CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ NI ĐÀ NA MỤC ĐẮC CA

Hán dịch: Tam tạng Pháp sư Nghĩa Tịnh đời Đường – TQ
Việt dịch: Ban phiên dịch chùa Pháp Bảo, HT Thích Tịnh Hạnh giám tu – năm 2005
Hiệu đính và nhuận văn: NS Thích nữ Như Lộc tại chùa Phổ Minh – năm 2010

 

QUYỂN 1

A. TỔNG NHIẾP TỤNG ĐẠI MÔN NI ĐÀ LA:

Ban đầu thọ Cận viên,
Kế chia vật người chết,
Sàn tròn và khóa cửa,
Năm môn tượng Bồ-tát.

I. TỔNG NHIẾP TỤNG CỦA BIỆT MÔN THỨ NHẤT:

Cận viên biết số ngày,
Giới khác, không nhập, địa,
Giới, năm chúng an cư,
Không cắt, da, thịt sống.

1. Nhiếp tụng trong Biệt môn thứ nhất:

Cận viên tướng nam nữ,
Thầy không phải cận viên,
Các nạn, mười, không thầy,
Không truyền giới, bảy tuổi.

Bạc-già-phạm ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng Thệ đa, thành Thấtla-phiệt, lúc đó cụ thọ Ưu-ba-ly đến chỗ Phật đảnh lễ rồi ngồi một bên chắp tay bạch Phật: “Thế tôn, nếu Bí-sô cho người thọ Cận viên, người ấy lại chuyển căn thì có được gọi là thiện thọ không?”, Phật nói: “người này thọ Cận viên nhưng nên chuyển đưa họ qua ở chỗ Bí-sô ni”, lại hỏi: “nếu Bí-sô đã cho người nam thọ Cận viên, người nam này lại nói tiếng như người nữ, ý muốn như người nữ, hình dáng và pháp thức đều như người nữ thì người này có được gọi là thọ Cận viên không?”, Phật nói: “người này thọ Cận viên nhưng các Bí-sô phạm tội Việt pháp”, lại hỏi: “nếu Bí-sô ni đã cho người nữ thọ Cận viên, người nữ này lại nói tiếng như người nam, ý muốn như người nam, hình dáng và pháp thức đều như người nam thì người này có được gọi là thọ Cận viên không?”, Phật nói: “người này thọ Cận viên nhưng các Bí-sô ni phạm tội Việt pháp”, lại hỏi: “nếu người cầu người không thọ Cận viên làm Thân giáo sư thì người này có được gọi là thọ Cận viên không?”, Phật nói: “người này thọ Cận viên nhưng các Bí-sô phạm tội Việt pháp”, lại hỏi: “nếu người có nạn sự, tự nói là có nạn sự, các Bí-sô lại cho họ thọ Cận viên thì người này có được gọi là thọ Cận viên không?”, Phật nói: “người này không được gọi là thọ Cận viên và các Bí-sô phạm tội Việt pháp”, lại hỏi: “nếu người không có nạn sự, tự nói là có nạn sự, các Bí-sô lại cho họ thọ Cận viên thì người này có được gọi là thọ Cận viên không?”, Phật nói: “người này thọ Cận viên nhưng các Bí-sô phạm tội Việt pháp”, lại hỏi: “nếu người thật có nạn sự, tự nói là không có nạn sự, các Bí-sô lại cho họ thọ Cận viên thì người này có được gọi là thọ Cận viên không?”, Phật nói: “người này không gọi là thọ Cận viên nhưng các Bí-sô không phạm”, lại hỏi: “nếu người thật không có nạn sự, tự nói là không có nạn sự, các Bí-sô lại cho họ thọ Cận viên thì người này có được gọi là thọ Cận viên không?”, Phật nói: “người này gọi là thiện thọ Cận viên”, lại hỏi: “Bí-sô cho người xuất gia, chưa cho thọ mười giới liền cho thọ Cận viên thì người này có được gọi là thọ Cận viên không?”, Phật nói: “người này thọ Cận viên nhưng các Bí-sô phạm tội Việt pháp”, lại hỏi: “nếu người khi thọ Cận viên mà Thân giáo sư không hiện tiền, các Bí-sô lại cho thọ Cận viên thì người này có được gọi là thọ Cận viên không?”, Phật nói: “người này thọ Cận viên nhưng các Bí-sô phạm tội Việt pháp”, lại hỏi: “nếu người khi thọ Cận viên tự nói rằng: “đừng truyền Cận viên cho tôi”, các Bí-sô vẫn cho họ thọ Cận viên thì người này có được gọi là thọ Cận viên không?”, Phật nói: “người này không gọi là thọ Cận viên và các Bí-sô phạm tội Việt pháp”, lại hỏi: “như Phật đã chế đồng tử đủ bảy tuổi có thể đuổi được chim quạ thì nên cho xuất gia. Nếu đồng tử sáu tuổi có thể đuổi được chim quạ thì có nên cho xuất gia không?”, Phật nói: “chỉ nên cho đồng tử bảy tuổi xuất gia, nhỏ hơn không được”, lại hỏi: “nếu đủ bảy tuổi nhưng không đuổi được chim quạ thì có nên cho xuất gia không?”, Phật nói: “nếu không đuổi được chim quạ thì không nên cho xuất gia”.

2. Nhiếp tụng thứ hai trong Biệt môn thứ nhất:

Cần phải biết số ngày,
Cáo bạch, đêm nên giảm,
Sáu ngày, mười tám ngày,
Thuyết giới, không tính luôn.

Phật tại thành Thất-la-phiệt, lúc đó có Bà-la-môn cư sĩ gặp Bí-sô hỏi hôm nay là ngày mấy, đáp là không biết, họ nói: “các ngoại đạo đều biết lịch số và thiên văn, các thầy cũng nên biết, vì sao các thầy không biết mà lại được xuất gia?”, Bí-sô im lặng, bạch Phật, Phật nói: “từ nay các Bí-sô nên biết số ngày”, các Bí-sô đều học pháp tính số ngày nên bỏ phế việc tu thiện nghiệp, Phật nói: “nên cử một người học pháp tính số ngày”, các Bí-sô không biết nên cử ai, Phật nói: “nên cử Thượng tòa thủ chúng”. Lúc đó có Thượng tòa quên mất số ngày, hỏi vị tri sự, vị này cũng không nhớ, Phật nói: “nên làm mười lăm viên đất tròn hay thẻ tre, mỗi ngày dời một viên”, khi làm như vậy bị gió thổi làm loạn hết thứ tự, Phật nói: “nên làm mười lăm thẻ tre, dài khoảng bốn hay năm ngón tay, một đầu dùi lỗ rồi xỏ xâu treo lên vách, nơi mọi người thường qua lại, mỗi ngày dời một cái”, lúc đó cả chúng đều dời thẻ, Phật nói: “chỉ có Thượng tòa và tri sự mới được dời thẻ”. Lại có Bà-la-môn cư sĩ gặp Bí-sô hỏi hôm nay là ngày mấy, đáp: “các vị nên hỏi Thượng tòa và vị tri sự”, họ nói: “các thầy cũng có thể tính biết, sao lại chỉ người khác?”, Bí-sô im lặng, bạch Phật, Phật nói: “nên tác bạch cho đại chúng biết”, các Bí-sô gặp nhau ở đâu cũng cáo bạch, Phật nói: “không nên như vậy, nên vào lúc đại chúng nhóm họp ở trước Thượng tòa cáo bạch: “đại chúng nên biết, hôm nay là ngày — tháng —-”, có cư sĩ nghe rồi liền hỏi: “các thầy không có nói nửa tháng thuộc Hắc hay Bạch nguyệt sao?”, đáp là không có nói, Phật nói: “nên nói phần tháng thuộc Hắc hay Bạch nguyệt, nên vào lúc đại chúng nhóm họp, một Bísô ở trước Thượng tòa chắp tay bạch rằng: “Đại đức tăng lắng nghe, hôm nay ngày mồng một thuộc Hắc nguyệt, các thầy nên vì thí chủ tạo chùa và chư thiên hộ chùa cùng thiên thần cựu trụ tụng diệu kệ thanh tịnh trong kinh”. Các Bí-sô tuy ngày nào cũng cáo bạch như vậy nhưng không nói tên thí chủ tạo chùa, Phật nói: “nên nói tên thí chủ tạo chùa, cũng nên nói tên thí chủ thiết thực cúng dường cho họ được mãn nguyện và phước thiện càng tăng; nếu có thí chủ khác cũng nói như vậy, cũng nên nói tên của Thiên chúng bát bộ, sư tăng và cha mẹ cho đến khắp tất cả chúng sanh, cho họ được tăng trưởng phước lợi”, các Bí-sô vâng lời Phật dạy đều nói kệ thanh tịnh bố thí: “Người đã làm bố thí, Chắc chắn được nghĩa lợi.

Nếu vì vui nên thí,
Sau sẽ được an lạc,
Phước báo của Bồ-tát,
Vô tận như hư không,
Thí được quả như vậy,
Tăng trưởng không thôi dứt”.

Lại có thí chủ thỉnh các Bí-sô thọ thực, tuy biết nhưng các Bí-sô không nói tên và chỗ ở của thí chủ cho đại chúng biết, Phật nói: “nên báo trước cho đại chúng biết, nên nói: ngày mai có thí chủ tên — thỉnh đại chúng đến nhà tại — thọ thực”. Lại có Bà-la-môn cư sĩ gặp Bí-sô hỏi hôm nay là ngày mấy, đáp là ngày thứ mười lăm, họ nói: “mọi người đều nói hôm nay là ngày thứ mười bốn, các thầy lại nói là ngày thứ mười lăm, không lẽ các thầy không biết tính giảm đêm hay sao?”, đáp là không tính, Phật nói nên tính giảm đêm. Các Bí-sô vào nửa tháng nào cũng tính giảm đêm, có Bà-la-môn cư sĩ gặp Bí-sô hỏi hôm nay là ngày mấy, đáp là ngày thứ mười bốn, họ nói: “mọi người đều nói hôm nay là ngày thứ mười lăm, không lẽ nửa tháng nào các thầy cũng tính giảm đêm hay sao?”, bạch Phật, Phật nói: “không nên như vậy, nên tính vào thời nào qua nửa tháng mới giảm đêm, trong một năm có tổng cộng sáu ngày là ngày thứ mười bốn (tháng thiếu) và sáu ngày là ngày thứ mười lăm (tháng đủ). Lại có Bà-la-môn cư sĩ gặp Bí-sô hỏi hôm nay là tháng mấy, đáp là tháng Thất la mạt noa (tức là khoảng 1 tháng 5 đến 15 tháng ), họ nói: “mọi người đều nói là tháng A sa trà (khoảng 1 tháng đến 15 tháng 5), các thầy lại nói là tháng Thất la mạt noa, không lẽ các thầy không tính tháng nhuần hay sao?”, đáp là không tính, mọi người đều cười chê, bạch Phật, Phật nói nên tính tháng nhuần. Các Bí-sô năm nào cũng tính thêm tháng nhuần, có Bà-la-môn cư sĩ gặp Bísô hỏi hôm nay là tháng mấy, đáp là tháng A sa trà, họ nói: “mọi người đều nói là tháng Thất la mạt noa, các thầy lại nói là tháng A sa trà, không lẽ năm nào các thầy cũng tính thêm tháng nhuần hay sao?”, đáp là phải, mọi người đều cười chê, Phật nói: “không nên như vậy, phải cách sáu năm mới có một tháng nhuần”. Lúc đó có vua quy định cách hai năm rưỡi có một tháng nhuần, các Bí-sô không tính theo vua nên bị cười chê, Phật nói: “nên theo vương pháp mà tính tháng nhuần, nếu quỹ đạo hành tinh có sai khác thì nên theo quỹ đạo đó mà tính tháng nhuần cho đồng với thế tục. Vì vậy các thầy nên biết lịch số thiên văn, chớ để cho ngoại đạo được dịp tìm lỗi của các thầy”.

Tôn giả Ưu-ba-ly hỏi Phật: “Thế tôn, Bí-sô tại trú xứ là người thọ học (Học hối Sa di) có được thuyết giới không?”, Phật nói không được.

3. Nhiếp tụng thứ ba trong Biệt môn thứ nhất:

Giới khác không nói tịnh,
Cũng không làm yết ma,
Trên không không thọ dục,
Giải cũ mới kết mới.

Phật tại thành Thất-la-phiệt, tôn giả Ưu-ba-ly hỏi Phật.

Hỏi: người ở trong giới có được nói thanh tịnh với người ở ngoài giới không?, Phật nói không được.

Lại hỏi: người ở ngoài giới có được nói thanh tịnh với người ở trong giới không?, Phật nói không được.

Lại hỏi: người ở trong giới có được tác pháp yết ma cho người ở ngoài giới không?, Phật nói không được.

Lại hỏi: người ở ngoài giới có được tác pháp yết ma cho người ở trong giới không?, Phật nói không được.

Lại hỏi: người thọ dục rồi đi trên hư không, có thành thọ dục hay không?

Phật đáp: không thành, nên lấy dục lại.

Lại hỏi: nếu chưa giải giới cũ, có được kết giới mới không?

Phật đáp: không được, nên bạch nhị yết ma giải giới cũ rồi mới kết lại giới mới.

4. Nhiếp tụng thứ tư trong Biệt môn thứ nhất:

Không nhập giới, xả giới,
Giới cây, có Thế tôn,
Không vượt, có thể vượt,
Vị yết ma qua đời.

Tôn giả Ưu-ba-ly lại hỏi: có được lấy giới này nhập chung với giới khác hay không?, Phật nói không được.

Lại hỏi: có mấy loại giới không được nhập chung với nhau? Phật đáp: có bốn đó là tiểu giới tràng và chỗ nước đọng, giới của Bí-sô và 350 giới của Bí-sô ni. Bốn loại giới này không được nhập chung với nhau.

Lại hỏi: chỗ đã kết giới từ trước có mấy trường hợp xả? Phật đáp: có năm trường hợp: một là đại chúng đều hoàn tục, hai là đại chúng đồng thời chuyển căn, ba là đại chúng quyết tâm bỏ đi, bốn là đại chúng đồng thời qua đời và năm là tác pháp yết ma giải giới.

Lại hỏi: có được lấy một cây là tiêu tướng cho hai giới không?

Phật đáp: ở một góc của hai giới, cho đến ba bốn giới có thể lấy cây làm tiêu tướng, nếu lượng biết giới hạn thì được thành tựu.

Phật từ nước ca thi du hành trong nhân gian đến một trú xứ, Phật bỗng mĩm cười, từ trong miệng phóng ra hào quang năm sắc xanh vàng đỏ trắng hồng, chiếu xuống hay chiếu lên. Nếu chiếu xuống thì chiếu đến ngục Vô gián và các ngục khác khiến cho chúng sanh trong đây đang bị đốt nóng liền được mát mẻ, đang bị lạnh cóng liền được ấm áp. Họ cảm thấy an lạc liền suy nghĩ: “ta và mọi người từ cảnh khổ địa ngục chết đi, được sanh vào cõi khác chăng?”. Thế Tôn sau khi làm cho các hữu tình kia sanh tín tâm liền hiện nhiều tướng khác nữa, thấy những tướng này họ liền suy nghĩ: “chúng ta không phải chết ở đây sanh về cõi kia, mà là do sức oai thần của Đại thánh đã khiến thân tâm chúng ta hiện được an lạc”. Đã sanh tín kính thì có thể diệt các khổ, ở cõi nhơn thiên được thọ thân thắng diệu, thành chơn pháp khí thấy được lý chơn đế. Nếu hào quang chiếu lên thì đến cõi trời Sắc cứu cánh, trong hào quang diễn nói các pháp khổ, không, vô thường, vô ngã… và nói kệ:

“Người phải nghe Phật dạy
Dốc cầu đạo xuất ly
Phá được quân sanh tử
Như voi phá nhà tranh.
Ở trong pháp luật Phật
Dũng tiến thường tu học
Xa lìa đường sanh tử
Bờ mé khổ không còn”.

Hào quang này sau khi chiếu khắp ba ngàn Đại thiên thế giới liền trở về chỗ Phật, nếu Thế Tôn nói việc quá khứ thì hào quang trở vào phía sau lưng, nếu nói việc vị lai thì hào quang trở vào phía trước ngực, nếu nói việc địa ngục thì hào quang trở vào phía dưới chân, nếu nói việc bàng sanh thì hào quang trở vào phía gót chân, nếu nói việc ngạ quỷ thì hào quang trở vào phía ngón chân, nếu nói việc loài người thì hào quang trở vào đầu gối, nếu việc của Lực luân vương thì hào quang trở vào lòng bàn tay trái, nếu nói việc của Chuyển luân vương thì hào quang trở vào lòng bàn tay phải, nếu nói việc cõi trời thì hào quang trở vào rốn, nếu nói việc của Thanh văn thì hào quang trở vào miệng, nếu nói việc của Độc giác thì hào quang trở vào phía giữa hai chân mày, nếu nói việc của đạo quả Chánh đẳng chánh giác thì hào quang trở vào phía trên đảnh đầu. Lúc đó hào quang xoay quanh Phật ba vòng rồi trở vào trên đảnh đầu, cụ thọ A-nan Đà bạch Phật: “Thế Tôn Như Lai Ứng chánh đẳng giác vui vẻ mĩm cười chẳng phải là không có nhơn duyên”, liền nói kệ thỉnh Phật:

“Từ miệng Phật phóng hào quang vi diệu,
Chiếu khắp Đại thiên không phải một tướng,
Chiếu khắp cả 10 phương các quốc độ,
Như mặt trời chiếu sáng khắp hư không.
Phật là nhân tối thắng của chúng sanh,
Có thể trừ kiêu mạn và lo buồn.
Không nhân duyên, kim khẩu không mở lời,
Miệng mĩm cười ắt nói việc kỳ lạ.
Con lặng lẽ quan sát đấng Mâu Ni,
Ai muốn nghe, Phật nói cho nghe,
Như sư tử vương rống tiếng vi diệu,
Cúi xin Phật quyết nghi cho chúng con,
Phật như Diệu sơn vương trong biển cả,
Nếu không nhân duyên, Phật không dao động,
Tự tại từ bi, miệng Phật hiện mĩm cười,
Nói nhân duyên cho người đang khao khát”.

Thế Tôn bảo A-nan Đà: “Đúng vậy A-nan Đà, không phải không có nhân duyên mà Như Lai Ứng chánh đẳng giác miệng hiện mĩm cười. Này A-nan, chỗ đất này là nơi mà Phật Ca-diếp-ba quá khứ đã thuyết pháp cho các đệ tử Thanh văn”, A-nan nghe rồi liền lấy y Uất Đa-la tăng xếp làm tư rồi thỉnh Phật ngồi lên, bạch rằng: “Thế tôn, con mong chỗ đất này là chỗ thọ dụng của hai bậc Chánh giác, đó là Phật Cadiếp-ba và Thế tôn hiện nay”, Phật ngồi xuống rồi nói: “lành thay, ta không nói nhưng thầy lại biết thời. Này A-nan, chỗ này là chùa của Phật Ca-diếp-ba ở, chỗ kia là nơi kinh hành, chỗ kia là nơi rửa chân, chỗ kia là nhà tắm, chỗ kia là tịnh trù”.

Tôn giả Ưu-ba-ly hỏi Phật: như Phật đã nói về tịnh và bất tịnh, như thế nào gọi là tịnh và bất tịnh?

Phật đáp: chánh pháp trụ thế có tịnh và bất tịnh, nếu chánh pháp hoại diệt thì đều là bất tịnh.

Lại hỏi: như thế nào gọi là chánh pháp trụ thế, như thế nào là hoại diệt?

Phật đáp: cho đến khi nào còn có tác pháp yết ma, như thuyết hành trì thì gọi là chánh pháp trụ thế; ngược lại nếu không còn tác pháp yết ma, không như thuyết hành trì thì gọi là hoại diệt.

Lại hỏi: nếu bậc Vô thượng đại sư ở ngoài giới thì các Bí-sô có được tác pháp yết ma không? Phật nói không được.

Lại hỏi: nếu Đại sư ở trong giới thì các Bí-sô có được tác pháp yết ma không?, Phật nói được.

Lại hỏi: có được kể Thế tôn vào túc số Tăng hay không?

Phật đáp: không được vì Phật bảo và Tăng bảo, thể vốn sai khác.

Lại hỏi: nơi giới không thể vượt qua, có được vượt qua không?, Phật nói không được.

Lại hỏi: có mấy loại giới không thể vượt qua?

Phật đáp: có năm loại giới, đó là giới Bí-sô, giới Bí-sô ni, tiểu đàn tràng, chỗ nước đọng và khoảng giữa hai giới.

Lại hỏi: nếu hào sâu, sông khe suối là giới không thể vượt qua thì có được vượt qua không?

Phật đáp: nếu thường có cầu thì vượt qua không lỗi.

Lại hỏi: nếu cầu hư thì trong bao lâu giới không bị mất?

Phật đáp: chừng bảy đêm, đây là dựa trên có tâm tu sửa cầu, nếu không có tâm tu sửa thì tùy cầu hư lúc nào, giới bị mất lúc đó.

Lại hỏi: nếu khi đang kết giới, vị tác pháp yết ma bỗng qua đời thì có thành kết giới không?

Phật đáp: nếu các Bí-sô biết tiêu tướng, vị tác pháp yết ma đã bỉnh bạch hơn phân nửa thì tuy qua đời vẫn thành kết kết giới. Ngược lại nếu chưa biết tiêu tướng, vị tác pháp yết ma chưa được phân nửa mà qua đời thì không thành kết giới. Trường hợp Bí-sô ni kết giới cũng giống như vậy.

5. Nhiếp tụng thứ năm trong Biệt môn thứ nhất:

Đất, tường… tác yết ma,
Kết giới không gởi dục,
Chỉ ngồi ở một chỗ,
Được làm bốn yết ma.

Lại hỏi: người trên đất cùng người trên đất tác pháp yết ma từ xa thì có thành tựu yết ma không?

Phật nói: không thành, nếu gởi dục thì thành.

Lại hỏi: người trên đất cùng người trên đầu tường tác pháp yết ma thì có thành tựu yết ma không?

Phật nói: không thành.

Lại hỏi: người trên đất cùng người trên cây tác pháp yết ma thì có thành tựu yết ma không?

Phật nói: không thành.

Lại hỏi: người trên đất cùng người trên không tác pháp yết ma thì có thành tựu yết ma không?

Phật nói: không thành, nên biết nêu ba trường hợp trên cây, trên tường và trên không trước để nói thì cũng có bốn câu như trên.

Lại hỏi: như Thế tôn nói có 101 pháp yết ma, vậy có bao nhiêu pháp cho gởi dục, mấy pháp không cho gởi dục?

Phật đáp: chỉ trừ pháp kết giới, tất cả pháp khác đều cho gởi dục.

Lại hỏi: nếu dùng thần biến hay huyễn thuật tạo ra tiêu tướng thì có thành tiêu tướng không?

Phật đáp: không được, vì thần lực hay huyễn thuật đều là không thật.

Lại hỏi: nếu lấy mặt trời, mặt trăng làm tiêu tướng thì có thành tiêu tướng không?

Phật đáp: không được, vì mặt trời mặt trăng không cố định một chỗ.

Lại hỏi: nếu lấy sóng nước làm tiêu tướng thì có thành tiêu tướng không?

Phật đáp: không được, vì sóng nước luôn dời đổi.

Lại hỏi: người thọ dục thanh tịnh của người khác rồi đi trên hư không, có thành thọ dục thanh tịnh không?

Phật đáp: không thành, nên lấy dục thanh tịnh lại.

Lại hỏi: có trường hợp một Bí-sô tác pháp yết ma tại bốn trú xứ mà đều được thành tựu không?

Phật đáp: được, nếu mỗi giới đều có đủ bốn người và việc hiện tiền, tức là ở mỗi giới có ba người ngồi, người thứ tư tác pháp yết ma ngồi trên giường, phản hay chiếu trải đè trên ranh giới của bốn giới thì tác pháp được thành tựu. Có thể được làm bảy yết ma là yết ma Khu tẫn, yết ma Linh bố, yết ma Chiết phục, yết ma cầu tạ, yết ma không thấy tội, yết ma không như pháp sám hối tội và yết ma không xả ác tà kiến.

6. Nhiếp tụng thứ sáu trong Biệt môn thứ nhất:

Đại giới hai trạm rưỡi,
Dưới nước và trên núi,
Dị kiến, mặt trời mọc,
Năm chúng thọ bảy ngày.

Lại hỏi: như Phật dạy nên kết đại giới, vậy phạm vi đại giới là chừng bao nhiêu?

Phật đáp: phạm vi đại giới khoảng chừng hai Du thiện na rưỡi (một Du thiện na là chừng 30 dặm, tức là một dịch trạm).

Lại hỏi: nếu phạm vi lớn hơn hai Du thiện na rưỡi thì có gọi là đại giới không?

Phật đáp: không gọi là đại giới.

Lại hỏi: phạm vi ít hơn bao nhiêu thì được gọi là đại giới? Phạm vi đến chỗ có nước được gọi là đại giới.

Lại hỏi: phạm vi ngoài hai Du thiện na rưỡi mới đến chỗ có nước, chỗ dư có được gọi là phần của đại giới không?

Phật đáp: không gọi là phần của đại giới.

Lại hỏi: lên cao chừng bao nhiêu là đại giới?

Phật đáp: lên cao bằng ngọn cây hay đầu tường được gọi là đại giới.

Lại hỏi: nếu ngoài hai Du thiện na rưỡi mới đến ngọn cây hay đầu tường thì chỗ dư có được gọi là phần của đại giới không?

Phật đáp: không gọi là phần của đại giới.

Lại hỏi: ở trên núi chừng bao nhiêu là phạm vi của đại giới?

Phật đáp: phạm vi đến chỗ có nước.

Lại hỏi: nếu ngoài hai Du thiện na rưỡi mới đến chỗ có nước thì chỗ dư có được gọi là phần của đại giới không?

Phật đáp: không được gọi là phần của đại giới.

Lại hỏi: nếu trong hạ an cư Tăng bị phá, có Bí-sô từ thân hữu như pháp đến với thân hữu phi pháp thì vị ấy được gọi là phá hạ hay không phá hạ?

Phật đáp: nếu Bí-sô ấy ưa thích dị kiến nên đến với thân hữu phi pháp, qua hôm sau khi mặt trời mọc liền thành phá hạ. Ngược lại nếu không ưa thích dị kiến tuy đến chỗ thân hữu xấu ác, cho đến qua hôm sau mặt trời mọc vẫn không gọi là phá hạ.

Lại hỏi: như Phật đã dạy trong hạ an cư có duyên sự phải ra ngoài thì nên thọ pháp bảy ngày, vậy ai được thọ?

Phật đáp: năm chúng nên thọ, đó là Bí-sô, Bí-sô ni, Chánh học nữa, Cầu tịch và Cầu tịch nữ.

Lại hỏi: nên thọ pháp này ở đâu?

Phật đáp: nên thọ pháp này ở trong giới, đối trước một Bí-sô chắp tay bạch rằng: “cụ thọ nhớ nghĩ, tôi Bí-sô — ở tại trú xứ này tiền an cư ba tháng, nay vì việc Tăng xin thọ pháp bảy ngày xuất giới, nếu không có nạn duyên sẽ trở về lại trong trú xứ này an cư” (ba lần). Nếu có duyên sự phải đi trong sáu ngày cho đến một ngày đều dựa theo pháp thọ bảy ngày mà tác pháp thọ.

7. Nhiếp tụng thứ bảy trong Biệt môn thứ nhất:

Năm chúng thọ an cư,
Thân tộc… thỉnh được đi,
Nơi kinh có nghi vấn,
Người cầu hiểu được đi.

Lại hỏi: như Phật đã dạy nên hạ an cư, vậy những ai nên an cư?

Phật đáp: năm chúng nên hạ an cư, đó là Bí-sô, Bí-sô ni, Chánh học nữ, Cầu tịch và Cầu tịch nữ. Nên đối trước một Bí-sô bạch rằng: “cụ thọ nhớ nghĩ, hôm nay là ngày 1 tháng 5, Tăng già tác pháp tiền hạ an cư. Tôi Bí-sô tên — cũng vào ngày 1 tháng 5 tiền hạ an cư trong đại giới của trú xứ này, — là thí chủ, — là người doanh sự, — là người khán bịnh. Nếu trú xứ này có hư dột, tôi sẽ tu sửa lại”. (ba lần) Hậu an cư cũng theo pháp tiền an cư mà làm, Bí-sô ni đối trước Bí-sô ni tác pháp an cư cũng giống như Bí-sô, Cầu tịch nên đối trước Bí-sô tác pháp an cư, Chánh học nữa và Cầu tịch nữ nên đối trước Bí-sô ni tác pháp an cư.

Lại hỏi: như Phật đã dạy trong hạ an cư nếu Bí-sô có duyên sự do Ô-ba-sách-ca thỉnh thì nên thọ pháp xuất giới bảy ngày. Nếu có duyên sự do ngoại đạo hay thân tộc thỉnh thì có được thọ pháp xuất giới không?, Phật nói được.

Lại hỏi: nếu trong ba tạng có nghi muốn thỉnh hỏi thì có được thọ pháp xuất giới không?, Phật nói được.

Lại hỏi: nếu Bí-sô chưa hiểu cầu hiểu, chưa đắc cầu đắc, chưa chứng cầu chứng hoặc có nghi muốn cầu giải nghi thì có được thọ pháp xuất giới không?, Phật nói được, nếu đi một ngày… cũng theo đây mà tác pháp thọ.

 

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10