CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ NI ĐÀ NA MỤC ĐẮC CA

Hán dịch: Tam tạng Pháp sư Nghĩa Tịnh đời Đường – TQ
Việt dịch: Ban phiên dịch chùa Pháp Bảo, HT Thích Tịnh Hạnh giám tu – năm 2005
Hiệu đính và nhuận văn: NS Thích nữ Như Lộc tại chùa Phổ Minh – năm 2010

 

QUYỂN 10

1. Nhiếp tụng thứ nhất trong Biệt môn thứ tư (tiếp theo):

Phật tại thành Thất-la-phiệt, lúc đó có nhiều thương nhân thỉnh Phật và Tăng đến trong viên lâm thiết trai cúng dường, họ dọn lên đầy đủ các món ăn ngon nhưng chưa kịp dâng cúng thì nghe tin hàng hóa bị cháy, liền bỏ chạy về cứu hỏa. Lúc đó đã đến giờ ăn nhưng không có người trao cho, Bí-sô không biết phải làm sao, Phật nói: “tâm xả của thí chủ đã thành, các thầy nên khởi tưởng đang ở Bắc Câu lô châu mà tự lấy ăn, chớ nên nghi ngại”.

Lúc đó có quạ bay đến trong nhà bếp mổ lấy thức ăn, Bí-sô nghi ngại không dám ăn, Phật nói bỏ chung quanh chỗ bị mổ rồi ăn không lỗi. Bí-sô chưa kịp ăn, quạ lại bay đến mổ thức ăn, họ nghi ngại không dám ăn, Phật nói như trên.

Bí-sô Hiệt ly bạt đề vào nhà xí thấy ruồi đậu chỗ bất tịnh rồi lại bay đến trong nhà bếp, liền nói với các Bí-sô: “tôi vừa thấy ruồi này trong nhà xí, nay lại bay đến trong nhà bếp, thức ăn thành bất tịnh không nên ăn”, Phật nói: “loài ruồi nhặng bay đến đậu những nơi dù là xứ hay phi xứ thì thức ăn đó cũng không thành bất tịnh, ăn không phạm”.

Có Bí-sô muốn nhuộm y, thấy vò đựng tô dầu của tăng cho là vò đựng nước nhuộm nên lấy mang đi, sau xem lại mới biết là lấy nhầm liền vất một bên. Phật nói: “nếu mang lên gác, chưa đi được nửa đường thì nên đem trở xuống để trên đất; nếu đã đi hơn nửa đường thì nên đem lên gác để ở chỗ bằng phẳng”. Có Bí-sô không xem kỹ chỗ để khiến bình nghiêng làm đổ dầu ra ngoài, Phật nói: “nên lấy vật kê, đừng để nghiêng đổ”. Lại có Bí-sô vô ý chạm vào thức ăn nên Bí-sô này không dám ăn, Phật nói: “thức ăn này tịnh nên ăn, có hai loại thức ăn từng xúc chạm qua nhưng ăn không có lỗi: một là bị người không có tàm quý xúc chạm, hai là người có tàm quý vô ý xúc chạm.Cả hai loại này đều tịnh, ăn không phạm”.

Lúc đó có nhiều Bí-sô đi khắp bốn phương để lễ tháp, các cư sĩ đem hương hoa, hương bột, hương đốt, vải lụa… gởi cho các Bí-sô cúng dường tháp. Bí-sô có ngoại duyên nên không đem những vật gởi này đến cúng dường tháp theo bổn ý của họ, không biết phải làm sao nên bạch Phật, Phật nói: “có bốn tháp lớn cố định: một là nơi Bồ-tát đản sanh, hai là nơi Bồ-tát thành chánh giác, ba là nơi Phật chuyển pháp luân và bốn là nơi Phật nhập Niết-bàn. Nếu bổn ý của thí chủ muốn cúng dường tháp khác, dù Bí-sô đem cúng vào bốn tháp này cũng không làm trái bổn ý của họ. Nếu họ muốn cúng vào bốn tháp này, vì có ngoại duyên thì chỉ cần cúng một trong bốn tháp cũng được vì chúng tương thông nhau, không cần phải đem đến các tháp khác cúng nữa”.

Cụ thọ Ưu-ba-ly hỏi Phật: “có hai Bí-sô hiềm khích nhau nên dùng những lời trái nhau để hủy báng thì trong hai người này, người nào đáng tin, người nào không đáng tin?”, Phật nói: “nên tin người trì giới, nếu cả hai cùng trì giới thì nên tin người đa văn, nếu cả hai đều đa văn thì nên tin người thiểu dục, nếu cả hai đều thiểu dục thì nên tin người thiểu dục nhất”, lại hỏi: “nếu cả hai đều là thiểu dục nhất thì nên tin ai?”, Phật nói: “nếu cả hai đều là thiểu dục nhất mà lại hiềm khích nhau, dùng lời trái nhau để hủy báng thì không có lý đó”.

2. Nhiếp tụng thứ hai trong Biệt môn thứ tư:

Không nên bảo tặc trụ,
Huỳnh môn… các hạng người,
Cho đến người thọ học,
Hành trù phá tăng chúng.

Cụ thọ Ưu-ba-ly hỏi Phật: “nếu sai kẻ tặc trụ hành trù thì có thành phá Tăng không?”, Phật nói không thành, lại hỏi: “nếu sai huỳnh môn cho đến người hành Biệt trụ hành trù thì có thành phá Tăng không?”, Phật nói không thành, lại hỏi: “nếu sai người phạm tứ trọng hành trù thì có thành phá Tăng không?”, Phật nói không thành, lại hỏi: “nếu sai người thọ học hành trù thì có thành phá tăng không?”, Phật nói không thành.

3. Nhiếp tụng thứ ba trong Biệt môn thứ tư:

Không ở trần, khoác y,
Dầm mưa, vào nhà trù,
Tiện lợi, nên khâu vá,
Trộn hồ, phước tăng trưởng.

Lúc đó Lục chúng Bí-sô ở trần nằm ngủ trên ngọa cụ của Tăng, vung tay đáp chân làm cho rách, Bí-sô bạch Phật, Phật nói: “không nên ở trần nằm ngủ trên ngọa cụ của Tăng, ai làm thế thì phạm tội Ác tác, ngọa cụ của Tăng nên dùng vật bọc lại”. Lục chúng Bí-sô lại khoác y của Tăng ra chỗ trống trải kinh hành, gặp mưa làm thấm ướt nên hư hoại, Phật nói: “không nên khoác y của Tăng ra chỗ sương gió, đội mưa kinh hành, ai làm thế thì phạm tội Ác tác”. Lục chúng Bí-sô lại khoác y của Tăng vào trong nhà trù bị khói bám làm cho hư hoại, Phật nói: “không nên… cho đến ai làm thế thì phạm tội Ác tác”. Lại khoác y của Tăng vào chỗ tiện lợi, Phật nói không nên cho đến ai làm thế thì phạm tội Ác tác.

Lúc đó các Bí-sô thấy ngọa cụ của Tăng hư hoại nên đem vất bỏ, Phật nói: “không nên vất bỏ, nếu thấy sắp rách thì dùng chỉ dài khâu lại, nếu thấy có lỗ thủng thì dùng miếng vải vá lại, nếu bên trong cũ mục thì nên may hai lớp, nếu quá cũ mục thì dùng làm tim đèn hoặc băm nhỏ ra trộn với phân bò, bùn làm hồ để trét vào lỗ cột hay tô vách tường. Làm như vậy sẽ khiến cho thí chủ đã cúng vật vào phước điền được tăng trưởng phước đức”.

4. Nhiếp tụng thứ tư trong Biệt môn thứ tư:

Định vật cúng nơi này,
Không đem cho nơi khác,
Nếu đã mang đem cho,
Tính giá đền trả lại.

Phật tại thành Thất-la-phiệt, lúc đó có trưởng giả xây cất một trú xứ cúng cho Tăng với đầy đủ vật cần dùng, lại thỉnh thêm một Bí-sô khác đến làm người coi ngó công việc. Vị này có nhiều đệ tử ở các nơi khác đến để kính lễ, kính lễ rồi muốn đi, vị này nói: “trưởng giả chủ chùa thỉnh ta làm tri sự, các thầy đợi ăn rồi hãy đi”, các đệ tử nói: “Ôba-đà-da, nếu có thức ăn thì cho chúng con mang về trú xứ cùng ăn”, đáp là tùy ý. Các đệ tử liền tùy ý lấy thức ăn, dầu đèn, giày da, củi cho đến rau cải hoa quả đều mang đi khiến cho các vật dụng trong chùa gần hết sạch. Các Bí-sô cựu trụ thấy việc này rồi đến nói với thí chủ: “trưởng giả biết không, các vật dụng mà ông đã cúng cho chùa này gần hết sạch rồi”, trưởng giả nói: “trong chùa không có nhiều Bí-sô, vì sao các vật dụng đã cúng chưa dùng bao lâu mà lại gần hết sạch?”, các Bísô kể lại việc trên, trưởng giả nghe rồi chê trách, bạch Phật, Phật nói: “Bí-sô ở trú xứ khác không được lấy thức ăn cho đến các vật dụng trong chùa này mang về trú xứ mình, cũng không được đem vật dụng trong chùa này cho chỗ khác. Bổn ý của thí chủ cúng thức ăn và các vật dụng cho người ở trong chùa này thì không được đem cho người ở chùa khác, nếu đã đem cho thì nên tính giá của các vật đó mà đền trả lại”.

5. Nhiếp tụng thứ năm trong Biệt môn thư tư:

1. Tăng đề thí chủ,
Y mình làm dấu riêng,
Giạ – cá nhân được nhận,
Hạ – ni nên tu sửa.

Phật tại thành Thất-la-phiệt, lúc đó có hai anh em xuất gia, Bí-sô tri sự mang y của Tăng đến gởi cho Bí-sô anh rồi đi, sau đó Bí-sô em đến chỗ anh để y của mình gần bên y của Tăng đã gởi, khi ra về cầm lộn y của Tăng cho là y của mình mang đi. Sau đó Bí-sô tri sự trở về thấy có y khác cho là Tăng được nhiều lợi vật, Bí-sô anh nói không có, Bí-sô tri sự liền hỏi y này của ai, đáp là y của thầy đã gởi, Bí-sô tri sự nói: “y của Tăng to lớn, y này nhỏ hẹp, chắc có ai đó đến đây cầm lộn y của Tăng mang đi rồi”. Bí-sô anh liền đến chỗ Bí-sô em để hỏi có lấy lộn không thì thấy có y của Tăng nên trách Bí-sô em, Bí-sô em nói: “em không cố ý lấy, nếu là y của Tăng thì anh cứ lấy mang đi”, Bí-sô đem việc này bạch Phật, Phật nói: “y của Tăng nên làm dấu”, Bí-sô không biết làm dấu như thế nào, Phật nói: “nếu là y vật của Tăng thì nên ghi tên thí chủ cúng, nếu là y riêng thì nên làm dấu riêng”.

Lúc đó có người đem giạ lông và nệm nhỏ cúng cho Tăng, Phật nói Tăng nên thọ và cá nhân cũng được thọ; lại có người đem giường lớn, chân giường tiện tròn đến cúng cho Tăng, Phật nói: “Tăng được thọ nhưng cá nhân không được”.

Như Phật đã dạy ni trong an cư, nếu có duyên sự thì được du hành trong nhân gian, lúc đó các ni an cư xong không tu sửa lại trú xứ liền bỏ đi khiến cho trú xứ này bị hư hoại. Các Bí-sô nghe biết việc này liền bạch Phật, Phật bảo: “Bí-sô ni an cư xong nên tu sửa trú xứ, ai không tu sửa thì phạm tội Ác tác”.

6. Nhiếp tụng thứ sáu trong Biệt môn thứ tư:

2. Vãng hoàn người chết,
Đem trả lại nên nhận,
Vì chúng mượn tài vật,
Đem vật chúng trả lại.

Lúc đó có người qua đời, thân thuộc đem vào trong Thi lâm táng, họ mang y vật của người chết về nhà rồi hồi thí cho Tăng, Bí-sô không dám nhận, Phật nói nên nhận. Sau đó do họ nghèo nên đến hỏi mượn lại các vật ấy, Phật nói nên cho mượn; khi họ đem trả lại, Bí-sô không chịu nhận, Phật nói nếu đem trả lại thì nên nhận.

Lúc đó có Bí-sô thọ sự vay mượn tài vật của người để lo việc xây cất cho Tăng, không may qua đời. Chủ nợ hay tin liền đến trong chùa đòi nợ, Bí-sô nói: “Bí-sô ấy đã qua đời, hiện đang ở trong Thi lâm, ông đến đó mà đòi”, cư sĩ này nói: “Bí-sô kia vay mượn tài vật để lo việc xây cất cho Tăng thì Tăng nên trả nợ ấy cho tôi”, Bí-sô bạch Phật, Phật nói: “nếu biết Bí-sô kia vay mượn tài vật để lo việc xây cất cho Tăng thì Tăng nên đem tài vật của Tăng trả nợ đã vay của họ. Nay ta chế hành pháp cho Bí-sô trông coi việc xây cất cho Tăng như sau: Bí-sô tri sư này phải báo cho vị trưởng lão trong chùa biết rồi mới được vay mượn của người, nên làm giấy tờvay mượn cho rõ ràng, ai không tuân theo hành pháp này thì phạm tội Ác tác”.

7. Nhiếp tụng thứ bảy trong Biệt môn thứ tư:

Mía… thức ăn chia đều,
Không nên chia miệng bụng,
Bốn vật thực không chia,
Đêm không chia ngọa cụ.

Phật tại thành Thất-la-phiệt, lúc đó Tăng được cúng nhiều mía, như Phật đã dạy Cầu tịch được chia một phần ba nên các Bí-sô chia cho Cầu tịch môt phần ba số mía. La hỗ la ngồi ở hàng cuối ăn mía xong liền nhìn Phật, Phật thấy liền hỏi ăn mía xong chưa, đáp đã ăn xong, lại hỏi muốn ăn nữa không, đáp là muốn, lại hỏi được chia bao nhiêu, đáp là được một phần ba. Phật bảo các Bí-sô: “dựa trên y lợi nên ta chế định chia cho Cầu tịch một phần ba, không phải dựa trên thực lợi. Nếu là thực lợi thì nên chia đều, ai không chia đều thì phạm tội Ác tác”, sau đó lại được cúng nhiều mía, Bí-sô nghi ngai không dám chia, Phật nói nên chia đều.

Duyên xứ như trên, có một cư sĩ xây cất trú xứ cúng cho Tăng và cung cấp đầy đủ tiền thức ăn uống cho Tăng hằng ngày. Lúc đó các Bísô nói với nhau: “chúng ta không gặp khó khăn về ăn uống nhưng lại thiếu thốn y phục, chúng ta nên lấy tiền lo thức ăn uống này đổi lấy y phục rồi mỗi người chúng ta khất thực lại như cũ”, bàn xong họ lấy tiền đó đổi lấy y phục và đi khất thực. Khi thí chủ thấy họ đi khất thực liền hỏi nguyên do, các Bí-sô nói rõ sự việc, thí chủ nghe rồi liền chê trách: “đại chúng lấy phần tiền ăn lo cho miệng bụng cùng chia hết rồi sao?”. Các Bí-sô nghe biết việc này liền bạch Phật, Phật bảo: “có bốn loại không nên chia: một là vật của Tứ phương tăng, hai là vật của tháp, ba là thuốc trị bịnh cho Tăng và bốn là phần tiền ăn lo cho miệng bụng. Ai làm trái thì phạm tội Ác tác”.

Lúc đó Lục chúng Bí-sô u hành trong nhân gian đi đến một trú vào lúc nửa đêm đòi chia ngọa cụ… cho đến câu Bí-sô cựu trụ nói: “Thượng tòa chỉ an thân có một đêm mà làm cho chúng tăng phải mệt nhọc sanh bịnh”. Các Bí-sô nghe biết việc này liền bạch Phật, Phật bảo: “Bí-sô cựu trụ không nên chia ngọa cụ vào ban đêm, nếu khách Bí-sô chỉ ngủ lại một đêm thì nên ngủ tạm ở chỗ thân hữu; nếu ở lại lâu thêm thì mới chia ngọa cụ theo tuổi hạ cho khách. Ai làm trái thì phạm tội Ác tác”.

8. Nhiếp tụng thứ tám trong Biệt môn thứ tư:

Quả do Dược xoa cúng,
Tác tịnh rồi thọ ăn,
Còn dư làm nước uống,
Không đốt đất, đài đèn.

Phật tại nước Thắng quân du hành đến thôn Xích sắc, tạm nghỉ trong miếu của Đại lực Dược xoa, Dược xoa này hiện thân đến trước Phật đảnh lễ rồi bạch Phật: “cúi xin Thế tôn và các Bí-sô thọ con thỉnh nghỉ qua đêm trong miếu này”, Phật im lặng nhận lời. Dược xoa biết Phật đã nhận lời liền hóa hiện ra năm trăm căn phòng với đầy đủ giường nệm và năm trăm lò sưởi than không có khói. Dược xoa chọn phòng bậc nhất cho Phật nghỉ rồi sắp xếp cho mỗi Bí-sô một phòng, sau đó bạch Phật: “cúi xin Phật và các Bí-sô vào ngày mai thọ con thỉnh thực”, Phật im lặng nhận lời. Dược xoa này có một Dược xoa thân hữu tên là Đạt để ca ở nước Ca thấp di la, liền sai sứ đến nói với Dược xoa kia rằng: “tôi đã thỉnh Phật và Tăng ngày mai thọ thực, ở phương Bác có trái cây ngon gì xin hãy cho mang đến, giúp tôi thành tựu công đức này”, Dược xoa kia nghe rồi liền sai sứ mang giỏ trái cây với đủ loại trái như Bồ đào, Thạch lựu… đến cúng dường. Lúc đó các Bí-sô thấy các loại trái cây này rồi liền bạch Phật, Phật bảo làm hỏa tịnh rồi ăn, các Bí-sô hỏa tịnh từng trái, Phật nói: “nên gom lại một đống rồi ở trên đó hỏa tịnh ba bốn chỗ, ăn không phạm”. Chia cho chúng ăn xong vẫn còn dư, Phật bảo nên ép làm nước phi thời tùy ý uống; vẫn còn dư, Phật bảo nấu nước này rồi đổ vào trong hủ để hôm sau uống.

Lúc đó vào tháng lạnh, các Bí-sô đốt lửa trên nền gạch để sưởi làm gạch bị hư, Phật nói: “không nên đốt lửa trên nền gạch, nên lấy ngói lót ở dưới”, vẫn bị hơi nóng làm tổn, Phật bảo nên làm lò lửa, Bí-sô làm lò lửa trong phòng, phòng bị khói làm hư hoại, Phật bảo nên làm lò lửa ngoài cửa, khói lại bay vào làm cay mắt, Phật bảo đợi hết khói rồi đem vào phòng. Lúc đó có người đem cúng cây đèn một tầng, Phật nói: “Tăng nên thọ, cá nhân cũng được thọ”, lại có người cúng cây đèn hai tầng cho đến nhiều tầng, Phật nói: “Tăng nên cất chứa, cá nhân cũng được thọ không phạm”.

9. Nhiếp tụng thứ chín trong Biệt môn thứ tư:

Khách chủ nên biết rõ,
Đưa và nhận cẩn thận,
Đóng cửa chùa năm việc,
Khuỷu tay ngắn, tùy thân.

Lúc đó có nhiều khách Bí-sô vào chùa, Bí-sô cựu trú dọn chỗ cho họ nghỉ, họ trộm cắp tài vật rồi đi, bạch Phật, Phật nói: “nếu là người quen biết mới dọn chỗ cho nghỉ, nếu chưa từng quen biết thì không nên”. Sau đó có khách Bí-sô quen biết đến, dọn chỗ cho nghỉ rồi lại có khách Bí-sô không quen đến, Bí-sô cựu trụ tưởng người đến sau là bạn của người đến nên chỉ phòng cho vào, lúc đó người đến trước có việc tạm ra khỏi phòng, người đến sau này vào phòng lấy y bát của người đến trước rồi bỏ đi. Khi người đến trước trở vào phòng thì không còn thấy y bát của mình liền hỏi Bí-sô cựu trụ, đáp là bạn của thấy đã lấy đi rồi, khách nói: “tôi không có đồng bạn”, Bí-sô cựu trụ hỏi: “người đến sau không phải là bạn của thầy ư?”, khách đòi Bí-sô cựu trụ bồi thường. Các Bí-sô nghe biết việc này liền bạch Phật, Phật bảo: “chủ chùa thấy khách đến trước sau nên hỏi người đến trước: “người này có phải là bạn của thầy không?, nếu họ lấy y bát thì có cho họ mang đi không?”. Nếu người đến trước nói đừng cho lấy mà tự ý để họ mang đi thì chủ chùa phải bồi thường; nếu người đến trước nói cho lấy thì chủ chùa không phải đền”.

Có trường hợp Bí-sô khách quen biết đến, Bí-sô cựu trụ dọn chỗ cho nghỉ rồi lại có khách Bí-sô quen biết đến nữa, Bí-sô cựu trụ cũng dọn chỗ cho nghỉ. Khi Bí-sô cựu trụ tạm ra khỏi phòng, vị khách đến sau vào phòng của Bí-sô cựu trụ lấy y bát rồi đi, vị khách đến trước tưởng là người ở chung phòng với Bí-sô cựu trú nên không ngăn lại. Khi Bí-sô cựu trụ trở vào phòng thấy mất y bát liền hỏi vị khách đến trước, đáp là người ở cùng phòng với thầy đã mang đi rồi, Bí-sô cựu trụ bắt khách phải đền cho mình. Các Bí-sô nghe biết việc này liền bạch Phật, Phật bảo: “khi khách Bí-sô đến tạm ở nên hỏi Bí-sô cựu trụ: “nếu có người đến lấy y bát của thầy thì có nên cho họ mang đi không?”, nếu đáp là đừng cho mang đi mà khạch lại để cho mang đi thì khách phải đền; nếu nói để họ mang đi thì khách không phải đền”.

Có trường hợp Bí-sô khách gởi y cho Bí-sô cựu trụ, khi có việc phải đi dặn Bí-sô cựu trụ rằng: “nếu có Bí-sô nhỏ đến hỏi thì đưa y này cho vị ấy”, không lâu sau đó có Bí-sô nhỏ đến, Bí-sô cưu trụ liền đưa y này và vị ấy mang đi luôn. Phật nói: “nếu Bí-sô khách dặn đưa cho người nào, dù người ấy có lấy luôn thì Bí-sô cựu trụ cũng không phải đền, nhưng gạn hỏi cho kỹ rồi mới đưa thì tốt hơn”. Lại có trường hợp khách Bí-sô dặn ở chỗ hiển lộ có người nghe thấy, họ liền đến gạt lấy y vật mang đi mất. Phật nói: “nên dặn ở chỗ khuất, khi có người đến lấy nên gạn hỏi, nếu nói đúng ký hiệu trên vật gởi thì mới đưa”.

Lúc đó có Bí-sô đi đến bến sông xuống thuyền sắp đi nên bảo bạn đưa đãy y, Bí-sô bạn liền đưa cho. Do người đưa và người nhận không cẩn thận nên y rớt xuống sông, Bí-sô trên thuyền đòi Bí-sô trên bờ đền, Bí-sô trên bờ không chịu đền. Các Bí-sô nghe biết việc này liền bạch Phật, Phật bảo: “khi người kia chưa cầm thì không nên buông tay ra, nếu chưa cầm mà đã buông tay thì phải đền. Trường hợp đưa bát cũng giống như vậy”.

Lúc đó tuy có người giữ chùa vẫn bị ăn trộm vào chùa lấy trộm, đại chúng nói với nhau: “phải bắt người giữ chùa bồi thường những tài vật đã bị mất cắp”, liền đem việc này bạch Phật, Phật nói: “các thầy nên biết, hễ là người thọ sự khi đóng cửa chùa có năm giai đoạn: một là trên dưới chuyền gọi nhau, hai là khóa cửa, ba là khóa cửa thứ hai, bốn là đóng cửa, năm là cài then. Nếu không đóng cửa để cho kẻ trộm vào lấy hết tài vật thì tính theo giá mà bồi thường, bị mất cắp một phần thì bồi thường một phần, nếu bị mất cắp hết thì bồi thường toàn bộ. Ngược lại nếu người giữ chùa đã có ý giữ gìn, làm năm giai đoạn trên không thiếu sót thì dù bị trộm lấy hết tài vật cũng không phải bồi thường”.

Lúc đó cụ thọ Ưu-ba-ly hỏi Phật: “như Phật đã dạy Bí-sô y theo kích lượng khuỷu tay mà Phật đã chế định để may y, nếu có người thân lượng cao lớn, khuỷu tay ngắn hơn so với thân lượng thì có nên y theo khuỷu tay mà may y không?”, Phật nói nên y theo thân lượng, không nên y theo kích lượng khuỷu tay mà may y.

10. Nhiếp tụng thứ mười trong Biệt môn thứ tư:

Quần và Tăng khước kỳ,
Bùn thơm dơ y – giặt,
Lượm – bỏ bớt rồi ăn,
Nên biết mười loại bụi.

Lúc đó quần của Bí-sô dính dầu dơ nên bốc mùi hôi, bạch Phật, Phật nói nên cất chứa thêm cái thứ hai để thay đổi (phó quần). Tăng khước kỳ lại dơ làm dơ cả đại y, Phật nói nên cất chứa thêm cái thứ hai để thay đổi (phó Tăng khước kỳ). Khi thiết hội cúng dường, các loại hương dầu, hương bột… cho đến dầu đèn dính dơ làm hoại y phục; Bí-sô bạch Phật, Phật nói: “nếu dính hương bột thì chỉ cần giũ sạch rồi mặc, nếu dính hương dầu, hương bùn thì phải giặt sạch rồi mới mặc; dính các loại dầu trên phải dùng tháo dậu (xà bông) và nước tẩy để tẩy sạch rồi mới mặc”.

Lúc đó Bí-sô đang thọ thực, chưa kịp thọ thì thức ăn rơi xuống đất, muốn thọ lại nhưng không có người trao, Phật nói: “nên tự lượm lên, bỏ bớt phần dính đất rồi ăn”. Lúc đó thức ăn không rơi xuống đất mà rơi vào trong canh, Phật nói nên vớt ra bỏ bớt phần dính thức ăn khác rồi ăn. Lúc đó Bí-sô theo thứ lớp khất thực, bỗng bị gió thổi bụi bay vào trong bát, Bí-sô nghi ngại không dám ăn; lại có trường hợp khi đang ăn, gió thổi bụi bay vào bát, Phật nói: “có năm loại trần (bụi): một là xúc trần, hai là phi xúc trần, ba là tịnh trần, bốn là bất tịnh trần, năm là vi trần. Nếu là xúc trần rơi dính trên y thì phải giặt sạch, nếu rơi vào bát phải bỏ bớt phần dính bụi này rồi mới ăn. Lại có năm loại trần: một là thực trần, hai là ẩm trần, ba là y trần, bốn là hoa trần và năm là quả trần. Các loại trần này nếu mắt thấy được thì thọ rồi mới ăn, nếu không thấy được thì tùy ý ăn”.

 

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10