KINH TRỪ CÁI CHƯỚNG BỒ-TÁT SỞ VẤN
Hán dịch: Đời Triệu Tống, Đại sư Pháp Hộ
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
[vc_separator color=”sky” style=”shadow” border_width=”6″ el_width=”40″]
QUYỂN 6
Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười thứ pháp này thì đạt đầy đủ các trí. Mười pháp ấy là gì?
- Trí rõ nhân vô ngã.
- Trí rõ pháp vô ngã.
- Trí không hạn định phương hướng, địa phận.
- Trí biết được cảnh giới của thiền định.
- Trí hộ trì.
- Trí bất hoại.
- Trí khéo quan sát hết thảy các hành của hữu tình.
- Trí không lộ rõ ra.
- Trí hiểu rõ được tướng của tất cả các pháp.
- Trí xuất thế gian.
Thế nào là trí rõ nhân vô ngã? Nghĩa là Bồ-tát quan sát sự sinh, diệt của các uẩn. Các uẩn khi sinh thì quan sát thấy rõ các pháp là không thực, hư giả, không bền chắc. Khi các uẩn diệt thì quan sát để thấy sự ly tán, không có chỗ đến của các pháp. Bồ-tát suy nghĩ: Trong các uẩn không có ngã, nhân, hữu tình, sự sống, sự nuôi dưỡng, nhưng hàng phàm phu ngu tối thì sinh chấp trước đối với ngã mà sinh suy nghĩ như vầy: Trong uẩn có ngã chăng? Trong ngã có uẩn chăng? Ngã không phải là uẩn chăng? Uẩn không phải là ngã chăng? Từ đó mà chấp chặt, không hiểu được chỗ chân thật, do không hiểu nên như vòng lửa xoay chuyển trôi lăn trong sinh tử. Bồ-tát đối với các pháp ấy đều hiểu đúng như thật. Đó là trí rõ nhân vô ngã của Bồ-tát.
Thế nào là trí rõ pháp vô ngã? Nghĩa là Bồ-tát đối với các pháp thành hay hoại đều biết rõ đúng như thật. Bồ-tát nghĩ: Do từ sự giả hợp nơi các pháp mà phân biệt, tạo nên chứ các pháp thực ra không có tự tánh, cho đến văn tự cũng không có tự tánh, chỉ là do tưởng tượng, suy nghĩ mà phân biệt nên. Chỗ hành của thế gian không vì như thế
mà sinh chấp giữ, nhưng các pháp dựa mượn trong thế gian kia cũng không phải là không, các pháp nhờ vào nhân duyên mà có, do nhân duyên sinh ra, do nhân duyên nên diệt. Các pháp như thế Bồ-tát đều biết rõ. Đấy gọi là trí rõ pháp vô ngã của Bồ-tát.
Thế nào là trí không hạn định phương sở? Nghĩa là trí của Bồ-tát không hạn định trong một phương sở nào. Không phải ở sát-na thứ nhất trí theo đấy mà chuyển biến, sát-na thứ hai trí không theo đấy mà chuyển biến. Vì sao? Vì trí của Bồ-tát trong một sát-na hiện bày khắp tất cả, theo đấy mà chuyển biến, hiện ra. Đó là trí không hạn định phương sở của Bồ-tát.
Thế nào là trí biết được cảnh giới của định? Đó là Bồ-tát có thể biết được định của hàng Thanh văn, định của hàng Duyên giác, biết được định của Bồ-tát, biết được định của Như Lai. Nếu là cảnh giới tu thiền định của Thanh văn, Bồ-tát theo đó mà nhận biết. Hoặc là cảnh giới tu thiền định của Duyên giác, Bồ-tát cũng theo đó mà nhận biết. Hoặc cảnh giới tu thiền định của hàng Bồ-tát, Bồ-tát cũng theo đó mà nhận biết, kể cả cảnh giới tu thiền định của Như Lai, Bồ-tát cũng nhận biết, nhưng không phải do phước báo từ đời trước tạo nên trí lực của mình để có thể hiểu được, chính là nhờ diệu lực nơi oai thần của Như Lai, Bồ-tát mới có thể biết được. Còn những pháp thiền định khác thì do trí lực của Bồ-tát có thể hiểu rõ. Đó là trí của Bồ-tát có thể hiểu rõ cảnh giới của định.
Thế nào là trí gia trì? Đó là Bồ-tát đối với hàng Thanh văn với các pháp gia trì hiện có như đã nêu bày, đều có thể nhận biết. Pháp gia trì của hàng Duyên giác như đã giảng nói Bồ-tát đều nhận biết, Pháp gia trì của hàng Bồ-tát đúng như chỗ giảng nói, Bồ-tát đều có thể biết được, huống gì là những pháp khác của các loài hữu tình? Đó là trí gia trì của Bồ-tát.
Thế nào là trí bất hoại? Tức là nếu Bồ-tát đạt được trí bất hoại rồi, các thứ quân ma, ngoại đạo cùng hết thảy hàng Thanh văn, Duyên giác đều không thể hủy hoại được. Đó là trí bất hoại của Bồ-tát.
Thế nào là trí có thể xét thấy các hành của hết thảy hữu tình? Nghĩa là Bồ-tát dùng trí không chấp, không đoạn, luôn thanh tịnh, xem rộng hết các cõi hữu tình thảy đều thấy rõ: Hoặc có hữu tình phát tâm Bồ-đề, hoặc có hữu tình không phát tâm Bồ-đề. Hoặc có kẻ đầy đủ hạnh Bồ-đề, hoặc có kẻ không đủ hạnh Bồ-đề. Hoặc có người đạt được bậc sơ địa, cho đến có người đạt được bậc Thập địa. Hoặc có người hiện thành Chánh giác, hoặc có người thành Chánh giác rồi và chuyển pháp luân. Hoặc có người đã rộng tạo nên sự hóa độ đem lại lợi ích cho chúng sinh và nhập đại Niết-bàn. Hoặc có người vào Niếtbàn của hàng Thanh văn, hoặc có người vào Niết-bàn của hàng Duyên giác. Hoặc có người sinh nơi cõi thiện, hoặc có kẻ bị đọa vào cõi ác… Tất cả những trường hợp ấy, trí của Bồ-tát thảy đều có thể xem xét đến. Đó là trí của Bồ-tát xem xét hết thảy các hành của hữu tình.
Thế nào là trí không phát lộ ra ngoài? Tức là Bồ-tát trong bốn oai nghi như đi, đứng, nằm, ngồi thảy đều không hiển lộ ra ngoài, nhưng trí của Bồ-tát thì luôn chuyển biến. Ví như người khi ngủ không biểu lộ cử động nào, nhưng hơi thở thì vẫn ra vào tự nhiên. Trí của Bồtát cũng lại như vậy, đối với hết thảy mọi nơi đều chuyển động không bị ngăn ngại. Đó là trí của Bồ-tát không phát lộ ra ngoài.
Thế nào là trí nhận biết hết thảy các pháp? Tức là Bồ-tát khéo nhận biết về tướng bình đẳng của hết thảy các pháp: Nơi một tướng, mọi loại tướng, nơi tướng như huyễn, tướng phân biệt hư vọng… thảy đều nhận biết đúng như thật. Đó là trí của Bồ-tát nhận biết tướng của hết thảy các pháp.
Thế nào là trí xuất thế gian? Tức là nếu Bồ-tát có đủ trí vô lậu, vượt qua hết thảy trí của các thế gian. Đó là trí xuất thế gian của Bồtát.
Này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp ấy, tức đạt các trí đầy đủ.
Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười thứ pháp này liền đạt các hạnh thù thắng như đất. Mười pháp ấy là những gì?
- Như đất rộng lớn không lường.
- Luôn cứu độ hết thảy hữu tình.
- Rơi xa sự tổn hại, ích lợi, bình đẳng nuôi dưỡng các hữu tình.
- Có thể dung nạp khắp vô số các trận mưa pháp lớn.
- Vì hết thảy hữu tình cũng làm nơi nương tựa.
- Có thể phát sinh hạt giống của pháp thiện.
- Thành nơi chứa đựng vật báu lớn.
- Như vị thuốc nhiệm mầu.
- Không thể lay chuyển, khuynh đảo.
- Không sinh ra sợ hãi.
Này thiện nam! Thế nào là như đất rộng lớn vô lường? Ví như đại địa, lớn rộng, trùm khắp, không có giới hạn. Bồ-tát cũng lại như vậy, phước đức, trí tuệ, hạnh nguyện thù thắng của các vị cũng rộng lớn bao la không có giới hạn. Đó là Bồ-tát như đất, rộng lớn vô lượng.
Thế nào là luôn cứu vớt hết thảy hữu tình? Ví như đại địa, cung cấp đủ hết thảy những vật dụng thỏa mãn mọi nhu cầu của mọi hữu tình. Bồ-tát cũng lại như thế, dùng các pháp như Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, Trí tuệ cùng vô số những pháp hành Bồđề, tùy theo chỗ ứng hợp mà có thể thu nhận, hóa độ khắp các hữu tình. Đó là Bồ-tát luôn cứu độ hết thảy hữu tình.
Thế nào là xa lìa sự tổn hại, lợi ích, bình đẳng nuôi dưỡng hữu tình? Ví như đại địa bị tổn hại không buồn, được nhiều lợi ích cũng không vui, hai tâm tưởng đó đều không, Bồ-tát cũng lại như vậy, ở nơi các hữu tình, bị họ làm tổn hại không buồn, được ích lợi cũng không vui, luôn bình đẳng tạo mọi lợi lạc, đối với hết thảy mọi nơi chốn đều không sinh tâm buồn, vui. Đó là Bồ-tát luôn xa lìa sự tổn hại, lợi ích, tâm bình đẳng, nuôi dưỡng các hữu tình.
Thế nào là có khả năng dung nạp khắp vô số các trận mưa pháp lớn? Ví như đại địa luôn có những đám mây lớn hàm chứa các trận mưa, tất cả đều được đại địa thâu nhận, gìn giữ. Bồ-tát cũng lại như thế, Đức Như Lai phát khởi đám mây dày lớn, tuôn trận mưa pháp lớn, như chỗ giảng nói Bồ-tát thảy đều có thể thọ nhận, giữ gìn. Đó gọi là Bồ-tát có khả năng dung nạp, giữ gìn các thứ mây pháp mưa pháp lớn.
Thế nào là vì các hữu tình cũng làm chỗ nương tựa? Ví như đại địa, hết thảy hữu tình, hoặc đi, hoặc đứng, hết thảy đều nương nơi đất. Bồ-tát cũng lại như vậy, hết thảy hữu tình nhờ nương vào Bồ-tát mà được sinh nơi cõi thiện rồi đạt được đạo quả Niết-bàn. Đó gọi là Bồtát vì hết thảy hữu tình cũng làm nơi nương tựa.
Thế nào là có thể phát sinh hạt giong của pháp thiện? Ví như đại địa rộng lớn, tất cả hạt giống đều nhờ nơi đất mà được gieo trồng, được sinh trưởng. Bồ-tát cũng lại như thế, hết thảy hạt giống nơi pháp thiện của hữu tình thảy đều nhờ vào Bồ-tát mà ươm trồng, sinh trưởng. Đó là Bồ-tát có thể làm phát sinh hạt giống nơi pháp thiện.
Thế nào là làm nơi chứa đựng vật báu lớn? Ví như từ đại địa mà mọi thứ vật báu đã phát sinh ra, do đó đất được xem là nơi chứa đựng vật báu lớn. Bồ-tát cũng lại như vậy, mọi thứ công đức, trí tuệ quý báu đều phát sinh từ Bồ-tát, vì thế Bồ-tát là nơi chốn chứa đựng vật báu lớn. Đó là Bồ-tát làm nơi chứa đựng vật báu lớn.
Thế nào là thứ thuốc rất nhiệm mầu? Ví như các loài dược thảo hiện có trên đất trong thế gian đều phát sinh từ đất, có thể chữa trị tất cả tật bệnh. Bồ-tát cũng lại như thế, hiện bày thuốc pháp lớn, chữa trị các loại bệnh phiền não cho hết thảy hữu tình trong thế gian. Đó là Bồ-tát làm thuốc pháp lớn.
Thế nào là không thể làm cho lay chuyển? Ví như đại địa, từ những loài trùng nhỏ sinh từ nơi ẩm thấp như muỗi, mòng, ve… đến lớn mạnh như gió bão cũng không thể làm lay chuyển. Bồ-tát cũng lại như vậy, hết thảy những duyên phát sinh từ bên trong lẫn bên ngoài tạo ra khổ não của các hữu tình, đều không thể làm lay động Bồ-tát. Đó là Bồ-tát không thể bị lay động, khuynh đảo.
Thế nào là không phát sinh hoảng sợ? Ví như đại địa, dù hết thảy loài vua Rồng, vua Hươu cất tiếng gầm thét vang động, nghe rồi thảy đều không sinh hoảng sợ. Bồ-tát cũng lại như thế, nghe tiếng của các thứ Ma vương, ngoại đạo rồi cũng không sinh hoảng sợ. Đó là Bồtát không phát sinh hoảng sợ.
Này thiện nam! Bồ-tát nên tu tập mười pháp như thế tức như đại địa.
Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nếu tu mười thứ pháp sau đây liền được như nước. Mười pháp ấy là những gì?
- Pháp thiện như nước chảy thấm xuống chỗ thấp.
- Gieo trồng hạt giống của các pháp thiện.
- Tin tưởng, an vui.
- Làm tan hoại cội rễ của các phiền não.
- Tự thể thanh tịnh không xen tạp.
- Trừ diệt mọi sự cháy bừng của lửa phiền não.
- Có thể ngăn chặn những khát ái của dục.
- Sâu rộng không bờ bến.
- Cao thấp đều sung mãn.
- Dứt bỏ hết những bụi bặm của phiền não.
Thế nào là pháp thiện như nước thấm chảy xuống chỗ thấp? Ví như đại thủy tuôn chảy xuống chỗ thấp làm nhuần thấm, tốt tươi, mọi vật phát triển. Bồ-tát cũng lại như thế, những pháp thiện đã tu chứng tạo sự nhuần thấm đến các loài, làm tươi nhuận tăng trưởng tâm thiện nơi các hữu tình. Đó là Bồ-tát đạt những pháp thiện như nước, thấm chảy xuống chỗ thấp.
Thế nào là ươm trồng hạt giống của các pháp thiện? Ví như đại địa ươm trồng những khu rừng cây cỏ thuốc, nhờ nước tưới cho mà tươi nhuận, phát triển, đơm hoa kết trái. Bồ-tát cũng lại như vậy, đã gieo trồng rộng khắp hạt giống của tất cả pháp Bồ-đề phần, dùng nước định tưới khiến tươi nhuận và luôn luôn tăng trưởng, cho đến thành tựu được cây Nhất thiết trí. Từ cây Nhất thiết trí vừa thành tựu ấy mà vô số các quả hạt pháp Phật được sum suê, dồi dào, rồi vì tất cả hữu tình mà gìn giữ, cứu vớt tuệ mạng. Đó là Bồ-tát đã gieo trồng các hạt giống của pháp thiện.
Thế nào là tin vui hoan hỷ? Ví như nước, tánh của nó là luôn trôi chảy, thấm xuống đất. Bồ-tát cũng lại như thế, tự tánh luôn yêu thích, tin tưởng thanh tịnh, hoan hỷ. Lại cũng có thể làm cho tất cả hữu tình yêu thích, tin tưởng thanh tịnh, hoan hỷ. Yêu thích là thích cầu đạt pháp xuất thế gian. Tin tưởng thanh tịnh là tin nơi Phật, Pháp, Tăng. Hoan hỷ là vì tâm được thanh tịnh. Đó là Bồ-tát tin tưởng vui thích hoan hỷ.
Thế nào là làm tan hoại cội rễ của phiền não? Ví như đại địa có các rừng rậm cây cỏ, bị nước ngập chứa lâu mà đều hư hoại. Bồ-tát cũng lại như thế, dùng nước thiền định đã tụ tập làm chìm ngập, hư hoại những mầm móng, cội rễ của phiền não nơi hết thảy hữu tình. Do bị hư hoại như thế, nên cội rễ của phiền não không thể tiếp tục phát sinh được, những tập khí xấu, ue cũng đều được diệt trừ. Đó gọi là Bồtát có thể hủy hoại cội rễ của các phiền não.
Thế nào là tự thể thanh tịnh không xen tạp? Ví như đại thủy, tự thể không xen tạp mà lại trong sạch, Bồ-tát cũng lại như vậy, tự thể không xen tạp, bản tánh thanh tịnh. Tự thể là xa lìa nơi phát sinh những thứ tùy phiền não. Không xen tạp là không lẫn lộn các phiền não tham, sân, si. Thanh tịnh là giữ gìn được các căn thanh tịnh hoàn toàn tốt đẹp. Đó là Bồ-tát tự thể thanh tịnh không xen tạp.
Thế nào là dứt bỏ ngọn lửa cháy bừng của phiền não? Ví như tháng mùa hè, mặt đất nóng bức, người cũng nóng nực, nhờ nước có thể giải trừ nóng bức và được mát mẻ. Bồ-tát cũng lại như thế, dùng nước chánh pháp để dứt trừ bao nỗi khổ bức bách nơi ngọn lửa cháy bùng của các phiền não trong cảnh giới của tất cả hữu tình. Đó là Bồtát có thể dứt trừ ngọn lửa cháy bừng của phiền não.
Thế nào là có thể ngăn chận những khát ái của dục? Ví như những người trong thế gian bị cơn khát ái bức bách thì nước có thể giải trừ được. Bồ-tát cũng lại như thế, tất cả hữu tình bị những khát ái của trần cảnh bức bách, Bồ-tát sẽ tuôn các trận mưa pháp lớn nhằm giải trừ khiến họ lìa bỏ các thứ khát ái. Đó là Bồ-tát có thể ngăn chặn những thứ khát ái của dục.
Thế nào là sâu rộng không bờ bến? Ví như đại thủy được các dòng nước họp lại nên sâu rộng không bờ bến. Bồ-tát cũng lại như thế, trí tuệ thù thắng tích tụ nên rộng sâu không bến bờ. Các loài ma vương, ngoại đạo đều không thể biết được giới hạn, bến bờ nơi trí tuệ ấy. Đó là Bo-tát có trí tuệ rộng không bờ bến.
Thế nào là những nơi cao thấp đều được sung mãn? Ví như đại thủy, không có gì ngăn cản, tuôn chảy đến mọi nơi đều được sung mãn, dù được đầy đủ rồi nhưng không làm tổn hại tất cả loài hữu tình. Bồ-tát cũng lại như vậy, tuôn trận mưa pháp lớn làm thấm nhuần sung mãn khắp cả trên dưới, trong cảnh giới của hết thảy hữu tình, tuy đã đầy đủ nhưng cũng không làm tổn hại những loài hữu tình. Vì sao? Vì Bồ-tát có tâm đại Bi. Đó là Bồ-tát tuôn trận mưa pháp rưới khắp mọi nơi chốn trên dưới đều sung mãn.
Thế nào là làm dứt hết những thứ bụi bặm? Ví như đại thủy tuôn chảy cuốn theo hết thảy bụi bặm, phủ bám các nơi chốn tạo sự bẩn xấu, thảy đều khiến được trơn láng sạch sẽ. Bồ-tát cũng lại như thế, luôn vì khắp tất cả những kẻ tâm ý thô, xấu đều khiến phát khởi tâm nhu hòa, rồi dùng nước thương yêu của tuệ thù thắng trên chỗ dựa là định làm thấm nhuần tất cả hữu tình khiến họ dứt sạch các thứ bụi bặm. Đó là Bồ-tát đã dứt trừ các bụi bặm của phiền não.
Này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười thứ pháp vừa nêu tức được như nước.
Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp sau đây liền được như lửa. Mười pháp ấy là những gì?
- Có thể đốt cháy các củi phiền não.
- Làm thành thục pháp Phật.
- Làm khô cạn hết thảy bùn lầy phiền não.
- Như đống lửa lớn.
- Tạo nên ánh sáng tỏa chiếu.
- Có thể khiến hoảng sợ.
- Có thể tạo sự an ủi.
- Tùy theo chỗ đạt được lợi ích mà ban cho các hữu tình.
- Được mọi người cúng dường.
- Không bị người khinh mạn.
Này thiện nam! Thế nào là có thể thiêu đốt các củi phiền não? Ví như đại hỏa có thể đốt cháy đủ mọi thứ vật trên mặt đất như cỏ thuốc, rừng rậm… Bồ-tát cũng lại như vậy, dùng lửa trí tuệ có thể thiêu đốt ba thứ độc dấy khởi là tham, sân, si và những tùy phiền não khác. Đó là Bồ-tát có thể thiêu đốt các thứ củi phiền não.
Thế nào là làm thành thục pháp Phật? Ví như nương nơi đất mà hết thảy các thứ hạt giống cùng các loài cây thuốc được sinh trưởng, đại hỏa đều có thể làm cho chúng thành thục. Bồ-tát cũng lại như thế, dùng lửa trí tuệ bên trong có thể làm thành thục hết thảy pháp Phật. Những điều đã thành thục rồi thì theo đó mà đạt được, không bị hủy hoại. Đó là Bồ-tát đã làm thành thục pháp Phật.
Thế nào là có thể làm khô kiệt những bùn lầy phiền não? Ví như đại hỏa có thể làm khô ráo hết thảy vật ẩm ướt, cùng những bùn lầy… Bồ-tát cũng lại như vậy, dùng lửa trí tuệ có thể làm khô ráo tất cả bùn lầy hữu lậu. Đó là Bồ-tát có thể làm khô kiệt hết thảy bùn lầy phiền não.
Thế nào như là đống lửa lớn? Ví như có những hữu tình bị lạnh lẽo, khổ sở, lại gặp đống lửa lớn nên được ấm áp. Bồ-tát lại cũng như thế, dùng lửa trí tuệ để có thể làm ấm áp các hữu tình bị bức bách do cơn bệnh lạnh của phiền não. Đó là Bồ-tát được xem như đống lửa lớn.
Thế nào là làm ánh sáng chiếu soi? Ví như có người từ nơi đỉnh núi Tuyết hoặc núi Dân-đà, đốt một đống lửa lớn, ánh sáng của đống lửa ấy chiếu tỏa cả một vùng, rộng một do-tuần, hoặc hai, ba do-tuần. Bồ-tát cũng lại như thế, dùng ánh sáng trí tuệ chiếu soi cùng khắp từ một do-tuần, hoặc trăm ngàn do-tuần, cho đến vô lượng, vô số thế giới, ánh sáng của trí tuệ ấy đều tỏa chiếu khắp đến các loài hữu tình, nhờ ánh sáng ấy mà các chúng sinh không trí tuệ, tối tăm đều được xua tan trở nên sáng suốt. Đó là Bồ-tát tạo nên ánh sáng chiếu soi.
Thế nào là có thể khiến sợ hãi? Ví như đại hỏa khiến các loài thú dữ, hoặc chúa của loài thú dữ hiện có trông thấy đống lửa lớn kia tất thảy hoảng sợ, lìa bỏ hang ổ, tung chạy khắp bốn phương. Uy đức nơi đại trí tuệ của Bồ-tát cũng lại như vậy, nếu có ma vương, chúng thiên ma trông thấy Bồ-tát thảy đều kinh sợ, đánh mất ánh sáng yếu ớt hiện có nơi mình, lìa nơi chốn đang ở, trốn tránh càng xa, vĩnh viễn không còn được nghe tên hiệu của Bồ-tát, chứ đừng nói là nhìn thấy thân tướng. Đó là Bồ-tát có thể khiến cho các thứ ma ác kinh sợ.
Thế nào là có thể tạo sự an ủi, vỗ về? Ví như có người hoặc ở nơi đồng rộng hoang vắng, chốn nguy hiểm, lạc đường không nhận ra phương hướng, bỗng thấy ánh lửa liền biết là nơi có làng xóm, hoặc nơi có người chăn súc vật, liền đến chốn ấy khiến tâm được an ủi, lìa mọi sợ hãi. Bồ-tát cũng lại như vậy, hết thảy hữu tình ở trong cõi sinh tử mênh mông đầy những hiểm nạn, nếu gặp được Bồ-tát rồi thì tâm được an ủi, đều lìa xa mọi nẻo kinh hãi của hết thảy phiền não. Đó là Bồ-tát có thể tạo sự an ủi, vỗ về.
Thế nào là tùy theo chỗ lợi ích đạt được đều ban cho các hữu tình cùng có? Ví như đại hỏa, hết thảy hữu tình đều cùng thọ dụng, từ bậc vua chúa đến hàng con cái của hạng Chiên-đà-la đều bình đẳng thọ dụng không khác. Bồ-tát cũng lại như thế, tùy theo những lợi ích đạt được để thọ dụng nuôi thân, thảy đều ban cho tất cả hữu tình cùng có, dù là vua chúa hay con của hàng Chiên-đà-la đều như nhau, không khác. Đó là Bồ-tát theo chỗ lợi ích đạt được đều ban cho hết thảy hữu tình cùng có.
Thế nào là được mọi người cúng dường? Ví như ngọn lửa nơi thế gian được các hàng Bà-la-môn, Sát-đế-lợi, hoặc dân chúng… thảy đều thờ phụng và cung kính cúng dường. Bồ-tát cũng lại như vậy, tất cả các hàng Trời, Người, A-tu-la… trong thế gian thảy đều thờ kính, thực hiện các sự cúng dường tưởng như là chư Phật. Đó là Bồ-tát được mọi người cung dường.
Thế nào là không bị mọi người xem thường? Ví như một đóm lửa nhỏ, nhưng mọi người đều không dám xem thường. Vì sao? Vì có thể đốt cháy được. Bồ-tát cũng lại như vậy, khi đã tin tưởng, hiểu rõ rồi hành hóa, Bồ-tát ở trong pháp Đại thừa, dù mới phát tâm, chưa đủ uy lực, nhưng cũng có thể khiến cho các hàng Trời, Người, A-tu-la… ở thế gian không dám xem thường. Vì sao? Vì các hàng Trời, Người, Atu-la ấy biết Bồ-tát kia không lâu sẽ an tọa nơi đạo tràng chứng quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Đó là Bồ-tát không bị mọi người xem thường.
Này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười thứ pháp như thế tức được như lửa.
Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười thứ pháp sau đây thì được như gió. Các pháp đó là những gì?
- Như gió di chuyển không bị ngăn ngại.
- Cảnh giới lưu chuyển không có giới hạn.
- Như gió, xô ngã, phá tan núi kiêu mạn của các loài hữu tình.
- Thổi rộng khắp các đám mây mưa pháp.
- Trừ dứt hết thảy ngọn lửa cháy bừng của phiền não trong thế gian.
- Không làm lay động những pháp thiện, cứu độ và nuôi lớn các loài hữu tình.
- Cho nhận giữ gìn vô lượng mây pháp, hàm chứa những cơn mưa, tạo nên các trận mưa pháp lớn.
- Bày biện các pháp lớn nơi vô số ở lầu gác trang nghiêm, đẹp đẽ, lộng lẫy.
- Nơi cây kiếp đại hết thảy chúng hội được trang nghiêm quyết định luôn phát ra pháp âm chân chánh, nhiệm mầu, hoặc mưa xuống các thứ hoa làm vui vẻ lòng người.
- Trong vô số kiếp, nơi Thánh hội thanh tịnh, tạo lập, tích tập thành biển pháp môn như Tam-ma-địa, Giải thoát, Tổng trì, rừng rậm giáo pháp như ánh sáng mặt trời mặt trăng soi khắp núi Diệu cao, như cung điện đẹp đẽ nơi núi Luân vi, cùng hết thảy hữu tình đã được điều phục thành thục, trang nghiêm, khéo trụ nơi vô thượng, không có thân làm chỗ dựa, chuyển di theo ngọn gió trí tuệ nắm giữ các pháp là nhân của giải thoát.