KINH TRỪ CÁI CHƯỚNG BỒ-TÁT SỞ VẤN

Hán dịch: Đời Triệu Tống, Đại sư Pháp Hộ
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 14

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp sau đây tức đạt pháp Nhất tọa. Mười pháp ấy là những gì?

  1. Một lần ngồi nơi đạo tràng Bồ-đề, các ma kinh sợ, hoàn toàn không động.
  2. Chứng đắc pháp xuất thế gian vĩnh viễn không động.
  3. Đầy đủ tuệ xuất thế gian mãi mãi không động.
  4. Đạt tuệ xuất thế gian vĩnh viễn không động.
  5. Chưng ngộ tánh không vĩnh viễn không động.
  6. Hiểu rõ các pháp đúng như thật vĩnh viễn không động.
  7. Đạt được pháp Thánh đạo hoàn toàn không động.
  8. Trụ nơi thật tế hoàn toàn không động.
  9. Chứng đắc tánh chân như hoàn toàn khong động.
  10. Thành tựu trí Nhất thiết trí hoàn toàn không động.

Này thiện nam! Pháp Nhất tọa ấy tức là tòa Nhất thiết trí, cũng gọi là Pháp tòa. Cho nên Bồ-tát một lần lên tòa thì hoàn toàn không động. Đó gọi là pháp Nhất tọa.

Này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp ấy thì đạt được pháp Nhất tọa.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp sau đây thì thường thọ thực một lần. Mười pháp ấy là những gì?

  1. Không sinh tâm tham lam, phóng túng.
  2. Không khởi nhiễm chấp. Đó là một lần thọ thực rồi hoặc đúng thời, hoặc không đúng thời, đối với những thức ăn nuôi thân khác hiện có đều không nên nhận. Nghĩa là các thứ như sữa dầu, đường phèn, hoa trái, mọi loại ngon bổ thảy đều không nhận.
  3. Nếu lúc thấy người khác thọ nhận các thứ thức ăn ngon bổ như sữa, dầu… không sinh tâm sân hại.
  4. Không sinh tâm ganh ghét.
  5. Nếu Bồ-tát mắc bệnh nặng dây dưa, thì có thể ngoài những giờ giấc quy định, có thể được ăn các thứ thích hợp để trị bệnh.
  6. Bồ-tát nếu tánh mạng bị tai nạn, cần nên ăn thì được thọ thực.
  7. Bồ-tát nếu khi gặp chướng ngại trong pháp thiện, có những khó khăn mà cần ăn thì được thọ thực.
  8. Bồ-tát thọ thực rồi thì không hối hận.
  9. Bồ-tát thọ thực rồi thì không nghi ngờ.
  10. Bồ-tát tùy lúc thọ thực và xem đó là thuốc trị bệnh.

Này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp ấy thì thường đạt pháp thọ thực một lần.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp sau đây sẽ khéo trụ nơi A-lan-nhã. Mười pháp ấy là những gì?

  1. Tu tập phạm hạnh lâu dài.
  2. Khéo hiểu rõ giới luật, oai nghi.
  3. Các căn viên mãn.
  4. Đầy đủ đa văn.
  5. Có năng lực lớn.
  6. Lìa bỏ chấp ngã.
  7. Như loài thú hoang dã.
  8. Thân được ở xa.
  9. Vắng lặng luôn hiện tiền.
  10. Không chán bỏ, cũng không tham đắm.

Này thiện nam! Thế nào là Bồ-tát tu tập phạm hạnh lâu dài… cho đến không chán bỏ, cũng không tham đắm? Đó là nếu Bồ-tát đối với giáo pháp tối thượng của Phật mà lìa bỏ gia đình, xuất gia, ba nghiệp thanh tịnh, hành giới đầy đủ, thể tánh khéo léo, hiểu sâu về luật nghi, lui tới đúng mẫu mực, với những pháp Phật đã giảng dạy gồm thượng, trung, hạ, các người tu học không nhờ vào những điều từ ke khác, mà khéo tự thấu rỏ. Đó chính là ý nghĩa của giáo pháp và pháp xuất ly. Lại biết về các tội và pháp giải thoát khỏi tội hiện có. Nơi chốn nào nên xa lìa, nơi chốn nào đáng cung kính, tất cả đều có thể nhận biet. Lại đối với những tội đáng chê trách nên rộng tỏ bày sám hối, không được che giấu. Lại biết nơi nào có tội, nơi nào không tội, hoặc tội nặng, tội nhẹ, tội bậc thượng, trung, hạ, tất cả đều biết rõ. Cũng nên biết trong thế gian những điều tạo ra nhân của nghiệp chiêu cảm quả dị thục, tất cả đúng như thật, thảy đều hiểu rõ. Bồ-tát như thế các căn không giảm, các phần nơi thân đều đầy đủ, trọn vẹn. Thân đầy đủ trọn vẹn tức co thể nơi A-lan-nhã. An trụ nơi A-lan-nhã nên nơi ấy vắng lặng, không có các phiền não nhiễu loạn. Không gần không xa nên khất thực dễ dàng. Suối ngọt sạch trong nên lấy nước không mệt nhọc, là nơi đáng vui thích. Rừng cay xanh tốt, hoa quả sum suê, đều đầy đủ. Lìa xa các loài côn trùng, thú dữ, hang động yên ổn, tuy cao mà bằng, vui vẻ, điều hòa, thích hợp, an nhiên, không bạn bè. Bồ-tát nương tựa nơi A-lan-nhã vắng lặng như thế, được an trụ rồi, tức có nơi chốn tu tập, đọc tụng, những điều được nghe từ trước trong các giáo điển, ngày đêm sáu thời trì tụng không gián đoạn. Âm vận điều hòa, thông suốt, không cao, không thấp. Vẻ mặt, điệu bộ tĩnh lặng, tâm không duyên theo những gì bên ngoài, nên thanh tịnh, dứt hết các cảnh giới, suy nghĩ về nghĩa lý của kinh điển, lìa ngủ nghỉ. Nếu lúc ở chốn A-lan-nhã, có các bậc vua chúa, quan lại, các hàng Bà-la-môn, Sa-môn, Sát-đế-lợi cùng tất cả dân chúng đến nơi ở của mình, Bồ-tát nên cung kính chào đón, nói như thế này: Thật tốt đẹp, nhà vua đã đến. Xin mời đại vương ngồi tạm. Sau đó tùy điều kiện thích hợp mà đặt trải chỗ ngồi. Vua an tọa rồi mình mới ngồi, nếu vua không ngồi thì tùy nơi thích hợp mà đứng. Lại quan sát vua, nếu thấy các căn có chỗ loạn động, tức thì tán thán: Vui thay đại vương, vua có nhiều điều tốt đẹp, lợi lạc, thống lãnh cõi nước lớn, trong nước của vua có nhiều người giữ giới gồm đủ uy đức lớn, lại có các bậc Sa-môn, Bà-la-môn học rộng cư ngụ, không có trộm cướp, giặc giã làm loạn việc của vua quan. Lại quan sát vua, thấy các căn tốt đẹp, vắng lặng, cử chỉ thư thái, an vui, có thể trao truyền đạo pháp được, liền giảng nói các giáo pháp cho vua nghe. Nếu vua không thích các giáo pháp ấy thì nên giảng pháp chán lìa hay thuận theo. Vua lại không muốn nghe các pháp ấy thì nên giảng pháp thù thắng của Như Lai gồm đủ uy đức rộng lớn. Nếu các hàng Bà-la-môn, Sát-đế-lợi cùng dân chúng tìm đến nơi thì tùy theo chỗ thích hợp mà đều đối xử như thế. Bồ-tát do chỗ gồm đủ đa văn ấy, nên có uy lực lớn, giỏi thuyết pháp, khiến người nghe sinh hoan hỷ khởi tâm thanh tịnh, yêu thích. Bồ-tát do có đủ uy lực ấy, tức có thể vì các các hữu tình đối trị mọi thứ phiền não, đạt được đa văn cùng uy lực lớn, do đó bỏ được chấp ngã, bỏ chấp ngã nên trụ nơi A-lan-nhã được tự tại, vô úy, không sinh kinh sợ, từ đó sự vắng lặng hiện ra, lìa bỏ chốn ồn ào, giống như loài thú hoang dã. Nhưng Bồ-tát khác với loài thú này là không sợ sệt, khong có những lỗi lầm. Vì sao? Vì thú hoang dã sống xa con người cùng những nơi có người ở, thường tránh xa để bảo vệ thân mạng. Bồ-tát xa lìa nơi ồn ào chỉ vì không muốn xen tạp với hết thảy thế gian, hoặc nam nữ, đồng nam, đồng nữ, các sự việc ồn ào luôn làm tán loạn mọi tư duy, gây trở ngại, khó khăn cho tâm thệ nguyện. Vì lý do ấy nên tu tập hạnh chỉ tức, có được sự vắng lặng hiện tiền, nhờ vắng lặng nên có thể thấy nơi A-lan-nhã có công đức hơn hẳn. Vì thấy công đức, trụ nơi vắng lặng, nên không chán lìa, cũng không nhiễm chấp. Nhờ vậy nên thành tựu được pháp không chán lìa, không vướng mắc. Đó là Bồ-tát tu tập phạm hạnh lâu dài, cho đến không chán lìa cũng không nhiễm vướng.

Này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp ấy, tức khéo an trụ nơi A-lan-nhã.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp sau đây thì thường an tọa dưới bóng cây. Mười pháp ấy là những gì?

  1. Không được quá gần làng xóm, nương dưới bóng cây mà ngồi thiền.
  2. Không được quá xa làng xóm, nương dưới bóng cây mà ngồi thiền.
  3. Không nương bóng cây chỗ rừng rậm rạp, gai gốc mà ngồi thiền.
  4. Không ngồi thiền dưới bóng cây nơi có dây leo quấn chằng chịt.
  5. Không ngồi thiền dưới bóng cây mà lá đã khô héo.
  6. Không ngồi thiền dưới bóng cây nơi có loài khỉ vượn ở.
  7. Không ngồi thiền dưới bóng cây nơi có loài chim chóc ở.
  8. Không ngồi thiền dưới bóng cây nơi có loài chó dữ ở.
  9. Không ngồi thiền dưới bóng cây nơi gần đường qua lại.
  10. Không ngồi thiền dưới bóng cây nơi có người hung dữ ở.

Vì sao? Bồ-tát nếu ngồi thiền dưới bóng cây xa cách những nơi như thế thì thân được nhẹ nhàng yên ổn, tâm sinh vui vẻ, thư thái.

Này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập những pháp ấy thì thường ngồi thiền dưới bóng cây.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp sau đây thì thường ngồi thiền nơi khoảng đất trống. Mười pháp ấy là những gì?

  1. Nơi mùa xuân, hạ, thu, đông, không dựa nơi tường vách mà ngồi thiền.
  2. Không nương dưới rừng cây mà ngồi thiền.
  3. Không ở chỗ cây cỏ rậm rạp mà ngồi thiền.
  4. Không nương nơi hẻm núi mà ngồi thiền.
  5. Không nương chỗ thấp trũng ở bờ sông mà ngồi thiền.
  6. Không dùng dụng cụ ngăn chận.
  7. Không dùng dụng cụ che gio.
  8. Không dùng dụng cụ che mưa.
  9. Không dùng dụng cụ trừ nóng.
  10. Không đặt dụng cụ che sương.

Này thiện nam! Bồ-tát tuy thường ngồi thiền nơi khoảng đất trống, nếu thân bị bệnh nặng, cơ thể ốm yếu thì nên đến trụ xứ của chư Tăng. Bồ-tát lúc ấy suy nghĩ: Như Phật đã dạy, vì nhằm đối trị phiền não không để chúng khởi dậy và lìa bỏ sự chấp giữ, nên Phật khen ngợi công đức của hạnh Đầu-đà. Ta nay cũng vậy, tuy ở trong trụ xứ của Tăng chúng, chỉ vì nhằm dứt trừ các phiền não, xa lìa ái nhiễm, vướng chấp, lại để giáo hóa các thí chủ, nên tuy ở trong khu vực Tăng chúng, nhưng luôn nhớ nghĩ đến nơi đất trống.

Này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp ay thì luôn ngồi thiền nơi chỗ đất trống.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp sau đây thì có thể an trụ nơi chốn phần mộ. Mười pháp ấy là những gì?

  1. Bồ-tát tùy theo những nơi chốn được xem là tốt cho viec dừng ở thì đều sinh chán lìa.
  2. Bất cứ lúc nào cũng nghĩ tưởng về cái chết.
  3. Thường nghĩ tưởng đến những gì hư hoại còn sót lại.
  4. Nghĩ tưởng quán xét khắp nơi đều thấy màu đỏ.
  5. Nghĩ tưởng quán xét khắp nơi đều là màu xanh bầm.
  6. Nghĩ tưởng quán xét khắp nơi đều thấy những máu mủ.
  7. Nghĩ tưởng quán xét khắp nơi đều là sự sình trướng.
  8. Nghĩ tưởng quán xét về sự khô cháy.
  9. Nghĩ tưởng quán xét về sự chia lìa, phân tán.
  10. Thường quán xét nghĩ tưởng những bộ xương.

Này thiện nam! Ở nơi gò mả, các vị Bồ-tát thường khởi tâm Từ, tâm tạo lợi ích rộng khắp, tâm yêu thương tất cả hữu tình, với hành giới thanh tịnh, tu trì đầy đủ, không ăn các loại thịt. Vì sao? Vì ở những khu gò mả, chung quanh thường có các hàng phi nhân, quỷ thần nương trụ, giả như thấy Bồ-tát ăn thịt thì họ sẽ không khởi tâm yêu thích thanh tịnh, ngược lại, sinh tâm làm rối loạn, nhiễu hại.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát ở nơi gò mả, nếu có lúc vào tru xứ của Tăng chúng, trước hết phải đến trước tháp của Như Lai cung kính lễ bái, kế đó nên đến lễ bái phụng sự bậc lớn tuổi, đáng tôn trọng, sau đấy hỏi han các Bí-sô nhỏ tuổi, không nên ngồi nơi giường, đệm, tọa cụ của chúng Tăng. Vì sao? Bồ-tát là người hộ trì mọi hình tướng của thế gian, lại ở nơi gò mả. Bồ-tát thuận theo các bậc Thánh, trái với kẻ ngu si ở thế gian. Nếu có vị Bí-sô ở một mình, đem giường, ghế đến dâng Bồ-tát ở nơi gò mả, mời ngồi, lúc ấy Bồ-tát từ chối, dứt khoát không ngồi. Lại quán xét ý của vị Bí-sô kia, sau đấy có hối hận không, quán xét cả những Bí-sô khác thấy không chê bai nói xấu thì có thể ngồi, lúc này tâm nên khiêm tốn, thấy mình ngang bằng với một Đồng tử thuộc hàng Chiên-đà-la, không khác.

Này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp ấy thì có thể an trụ nơi gò mả.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp sau đây tức có thể thường ngồi thiền. Mười pháp ấy là những gì?

  1. Thân không bị bức não nên thường ngồi thiền.
  2. Tâm không bị bức não nên thường ngồi thiền.
  3. Không vì xa lìa ngủ nghỉ nên thường ngồi thiền.
  4. Thân không bị mỏi mệt nên thường ngồi thiền.
  5. Bồ-tát vì muốn thành tựu trọn vẹn hạnh Bồ-đề nên thường ngồi thiền.
  6. Vì nhằm an trụ vào tánh của tâm cảnh là một nên thường ngồi thiền.
  7. Vì muốn Thánh đạo luôn hiện tiền nên thường ngồi thiền.
  8. Vì muốn đạt đến đạo tràng Bồ-đề nên thường ngồi thiền.
  9. Vì muốn tạo lợi ích cho hữu tình nên thường ngồi thiền.
  10. Vì để dứt trừ các phiền não nên thường ngồi thiền.

Này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp ay tức có thể thường ngồi thiền.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp sau đây sẽ tùy chỗ thích hợp mà trải tòa ngồi. Mười pháp ấy là những gì?

  1. Không tham đắm về giường, tòa.
  2. Không tự sắp đặt, bố trí giường, tòa.
  3. Không khiến người khác sắp đặt giường, tòa.
  4. Không vì hình tướng mà sắp đặt giường, tòa.
  5. Hoặc ở nơi khác, nếu có cỏ hay lá cây, theo chỗ có được mà ngồi.
  6. Những nơi chốn hang động có các loài trùng độc, ruồi, nhặng… ở, thì phải lánh xa, không nên sắp bày tòa ngồi.
  7. Bồ-tát khi nằm thì hông bên phải sát giường, chân xếp chồng lên nhau, dùng áo đắp lên mình, nhớ nghĩ chân chánh, hiểu biết chân chánh, luôn tạo tưởng sáng suốt, nghĩ ngợi, nhớ tưởng luôn chuyên nhất.
  8. Không tham đắm, vướng mắc nơi sự vui thích của giấc ngủ.
  9. Nằm nghiêng bên phải mỏi rồi, nhưng không đổi sang bên trái, hoặc lại mong tìm cái vui trong giấc ngủ chỉ vì nuôi dưỡng các đại chủng (Thân bốn đại).
  10. Thường nhớ nghĩ các pháp phần thiện hiện ra trước mặt.

Này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp ấy tức tùy sự phù hợp mà sắp đặt tòa ngồi.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp sau đây tức thành tựu hạnh Du-già. Mười pháp ấy là những gì?

  1. Tu tập nhiều về pháp quán bất tịnh.
  2. Tu tập nhiều về pháp quán Từ bi.
  3. Tu tập nhiều về pháp quán duyên sinh.
  4. Đối với những lỗi lầm khéo có thể dứt trừ.
  5. Tu tập nhiều về pháp quán không.
  6. Tu tập nhiều về pháp quán vô tướng.
  7. Tu tập nhiều về phap quán Du-già.
  8. Thường có thể tăng thêm pháp tu tập.
  9. Tâm không luyến tiếc, hối hận.
  10. Giới hạnh đầy đủ.

Này thiện nam! Thế nào là Bồ-tát tu tập hành quán bất tịnh? Đó là khi Bồ-tát ở một mình nơi xứ khác, luôn ở trong hiện tại, tịch tĩnh giữ thân ngồi ngay ngắn, thư thái, tâm sáng suốt, ngồi kiết già, an trụ nơi chánh niệm, không cho tâm chạy theo ngoại cảnh, suy nghĩ: Những thứ ăn uống hiện có trong thế gian, hoặc mùi vị thanh tịnh, hoặc hương vị tột bậc, hoặc mùi vị tầm thường. Những thức ăn uống ấy được lửa trong thân tác động đều thành các thứ bất tịnh đáng ghét. Kẻ ngu si trong thế gian có kiến chấp sai trái, đối với những mùi vị kia lại nhiễm đắm tham chấp. Những bậc Thánh trong chúng ta, dựa theo giới pháp của pháp Phật, nên dùng trí tuệ chân chánh quán xét thấy đúng như thật, nơi những điều ấy, thân không nên ái nhiễm tham đắm, vướng mắc. Do vậy, thường khởi tâm chán lìa. Đó là Bồ-tát tu pháp quán bất tịnh.

Thế nào là Bồ-tát tu tập, hành quán Từ bi? Đó là khi Bồ-tát ở một mình nơi khác, thân phải ngay chính, thong thả, khởi ý sáng suốt, ngồi kiết già, an trụ nơi chánh niệm, tâm không để ngoại duyên chi phối, suy nghĩ: Nếu có các hữu tình, tâm nhiều giận hại, tạo nghiệp bất thiện, đối với ta không có hình tướng mà khởi oán hại, hoặc nơi quá khứ, hiện tại, vị lai trong ba đời, tất cả hữu tình đối với ta hết thảy chỗ khởi oán hại kia, đều khiến dứt trừ, cũng khiến những hữu tình ấy đều sẽ an tọa nơi đạo tràng Bồ-đề. Đấy là Bồ-tát tâm ý vui thích hết sức sâu xa, thường suy nghĩ, không phải chỉ có lời nói mà tất cả đều như thật. Đó là Bồ-tát tu tập pháp quán Từ bi.

Thế nào là Bồ-tát tu tập pháp quán duyên sinh? Nghĩa là nếu Bồ-tát đối với tâm tham, giận, não hại đã sinh ra, thì từ những pháp ấy suy nghĩ: Nếu các pháp sinh ra, đều do duyên phát khởi, thì pháp duyên đó cũng từ duyên sinh. Duyên có thể sinh tức thuộc về pháp duyên, những người trí há trong pháp duyên sinh không mà chấp có ngã tưởng sao? Đó là Bồ-tát tu pháp quán duyên sinh.

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20