CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ NI ĐÀ NA MỤC ĐẮC CA

Hán dịch: Tam tạng Pháp sư Nghĩa Tịnh đời Đường – TQ
Việt dịch: Ban phiên dịch chùa Pháp Bảo, HT Thích Tịnh Hạnh giám tu – năm 2005
Hiệu đính và nhuận văn: NS Thích nữ Như Lộc tại chùa Phổ Minh – năm 2010

 

QUYỂN 7

5. Nhiếp tụng thứ năm trong Biệt môn thứ nhất:

Không được ăn thịt chó,
Loài chim thú ăn thây,
Ngựa và loài có móng,
Cũng không ăn thịt vượn.

Phật tại thành Thất-la-phiệt, lúc đó vào thời buổi mất mùa đói kém nên nhiều người tục ăn thịt chó. Lục chúng Bí-sô sáng sớm đắp y mang bát vào thành khất thực, đi đến đâu đều nghe nói là hãy đi đi, chúng tôi không có gì để cúng. Cuối cùng đến một nhà thấy trong nhà đang nấu thức ăn liền hỏi nấu món gì, đáp là thịt chó, Lục chúng Bí-sô nói: “chúng tôi dựa vào các vị để sống, các vi đang ăn món gì thì cúng cho chúng tôi món đó”, họ nghe vậy liền sớt thịt chó vào bát. Lục chúng Bí-sô đi đến đâu, bầy chó nghe mùi đều chạy theo sủa ầm lên, các cư sĩ hỏi nguyên do rồi nói: “các thầy cũng ăn thịt chó nữa sao?”, đáp phải, vì thế bị chê trách. Các Bí-sô nghe biết việc này liền bạch Phật, Phật bảo: “Bí-sô không được ăn thịt chó, cho đến các loại chim thú ăn thây chết như kên kên đều không được ăn. Ai ăn thì phạm tội Ác tác”.

Duyên xứ như trên, lúc đó có kẻ trộm vào chuồng ngựa trộm lấy ngựa của vua Thắng quang nước Kiều-tát-la, dẫn vào trong rừng giết lấy thịt mang đi rồi bỏ đầu đuôi và móng lại. Sáng hôm đó Lục chúng Bí-sô sau khi thức dậy nhìn thấy từ xa có kên kên từ trên không bay xuống liền tìm đến chỗ đó, thấy đầu đuôi và móng ngựa liền nói với nhau: “hôm nay chúng ta được dồi dào vật phấn tảo, hãy cùng nhặt lấy mang về”. Lúc đó người giữ ngựa theo dấu tìm đến thấy vậy liền nói: “các vị mặc y phục đại tiên vì sao lại làm việc xấu xa này?”, Lục chúng Bí-sô hỏi là đã làm việc xấu xa gì, đáp là trộm ngựa của vua rồi đem giết, Lục chúng Bí-sô nói: “không phải chúng tôi mà là kẻ trộm ngựa dẫn đến đây giết rồi bỏ lại đầu đuôi, chúng tôi cho là vật phấn tảo nên nhặt lấy”, người giữ ngựa nói: “đây thật là vật phấn tảo đáng ưa thích”. Các Bí-sô nghe biết việc này liền bạch Phật, Phật bảo: “Bí-sô không được ăn thịt ngựa cho đến loài chồn, nếu ai ăn thì phạm tội Ác tác”.

Lúc đó có một con vượn đang chuyền cây, do khoảng cách xa nên nó hụt tay rơi xuống đất và chết, Lục chúng Bí-sô mang về nấu ăn. Vừa lúc đó có một thiếu phụ lạc mất con đang đi tìm, khi đến trong rừng Thệ đa thấy Lục chúng Bí-sô đang nấu con vượn trong nồi liền gào lên nói là con tôi đang bị nấu trong nồi. Lục chúng Bí-sô gắp tay vượn lên, bà ta lại gào lên nói là tay của con tôi; lại gắp đùi vượn lên, bà ta lại gào lên nói là đùi của con tôi; lại gắp cái đầu lên, bà ta lại gào lên nói là đầu con tôi; cuối cùng gắp cái đuôi vượn lên và hỏi: “con bà cũng có đuôi sao?”, bà ta hỏi: “các thầy ăn thịt vượn hay sao?”, đáp: “không phải là con bà, ta ăn thì có lỗi gì?”, nhân đây bị chê trách. Các Bí-sô nghe biết việc này liền bạch Phật, Phật bảo: “hình dáng của khỉ vượn giống như người, vì thế Bí-sô không được ăn thịt khỉ vượn, ai ăn thì phạm tội Ác tác”.

6. Nhiếp tụng thứ sáu trong Biệt môn thứ nhất:

Chén nhỏ và chéo y,
Da, lá đều có lỗi,
Trừ một loại bằng sắt,
Vật khác tùy ý làm.

Phật tại thành Thất-la-phiệt, lúc đó có một Bí-sô bị bịnh khổ bức bách, đến thầy thuốc yêu cầu điều trị, thầy thuốc nói: “dùng thuốc rửa bên dưới thân thì bịnh sẽ mau lành”, Bí-sô nói Phật chưa khai cho, thầy thuốc nói: “Thế tôn đại bi ắt sẽ khai cho”, Bí-sô bạch Phật, Phật nói: “nếu thầy thuốc bảo như thế thì được tùy ý dùng”. Bí-sô dùng chén nhỏ đựng thuốc để rót rửa lại làm đổ hết thuốc, Phật nói không nên dùng chén nhỏ; lại dùng chéo y đựng thuốc để rót rửa vẫn làm đổ hết thuốc, Phật nói không nên dùng chéo y; lại dùng tấm da đựng thuốc để rót rửa vẫn làm đổ hết thuốc, Phật nói không nên dùng tấm da; lại dùng lá cuộn lại để đựng thuốc, Phật nói đều không nên, nên làm cái ống. Bí-sô lấy ống làm bằng sắt đựng thuốc thì thuốc nóng và cứng, Phật nói: “chỉ trừ một loại sắt ra, các loại khác như thủy tinh, đồng… đều được làm”.

7. Nhiếp tụng thứ bảy trong Biệt môn thứ nhất:

Mía, lạc, thịt và mè,
Dược có bốn loại khác,
Gai, cải Mạn thanh, cháo,
Củ… nấu cháo được ăn.

Tôn giả Ưu-ba-ly hỏi Phật: “Thất nhật dược dùng làm Tận hình thọ dược được không?”, Phật nói: “được, như Mía thể của nó là Thời dược, nước mía là Phi thời dược, đường là Thất nhật dược, than là Tận hình thọ dược. Lại nữa, Lạc là thời dược, nước Lạc là Phi thời dược, Tô là Thất nhật dược, đốt Lạc thành than là Tận hình thọ dược. Lại nữa, thịt là Thời dược, mỡ là Thất nhật dược, đốt thịt thành than là Tận hình thọ dược, tùy việc nên dùng”.

Có một Bí-sô bịnh đến thầy thuốc yêu cầu điều trị, thầy thuốc nói: “nên ăn cháo Đại ma (hạt gai)”, Bí-sô nói Phật chưa khai cho, thầy thuốc nói: “Thế tôn đại bi ắt sẽ khai cho”, Bí-sô bạch Phật, Phật nói: “nếu thầy thuốc bảo nấu cháo Đại ma hay cháo cải mạn thanh cho đến dùng các loại củ, cọng, hoa lá quả để nấu cháo ăn trị bịnh đều được dùng”.

8. Nhiếp tụng thứ tám trong Biệt môn thứ nhất:

Cho uống nước đường cát,
Được làm Thất nhật dược.
Tâm niệm làm năm việc,
Lợi vật nên cùng chia.

Phật du hành trong nhân gian đến một tụ lạc, trong tụ lạc này có một trưởng giả do túc duyên đáng được Phật hóa độ. Lúc đó Phật quán biết thời tiết hóa độ trưởng giả đã đến nên đến nhà trưởng giả, trưởng giả trải tòa mời Phật ngồi, đảnh lễ Phật rồi ngồi một bên, Phật quán biết căn tánh tùy miên của trưởng giả, nói pháp Tứ đế khiến cho trưởng giả được khai ngộ và chứng quả Dự lưu. Sau khi chứng quả, trưởng giả bạch Phật: “Thế tôn, nhờ Phật khai ngộ khiến con ở trong các nạn mà được giải thoát, điều này không phải do cha mẹ… cho đến sa môn, Bà-la-môn có thể làm được. Thế tôn là bậc đại thiện tri thức đã cứu vớt con ra khỏi ba cõi, đặt để con vào cõi trời người, hết khổ sanh tử, được đạo Niết-bàn, làm cạn biển máu, vượt khỏi núi xương, núi thân kiến từ vô thỉ đến nay đếu bị phá tan bằng chày trí Kim cang, chứng được Sơ quả. Nay con xin quy y Tam bảo, từ hôm nay cho đến trọn đời thọ trì năm học xứ, cúi xin Thế tôn chứng biết con là Ô-basách-ca”. Phật nói pháp yếu cho trưởng giả nghe qua khỏi giờ ngọ nên Phật và đại chúng đều nhịn ăn, trưởng giả xin Phật cho dâng nước uống phi thời, Phật nói tùy ý. Trưởng giả đem nước đường cát và các loại nước uống khác dâng cúng Phật và Tăng, các Bí-sô thấy nước uống quá ngọt nên không uống nhiều, Phật nói: “các loại trái cây như nho, thạch lựu, cam, quýt… ép rồi lượt để lắng trong, không nên đắc sệt và đục thì được uống dùng”, tôn giả Ưu-ba-ly hỏi Phật: “nước đường cát có dược dùng làm Thất nhật dược không?”, Phật nói: “được, nước ép trái cây lượt để lắng rong chưa lên men, tính chất chưa thay đổi thì được tùy ý uống dùng”.

Phật tại thành Thất-la-phiệt, lúc đó có một trưởng giả thỉnh tôn giả A-nan đến nhà thọ thực, vừa lúc đó nghe tin trưởng giả Cấp-cô-độc bịnh nặng, Phật cùng A-nan đến thăm rồi nói pháp yếu cho trưởng giả nghe. Khi định ra về thì trưởng giả thỉnh Phật và A-nan ở lại thọ thực, Phật im lặng nhận lời, A-nan bạch Phật: “con đã thọ một trưởng giả thỉnh thực rồi”, Phật nói: “nên xả lần thỉnh thực trước cho Bí-sô khác. Có năm việc được tâm niệm làm, đó là phân biệt y, thọ trì y, Bao-sáiđà, việc Tùy ý (tự tứ) và thọ người thỉnh”.

Duyên xứ như trên, lúc đó vào thời buổi mất mùa đói kém khất thực khó được, có Bà-la-môn và cư sĩ tín kính thỉnh Bí-sô trưởng lão đến nhà thọ thực, do Bí-sô chỉ thọ một lần thỉnh không thọ thêm chỗ khác thỉnh nên Phật nói: “gặp lúc đói kém khất thực khó được, tùy được thỉnh thọ thực nên thọ, tự mình ăn rồi nên mang về cho các Bí-sô khác cùng ăn”. Lúc đó có vị không được thỉnh cũng đến thọ thực, chủ nhà nói không phải là người được thỉnh nên không dọn cho ăn, Phật nói: “nếu như thế thì người được thỉnh thọ thực nên ăn trước hai ba miếng rồi nói với thí chủ: do các Bí-sô khất thực khó được, thí chủ cho tôi mang thức ăn này về chia chó họ cùng ăn, xin tùy hỉ. Tùy mang được thức ăn về bao nhiêu đều chia cho các vị khác, cho đến vị nhỏ nhất cũng được cùng ăn”.

9. Nhiếp tụng thứ chín trong Biệt môn thứ nhất:

Thầy thuốc bảo dùng Tô,
Dầu, thực phẩm tàn xúc,
Cho dùng Dược thích hợp,
Tịnh trù trừ mười nơi.

Lúc đó có Bí-sô bịnh đến thầy thuốc yêu cầu điều trị, thầy thuốc bảo nên dùng Tô, Bí-sô nói Phật chưa khai cho, thầy thuốc nói: “Thế tôn đại bi ắt sẽ khai cho”, Bí-sô bạch Phật, Phật nói: “nếu thầy thuốc bảo thế thì được tùy ý dùng”. Vào nửa đêm, Bí-sô bịnh muốn dùng Tô nhưng không có người trao cho, Phật nói: “được tự lấy dùng, nếu khó tìm được Tô thì nên dùng dầu”, lúc đó dầu cũng khó có được. Một Bí-sô khác có Tô dầu tàn xúc (để cách đêm và đã xúc chạm) nói với Bí-sô bịnh rằng: “tôi có Tô dầu nhưng là tàn xúc, nếu Phật khai cho dùng thì thầy tùy ý lấy dùng”, bạch Phật, Phật nói: “nếu là người bịnh nghèo thì thực phẩm tàn xúc cũng được dùng không phạm”. Lúc đó tôn giả Ưuba-ly hỏi Phật: “như Phật đã khai cho Bí-sô cất chứa Dược thích hợp để dùng là như thế nào?”, Phật nói: “trừ bốn vật báu ra, các vật khác đều được cất chứa để dùng”.

Phật tại thành Tỳ-xá-ly, Phật bảo các Bí-sô: “có mười nơi không được kết làm tịnh trù: một là đất trống, hai là phòng nhỏ bên cửa, ba là trước hiên, bốn là nhà ấm, năm là nhà tắm, sáu nhà quan nhân, bảy là bên tháp, tám là nhà ngoại đạo, chín là nhà thế tục và muời là chùa ni. Nếu nấu thức ăn trong mười chỗ đó thì phạm tội Ác tác”, tôn giả Ưuba-ly hỏi Phật: “nếu kết một phòng làm tịnh trù, đã tác pháp rồi thì phía trên dưới và bốn bên có thành tịnh không?”, Phật nói: “nếu đại chúng cùng chấp thuận kết phòng này làm tịnh trù thì phía trên dưới và bốn bên, bên trong của thế phần thảy đều thành tịnh”.

10. Nhiếp tụng thứ mười trong Biệt môn thứ nhất:

Củ, cọng, lá, hoa, quả,
Đều cho ngâm trong rượu,
Khuấy với nước để uống,
Cho dùng thức uống khác.

Sau khi Phật độ cho các Thích tử xuất gia, do họ khi còn tại gia quen uống rượu, sau khi xuất gia phải đoạn rượu nên thân thể họ gầy ốm, bạch Phật, Phật nói: “có thể dùng củ, cọng, lá, hoa, quả giã nát rồi bọc trong tấm vải trắng đem ngâm trong rượu nhẹ không làm say, không nên đổ đầy và đậy kín miệng bình, sau đó rót ra khuấy với nước uống. Hoặc dùng men, vỏ cây và các hương liệu giã nát rồi bọc trong tấm vải lụa, cột vào cây ngang treo trong thùng rượu đã cất, nhưng không cho dính rượu trải qua hai đêm rồi rót ra khuấy với nước uống. Hai loại nước này thới hay phi thời đều được tùy ý uống dùng không phạm, như vậy sẽ có thể khiến dần dần dứt rượu. Này các Bí-sô, các thầy đã tôn ta làm thầy thì không nên uống rượu, không mời cũng không thọ, cho đến dùng cọng cỏ tranh chấm rượu để nhỏ vào trong miệng”. Lại hỏi: “như Phật đã nói Bí-sô Sa để được uống các loại khác là những loại nào?”, Phật nói: “như nước tiểu của con bò đực mới sanh và tro cây Quật lạc đà, một là tro cây Bồ đề, hai là Kiếp tất tha, ba là A thuyết tha, bốn là tro cây Ô đàm bạt la, năm là nhược quật lộ hòa với nhau rồi khuấy với nước uống dùng trị bịnh”, lại hỏi: “không biết người nào nên lấy?”, Phật nói: “nên bảo người tín kính lấy rồi đưa lại cho người tín kính, sau đó trao cho Bí-sô dùng”.

II. TỔNG NHIẾP TỤNG CỦA BIỆT MÔN THỨ HAI:

Định vật, nơi có chủ,
Nên hỏi, Kiều-tát-la,
Theo tượng, báo trước, sai,
Giảm bớt tầng, Ni chúng.

1. Nhiếp tụng trong Biệt môn thứ hai:

Định vật không nên dời,
Chớ lượm vật giặc bỏ,
Ở Thi lâm cũng vậy,
Cho thì tùy ý lấy.

Phật tại thành Thất-la-phiệt, lúc đó có một trưởng giả giàu có xây cất một trú xứ cúng cho Tăng với đầy đủ ngọa cụ và các vật cần dùng. Các Bí-sô cựu trụ nói với nhau: “ngọa cụ và các vật cần dùng quá dồi dào, nếu đem cất để đó sợ sẽ hư hoại, chúng ta thọ vừa đủ dùng thôi, còn dư bao nhiêu đem chia cho Tăng trú xứ gần bên”, bàn xong liền đem ngọa cụ dư chia cho trú xứ Tăng gần bên. Sau đó có các Bí-sô khất thực du hành đến trú xứ này, Bí-sô cựu trụ thu xếp chỗ nghỉ cho khách, khách hỏi: “không có ngọa cụ dư sao?”, đáp là không có dư, khách Bísô này phải nằm ngủ trên giường hư không có ngọa cụ nên không ngủ được. Đến sáng hôm sau họ khóa cửa rồi đi đến nhà trưởng giả thí chủ, ngồi vào chỗ ngồi rồi nói pháp yếu và tán thán bảy loại phước nghiệp hữu sự, trưởng giả nghe rồi liền nói: “phước nghiệp này tôi đã làm rồi”, khách Bí-sô nói: “trú xứ mà ông đã xây cất cúng cho Tăng thiếu ngọa cụ, đêm qua tôi đã không ngủ được”, trưởng giả nói: “tôi đã cúng rất nhiều ngọa cụ, tư cụ cho Tăng, không lẽ các Bí-sô cựu trú đã đem chia bớt cho trú xứ gần bên”, nói rồi cùng với khách Bí-sô đến trong trú xứ xem xét, xem xét xong liền hỏi các Bí-sô cựu trú: “trước đây tôi đã cúng rất nhiều ngọa cụ và tư cụ, nay chúng ở đâu?”, các Bí-sô cựu trụ kể lại việc trên, trưởng giả nghe rồi nói: “các thầy hãy lấy về lại vì bổn ý của tôi là cúng cho trú xứ này”. Các Bí-sô nghe biết việc này liền bạch Phật, Phật bảo: “không được đem vật của trú xứ này đưa cho trú xứ khác, vật cúng ở đâu thì nơi ấy được thọ dụng. Nếu cho riêng tư thì phải đền trả lại toàn bộ, nếu không trả thì phạm tội Việt pháp nặng”.

Duyên xứ như trên, lúc đó Lục chúng Bí-sô tháp tùng theo các thương nhân du hành trong nhân gian, nhưng lại đi phía sau. Các thương nhân đi trước chẳng may gặp giặc cướp, do không thể mang hết tài vật đã cướp được nên chúng bỏ lại một số rồi đi. Lục chúng Bí-sô ở phía sau đi đến thấy các tài vật này liền nói với nhau: “tài vật phấn tảo dồi dào này hãy cùng lượm lấy mang đi”, các thương nhân thấy bọn cướp đi hết liền quay trở lại thấy Lục chúng Bí-sô đang mang tài vật của mình liền nói: “tài vật của chúng tôi giặc đã không lấy sao các thầy lại lấy, các thầy mặc y phục đại tiên vì sao lại làm hạnh xấu này?”, Lục chúng Bí-sô hỏi chúng tôi làm hạnh xấu gì, đáp là lấy tài vật của chúng tôi, Lục chúng Bí-sô nói: “giặc cướp tài vật của các vị rồi vất bỏ lại mấy thứ này, chúng tôi tưởng là phấn tảo nên lượm lấy thì có lỗi gì”. Các Bí-sô nghe biết việc này liền bạch Phật, Phật bảo: “tài vật mà giặc đã cướp của thương nhân vất bỏ lại thì Bí-sô không được lượm lấy, ai lượm lấy thì phạm tội Ác tác”. Sau đó có các thương nhân bị cướp, tài vật đã cướp chúng mang không hết nên vất bỏ lại một số, các cư sĩ bảo các Bí-sô lượm lấy dùng, Bí-sô không lấy, Phật nói: “nếu cho thì được lượm lấy”.

Phật tại thành Vương xá, lúc đó Lục chúng Bí-sô vào trong Thi lâm thấy có y vật, lọng, củi đốt liền cùng đến lấy mang đi; sau đó các Chiên-đà-la giữ Thi lâm đến thấy mất các y vật này mà không biết là ai đã lấy. Bảy tám ngày sau, Lục chúng Bí-sô lại đến trong Thi lâm tìm kiếm y vật nữa và bị các Chiên-đà-la ngăn lại và nói rằng: “các tạp dịch khó nhọc đều xuất phát từ trong Thi lâm, vì sao các thầy lại trộm lấy y vật mà người khác coi giữ?”. Các Bí-sô nghe biết việc này liền bạch Phật, Phật bảo: “y vật trong Thi lâm có người coi giữ thì Bí-sô không được lấy, ai lấy thì phạm tội Việt pháp nặng”. Sau đó người coi giữ trong Thi lâm tín kính bảo các Bí-sô lượm lấy y vật đó về dùng, Bí-sô không dám lấy, Phật nói: “nếu cho thì được lượm lấy”.

2. Nhiếp tụng thứ hai trong Biệt môn thứ hai:

Vật thiên miếu có chủ,
Bí-sô không nên lấy,
Người khán bịnh không nên,
Khuyên người bịnh xả y.

Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng Thệ đa, thành Thất-la-phiệt, lúc đó Lục chúng Bí-sô tháp tùng theo xe của đoàn thương nhân đi đến giữa đường thì trục xe bị gãy, họ vất trục gãy thay trục mới rồi tiếp tục lên đường. Lục chúng Bí-sô lấy cái trục gãy đó cắm ở nơi ngã tư đường rồi ghi lên đó hàng chữ Xa trục Thiên tôn. Thời gian sau có một trưởng giả đem thức ăn đến chỗ này cúng tế, lại có nhiều người đến đây cầu khấn: “nếu con được như sở nguyện thì con sẽ xây miếu thờ Thiên tôn và hằng ngày sẽ có một trăm lẻ tám Bà-la-môn đến cúng tế”, không ngờ họ được như sở nguyện nên họ xây một cái miếu thờ Thiên tôn ngay tại đó. Các thương nhân đi ngang qua đây đều đem y vật cúng cho Thiên tôn, Lục chúng Bí-sô thấy nơi đây trở thành nơi được cúng tế dồi dào như vậy liền nói với nhau: “xa trục Thiên tôn được cúng nhiều y vật, chúng ta nên đến lấy”, nói rồi liền vào lấy y vật cúng mang đi, người giữ miếu nói: “tôi coi giữ miếu này, vì sao các thầy lại tự tiện lấy y vật cúng cho thần tượng trong miếu mang đi?”, Lục chúng Bí-sô nói: “ngươi ở đâu mà được thiên miếu này, miếu này đầu tiên là do chúng tôi sáng lập, chúng tôi đã lấy trục xe gãy cắm xuống đây và đề là Trục xa Thiên tôn, ngươi không biết nguồn gốc nên mới khinh mạn bỏn xẻn như thế”, nói rồi liền dùng tay nhổ lên cái trục xe cho mọi người thấy, mọi người nói: “cho dù tôn giả hay người nào khác đã sáng lập nhưng nay đã có người coi giữ, vì sao các thầy lại đến đoạt lấy y vật đã cúng”. Các Bí-sô nghe biết việc này liền bạch Phật, Phật bảo: “Bí-sô không nên lấy y vật đã cúng trong Thiên miếu, ai lấy thì phạm tội Việt pháp nặng”. Sau đó có người giữ thiên miếu khác tín kính bảo các Bí-sô lấy về dùng, Bí-sô không dám lấy, Phật nói: “nếu cho thì được lấy”.

Duyên xứ như trên, lúc đó có Bí-sô bịnh, như Phật đã dạy các Bísô bịnh nên tu phước nghiệp nơi Tăng, vì thế vị khán bịnh nói với Bí-sô bịnh: “thầy nên cúng dường chút ít cho Tăng điền”, Bí-sô bịnh nói: “tôi không có gì cả, nay đem ba y thí cho Tăng điền”, vị khán bịnh đem ba y cúng cho Tăng, Tăng đem bán rồi cùng chia. Thời gian sau Bí-sô này hết bịnh lại không còn ba y thọ trì, bạch Phật, Phật nói: “Bí-sô khán bịnh không được khuyên Bí-sô bịnh thí ba y cho người khác, ai làm thế thì phạm tội Việt pháp. Tăng cũng không được thọ ba y này, nếu thọ cũng không được phân chia liền, sau đó nếu thấy họ thiếu y nên đem trả lại, ai chia y này cũng bị tội Việt pháp”.

3. Nhiếp tụng thứ ba trong Biệt môn thứ hai:

Hỏi thí chủ vật cúng,
Lợi vật nên chia đều,
Hai chúng lớn chia đều,
Chúng khác nên gia giảm.

Phật tại thành Thất-la-phiệt, lúc đó có một trưởng giả thỉnh hai bộ Tăng thọ thực rồi đem tài vật cúng dường cho cả hai bộ, các Bí-sô không biết nên chia như thế nào, bạch Phật, Phật nói: “nên hỏi thí chủ và chia theo lời của họ”.

Duyên xứ như trên, lúc đó có sáu mươi Bí-sô du hành trong nhân gian đến một tụ lạc, trong đây có một trưởng giả chánh tín thỉnh các Bí-sô đến nhà thọ thực và muốn cúng cho mỗi vị một y. Lúc các Bí-sô đang thọ thực, có sáu mươi Bí-sô ni đang khất thực, mọi người chỉ đến nhà trưởng giả thọ cúng dường, các ni đến và cũng được thỉnh thọ thực. Trưởng giả suy nghĩ: “ta làm sao cúng y đủ cho tất cả, vậy nên tùy trưởng lão phân chia”, nghĩ rồi liền đem sáu mươi xấp vải để trước Thượng tòa, các Bí-sô không biết nên chia như thế nào, bạch Phật, Phật nói: “đây là lợi vật cúng cho hai chúng, nên chia đều”. Sau đó lại có một trưởng giả thỉnh hai chúng thọ thực và cúng dường tài vật, Bí-sô và Cầu tịch được chia phần bằng nhau, Bí-sô liền phàn nàn: “chúng tôi cần ba y còn Cầu tịch chỉ cần có hai y thượng hạ, tại sao lại chia bằng nhau”, bạch Phật, Phật nói: “Bí-sô và Bí-sô ni chia phần bằng nhau, Cầu tịch và Cầu tịch nữ được một phần ba, Thức xoa ma na được một phần hai, người sắp thọ Cận viên cũng được chia môt phần hai, nên chia như vậy”.

4. Nhiếp tụng thứ tư trong Biệt môn thứ hai:

Giạ trắng Kiều-tát-la,
Nhân con Phật, ăn mì,
Duyên Thất lợi cấp đa,
Nói rộng việc xây cất.

Phật tại nước Kiều-tát-la cùng một ngàn hai trăm năm mươi Bí-sô du hành trong nhân gian đến một tụ lạc, trong đây có một trưởng giả thỉnh Phật và Tăng cùng đồ chúng đến nhà thọ thực. Lúc đó lại có sáu mươi Bí-sô ni du hành đến tụ lạc này, theo thứ lớp khất thực đến trước nhà trưởng giả cũng được thỉnh thọ thực. Trưởng giả cúng dường xong, đem một ngàn hai trăm năm mươi xấp bạch điệp để trước Thượng tòa, các Bí-sô không biết nên chia như thế nào, các Bí-sô ni nói: “lần trước chúng tôi được chia một nửa vật thí, lần này cũng nên chia cho một nửa”, các Bí-sô bạch Phật, Phật nói: “nên tính số người của Bí-sô và Bí-sô ni mà phân chia, không được chia một nửa”. Lại có một trưởng giả thỉnh Phật và Tăng đến nhà thọ thực, các Bí-sô đều đi phó thực, chỉ có Phật ở lại chùa không đi vì có năm nhân duyên nên bảo thị giả mang phần ăn về, lần này là vì muốn chế học xứ cho các Bí-sô. Lúc đó tại nhà trưởng giả, vì kính các bậc kỳ túc nên trưởng giả dâng cúng Tô và bánh nấu với Tô; dâng cúng bậc Trung tòa dầu và bánh chiên dầu; dâng cúng bậc hạ tòa cặn dầu mè và bánh chiên cặn dầu mè. Cụ thọ La hỗ la ăn xong mang phần thức ăn về cho Phật, thường pháp của chư Phật là hỏi thăm người mang thức ăn về: “các Bí-sô ăn có được no đủ không?”, đáp là no đủ, Phật lại hỏi: “vì sao thầy lại gầy ốm như thế?”, La hỗ la nói kệ:

“Ăn dầu có sức lực,
Ăn Tô sắc tươi sáng,
Ăn cặn dầu mè, rau,
Làm sao có sắc lực?”

Phật nói: “ta hỏi vì sao gầy ốm, sao lại nói về việc ăn uống?”, La hỗ la kể lại việc trên, Phật hỏi: “vị nào là Thượng tòa trong Tăng?”, đáp: “là bổn sư của con”, Phật nói: “Xá-lợi-phất, thầy của con gọi là Ô thực, không gọi là Thiện thực, vì sao không coi ngó phần ăn của trung hạ tòa”, Phật bảo các Bí-sô: “nay ta chế hành pháp của bậc Thượng tòa trong Tăng như sau: hễ là bậc Thượng tòa khi thấy người dọn đưa thức ăn liền nên bảo họ quỳ chắp tay nói câu “Tam bát la khứ đa” và bảo họ nên dọn đưa thức ăn đồng đều”. Sau đó vị Thượng tòa hễ thấy người dọn đưa bánh, rau… đều mỗi mỗi nói như trên khiến cho dọn đưa thiếu thức ăn, Phật nói: “khi bắt đầu dọn đưa thức ăn thì bảo họ dọn đưa đồng đều, không cần mỗi mỗi nói như thế, ai làm trái thì phạm tội Ác tác”. Lúc đó tôn giả Xá-lợi-phất nghe Phật nói mình không gọi là Thiện thực liền dùng ngón tay móc họng cho ói ra thức ăn, tôn giả Ưu-ba-ly bạch Phật: “tôn giả Xá-lợi-phất ói thức ăn đã ăn ra”, Phật nói: “không phải chỉ ngày nay khi nghe ta chê trách, thầy ấy liền ói thức ăn ra, mà trong quá khứ cũng như vậy. Các thầy lắng nghe:

Quá khứ có một Bà-la-môn thích tán tụng cùng với một Bà-lamôn trẻ du hành trong nhân gian đến một tụ lạc, vị lớn bảo vị trẻ ngồi ở bên bờ ao ngoài tụ lạc chờ để vị ấy vào trong tụ lạc khất thực. Lúc đó có một Chiên-đà-la đến bên ao múc nước để ăn mì, vị trẻ theo Chiên-đà-la xin ít mì, Chiên-đà-la bảo lấy lá kết lại để đựng, vị trẻ làm theo để thọ lấy mì, thọ xong liền thấy trong mì có cáu bẩn liền hỏi Chiên-đà-la tại sao, đáp là mì đựng trong bát dơ nên dơ, vị trẻ ăn xong thì vị lớn trở lại bảo vị trẻ cùng vào tụ lạc lấy bánh, đáp là đã ăn mì rồi, vị lớn hỏi là thọ từ đâu, đáp là từ Chiên-đà-la, vị lớn trách: “kia là người xấu ác bất tịnh, vì sao lại thọ mì của họ ăn”, vị trẻ thấy vị lớn khinh tiện liền ói ra số mì đã ăn.

Này các Bí-sô, Bà-la-môn lớn thuở xưa chính là thân ta ngày nay, Bà-la-môn trẻ chính là Xá-lợi-phất ngày nay. Xưa do ta quở trách nên ói thức ăn đã ăn, nay cũng vậy”.

Phật ở bên ao Yết lan đạc ca trong Trúc lâm, thành Vương xá, lúc đó trong thành có một trưởng giả tên là Thất lợi cấp đa vốn là tín đồ của ngoại đạo lỏa hình, là em rễ của Tụ để sắc ca. Tụ để sắc ca vốn tín kính Tam bảo nên suy nghĩ: “ta nên khuyên Thất lợi cấp đa cúng dường phước điền vô thượng là Phật và Tăng”, nghĩ rồi liền nói với Thất lợi cấp đa: “em thiết thực cúng dường Phật và Tăng sẽ được vô lượng phước”, Thất lợi cấp đa nói: “nếu em cúng dường Phật và Tăng thì anh cũng nên cúng dường Bộ thích noa và các đệ tử của vị ấy”, Tụ để sắc ca suy nghĩ: “nếu ta không nhận lời thì người em rễ này sẽ mất quả lợi đối với thắng phước điền, ta bố thí cùng khắp thì ngại gì việc này”, nghĩ rồi liền nhận lời, Thất lợi cấp đa suy nghĩ: “nếu ta thỉnh Sa môn Kiều-đápma đến nhà thọ thực trước thì Tụ để sắc ca sẽ không chịu thỉnh Bộ thích noa và các đệ tử đến cúng dường”, nghĩ rồi liền nói: “anh nên thỉnh Bộ thích noa đến nhà thọ thực trước, em sẽ thỉnh Phật và Tăng đến nhà thọ thực sau”, Tụ để sắc ca bằng lòng liền đến chỗ Bộ thích noa thăm hỏi rồi thỉnh Bộ thích noa và các đệ tử ngày mai đến nhà thọ thực, Bộ thích noa suy nghĩ: “có lẽ người này thấy Sa môn Kiều-đáp-ma có lỗi lầm gì nên không sanh tâm tin ưa nữa, quay sang tín kính ta, như vậy là ta được lợi ích lớn. Tổ tiên của người này vốn là thí chủ của ta, nay quay về với ta cũng là hợp lý”, nghĩ rồi liền thọ thỉnh. Tụ để sắc ca trở về nhà, ngay trong đêm ấy lo liệu đầy đủ các món ăn ngon, sáng sớm trải tòa để nước rồi sai sứ đến bạch đã đến giờ thọ thực. Lúc đó Thất lợi cấp đa đến nói với Bộ thích noa: “Thánh giả biết không, Sa môn Kiều-đáp-ma khi đến nhà người tục thọ thỉnh, khi đến nhà, chân phải vừa đặt lên ngưỡng cửa liền mĩm cười. Thị giả A-nan quỳ xuống chắp tay bạch rằng: “Như lai không phải không nhân duyên mà miệng mĩm cười”, Kiều-đáp-ma nói: “đúng vậy, Như lai không phải không nhân duyên mà miệng mĩm cười, những chỗ Phật đến đều là vì thọ ký khiến cho đại chúng khởi tâm tín kính”. Vì vậy các vị khi đến nhà của Tụ để sắc ca nên làm y như vậy để làm cho họ sanh tín kính”, Bộ thích noa cùng các đệ tử đi đến nhà của Tụ để sắc ca, vừa bước chân lên ngạch cửa Bộ thích noa liền cười to lên, đệ tử liền quỳ xuống bạch rằng: “không phải không nhân duyên mà bậc Thắng nhân lại cười lớn như thế”, đáp: “đúng vậy, không phải không nhân duyên mà ta lại cười lớn. Ta vừa dùng thiên nhãn xem thấy bên bờ ao Vô túy có con vượn đực chạy theo con vượn cái, hụt chân té từ trên cây xuống đất mà chết. Ta nghĩ loài súc vật không có nhận thức nhưng có tình cảm này vì tham dục mà phải chịu khổ não”, Tụ để sắc ca nghe rồi suy nghĩ: “đây gọi là tìm kim trong bọc mà muốn bán kim, ta nên chiết phục khiến cho ngoại đạo này sửa đổi lại”. Lúc đó Tụ để sắc ca trải tòa tốt đẹp, để thức ăn thượng diệu vào trong bát đồng rồi để bánh lên trên, đem dâng cúng cho Bộ thích noa và các đệ tử. Bộ thích noa chỉ thấy dâng bánh liền suy nghĩ: “ta là giáo chủ phải dâng cúng thức ăn ngon, vì sao chỉ dâng có bánh”, Tụ để sắc ca hỏi: “vì sao thầy không ăn?”, đáp: “vì sao chỉ có bánh mà không có thức ăn tạp vị?”, Tụ để sắc ca nói kệ:

“Điều đáng thấy lại không thấy được,
Điều không thấy dối nói là thấy,
Còn thấy vượn chết bên bờ ao,
Sao không thấy cơm ngon trong bát?”

Nói kệ rồi liền chỉ thức ăn tạp vị dưới lớp bánh, Bộ thích noa hổ thẹn suy nghĩ: “ta đã bị chiết phục rồi, lát nữa ăn xong ta sẽ chú nguyện cho trong hiện tại và tương lai, các phước nghiệp đã làm sẽ không có quả báo lợi ích”, sau khi ăn xong, Bộ thích noa chú nguyện nói kệ:

“Người nào khi làm chút bố thí,
Cho đến khi thiết thực cúng dường,
Dùng lời cật vấn để chê trách,
Thiện phước đã làm không quả báo”.

Tụ để sắc ca có người giữ cửa nghe lời chú nguyện này rồi liền suy nghĩ: “kẻ vô trí này ăn com của chủ ta lại chú nguyện cho không có quả báo, ta nên phương tiện làm cho hắn té trật khớp xương”, nghĩ rồi liền nghiêng đổ bình nước dơ nơi cửa và kéo then cửa cho ló ra phân nửa, khi Bộ thích noa đi ra tới cửa bị nước dơ trơn trợt nên té ngã, đập đầu vào then cửa bể đầu chảy máu. Người giữ cửa liền nói kệ:

“Ngay khi then cửa kéo ló ra,
Và khi nghiêng đổ bình nước dơ,
Khi té bể đầu chảy máu ra,
Lúc ấy thiện phước không quả báo”.

Bộ thích noa ôm đầu đi đến chỗ Thất lợi cấp đa kể lại việc trên, Thất lợi cấp đa nói: “thầy may mắn còn mạng sống trở về, tôi sẽ lập kế làm cho Sa môn Kiều-đáp-ma và chúng tăng vào nhà tôi rồi sẽ không còn sống trở về”. Lúc đó Thất lợi cấp đa suy nghĩ: “ta nên đến thỉnh Sa môn Kiều-đáp-ma đến nhà thọ thực, nếu ông ta là Nhất-thiết-trí thì sẽ không thọ thỉnh, nếu không phải là Nhất-thiết-trí thì sẽ nhận lời”, nghĩ rồi liền đến chỗ Phật thăm hỏi và thỉnh Phật cùng chúng tăng ngày mai đến nhà thọ thực.

 

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10