Đ a n g t i d l i u . . .
Kinh Trừ Cái Chướng Bồ Tát Sở Vấn

KINH TRỪ CÁI CHƯỚNG BỒ-TÁT SỞ VẤN
Hán dịch: Đời Triệu Tống, Đại sư Pháp Hộ
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 18

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp sau đây sẽ đạt nếp sống trong sạch. Mười pháp ấy là những gì?

  1. Lìa bỏ sự dua nịnh nhằm mưu cầu lợi dưỡng.
  2. Xa lìa tâm vì mưu cầu lợi dưỡng nên giả hiện các hình tướng.
  3. Lìa bỏ tâm vì mưu cầu lợi dưỡng nên nói lời hư vọng, xúi giục, dụ dẫn.
  4. Lìa bỏ tâm cầu tìm những lợi dưỡng xấu ác.
  5. Lìa bỏ những lợi dưỡng phi pháp.
  6. Lìa bỏ những lợi dưỡng không trong sạch.
  7. Không tham đắm vướng mắc nơi lợi dưỡng.
  8. Không bị ái nhiễm theo lợi dưỡng.
  9. Không vì lợi dưỡng mà sinh tâm bứt rứt, khổ não.
  10. Đạt được lợi dưỡng đúng như pháp, nên vui mừng, cho là đủ.

Này thiện nam! Thế nào là Bồ-tát có thể xa lìa sự dua nịnh để cầu lợi dưỡng? Đó là Bồ-tát không vì cầu lợi dưỡng mà thân thể, lời nói, tâm ý làm những điều dua nịnh, tà vạy. Thân không làm chuyện dua nịnh, Bồ-tát nếu thấy người bố thí hoặc hỗ trợ việc bố thí mà không cố ý tỏ ra có oai nghi thư thả, ung dung, bước đi từng bước ngay ngắn, mắt nhìn thẳng phía trước, hoặc có tâm chán trông những điều xấu ác hay tạo sự vắng lặng không nhìn rõ. Đó gọi là thân không làm điều dua nịnh.

Lời nói không dua nịnh: Bồ-tát không vì duyên cớ lợi dưỡng mà nói năng hòa nhã, từ tốn, nói lời dịu dàng, yêu thích, hay nói lời thuận theo. Đó là lời nói không dua nịnh.

Tâm ý không dua nịnh: Bồ-tát thấy người bố thí và người phụ giúp bố thí khi đem lợi dưỡng đến với sự sống mà không nói năng hay hiện bày vẻ thiểu dục, không khởi tâm tham ái, bên trong nhằm hủy diệt nỗi khổ sở bức bách. Đó gọi là tâm ý không sinh dua nịnh. Như thế gọi là Bồ-tát khéo có thể xa lìa sự dua nịnh để cầu lợi dưỡng.

Sao gọi là khéo có thể lìa bỏ tâm vì lợi dưỡng nên giả hiện cac hình tướng? Đó là nếu Bồ-tát tuy vì y phục, đồ ứng khí, thuốc men trị bệnh và những vật dụng cần thiết khác thúc bách, nhân đó có thể giả hiện sự hư dối, nhưng rốt cuộc không bày lời cầu xin thí chủ và người trợ giúp bố thí. Đó là Bồ-tát khéo có thể xa lìa tâm vì lợi dưỡng nên giả hiện các hình tướng.

Thế nào là khéo có thể xa lìa tâm vì lợi dưỡng nên nói lời hư vọng, xúi giục, dụ dẫn? Tức là nếu Bồ-tát thấy người bố thí hay người giúp đỡ việc bố thí, không nói những lời: Ông…(tên gì đó) là thí chủ, mang những vật đó là đem cho tôi, vì tôi là người giữ giới, nghe nhiều hiểu rộng, ít ham muốn, biết đủ, do đấy đã đem vô số những vật dụng riêng bố thí cho tôi. Cũng vì đấy mà khởi tâm thương xót, tạo nhiều lợi ích để thu phục người ấy nên mới thọ nhận. Đó gọi là Bồ-tát khéo có thể xa lìa tâm vì lợi dưỡng nên nói lời hư giả, xúi giục, dẫn dụ.

Thế nào là khéo có thể xa lìa sự cầu tìm lợi dưỡng xấu ác? Đó là Bồ-tát không vì cầu lợi dưỡng mà thân tâm làm điều xấu ác. Thân làm điều xấu ác là lăng xăng lui tới để tranh giành, trải bao gian khó, phá bỏ giới tịnh. Tâm làm điều xấu ác là vì lợi dưỡng nên khi thấy người đồng tu phạm hạnh có được lợi dưỡng rồi, thì đối với người ấy sinh tâm gây tổn hại. Đó gọi là Bồ-tát khéo có thể xa lìa sự mong cầu lợi dưỡng xấu ác.

Thế nào là khéo có thể xa lìa những lợi dưỡng phi pháp? Đó là Bồ-tát không dối gạt khi làm công việc cân, đong. Kẻ khác có tin tưởng giao gởi vật gì cũng không chiếm lấy, cũng không gian ác để tích chứa của cải lợi lộc. Đó gọi la Bồ-tát khéo có thể xa lìa lợi dưỡng phi pháp.

Thế nào là khéo có thể xa lìa những lợi dưỡng không thanh tịnh? Tức là nếu Bồ-tát đối với những lợi dưỡng, hoặc ở nơi tháp, hoặc của Pháp, hoặc của Tăng, những vật dụng ấy không cho, không hứa thì Bồ-tát thảy đều không nhận. Đó gọi là Bồ-tát khéo có thể xa lìa những lợi dưỡng không thanh tịnh.

Thế nào là không tham đắm vướng mắc nơi lợi dưỡng? Tức là nếu Bồ-tát tuy được lợi dưỡng nhưng không tự xem là hoàn toàn phụ thuộc về mình, cũng không tự cho mình là giàu đủ, lại không tích chứa mà nên bố thí khắp cho các vị Sa-môn, Bà-la-môn khác, cùng cha mẹ, bà con, bạn bè, người quen biết, hoặc cứ theo đúng thời mà thọ dụng. Đó là Bồ-tát không tham đắm vướng mắc nơi lợi dưỡng.

Thế nào là không ái nhiễm theo lợi dưỡng? Tức là nếu Bồ-tát tuy được thọ dụng lợi dưỡng nhưng không sinh tâm ái nhiễm. Đó gọi là Bồ-tát không ái nhiễm theo lợi dưỡng.

Thế nào là không vì lợi dưỡng mà sinh tâm khổ? Nghĩa là nếu Bồ-tát khi không có được lợi dưỡng, tâm không sinh khổ, cũng không thấy bị bức bách, đau buồn. Đối với người bố thí hay người trợ giúp bố thí không dy tâm oán ghét hay từ bỏ. Đó gọi là Bồ-tát không vì lợi dưỡng mà sinh tâm khổ não bức bách.

Thế nào là được lợi dưỡng đúng như pháp nên sinh tâm vui đủ? Tức là Bồ-tát hoặc theo chúng Tăng lần lượt nhận được lợi dưỡng đúng như pháp, đúng lúc, Như Lai thuận cho, chúng Bồ-tát không quở trách, các bậc Thánh hiền khen ngợi, người cùng tu phạm hạnh không chê bỏ. Thọ dụng như thế xong, sinh tâm vui mừng cho là đủ. Đó là Bồ-tát được lợi dưỡng đúng như pháp nên sinh vui vẻ, cho là đủ.

Này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp ấy liền đạt được nếp sống trong sạch.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp sau đây thì tâm không lười, mỏi. Mười pháp ấy là những gì?

  1. Vì tạo lợi ích cho các hữu tình nên ở lâu trong cõi sinh tử mà không lười mỏi.
  2. Vì muốn tạo lợi ích cho hữu tình nên thọ nhận khổ nơi sinh tử mà không lười, mỏi.
  3. Vì các hữu tình tạo mọi lợi ích mà không lười mỏi.
  4. Tạo ra các nghiệp thiện cho các hữu tình không lười mỏi.
  5. Vì đối với các hữu tình tạo các sự nghiệp mà không lười mỏi.
  6. Vì người cầu quả vị Thanh văn nên giảng nói đạo pháp ấy mà không lười mỏi.
  7. Đối với người tu tập quả vị Thanh văn, không nên ở trước người đó nói là không tin pháp ấy.
  8. Thành tựu được các pháp Bồ-đề phần mà không lười mỏi.
  9. Gồm đủ hành trang của sự giác ngộ mà không lười mỏi.
  10. Không thủ chứng Niết-bàn, không khởi tâm hướng về sự vui thích của Niết-bàn. Bồ-tát do nhân duyên đó nên có thể hướng về Bồđề, dần dần đến gần Bồ-đề, chứng đắc quả vị Bồ-đề.

Này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp ấy tức tâm không lười mỏi.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp sau đây tức có thể hành trì tất cả lời dạy của Như Lai. Mười pháp ấy là những gì?

  1. Siêng năng tu tập hạnh không buông lung, lìa bỏ mọi phóng dật.
  2. Đầy đủ oai nghi thiện, thân không làm điều ác.
  3. Đầy đủ luật nghi thiện, miệng không hành ác.
  4. Gồm đủ luật nghi thiện, ý không hành ác.
  5. Lo sợ cho đời khác, nên dốc sức trừ những thứ ác.
  6. Nói những lời đúng như lý, xa lìa những lời phi lý.
  7. Giảng nói những lời chánh pháp, xa lìa những lời phi pháp.
  8. Xa lìa nghiệp bất thiện, tu tập nghiệp thiện.
  9. Thường đối với lời dạy của Như Lai không nói điều lỗi, xấu, lìa bỏ các phiền não cấu uế, xấu độc.
  10. Luôn thuận theo để giữ gìn chánh pháp của Như Lai, ngăn ngừa, chế ngự tất cả những pháp bất thiện.

Này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp ấy tức có thể hành trì tất cả lời dạy của Như Lai.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp sau đây sẽ đạt được vẻ mặt hòa ái, xa lìa mọi vẻ cau có. Mười pháp ấy là những gì?

  1. Các căn thù thắng, vi diệu.
  2. Các căn thanh tịnh.
  3. Các căn không thiếu mất.
  4. Các căn không cấu uế.
  5. Các căn sạch, trong.
  6. Lìa xa sự giận dữ.
  7. Xa lìa các phiền não.
  8. Xa lìa những trói buộc.
  9. Xa lìa những uất kết giận hờn.
  10. Xa lìa sự phẫn nộ.

Này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp ấy thì được vẻ mặt hòa ái, xa lìa mọi sự cau có, căng thẳng.

Khi ấy, Bồ-tát Trừ Cái Chướng bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Theo như con hiểu về ý nghĩa nơi những điều Phật dạy, do các căn thanh tịnh nên Bồ-tát có được vẻ mặt hòa ái, do dứt trừ các phiền não nên xa lìa những cau có, căng thẳng.

Phật bảo:

–Đúng đấy, đúng đấy, này thiện nam! Do các căn thanh tịnh nên Bồ-tát có được vẻ mặt hòa ái, do dứt trừ các phiền não nên lìa được mọi sự cau có, căng thẳng.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp sau đây thì đạt được sự nghe nhiều hiểu rộng. Mười pháp ấy là những gì?

  1. Biết đúng như thật là trong cõi sinh tử, lửa tham cháy rực.
  2. Biết đúng như thật là lửa sân lừng mạnh.
  3. Biết rõ đúng như thật là lửa ngu si làm tối tăm, rối loạn. 4. Biết rõ đúng như thật các pháp hữu vi đều là vô thường.
  4. Hiểu rõ đúng như thật các hành là khổ.
  5. Hiểu rõ đúng như thật thế gian thảy đều là không.
  6. Hiểu rõ đúng như thật các pháp là vô ngã.
  7. Có thể lìa bỏ mọi hý luận trong thế gian.
  8. Hiểu rõ đúng như thật các pháp đều từ duyên sinh.
  9. Hiểu rõ đúng như thật Niết-bàn là vắng lặng.

Những giáo pháp trọng yếu này do văn, tư, tu mà thành trí tuệ, rồi mới có thể chứng ngộ, không thể chỉ dùng ngôn ngữ, âm thanh mà có thể chứng đắc được. Bồ-tát biết như thế rồi liền khởi tâm thương xót vững chắc, khởi hạnh tinh tấn vì các hữu tình tạo nên những lợi ích.

Này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp ấy tức đạt bậc nghe nhiều, hiểu rộng.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp sau đây tức có thể thu nhận được chánh pháp. Mười pháp ấy là những gì?

  1. Về sau này, sau năm trăm năm cách Phật Niết-bàn, vào lúc chánh pháp chuyển biến, giảm mất, các hữu tình ở trong giáo pháp của Phật lập nên tà đạo, ngọn đèn trí tuệ khuất mất, đúng vào lúc ấy, Bồ-tát có thể giảng nói kinh điển rộng lớn của Như Lai đã truyền dạy, tạo nên lợi ích lớn, đầy đủ uy đức lớn, như mẹ của các pháp, có thể thọ trì, đọc tụng, cung kính, phụng sự, tức là có thể thâu nhận chánh pháp.
  2. Vì người khác mà giảng nói, khiến người nghe lãnh hội, khai mở, hiểu biết ý nghĩa.
  3. Đối với những người tu hành theo chánh pháp, thì yêu thích, tin tưởng, tôn trọng, hoan hỷ, vì họ mà thu nhận.
  4. Vì người khác mà giảng nói chánh pháp, không hề có mong cầu.
  5. Đối với vị thầy thuyết pháp, phát khởi nghĩ tưởng về bậc tôn sư.
  6. Đối với chánh pháp luôn nghĩ tưởng như vị cam lồ.
  7. Luôn nghĩ tưởng như là Thánh dược.
  8. Nghĩ tưởng như vị thuốc hay.
  9. Vì cầu chánh pháp nên không tiếc thân mạng.
  10. Cầu được pháp rồi thì tu hành viên mãn.

Này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp ấy tức có thể thâu nhận được chánh pháp.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp sau đây thì sẽ là vương tử của chánh pháp. Mười pháp ấy là những gì?

  1. Đầy đủ các tướng trang nghiêm.
  2. Thân đạt được các vẻ đẹp.
  3. Các tướng tốt đầy đủ, các căn trọn vẹn hoàn chỉnh.
  4. Đối với nơi chốn chư Phật, Như Lai gần gũi thì thuận theo mà gần gũi.
  5. Đối với những nơi chốn Phật Như Lai hành trì chánh đạo thì thuận theo đó mà hành trì.
  6. Đối với pháp được Phật, Như Lai chứng ngộ, thì thuận theo đó mà giác ngộ.
  7. Cứu độ tất cả những chúng sinh khổ não trong thế gian.
  8. Khéo có thể tu học tất cả hạnh của bậc Thánh.
  9. Khéo có thể tu tập, thành tựu các phạm hạnh.
  10. Khéo an trụ nơi thành Nhất thiết trí là chỗ trụ của Như Lai.

Này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp ấy sẽ là bậc vương tử của chánh pháp.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp sau đây thì có thể vượt lên hơn các Thiên chủ Đế Thích, Phạm vương, Hộ thế.

Mười pháp ấy là những gì?

  1. Đối với quả vị giác ngộ của Phật, đạt không thoái chuyển.
  2. Không bị các ma làm cho lay động.
  3. Không xa lìa tất cả pháp Phật.
  4. Thuận theo để có thể hiểu rõ, hội nhập nơi chánh lý của các pháp.
  5. Thông đạt được các pháp bình đẳng.
  6. Không tin tưởng nơi kẻ khác.
  7. Đối với pháp Phật, khéo đạt được trí tuệ giác ngộ.
  8. Không cùng chung, ngang bằng với tất cả hàng Thanh văn, Duyên giác.
  9. Vượt ra khỏi tất cả thế gian.
  10. Chứng đắc được pháp Nhẫn vô sinh.

Này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp ấy tức có thể vượt hơn hẳn các vị trời Đế Thích, Phạm vương, Hộ thế…

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp sau đây, tức có thể nhận biết ý thích của các hữu tình về những phiền não.

Mười phap ấy là những gì?

  1. Biết rõ đúng như thật tất cả hữu tình ý thích về tham dục.
  2. Hiểu biết rõ ý thích về giận dữ.
  3. Biết rõ ý thích về sự si mê.
  4. Biết rõ ý thích về thượng phẩm.
  5. Biết rõ ý thích về trung phẩm.
  6. Biết rõ ý thích hạ phẩm.
  7. Biết rõ ý thích về các điều thiện.
  8. Biết rõ ý thích về sự bền vững.
  9. Biết rõ thường khởi các phiền não.
  10. Biết rõ những phiền não xấu ác.

Những pháp như thế đối với một hữu tình đã biết ro đúng như thật, cho đến cùng tận các giới hữu tình khác, cũng đều rõ biết như thế.

Này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp ấy, thì có thể nhận biết ý thích của hữu tình về các phiền não.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp sau đây, tức khéo nhận biết pháp làm thành thục các hữu tình. Mười pháp ấy là những gì?

  1. Người nên dùng sắc tướng của chư Phật để điều phục, liền hiện sắc tướng của chư Phật.
  2. Người nên dùng sắc tướng của Bồ-tát để điều phục, liền hiện tướng Bồ-tát.
  3. Người nên dùng sắc tướng của Duyên giác để điều phục, liền hiện sắc tướng của hàng Duyên giác.
  4. Người nên dùng sắc tướng của hàng Thanh văn để điều phuc, liền hiện tướng của hàng Thanh văn.
  5. Người nên dùng sắc tướng của Đế Thích để điều phục, liền hiện tướng Đế Thích.
  6. Người nên dùng sắc tướng của ma vương để điều phục, liền hiện sắc tướng của ma vương.
  7. Người nên dùng sắc tướng của Phạm vương để điều phục, liền hiện sắc tướng của Phạm vương.
  8. Người nên dùng sắc tướng của Bà-la-môn để điều phục, liền hiện sắc tướng của hàng Bà-la-môn.
  9. Người nên dùng sắc tướng của hàng Sát-đế-lợi để điều phục, liền hiện tướng của hàng Sát-đế-lợi.
  10. Người nên dùng sắc tướng của hàng Trưởng giả để điều phục, liền hiện tướng của hàng Trưởng giả.

Này thiện nam! Các loài hữu tình nên dùng vô số những sắc tướng như thế để điều phục, giáo hóa. Bồ-tát liền có thể tùy theo chỗ ứng hợp mà hiện những hình tướng khác nhau.

Này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp như thế, tức khéo nhận biết pháp làm thành thục các hữu tình.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp sau đây tức

đạt được sự an trụ nơi niềm vui thù thắng. Mười pháp ấy là những gì?

  1. Ngay thẳng.
  2. Hoà nhã, mềm dịu.
  3. Không có tâm dua nịnh, quanh co.
  4. Không có tâm giận dữ.
  5. Không có tâm cấu uế.
  6. Đầy đủ tâm thanh tịnh.
  7. Không nói lời hung tợn.
  8. Dứt bỏ những lời nói nhơ bẩn, độc ác.
  9. Thường hành nhẫn nhục.
  10. Gồm đủ sự yêu thích tốt đẹp.

Này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp ấy thì đạt được sự an trụ nơi niềm vui thù thắng.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp sau đây, thì an trụ nơi sự an lạc. Mười pháp ấy là những gì?

  1. Đầy đủ chánh kiến.
  2. Nhận biết đầy đủ về hành giới thanh tịnh, trọn vẹn.
  3. Oai nghi phép tắc thanh tịnh.
  4. Thuận theo cảnh giới tu hành.
  5. Không trụ nơi các phiền não, tạp loạn.
  6. Không còn lỗi lầm.
  7. Tu tập đầy đủ các phạm hạnh.
  8. Đạt được đồng phạm hạnh.
  9. Trụ nơi đạo Nhất thừa.
  10. Không tôn thờ các bậc thầy khác.

Này thiện nam! Bồ-tát tu tập được mười pháp như thế, tức được trụ nơi an lạc.

 

 

Trang 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20

0 0 Phiếu
Xếp Hạng Bài Viết
Đăng ký
Thông báo về
guest

0 Bình Luận
Mới nhất
Cũ nhất Được bình chọn nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận