CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ NI ĐÀ NA MỤC ĐẮC CA

Hán dịch: Tam tạng Pháp sư Nghĩa Tịnh đời Đường – TQ
Việt dịch: Ban phiên dịch chùa Pháp Bảo, HT Thích Tịnh Hạnh giám tu – năm 2005
Hiệu đính và nhuận văn: NS Thích nữ Như Lộc tại chùa Phổ Minh – năm 2010

 

QUYỂN 3

3. Nhiếp tụng thứ ba trong Biệt môn thứ hai:

Có trương, có không trương,
Có xuất, có không xuất,
Nếu người ở ngoài giới,
Nghe sanh tâm tùy hỉ.

Phật tại thành Thất-la-phiệt, tôn giả Ưu-ba-ly hỏi Phật:

Hỏi: có trường hợp khi Tăng cùng trương y Yết-sỉ-na, Bí-sô ở trong chúng mà lại không trương y hay không?

Phật đáp: có, nếu khi Tăng cùng trương y, Bí-sô ở trong chúng không gởi dục cho người khác mà ngủ hay nhập định thì không gọi là cùng trương y, nhưng đại chúng vẫn được gọi là thiện trương y.

Lại hỏi: có trường hợp khi Tăng cùng trương y Yết-sỉ-na, Bí-sô ở trong chúng tuy không thọ mà vẫn thành trương y hay không?

Phật đáp: có, nếu khi Tăng cùng trương y, Bí-sô ở trong chúng gởi dục cho người khác rồi ngủ hay nhập định thì tuy không thọ vẫn gọi là cùng trương y.

Lại hỏi: có trường hợp khi Tăng cùng xuất y Yết-sỉ-na, Bí-sô ở trong chúng mà lại không cùng xuất y hay không?

Phật đáp: có, nếu khi Tăng cùng xuất y, Bí-sô ở trong chúng không gởi dục cho người khác mà ngủ hay nhập định thì không gọi là cùng xuất y, nhưng Tăng vẫn thành xuất y.

Lại hỏi: có trường hợp khi Tăng cùng xuất y Yết-sỉ-na, Bí-sô ở trong chúng tuy không thọ mà vẫn thành xuất y hay không?

Phật đáp: có, nếu khi Tăng cùng xuất y, Bí-sô ở trong chúng gởi dục cho người khác rồi ngủ hay nhập định thì vẫn gọi là cùng xuất y. nếu có Bí-sô ở ngoài giới nghe Tăng xuất y Yết-sỉ-na mà phát tâm tùy hỉ, cũng thành xuất y.

4. Nhiếp tụng thứ tư trong Biệt môn thứ hai:

Thọ học không tác pháp,
Tác pháp không thành quở,
Mười hai hạng thành quở,
Bất tịnh: phạm căn bản.

Lại hỏi: người thọ học có được tác pháp yết ma không?, Phật nói không được.

Lại hỏi: người thuộc loại Bán trách ca và có các chướng nạn thì có được tác pháp yết ma không?, Phật nói không được.

Lại hỏi: người thọ học có được hành trù không?, Phật nói không được.

Lại hỏi: người phạm tứ trọng có được hành trù không?, Phật nói không được.

Lại hỏi: như Phật đã dạy vì người khác làm yết ma như pháp thì người đó quở không thành quở, vậy nếu làm yết ma phi pháp thì người đó quở có thành quở không?

Phật đáp: người đó quở thì thành quở.

Lại hỏi: nếu mười hai hạng người khi chúng tác pháp sai, liền nói là không cần sai tôi, thì những hạng người này quở có thành quở không?

Phật đáp: những người này quở thì thành quở, nhưng phải dựa vào hai việc, khi ta mật ý nói quở không thành quở tức là chỉ người không thanh tịnh và yết ma như pháp.

Lại hỏi: vậy như thế nào là người không thanh tịnh?

Phật đáp: tức là người phạm một trong bốn tội Tha thắng.

5. Nhiếp tụng thứ năm trong Biệt môn thứ hai:

Càng nên tác pháp lại,
Chớ bảo Cầu tịch ra,
Khéo dụng tâm thủ hộ,
Ở chỗ thấy không nghe.

Duyên xứ như trên, tôn giả Ưu-ba-ly hỏi Phật: “người thọ học vì người khác tác pháp yết ma, tác pháp xong thì có thành yết ma không?”, Phật nói: “không thành, nên tác pháp lại; người phạm tứ trọng cũng vậy”. Lúc đó có một Cầu tịch sắp thọ Cận viên, Thân giáo sư đã sắm đủ y bát, khi tam sư và thất chứng đang tác pháp có bảo Cầu tịch ra ngoài giới đợi. Thân tộc của Cầu tịch này không muốn cho thọ Cận viên nên khi tìm thấy Cầu tịch đứng ở ngoài giới liền dẫn đi, do việc này nên không thể thọ Cận viên và mất thắng nghiệp. Các Bí-sô bạch Phật, Phật nói: “như con trưởng của Chuyển luân thánh vương đã được thọ quán đảnh sắp lên ngôi vua thì phải ngày đêm thủ hộ, Cầu tịch cũng vậy, sắp thọ Cận viên cần phải thủ hộ, không nên bảo ra ngoài giới, nên bảo đứng hướng về Tăng ở chỗ thấy mà không nghe đợi”.

6. Nhiếp tụng thứ sáu trong Biệt môn thứ hai:

Thu nhiếp ở trong giới,
Trong chúng tâm hàng phục,
Chặt bỏ cột, khung cửa,
Ni… cũng đồng đuổi đi.

Duyên xứ như trên, tôn giả Ưu-ba-ly hỏi Phật:

Hỏi: như Phật đã dạy nếu vì người kia tác yết ma Linh bố, người kia về sau nếu được thâu nhiếp ở trong chúng mới vì giải yết ma. Vậy người kia phải đủ mấy pháp mới được thu nhiếp?

Phật đáp: phải đủ năm pháp mới được thu nhiếp: một là có tâm vui mừng, hai là tùy thuận phục tùng chúng tăng, ba là xin diệt trừ tội đã phạm, bốn làtự thân biểu hiện sự cung kính, năm là từ bỏ các duyên đấu tranh.

Lại hỏi: nên tác pháp giải yết ma ở đâu, đáp là ở trong giới.

Lại hỏi: như Phật đã dạy nên tác yết ma linh bố cho các Bí-sô đấu tranh, nếu lúc đang tác pháp họ hiện tướng không phục tùng thì phải như thế nào?

Phật đáp: nên đưa y bát cho họ rồi đuổi ra ngoài giới, nếu họ không chịu đi ôm lấy cột trụ thì chặt bỏ cột trụ, nếu ôm chặt khung cửa thì chặt bỏ khung cửa.

Lại hỏi: cột trụ và khung cửa bị chặt hư thì ai đứng ra tu bổ lại?

Phật đáp: đại chúng nên quyên hóa rồi cùng cư sĩ tu bổ lại.

Lại hỏi: nếu Bí-sô ni hợp tác đấu tranh thì làm thế nào?. Phật đáp: cũng tác pháp khu tẫn giống như Bí-sô, ba chúng dưới cũng vậy. Nếu bị đuổi mà không đi cũng làm giống như trên.

Lại hỏi: nếu Bí-sô hay Bí-sô ni làm hạnh xấu, nhơ nhà người, có nên tác pháp yết ma Khu tẫn họ không?

Phật đáp: nên làm, ba chúng dưới cũng vậy.

7. Nhiếp tụng thứ bảy trong Biệt môn thứ hai:

Phá giới nên đuổi đi,
Níu núp cũng như trên,
Xúc não tục cầu tạ,
Các chúng khác cũng vậy.

Lại hỏi: như Phật đã dạy nên khu tẫn Bí-sô phá giới, vậy ai nên khu tẫn?

Phật đáp: nếu họ không phục tùng, Tăng nên đưa y bát cho họ rồi đuổi đi, nếu họ ôm cột trụ không chịu đi thì nên làm giống như trên.

Lại hỏi: như Phật đã dạy nếu Bí-sô cùng cư sĩ khinh hủy nhau thì nên vì họ tác pháp yết ma Cầu tạ, nếu Bí-sô cùng Bí-sô khinh hủy nhau thì có nên vì họ tác pháp yết ma Cầu tạ không?, Phật nói nên làm.

Lại hỏi: nếu Bí-sô cùng Bí-sô ni cho đến ba chúng dưới khinh hủy nhau thì có nên vì họ tác yết ma Cầu tạ không?

Phật đáp: nên làm, nếu Bí-sô ni cùng ba chúng dưới xúc não nhau cũng nên làm như vậy.

8. Nhiếp tụng thứ tám trong Biệt môn thứ hai:

Cho Cầu tịch linh bố (yết ma),
Vì thành thọ Cận viên,
Khi năm pháp thành tựu,
Năm hạ lìa y chỉ.

Lại hỏi: Nếu Tăng vì Cầu tịch tác yết ma Linh bố, sau đó lại cho thọ Cận viên thì có thành thọ không?

Phật đáp: thành thọ Cận viên nhưng người truyền giới mắc tội, trước đó nên tác pháp giải yết ma cho người này.

Lại hỏi: như Phật đã dạy thành tựu năm pháp và đủ năm tuổi hạ thì được lìa y chỉ, tùy ý du hành, cho đến mười hạ khi đi đến đâu cũng phải cầu y chỉ. Nếu chỉ đủ bốn hạ nhưng thành tựu năm pháp thì có được tùy ý du hành hay không?

Phật đáp: không được, phải đủ năm hạ.

Lại hỏi: nếu đủ năm hạ nhưng chưa đủ năm pháp thì có được lìa y chỉ hay không?

Phật đáp: không được vì chưa thành tựu năm pháp (biết phạm, biết không phạm, biết tội trọng, biết tội khinh và thông hiểu luật tạng).

Lại hỏi: nếu chỉ đủ ba hạ nhưng thông hiểu ba tạng, đủ tam minh, trừ hết ba cấu thì có được lìa y chỉ không?

Phật đáp: vẫn phải cần y chỉ vì giáo pháp đã chế định như thế.

Lại hỏi: đủ năm hạ, thành tựu năm pháp mới được du hành, nếu khi đi đến một nơi nào đó thì được trong mấy ngày không có y chỉ?

Phật đáp: được đến năm đêm, đây là dựa trên có tâm cầu y chỉ, nếu không có tâm cầu y chỉ thì dù một đêm cũng không được, ở trong Tăng thọ dụng thức ăn uống… đều không nên cho.

9. Nhiếp tụng thứ chín trong Biệt môn thứ hai:

Đồng phần, chẳng đồng phần,
Tội hữu hạn, vô hạn,
Che giấu, không che giấu,
Một tên, chủng loại khác.

Lại hỏi: như thế nào là tội đồng phần và tội phi đồng phần? Phật đáp: tội đồng phần là tội Ba la thị ca và vọng về Ba la thị ca, nếu vọng về các thiên (bộ) khác thì gọi là phi đồng phần; bốn thiên dưới cũng vậy.

Lại hỏi: như thế nào là tội hữu hạn và tội vô hạn?

Phật đáp: nếu Bí-sô không nhớ rõ tội và số đêm đã phạm thì gọi là vô hạn, nếu nhớ rõ thì gọi là hữu hạn.

Lại hỏi: như thế nào là có phú tàng và không phú tàng?Phật đáp: phú tàng có hai là số đêm che giấu và tâm che giấu, nếu Bí-sô không có tâm che giấu tuy trải qua đêm cũng không gọi là che giấu, nếu có tâm cố ý che giấu mới gọi là che giấu.

Lại hỏi: đối với các tội xứ nói có danh chủng, như thế nào là danh và chủng?

Phật đáp: như Ba la thị ca là danh, cụ thể từng sự việc đã làm là chủng, danh và chủng của bốn thiên sau cũng vậy.

10. Nhiếp tụng thứ mười trong Biệt môn thứ hai:

Không hành pháp trên tường,
Không ở chỗ một… ba,
Không đối người phá giới,
Không lấy dục (của) Thọ học.

Duyên xứ như trên, như Phật đã dạy nếu có Bí-sô muốn hành pháp Ba lợi bà sa và Ma na đỏa thì nên cho họ hành pháp đó. Lúc đó Lục chúng Bí-sô ra ngoài giới ở trên tường hành pháp ấy, các Bí-sô hỏi muốn làm gì, đáp là muốn hành pháp Ba lợi bà sa, các Bí-sô nói: “đây chính là ẩn nấp, làm sao thành hành pháp được”, bạch Phật, Phật nói: “các thầy không được hành pháp ấy ở trên tường, cũng không được ở nơi chỉ có một, hai, ba Bí-sô, nên ở trong chúng đủ bốn Bí-sô trở lên mới được hành pháp này”, Lục chúng Bí-sô sau đó lại ở tại trú xứ của bốn người Thọ học để hành pháp ấy, Phật nói: “không được ở nơi có bốn người thọ học cho đến nơi có bốn người phạm Ba la thị ca hoặc nơi có bốn người đang hành pháp Ba lợi bà sa mà hành pháp này. Cũng không được ở nơi có ba người phạm trọng và thêm một người thanh tịnh, cho đến thêm hai hay ba người thanh tịnh. Nên ở trong chúng thanh tịnh đồng kiến mà hành pháp phú tàng; cho đến cho hành sáu đêm và xuất tội, chúng tăng đều phải thanh tịnh”.

Tôn giả Ưu-ba-ly hỏi Phật: “người thọ học có được gởi dục không?”, Phật nói không được, lại hỏi: “người này có được lấy dục không?”, Phật nói được vì đó là Bí-sô.

III. TỔNG NHIẾP CỦA BIỆT MÔN THỨ BA:

Sàn tròn, rớt bể bát,
Khăn, ống khói, chén thuốc,
Vồ sắt, tóc và cửa,
Không nên làm bằng sắt.

1. Nhiếp tụng trong Biệt môn thứ ba:

Sàn tròn, miếu thờ trời,
Hai trạm rưỡi y chỉ,
Không độ người không bát,
Không ghi tên lên bát.

Phật tại thành Thất-la-phiệt, lúc đó các Bí-sô tùy tiện rửa chân, rửa bát làm cho chỗ đất đó sanh nhiều ruồi muỗi. Các Bà-la-môn, cư sĩ thấy liền hỏi Bí-sô: “đây có phải là chỗ các thầy tiểu tiện hay không?”, đáp: “không phải, đó là chỗ rửa bát, rửa chân”, họ nghe rồi liền chê trách: “các Bí-sô không sạch sẽ, rửa bát, rửa chân tùy tiện, không chọn chỗ nơi”, bạch Phật, Phật nói: “không nên rửa bát, rửa chân bừa bãi, nên làm sàn nước để rửa bát, rửa chân”. Lúc đó các Bí-sô làm sàn nước tròn, cư sĩ thấy cho là Bí-sô muốn thờ mặt trời, Phật nói không nên làm tròn; các Bí-sô lại làm sàn nước hình bán nguyệt, cư sĩ lại cho là muốn thờ mặt trăng, Phật nói: “nên làm theo hình mũi mác hay hình ống theo chiều nước chảy, nếu làm sàn nước tròn hay bán nguyệt thì phạm Ác tác; nếu vì tam bảo thì làm hình gì cũng không phạm”. Lúc đó Phật vì đại thần Hành vũ nước Ma-kiệt-đà lược nói pháp yếu:

“Bậc trượng phu chánh tín,
Cúng dường chúng chư thiên,
Thuận theo lời Phật dạy,
Được chư Phật ngợi khen”.

Lúc đó Lục chúng Bí-sô tự ý thờ cúng vị trời Yết thát bố đản na và Ha đăng già cù lợi ca, các cư sĩ thấy liền chê trách: “các thầy đã xuất gia trong thiện pháp luật, vì sao lại thờ cúng thiên thần?”, bạch Phật, Phật nói: “đây là ta vì người tục mật ý nói, không phải là việc mà Bí-sô nên làm, vì vậy các thầy không nên thờ cúng thiên thần”. Các Bí-sô trở lại đối với các thiên thần sanh tâm khinh chê, thiên thần nói: “chúng tôi đối với các vị có lỗi gì mà bị khinh chê như vậy?”, bạch Phật, Phật nói: “từ nay đối với thiên thần, các thầy không nên thờ cúng cũng không nên sanh tâm khinh chê”. Sau đó có Bí-sô đến nơi khác thấy tượng của vị trời Yết thát bố đản na và Ha đăng già cù lợi ca liền đập phá, các cư sĩ thầy liền chê trách: “tượng của thiên thần không có tâm thức, vì sao lại đập phá?”, các Bí-sô nghe biết việc này liền bạch Phật, Phật bảo: “từ nay Bí-sô không được đập phá tượng thiên thần”. Lại có Bí-sô khi du hành trong nhân giàn, vì thuận đường đi nên nhiễu phải miếu thờ trời, Phật nói: “Bí-sô không được nhiễu phải miếu thờ trời”, Bí-sô vâng lời Phật dạy nên tránh đi theo đường cũ, đi đường khác gặp gai góc làm bị thương, Phật nói: “nếu vì thuận đường đi mà phải hữu nhiễu miếu thờ trời thì khi đi nên đọc tụng Thánh kệ, tằng hắng hay khảy móng tay để họ cảnh giác”.

Tôn giả Ưu-ba-ly hỏi Phật: “phạm vị của đại giới là hai trạm rưỡi, Phật chế các đệ tử một ngày ba lần nên đến kính lễ hai thầy, nếu các đệ tử ở cách xa chỗ ở của hai thầy đến hai trạm rưỡi, không thể một ngày đến ba lần được thì phải làm sao?”, Phật nói: “nếu ở cách xa chỗ thầy khoảng năm Câu lô xá thì nửa tháng nên đến kính lễ một lần, nếu cách xa chỗ thầy một Câu lô xá thì nên khoảng bảy tám ngày đến kính lễ một lần, nếu ở gần chỗ thầy thì một ngày nên đến kính lễ một lần, nếu ở chung với thầy thì một ngày ba lần nên đến kính lễ. Ai làm trái thì phạm tội Việt pháp”.

Lúc đó Ô-ba-nan-đà cho người không có bát xuất gia thọ Cận viên, khi các Bí-sô rửa bát xong xếp cất vào chỗ để bát rồi thỉnh hai thầy đi nhiễu tháp, Bí-sô không có bát này liền đến cạnh bát của tôn giả Kiều trần như muốn lấy để dùng, tôn giả ngăn không cho lấy nói là bát của tôi, lần lượt đến lấy bát của các vị khác cũng bị ngăn như thế. Lúc đó các Bí-sô hỏi là đệ tử của ai, đáp là của Ô-ba-nan-đà, các Bí-sô bạch Phật, Phật nói: “không nên độ người không có bát cho xuất gia thọ Cận viên, ai độ thì phạm tội Ác tác. Nếu muốn độ cho xuất gia thì nên cho họ bát, bát nhỏ cho đến chén đồng… không để cho họ thiếu thốn”.

Tôn giả A-ni-lư-đà có một đệ tử thường giữ bát cho thầy, vì bát của hai thầy trò giống nhau, khó phân biệt được nên đệ tử này ghi tên dưới đáy bát. Lúc đó có một trưởng giả thỉnh Phật và Tăng ngày mai đến nhà thọ thực, trưởng giả này trước đó có cùng với một dâm nữ tư thông nên bảo dâm nữ ngày mai đến dâng cúng thức ăn cho Phật và Tăng, nhưng dâm nữ có việc không thể đến được. Phật và Tăng sau khi đến nhà thọ thỉnh thực xong, Phật nói kệ chú nguyện rồi ra về, lúc đó đệ tử của tôn giả A-ni-lư-đà chưa ra khỏi nhà, trưởng giả hỏi mượn vị ấy cái bát, Bí-sô này liền đưa bát của thầy cho trưởng giả, trưởng giả đựng đầy thức ăn ngon vào bát rồi gửi cho dâm nữ, dâm nữ nhận rồi sớt thức ăn qua chén bát của mình, bỗng nhìn thấy tên của tôn giả ở dưới đáy bát, liền suy nghĩ: “đây là bát của bậc mô phạm đáng được trời người cúng dường, ta không nên đưa trả lại suông sẽ mất phước lợi”, nghĩ rồi liền lau chùi bát rồi dùng nước thơm rửa ba lần, thoa bột thơm, đặt vòng hoa lên rồi để trên tòa cao, hữu nhiễu rồi lại để xuống đất đốt hương xông cúng dường. Lúc đó có một Bà-la-môn vốn có quen biết dâm nữ, vừa đến nhà thấy dâm nữ làm việc cúng dường này liền hỏi: “hiền thủ làm gì vậy?”, đáp: “đây là bát của tôn giả A-ni-lư-đà, là bậc mà trời người đều kính trọng nên tôi tự thân cúng dường bát này”, Bà-la-môn nói: “nàng đem dâm nhiễm nhiếp hết mọi người, nay đối với Sa môn Thích tử cũng chẳng bỏ qua”. Các Bí-sô nghe biết việc này liền bạch Phật, Phật bảo: “do Bí-sô ghi tên vào vật riêng của mình nên có lỗi này, từ nay không nên viết tên lên vật dụng”, các Bí-sô không biết không được viết tên lên những vật gì, Phật nói: “có năm thứ không nên viết tên lên: một là Giới kinh biệt giải thoát, hai là Quảng thích biệt giải thoát, ba là các vật, bốn là Nghĩa tương ưng với Luật giáo, năm là vật riêng của mình không nên ghi tên, chỉ nên làm dấu riêng để nhận biết”,

Ưu-ba-ly bạch Phật: “Thế tôn, nếu không được viết luật giáo thì các Bí-sô vị lai sẽ không thể nhớ giữ, phần nhiều quên mất; đối với duyên khởi còn không thể nhớ thì phải làm sao?”, Phật nói: “nếu vậy nên ghe trên giấy, trên lá cây để thọ trì”.

2. Nhiếp tụng thứ hai trong Biệt môn thứ ba:

Cầu tịch rớt bể bát,
Khai cho người chánh niệm,
Hai loại lồng nung bát,
Vật cần dùng theo lồng.

Phật tại thành Thất-la-phiệt, lúc đó có một Bí-sô nuôi một Cầu tịch thường sai giữ bát, sau đó Cầu tịch lở tay làm rớt bể bát khiến thầy bị thiếu bát, các Bí-sô nghe biết việc này liền bạch Phật, Phật bảo: “không nên sai Cầu tịch rửa bát”. Tôn giả Xá-lợi-phất có một Cầu tịch tên là Chuẩn đà cũng thường sai giữ bát, khi Chuẩn đà đến lấy bát của thầy đem rửa, tôn giả nói: “Phật đã chế học xứ không nên sai Cầu tịch rửa bát”, Chuẩn đà bạch: “con há lại làm lỗi như thế hay sao?”, các Bísô nghe biết việc này liền bạch Phật, Phật bảo: “nếu biết rõ Cầu tịch có thể giữ bát cẩn thận thì nên cho họ rửa bát”. Lúc đó có một Bí-sô dùng bát sắt, chất dơ làm cho bát sắt này bị lủng nhiều chỗ, bạch Phật, Phật nói: “nên dùng bát gốm nung chín”, các Bí-sô liền chất nhiều củi để nung bát khiến bát bị hư, Phật nói: “không nên làm như thế, nên để bát trong cái lồng rồi mới nung “, các Bí-sô không biết làm cái lồng như thế nào, Phật nói: “lồng có hai loại: một là tự làm, hai là thợ làm. Thợ làm là đưa cho thợ gốm làm, tự làm là dùng cái vò hay cái chum cắt ra dùng”, các Bí-sô để cái vò trên đất đập làm vò bị bể, Phật nói: “nên đổ tro vào đầy chum rồi dùng đinh đục từ từ từng lỗ để cắt thành hai miếng”, các Bí-sô không biết lấy vật gì đắp bên ngoài, Phật nói nên dùng cỏ hay trấu làm bùn đắp bên ngoài; lại không biết lấy vật gì thoa bên trong, Phật nói nên dùng cặn dầu mè thoa bên trong rồi đợi cho khô mới nung bát. Khi nung bát xong thấy không có màu sắc, Phật bảo để trấu bên trong rồi khép hai miếng lồng lại, lấy bùn đắp bên ngoài rồi nung. Các Bí-sô để bát trên đất để nung, Phật bảo nên kê lên không thấp quá cũng không cao quá rồi mới nung, nung xong cũng không có màu sắc, Phật bảo nên nhiều lần rửa sạch khói rồi nung lại, thấy khói từ trong lồng bay ra, Phật bảo nên lấy đá vôi bít lại. Lúc đó các Bồ đề chất phân bò thành đống lớn để đốt nung làm cho bát bị hư, Phật bảo nên xếp thành từng lớp rồi đốt lửa ở trên; lại không biết sai ai canh chừng lửa, Phật bảo Bí-sô nên tự trong coi, nếu có việc riêng nên nhờ Bí-sô khác trông coi rồi mới đi. Lúc đó đốt nung bát trên đất làm chết nhiều côn trùng, Phật nói: “nếu rưới nước quét sạch, từ nay cho các Bísô được cất giữ lồng nung bát và các vật dụng theo với lồng để dùng không phạm”.

3. Nhiếp tụng thứ ba trong Biệt môn thứ ba:

Không lau chung một khăn,
Khi tắm ngăn người vào,
Không cạo tóc trên nệm,
Tùy bịnh mà uống ăn.

Phật tại thành Thất-la-phiệt, lúc đó có một thí chủ xây nhà tắm cúng cho Tăng, khi các Bí-sô đang tắm, người tục đi vào thấy Lục chúng Bí-sô dùng chung một khăn tắm lau cho nhau liền chê trách: “đại sư của họ có tàm quý, sao họ lại không biết tàm quý gì cả”, các Bí-sô nghe biết việc này liền bạch Phật, Phật bảo: “từ nay Bí-sô không nên dùng chung một khăn tắm lau cho nhau, ai làm trái thì phạm tội Ác tác”. Sau đó khi Bí-sô đang tắm, cư sĩ đi vào thấy Bí-sô dùng tay kỳ cọ chân rồi lại xoa trên đầu liền chê trách: “Sa môn Thích tử dơ bẩn không sạch, dùng tay kỳ cọ chân rồi lại xoa trên đầu”, bạch Phật, Phật nói: “khi Bí-sô đang tắm, nếu không phải là cư sĩ tín tâm thì đừng cho vào và sai làm việc, ai làm trái thì phạm Ác tác”. Sau đó khi các Bí-sô đang tắm, không có ai giữ cửa nên có cư sĩ đi vào, họ thấy các Bí-sô dùng tay rửa chân rồi lại rửa mặt liền chê trách như trên, Phật nói: “khi Bí-sô đang tắm nên sai người giữ cửa, chớ để cư sĩ vào”. Sau đó trưởng giả Cấp-cô-độc dẫn một Bà-la-môn tín kính đến trong rừng Thệ đa, Bí-sô nói chớ dẫn vào nhà tắm, Bà-la-môn nghe rồi liền nói: “tôi có lỗi gì mà ngăn không cho vào?”, bạch Phật, Phật nói: “nếu biết là người tịnh tín thì nên cho vào”. Lúc đó có Bà-la-môn khác thấy Bà-la-môn kia được vào liền nói: “người kia được vào sao lại ngăn tôi”, Bí-sô nói: “vì họ là người đã quy y và thọ học xứ”, Bà-la-môn này nói: “hãy cho tôi vào, tôi sẽ quy y và thọ học xứ”, Bí-sô liền cho vào, Bà-la-môn này đi vào thấy Bí-sô lau hạ phần rồi lại lau trên đầu liền chê trách như trên, Phật nói: “biết người nào tín tâm đã lâu mới cho vào, nếu mới có tín tâm thì chớ cho vào”.

Duyên xứ như trên, lúc đó có một trưởng giả thỉnh Phật và Tăng vào nhà tắm để tắm rửa, khi Phật và các Bí-sô đến, thấy có một Bí-sô đang lau và kỳ cọ cho một Bí-sô khác liền bảo các Bí-sô: “các thầy có thấy Bí-sô đang kỳ cọ cho Bí-sô kia không?”, đáp là có thấy, Phật nói: “Bí-sô đang kỳ cọ là bậc A-la-hán đã dứt hết các lậu hoặc, Bí-sô được kỳ cọ là người phá giới ác hạnh, các thầy nên biết, sư tử không nên hầu hạ dã can”.

Duyên xứ như trên, lúc đó có một trưởng giả cưới vợ chưa bao lâu, vợ sanh được một trai, người con này lớn lên xuất gia trong pháp luật thiện thuyết, thường tìm người hơn mình để học hỏi nghĩa lý nên đi đến các phương để được học rộng nghe nhiều. Thời gian sau trở về thành Thất-la-phiệt, người cha nghe tin liền đến thăm con, Bí-sô này nói sơ lược pháp yếu cho cha nghe và khuyên cha nên quy y Tam bảo và thọ trì học xứ. Vào thời khác, Bí-sô lại nói về công đức của bảy phước nghiệp hữu sự, người cha nghe rồi sanh tâm tín kính nói với con: “nay cha cũng muốn làm công đức của bảy phước nghiệp hữu sự”, Bí-sô nói tùy ý, người cha hỏi nên làm gì, Bí-sô nói nên làm nhà tắm cho Tăng, người cha liền trở về nhà lo liệu mọi việc xong rồi đến nói với con: “thầy hãy nhân danh tôi thỉnh Phật và Tăng đến trong nhà tắm tắm rửa”, Bí-sô liền nhân danh người cha thỉnh Phật và Tăng đến trong nhà tắm để tắm rửa. Lúc đó người cha tự tay dùng bột tắm kỳ cọ thoa dầu cho Bí-sô, sau đó bảo Bí-sô kỳ cọ cho mình, Bí-sô nói: “Phật đã chế học xứ”, người cha hỏi chế như thế nào, Bí-sô nói: “Phật chế không cho sư tử hầu hạ dã can, nên con không thể”, người cha hỏi: “ai là sư tử, ai là dã can?”, Bí-sô nói: “con là sư tử, cha là dã can”, người cha nói: “thật là việc diệu kỳ, tôi là dã can lại có thể sanh con là sư tử”. Các Bí-sô nghe biết việc này liền bạch Phật, Phật bảo: “tất cả bậc làm cha mẹ đối với con mình có thể làm những việc khó làm, gánh vác nhiều khổ nhọc, cho dù cha mẹ là người cực phá giới, phận làm con cũng nên cung cấp hầu hạ. Tư nay ta khai cho đối với năm hạng người dù là cực phá giới cũng nên cung cấp, đó là cha mẹ, Thân giáo sư, Quỹ phạm sư và người bịnh”.

Phật tại thành Thất-la-phiệt, có một trưởng giả xấy cất một căn nhà nơi A-lan-nhã cho các Bí-sô tùy duyên khất thực nương ở. Lúc đó có Bí-sô khất thực với râu tóc dài đến, trưởng giả thấy liền hỏi: “vì sao Thánh giả để râu tóc dài như vậy?”, đáp là vì không có người cạo, trưởng giả nói: “để tôi sai người đến cạo cho Thánh giả”, khi người thợ cạo tóc đến, Bí-sô nằm trên nệm cho người ấy cạo tóc. Trưởng giả không biết Bí-sô có cạo tóc hay chưa nên đến trú xứ xem thử, đến nơi liền ngồi trên nệm, không ngờ tóc mới cạo rớt xuống dính trên nệm làm dính dơ y phục của trưởng giả. Khi vế đến nhà, vợ trưởng giả thấy liền hỏi: “ông có việc gì đến nhà thợ cạo làm cho tóc dính dơ hết quần áo vậy?”, trưởng giả suy nghĩ: “không lẽ Bí-sô nằm trên nệm để cạo tóc”, nghĩ rồi liền quay trở lại trú xứ thì thấy trên nệm quả có tóc mới cạo, ông nói với Bí-sô: “thầy nên cạo tóc ở chỗ khác, không nên nằm trên nệm cạo tóc làm dơ hết nệm”. Các Bí-sô nghe biết việc này liền bạch Phật, Phật bảo: “từ nay không được nằm trên nệm cạo tóc, nên cạo ở ngoài đất trống, chỗ đất Tăng già đã rưới quét sạch sẽ cũng không được ở chỗ đó cạo tóc. Ai làm trái thì phạm tội Ác tác”. Sau đó có Bí-sô bịnh, không thể ra ngoài cạo tóc vì sợ gió mưa, bạch Phật, Phật nói: “nếu bịnh không có sức thì có thể tùy chỗ cạo tóc, nhưng phải quét dọn sạch sẽ ở chỗ ấy. Ai làm trái thì phạm tội Ác tác”. Lúc đó có Bí-sô cắt móng tay móng chân vất bỏ bừa bãi, Phật nói: “nếu cắt móng tay móng chân vất bỏ nơi đất sạch của tăng thì phạm tội Ác tác”.

Duyên xứ như trên, lúc đó có Bí-sô bị bịnh khổ bức bạch nên đến yêu cầu thầy thuốc chữa trị, thầy thuốc nói: “nên lấy bột lúa mạch khuấy với nước dùng làm thuốc uống phi thời”, Bí-sô nói Phật chưa khai cho, thầy thuốc nói: “Thế tôn đại bi ắt sẽ khai cho”, Bí-sô bạch Phật, Phật nói: “nếu thầy thuốc bảo thế thì nên lấy loại lúc mạch mà bò không răng đã ăn rồi thải ra còn nguyên để làm bột khuấy với nước dùng làm thuốc uống phi thời”, Bí-sô dùng xong vẫn không hết bịnh, thầy thuốc hỏi rõ nguyên do rồi nói: “bột đó không phải thuốc, phải dùng bột sống”, bạch Phật, Phật nói: “nên khuấy nhiều nước, lượt rồi mới uống dùng”, bịnh vẫn không hết, thầy thuốc nói phải dùng lúc chưa lượt, bạch Phật, Phật nói: “thầy thuốc cho toa thuốc bảo dùng bột khuấy uống, khuấy đặc hay vò thành viên đều được tùy ý dùng”.

Duyên xứ như trên, lúc đó lại có Bí-sô bịnh đến thầy thuốc yêu cầu chữa trị, thầy thuốc nói: “nên dùng miếng thịt lợn nấu lấy nước uống phi thời”, Bí-sô nói Phật chưa khai cho, thầy thuốc nói: “Thế tôn đại bi ắt sẽ khai cho”, Bí-sô bạch Phật, Phật nói: “nếu thầy thuốc bảo thế thì nên lấy thịt mà loại thú tên Sài đã ăn, do trong bụng nó có ruột thẳng nên sau khi ăn thịt xong thải ra ngoài còn nguyên tính chất, lấy thịt này nấu lấy nước uống phi thời”, Bí-sô dùng xong vẫn không hết bịnh, thầy thuốc hỏi rõ nguyên do rồi nói: “thịt đó là vật cũ không thể dùng làn thuốc được, nên lấy thịt tươi sống”, bạch Phật, Phật nói: “nên lượt rồi mới uống”, bịnh vẫn không hết, thầy thuốc nói nên uống lúc chưa lượt, bạch Phật, Phật nói: “tùy thầy thuốc bảo thế nào hoặc khô hay ướt và có khí vị thì tùy ý dùng như thế ấy để trị bịnh”. Phật bảo các Bí-sô: “tất cả những gì ta khai cho người bịnh được dùng phi thời, sau khi hết bịnh không được dùng nữa, ai làm trái thì phạm tội Việt pháp”.

 

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10