KINH TRỪ CÁI CHƯỚNG BỒ-TÁT SỞ VẤN

Hán dịch: Đời Triệu Tống, Đại sư Pháp Hộ
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
[vc_separator color=”sky” style=”shadow” border_width=”6″ el_width=”40″]

 

QUYỂN 19

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp sau đây, tức có thể khéo nhận biết về hành bốn Nhiếp pháp. Mười pháp ấy là những gì?

  1. Hành bố thí tạo ích lợi để thu phục, giáo hóa các hữu tình.
  2. Hành bố thí an lạc.
  3. Hành bố thí không cùng tận.
  4. Nói những điều lợi ích.
  5. Nói những điều đúng như nghĩa.
  6. Nói những điều đúng như pháp.
  7. Nói những điều đúng như lý.
  8. Hành điều lợi ích.
  9. Cùng đem mọi thứ của cải để tạo lợi ích.
  10. Đem mọi thứ của cải dùng để cứu vớt tánh mạng, tạo lợi ích nhằm thâu phục giáo hóa hữu tình.

Này thiện nam! Bố thí lợi ích tức là bố thí pháp. Bố thí an lạc tức là bố thí của cải. Bố thí không cùng tận tức là giảng nói, chỉ rõ cho người khác về chánh đạo. Nói lời lợi ích là giảng nói các pháp thuộc phần thiện. Nói những lời đúng như nghĩa tức là nêu giảng về lý chân thật. Nói lời đúng như pháp nghĩa là thuận theo giáo pháp chân chánh của Như Lai để nêu giảng về các pháp. Nói lời đúng như lý, nghĩa là không hủy hoại ý nghĩa chân thật. Hành lợi ích nghĩa là khiến các hữu tình bất thiện không phát khởi pháp thiện được an lập. Đem mọi thứ của cải để làm lợi ích, nghĩa là những của cải vật dụng, thức ăn, thức uống bố thí bình đẳng. Đem mọi thứ của cải dùng để cứu giúp tánh mạng, tạo lợi ích, nghĩa là dùng vàng, bạc, ma-ni, trân châu, lưu ly, ốc quý, ngọc bích, voi, ngựa, xe, cộ… cùng bố thí để làm lợi ích.

Này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp như thế, tức có thể khéo nhận biết hành bốn Nhiếp pháp.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp sau đây tức sẽ đầy đủ sắc tướng vi diệu. Mười pháp ấy là những gì?

  1. Thường tu tập oai nghi vắng lặng.
  2. Thường tu tập oai nghi không giả dối.
  3. Thường tu tập oai nghi thanh tịnh.
  4. Người nhìn thấy đều sinh tâm yêu thích.
  5. Người trông thấy đều sinh tướng thiện.
  6. Người nhìn thấy không chán.
  7. Người trông thấy đều có ý vui thích.
  8. Tất cả hữu tình trông thấy đều không bị trở ngại.
  9. Tất cả hữu tình trông thấy đều sinh tâm hoan hỷ.
  10. Tất cả hữu tình khi nhìn thấy đều sinh tâm thanh tịnh.

Này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp ấy tức đầy đủ sắc tướng vi diệu.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp sau đây, tức sẽ làm chỗ nương tựa cho người khác. Mười pháp ấy là những gì?

  1. Đối với hữu tình sống lâu trong cõi sinh tử đầy sợ hãi, nên vì họ mà làm người giúp đỡ.
  2. Hữu tình sống lâu nơi cõi sinh tử mênh mông đầy dẫy những hiểm nguy, hoạn nạn, nên vì họ mà làm người khéo dẫn đường.
  3. Hữu tình chìm đắm nơi biển lớn sinh tử, nên vì họ mà cứu vớt.
  4. Những hữu tình không có thân thuộc, nên vì họ mà làm người bảo hộ, chở che.
  5. Những hữu tình bị buộc trói lâu trong bệnh nặng phiền não, khổ đau, nên vì họ mà làm vị thầy thuốc.
  6. Những hữu tình không có người giúp đỡ, cứu vớt, nên vì họ làm người giúp đỡ, cứu vớt.
  7. Những hữu tình không có chỗ nương thân, nên vì họ mà làm nơi cư ngụ.
  8. Có những hữu tình không nơi để quay về, nên vì họ mà làm nơi quay về.
  9. Những hữu tình không nơi ở yên, nên vì họ mà làm bến bãi.
  10. Những hữu tình không nơi chốn hướng đến, nên vì họ làm nơi hướng đến.

Này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp như thế tức có thể làm nơi nương tựa cho kẻ khác.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp sau đây sẽ giống như cây thuốc lớn.

Này thiện nam! Ví như ở thế gian có cây thuốc lớn, tên là Thiện kiến. Nếu có hữu tình bị trói buộc vào các thứ bệnh khổ, tùy từng bộ phận của cây thuốc dùng để chữa trị, khiến các tật bệnh đều được thiện. Mười pháp ấy là những gì?

  1. Dùng phần rễ của cây thuốc.
  2. Dùng phần thân của nó.
  3. Dùng phần cành nhánh của nó.
  4. Dùng phần lá của nó.
  5. Dùng phần hoa của nó.
  6. Dùng trái của nó.
  7. Tùy lúc trông thấy mà dùng hình sắc của nó.
  8. Tùy lúc ngửi mà dùng mùi hương của nó.
  9. Tùy lúc nếm mà dùng vị của nó.
  10. Tùy theo cử động mà dùng sự xúc chạm nơi nó.

Này thiện nam! Bồ-tát cũng lại như vậy. Từ khi mới phát tâm trở đi đều khéo có thể trị dứt những bệnh phiền não của các hữu tình, các hữu tình tùy chỗ tu hành nên bệnh tật thảy đều thuyên giảm:

  1. Thọ dụng Bố thí ba-la-mật của Bồ-tát.
  2. Thọ dụng Trì giới ba-la-mật của Bồ-tát.
  3. Thọ dụng Nhẫn nhục ba-la-mật của Bồ-tát.
  4. Thọ dụng Tinh tấn ba-la-mật của Bồ-tát.
  5. Thọ dụng Thiền định ba-la-mật của Bồ-tát.
  6. Thọ dụng Trí tuệ ba-la-mật của Bồ-tát.
  7. Thấy được thân của Bồ-tát, thọ dụng sắc tướng ấy.
  8. Nghe được danh hiệu của Bồ-tát, thọ dụng âm thanh ấy.
  9. Nếm được pháp vị công đức thanh tịnh của Bồ-tát.
  10. Được gần gũi để cung kính cúng dường Bồ-tát.

Này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp ấy tức được như cây thuốc lớn.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát tu tập mười pháp sau đây tức có

thể siêng năng tu tập hạnh phước. Mười pháp ấy là những gì?

  1. Tùy theo sức, cúng dường Tam bảo.
  2. Đối với những hữu tình bệnh khổ, vì họ mà cho thuốc vi diệu.
  3. Các hữu tình đói khát, vì họ mà bố thí thức ăn uống.
  4. Nếu các hữu tình bị lạnh, nóng bức bách đau khổ, vì họ tạo sự bảo vệ che chở.
  5. Thường phải tôn kính bậc thầy khuôn mẫu (A-xà-lê) và các bậc Thân giáo sư (Hòa thượng).
  6. Gặp những người cùng tu phạm hạnh nên đứng lên đón tiếp, chắp tay cung kính lễ bái và hỏi han.
  7. Tu sửa, chăm sóc nơi vườn rừng, tinh xá.
  8. Luôn luôn lấy ra từ kho tàng những của cải, lúa thóc đem bố thí, cấp phát cho hữu tình.
  9. Đối với những tôi tớ và người làm thuê thì nuôi nấng, giúp đỡ, bảo vệ bình đẳng.
  10. Trong các thời thường siêng cúng dường các Sa-mon, Bà-lamôn giữ giới.

Này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp ấy tức có thể siêng năng tu tập hạnh phước.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp sau đây, thì khéo có thể hiện bày sự biến hóa. Mười pháp ấy là những gì?

  1. Từ nơi một cõi Phật, thân tướng bất động, nhưng có thể ở nơi vô số cõi Phật khác, Bồ-tát tại các trụ xứ của chư Như Lai ấy thưa hỏi về những nghĩa lý sâu xa.
  2. Từ nơi một cõi Phật, thân tướng bất động, nhưng có thể ở nơi vô số cõi Phật khác, trước các Đức Như Lai, nghe nhận những giáo pháp sâu xa.
  3. Từ một cõi Phật, thân tướng bất động, nhưng có thể đối với vô số cõi Phật khác, nơi chỗ các Đức Như Lai thừa sự cúng dường.
  4. Từ nơi một cõi Phật, thân tướng bất động, nhưng có thể đối với vô số cõi Phật khác, thành tựu trọn vẹn các hành trang giác ngộ.
  5. Từ nơi một cõi Phật, thân tướng bất động, nhưng có thể đối với vô số cõi Phật khác, có các vị Bồ-tát thành tựu quả vị Chánh giác, đều tôn trọng và cung kính cúng dường.
  6. Từ một cõi Phật, thân tướng bất động, nhưng có thể đối với vô số cõi Phật khác, tự thân thị hiện chứng đắc bậc Đẳng chánh giác.
  7. Từ một cõi Phật, thân tướng bất động, nhưng có thể trong vô số cõi Phật khác, thị hiện đi tới đạo tràng Bồ-đề.
  8. Từ một cõi Phật, thân tướng bất động, nhưng có thể trong vô số cõi Phật khác, chuyển pháp luân nhiệm mầu.
  9. Từ một cõi Phật, thân tướng bất động, nhưng có thể ở trong vô số cõi Phật khác, thị hiện Niết-bàn.
  10. Từ một cõi Phật, thân tướng bất cộng, nhưng có thể ở nơi vô số cõi Phật khác, cho đến những nơi hữu tình có thể sinh tới, tùy theo sự thích hợp mà biến hóa để hóa độ. Bồ-tát tuy thường biến hóa nhưng không phân biệt người biến hóa và đối tượng được biến hóa.

Bấy giờ, Bồ-tát Trừ Cái Chướng bạch Phật:

–Bạch Thế Ton! Thế nào là Bồ-tát thường biến hóa nhưng không phân biệt người biến hóa với đối tượng được biến hóa?

Phật nói:

–Này thiện nam! Nay ta nêu ví dụ, ông hãy lắng nghe. Ví như mặt trời, mặt trăng soi khắp bốn châu lớn, tùy theo mỗi châu thu nhận ánh sáng, tất cả hữu tình ở châu đó đều được soi chiếu cùng khắp, nhưng mặt trời, mặt trăng kia không có phân biệt: Ta là chủ thể soi sáng, còn tất cả hữu tình là đối tượng được soi sáng. Vì sao? Vì mặt trời mặt trăng kia từ xa xưa đã tu tập, nay được quả báo nên có thể soi sáng.

Này thiện nam! Bồ-tát cũng lại như vậy, tuy làm việc biến hóa, nhưng không phân biệt chủ thể biến hóa và đối tượng được biến hóa, đều không nêu bày sự tỏ ngộ cũng không gây tạo nên. Vì sao? Vì Bồtát từ xa xưa, đã thành tựu được nghiệp báo thiện thù thắng. Từ xa xưa, khi Bồ-tát tu trì hạnh Bồ-tát, tùy theo nguyện lực, tùy theo hành nghiệp, cho nên ngày nay có thể biến hóa mà không phân biệt.

Này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp ấy thì khéo có thể hiện bày sự biến hóa.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp sau đây, tức có thể nhanh chóng chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Mười pháp ấy là những gì?

  1. Có thể khéo gồm đủ và khéo tích lũy hạnh bố thí.
  2. Khéo gồm đủ hạnh giới, khéo tích lũy hạnh giới, không thiếu sót về hạnh giới, không có hành giới tạp nhiễm. Vượt qua tất cả hàng Thanh văn, Duyên giác, thành tựu trọn vẹn các hạnh giới thanh tịnh trắng trong.
  3. Khéo gồm đủ hạnh nhẫn nhục.
  4. Khéo gồm đủ hạnh tinh tấn.
  5. Khéo gồm đủ hạnh thiền định.
  6. Khéo gồm đủ tuệ thù thắng.
  7. Khéo gồm đủ phương tiện.
  8. Khéo gồm đủ các hạnh nguyện.
  9. Khéo gồm đủ các lực.
  10. Khéo gồm đủ trí chân chánh, tích chứa, tập hơp đủ trí, do Bồ-tát thành tựu trí bất cộng nên có thể vượt qua trí của tất cả hàng Thanh văn, Duyên giác, vượt trên trí của Bồ-tát trụ Địa thứ nhất, cho đến Bồ-tát trụ Địa thứ chín.

Này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp như thế tức có thể nhanh chóng chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Lúc Đức Thế Tôn giảng nói chánh pháp như thế thì trong tam thiên đại thiên thế giới liền có đủ sáu cách chấn động. Lại, trong tam thiên đại thiên thế giới này, các núi hiện có như Tu-di sơn vương, núi Mục-chân-lân-đà, núi Đại mục-chân-lân-đà, núi Tiểu thiết vi, núi Đại thiết vi, cùng các núi Báu, núi Đen, những núi nhỏ khác… đỉnh cao nơi các dãy núi ấy tự nhiên đều thấp xuống, hướng về núi Tượng đầu, bày tỏ sư cúng dường Phật và chánh pháp. Lại, trong tam thiên đại thiên thế giới ấy, tất cả những cây có hoa, có quả cũng đều cúi thấp hướng về núi Tượng đầu để cúng dường Đức Thế Tôn và chánh pháp. Lúc ấy, lại có vô số trăm ngàn ức ức Bồ-tát hóa hiện vô số các loại y phục trang nghiêm, số lượng chất chứa như núi Tu-di để cúng dường Đức Thế Tôn và chánh pháp. Lại có vô số trăm ngàn vị Thiên chủ Đế Thích, Phạm vương, Hộ thế… thảy đều chắp tay đảnh lễ Đức Thế Tôn, tuôn xuống trên chỗ Phật hoa trời Mạn-đà-la, hoa Đại mạn-đà-la. Lại có vô số trăm ngàn các chúng Thiên tử, mỗi vị đều cầm loại áo trời, ở giữa hư không uốn thân xoay vòng, cất lên trăm ngàn âm thanh trong trẻo vi diệu để cúng dường, lại dùng hoa trời tung rải trên Đức Phật, rồi cùng nói:

–Chúng con hôm nay thấy được Đức Phật, Thế Tôn là lần thứ hai xuất hiện ở thế gian, là lần thứ hai chuyển chánh pháp luân. Bạch Thế Tôn! Nếu các hữu tình có đủ phước đức lớn, tu tập các nghiệp thiện, nơi trú xứ của Phật trước đã vun trồng cội rễ các phước đức, người ấy mới được nghe chánh pháp này, huống chi lại có thể nghe rồi phát sinh tâm thanh tịnh.

Lại có vô số trăm ngàn vị Ma-hầu-la-già thảy đều cùng phát ra những âm thanh rất lớn như tiếng sấm, tiếp theo là biến hóa hiện ra những vầng mây lớn bao trùm cả tam thiên đại thiên thế giơi cùng núi Tượng đầu, tuôn các loại nước thơm đều đầy đủ, nhưng các các hữu tình ở đấy cũng không thấy bị quấy nhiễu, tạo nên những hiện tượng đó là để cúng dường pháp Phật.

Lại có vô số trăm ngàn long nữ đến trước Đức Thế Tôn cất lên lời ca vịnh để cúng dường Phật.

Lại có vô số trăm ngàn chúng Càn-thát-bà, chúng Khẩn-na-la, nhiễu vòng theo phía bên phải, cả tam thiên đại thiên thế giới và núi Tượng đầu, cất lên những lời ca vịnh trong thanh vi diệu để cúng dường Phật.

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20