CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ NI ĐÀ NA MỤC ĐẮC CA

Hán dịch: Tam tạng Pháp sư Nghĩa Tịnh đời Đường – TQ
Việt dịch: Ban phiên dịch chùa Pháp Bảo, HT Thích Tịnh Hạnh giám tu – năm 2005
Hiệu đính và nhuận văn: NS Thích nữ Như Lộc tại chùa Phổ Minh – năm 2010

 

QUYỂN 4

4. Nhiếp tụng thứ tư trong Biệt môn thứ ba:

Ống khói, y hoại sắc,
Ống mũi, ly uống nước,
Ống kim trừ vật báu,
Que chấm thuốc nhỏ mắt.

Phật tại thành Thất-la-phiệt, tôn giả Ưu-ba-ly hỏi Phật:

Hỏi: như Phật đã khai cho Bí-sô được cất dùng ống khói, vật này nên làm bằng gì?, Phật nói trừ vật báu ra, làm bằng các vật khác đều được cất chứa để dùng.

Lại hỏi: như Phật đã khai cho Bí-sô mặc y hoại sắc, y này nên làm bằng gì?

Phật đáp: nên dùng bảy loại chỉ sợi để may rồi tùy ý cất chứa để dùng.

Lại hỏi: Phật khai cho Bí-sô cất dùng ống nhỏ mũi, vật này nên làm bằng gì?, Phật nói trừ vật báu.

Lại hỏi: Phật khai cho Bí-sô cất dùng ly uống nước, vật này nên làm bằng gì?, Phật nói trừ vật báu.

Lại hỏi: Phật khai cho Bí-sô cất dùng que chấm thuốc để nhỏ mắt, vật này nên làm bằng gì?, Phật nói trừ vật báu.

5. Nhiếp tụng thứ năm trong Biệt môn thứ ba:

Vật đựng thuốc, nệm, thảm,
Kê chân khô, thuốc xổ,
Bí-sô không nên làm,
Nên chọn y người chết.

Tôn giả Ưu-ba-ly lại hỏi: “Phật khai cho Bí-sô cất dùng vật đựng thuốc, vật này nên làm bằng gì?”, Phật nói trừ vật báu, lại hỏi: “Phật khai cho Bí-sô cất dùng nệm, thảm; nệm này nên làm bằng gì?”, Phật 30 nói: “được dùng bảy loại chỉ sợi để dệt thành và tùy ý cất dùng”, lại hỏi: “Phật khai cho Bí-sô được dùng vật kê chân cho khô, vật này nên làm bằng gì?”, Phật nói trừ vật báu.

Duyên xứ như trên, lúc đó có một trưởng giả bịnh đến thầy thuốc yêu cầu chữa trị, thầy thuốc nói: “nên ăn thức ăn có chất dầu mở để động bịnh rồi uống thuốc xổ”, trưởng giả liền ăn thức ăn có dầu mở. Có một Bí-sô thường tới lui nhà này nên khi nghe trưởng giả bịnh liền đến thăm hỏi, trưởng giả nói: “tôi bị bịnh khó tiêu, thầy thuốc bảo ăn thức ăn có dầu mở rồi uống thuốc xổ”, Bí-sô nghe rồi liền nói: “tôi giỏi về thuốc, hay là ông đưa tiền mua thuốc cho tôi, tôi sẽ đưa lại cho ông thuốc xổ”, trưởng giả bằng lòng đưa tiền lấy thuốc. Sau khi uống thuốc xổ này rồi không ngời do thuốc mạnh nên xổ mãi không cầm lại được, vội sai người đến hỏi thầy thuốc, thầy thuốc hỏi ống thuốc của ai đưa, đáp là của Bí-sô đưa, thầy thuốc bảo đến hỏi Bí-sô đã đưa thuốc gì cho uống, khi người này đến hỏi Bí-sô thì trưởng giả đã mạng chung. Bí-sô bạch Phật, Phật nói: “từ nay Bí-sô không được bán thuốc, nếu Bí-sô giỏi về thuốc nên khởi tâm từ bi tùy bịnh cho thuốc, nhưng không nên đưa thuốc xong rồi lại bỏ đi, nên xem xét thuốc có dùng quá độ hay không. Nếu có việc phải đi thì nên bảo người khác ở lại chăm sóc rối mới đi, khi đi nên dặn lại rằng nếu thấy thuốc công phạt mạnh thì nên lấy thuốc —- để giải. Nếu Bí-sô nhận tiền rồi đưa thuốc hay thuê người khác làm thì đều phạm Ác tác”.

Duyên xứ như trên, có một người mắc nợ trưởng giả kia tiền, đã hẹn lại qua bảy ngày sau sẽ trả, hạn trả nợ gần kề mà vẫn không có tiền trả nên người mắc nợ này suy nghĩ: “ta không có tiền trả, nên bỏ trốn là hơn, nhưng bỏ nhà trốn đi cũng khó, nên giết chết ông chủ nợ là tốt nhất”, nghĩ rồi liền rình đợi trưởng giả kia đi đến gần rừng Thệ đa liền giết chết, bỏ đó rồi đi. Lúc đó Lục chúng Bí-sô đi đến thấy y phục thượng hạng trên xác của trưởng giả liền nói với nhau: “được y phấn tảo này rất tốt”, nói rồi liền lột lấy y phục này, vừa lúc đó thân tộc của trưởng giả đi đến nhìn thấy liền quở mắng: “các vị mặc y phục của bậc đại tiên, vì sao lại làm việc phi pháp này”, Lục chúng Bí-sô nói: “người nay không phải do tôi giết, chắc là có oán thù với ai nên mới bị giết như thế, chúng tôi chỉ là lấy y phấn tảo mà thôi”. Các Bí-sô nghe biết việc này liền bạch Phật, Phật bảo: “từ nay Bí-sô không nên vội lấy y phấn tảo như thế, nếu mọi người đều biết đó là vật bỏ thì mới được lấy, ai làm trái thì phạm tội Ác tác”.

6. Nhiếp tụng thứ sáu trong Biệt môn thứ ba:

Nồi sắt và vá muỗng,
Tự thân không mang vác,
Vật thực giúp cha mẹ,
Không mặc y lông dài.

Phật tại thành Thất-la-phiệt, tôn giả Ưu-ba-ly hỏi Phật: “như Phật đã khai cho Bí-sô cất chứa nồi sắt để nấu nước nóng, vật này nên làm bằng gì?”, Phật nói trừ vật báu, lại hỏi: “Phật khai cho Bí-sô được cất chứa chén và muỗng để uống thuốc, vật này nên làm bằng gì?”, Phật nói trừ vật báu.

Duyên xứ như trên, lúc đó Lục chúng Bí-sô tự mang vác vật nặng, các cư sĩ thấy liền chê trách: “người tục chúng tôi vì cha mẹ vợ con nên tự thân phải mang vác nặng nhọc để tìm cầu y thực, các thầy vì ai mà phải mang vác vật nặng như thế”, bạch Phật, Phật nói: “từ nay Bí-sô không nên mang vác vật nặng trên đầu, trên vai hay trên lưng. Ai làm trái thì phạm tội Ác tác”.

Duyên xứ như trên, lúc đó có một cư sĩ cưới vợ chưa bao lâu thì vợ sanh được một trai, dung mạo đoan nghiêm ai thấy cũng yêu mến, người cha mở tiệc ăn mừng rồi giao đứa bé cho nhũ mẫu chăm sóc. Đến tuổi trưởng thành, người con này xuất gia theo Phật, ngày đầu tiên đắp y mang bát vào thành khất thực gặp cha, người cha nói: “đối với ta có công ơn sanh thành dưỡng dục, không ngờ nay con lớn khôn lại xuất gia, không giúp đỡ được gì cho ta”, Bí-sô nói: “nay con đã xuất gia không thể làm việc của tục gia được”. Các Bí-sô nghe biết việc này liền bạch Phật, Phật bảo: “cha mẹ vì con đã làm những việc khó làm, gánh vác nhiều nhọc nhằn; con dù có xuất gia cũng nên cung cấp cho cha mẹ”, Bí-sô không biết lấy gì cung cấp cho cha mẹ, Phật nói: “trừ y bát ra, các tài vật khác đều có thể cung cấp; nếu không có tài vật khác thì có thể tùy thời xin thí chủ; nếu xin khó được thì nên lấy lợi dưỡng thường được chia từ Tăng, cung cấp cho cha mẹ; nếu không có lợi vật thì nên lấy phần thức ăn được chia từ Tăng, bớt phân nửa cung cấp cho cha mẹ; nếu thường khất thực thì tùy được cho bao nhiêu, lấy phần mình vừa đủ no, phần còn lại cung cấp cho cha mẹ”.

Duyên xứ như trên, lúc đó có một thí chủ xây dựng một trú xứ ngay trong tụ lạc cúng cho Tăng, có một Bí-sô già sống tại trú xứ này, sau đó vì muốn lễ tháp nên đi đến rừng Thệ đa. Lục chúng Bí-sô vì tham lợi dưỡng nên cùng lập chế mỗi ngày luân phiên cho một người đứng ở trước cửa cổng, hôm đó đến phiên của Ô-ba-nan-đà, từ xa thấy một Bí-sô già đang đi đến, Ô-ba-nan-đà không biết là Thượng tòa nào nên đi tới trước chào hỏi thiện lai, Bí-sô già này liền đáp lại: “xin kính lễ A-giá-lợi-da”, Ô-ba-nan-đà vừa nghe liền biết đây là một Mô ha la nên nói: “thiện lai lão phụ”, rồi đưa vào trong giải lao và nghỉ ngơi, sau đó Bí-sô già nói là muốn đi, hỏi là muốn đi làm việc gì, đáp là muốn lễ tháp rồi trở về, Ô-ba-nan-đà khuyên ở lại, liền đáp: “vì trước khi đi, tôi không có định ở lại nên không mang theo ba y, nay muốn lễ tháp rồi trở về trú xứ”. Lúc đó đến giờ lễ tháp, Tăng đánh kiền chùy tập họp, Bí-sô già muốn đi theo lễ tháp, Ô-ba-nan-đà nói: “ông không có ba y làm sao lễ tháp, ở đây tôi có ba y sẽ đưa cho ông tạm mặc”, nói rồi liền đưa cho Bí-sô già ba cái mền lông dùng làm ba y: một cái quấn làm hạ y rồi dùng dây thô cột làm dây lưng, quấn một cái khác day lông hướng ra ngoài làm y Uất Đa-la tăng, lại quấn thêm cái khác cũng day lông hướng ra ngoài làm y Tăng-già-lê. Xong xuôi rồi liền bảo Bí-sô gia này đi lễ tháp, các Bí-sô thấy liền hỏi: “này Mô ha la, ông ở đâu mà lại mặc y đùa giỡn kiểu này?”, đáp: “ba y mà tôi mặc đều đúng như Phật đã chế, sao lại nói là đùa giỡn”, lại hỏi: “ai đã đưa cho ông ba y này thọ trì?”, đáp là Đại đức Ô-ba-nan-đà, các Bí-sô nói: “trừ nhóm đó ra, ai lại làm việc xấu xa như vậy”, bạch Phật, Phật nói: “do mặc y phục có lông dài nên có lỗi này, từ nay tất cả loại vải có lông dài đều không được dùng làm ba y. Ai làm trái thì phạm tội Ác tác”. Sau đó có các cư sĩ tịnh tín đem Giạ nỉ lông đến cúng cho Tăng, Bí-sô không thọ nên các cư sĩ nói: “khi Phật chưa ra đời, chúng tôi xem ngoại đạo là chỗ tu phước; nay Phật ra đời, chúng tôi xem các vị là đại phước điền. Vì sao các vị không thọ vật của chúng tôi cúng, há không phải khiến chúng tôi bỏ tư lương tốt thú hướng cho đời sau hay sao?”, bạch Phật, Phật nói: “nên thọ nhưng khi thọ dụng khởi tưởng là vật của họ, nếu là Giạ nỉ có lông ngắn thì lấy làm y dư để thọ trì, nếu là Giạ nỉ dày lớn có lông dài thì khi thọ dụng nên tưởng là vật của thí chủ”.

7. Nhiếp tụng thứ bảy trong Biệt môn thứ ba:

Xây tháp thờ tóc, móng,
Nên sơn màu trắng sáng,
Tùy ý trang trí đèn,
Làm mái hiên cao lên.

Phật tại thành Thất-la-phiệt, lúc đó trưởng giả Cấp-cô-độc đến bạch Phật: “con muốn xây tháp thờ tóc, móng tay của Phật, xin Phật chấp thuận”, Phật nói tùy ý, lại xin Phật cho sơn màu trắng sáng và thắp đèn thành hàng trên tháp, Phật nói tùy ý. Trưởng giả trang trí đèn trên bậc thềm, dầu chảy xuống làm dơ tháp, Phật bảo nên để dưới bậc thềm, lại bị chó đến đụng làm ngã hư đèn, trưởng giả xin Phật cho làm chân đèn, Phật nói tùy ý, lại bị bò đến húc ngã, trưởng giả lại xin Phật cho làm giá đèn, Phật nói nên làm. Lúc đó bốn phía tuy có để đèn nhưng nhìn ra xa không rõ, trưởng giả lại xin Phật cho làm mái hiên trên cao, Phật nói tùy ý.

8. Nhiếp tụng thứ tám trong Biệt môn thứ ba:

Cửa tháp và mái che,
Xây thêm nền dưới tháp,
Dùng đá đỏ, bột tía tô
Phật cho tùy ý làm.

Lúc đó trưởng giả lại xin Phật cho làm cửa tháp, mái che nơi hành lang và lát nền tháp bằng đá đỏ, dùng bột tía tô vẽ các đồ hình, Phật nói tùy ý làm.

9. Nhiếp tụng thứ chín trong Biệt môn thứ ba:

Không được dùng đinh đóng,
Và leo lên trên tháp,
Cúng hoa bằng vàng bạc,
Làm mái che trên tháp.

Phật tại thành Thất-la-phiệt, lúc đó các Bí-sô muốn treo vòng hoa cúng dường tháp nên leo lên tháp đóng đinh để treo, các cư sĩ chê trách: “Đại sư đã bỏ gai góc từ lâu, vì sao các thầy lại dùng đinh đóng lên”, bạch Phật, Phật nói: “từ nay không nên dùng đinh đóng trên tháp, ai làm trái thì phạm tội Ác tác. Khi mới xây tháp nên làm thêm cọc ngà voi ở bên ngoài để treo”. Các Bí-sô lại leo lên đỉnh tháp để đèn, Phật nói: “không nên để đèn trên đỉnh tháp cao, ai làm trái thì phạm tội Ác tác”. Lúc đó các cư sĩ thấy Bí-sô lên tháp treo phan lọng và các vật cúng dường liền chê trách, Phật nói: “nên bảo tịnh nhân làm, nếu không có tịnh nhân thì bảo Cầu tịch, nếu không có Cầu tịch thì Bí-sô nên rửa chân sạch bằng nước thơm và tác ý muốn cúng dường đại sư rồi mới lên tháp. Ai làm trái thì phạm tội Ác tác. Nếu tháp quá cao nên dùng dây cột từ trên xuống dưới rồi nắm dây leo lên”. Lúc đó các cư sĩ khi đến tháp đều mang theo vòng hoa để cúng dường, những hoa đã cúng trước khô héo không ai vất bỏ nên tháp không sạch sẽ, Phật bảo nên vất bỏ. Trưởng giả Cấp-cô-độc liền xin Phật cho dùng vòng hoa bằng vàng bạc để cúng dường tháp, Phật nói tùy ý. Trên tháp có chim đậu phóng uế khiến tháp không sạch, trưởng giả xin Phật cho làm mái che trên tháp, Phật nói tùy ý. Do tháp không làm cửa nên bên trong tối tăm, Phật bảo nên làm thêm cửa.

10. Nhiếp tụng thứ mười trong Biệt môn thứ ba:

Dùng sắt xây dựng tháp,
Cho đến dùng bảy báu,
Lại cho cúng cờ phướn,
Cho đến dùng dầu thơm.

Phật tại thành Thất-la-phiệt, lúc đó trưởng giả Cấp-cô-độc xin Phật cho dùng sắt để xây tháp, cho đến dùng bảy báu như vàng bạc…, Phật đều cho làm. Lại xin Phật cho dùng cờ phướn và lụa nhiều màu để tráng hoàng tháp, Phật nói tùy ý, không biết làm cờ phướn như thế nào, Phật nói: “có bốn loại cờ phướn: cờ hình Sư tử, cờ hình Trâu, cờ hình Kim súy điểu và cờ hình rồng”, lại xin Phật cho dùng dầu thơm thoa cho đến dùng bột tía, nước chiên đàn trầm thủy để chùi rửa tháp, Phật đều cho tùy ý làm.

IV. TỔNG NHIẾP TỤNG CỦA BIỆT MÔN THỨ TƯ:

Khóa cửa, tùy chỗ dùng,
Thấm y, đại tiểu tiện,
Nhuộm y, lạm nhận y,
Mua chịu, trái, bất tịnh.

1. Nhiếp tụng trong Biệt môn thứ tư:

Khóa cửa, gối dựa, lưới,
Nhận gạo cho chúng dùng,
Làm phòng riêng trong chùa,
Người ở được thọ dụng.

Phật tại thành Thất-la-phiệt, tôn giả Ưu-ba-ly hỏi Phật: “Phật cho làm vòng khoen khóa cửa, vật này nên làm bằng gì?”, Phật nói: “trừ vật báu, các vật khác đều được làm”, lại hỏi: “Phật cho làm gối dựa, vật này nên làm bằng gì?”, Phật nói: “trong bảy loại chỉ sợi, tùy lấy dùng một loại để làm”, lại hỏi: “Phật cho làm lưới, lưới nên làm bằng gì?”, Phật nói: “cỏ tranh, cỏ cói, dây gai… đều có thể dùng để làm”, lại hỏi: “Phật cho làm song cửa lưới, nên dùng vật gì làm?”, Phật nói: “trừ vật báu, các vật khác đều được làm”.

Duyên xứ như trên, trong thành có một trưởng giả kính tín Tam bảo, tâm ý thuần thành, ưa thích hiền thiện hằng ngày thỉnh Tăng đến nhà thọ thực. Sau đó ông cưới vợ là tín đồ của ngoại đạo lỏa hình nên bảo vợ: “Đấng vô thượng từ phụ là đại sư của ta và Tăng già là phước điền thắng thượng, nàng nên cúng dường y thực cho các vị ấy”, một hôm có việc phải đi qua thôn khác, trước khi đi ông dặn vợ: “trong thời gian ta vắng nhà, nàng phải thường cúng dường Phật và Tăng không để thiếu thốn như lúc ta ở nhà”, người vợ nhận lời. Trưởng giả lại đến bạch Tăng: “nay con có việc phải vắng nhà ít hôm, cúi xin Tăng già vẫn như trước đến nhà con thọ thỉnh thực”, các Bí-sô nhận lời rồi nói với nhau: “vợ của trưởng giả vốn không có tín tâm, ai đến phiên thọ thỉnh thực nên đến đó sớm”. Sáng hôm sau, các Bí-sô đến nhà thọ thỉnh thực sớm, vợ trưởng giả thấy đến sớm liền trách: “tôi chưa làm thức ăn xong, cũng chưa trải tòa ngồi, tại sao các vị lại đến sớm như thế”, các Bí-sô nghe rồi nói với nhau: “hôm nay đến sớm lại bị giận trách, vậy ngày mai vào giờ ngọ chúng ta mới đến thọ thỉnh thực”. Qua ngày mai, vợ của trưởng giả nấu thức ăn và trải tòa ngồi sớm nhưng mãi đến giờ ngọ các Bí-sô mới đến, bà liền trách: “các Thánh giả, đâu phải tôi rảnh rỗi để làm mỗi việc này, từ sáng sớm tôi đã dọn thức ăn lên và trải tòa ngồi, vì sao mãi đến giờ ngọ các vị mới đến”, các Bí-sô nghe rồi nói với nhau: “đến sớm thì giận trách, đến trưa cũng giận trách, từ ngày mai chúng ta như thường lệ theo thứ lớp khất thực, không đến nhà này thọ thỉnh thực nữa”. Sau khi lo liệu công việc xong, trưởng giả trở về nhà và hỏi vợ các Thánh giả có đến thọ thỉnh thực không, người vợ nói: “hai ngày đầu có đến, sau đó không thấy đến nữa”, trưởng giả nghe rồi liền biết là do vợ mình bỏn xẻn nên mới như thế, sau đó gặp các Bí-sô khất thực liền hỏi nguyên do, Bí-sô đáp: “chúng tôi theo thứ lớp khất thực cũng được no đủ”, trưởng giả nói: “con biết là do vợ con bỏn xẻn, nhưng ruộng lúa của con vừa mới chín, xin dâng cúng cho các thầy mang về trong chùa”, Bí-sô nói Phật chưa cho thọ, bạch Phật, Phật nói: “nên thọ, khởi tưởng là vật của người, nhận mang về cho Tăng thì không phạm”.

Lúc đó có một trưởng giả xấy cất một phòng đặc biệt trong rừng Thệ đa có đầy đủ giường nệm và các lợi vật, các Bí-sô luân phiên theo thứ lớp đến ở, có người đem lợi vật trong phòng này để xen lẫn vào lợi vật của Tăng, bạch Phật, Phật nói: “lợi vật trong phòng đặc biệt, tùy ai ở trong đó thì được thọ dụng”.

2. Nhiếp tụng thứ hai trong Biệt môn thứ tư:

Tùy ở được thọ dụng,
Người xây cất cần dùng,
Khí cụ và đèn dầu…,
Dùng theo ý thí chủ.

Duyên xứ như trên, khi các Bí-sô lấy lợi vật trong phòng đặc biệt để xen lẫn vào lợi vật của Tăng, Phật nói: “tùy người nào được ở trong phòng đó thì được thọ dụng, không nên lấy lợi vật đã có để xen lẫn vào lợi vật của Tăng”, lúc đó khi phân chia lợi vật cho chúng tăng, vị thọ sự không chịu chia cho người đang ở trong phòng đặc biệt này, Phật nói: “tuy ở trong phòng đặc biệt nhưng vẫn được chia lợi vật của chúng tăng”. Sau đó khi yết ma sai làm người thọ sự, Tăng không sai người đang ở trong phòng đặc biệt này, Phật nói nếu luân phiên đến thứ lớp thì nên sai.

Lúc đó trong thành có một Bí-sô khất thực, giáo hóa được một thí chủ quy y Tam bảo và thọ trì năm học xứ; sau đó lại nói về công đức của bảy phước nghiệp hữu sự, thí chủ nghe rồi liền muốn tu phước nghiệp nên hỏi Bí-sô làm việc gì, Bí-sô bảo nên xây cất trú xứ cho Tăng, thí chủ nói: “con có tài vật nhưng không có người coi giúp”, Bí-sô nói: “ông mang tài vật đến, tôi sẽ coi giúp cho ông”, thí chủ liền mang tài vật đến đưa cho Bí-sô, Bí-sô nhận rồi để ở trong phòng mình. Sau đó thí chủ muốn biết việc xây cất trú xứ đến đâu rồi nên đến xem thử, không ngờ đến nơi thấy chưa làm gì hết liền hỏi Bí-sô nguyên do, Bí-sô nói: “cái tôi cần dùng là khí cụ và vật liệu xây dựng nhưng lại không có nên không thể khởi công được”, thí chủ nói: “tài vật tôi đưa sao không đem ra dùng đổi lấy khí cụ và vật liệu xây dựng?”, Bí-sô nói: “tài vật ấy thuộc Tứ phương tăng nên tôi không dám lấy dùng”, bạch Phật, Phật nói: “nếu là ý của thí chủ thì Bí-sô nên lấy tài vật ấy ra đổi lấy khí cụ và vật liệu xây dựng”. Sau đó, thí chủ thấy Bí-sô này lại theo thứ lớp khất thực liền hỏi: “thầy đi khất thực như vậy thì ai trông coi việc xây cất?”, đáp: “không lẽ tôi nhịn đói để trông coi hay sao?”, thí chủ nói: “tài vật tôi đưa sao không trích lấy ra dùng vào việc ăn uống?”, đáp: “Phật chưa cho lấy dùng tài vật thuộc Tứ phương tăng”, bạch Phật, Phật nói: “nếu là ý của thí chủ thì Bí-sô nên trích lấy dùng cho việc ăn uống”. Bí-sô dùng toàn là thức ăn thượng diệu nên Phật nói: “không nên như vậy, chỉ nên ăn loại thức ăn thường”, Bí-sô ăn toàn là thức ăn thô dỡ nên không đủ sức để trông coi công việc xây cất, Phạt nói: “Bí-sô nên ăn loại thức ăn như Tăng ăn hằng ngày”. Lúc đó Bí-sô để khí cụ và vật liệu xây dựng trong phòng, vì trong phòng tối nên cần có đèn dầu phải đi xin, thí chủ thấy xin dầu liền hỏi xin dầu làm gì, Bí-sô nói rõ nguyên do, thí chủ nói: “vì sao không trích lấy tài vật ra đổi?”, bạch Phật, Phật nói: “nếu là ý của thí chủ thì Bí-sô nên trích lấy ra dùng không phạm”. Bí-sô để đèn sáng suốt đêm, Phật nói: “không nên đốt đèn suốt đêm, thu cất khí cụ xong nên tắt đèn. Như vậy nên biết từ khăn lau chân cho đến các duyên xây dựng đều theo đây mà thọ dụng”.

3. Nhiếp tụng thứ ba trong Biệt môn thứ tư:

Để mưa thấm vật Tăng,
Nửa đêm chia ngọa cụ,
Giường nhỏ chia theo tuổi,
Chiếu mền cũng như vậy.

Phật tại thành Thất-la-phiệt, lúc đó Lục chúng Bí-sô đem ngọa cụ đã bỏ ra không dùng để nơi đất trống, bị mưa thấm ướt làm hư hoại. Bí-sô bạch Phật, Phật nói: “không nên để ngọa cụ của Tăng ngoài đất trống suốt mùa hạ, bị mưa thấm ướt làm hư hoại. Ai không thu cất thì phạm tội Ác tác”.

Lúc đó các Bí-sô mặc y Tăng-già-lê giặt, nhuộm y và làm bát khiến y bị hư hoại, Phật nói: “nếu mặc y Tăng-già-lê giặt, nhuộm y và làm bát thì phạm tội Ác tác”.

Lúc đó Lục chúng Bí-sô du hành trong nhân gian, khi đến một trú xứ Tăng trong một tụ lạc thì đã nửa đêm, chúng tăng trong trú xứ đều đã ngủ. Họ kêu dậy nói: “này các cụ thọ, chánh pháp của Đại sư còn ở đời sao các vị không phụng hành theo, đừng để sau này phải hối hận. Các vị hãy thức dậy chia ngọa cụ dựa theo tuổi hạ cho chúng tôi”, các Bí-sô cựu trụ đều thức dậy tập họp các ngọa cụ của Tăng lại để chia cho Lục chúng Bí-sô, họ nhận ngọa cụ rồi tìm chỗ ngủ, chúng tăng thu xếp xong thì trời vừa sáng. Lục chúng Bí-sô thức dậy, muốn ra đi nên bảo Bí-sô cựu trú thu cất ngọa cụ, Bí-sô cựu trụ nói: “Thượng tòa chỉ an thân có một đêm mà làm cho chúng tăng phải mệt nhọc sanh bịnh”. Các Bí-sô nghe biết việc này liền bạch Phật, Phật bảo: “Bí-sô cựu trụ không nên chia ngọa cụ vào ban đêm, nếu khách Bí-sô chỉ ngủ lại một đêm thì nên ngủ tạm ở chỗ thân hữu; nếu ở lại lâu thêm thì mới chia ngọa cụ theo tuổi hạ cho khách. Ai làm trái thì phạm tội Ác tác”.

Lúc đó Lục chúng Bí-sô cùng các Bí-sô du hành trong nhân gian, đến trong một trú xứ Tăng thấy giường nệm trải sẳn của các Bí-sô cựu trụ, liền chiếm lấy giường nệm lớn và tốt mà nằm. Do họ cũng là bậc Thượng tòa nên không ai bảo họ qua chỗ khác nằm, các Bí-sô kỳ túc khác đành phải nằm ngủ dưới đất. Khi các Bí-sô này đi đến rừng Thệ đa, các Bí-sô cựu trụ chào thiện lai và thăm hỏi có được an lạc không, đáp là không an lạc rồi kể lại việc trên, các Bí-sô bạch Phật, Phật nói: “nếu là giường nệm lớn tốt thì nên theo thứ lớp từ bậc Thượng tòa mà chia cho nhau”.

4. Nhiếp tụng thứ tư trong Biệt môn thứ tư:

Ở chỗ đại tiểu tiện,
Kinh hành không não người.
Rửa chân, vải lau giày,
Nồi, sạn… không đoạt dùng.

Duyên xứ như trên, lúc đó Lục chúng Bí-sô ở chỗ đại tiểu tiện thuờng qua lại kinh hành hoặc nói chuyện, đọc tụng…, hễ thấy có Bísô nào muốn vào nhà xí thì liền ngăn lại nói rằng: “khoan hãy vào, ta lớn hơn nên vào trước”, mục đích là xúc não các Bí-sô. Các Bí-sô bạch Phật, Phật nói: “không được ở chỗ đại tiểu tiện kinh hành xúc não người khác, ai làm trái thì phạm tội Việt pháp”.

Lục chúng Bí-sô ở chỗ rửa chân, đuổi người khác đang rửa chân bên lu nước đứng dậy đi để cho họ rửa chân, Phật nói: “ở chỗ rửa chân, người khác chưa rửa xong, không được cưỡng ép họ đứng dậy để cho mình rửa. Ai đến trước thì rửa trước, không tính theo tuổi hạ lớn nhỏ, ai làm trái thì phạm tội Việt pháp”. Lúc đó có Bí-sô đang lau giày, Lục chúng Bí-sô đoạt lấy khăn lau nói rằng: “ta lớn hơn nên lau trước”, Phật nói: “nếu người khác lau chưa xong mà đoạt lấy dùng thì phạm tội Việt pháp, trong việc làm này không tính theo tuổi hạ lớn nhỏ”. Lại có Bí-sô đang nấu thuốc chưa xong, Lục chúng Bí-sô đoạt lấy nồi cho đến lấy cái sạn để dùng trước bị Phật quở trách như trường hợp trên.

5. Nhiếp tụng thứ năm trong Biệt môn thứ tư:

Nồi, bình dùng nhuộm y,
Bát của Tăng, ly tách,
Dao nhíp, kéo cắt móng,
Kê giường không tính tuổi.

Duyên xứ như trên, lúc đó các Bí-sô dùng nồi, thau, bình nước… của Tăng để nhuộm y, đang nấu nước nhuộm chưa xong thì Lục chúng Bí-sô đoạt lấy để dùng trước bị Phật quở trách cũng như các trường hợp trên. Lại có Bí-sô dùng bát cho đến ly uống nước của Tăng, đang dùng chưa xong thì Lục chúng Bí-sô đoạt lấy để dùng trước bị Phật quở trách giống như trên. Lại có Bí-sô đang cạo tóc chưa xong, Lục chúng Bí-sô đoạt lấy dao để cạo tóc trước; cho đến đá mài dao, kéo cắt móng tay và vật kê chân giường… đoạt lấy lúc người khác chưa làm xong đều bị Phật quở trách như các trường hợp trên.

6. Nhiếp tụng thứ sáu trong Biệt môn thứ tư:

Đo cắt Yết-sỉ-na,
Kim chỉ lúc đang may,
Nước nhuộm… các vật dụng,
Đang dùng không được đoạt.

Duyên xứ như trên, lúc đó một Bí-sô đang dùng thước đo vải của Tăng để đo vải cắt may y Yết-sỉ-na thì Lục chúng Bí-sô đến đoạt lấy để dùng trước, cho đến kim chỉ lúc người khác đang may, nước nhuộm y… các vật dụng lúc người khác đang dùng chưa xong mà đoạt lấy đều bị Phật quở trách giống như các trường hợp ở trên.

 

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10