CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ NI ĐÀ NA MỤC ĐẮC CA

Hán dịch: Tam tạng Pháp sư Nghĩa Tịnh đời Đường – TQ
Việt dịch: Ban phiên dịch chùa Pháp Bảo, HT Thích Tịnh Hạnh giám tu – năm 2005
Hiệu đính và nhuận văn: NS Thích nữ Như Lộc tại chùa Phổ Minh – năm 2010

 

QUYỂN 6

B. TỔNG NHIẾP TỤNG ĐẠI MÔN MỤC ĐẮC CA:

Môn đầu tiên sám hối,
Thứ hai định thuộc vật,
Thứ ba tư cụ, y,
Tổng tụng Mục đắc ca.

I. TỔNG NHIẾP TỤNG CỦA BIỆT MÔN THỨ NHẤT:

Sám hối, bãi cỏ êm,
Đáng miễn, vua Ảnh Thắng,
Thịt chó, chén nhỏ, mía,
Cho dùng đường, tô, củ…

1. Nhiếp tụng trong Biệt môn thứ nhất:

Sám hối, phi Cận viên,
Xem tướng mạo Cầu tịch,
Pháp Bí-sô và Ni,
Lẫn nhau bỉnh pháp thành.

Phật tại thành Thất-la-phiệt, lúc đó các Bí-sô chia thành từng nhóm hai người cùng quyết trạch nghĩa lý, sau đó tranh cãi với nhau, vị nhỏ quở rách vị lớn, vị lớn trong lòng tức giận trở về phòng tự nghĩ: “tại sao nhỏ hạ hơn mà dám xúc phạm đến ta như thế”, càng nghĩ càng tức, do bị lửa sân thiêu đốt nên vị này qua đời thác sanh trong loài rắn độc. Sau đó Bí-sô nhỏ truy hối: “ta đã làm điều bất thiện, ta đâu thể sân trách bậc Thượng tòa như thế, ta nên đến sám hối”, nghĩ rồi liền cùng các Bí-sô đến phòng của Bí-sô lớn kia để sám hối nhưng thấy cửa đóng. Sau khi mở cửa vào trong phòng, vừa muốn đảnh lễ bạch xin tha thứ thì liền thấy con rắn độc trên giường phùng mang giận dữ. Lúc đó Phật do sức từ bi dẫn dắt đi đến chỗ đó bảo Bí-sô này đảnh lễ rắn xin sám hối, Bí-sô nói: “vì sao bảo con đảnh lễ rắn?”, Phật nói: “thầy nên khởi tưởng là thân trước của Bí-sô kia mà kính lễ”, Bí-sô vâng lời Phật đảnh lễ rắn, Phật bảo rắn: “Hiền thủ nên khoan thứ”, kế nói ba câu pháp cho rắn nghe: “thầy đã tu tịnh hạnh ở chỗ ta, đáng lẽ được sanh lên cõi trời, chỉ vì lửa sân thiêu đốt nên phải thác sanh vào loài rắn. Hiền thủ nên biết:

Các hành đều vô thường,
Các pháp đều vô ngã,
Niết-bàn tịch tĩnh vui.

Thầy nên khởi tâm tịnh tín đối với ta, nhờ công đức này sẽ xả bỏ thân bàng sanh được sanh vào cõi lành”, rắn nghe rồi suy nghĩ: “nếu nay ta không được đích thân nghe Phật nói ba câu pháp thì ta sẽ chỉ tham ăn uống để nuôi dưỡng thân vô ích này”. Đối với bàng sanh thì lửa đói là mạnh nhất, do nhịn ăn nên rắn độc mạng chung, nhờ khởi tâm tịnh tín đối với Phật nên sau khi xả thân mạng được sanh lên cõi trời. Tất cả hữu tình dù nam hay nữ khi sanh lên cõi trời đều khởi ba niệm: một là ta từ đâu sanh đến đây, hai là nay ta đang ở đâu, ba là ta do nghiệp duyên gì mà sanh lên đây. Liền quán biết mình nhờ khởi tâm tịnh tín đối với Phật mà được xả bỏ thân bàng sanh, sanh lên cõi trời này. Thiên tử suy nghĩ: “nếu ta không đến kính lễ Thế tôn trước là bất kính”, nghĩ rồi liền dùng chuỗi anh lạc trang nghiêm thân, dùng y kích đựng đầy các loại hoa trời như hoa Ưu bát la, Bát đầu ma… qua đầu đêm đến chỗ Phật, rải hoa cúng dường, đảnh lễ rồi ngồi một bên nghe Phật thuyết diệu pháp. Thân quang của vị thiên tử này chiếu sáng khắp cả rừng Thệ đa, Phật quán biết căn tánh tùy miên của thiên tử này, nói pháp Tứ đế khiến cho được khai ngộ và chứng quả Dự lưu. Sau khi chứng quả, thiên tử này bạch Phật: “Thế tôn, nhờ Phật khai ngộ khiến con ở trong các nạn mà được giải thoát, điều này không phải do cha mẹ… cho đến sa môn, Bà-la-môn có thể làm được. Thế tôn là bậc đại thiện tri thức đã cứu vớt con ra khỏi ba cõi, đặt để con vào cõi trời người, hết khổ sanh tử, được đạo Niết-bàn, làm cạn biển máu, vượt khỏi núi xương, núi thân kiến từ vô thỉ đến nay đếu bị phá tan bằng chày trí Kim cang, chứng được Sơ quả. Nay con xin quy y Tam bảo, từ hôm nay cho đến trọn đời thọ trì năm học xứ, cúi xin Thế tôn chứng biết con là Ô-ba-sách-ca”, bạch xong đảnh lễ Phật hữu nhiễu ba vòng rồi biến mất, trở về lại thiên cung. Lúc đó các Bí-sô vào đầu đêm và cuối đêm tĩnh thức siêng tu thiền tọa, bỗng thấy rừng Thệ đa sáng rực đều cho là Phạm Thích chư thiên hay Tứ thiên vương có oai lực lớn đến kính lễ Thế tôn. Sáng hôm sau đến đảnh lễ Phật bạch hỏi việc trên, Phật nói: “vị ấy không phải là Phạm thiên vương hay là Đế thích chư thiên… có oai lực lớn đến kính lễ ta.

Các thầy còn nhớ con rắn độc mà ta đã nói ba câu pháp cho nó nghe hay không?”, đáp là nhớ, Phật nói: “rắn đó sau khi chết được sanh thiên, sau khi được sanh thiên liền đến kính lễ ta, nghe ta thuyết pháp được tỏ ngộ chân lý và đã trở lại thiên cung, do nhân duyên này nên rừng Thệ đa sáng rực như thế. Này các Bí-sô, do không nhẫn nhịn được nên có lỗi này, từ nay các thầy nếu có tức giận nhau thì phải mau sám hối tạ lỗi, cùng tha thứ cho nhau, đừng để sau này chiêu lấy lỗi lầm như vậy”. Sau đó có một Bí-sô vừa bị quở trách liền đến xin sám hối, làm cho vị kia càng thêm tức giận nói rằng: “hãy xem người này đến xúc não tôi”, Phật nói: “không nên vừa bị quở trách liền đến sám hối, chờ họ bớt giận rồi hãy đến xin dung thứ”.

Lúc đó trong thành có hai Bí-sô khi cùng luận bàn pháp nghĩa bèn sanh sân giận, vị nhỏ quở trách vị lớn, vị lớn ôm lòng tức giận trở về phòng, sau đó mạng chung sanh vào loài rắn độc. Phật quán biết việc này nên bảo A-nan: “thầy hãy đến chỗ rắn độc đang phùng mang giận dữ kia đem lời thăm hỏi của ta đến nói với nó và nói rằng: Hiền thủ đã xuất gia trong chánh pháp luật của ta, trong bốn quả Sa môn nên tùy chứng một quả. Do thầy quá sân hận nên phải đọa sanh vào loài rắn, thầy nên buông xả tha thứ cho vị kia”, A-nan vâng lời Phật dạy đến nói y như thế, nhưng rắn độc vẫn phì phò tỏ vẻ không chịu nghe. Phật lại bảo Đại Mục-kiền-liên đến nói như trên, rắn nghe rồi ở chỗ khe cửa thò đầu ra rồi lại thụt vào. Phật lại bảo tôn giả Xá-lợi-phất đến nói như trên, rắn nghe rồi ló nửa thân ra cửa, còn nửa thân ở trong phòng. Lúc đó Phật đích thân đến bảo rắn giống như trên, rắn nghe rồi liền bò ra khỏi phòng đến trước Thế tôn, Phật bảo Bí-sô này đảnh lễ rắn xin sám hối, Bí-sô nói: “Thế tôn, vị ấy đã đọa sanh loài bàng sanh, vì sao lại bảo con đảnh lễ rắn?”, Phật nói: “thầy nên khởi tưởng là thân trước của Bísô kia mà kính lễ”, Bí-sô vâng lời Phật đảnh lễ rắn, rắn dùng đầu phủ lên đảnh của Bí-sô như pháp sám tạ, Phật nói: “do sân giận nên có lỗi này, từ nay Bí-sô nếu có sân hận nhau thì nên mau sám hối, nếu chiều giận thì sáng hôm sau đến sám hối”. Sau đó có một Bí-sô khi được đến sám tạ càng thêm tức giận, Phật nói: “nên thăm hỏi trước rồi mới sám tạ”, nhưng vị kia vẫn không chịu thọ sám, Phật bảo nên thọ sám. Sau đó khi gặp nhau cũng không thọ sự lễ kính, Phật nói: “nên thọ sự lễ kính và đáp lại là vô bịnh, nếu ai không làm thế thì cả hai đếu mắc tội”. Lại có hai Bí-sô khi luận bàn pháp nghĩa liền sanh tức giận, vị nhỏ quở trách vị lớn rồi liền biết mình phi lý nên đảnh lễ sám tạ, vị lớn đứng im lặng, vị nhỏ suy nghĩ: “vị này vẫn còn giận nên không dung thứ cho ta, chờ khi bớt giận ta sẽ đến sám tạ”, vị lớn ôm lọng giận trở về phòng. Sau đó vị nhỏ đến phòng đảnh lễ cầu sám hối nhưng làm cho vị kia càng thêm tức giận nói rằng: “hãy xem người này đến xúc não tôi”, vị nhỏ suy nghĩ: “như Phật đã dạy ta nên đảnh lễ sám tạ với tâm từ bi, tâm lợi ích mà tự an trụ, nhưng vị này thấy ta đến sám tạ lại không sanh tâm hoan hỉ, ta cần gì phải sám tạ nữa”, nghĩ vậy rồi vị này không đến sám tạ nữa. Sau đó khi Bí-sô lớn cùng các Bí-sô khác đi kinh hành, Bí-sô nhỏ này đến kính lễ các Bí-sô kia mà không kính lễ Bí-sô lớn này, họ hỏi Bí-sô lớn: “người đó giới tịnh vì sao tôn giả lại không cho sám hối?”, Bí-sô lớn đáp: “thầy ấy đến kính lễ các thấy với ác tâm là muốn xúc não tôi”, các Bí-sô hỏi Bí-sô nhỏ: “tôn giả đó giới tịnh, vì sao thầy lại không đến kính lễ”, Bí-sô nhỏ kể lại việc trên, các Bí-sô đem việc này bạch Phật, Phật nói: “những người có xích mích nhau khi gặp nhau cũng nên kính lễ, vị kia nên đáp lại là vô bịnh, nếu ai làm trái thì phạm tội Ác tác, vị nhỏ nên chắp tay kính lễ vị lớn”.

Lúc đó tôn giả Ưu-ba-ly hỏi Phật: “khi đăng đàn thọ giới, giới tử bỗng nói đừng cho tôi thọ Cận viên, các Bí-sô vẫn cưỡng ép vị ấy thọ thì người này có thành thọ hay không?”, Phật nói: “người này không thành thọ, khi nói ra lời này liền gọi là xả giới, huống chi tiếp tục thọ mà lại gọi là thiện thọ hay sao?”. Như Phật đã dạy Cầu tịch phải đủ hai mươi mới được thọ Cận viên, lúc đó có Cầu tịch không biết tuổi của mình, các Bí-sô nghi nên không cho thọ Cận viên, nhưng Cầu tịch vẫn muốn được thọ giới, các Bí-sô bạch Phật, Phật nói: “nên xem xét thân tướng”, các Bí-sô muốn Cầu tịch lộ hình để xem xét khiến Cầu tịch xấu hổ, Phật nói: “ở trên cọc ngà voi hay trên sào tre có treo dãy bát và y vật khác, nên bảo Cầu tịch lấy mang đến, khi Cầu tịch vói tay lấy thì nên nhìn xem dưới nách lông dài hay ngắn”.

Tôn giả Ưu-ba-ly lại hỏi: “khi Cầu tịch thọ Cận viên, các Bísô dùng pháp yết ma của Bí-sô ni để cho thọ Cận viên thì Cầu tịch có thành thọ không?”, Phật nói: “thành thọ Cận viên nhưng các Bí-sô phạm tội Việt pháp”.

2. Nhiếp tụng thứ hai trong Biệt môn thứ nhất:

Bãi cỏ, thôn, lược nói,
Khởi tâm làm Trưởng tịnh,
Giặc trói, tội không đồng,
Khai sáu, dạy sám hối.

Phật tại thành Thất-la-phiệt, lúc đó có các Bí-sô tháp tùng đoàn thương nhân để du hóa trong nhân gian, đến ngày Bao-sái-đà, các Bí-sô thấy có bãi cỏ mềm yên tĩnh nên nói với nhau: “chúng ta nên làm Baosái-đà ở trên bãi cỏ êm này”, nói rồi cùng ngồi trên bãi cỏ làm Trưởng tịnh, làm xong thì đoàn thương nhân đã đi hết rồi, các Bí-sô này đi sau không may gặp giặc cướp hết các vật dụng. Đến trong rừng Thệ đa, các Bí-sô cựu trụ thăm hỏi đi đường có an lạc không, các Bí-sô này liền kể lại việc trên, các Bí-sô bạch Phật, Phật nói: “không nên tham luyến bãi cỏ êm rồi ngồi làm Trưởng tịnh, nên theo người đồng hành đến trong tụ lạc mới làm trưởng tịnh”. Sau đó các Bí-sô đợi đi đến tụ lạc mới làm Trưởng tịnh nhưng lúc đó một nửa đã vào trong tụ lạc, một nửa còn ở bên ngoài tụ lạc nên không biết có nên làm Trưởng tịnh hay không, bạch Phật, Phật nói: “những Bí-sô đã vào trong tụ lạc nên nhóm lại một chỗ làm Trưởng tịnh, những vị ở ngoài thôn tức là ngoài thế phần của thôn cũng nên nhóm lại một chỗ để làm Trưởng tịnh, nếu ai chưa đến thì không nên làm Trưởng tịnh, ai không đến nhóm thì phạm tội Việt pháp”.

Lại có các Bí-sô tháp tùng theo các thương nhân khi đến ngày Trưởng tịnh nói với các thương nhân: “Hiền thủ,xin hãy tạm dừng lại chốc lát cho chúng tôi làm Trưởng tịnh”, thương nhân nói: “vùng này có giặc cướp, chúng ta phải mau đi qua, không nên dừng lại”, các Bísô nói với nhau: “chúng ta nên ở lại”, nói rồi cùng ở lại đến sáng hôm sau, Phật nói: “không được đến ngày Trưởng tịnh mà không trưởng tịnh, nên vừa đi đường vừa trưởng tịnh”. Sau đó các Bí-sô vừa đi đường vừa làm Trưởng tịnh, các thương nhân chê trách: “chúng tôi sợ giặc cướp nên im lặng, các thầy vì sao lại lớn tiếng như thế”, bạch Phật, Phật nói: “không nên thuyết đầy đủ, nên thuyết tóm lược”. Khi thuyết tóm lược, các thương nhân vẫn phàn nàn, Phật nói: “có sáu loại tâm niệm thủ trì: một là xả ba y, hai là phân biệt ba y (tác tịnh), ba là xả y dư, bốn là xả biệt thỉnh, năm là làm trưởng tịnh, sáu là làm Tùy ý (tự tứ). Nên nói như sau:

Hôm nay là ngày thứ 1, Tăng già trưởng tịnh; con Bí-sô — cũng trưởng tịnh, đối với các pháp chướng ngại con đều thanh tịnh, nay con tạm làm pháp thủ trì trưởng tịnh, sau này nếu gặp chúng tăng hòa hợp, con sẽ cùng chúng hòa hợp làm trưởng tịnh, đầy đủ các giới tụ. (Ba lần).

Nếu đến đúng ngày nên làm trưởng tịnh mà không làm thì phạm tội Ác tác”.

Lúc đó các Bí-sô du hành trong nhân gian bị giặc bắt, chúng nói với nhau là muốn trừ hết các Bí-sô, các Bí-sô biết ý bọn giặc muốn giết hại mình nên nói với họ: “vì sao các vị muốn giết hại chúng tôi?”, giặc nói: “các thầy quen biết với vua quan, đại thần, trưởng giả; họ lại rất kính trọng các thầy, nếu thả các thầy, các thầy sẽ nói lại việc này và họ sẽ làm việc không lợi ích cho chúng tôi, vì thế chúng tôi muốn trừ hết hậu hoạn”. Lúc đó trong nhóm có một Bí-sô phạm tội nói dối liền suy nghĩ: “nếu ta bị giết chết khi thân đang mang tội thì ta sẽ sanh vào đường ác”, nghĩ rồi liền kêu Bí-sô đến chỗ khuất để phát lồ sám hối. Giặc thấy liền kêu lại hỏi muốn đi đâu, đáp là muốn làm pháp sự của Bí-sô, giặc nói: “muốn làm thì làm ngay đây không được đi chỗ khác, muốn trốn phải không?”, hai Bí-sô đành phải làm đối thú sám hối ở trước bọn giặc, Bí-sô phạm bạch rằng: “xin Đại đức nhớ nghĩ, tôi Bí-sô — phạm tội —, đối với tội đã phạm nay đối trước Đại đức thành tâm phát lồ không dám che giấu, do phát lồ nên được an lạc, không phát lồ thì không được an lạc (ba lần). Giặc nghe Bí-sô nói tội xong liền hỏi: “các thầy không được nói dối phải không?”, đáp phải, giặc nói: “vậy các thầy có thể tùy ý đi nhưng không được nói cho ai biết chúng tôi ở đây”. Sau đó các Bí-sô sanh nghi hối vì mình đã ở trước người tục nói tội đã phạm nên bạch Phật, Phật nói: “bọn giặc ấy chính là quý nhân ở chỗ nguy hiểm, thầy đối thuyết sám hối như vậy là thiện thuyết”. Lại có các Bí-sô du hành trong nhân gian bị giặc bắt, chúng nói với nhau là muốn trừ hết các Bí-sô, các Bí-sô biết ý bọn giặc muốn giết hại mình nên nói với họ: “vì sao các vị muốn giết hại chúng tôi?”, giặc nói giống như trên, Bí-sô nói: “hãy thả chúng tôi, chúng tôi hứa sẽ không nói cho ai biết các vị ở đây”, giặc nói: “các thầy hãy giao ước rồi chúng tôi sẽ thả, vào ngày thứ mười lăm các thầy tụ họp tuyên thuyết điều gì, hãy tuyên thuyết lại cho chúng tôi nghe rồi sẽ thả các thầy ra”. Một Bí-sô trong nhóm tụng giới thông lợi liền tuyên thuyết lại giới kinh cho bọn giặc nghe, bọn giặc nghe rồi liền nói: “các thầy nên đi đi, ai ở đâu thì trở về nơi ấy nhưng cẩn thận chớ nói chúng tôi ở đây”, Bí-sô được thả ra rồi sanh nghi hối vì mình đã nói giới kinh cho bọn giặc nghe nên bạch Phật, Phật nói: “giặc là chủ nhân trong rừng hiểm vắng, các thầy thuyết giới cho họ nghe như vậy là thiện thuyết”.

Duyên xứ như trên, lúc đó có các Bí-sô nước Bạt ta du hành trong nhân gian bị giặc bắt, chúng muốn giết hết để trừ hậu hoạn. Trong bọn giặc có một tên trước đây sống gần chùa biết pháp của Bí-sô nên nói: “cần gì giết họ, chỉ cần lấy cỏ tranh trói họ lại, họ cũng bị đói khát mà chết”, bọn giặc liền lấy cỏ tranh trói các Bí-sô lại rồi bỏ đi. Lúc đó vua nước Bạt ta tên là Ô-đà-diên đi săn bắn ngang qua chỗ các Bí-sô bị trói liền hỏi tùy tùng: “đó là nai gấu phải không?”, họ thúc ngựa đến xem rồi trở lại tâu vua, vua hỏi là ai, đáp là Sa môn Thích tử, vua lại hỏi vì sao ở đây, đáp là bị giặc bắt trói,vua lại hỏi vì sao không bứt đứt dây ra, đáp: “Phật chế học xứ không cho hoại cây cỏ tươi”, vua nghe rồi liền xuống ngựa tự tay cởi dây trói, dâng cúng ba y cho các Bí-sô rồi đi. Lúc đó Bí-sô sanh nghi hối vì mình đã nói tội tướng cho vua nghe nên bạch Phật, Phật nói: “các thầy nói tội tướng cho vua quán đảnh dòng Sát-đếlỵ nghe như vậy là thiện thuyết”.

Bí-sô lại bạch Phật: “Thế tôn, có được đối thú phát lồ với người phạm tội không?”, Phật nói: “không được đối trước người phạm tội phát lồ tội của mình, nếu gặp nạn duyên thì đối thuyết không phạm, nhưng nếu là người cùng phạm một tội với mình thì không được đối thuyết sám hối”.

Duyên xứ như trên, có một Bí-sô tâm gìn hổ thẹn, kiên trì giới cấm, ưa thích các học xứ, bỗng nhất thời phạm tội Chúng giáo thứ nhất nên sanh ưu sầu hối hận khiến thân thể vàng vỏ thành bịnh. Các Bísô khác đến thăm hỏi: “Đại đức vì sao thân thể vàng vỏ, có bịnh gì chăng?”, vị này im lặng, sau đó một Bí-sô thân thiết đến hỏi, vị này kể lại việc trên, Bí-sô bạn nói: “nếu thật như vậy thì tôi sẽ bạch các Bí-sô giúp cho cụ thọ”, vị này nói: “nếu thầy nói ra thì tôi sẽ tự sát, thà đến nước khác ở trong chúng khác, tôi sẽ phát lồ tội này”, Bí-sô bạn cùng vị này đi sang nước khác, không ngờ mới nửa đường thì vị này qua đời, Bí-sô bạn suy nghĩ: “bạn ta chưa kịp phát lồ sám hối thì đã qua đời, ta không nên ở đây nữa”, nghĩ rồi trở về lại trú xứ. Các Bí-sô thấy Bí-sô này trở về liền hỏi thăm đi đường có an lạc không và hỏi về người bạn cùng đi, Bí-sô này nghe rồi liền bật khóc nói: “vị ấy đã chết rồi, tuy biết các pháp đều vô thường nhưng vị ấy chết khi còn đang phạm tội, sợ bị đọa vào địa ngục không biết bao giờ ra khỏi, nghĩ đến điều này tôi thương cảm vô cùng”, các Bí-sô bạch Phật, Phật nói: “Bí-sô kia đã thoát tội, này các Bí-sô, tội do tâm tạo nên có thể thoát tội, không do trị phạt, từ nay ta khai cho người có tâm nhiều hổ thẹn như vậy nên đối thú phát lồ trước một người khác”. Trong chúng Bí-sô có người thông hiểu kinh, có người thông hiểu luật, có người thông hiểu luận nhưng lại phạm tội Chúng giáo, khi người này đến trong Tăng phát lồ tội, người khác thấy liền nói: “các vị này là thềm đạo vi diệu mà còn phạm tội đến trong Tăng sám như thế, các Bí-sô khác nếu trái phạm thì phải làm sao?”, bạch Phật, Phật nói: “nên đến trú xứ khác để phát lồ sám hối”. Khi họ đến trú xứ khác để phát lồ sám hối, giữa đường lại qua đời như trường hợp trên, Phật nói: “nếu có vị nào phước đức lớn hay là bậc Thượng tòa thủ chúng thì nên đối trước vị ấy để phát lồ sám tội”.

3. Nhiếp tụng thứ ba trong Biệt môn thứ nhất:

Người đáng miễn nên miễn,
Đào mương, sai chúng đi,
Một ngày đến bốn tuần,
Da thịt đều bất tịnh.

Phật tại thành Thất-la-phiệt, hôm đó đến phiên tôn giả A-nan trực nhật, vua Thắng quang nước Kiều-tát-la đến chỗ tôn giả A-nan đảnh lễ rồi ngồi một bên muốn nghe pháp, tôn giả nói lược về Thánh giáo cho vua nghe, vua nói: “hiện giờ tôi không bận gì cả, xin tôn giả hãy giảng rộng thêm”, tôn giả vẫn nói lược như trước, vua lặp lại lời trên đến lần thứ ba, tôn giả nói: “đại vương tuy rảnh rỗi nhưng nay tôi lại bận việc”, vua hỏi bận việc gì, đáp: “hôm nay đến phiên tôi trực nhật nên tôi phải xem xét mọi việc trong ngoài”, vua suy nghĩ: “đây là việc ta nên làm”, nghĩ rồi liền đảnh lễ từ giã tôn giả A-nan rồi đi đến chỗ Phật, đảnh lễ rồi bạch Phật: “Thế tôn, tuy con là vua quán đảnh dòng Sát-đế-lỵ nhưng nếu Tam bảo cần làm gì, con sẽ làm ngay; nếu cần hoàng hậu, Thái tử cho đến quân đội làm cho Tam bảo, con cũng sẽ bảo họ làm. Thế tôn là Pháp vương vô thượng, xin Thế tôn cho người đáng miễn được miễn làm việc Tăng, xin thương xót”, Phật im lặng nhận lời, vua Thắng quang đảnh lễ từ giã ra về. Sau đó Phật bảo các Bí-sô: “các thầy nên biết, nay ta khai cho người đáng miễn được miễn, Tăng không nên sai họ làm tri sự cho Tăng nữa”, các Bí-sô không biết ai là người đáng miễn, Phật nói: “những người thông hiểu kinh, luật, luận được miễn”. Lúc đó Lục chúng Bí-sô vừa tụng được hai ba phẩm kinh liền tuyên bố: “tôi là người trì kinh đáng được miễn làm tri sự cho Tăng”, Bí-sô bạch Phật, Phật nói: “thọ trì hết Kinh bộ mới được miễn làm tri sự”; lại có người vừa thọ trì một hai Ba la thị ca liền tuyên bố: “tôi là người trì luật đáng được miễn làm trị sự cho Tăng”, Phật nói: “thọ trì hết Luật bộ mới được miễn làm tri sự”; lại có người vừa đọc tụng hai ba bộ luận nhỏ liền tuyên bố: “tôi là người trì luận đáng được miễn làm tri sự”, Phật nói: “thọ trì hết Luận bộ mới được miễn làm tri sự”.

Duyên xứ như trên, lúc đó ở biên giới nước Kiều-tát-la của vua Thắng quang có phản nghịch,vua sai một vị tướng cầm quân đi thảo phạt nhưng đều bị thua trận phải quay trở về như vậy đến ba lần. Vị đại thần chấp chánh tâu vua: “bọn phản nghịch thế mạnh, binh của ta thế yếu, nếu đại vương không thân chinh thì không do đâu hàng phục được bọn phản nghịch này”, vua liền ra thông báo chiêu mộ trai tráng trong nước tòng quân rồi tự thống lĩnh bốn binh thân chinh thảo phạt. Bọn phản nghịch không chịu thần phục vẫn cố thủ chống lại, do thành lủy của họ kiên cố hiểm trở nên vua không thể hạ được thành ngay. Lúc đó đại thần tâu vua: “trưởng giả Cấp-cô-độc có phước đức lớn, được thiên thần ủng hộ, nếu gọi ông ấy đến ắt sẽ khiến bọn phản nghịch quy hàng”, vua liền sai sứ mời trưởng giả đến trong quân, trưởng giả vâng lịnh vua đến trong quân nhưng vẫn không làm cho bọn phản nghịch quy hàng, vua hỏi trưởng giả có nhớ nhà không, trưởng giả đáp: “thần không có tâm hệ thuộc gia đình, chỉ nhớ đến chúng tăng”, vua liền ra lịnh quan trấn thủ: “khanh hãy đến chỗ Thánh chúng, không được ra lịnh mà nên thỉnh và dùng phương tiện đưa các vị ấy đến trong quân”, quan trấn thủ nghe rồi suy nghĩ: “ta nên làm phương tiện gì để không cần ra lịnh mà Thánh giả tự đến gặp vua”, một lão thần nói: “tôi có phương kế có thể khiến các Thánh chúng tự đến chỗ vua mà chúng ta không cần ra lịnh. Cách đây không xa có vườn vua nhưng nay đã hoang phế, ta nên phương tiện nói là đào mương nước xuyên qua chùa để dẫn nước đến sửa sang lại khu vườn của vua, như vậy họ sẽ tự đến gặp vua”. Quan trấn thủ liền dẫn tùy tùng đến trong rừng Thệ đa đo đạt nói là muốn đào mương dẫn nước, các Bí-sô liền hỏi nguyên do, quan trấn thủ nói: “vua ra lịnh chúng tôi sửa sang lại khu vườn của vua, chúng tôi muốn đào mương dẫn nước qua đó”, các Bí-sô nói: “không lẽ các vị muốn hoại tháp thờ tóc và móng tay của Phật hay sao?”, đáp: “lịnh vua ban ra chúng tôi biết làm sao, chúng tôi đâu có hai đầu mà dám chống lại”, các Bí-sô nói: “các vị tạm thời dừng lại để chúng tôi gặp vua bàn bạc lại việc này”, lại hỏi: “từ đây đến chỗ vua có thể trở về ngay trong ngày được không?”, đáp: “không được, e đến bảy ngày cũng không trở về được”. Các Bí-sô bạch Phật, Phật nói: “nếu vì việc Tăng, ta khai cho thọ trì pháp xuất giới trong bốn mươi ngày đêm”, các Bí-sô không biết thọ trì như thế nào, Phật nói: “nên trải tòa đánh kiền chùy nhóm tăng, một Bísô trong Tăng nên hỏi vị muốn đi: “thầy có thể vì việc Tăng thọ trì pháp xuất giới trong bốn mươi ngày đêm không?”, vị này nên đáp là có thể, một Bí-sô trong Tăng bạch nhị yết ma cho thọ trì rồi xuất giới đi”. Lúc đó tôn giả Ưu-ba-ly hỏi Phật: “có được thọ trì pháp xuất giới một ngày đêm không?”, Phật nói được, lại hỏi: “có được thọ trì pháp xuất giới hai ngày đêm cho đến bốn mươi ngày đêm không?”, Phật nói được, lại hỏi: “có được thọ trì pháp xuất giới hơn bốn mươi ngày đêm không?”, Phật nói: “không được, trong ba tháng an cư thời gian ở trong giới phải nhiều hơn thời gian ở ngoài giới”, lại hỏi: “như Phật khai cho thọ trì pháp xuất giới một ngày đêm, vậy nên đối trước ai tác pháp?”, Phật nói: “nên đối trước một người, cho đến xuất giới bảy ngày cũng đối trước một người tác pháp, nếu nhiều hơn bảy ngày thì phải ở trong Tăng tác pháp xin”, lại hỏi: “nếu da bất tịnh thì thịt có bất tịnh không?”, Phật nói: “nếu da bất tịnh thì thịt cũng bất tịnh cho đến gân cốt đều bất tịnh”.

4. Nhiếp tụng thứ tư trong Biệt môn thứ nhất:

Thí giường vua Ảnh Thắng,
Vật của mẹ cúng Tăng,
Quạ, cò, hạc, kên kên,
Bí-sô không được ăn.

Tại thành Vương xá nước Ma-kiệt-đà, vua Vị sanh oán con vua Ảnh Thắng bị ác tri thức là Đề-bà-đạt-da phá hoại nên đã giết oan phu hoàng là Thánh vương trị nước như pháp. Sau đó vua Vị sanh oán hối hận, hễ nhìn thấy giường ngồi của vua cha liền rơi lệ. Đại thần tâu: “trước kia tiên vương tín ngưỡng Thánh chúng, vua nên đem giường ngồi này thí cho Tăng”, vua sai sứ mang giường ngồi này thí cho Tăng, các Bí-sô để giường ngồi này ngay nơi cửa. Một hôm vua đến trong trú xứ Tăng vừa bước vào nhìn thấy giường ngồi này lại nhớ nghĩ đến cha nên đau buồn, đại thần nói với các Bí-sô: “vua hễ nhìn thấy giường ngồi này liền nhớ đến vua cha, trong lòng càng đau buồn nên mới đem thí cho Tăng, các thầy để ngay nơi cửa khiến vua nhìn thấy nên đau buồn”, Bí-sô bạch Phật, Phật nói không nên để ngay nơi cửa, các Bí-sô khiên để dưới mái hiên, sự việc cũng xảy ra giống như lần trước, Phật nói không nên để dưới mái hiên. Các Bí-sô lại khiên để trong phòng, những người bất tín không thấy giường liền bàn tán: “Bí-sô bán giường của tiên vương để dùng vào việc ăn uống”, Phật nói: “vào ngày mồng tám hay ngày mười lăm nên khiên giường ra để dưới mái hiên”, những người bất tín lại bàn tán: “đây không phải là giường của vua, giường của vua Bí-sô đã đem bán để dùng vào việc ăn uống rồi”, Bí-sô bạch Phật, Phật nói: “ở trên giường nên ghi hàng chữ: đây là giường được thí của vua Tần-tỳ-sa-la “. Trường hợp vua Thắng quang đem vật của mẹ cúng cho Tăng cũng giống như vậy.

Duyên xứ như trên, đêm đó trời mưa đá làm cho cầm thú bị thương chết rất nhiều, mọi người chạy ra lượm lấy loài cầm thú ăn được mang về nhà. Sáng sớm Lục chúng Bí-sô theo thói quen sau khi thức dậy nhìn khắp bốn phía xem nhà nào có khói bốc lên hay ngoài đồng trống có chim bay từng đàn đáp xuống thì tìm đến những nơi ấy. Lúc đó Lục chúng Bí-sô thấy nhiều kên kên từ trên không bay xuống liền tìm đến chỗ đó, thấy có nhiều loại chim như quạ, cò, hạc, kên kên đã chết liền nhặt lấy xỏ xâu mang về. Các cư sĩ thấy hỏi nhặt lấy những con vật này làm gì, đáp là để ăn, họ nói: “vì sao các thầy lại ăn những con vật không nên ăn?”, đáp: “những con vật nên ăn tìm không thấy, vì sao lại không nên ăn những con vật này?”, nhân đây bị chê trách. Các Bí-sô nghe biết việc này liền bạch Phật, Phật bảo: “Bí-sô không nên ăn các loại chim như quạ, cò, hạc, kên kên. Ai ăn thì phạm tội Việt pháp”.

 

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10