CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ NI ĐÀ NA MỤC ĐẮC CA

Hán dịch: Tam tạng Pháp sư Nghĩa Tịnh đời Đường – TQ
Việt dịch: Ban phiên dịch chùa Pháp Bảo, HT Thích Tịnh Hạnh giám tu – năm 2005
Hiệu đính và nhuận văn: NS Thích nữ Như Lộc tại chùa Phổ Minh – năm 2010

 

QUYỂN 9

4. Nhiếp tụng thứ tư trong Biệt môn thứ ba:

Không dùng năm loại mỡ,
Tùy trường hợp nói giới,
Nhân Ức nhĩ ăn cháo,
Chúng nên thọ ruộng vua.

Phật tại thành Thất-la-phiệt, như Phật dạy có năm loại giày da bất tịnh không nên dùng, lúc đó Lục chúng Bí-sô dùng mỡ voi trong năm loại mỡ bất tịnh thoa lên giày da rồi đứng phía trên hướng gió, khiến cho voi của vua Thắng quang nghe thấy mùi này kinh hãi bỏ chạy. Lục chúng Bí-sô hỏi người giữ voi sao không giữ voi lại, đáp là không thể giữ được, Lục chúng Bí-sô nói là có thể giữ được, người giữ voi nói: “nếu các vị giữ voi lại giúp tôi thì tôi sẽ đền đáp bằng giá tiền bánh trái”. Lục chúng Bí-sô nhận lời rồi xuống đứng dưới hướng gió, voi hết nghe mùi liền đứng lại, người giữ voi nói: “các vị có thần chú hay sao, voi kinh sợ bỏ chạy tôi giữ lại không được nhưng các vị lại làm cho nó đứng lại được”, Lục chúng Bí-sô nói: “không có thần chú gì cả, chỉ là tôi dùng mỡ voi thoa lên giày da…”, người giữ voi chê trách: “nếu voi của vua bị thương tổn thì há chẳng phải các vị đã làm việc không lợi ích rồi hay sao”. Các Bí-sô nghe biết việc này liền bạch Phật, Phật bảo: “Bí-sô không được dùng mỡ voi thoa lên giày da, ai làm thế thì phạm tội Ác tác. Mỡ voi đã như thế thì các loại mỡ ngựa, sư tử, hổ, báo đều không được dùng”.

Phật tại thành Vương xá, lúc đó vua Tần-tỳ-sa-la đến chỗ tôn giả A-nan đảnh lễ rồi hỏi: “Đại đức, hôm nay không phải là ngày nghe pháp mà là ngày trưởng tịnh, tôi có được nghe không?”, đáp: “đại vương, việc trưởng tịnh là việc mà các Bí-sô cùng làm, người thế tục không được nghe”, vua nghe rồi liền đứng dậy đi. Phật tuy biết nhưng vẫn hỏi A-nan nguyên do, A-nan kể lại việc trên, Phật nói: “thầy có lỗi lớn, nếu lúc nảy vua được nghe Ba-la-đề-mộc-xoa này thì vua ắt sẽ sanh lòng tin sâu và cung kính gấp bội. Từ nay nếu vua cho đến đại thần có tín tâm, ưa thích nghe giới thì Bí-sô nên vì họ nói. Nếu có người tuy tôn quý nhưng không có tâm tín kính mà muốn nghe cũng nên vì họ nói. Nếu có người nghèo tín tâm muốn nghe cũng nên vì họ nói, nhưng nếu không có tín tâm mà muốn nghe thì Bí-sô không nên nói”.

Phật tại thành Vương xá, lúc đó cụ thọ Thuyết lung noa Nhị thập ức từ nhỏ đã được nuôi dưỡng bằng cháo, sau khi xuất gia không được ăn cháo nữa nên thân thể ốm gầy vàng vỏ không có sức lực. Phật tuy biết nhưng vẫn hỏi A-nan nguyên do, A-nan bạch Phật rõ nguyên do, Phật nói: “từ nay ta khai cho Bí-sô Ức nhĩ được tùy ý ăn cháo”, cụ thọ A-nan đến nói lại lời Phật cho Ức nhĩ nghe, Ức nhĩ hỏi: “Phật khai cho tất cả đại chúng hay chỉ riêng cho tôi?”, đáp là khai riêng cho thầy, Ức nhĩ nói: “do nhân duyên các vị đồng phạm hạnh sẽ chê cười tôi là Ức nhĩ vốn con nhà giàu có ở thành Chiêm ba, đã bỏ cả bảy voi chúa để xuất gia, nay lại cầu được ăn cháo hay sao. Nếu Phật vì tôi mà khai cho tất cả đại chúng được ăn cháo thì tôi sẽ theo chúng ăn”, A-nan trở về bạch lại Phật, Phật nói: “ta nhân việc này vì Ức nhĩ khai cho đại chúng được ăn cháo”. Lúc đó các cư sĩ, Bà-la-môn tịnh tín đem nhiều loại cháo ngon đến cúng cho đại chúng, vua Ảnh Thắng nghe biết việc này liền đem ngàn mẫu ruộng tốt cúng cho Tăng, các Bí-sô không dám thọ, bạch Phật, Phật nói: “vì Tăng nên thọ, quả trái thu hoạch được đại chúng cùng thọ dụng”.

5. Nhiếp tụng thứ năm trong Biệt môn thứ ba:

Người tục và Cầu tịch,
Không được cùng ngồi chung,
Trừ khi có nạn duyên,
Ngồi chung không thành lỗi.

Phật tại thành Thất-la-phiệt, cụ thọ Ưu-ba-ly hỏi Phật: “Bí-sô nghe pháp có được cùng ngồi chung với người tục không?”, Phật nói: “không được, trừ nạn duyên không phạm”, lại hỏi có được cùng Cầu tịch ngồi chung không, Phật nói: “không được, cho đến không được ngồi cùng tòa với người nhỏ tuổi, huỳnh môn, người ô nhục Bí-sô ni, người phạm ngũ nghịch, ngoại đạo, người hướng đến ngoại đạo, tặc trụ, người hành Biệt trụ, người phạm Bất cọng trụ, trừ có nạn duyên không phạm”, lại hỏi có được ngồi chung với người thọ học không, Phật nói không được như trên, không được ngồi chung một giường cây cũng giống như vậy.

6. Nhiếp tụng thứ sáu trong Biệt môn thứ ba:

Đang làm đừng bảo dậy,
Ngồi theo tuổi, chậu nhuộm,
Nên cùng giữ vườn Tăng,
Đừng đốt gỗ xây dựng.

Phật tại thành Thất-la-phiệt, lúc đó các Bí-sô đang ngồi trên ghế làm các việc như giặt, nhuộm, may… Lục chúng Bí-sô đến bảo họ đứng dậy để mình ngồi làm khiến họ bỏ dở công việc. Các Bí-sô bạch Phật, Phật nói: “khi Bí-sô đang giặt, nhuộm… thì không được bảo họ đứng dậy, ai làm trái thì phạm tội Ác tác”. Lục chúng Bí-sô tự ỷ mình là bậc Thượng tòa nên đi đến đâu cũng bảo người khác đứng dậy để mình ngồi, có Bí-sô không chịu đứng dậy, Phật nói: “nên ngồi theo thứ lớp tuổi hạ”. Sau đó khi các Bí-sô đang ăn, Lục chúng Bí-sô đến sau liền bảo họ đứng dậy, Phật nói: “khi Bí-sô đang ăn, Thượng tòa đến sau không được bảo người nhỏ hơn đứng dậy, ai làm thế thì phạm tội Ác tác, nên tùy chỗ mà ngồi ăn”. Lúc đó cụ thọ Ưu-ba-ly hỏi Phật: “Phật nói khi Bí-sô đang ăn không được bảo đứng dậy, như thế nào là đang ăn?”, Phật nói: “dưới cho đến thọ muối, thọ lá cây dựng thức ăn đều không được bảo đứng dậy”. Sau đó Lục chúng Bí-sô đến chỗ ngồi của bậc Thượng tòa cố ý thọ thực trước để không bị bảo đứng dậy, Phật nói: “không được đến ngồi chỗ của bậc Thượng tòa cố ý thọ thực trước, ai làm thế thì phạm tội Ác tác, Bí-sô nên biết ngối theo thứ lớp”.

Trong Tăng có thùng chứa nước thuốc nhuộm và thau chậu dùng để nhuộm, một Bí-sô lấy các vật dụng này dùng để nhuộm y trước, Lục chúng Bí-sô đến sau giành lấy dùng trước khiến Bí-sô kia phải bỏ dở công việc đang làm. Phật nói: “nếu là vật của Tăng, người khác lấy trước đang dùng thì không được đoạt lấy, chờ làm xong mới lấy, chưa xong mà đoạt lấy thì phạm tội Ác tác”. Sau đó Lục chúng Bí-sô chỉ nhuộm có một miếng vải nhỏ mà cố ý ngâm mãi trong chậu nước nhuộm, không để cho người khác lấy dùng, Phật nói: “nếu nhuộm cả tấm vải mới gọi là nhuộm, không được vì nhuộm một miếng vải nhỏ mà ngăn không cho người khác dùng, ai làm thế thì phạm tội Ác tác”.

Duyên xứ như trên, lúc đó trưởng giả Cấp-cô-độc làm hàng rào cây chung quanh rừng Thệ đa, có người tục phá để lấy gỗ mang đi, bạch Phật, Phật nói nên sai người ngăn giữ. Khi sai người ngăn giữ, kẻ trộm vất lại gỗ bỏ chạy, không ai nhặt lại nên các cây gỗ này bị hư mục, bạch Phật, Phật nói: “cây nào hư mục thì đưa vào nhà trù làm củi đun, cây gỗ nào còn dùng được thì đưa cho người trông coi việc xây dựng”. Lúc đó Lục chúng Bí-sô lấy những cây gỗ còn dùng xây dựng được chẻ làm củi đun nấu nước nhuộm, bạch Phật, Phật nói: “Bí-sô không được đốt cây gỗ còn dùng xây dựng được, ai làm thế thì phạm tội Ác tác”.

7. Nhiếp tụng thứ bảy trong Biệt môn thứ ba:

Vật trưởng giả đã thí,
Hỏi rồi nên cất giữ,
Đừng chiếm chỗ người khác,
Rửa sạch mới vào chùa.

Phật tại thành Thất-la-phiệt, lúc đó trưởng giả Cấp-cô-độc xin Phật cho cúng Tăng ở trong rừng Thệ đa, Phật nói tùy ý. Trong rừng Thệ đa có bao nhiêu cây, cây mang tên giống đực thì trưởng giả dùng y phục người nam trang hoàng, cây mang tên giống cái thì trưởng giả dùng y phục người nữ trang hoàng. Như thế trang hoàng khắp nơi từ trong sân chùa, chỗ kinh hành… cho đến trong nhà ăn rồi xả thí cho Tăng, các Bí-sô không biết phải làm sao nên bạch Phật, Phật bảo nên hỏi trưởng giả, hỏi thì trưởng giả nói là vật cúng ở đâu thì thuộc của nơi đó. Phật nói: “những y phục trang hoàng trên các cây cho đến các nơi khác nên cất vào trong rương, đợi khi có đại hội trong rừng Thệ đa thì đem ra trang hoàng trở lại. Trên tường thì nên họa vẽ, trong nhà ấm thì nên mua củi đun, trong nhà tắm thì nên mua các vật dùng cần dùng, trong nhà chứa nước thì nên chứa nước cho đủ cung cấp nước uống đúng thời và phi thời cho đại chúng, trong nhà nuôi người bịnh nên cung cấp thức ăn ngon. Những vật gần Tăng phòng, trước hiên, chỗ kinh hành thì Hiện tiền tăng được chia; những vật ở trong sân, trong chùa thì Tứ phương tăng được thọ dụng”.

Lúc đó các Bí-sô ở trong thiền đường tu thiện pháp để đoạn hoặc, Lục chúng Bí-sô đến bảo người khác đứng dậy cho họ ngồi, Phật nói: “những chỗ đó không nên dựa vào tuổi hạ làm cho các Bí-sô xao động, nếu ai làm thế thì phạm tội Việt pháp”. Có Bí-sô tạm xuất thiền đứng dậy kinh hành một lát, Lục chúng Bí-sô liền ngồi vào chỗ đó làm cho Bí-sô bỏ dở việc ngồi thiền, Phật nói: “chỗ mà người khác đã ngồi trước thì không nên giành ngồi. Bí-sô khi muốn kinh hành nên lấy gối hay Tăng khước kỳ để trên chỗ ngồi rồi mới đi”.
Lúc đó có Bí-sô khách đến chùa đập giũ giày da vào cột trụ trước hiên, Bí-sô cựu trụ thấy liền chê trách, bạch Phật, Phật nói: “nay ta chế pháp thức cho Bí-sô đi đường như sau: Bí-sô đi đường khi muốn vào trong chùa nào hãy tìm chỗ để nước, để bát một bên, đập giũ y rồi rửa tay chân sạch sẽ cho không còn bụi đất, kế đổ nước sạch vào bình, dùng giẻ lau giày da xong, đắp y cho tề chỉnh rồi mới thung dung vào trong chùa”.

8. Nhiếp tụng thứ tám trong Biệt môn thứ ba:

Dao và nhíp của Tăng,
Dùng xong không giữ luôn,
Khi tiểu tiện xong rồi,
Không ở lâu trong đó.

Phật cho cất chứa dao cạo và nhíp, lúc đó Lục chúng Bí-sô lấy dao cạo và cái nhíp của Tăng dùng xong rồi cất giữ luôn, không đem trả lại nói là để sau này dùng nữa. Các Bí-sô bạch Phật, Phật nói: “Bí-sô dùng dao của Tăng xong không được cất giữ luôn, cho đến các vật dụng khác như nhíp, đá mài… cũng như vậy”.

Lúc đó Lục chúng Bí-sô vào tiểu tiện xong cứ ở mãi trong đó để ngăn ngại người khác, cố ý xúc não họ khiến họ chê trách bạch Phật, Phật nói: “tuểu tiện xong không được ở mãi trong đó, nếu cố ý làm vậy thì phạm tội Ác tác, cố ý xúc não người khác cũng phạm như vậy”.

9. Nhiếp tụng thứ chín trong Biệt môn thứ ba:

Trang hoàng chung quanh tháp,
Bài trí các Thánh tích,
Nước đục tùy uống dùng,
Nước mặn phân biệt biết.

Lúc đó trưởng giả Cấp-cô-độc muốn trang hoàng tháp thờ móng tay của Phật và bài trí các Thanh tích nhưng không biết làm như thế nào, Phật nói: “bắt đầu từ hình tượng Bồ-tát từ cõi trời Đổ-sử-đa hạ sanh để hóa đạo hữu tình cho đến khi nhập Niết-bàn, các Thánh tích trong bổn sanh được tùy ý làm”.

Lúc đó các Bí-sô đi đường gặp nước đục, nghi ngại nên không dám múc nước uống, Phật nói: “nước soi thấy mặt đều có thể uống dùng, nếu soi không thấy mặt thì cần có người trao cho mới uống. Nếu quá đục thì nên bỏ trái Yết đắc ca hay trái Bồ đào chờ lắng trong mới uống, hoặc bỏ bột vào”, có Bí-sô bỏ nắm bột vào nước, bột tan hết trong nước, Phật nói nên thấm nước vò thành viên rồi mới bỏ vào. Lại có Bísô gặp nước mặn, nghi ngại không dám uống, Phật nói: “nước mặn làm muối được thì nên thọ rồi mới dùng, nước mặn không làm muối được thì tùy ý lấy dùng, chớ nghi ngại”.

10. Nhiếp tụng thứ mười trong Biệt môn thứ ba:

Cơm, lạc… không phải dơ,
Nước trong lu cũng vậy,
Rửa chân, năm loại bình,
Thế nào gọi là sạch?,
Lá, tay bụm nước uống,
Đa nghi, rót vào bát,
Mang lương thực qua sông,
Dù chạm không thành lỗi,
Rửa bát nên dụng tâm,
Người chạm, hỏi mới thọ,
Đổi thức ăn, lương thực,
Hết nạn ngăn trở lại.

Phật tại thành Thất-la-phiệt, lúc đó có số đông Bà-la-môn, cư sĩ mở yến tiệc trong vườn hoa gần rừng Thệ đa, tiệc xong, họ đổ bỏ thức ăn dư vào trong giếng nước. Khi các Bí-sô múc nước giếng, dùng lượt lượt nước thì thấy có hat cơm và thức ăn thừa nên nghi ngại, cho đến nước trong lu cũng không dám dùng. Bí-sô bạch Phật, Phật nói: “không phải vì có thức ăn thừa mà nước thành bất tịnh, lượt rồi thì thành tịnh, không nên đổ bỏ nước”. Lại có Bí-sô đến múc nước trong ao, thấy có người đang rửa bình đựng Tô dầu và bình đựng Lạc, cũng có Bí-sô đang rửa bát, chất dơ nổi trên mặt nước và cặn của Lạc trong bình từng miếng chìm xuống nước. Bí-sô thấy rồi sanh nghi không dám dùng nước này, Phật nói: “không phải do có các vật đó mà nước thành bất tịnh, lượt rồi thì thành tịnh, dùng không phạm”.

Có các Bí-sô đi đường khó tìm được nước, đến bên xe nước muốn lấy nước nhưng nghi là không sạch, do đó thiếu nước rất khốn khổ mới về đến chùa, bạch Phật, Phật nói: “nên lấy nước bên xe nước, trước nên dùng súc miệng rồi mới uống dùng”, gặp lúc phi thời, Bí-sô không dám uống, Phật nói phi thời vẫn uống được. Lại có Bí-sô không dám trữ nước trong bình, Phật nói nên trữ; lại có Bí-sô đi đường không tìm được nước, gặp nước suối không dám uống, Phật nói nên xem kỹ rồi uống, uống rồi không dám múc nước thêm vào bình, Phật nói nên múc thêm. Lại có Bí-sô thấy nước đục không dám uống, Phật nói nên xem kỹ rồi uống; gặp phi thời không dám uống, Phật nói: “thời hay phi thời uống dùng không phạm, trữ nước thêm vào bình cũng không phạm”. Lại có Bí-sô đi đường, thấy trong túi da đựng nước uống có miếng Lạc (phô mai) nên nghi không dám uống, Phật nói: “thời hay phi thời đều được uống dùng, trên đây đều là khai cho uống dùng khi gặp các nạn duyên, nếu hết nạn duyên thì chế ngăn trở lại, ai tiếp tục uống dùng như thế thì phạm tội Ác tác”.

Có các Bí-sô du hành đến chỗ nuôi bò, tìm nước rửa chân không có, chủ trại bò đưa nước Lạc lượt rồi cho rửa chân, Bí-sô không dám dùng, bạch Phật, Phật nói: “nếu gặp nơi không có nước, được nước Lạc lượt rồi thì nên dùng”. Lại có Bí-sô đến chỗ người chăn bò mượn bình lấy nước, họ đưa bình đựng Tô dầu, Bí-sô không dám dùng, Phật nói: “có năm loại bình, đó là bình đại tiện, bình tiểu tiện, bình đựng rượu, bình đựng dầu, bình đựng lạc. Ba loại bình trên không được dùng chứa nước uống dùng, nếu lở đựng thì bỏ đi; hai loại sau phải dùng muối, đất, phân bò, nước tẩy tẩy sạch rồi mới được đựng nước, thời hay phi thời tùy ý uống dùng”.

Có một Bí-sô uống nước phi thời bỗng ợ lên mùi thức ăn nên lo sợ, Phật nói: “nên rửa tay sạch rồi súc miệng, súc miệng sạch rồi mới uống nước”, cụ thọ Ưu-ba-ly hỏi Phật: “Phật bảo nên súc miệng sạch, như thế nào gọi là sạch?”, Phật nói: “khi ăn uống đúng thời hay phi thời xong đều nên súc miệng bằng nước sạch hai ba lần, để trừ mùi hôi của thức ăndính trong răng miệng. Ai không làm như vậy thì phạm tội Ác tác”. Có một Bí-sô cầm bình nước đưa lên miệng uống phi thời, muỗi có trong bình bay ra chích, Phật nói: “không nên cầm bình đưa thẳng lên miệng uống, nên rót ra ly hay tách để uống”. Có Bí-sô muốn làm bình quân trì để lượt nước nhưng không biết làm sao, Phật nói: “nên dùng miếng cây hay miếng gạch để bên trong ngăn không cho trùng lọt vào được”. lúc đó có Bí-sô đi đường muốn uống nước, Phật bảo lấy lá cây đựng nước uống, Bí-sô thấy có lá xanh nhưng không có người hái trao cho, Phật nói nên nhặt lá vàng rơi, nếu không có lá vàng rơi thì tự hái lá trên cành, nếu hái không được thì đến chỗ khuất súc miệng rồi đưa bình lên miệng uống. Trường hợp khai khi có nạn duyên và chế ngăn trở lại đều giống như trên. Trong Tăng có Bí-sô tên Hiệt ly bạt đề tâm hay đa nghi, lúc đó Bí-sô này thấy nước trong bình chảy xuống đất liền nghi có ai sang nước vào bát tức là ác xúc (chạm vào thành bất tịnh gọi là ác xúc) nên không uống dùng. Phật nói: “Các chất lỏng đều phải chảy xuống không thể chảy ngược lên, nên uống dùng chớ nghi ngại. Các loại nước khác như sữa, lạc, nước ép trái cây… cũng như vậy nên biết”.

Có Bí-sô tháp tùng theo các thương nhân đi đường, Cầu tịch mang lương thực đi phía sau, lúc đó thương nhân tạm dừng nghỉ xong muốn đi tiếp nói với Bí-sô: “hãy đỡ hàng hóa lên giúp tôi”, Bí-sô không dám đỡ lên, Phật nói nên đỡ lên giúp họ; sau đó họ lại nhờ đỡ xuống, Bísô không dám đỡ xuống, Phật nói nên đỡ xuống giúp họ. Khi Cầu tịch mang lương thực đi đến, do vác nặng rất nhọc mệt nên nói với Bí-sô: “thầy tạm mang giúp, cho tôi được nghỉ một lát”, Bí-sô không chịu mang giúp, Phật nói: “nên dùng dây cột bao lương thực lại rồi bảo Cầu tịch cầm dây, Bí-sô vác bao lương thực cho Cầu tịch được nghỉ một lát”; sau đó Bí-sô nghi ngại không dám ăn lương thực này, Phật nói ăn không phạm. Lại có các Bí-sô tháp tùng theo các thương nhân đi đường gặp giặc cướp hết hàng hóa, Cầu tịch cũng vất hết lương thực để bỏ chạy, Bí-sô không lượm lấy lại cũng bỏ chạy luôn. Sau đó Bí-sô bảo Cầu tịch trở lại lượm lấy lương thực, Cầu tịch nói: “thầy muốn giặc giết tôi hay sao, thầy muốn lấy thì tự đi lấy”, Bí-sô không dám trở lại lấy, Phật nói nên tự đi lấy, Bí-sô sau khi trở lại lấy lương thực mang về lại không dám ăn, Phật nói ăn không phạm. Lại có một Bí-sô bảo Cầu tịch vác lương thực, muốn qua sông không biết phải làm sao, Phật nói: “nên hỏi Cầu tịch có thể vác lương thực qua sông được không; nếu đáp là chỉ có thể qua một mình, không thể vác theo lương thực thì Bí-sô phải mang giúp qua sông. Nếu Cầu tịch nói không đủ sức qua sông huống chi là vác thêm lương thực, Bí-sô nếu có thể vừa đỡ Cầu tịch vừa vác lương thực để qua sông được thì tốt; nếu không thể thì vác lương thực qua sông trước rồi đỡ Cầu tịch qua sau”, vác lương thực qua sông rồi Bí-sô không dám ăn, Phật nói ăn không phạm.

Có một Bí-sô khi rửa bát thấy có vết nứt, Phật nói: “nên dụng tâm rửa hai ba lần, dù có vết nứt dùng cũng không phạm”; lại có Bí-sô khi rửa bát thấy trong kẻ nứt có hạt cơm, nghi ngại không dám dùng, Phật nói: “dùng cọng cỏ khều ra rồi rửa sạch lại hai ba lần, được tùy ý thọ dụng”. Lại có Bí-sô dùng bát cũ đựng nước nóng, chất dơ nổi lên trên mặt nước nên nghi ngại không dám uống, Phật nói: “nên vớt bỏ váng bẩn đó rồi uống”; lại có Bí-sô rửa bát xong đem cất, đến ngày thứ ba lấy ra rửa lại để dùng thì bát bể, Phật nói rửa rồi nên dùng để ăn ngay.

Có một Bí-sô khất thực xong trở về trú xứ để đó rồi đi, một Bí-sô khác khất thực trở về để bát của mình lên trên bát của vị kia, Bí-sô kia nghi ngại không dám ăn, Phật nói: “nếu có người trao cho, thọ rồi mới ăn, nếu không có người trao thì sớt bỏ phần thức ăn ở bên trên rồi ăn không phạm”. Lại có Bí-sô khất thực trở về để bát đó rồi đi, một người tục đến chạm vào bát, Bí-sô thấy liền nên hỏi: “ông muốn ăn thức ăn này phải không?”, nếu đáp là do thấy ruồi bu hay cỏ lá rơi vào nên lượm bỏ ra thì Bí-sô nên thọ rồi mới ăn; nếu đáp là muốn ăn thức ăn này thì Bí-sô nên sớt bớt thức ăn cho họ rồi mới ăn. Lại có Bí-sô khất thực trở về để bát đó rồi đi, Cầu tịch khất thực về sau liền để bát của mình lên bát của Bí-sô, Bí-sô nghi ngại không dám ăn, Phật nói: “nên sớt bỏ phần cơm bên trên rồi tùy ý ăn”. Có Bí-sô đi đường, không có người tục hay Cầu tịch mang lương thực giúp, Phật nói: “nên nói với thí chủ, nếu không có thí chủ thì phải tự mang, sau đó gặp người tục đổi thức ăn để ăn; nếu không đổi được thì nên chia thức ăn làm hai phần, đưa cho người tục một phần, khi họ cầm liền xin đổi lẫn nhau rồi mới ăn. Nếu cũng không được thì ngày thứ nhất nên nhịn ăn, qua hôm sau nếu có người trao thì thọ lấy rồi ăn; nếu không có người trao thì Bí-sô nên lấy thức ăn vừa bằng nắm tay để ăn; qua ngày thứ ba cũng không có người trao thì Bí-sô nên lấy thức ăn vừa bằng hai nắm tay để ăn; qua ngày thứ tư cũng không có người trao thì Bí-sô được tùy ý ăn no không phạm”. Có Bí-sô đi đường hết lương thực, thấy có trái chín rụng trên đất, Phật nói: “nên lượm tác tịnh, thọ rồi ăn; nếu không có tịnh nhơn, không có tác tịnh, thọ rồi cũng có thể ăn. Nếu không có người trao, nên tự lấy rồi khởi tưởng đang ở Bắc Câu lô châu thì được ăn; nếu trái chín trên cây chưa rụng xuống, nên leo lên rung cây cho rụng xuống rồi tự lượm lấy ăn. Tất cả việc trên đều là khai cho khi gặp nạn duyên, khi hết nạn duyên thì chế ngăn trở lại, ai làm khác thì phạm tội Ác tác”.

IV. TỔNG NHIẾP TỤNG CỦA BIỆT MÔN THỨ TƯ:

Cho phần ruộng, không nên,
Ở trần, định vật cho,
Y Tăng, y vãng hoàn,
Mía, quả, cho ở, quần.

1. Nhiếp tụng trong Biệt môn thứ tư:

Cho phần ruộng giúp nhau,
Xe, thuyền và nước sôi,
Quạ mổ, ruồi, không thẹn,
Cúng tháp, tin thiểu dục.

Phật ở trong Trúc lâm, thành Vương xá, lúc đó vua Ảnh Thắng đem ruộng một ngàn mẫu cúng cho Tăng, các Bí-sô thu hoạch rồi lại bỏ bê không chăm sóc khiến cho ruộng tốt trở thành bãi cỏ hoang. Khi vua nhìn thấy không nhận ra là ruộng của mình nên hỏi đại thần là ruộng của ai, đại thần nói rõ nguyên do, vua nói: “vì sao Tăng không chia phần cho người khác?”, các Bí-sô nghe biết việc này liền bạch Phật, Phật bảo: “nên chia phần cho cư sĩ canh tác”. Sau đó hoa mầu thu hoạch được các Bí-sô không lấy phần mà cho người canh tác hết, Phật nói nên lấy phần, những người canh tác sau khi lấy phần của mình xong, bỏ lại phần của Tăng ở đó rồi đi, Phật nói nên cho chở về chùa, khi chở về đến chùa lại bị trộm cắp, Phật bảo nên coi giữ. Lúc đó xe chở phần lúa của Tăng về chùa, do nặng nên muốn nghiêng đổ, người đánh xe gọi Bí-sô đỡ xe giúp họ, Bí-sô không dám chạm vào xe lúa, Phật nói nên đỡ xe giúp họ. Có Bí-sô bịnh đi trên đường, người đánh bảo Bí-sô lên xe ngồi, Bí-sô nghi ngại không dám lên xe, Phật nói: “chỉ tránh ngồi chỗ lái xe, ngồi chỗ khác không phạm”. Trường hợp thuyền chở vật thực của Tăng bị mắc cạn, người lái thuyền nhờ Bí-sô đẩy giúp họ, Bí-sô không dám chạm vào thuyền chở vật thực, Phật nói nên đẩy giúp họ. Lại có Bí-sô đi đường bộ nhọc mệt, người lái thuyền bảo Bí-sô lên thuyền, Bí-sô nghi ngai không dám lên thuyền, Phật nói như trên. Trường hợp người vác phần lúa của Tăng về chùa muốn dừng nghỉ một lát nên nhờ Bí-sô đỡ xuống giúp, Bí-sô nghi ngại không dám đỡ, Phật nói nên đỡ giúp họ. Lại có người vác nặng quá mệt nên nhờ Bí-sô vác hộ cho họ được nghỉ một lát, Bí-sô nghi ngại không dám vác, Phật nói: “nên dùng dây cột bao vật thực lại rồi bảo người đó cầm dây, Bí-sô vác giúp họ không phạm”. Có trường hợp vác vật thực đi giữa đường gặp giặc liền bỏ lại vật thực chạy, giặc đến lấy vật thực mang đi, Phật nói: “đừng bỏ vật thực lại, nếu không có người tục thì bảo Cầu tịch mang, Cầu tịch cũng không có thì Bí-sô tự mang”, Bí-sô tự mang vật thực nên không dám ăn, Phật nói ăn không phạm. Lúc đó trong nhà trù, Tăng đang nấu Tô lạc, do lửa cháy mạnh nên sôi trào ra ngoài, nếu không có tịnh nhơn ở đó thì nồi Tô này bị hư. Phật nói: “khi đang nấu không nên bảo tịnh nhơn đi ra ngoài, nếu có việc phải bảo ra ngoài thì Bí-sô nên rút bớt củi ra, nếu thấy còn sôi thì lấy cái vá khuấy đều cho lắng xuống. Trường hợp nấu thuốc sôi trào ra ngoài cũng như trên, các trường hợp trên đều vì có nạn duyên mà khai, khi hết nạn thì chế ngăn trở lại, ai vi phạm thì phạm tội Ác tác”.

 

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10