KINH TRỪ CÁI CHƯỚNG BỒ-TÁT SỞ VẤN
Hán dịch: Đời Triệu Tống, Đại sư Pháp Hộ
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
QUYỂN 11
Bấy giờ, Bồ-tát Trừ Cái Chướng bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Pháp này làm sao có thể chứng đắc, làm thế nào có thể hiểu rõ?
Phật nói:
–Này thiện nam! Đạt được trí tuệ xuất thế gian mới có thể chứng nhập, sẽ tự lý giải.
Bồ-tát Trừ Cái Chướng thưa:
–Há không phải là trí tuệ chứng đắc tức là tự trong tâm lý giải, hội nhập sao?
Phật nói:
–Không phải, này thiện nam! Vì sao? Vì trí tuệ chỉ có thể quán xét các pháp đúng như thật. Còn đây là do thân tác chứng.
Bồ-tát Trừ Cái Chướng thưa:
–Nếu các thiện nam ấy, há chẳng phải là do trí tuệ nơi văn, tư, tu kia, khi chứng đắc pháp thì có thể từ bên trong hiểu rõ, chứng nhập sao?
Phật nói:
–Không phải, này thiện nam! Không phải do trí tuệ nơi văn, tư, tu kia khi vừa chứng đắc liền có thể từ bên trong tự hiểu rõ, hội nhập được. Nay ta dùng ví dụ để lược nêu về ý nghĩa ấy.
Này thiện nam! Ví như trong khoảng đồng trống rộng lớn vắng vào mùa hè nóng bức, hoặc có một người đi từ Đông sang Tây, lại có một người đi từ Tây sang Đông, gặp lúc nóng bức độc hại, cơn khát thúc bách, người đến từ phương Tây nói với người đến từ phương Đông: Tôi nay rất nóng, bị cơn khát bức bach, ông từ đó đến đây chắc trải qua quãng đường dài, vậy nơi nào có dòng suối, ao nước trong mát xin chỉ để tôi uống cho hết cơn nóng, khát. Người đến từ phương Đông
khéo nhận biết về đường sá hiện có ở phương Đông, lại cũng biết rõ nơi nào có nước trong mát cùng chỗ nông sâu… liền nói: “Giờ ông hãy đi tới phía trước, đến một nơi có hai ngả rẽ, ngả bên trái không nên đi, từ ngả bên phải ông có thể đi đến nơi có khu rừng rậm rạp, sum suê, mát mẻ, trong ấy có ao hồ với dòng nước trong mát, ngọt chảy tràn khắp.”
Này thiện nam! Theo ý ông thì sao? Người bị khát kia, vừa lúc nghe chỉ bảo có hồ, ao nước trong ngon, khởi lên ý nghĩ thì liền có thể trừ hết nỗi khổ vì khát nước, liền tự được mát mẻ chăng?
Bồ-tát Trừ Cái Chướng thưa:
–Không phải, bạch Thế Tôn! Người bị khát kia phải tự đến nơi đang có nước để uống nước từ ao hồ đó rồi thì mới dứt được cơn nóng khát và mát mẻ.
Phật nói:
–Này thiện nam! Trí tuệ từ văn, tư, tu không phải vừa nghe được là có thể từ bên trong hiểu rõ và hội nhập vào pháp tánh, cũng lại như thế. Nay ông nên biết: Nơi đồng gò hoang vắng là cõi sinh tử. Người bị khát nước vào mùa hè nóng bức đó là tất cả các loài hữu tình. Sự nóng bức cực độ kia tức là những phiền não nơi cảnh giới ái dục của sáu trần. Người biết rõ đường đi tức là các vị Bồ-tát khéo có thể biết rõ về con đường của Nhất thiết trí. Người uống nước kia tức là người đã từ bên trong hiểu rõ, chứng đắc hội nhập, đạt được pháp vị thù thắng, nhẹ nhàng, trong lành, ngon ngọt là thật tánh của các pháp nơi Đệ nhất nghĩa đế.
Này thiện nam! Nay ông nên lắng nghe, ta lại nêu ví dụ: Giả sử Như Lai thọ mang một kiếp, đối trước tất cả mọi người nơi cõi Diêmphù-đề khen ngợi thức uống của cõi trời có mùi thơm và màu sắc rất tuyệt, hương vị thanh tịnh, bổ dưỡng bậc nhất, người nào uống vào sẽ có cảm giác an vui vi diệu.
Này thiện nam! Người nơi cõi Diêm-phù-đề nghe những lời ấy về màu sắc, hương vị của thức uống kia thì trong lòng tự cảm nhận một cách tường tận chăng?
Bồ-tát Trừ Cái Chướng thưa:
–Không thể, bạch Thế Tôn!
Phật nói:
–Này thiện nam! Do vậy nên biết trí tuệ từ văn, tư, tu, không phải khi vừa nghe được liền có thể tự hiểu rõ và hội nhập vào pháp tánh. Nay ông lại nên lắng nghe về ví dụ. Như có người đối với các loại trái cây biết được tên một loại, tự mình ăn trước, rồi nói cho người chưa ăn về màu sắc, mùi vị của trái ấy. Này thiện nam! Ý ông thế nào? Người chưa ăn kia có thể biết rõ về hương vị của trái cây ấy chăng?
Bồ-tát Trừ Cái Chướng thưa:
–Không thể, bạch Thế Tôn!
Phật nói:
–Này thiện nam! Do vậy nên biết trí tuệ từ văn, tư, tu không phải khi vừa nghe được là có thể tự mình hiểu rõ và hội nhập vào pháp tánh.
Bấy giờ, Bồ-tát Trừ Cái Chướng bạch Phật:
–Đấng Thế Tôn đã khéo giảng nói! Đấng Thiện Thệ đã khéo giảng nói sự chứng đắc về lý nơi các pháp là như vậy. Nếu như thiện nam có thể một lần trải qua như thế, nên biết người ấy tức có thể gồm đủ các pháp văn, tư, tu. Vì sao? Vì người ấy đã có đủ nhân không điên đảo nên đạt được pháp đó.
Phật nói:
–Đúng vậy, đúng vậy! Này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp ấy, tức hiểu rõ về lý của pháp giới.
Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp sau đây thì khéo hiểu rõ về cảnh giới không. Mười pháp ấy là những gì?
- Nhận biết về lực không.
- Nhận biết về vô úy không.
- Nhận biết pháp Phật bất cộng là không.
- Nhận biết về giới uẩn không.
- Nhận biết về định uẩn không.
- Nhận biết về trí tuệ uẩn không.
- Nhận biết về giải thoát uẩn không.
- Nhận biết về giải thoát tri kiến uẩn không.
- Nhận biết về không không.
- Nhận biết về thắng nghĩa là không. Tuy nhận biết là không, nhưng cũng không cho không ấy là nhân duyên, để đối với cái không kia có chỗ thủ đắc về tướng. Cũng không vướng mắc nơi không, không dấy lên kiến chấp về không, không dựa nương vào không, lại không do từ nhân duyên không ấy mà rơi vào đoạn kiến.
Này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp ấy, tức khéo nhận biết về cảnh giới của không.
Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp sau đây, lien có sự khéo tu về hạnh vô tướng. Mười pháp ấy là những gì?
- Lìa tướng bên ngoài.
- Lìa tướng bên trong.
- Lìa tướng lý luận.
- Lìa tất cả tướng biến kế.
- Lìa tất cả tướng có chỗ thủ đắc.
- Lìa tất cả tướng cử động.
- Lìa tất cả tướng hư giả.
- Lìa tất cả tướng của đối tượng được duyên.
- Lìa tướng hữu đắc của thức.
- Lìa tướng nới cảnh giới của đối tượng được nhân biết.
Này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp đó thì có thể khéo tu về hạnh vô tướng.
Bấy giờ, Bồ-tát Trừ Cái Chướng bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Nếu đạt hành tướng như trên tức là Bồ-tát tu tập về hạnh vô tướng. Vậy làm thế nào thấy được chỗ tu tập của Như Lai?
Phật nói:
–Này thiện nam! Nên biết đó là điều không thể nghĩ bàn. Vì sao? Vì đã lìa cảnh giới của tâm. Tất cả hữu tình, nếu người nào cho Như Lai là đối tượng có thể tư duy thì đó là kẻ cuồng loạn. Điều Như Lai hiện có, hoặc ở bờ bên này, hoặc ở bờ bên kia, cho đến với sự mệt nhọc cùng cực, rốt cuộc cũng không thể thấy, không thể đạt được. Vì sao? Vì pháp của Như Lai là không thể nghĩ bàn, hết sức sâu xa, khó lường, không thể xét suy về chỗ tận cùng, sánh bằng hư không, vượt khỏi cảnh giới của mọi tầm tứ, vượt khỏi tất cả các tướng có chỗ thủ đắc, không phải các khả năng suy xét, so sánh, lường tính có thể đạt tới.
Bồ-tát Trừ Cái Chướng bạch Phật:
–Bạch Thế Ton! Con có chút nghi ngờ xin được thưa hỏi: Nếu Đức Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác cho phép chúng con nêu bày thì xin vì con mà lược giảng.
Phật nói:
–Này Bồ-tát Trừ Cái Chướng! Nay ông nên hỏi, vì đó là điều bình thường.
Bồ-tát Trừ Cái Chướng bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Những người tự cao, thực không phải là bậc Chánh sĩ, thế sao Đức Thế Tôn là bậc Đại Pháp vương, nay lại tự khen, vậy chẳng phải là tự cao chăng?
Phật nói:
–Lành thay, lành thay! Này thiện nam! Tâm chí của ông sâu xa, vững vàng, nên có thể nêu lên câu hỏi ấy. Ông hãy lắng nghe, khéo tác ý suy nghĩ, Như Lai sẽ vì ông mà giảng nói.
Lúc ấy, Bồ-tát Trừ Cái Chướng vâng lời day, lắng nghe.
Phật nói:
–Này thiện nam! Như Lai, không có tâm ngã mạn, cũng không tự cao, không vì mong muốn về lợi dưỡng, danh tiếng mà sinh ra ngã mạn, cũng không vì mong có sự biết đến của nhiều người, cũng không sinh tâm dua nịnh, dối gạt mà sinh ra ngã mạn. Chỉ đem pháp mình đã chứng đắc được tạo lợi ích, an lạc rộng khắp cho tất cả hữu tình. Vì sao? Vì muốn khiến cho các hữu tình ở chỗ của Như Lai phát sinh tâm thanh tịnh, hoan hỷ. Người nào có thể là hàng pháp khí tức sẽ khiến người ấy đạt được tất cả pháp thiện, khiến trong cõi sinh tử đạt được lợi lạc lớn.
Bồ-tát Trừ Cái Chướng bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Vì sao hữu tình không thể biết thắng đức của Như Lai?
Phật nói:
–Này thiện nam! Hữu tình đó thực sự không biết. Vì sao? Vì trong cõi Phật này, các loài hữu tình, sự tin, hiểu còn kém, hẹp, ý chí bị vướng mắc nơi chỗ thô xấu, thiếu trí tuệ, thiếu đức tin, căn lành nhỏ ít, nên không thể nhận biết thắng đức của Như Lai. Do đó Như Lai mới tự khen ngợi về những công đức hiện có, ý nhằm khiến cho hữu tình phát sinh sự tin tưởng thanh tịnh, có thể thành tựu các công đức thù thắng của Như Lai.
Này thiện nam! Ví như có người là một đại y sư giỏi trị các bệnh, ở trong nước là người giỏi nhất không ai sánh bằng, nhưng dân chúng nơi nước ấy lại không biết về người đó vốn am hiểu các phương thuốc, có đủ cách chữa bệnh tốt. Lúc này, vị y sư kia thấy có người bị bệnh, khổ sở bức bách liền khởi ý nghĩ: Người này bị bệnh khổ, không có phương thuốc hay, ta nay nên vì người ấy mà chữa trị. Người thầy thuốc bèn tìm đến nhà người bệnh, nói với bệnh nhân: “Tôi là thầy thuốc, rõ các cách điều trị, khéo nhận biết các thứ bệnh cùng rõ về nguyên nhân của chúng. Bệnh khổ của ông tôi có cách điều trị.” Bệnh nhân nghe rồi, liền đối với vị thầy thuốc sinh tâm tin tưởng, tôn trọng, quyết nương nhờ. Khi đó, vị thầy thuốc liền vì bệnh nhân dốc sức chữa trị, bệnh kia được dứt trừ.
Này thiện nam! Ý ông thế nào? Vị thầy thuốc kia, đối trước người bệnh nói mình có thể chữa trị được bệnh, có phải là tự khoe chăng?
Bồ-tát Trừ Cái Chướng bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Không phải.
Phật nói:
–Này thiện nam! Như Lai cũng lại như thế, là Đại Y Vương khéo chữa trị các bệnh phiền não cho hữu tình, biết nguyên nhân của bệnh, đưa ra thuốc pháp lớn. Các hữu tình bị bức bách của những thứ bệnh phiền não như vô minh… Như Lai thấy biết rồi, liền đến trước người ấy, tự xưng nói Như Lai có đủ công đức thù thắng, khiến các hữu tình, kẻ nào bị bệnh khổ bức bách nghe nói về công đức hơn hẳn của Như Lai rồi, có thể sinh tâm tin tưởng, tôn trọng, thanh tịnh, lấy Phật, Như Lai làm chỗ nương nhờ. Cho nên Như Lai là vị Đại Y Vương thù thắng, vì kẻ bệnh kia ban cho thuốc pháp lớn, làm cho các hữu tình bị các bệnh nặng của phiền não đều được tiêu diệt.
Này thiện nam! Những gì là pháp dược lớn? Đó là các hữu tình
nhiều tham lam sẽ dạy họ tu pháp quán bất tịnh, các hữu tình nhiều giận dữ sẽ dạy họ tu pháp quán Từ bi, các hữu tình nhiều ngu si dạy họ tu pháp quán duyên sinh. Do duyên cớ ấy, nên thấy hiểu việc Như Lai tự khen ngợi về chỗ đạt được công đức hơn hẳn.
Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp sau đây thì đạt được các nguyện, lìa xa chấp trước. Mười pháp ấy là những gì?
- Tuy hành bố thí mà có nguyện cầu, cũng không chấp trước về sự bố thí.
- Tuy giữ giới cấm, cũng không chấp trước việc giữ giới.
- Tuy hành nhẫn nhục, cũng không chấp trước sự nhẫn nhục.
- Tuy phát khởi tinh tấn, cũng không chấp trước nơi tinh tấn.
- Tuy tu tập thiền định, cũng không chấp trước nơi thiền định.
- Tuy tu tập trí tuệ, cũng không chấp trước về trí tuệ.
- Tuy nương tựa vào ba cõi, cũng không chấp trước nơi ba cõi.
- Tuy cầu đạt Bồ-đề, cũng không chấp trước nơi Bồ-đề.
- Tuy hành chánh đạo, cũng không chấp trước nơi chánh đạo.
- Tuy vào Niết-bàn, cũng không chấp trước về Niết-bàn. Vì sao? Vì Bồ-tát luôn lìa mọi chỗ chấp trước. Tuy ở thế gian nhưng hết thảy chỗ hành hóa đều không chấp trước.
Này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp như vậy thì đạt được các nguyện, xa lìa chấp trước.
Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp sau đây, sẽ đạt được đầy đủ thân từ. Mười pháp ấy là những gì?
- Tâm Từ không phân chia nơi chốn.
- Tâm Từ không có chung loại.
- Tâm Từ về pháp.
- Tâm Từ về định.
- Tâm Từ không mưu hại.
- Tâm Từ lợi ích.
- Tâm Từ bình đẳng với tất cả hữu tình.
- Tâm Từ bình đẳng không giận dữ.
- Tâm Từ rộng lớn trùm khắp mười phương.
- Tâm Từ xuất thế gian.
Này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp ấy thì đạt đầy đủ thân Từ.
Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp sau đây thì đạt được đầy đủ thân Bi. Mười pháp ấy là những gì?
- Thấy người bị các khổ não, không ai cứu giúp, không chốn nương tựa, không nơi quay về, Bồ-tát thấy rồi phát khởi tâm Bồ-đề.
- Phát tâm Bồ-đề rồi cầu chứng đắc pháp.
- Trải qua hành khổ, siêng năng cầu chứng đắc pháp, thành tựu rồi, khắp vì hữu tình tạo lợi ích lớn.
- Khiến các hữu tình tham lam keo kiệt tu hạnh bố thí.
- Khiến những hữu tình hủy bỏ giới, tu giữ giới thanh tịnh.
- Khiến các hữu tình có tâm giận dữ tu hạnh nhẫn nhục.
- Khiến các hữu tình lười trễ phát khởi hạnh tinh tấn.
- Khiến các hữu tình bị tán loạn trụ nơi tâm định.
- Khiến các hữu tình không trí tuệ, tu tập trí tuệ.
- Bồ-tát vì đem lại lợi ích cho hữu tình nên không vì gian khổ, hư hoại, mất mát mà thoái chuyển thắng hạnh Bồ-đề.
Này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp ấy sẽ đạt được thân đầy đủ đức Bi.
Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp sau đây thì khéo tu tập hạnh Hỷ. Mười pháp ấy là gì?
- Bồ-tát tự ra khỏi cảnh lửa cháy bừng nơi ba cõi, nên sinh hoan hỷ.
- Dứt được sợi dây ràng buộc dài lâu nơi nẻo luân hồi qua lại, nên sinh hoan hỷ.
- Bồ-tát xa lìa các thứ tìm cầu, tự mình đã qua được biển sinh tử với đủ các loại xấu ác, nên sinh hoan hỷ.
- Bồ-tát tự mình bẻ gãy trụ cột kiêu mạn từ lâu xa đến nay, nên sinh hoan hỷ.
- Bồ-tát dùng trí tuệ kim cương, tự mình phá tan đỉnh núi phiền não nát nhỏ, không hạt bụi nao nhỏ hơn, nên sinh hoan hỷ.
- Bồ-tát tự đạt được an ổn, lại cũng làm cho những kẻ khác được an ổn, nên sinh hoan hỷ.
- Bồ-tát ở nơi thế gian bị tham ái, chấp buộc, tối tăm che phủ không được tự tại, luôn ở trong cảnh ngu mê mà tự có thể tỉnh táo sáng rõ, lại cũng khiến kẻ khác đều có thể tỉnh giác, nên sinh hoan hỷ.
- Bồ-tát tự mình có thể giải thoát ra khỏi cõi ác, lại khiến cho người khác cũng được giải thoát ra khỏi cõi ác, nên sinh hoan hỷ.
- Các hữu tình ở lâu trong cõi sinh tử hoang vắng, nhiều nguy nan, đi một mình không bè bạn, quanh quẩn tới lui, không nhận rõ con đường, không biết nơi chốn, Bồ-tát đã tự có thể vượt qua, xa lìa, lại vì kẻ khác mở bày chỉ dẫn, nên sinh tâm hoan hỷ.
- Bồ-tát được gần gũi thành trì Nhất thiết trí, nên sinh hoan hỷ.
Này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp ấy, tức khéo tu tập hạnh Hỷ.
Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp sau đây tức là khéo tu tập hạnh Xả. Mười pháp đó là những gì?
- Mắt tuy nhìn sắc, nhưng hành hạnh Xả, nên cũng không trông thấy cảnh sắc của nhãn thức, hoặc thêm, hoặc bớt, hoặc thành, hoặc hoại.
- Tai tuy nghe tiếng.
- Mũi tuy ngửi hương.
- Lưỡi tuy nếm vị.
- Thân tuy đụng chạm.
- Ý tuy biết các pháp, nhưng hành hạnh Xả, nên cũng lại không nhận thấy các trần cảnh như tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân cảm xúc, ý biết pháp, hoặc thêm, hoặc bớt, hoặc thành, hoặc hoại.
- Tuy quán xét về hành khổ, nhưng hành hạnh Xả, nên không thấy hành khổ, hoặc thêm, hoặc bớt, hoặc thành, hoặc hoại.
- Tuy quán xét về khổ khổ, nhưng hành hạnh Xả, nên cũng không thấy khổ, hoặc thêm, hoặc bớt, hoặc thành, hoặc hoại.
- Tuy quán xét về hoại khổ, nhưng hành hạnh Xả, nên cũng không thấy hoại khổ, hoặc thêm, hoặc bớt, hoặc thành, hoặc hoại.
- Quán xét những việc làm đã hoàn thành cho hữu tình, Bồ-tát đối với điều ấy nên sinh hoan hỷ, liền khởi lên ý nghĩ: Ta muốn cứu độ họ, họ đã tự độ nên tu hạnh Xả.
Này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp ấy tức khéo tu hạnh Xả.
Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp sau đây tức đạt được thần thông tự tại. Mười pháp ấy là những gì?
- Thị hiện việc xả bỏ thọ mạng.
- Vào thai, thọ sinh.
- Hiện tướng đồng tử vui chơi trong cung.
- Xuất gia.
- Tu hành khổ hạnh.
- Đi đến đạo tràng Bồ-đề.
- Thành Bậc Chánh Đẳng Chánh Giác, hàng phục quân ma.
- Hiện tướng tịch tĩnh.
- Chuyển pháp luân nhiệm mầu.
- Nhập đại Niết-bàn.
Bấy giờ, Bồ-tát Trừ Cái Chướng đến trước Phật, thưa:
–Bạch Thế Tôn! Vì duyên cớ gì Bồ-tát lìa bỏ thọ mạng ở cõi trời Đâu-suất-đà, cho đến thị hiện nhập đại Niết-bàn?
Phật nói:
–Này thiện nam! Nơi cõi trời Đâu-suất-đà, phần nhiều các hữu tình sinh tưởng chấp về thường. Các hữu tình ấy thấy Bồ-tát là vị tối thượng, tột bậc đối với tất cả thế gian, luôn hiển bày rõ khiến mọi người nhìn ngắm không chán. Bồ-tát không bị cảnh giới của năm dục làm ô nhiễm, lại có thể dấy lên việc xả bỏ thọ mạng, các hữu tình kia khi đã thấy rồi, liền thay đổi tưởng về thường, sinh tưởng về vô thường. Do dựa theo tưởng về vô thường phát sinh hành không buông lung.
Lại có hữu tình khởi tâm buông lung, đối với Bồ-tát tuy có lòng yêu quý, vui vẻ, tin tưởng, tôn trọng, nhưng ở nơi các cảnh luôn sinh tâm tham ái, đắm chấp, nên không đến trụ xứ của Bồ-tát để gần gũi, cung kính, phụng sự, các hữu tình ấy lại dấy lên ý nghĩ: “Bồ-tát đã ở lâu nơi đây, ta cũng như vậy”, rồi sinh tâm buông lung. Bồ-tát vì nhằm khiến cho các hữu tình kia khởi tâm nhàm chán, dứt bỏ hành phóng dật, từ chỗ không buông lung tức đạt không thoái chuyển đối với quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Bồ-tát do duyên cớ ấy nên ở cung trời Đâu-suất-đà thị hiện việc xả bỏ thọ mang.
Này thiện nam! Nếu có hữu tình nên dùng việc vào thai, thọ sinh để có thể hóa độ, Bồ-tát liền hiện tướng vào thai, thọ sinh, khiến kẻ kia trông thấy rồi, sinh tâm cho là ít có. Bồ-tát ở trong thai mẹ, vì những hữu tình kia theo chỗ thích hợp để thuyết pháp khiến họ không thoái chuyển nơi đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Bồ-tát vì nhân duyên đó nên thị hiện thọ sinh.
Này thiện nam! Nếu có hữu tình nên dùng tướng đồng tử vui chơi trong cung để có thể hóa độ, lại nhân vì các loài hữu tình có lòng tin hiểu yếu kém, Bồ-tát vì muốn đem lại sự thành tựu đầy đủ, nên vì họ mà họ từ, do đó đã hiện tướng đồng tử vui chơi nơi cung điện.
Này thiện nam! Nếu có hữu tình nên dùng tướng người xuất gia để có thể hóa độ, Bồ-tát vì muốn Đạo sư thành tựu đầy đủ cho họ nên hiện tướng xuất gia.
Này thiện nam! Nếu có các hàng Trời, Rồng, Dạ-xoa, Càn-thátbà, A-tu-la… tâm chí vướng mắc vào điều thô xấu, nên dùng tướng khổ hạnh để có thể hóa độ, Bồ-tát muốn cho họ được thành tựu đầy đủ cũng để hàng phục các thứ ngoại đạo nên hiện tướng khổ hạnh.
Này thiện nam! Nếu có hữu tình, trong thời gian dài, luôn nghĩ nhớ, cầu nguyện cho Bồ-tát vào lúc nào thì đi đến đạo tràng Bồ-đề, con sẽ tùy chỗ thích hợp mà phụng sự cúng dường. Bồ-tát vì muốn cho hữu tình kia được thành tựu đầy đủ nên thị hiện đi đến đạo tràng Bồđề. Đến nơi, tức khiến các hữu tình kia tùy chỗ thích hợp mà cúng dường, xong việc cúng dường, hữu tình kia liền đạt không thoái chuyển nơi đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Này thiện nam! Nếu có hữu tình tự thị, kiêu mạn, cao ngạo, Bồtát vì muốn khiến cho những kẻ ấy chuyển đổi tâm ngã mạn, nên hiện tướng an tọa ở đạo tràng, đạt quả vị Chánh đẳng Chánh giác, hàng phục các quân ma,
Lại vì những hữu tình ưa thích sự tinh tĩnh, liền nói về chỗ chứng đắc vi diệu hơn hẳn của mình, Bồ-tát bèn thị hiện sự thành tựu đạo quả Đẳng chánh giác. Lúc Bồ-tát thành tựu Bậc Chánh Giác, trong tam thiên đại thiên thế giới, các thứ âm thanh thảy đều yên lặng. Thường hữu tình kia ưa thích sự vắng lặng, thấy sự việc ấy nên đều phát nguyện: Nguyện xin cho tôi cũng được như vậy, tức đạt quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Này thiện nam! Nếu có hữu tình vui thích vì bậc thầy tôn kính, nên dốc lòng nguyện cầu nhưng không thể hiểu biết về pháp xuất ly, cũng lại không biết về nhân quả đời sau, Bồ-tát vì những hữu tình ấy khiến căn lành của họ được thành thục, có thể trở thành hàng pháp khí nên vì họ mà chỉ rõ về chánh đạo. Bồ-tát thành Bậc Chánh Giác rồi, đi đến nước Ca-thi, ba lần chuyển mười hai hành tướng pháp luân vi diệu của Thánh pháp.
Này thiện nam! Nếu có hữu tình nên dùng tướng nhập Niết-bàn để có thể hóa độ, Bồ-tát liền vì họ mà thị hiện tướng nhập đại Niếtbàn.
Này thiện nam! Bồ-tát vì nhân duyên ấy nên thị hiện ở cõi trời Đâu-suất-đà xả bỏ thọ mạng, cho đến nhập đại Niết-bàn.
Này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười thứ pháp ay thì đạt được thần thông tự tại.