KINH TRỪ CÁI CHƯỚNG BỒ-TÁT SỞ VẤN
Hán dịch: Đời Triệu Tống, Đại sư Pháp Hộ
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
QUYỂN 13
Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp sau đây tức đạt được tâm an trụ nơi pháp định vi diệu. Mười pháp ấy là những gì?
- Khéo hành thân niệm xứ.
- Khéo hành thọ niệm xứ.
- Khéo hành tâm niệm xứ.
- Khéo hành pháp niệm xứ.
- Khéo hành niệm xứ về cảnh giới.
- Khéo hành niệm xứ về A-lan-nhã.
- Khéo hành niệm xứ về kinh đô, thành ấp, làng xóm.
- Khéo hành niệm xứ về tiếng tăm, lợi dưỡng.
- Khéo hành niệm xứ về pháp tu học do Như Lai nêu dạy.
- Khéo hành niệm xứ về sự đoạn trừ mọi tạp nhiễm của phiền não và tùy phiền não.
Này thiện nam! Thế nào là Bồ-tát khéo hành thân niệm xứ? Đó là Bồ-tát nơi thân hiện có, theo ngã sở dấy khởi pháp bất thiện, tội lỗi, dùng trí tuệ thù thắng quán xét tỉ mỉ, đều xa lìa. Lại quán xét những lỗi lầm của thân, dưới từ chân, tim, trên đến đỉnh đầu, gân mạch quấn cột… xem khắp toàn thân, không thấy có ngã, đều là pháp không chút dừng nghỉ (vô thường) hư hoại. Thân này là bất tịnh, là những thứ không thành thục, bẩn uế đáng ghét, là những hình sắc xấu ác cùng được tích tụ. Lúc Bồ-tát quan sát như vậy, nếu thân tham ái nơi các dục, hoặc thân suy chấp về ngã tưởng, hoặc thân là nơi chốn chấp trước. Những pháp như thế đều không thể thủ đắc, do duyên cớ ấy, do cùng với những pháp bất thiện kết hợp nên không tự tại, thân cùng với hết thảy pháp thien kết hợp nên được tự tại. Như thế gọi là khéo hành thân niệm xứ.
Thế nào là Bồ-tát khéo hành thọ niệm xứ? Nghĩa là Bồ-tát suy nghĩ như vầy: Những thọ hiện có đều là khổ. Vì sao kẻ ngu ở trong điên đảo lại chấp cho là an lạc? Những kẻ ngu si không rõ về khổ, vui, chỉ có các bậc Thánh nhân đều biết đó là khổ. Bồ-tát tự mình có thể siêng năng hành trì, dứt trừ các khổ thọ, rồi chỉ dạy cho người khác cùng tu học như mình. Khi Bồ-tát quan sát như thế về thọ thì không sinh tham ái đắm chấp, không khởi giận dữ, siêng năng hành hóa, lại khiến người khác cũng hành hóa như mình. Như thế là Bồ-tát khéo hành thọ niệm xứ.
Thế nào là Bồ-tát khéo hành tâm niệm xứ? Đó là Bồ-tát suy nghĩ như vầy: Tâm thực sự là vô thường, do suy chấp là thường, cho khổ là vui, không ngã cho là có ngã, bất tịnh cho là tịnh, tâm luôn dao động, bất an, không chút dừng lại, như gió chuyển nhanh. Đó là gốc rễ đầu tiên của phiền não, cũng lại là duyên của các phiền não tùy thuộc, mở cửa cõi ác, phá hoại cõi thiện, lại là nhân duyên phát sinh tham, sân, si, là chủ thể nổi bật của các pháp. Tâm là người dẫn đường trong tất cả các pháp. Nếu tâm có sự nhận biết thì tất cả pháp cũng đều được nhận biết. Tâm như người thầy dạy vẽ, vẽ nên mọi hình tượng. Tâm không thấy tâm. Tâm có thể chứa nhóm nghiệp thiện và bất thiện. Tâm như vòng lửa xoay tròn liên tục. Tâm biến chuyển nhanh như ngựa chạy. Tâm như ngọn lửa nơi đồng rộng bốc cháy dữ dội, tâm như nước lớn tưới thấm làm phát triển mọi vật. Khi Bồ-tát quan sát như thế thấy tâm thực sự không được tự tại. Các vị Bồ-tát có thể tự điều phục tâm. Khi tâm được điều phục thì tất cả pháp đều được điều phục. Như thế gọi là Bồ-tát khéo hành tâm niệm xứ.
Thế nào là Bồ-tát khéo hành pháp niệm xứ? Nghĩa là nếu Bồ-tát đối với những pháp bất thiện nhận biết đúng như thật đó là tham, sân, si, cùng chỗ nương tựa, dùng những cách đối trị tham, sân, si và những pháp bất thiện khác. Bồ-tát siêng năng dứt trừ những pháp bất thiện rồi, tức có thể biết rõ những pháp thiện. Từ trong những pháp thiện sinh tâm yêu thích, trụ nơi niệm xứ đúng đắn, nơi các pháp ấy mong đạt sự thành tựu, tự mình có thể thực hành rồi chỉ dạy kẻ khác cũng tu học như mình. Như thế gọi là Bồ-tát khéo hành pháp niệm xứ.
Thế nào là Bồ-tát khéo hành niệm xứ về cảnh giới? Nghĩa là nếu Bồ-tát từ trong các cảnh giới của sắc, thanh, hương, vị, xúc hợp ý hoặc không hợp ý, không sinh tâm tham chấp giận dữ. Bồ-tát suy nghĩ: Ta nay chẳng nên ở trong pháp không thể tướng này mà sinh tham chấp. Nếu sinh khởi tham tức là người ngu. Gồm đủ tánh ngu si thì không hiểu rõ về tánh, là tánh bất thiện, như Phật đã dạy: Nếu sinh tâm tham tức khởi nhiễm đắm do ngu si chấp trước nên không thể phân biệt pháp thiện và bất thiện, từ đó bị rơi vào đường ác. Bồ-tát lại suy nghĩ: Ta nay chẳng nên ở trong pháp không mà dấy tâm sân han. Khởi tâm sân hận thì không thể nhẫn nhục. Phát sinh giận dữ, tức luôn bị các bậc Thánh chê bỏ, người cùng tu phạm hạnh chán ghét. Khi Bồtát quán xét như thế không hủy hoại cảnh giới, không chấp vào chỗ đạt được. Bồ-tát có thể tự mình hành trì như thế, rồi chỉ dạy cho người khác cũng hành trì như mình. Đó gọi là Bồ-tát khéo hành niệm xứ về cảnh giới.
Thế nào là Bồ-tát khéo hành niệm xứ về A-lan-nhã? Nghĩa là nếu Bồ-tát suy nghĩ: Tu hạnh không tranh cãi, hạnh vắng lặng, đó gọi là trụ nơi A-lan-nhã. Hàng Trời, Rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà… có vị đạt tha tâm thông, có thể nhận biết tâm ta và các pháp thuộc tâm, vậy ta nay phải nên xa lìa những tác ý không đúng như lý, cùng những suy nghĩ dị biệt, bất cứ nơi nào cũng không có ý nghĩ không đúng như lý, lại ở trong pháp như lý khởi tâm vui thích gia tăng sự tu tập rộng rãi. Đó gọi là Bồ-tát khéo hành niệm xứ ve A-lan-nhã.
Thế nào là Bồ-tát khéo hành niệm xứ về các chốn kinh đô, thành trì, thôn xóm? Nghĩa là nếu khi Bồ-tát vào các nơi chốn kể trên, Bồ-tát nên hành hóa đúng với hạnh Bồ-tát, chỗ không nên ở thì đều phải lìa xa, nơi không phải là người xuất gia nên đến đều cũng lìa bỏ. Những gì là nơi không phải người xuất gia nên đến? Đó là nhà của hàng vua, quan, nơi tụ tập cờ bạc, hàng rượu, chốn tiệc tùng ca múa, nơi các ca kỹ ở, cùng những nơi chốn khác mà người xuất gia không nên đến, tất cả đều phải lánh xa, không được lui tới. Đó gọi là Bồ-tát khéo hành niệm xứ về các chốn kinh đô, thành ấp, thôn xóm.
Thế nào là Bồ-tát khéo hành niệm xứ về danh tiếng, lợi dưỡng? Nghĩa là Bồ-tát đối với các sự việc danh tiếng, lợi dưỡng, chỉ làm hàng thí chủ, tạo ruộng phước, theo chỗ khởi tâm mà thọ dụng. Khi được thọ dụng, không sinh tâm tham ái, không sinh chấp giữ, cũng không tính toán, nghĩ là của mình, không dấy khởi tướng của ngã sở, theo chỗ mình có được, chia sẻ với các hữu tình, cũng có những kẻ đối với khổ não thì cứu giúp, nuôi dưỡng. Từ duyên cớ ấy, nên đối với tiếng tam, lợi dưỡng không sinh tâm tự phụ, ngã mạn, cao ngạo, buông lung. Bồ-tát suy nghĩ: Tiếng tăm, lợi dưỡng của các sự việc ấy, hoặc nơi mình, hoặc nơi kẻ khác, chỉ nổi lên trong một thời gian, không lâu bền. Do khởi tạm nổi lên như thế nên ở mọi lúc, mọi nơi, đều không chỗ thủ đắc. Ai là người có trí tuệ, đối với các pháp vô thường, không lâu dài, không bền chắc, không yên ổn… lại sinh tâm tham ái, nhiễm đắm cùng kiêu căng, ngã mạn, buông lung? Đó là Bồ-tát khéo hành niệm xứ về danh tiếng, lợi dưỡng.
Thế nào là Bồ-tát khéo hành niệm xứ về các môn tu học do Như Lai nêu dạy? Nghĩa là nếu Bồ-tát suy nghĩ: Tất cả các vị Như Lai từ quá khứ đều đã tu học như thế, rồi sau thành Bậc Chánh Giác, nhập đại Niết-bàn. Các Bậc Như Lai trong thời vị lai cũng đều tu học như thế rồi sẽ thành tựu quả vị Chánh giác, nhập đại Niết-bàn. Trong thời hiện tại các Đấng Như Lai cũng tu tập như thế, hiện đã thành tựu đạo quả Chánh giác rồi nhập đại Niết-bàn. Vì lý do đó, đối với pháp môn tu học này nên phát tâm thanh tịnh, tôn kính, hết mực siêng năng tu tập. Đó gọi là Bồ-tát khéo hành niệm xứ ve các pháp môn tu học do Như Lai nêu dạy.
Thế nào là Bồ-tát khéo hành niệm xứ về sự dứt trừ nhiễm của các phiền não và tùy phiền não? Nghĩa là nếu Bồ-tát dùng chánh niệm nên có thể hiểu rõ về những thứ tạp nhiễm của hết thảy phiền não và tùy phiền não, do nhân nào phát khởi, do duyên nào nảy sinh? Bồ-tát đều biết rõ về nhân duyên phát khởi, nảy sinh nên đều xa lìa. Đó gọi là Bồ-tát khéo hành niệm xứ về sự đoạn trừ các tạp niệm của phiền não và tùy phiền não.
Này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp ấy thì tâm luôn an trụ nơi pháp định vi diệu.
Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp sau đây thì thường được mặc y phấn tảo. Mười pháp ấy là những gì?
- Thệ nguyện bền chắc.
- Giữ tâm khiêm tốn.
- Không sinh mỏi mệt.
- Lìa bỏ những vướng mắc.
- Không quán xét những lỗi lầm.
- Chỉ quán xét về công đức.
- Không tự ngợi khen mình.
- Không chê bai người khác.
- Hành giới đầy đủ.
- Gần gũi bậc Thánh hiền.
Này thiện nam! Thế nào là Bồ-tát có thệ nguyện bền chắc, cho đến gần gũi bậc Thánh hiền? Nghĩa là nếu Bồ-tát tự có niềm tin thanh tịnh, ý chí đầy đủ, được các Đức Như Lai tin, thuận. Giả như gặp phải hoàn cảnh cần bảo hộ tánh mạng cũng không hủy bỏ điều đã thệ nguyện, cũng không hề chuyển đổi, do có thể kiên cố nơi thệ nguyện, nên có thể khiêm tốn, không sinh ngã mạn. Vì tâm khiêm tốn, nên có thể nhặt lượm những thứ vặt phấn tảo người ta chê bỏ, rồi giặt, tẩy sạch sẽ, may kết thành áo, không hề chán ghét, cũng không mỏi mệt, do không mệt mỏi nên theo việc đã làm lìa mọi vướng chấp, cho đến nơi nghiệp thù thắng, tu tập được thành tựu. Có thể đối với áo phấn tảo ấy không xem xét phần xấu kém của nó. Vì sao với áo này chỉ xem mặt công đức? Nghĩa là y phấn tảo ấy là phục sức của các vị Tiên, các bậc Thánh lìa dục. Vì thuận theo các bậc Thánh hiền nên được Phật ngợi khen. Được Phật ngợi khen nhưng không vì thế mà tự đề cao mình, chê bai người khác. Nhờ không tự đề cao mình, không chê bai người khác, nên đạt được hành giới đầy đủ. Khi giới hạnh thanh tịnh đầy đủ sẽ được các vị Thánh hiền gần gũi, được chư Phật khen ngợi, các vị Bồ-tát bảo vệ chở che, Nhân phi nhân đều giúp đỡ, các hàng Bà-la-môn, Sát-đế-lợi và hết thảy dân chúng đều đến kính lễ, những kẻ cùng tu phạm hạnh thì tán dương.
Này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp ấy thì luôn được mặc y phấn tảo.
Bấy giờ, Bồ-tát Trừ Cái Chướng đến trước Phật, thưa:
–Bạch Thế Tôn! Các Bồ-tát có đủ tâm rộng lớn vì sao còn hành trì các hạnh thấp, nhỏ như vậy?
Phật nói:
–Này thiện nam! Bồ-tát lo việc bảo vệ thế gian nên phải biết tùy thuận mà biến chuyển, do vậy nên hành trì những hạnh đó.
Này thiện nam! Hàng Bồ-tát có vị đủ uy lực lớn, có vị chưa đủ, cần phải dùng tâm đối trị những phiền não chưa khởi sinh, nên hành trì các hạnh đó. Lại nữa, này thiện nam! Theo ý ông thì sao? Như Lai với các nẻo hành hóa và sự hiểu biết là rộng lớn hay cạn hẹp?
Bồ-tát Trừ Cái Chướng bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Con không biện giải được điều đó nên không thể trả lời. Vì sao? Vì không thể lường xét về nẻo hành hóa và sự hiểu biết của Như Lai. Do Như Lai không có pháp gì để có thể chứng đắc, không có pháp gì để có thể thấy biết, vì thế Như Lai không có một pháp nhỏ nào để có thể là hành hóa, hiểu biết.
Phật nói:
–Này thiện nam! Ý ông thế nào? Ông cho Như Lai vì duyên cớ gì trong bốn đại châu hàng nhân và phi nhân cùng những kẻ kém lòng tin khác, nơi các chúng Trời, Rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà… hiện ra những hạnh thô kém này và đối trước những chúng ấy ca ngơi công đức của hạnh Đầu-đà?
Bồ-tát Trừ Cái Chướng bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Như Lai vì muốn hóa độ các hữu tình và hàng Bồ-tát mới trụ nơi pháp Đại thừa, giúp họ đối trị các phiền não chưa phát sinh nên hành trì hạnh này.
Phật nói:
–Này thiện nam! Đúng thế, đúng thế! Các vị Bồ-tát có uy lực lớn, vì muốn hóa độ thành tựu các hữu tình nên mặc y phấn tảo. Đó không phải là hạnh thấp kém. Do duyên cớ ấy, Bồ-tát thường mặc y phấn tảo.
Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp sau đây thì chỉ thọ nhận ba y. Mười pháp ấy là những gì?
- Luôn vui đủ.
- Ít ham muốn.
- Xa lìa mong cầu.
- Lìa mọi chỗ tích chứa.
- Lìa bỏ tích chứa nên không bị hư mất.
- Không hư mất nên lìa mọi khổ não.
- Lìa bỏ ý không vui thích.
- Lìa bỏ buồn than.
- Không có gì để nhận lãnh.
- Siêng năng tu tập nên dứt hết các lậu.
Này thiện nam! Sao gọi là Bồ-tát luôn vui đủ, cho đến siêng năng tu tập nên dứt hết mọi lậu? Nghĩa là nếu Bồ-tát theo chỗ có được áo mặc nên sinh vui mừng. Do vui đủ nên có thể ít ham muốn. Vì ít ham muốn nên không chỗ mong cầu, lìa mọi tích chứa, không tích chứa nên không hư mất. Không hư mất nên lìa bỏ khổ não. Lìa khổ não nên không gì là không hợp ý vui thích, tức không còn buồn than. Không buồn than không có chỗ thọ nhận. Không chỗ thọ nhận nên siêng năng tu tập cho đến hết các phiền não.
Này thiện nam! Bồ-tát tu tập mười pháp như thế tất chỉ thọ nhận ba y.
Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp sau đây, tức không theo hành khác. Mười pháp ấy là những gì?
- Không hành theo tham.
- Không hành theo sân.
- Khong hành theo si.
- Không hành theo sân hại.
- Không hành theo keo kiệt, ganh tị.
- Không hành theo ngã mạn.
- Không hành theo các việc cầu sự hiểu biết tiếng tăm nơi kẻ khác.
- Không hành theo sự mong đạt lợi dưỡng.
- Không hành theo sự cung kính thiên ma.
- Không hành theo cao ngạo, ái nhiễm. Như thế gọi là không theo hành khác.
Này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp ấy tức đạt không theo hành khác.
Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp sau đây tức đạt thường đi khất thực. Mười pháp ấy là những gì?
- Vì nhằm thâu nhận các hữu tình nên đi khất thực.
- Theo thứ lớp mà đi khất thực.
- Không sinh mỏi mệt mà đi khất thực.
- Vui đủ mà đi khất thực.
- Vì muốn chia sớt khắp nên đi khất thực.
- Không tham chấp mà đi khất thực.
- Khéo nhận biết về hạn lượng nên đi khất thực.
- Vì khiến phẩm hạnh thiện hiện ra nên đi khất thực.
- Vì nhằm đạt được các căn lành viên mãn nên đi khất thực.
- Lìa bỏ tưởng chấp về thân nên đi khất thực.
Này thiện nam! Thế nào là Bồ-tát nhằm thâu nhận hữu tình, cho đến lìa bỏ tưởng chấp về thân nên đi khất thực? Nghĩa là nếu Bồ-tát thấy các hữu tình chịu mọi khổ não, căn lành nhỏ ít vì muốn thâu nhận khiến họ có đủ các căn lành nên đi khất thực. Bồ-tát khi vào thành ấp, xóm làng để khất thực, phải trụ nơi chánh niệm, thân phải trang nghiêm, ngay ngắn, tiến dừng khả quan, uy nghi đúng phép tắc, các căn vắng lặng, ngắm nhìn hợp lý, luôn nghĩ đến pháp thiện, chỗ hành khất thực luôn tuân theo thứ lớp, trọn không bỏ nhà nghèo đến khất thực nơi nhà giàu, nghĩa là nơi nhà của hàng Bà-la-môn, Sát-đế-lợi, Trưởng giả, Cư sĩ, các gia đình thuộc tộc họ lớn… lần lượt từng nhà đúng thứ tự mà khất thực, những thức ăn uống xin được phải biết hạn lượng. Ngoài ra những nơi chốn dị biệt thì không đến. Nơi chốn dị biệt là những nhà có chó dữ, súc vật dữ, có trâu bò mới sinh con, nhà của kẻ phá hoại giới tịnh, đọa vào cõi súc sinh, kẻ thường gây sự phiền nhiễu, rối loạn, hoặc nam, hoặc nữ, đồng nam, đồng nữ, cùng chỗ ghét bỏ, những nơi chốn như thế đều nên xa lìa. Do khất thực theo đúng thứ lớp nên không mỏi mệt, cũng không có sự chê bai, hủy báng. Đối với các hữu tình kia không sinh nhiễm ái, không khởi giận hờn, cũng không chán bỏ. Thức ăn có được, tùy chỗ ứng hợp mà nhận, nên sinh vui vẻ. Nhận xong lại trở về trú xứ của chúng Tăng, thu dọn y bát, rửa tay chân đến trước tượng hoặc tháp của Như Lai tôn trọng cung kính cúng dường, sau đó vào chỗ ở của mình lấy thức ăn khất thực được chia làm bốn phần: Một phần dành cho người cùng tu phạm hạnh, một phần cho những người nghèo khổ, một phần cho loài bị đọa vào đường ác, một phần để mình ăn. Bồ-tát khi thọ thực không sinh ái nhiễm, không kiêu căng phóng túng, cũng không chấp giữ. Thức ăn nhận được chỉ để nuôi thân, khiến thân không bị gầy ốm, cũng không quá mập mạp. Vì sao? Nếu quá ốm gầy thì có hại cho việc tu tập pháp thiện, còn nếu quá mập thì sẽ thêm lớn việc ngủ nghỉ. Bồ-tát vì khiến cho phẩm hạnh thiện hiện tiền, nên tùy chỗ thọ dụng thức ăn rồi thì phát khởi tinh tấn, lìa bỏ lười biếng, dần dần tu tập đầy đủ các pháp Bồ-đề phần, do đấy không còn chấp ngã, vì không chấp ngã nên thậm chí có thể dùng thịt của thân mình bố thí cho hữu tình.
Này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp ấy tức thường hành khất thực.