượng vào thành không có đánh trống nhạc, Phật nói nên đánh trống nhạc, tôn giả Ưu-ba-ly hỏi Phật: “Phật bảo nên đánh trống nhạc, vậy ai nên làm?”, Phật nói người tục nên làm, lại hỏi: “Bí-sô có được làm không?”, Phật nói không nên trừ khi thiết hội cúng dường, lại bảo người tấu nhạc: “các vị tấu nhạc là để cúng dường Đại sư, không nên vô cớ tấu nhạc, nếu vô cớ tấu thì phạm tội Ác tác”.

7. Nhiếp tụng thứ sáu trong Biệt môn thứ hai:

Cần phải thông báo trước,
Năm chúng theo vào thành,
Nên sai người giữ vật,
Ni không luân pháp riêng (tách ra riêng).

Phật tại thành Thất-la-phiệt, lúc đó Phật cho đưa tượng vào thành trong ngày đại hội, các cư sĩ nói với Bí-sô: “A-giá-lợi-da, đưa tượng vào thành mà chúng tôi không được biết, Thánh giả nên báo trước cho chúng tôi biết để chúng tôi tùy sức mình đem hương hoa thượng diệu cúng dường tượng và quét dọn trang hoàng lại đường sá…”, Bí-sô bạch Phật, Phật nói: “trước đó bảy tám ngày nên vào thành thông báo cho mọi người biết vào ngày giờ đó sẽ mở pháp hội, các vị tùy sức mình đem hương hoa đến cúng dường”. Lúc đó tuy thông báo tại ngã tư đường nhưng vẫn có nhiều người chưa nghe biết, Phật nói nên viết bố cáo trên giấy hay vải rồi treo trên xe, đến các ngã đường để phổ biến. Đến ngày đưa tượng vào thành không có nhiều người đi theo, Phật bảo năm chúng nên đi theo, lúc đó các cư sĩ đem nhiều tài vật đến cúng dường, Bí-sô không biết ai nên thọ cất, Phật bảo trưởng lão kỳ túc nên thọ cất. Các vị này thọ rồi phải tự mang đi nên rất nhọc mệt, Phật bảo Bí-sô trẻ nên mang, khi mang về chùa, họ để đó thành đống lớn mà không coi giữ nên bị kẻ trộm lấy đi, Phật nói: “nên sai người coi giữ, tác pháp sai như sau: một Bí-sô trong Tăng nên hỏi người được sai: “thầy có thể vì Tăng làm người coi giữ y vật hay không?”, nếu đáp là có thể thì Tăng nên bạch nhị yết ma sai như sau:

Đại đức tăng lắng nghe, Bí-sô tên — hoan hỉ làm người coi giữ y vật cho Tăng. Nếu tăng già đúng thời đến nghe, Tăng già nên chấp thuận, Tăng nay sai Bí-sô tên — làm người coi giữ y vật cho Tăng. Bạch như vậy.

Văn yết ma căn cứ theo văn tác bạch mà làm”.

Lúc đó các Bí-sô ni thấy các Bí-sô được cúng nhiều y vật liền nói: “các Đại đức được cúng nhiều y vật nên chia cho chúng tôi, nếu không chia thì chúng tôi sẽ tách ra riêng”, Bí-sô nghe rồi liền ngăn không cho tách ra riêng. Thời gian sau, Ni chúng cũng tách ra riêng, các cư sĩ thấy vậy liền hỏi các Bí-sô: “các ni hành đạo là đồng hay khác với các thầy?”, đáp là không đồng, các cư sĩ chê trách: “Đại sư còn hiện tiền mà đã phá Tăng luân, không nương tựa lẫn nhau, tự tách ra riêng”, lúc đó các ni cũng được tài lợi, các Bí-sô đem việc này bạch Phật, Phật nói: “Bí-sô ni không được làm luân pháp riêng, nếu ai làm thế tức là phương tiện phá Tăng, phạm tội Tốt-thổ-la để. Các Bí-sô được cúng nhiều tài vật nên chia cho Bí-sô ni, nếu không chia thì phạm tội Việt pháp”.

7. Nhiếp tụng thứ bảy trong Biệt môn thứ hai:

Nên sai người chia vật,
Thượng tòa nên định giá,
Không được liền trả giá,
Bị đòi giá, trả y.

Đại hội xong, các Bí-sô được cúng nhiều tài vật, không biết nên chia như thế nào, Phật nói: “nên sai người chia vật, tác pháp sai như sau: một Bí-sô trong Tăng nên hỏi người được sai: “thầy có thể vì Tăng làm người chia y vật hay không?”, nếu đáp là có thể thì Tăng nên bạch nhị yết ma sai như sau:

Đại đức tăng lắng nghe, Bí-sô tên — hoan hỉ làm người chia y vật cho Tăng. Nếu tăng già đúng thời đến nghe, Tăng già nên chấp thuận, Tăng nay sai Bí-sô tên — làm người chia y vật cho Tăng. Bạch như vậy.

Văn yết ma căn cứ theo văn tác bạch mà làm”.

Lúc đó người chia y trải tòa ngồi rồi đánh kiền chùy nhóm tăng để bán đấu giá số y vật được cúng, nhưng không biết ai nên định giá để bán đấu giá, Phật nói Thượng tòa trong Tăng nên định giá. Thượng tòa định giá quá cao nên không ai nói giá cao hơn để mua, Phật nói: “nên định giá ở mức trung bình, không quá cao cũng không quá thấp”. Định giá xong, có người vừa nói giá cao hơn một chút liền đưa y ngay, Phật nói nên đợi ai nói giá cao nhất mới đưa y. Lúc đó Lục chúng Bí-sô thấy không có người nói giá cao hơn, liền cố ý nói giá cao hơn, đến khi được đưa y thì họ không chịu lấy nói rằng: “tôi không muốn mua y, chỉ vì đại chúng nên mới nói giá cao hơn”, Phật nói: “nếu trong chúng không có ai nói giá cao hơn để mua thì không nên cố ý nói giá cao hơn, ai cố ý nói giá cao hơn thì phạm tội Ác tác”. Khi Lục chúng Bí-sô nói ra giá cao hơn, được đưa y liền lấy mặc, bị đòi tiền liền trả lại y, Phật nói: “chưa đưa tiền y thì không được lấy mặc, nếu chưa đưa tiền y mà lấy mặc thì phạm tội Ác tác”.

8. Nhiếp tụng thứ tám trong Biệt môn thứ hai:

Chùa lớn giảm bớt tầng,
Người mang y được dùng,
Nạn khủng bố nếu dứt,
Nên theo quy định trước.

Phật dạy Bí-sô làm chùa nên làm năm tầng, đài hương nên bảy tầng, cửa lầu cũng bảy tầng; Bí-sô ni làm chùa nên ba tầng, đài hương và cửa lầu nên năm tầng. Lúc đó các Bí-sô làm chùa nhiều tầng nên hư sụp, Phật nói nên bỏ tầng trên, vẫn còn hư sụp, cứ như vậy giảm dần cho đến tầng còn lại có thể chịu đựng được.

Từ khi Phật hiện đại thần thông hàng phục ngoại đạo, người tín kính trong thành, ngoài thành cho đến chốn biên phương đều xây cất chùa cúng cho Tăng ở. Lúc đó các Bí-sô trụ chùa ở chốn biên phương gặp nạn khủng bố liền bỏ chạy trốn, giặc vào chùa lấy hết y bát và ngọa cụ của Tăng khiến họ bị thiếu y, bạch Phật, Phật nói: “ngọa cụ của Tăng không nên để cho mất, khi đi nên mang theo”. Sau đó có nạn khủng bố, có Bí-sô mang ngọa cụ của A-tăng-kỳ theo rồi cùng các Bísô chạy trốn, đến chiều tối Bí-sô trưởng lão nói với Bí-sô này: “này cụ thọ, luận về tuổi tác thì tôi được dùng ngọa cụ của A-tăng-kỳ này, thầy nên đưa cho tôi”, Bí-sô này đưa, vị trưởng lão này lấy lót năm ngủ đến sáng hôm sau đưa lại bảo Bí-sô này mang đi, Bí-sô này nói: “khi cần ngọa cụ thì đem tuổi tác ra nói, khi có nạn khủng bố phải mang theo thì sao không nói đến tuổi tác, ngọa cụ này trưởng lão nên tự mang theo”. Các Bí-sô nghe biết việc này liền bạch Phật, Phật bảo: “người mang ngọa cụ đi được dùng”, sau khi nạn duyên dứt, các Bí-sô thấy vị kia vẫn dùng ngọa cụ của Tăng nên nói: “đây là vật của Tăng, vì sao lấy dùng một mình?”, đáp là Phật cho dùng, Phật nói: “lúc đó có nạn khủng bố nên ta khai cho người mang ngọa cụ của Tăng theo thì được dùng. Nay nạn duyên đã hết thì nên theo pháp thức đã định trước kia”.

9. Nhiếp tụng thứ chín trong Biệt môn thứ hai:

Nếu có pháp hội lớn,
Đánh trống nhóm chúng tăng,
Chúng đông hành thực riêng,
Người kiểm tra ăn trước.

Phật tại thành Thất-la-phiệt, trưởng giả Cấp-cô-độc xin Phật cho mở pháp hội lớn ở trong rừng Thệ đa, Phật nói là đúng lúc. Đến ngày đại hội, các Bí-sô khắp bốn phương đều tụ về, do chúng đông nên trễ mất giờ ăn, Phật bảo nên đánh kiền chùy, do quá ồn nên đánh kiền chùy vẫn không nghe được hết, Phật bảo: “nên đánh trống lớn, Bí-sô nghe tiếng trống nên tụ tập tại nhà ăn và ngồi theo thứ lớp”. Lúc đó do quá đông nên người dọn đưa thức ăn chưa đưa đến hàng cuối cùng thì qua giờ ngọ, vì thế nhiều Bí-sô phải nhịn đói; Phật nói: “nếu số người quá đông nên cho hành thực riêng từng nhóm, hãy để thức ăn ở trước mỗi Thượng tòa để có thể dọn đưa một lần”. Lúc đó cư sĩ dọn đưa bánh trái không đồng đều, Phật bảo nên cử một Bí-sô trông coi việc dọn ăn; Bí-sô được sai này do coi ngó việc dọn ăn cho chu đáo, đến khi chúng ăn xong thì qua giờ ngọ và Bí-sô nay phải nhịn đói; Phật nói: “người trông coi việc dọn ăn nên lấy phần ăn của mình rồi ăn trước, ăn như vậy không có lỗi”.

10. Nhiếp tụng thứ mười trong Biệt môn thứ hai:

Trên chỗ Thủ chúng ni,
Nên để một chỗ trống,
Cho Bí-sô khác đến,
Cô khổ chớ tăng giá.

Phật tại thành Thất-la-phiệt, lúc đó có nhiều Bí-sô ni du hành trong nhân gian đến một tụ lạc, trong đây có một trưởng giả tín kính thỉnh các Bí-sô ni đến nhà thọ thực, trong các Bí-sô ni này, ni Thổla-nan-đà là Thượng tọa. Lại có một Bí-sô tháp tùng theo các thương nhân du hành cũng đến tụ lạc này, khi theo thứ lớp khất thực, có người nói: “có các Bí-sô ni đang thọ thỉnh thực tại nhà trưởng giả, thầy hãy đến đó cùng thọ thực”, Bí-sô liền đi đến nhà trưởng giả. Bí-sô ni nói: “Đại đức, nếu khi đại chúng ăn xong, thầy có thể chú nguyện và thuyết pháp được cho thí chủ thì hãy ngồi trên tòa trên; nếu không thể thì hãy ngồi một bên, ăn xong rồi đi”, Bí-sô nghe rồi suy nghĩ: “nếu ta chờ ăn xong thuyết pháp rồi mới đi thì các thương nhân sẽ bỏ ta đi trước”, nghĩ rồi liền ngồi một bên ăn xong rồi đi. Khi đến trong rừng Thệ đa, thành Thất-la-phiệt, các Bí-sô cựu trú thăm hỏi đi đường có được an lạc không, Bí-sô này đáp: “không an lạc vì bị Bí-sô ni ác ý làm nhục”, nói rồi liền kể lại việc trên, các Bí-sô bạch Phật, Phật nói: “nếu chỉ có một Bí-sô và một Bí-sô ni thì Bí-sô nên ngồi trên và thọ thức ăn trước; nếu có hai ba hay nhiều Bí-sô ni mà chỉ có một Bí-sô thì Bí-sô này vẫn ngồi trên và thọ thức ăn trước. Từ nay Bí-sô ni đi đến đâu thọ thỉnh thực, nên chừa một chỗ trống dành cho Bí-sô nào đến sau, nếu là Cầu tịch đến sau cũng được ngồi vào chỗ ngồi này vì Cầu tịch thuộc chúng trên. Bí-sô ni làm trái thì phạm tội Việt pháp”.

Lúc đó trưởng giả Cấp-cô-độc khi thiết lập pháp hội liền đem tất cả vợ con nam nữ trong nhà xả thí cho Tăng, các Bí-sô không biết làm sao, bạch Phật, Phật bảo hỏi trưởng giả, trưởng giả nói: “các thầy định giá rồi bán đấu giá, tôi sẽ mua lại”, Bí-sô vừa định giá, Lục chúng Bí-sô tranh nhau nói giá cao hơn. Trong số đó có một người nữ cô khổ thấy Lục chúng Bí-sô nói giá càng cao, sợ trưởng giả mua lại không được nên nói với trưởng giả: “số tôi cô khổ, xin trưởng giả đừng bỏ tôi”, Bí-sô bạch Phật, Phật nói: “đối với người nữ cô khổ hay ưu sầu lo sợ thì Bí-sô không nên nói giá cao hơn, ai nói giá cao hơn thì phạm tội Ác tác. Nên tùy thí chủ tín kính tính mua với giá bao nhiêu thì nhận lấy bấy nhiêu”.

III. TỔNG NHIẾP TỤNG CỦA BIỆT MÔN THỨ BA:

Tư cụ y, ngu si,
Sai, không dùng, người tục,
Đang làm, trưởng giả cúng,
Dao cạo, trang hoàng tháp,
Cơm, lạc, lá, múc nước,
Và các việc rửa bát…
Mười hai bài tụng này,
Tổng nhiếp cần nên biết.

1. Nhiếp tụng trong Biệt môn thứ ba:

Mười ba tư cụ y,
Ghi tên cất giữ dùng,
Nếu có y dư khác,
Ký gởi nên phân biệt.

Phật tại thành Thất-la-phiệt, lúc đó Phật cùng các Bí-sô du hóa trong nhân gian, một Bí-sô bịnh vì thiếu thuốc uống nên qua đời, bạch Phật, Phật nói: “từ nay cho các Bí-sô được cất chứa vải đổi thuốc, khi có bịnh duyên nên lấy vải này bán để mua thuốc uống”. Sau đó có Bí-sô sau khi được vải đổi thuốc này liền đem giặt nhuộm, tác pháp thọ trì rồi cất giữ, đến khi bịnh đem vải này bán để mua lại thuốc thì bán không được giá, bạch Phật, Phật nói: “vải đổi thuốc không nên giặt nhuộm, nên giữ nguyên màu sắc ban đầu”. Cụ thọ Ưu-ba-ly hỏi Phật: “Phật chế các Bí-sô nên thọ trì ba y, lại khai cho cất chứa vải đổi thuốc là như thế nào?”, Phật nói: “từ nay các Bí-sô được cất chứa mười ba tư cụ y: một là Tăng-già-lê, hai là Uất Đa-la tăng, ba là An-đà-hội, bốn là Ni-sư-đàn, năm là quần, sáu là phó quần (quần thứ hai để thay đổi), bảy là Tăng khước kỳ, tám là phó Tăng khước kỳ (cái thứ hai để thay đổi), chín là khăn lau mặt, mười là khăn lau mình, mười một vải băng bó ghẻ (vết thương), mười hai là khăn cạo tóc, mười ba là vải đổi thuốc”, lại hỏi: “Bí-sô nên thọ trì mười ba tư cụ y này như thế nào?”, Phật nói: “nên thọ trì từng loại, đối trước một Bí-sô nói tên ra để tác pháp thọ trì, như y Tăng-già-lê nên nói như sau:

Đại đức nhớ nghĩ, đây là y Tăng-già-lê, từ nay tôi xin thọ trì, đã cắt rọc thành y là vật mà tôi thọ dụng.

Nói ba lần, những y khác đều dựa theo đây mà tác pháp thọ trì, chỉ có vải đổi thuốc là dùng khi có bịnh duyên”, lại hỏi: “ngoài mười ba tư cụ y này ra, nếu có y dư khác thì phải làm sao?”, Phật nói: “nên bạch với Thân giáo sư và Quỹ phạm sư rồi tác pháp ký gởi phân biệt thọ trì, đối trước một Bí-sô phân biệt thọ trì như sau:

Đại đức nhớ nghĩ, tôi Bí-sô tên________ó y dư này chưa tác pháp phân biệt, nay đối trước Đại đức phân biệt để thọ trì. (ba lần) 2. Nhiếp tụng thứ hai trong Biệt môn thứ ba:

Si không hiểu ba tạng,
Mười hai hạng người này,
Khi mất tánh hồi phục lại,
Quở trách nên ghi nhận.
Cụ thọ Ưu-ba-ly hỏi Phật:

Hỏi: có mấy hạng người không được quở trách và lời nói không được ghi nhận?

Phật đáp: có mười hai hạng người:

1. Người ngu là người ý suy nghĩ điều ác, miệng nói lời ác, thân làm việc ác và cố chấp việc đã làm.
2. Người si là người không trì kinh, luật, luận.
3. Người không phân minh là người không hiểu rõ giáo văn trong ba tạng.
4. Người không thiện xảo là người không hiểu rành giáo lý trong ba tạng.
5. Người không tàm quý là người phạm một trong bốn tội Tha thắng.
6. Người có lỗi lầm là người mới tranh cãi hay trước đó đã có lời oán trách
7. Người ở ngoài giới
8. Người bị Tăng bạch tứ yết ma xả khí.
9. Người nói không có thứ tự là người nói dối, nói ly gián, nói thô ác và tạp loạn.
10. Người xả oai nghi là người rời khỏi chỗ ngồi.
11. Người mất bản tánh là người làm việc không nên làm, không tu tập các học xứ.
12. Người thọ học là người phạm tội Ba la thị ca nhưng không che giấu, Tăng bạch tứ yết ma cho học lại giới (học hối Sa di).

Lại hỏi: có mấy hạng người được quở trách?

Phật đáp: có ba, đó là người trụ nơi bản tánh, người nói có thứ tự và người không xả oai nghi.

Lại hỏi: người mất bản tánh khi quở trách yết ma, không được ghi nhận thì quở không thành quở, nếu người này hồi phục bản tánh thì quở có thành quở không?, Phật nói thành quở.

3. Nhiếp tụng thứ ba trong Biệt môn thứ ba:

Sai mười hai hạng người,
Nói thì thành pháp quở,
Khi thọ nói là tục,
Thì không thành Cận viên.

Lại hỏi: khi tác pháp yết ma sai mười hai hạng người, nếu họ nói rằng: “các Đại đức đừng sai tôi” thì lời này có được ghi nhận không?

Phật đáp: được ghi nhận nhưng không thành quở, thành quở là khi vì người nào tác pháp yết ma trị phạt.

Lại hỏi: khi người đang thọ Cận viên nói tôi là người tục thì người này có thành thọ Cận viên không?

Phật đáp: nếu người ấy thọ Cận viên rồi tự nói mình là người tục thì người ấy vẫn mất Cận viên, huống chi là đang thọ. Đây là dựa trên có tâm xả giới mà nói.

 

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10