KINH TRỪ CÁI CHƯỚNG BỒ-TÁT SỞ VẤN
Hán dịch: Đời Triệu Tống, Đại sư Pháp Hộ
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
QUYỂN 10
Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp sau đây liền được như biển cả. Mười pháp ấy là những gì?
- Tích tụ các loại báu.
- Sâu khó dò thấu đáy.
- Rộng lớn không lường.
- Lần lượt sâu dần thêm.
- Không lưu giữ tử thi.
- Đều cùng một vị.
- Dung nạp mọi dòng nước.
- Thủy triều luôn đúng giờ giấc.
- Các loài thủy tộc có chỗ sinh sống.
- Không có ranh giới, biên vực.
Này thiện nam! Thế nào là Bo-tát tích tụ các vật báu lớn? Ví như biển cả rộng chứa các loại báu, tất cả mọi người trong cõi Diêmphù-đề đều tìm lấy các vật báu nhưng không hết được. Bồ-tát cũng lại như thế, rộng chứa mọi công đức báu của Nhất thiết trí, tất cả các hữu tình đều chọn lấy những báu ấy nhưng cũng không cùng tận. Đó là Bồ-tát tích chứa các loại báu.
Lại nữa, này thiện nam! Ví như biển cả rất sâu, khó dò tới đáy. Bồ-tát cũng lại như vậy, tất cả hữu tình đối với pháp của Bồ-tát đều không thể lường xét về chỗ cùng tận.
Lại nữa, này thiện nam! Ví như biển cả rộng lớn không lường. Bồ-tát cũng lại như thế, trí tuệ, công đức rộng lớn vô luợng.
Lại nữa, này thiện nam! Ví như biển cả lần lượt sâu thêm dần. Bồ-tát cũng lại như thế, Nhất thiết trí sâu xa, Nhất thiết trí sâu xa thêm dần và Nhất thiết trí sâu xa tột cùng.
Lại nữa, này thiện nam! Ví như biển cả không lưu giữ tư thi. Vì sao? Vì biển cả theo lý là như thế, Bồ-tát cũng lại như vậy, không cùng với phiền não, kết sử, các lậu và các hàng tri thức bất thiện ở chung nhau. Vì sao? Vì Bồ-tát theo đúng lý là như vậy.
Lại nữa, này thiện nam! Ví như biển cả, các dòng chảy đổ vào đều cùng một vị, đó là vị mặn. Bồ-tát cũng lại như thế, chứa góp tất cả pháp thiện đều cùng một vị, đó là vị Nhất thiết trí. Lại nữa, này thiện nam! Ví như biển cả dung nạp mọi dòng nước chảy vào, nhưng nước biển vẫn không tăng không giảm. Bồ-tát cũng lại như thế, dung nạp vô lượng tất cả nước chánh pháp, nhưng trí tuệ của Bồ-tát không tăng, không giảm.
Lại nữa, này thiện nam! Ví như thủy triều của biển cả không sai giờ giấc. Bồ-tát cũng lại như thế, đã tới chỗ ứng hợp để giáo hóa thành thục cho hữu tình thì cũng không sai thời.
Lại nữa, này thiện nam! Ví như biển cả là trú xứ cho các loài thủy tộc nương tựa, sinh sống. Bồ-tát cũng lại như vậy, vì tất cả hữu tình làm chỗ nương tựa cho hết thảy các pháp thiện.
Lại nữa, này thiện nam! Ví như biển cả, tất cả hữu tình đều chọn lấy nước ấy nhưng không giới hạn. Bồ-tát cũng lại như vậy, rộng vì tất cả hữu tình giảng nói pháp cốt yếu cũng không có biên vực.
Này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp như vậy tức như biển cả.
Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp sau đây thì đạt được trí vi diệu. Mười pháp ấy là những gì?
- Khéo tìm cầu nẻo xuất ly.
- Khéo biết được pháp xuất ly.
- Khéo rõ các pháp bình đẳng.
- Khéo nhận biết các pháp là như huyễn.
- Khéo nhận biết tướng của tất cả các pháp.
- Khéo hiểu rõ pháp nhân duyên sinh rất sâu xa, khó lường.
- Khéo biết về nghiệp là không thể nghĩ bàn.
- Khéo biết rõ ý nghĩa của các phap đã giảng nói.
- Khéo hiểu rõ nghĩa như thật.
- Khéo quán xét trí chân thật.
Này thiện nam! Thế nào là Bồ-tát khéo tìm cầu nẻo xuất ly… cho đến khéo quán xét trí chân thật? Nghĩa là nếu Bồ-tát khởi ý nghĩ như vầy: Ta nên xem xét các tướng nơi thế gian, trông thấy ở thế gian lửa Tham thiêu đốt, khói Sân mù mịt, bóng tối Si phủ che hoàn toàn tối tăm, không thể nhờ dựa được. Bồ-tát liền nghĩ: Làm thế nào để các hữu tình này có thể ra khỏi? Bồ-tát liền vì họ gắng sức tìm cầu nẻo xuất ly và pháp xuất ly. Do đạt được pháp xuất ly tức có thể theo đấy biết rõ các pháp bình đẳng. Biết rõ các pháp bình đẳng tức có thể nhận biết đúng như thật các pháp là như huyễn. Do biết các pháp là như huyễn nên nhận biết đúng như thật về tướng của các pháp. Từ biết rõ tướng của các pháp nên có thể suy nghĩ, xem xét pháp duyên sinh sâu xa, khó lường. Do có thể suy nghĩ, quan sát pháp duyên sinh nên có thể hiểu rõ về nghiệp là không thể nghĩ bàn. Cho nên Bồ-tát tuy nhận biết các pháp nơi thế gian là không thật, nhưng cũng hiển bày vô số các thứ nghiệp báo. Do vậy mà đạt được trí vi diệu, có thể ở trong ý nghĩa của giáo pháp được chư Phật và Bồ-tát giảng nói đều thấu hiểu, vì thấu hiểu nên liền có thể khai mở rõ nghĩa như thật. Thấu đạt nghĩa như thật tức có thể quán xét về trí chân thật. Thấy nẻo chân thật, tức có thể cứu độ hữu tình ra khỏi đường sinh tử.
Này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp ấy tức đạt được trí vi diệu.
Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp sau đây thì đạt được biện tài tùy thuận ưng hợp. Mười pháp ấy là những gì?
- Mở bày, chỉ rõ các pháp là không ngã.
- Không có hữu tình.
- Không có thọ mạng.
- Không có sự dưỡng nuôi.
- Không thấy có chúng sinh.
- Không có sự tạo tác.
- Không có sự thọ nhận.
- Không có sự hiểu biết.
- Không có sự nhận thức.
- Hiện bày tất cả pháp là không, đều không có chủ thể, đều là phân biệt hư vọng, không thật, các pháp chỉ do duyên sinh mà có.
Này thiện nam! Nếu hiểu được tất cả các pháp tương ưng với vô ngã, tức chúng thuận theo pháp tánh, do đó đối với các pháp là không có hữu tình, không có thọ mạng, không có sự nuôi dưỡng, không có Bổ-đặc-già-la, không có sự tạo tác, không có sự thọ nhận, khong có sự hiểu biết, không có sự nhận thức… tương ưng đúng như lý tức có thế tùy theo pháp tánh. Do đó hiểu rõ các pháp là không, không có chủ thể, đều là phân biệt hư vọng, không thật. Các pháp chỉ từ duyên sinh ma có, tương ưng như lý tức có thể thuận theo pháp tánh.
Này thiện nam! Nếu tùy thuận pháp tánh tức đối với pháp tánh không hề trái ngược. Không trái ngược nên có thể giảng nói đúng đắn về các pháp. Giảng nói đúng đắn về các pháp nên khéo nhập vào pháp tánh. Nhập vào pháp tánh nên có thể mở bày, chỉ rõ về các pháp. Mở bày chỉ rõ về tất cả pháp nên biện tài kia gọi là tùy ứng.
Này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp như thế liền đạt biện tài tùy ứng.
Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp sau đây thì đạt được biện tài lạc thuyết. Mười pháp ấy là những gì?
- Biện tài không vướng mắc.
- Biện tài không tận cùng.
- Biện tài liên tục.
- Biện tài không sợ chỗ đông người.
- Biện tài không tự hạ thấp mình.
- Biện tài không sợ hãi.
- Biện tài không chung với kẻ khác.
- Biện tài không khinh mạn.
- Biện tài vô biên.
- Biện tài không trở ngại trong sự giảng giải.
Này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp như vậy thì đạt được biện tài lạc thuyết.
Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát tu tập mười pháp sau đây thì đạt được biện tài thanh tịnh. Mười pháp ấy là gì?
- Nói năng lưu loát.
- Lời nói không lẫn lộn.
- Xa lìa sự thấp kém.
- Lời nói không cao giọng khó nghe.
- Ý nghĩa không giảm bớt.
- Câu văn không thiếu sót.
- Âm thanh luôn hài hòa.
- Phải biết đúng lúc.
- Lời nói không thô ác.
- Luôn tạo sự rõ ràng.
Này thiện nam! Các vị Bồ-tát với biện tài hiện có, nói năng đều lưu loát. Vì sao? Vì Bồ-tát ở trong đại chúng không hề sợ sệt, khiếp nhược.
Lại nữa, các vị Bồ-tát với biện tài hiện có, lời nói không lẫn lộn. Vì sao? Vì trí tuệ của Bồ-tát luôn an nhiên, không sợ hãi.
Các vị Bồ-tát với biện tài hiện có không hề tỏ ra thấp kém. Vì sao? Vì Bồ-tát ở giữa đại chúng giống như sư tử, xa lìa các nỗi sợ sệt.
Lại nữa, các vị với Bồ-tát biện tài hiện có, lời nói không cao giọng khó nghe. Vì sao? Vì đã lìa bỏ các phiền não.
Lại nữa, các vị Bồ-tát với biện tài hiện có nên không làm giảm mất ý nghĩa. Vì sao? Vì đã đạt được các phap. Nếu không đạt được giáo pháp thì trong ý nghĩa có điều giảm mất. Đạt được tức là không giảm mất.
Lại nữa, các vị Bồ-tát với biện tài hiện có nên lời văn không thiếu mất. Vì sao? Vì rộng hiểu về các luận. Nếu hieu về luận còn ít ỏi tức văn có thiếu sót. Do hiểu rộng nên không như thế.
Lại nữa, Bồ-tát với biện tài hiện có âm thanh luôn hài hòa. Vì sao? Vì Bồ-tát luôn thông đạt về tất cả âm thanh.
Lại nữa, các vị Bồ-tát vơi biện tài hiện có luôn biết đúng thời. Điều đáng giảng nói trước thì không nên nói sau. Điều nên giảng nói sau thì không nói trước. Vì sao? Vì Bồ-tát luôn khéo nhận biết về thời phần.
Lại nữa, các vị Bồ-tát với biện tài hiện có lời nói không hề thô ác, không gì là không làm cho tâm ý vui thích, không kẻ nào là không ưa nghe. Vì sao? Vì đã có thể xa lìa những ngôn ngữ sai lầm.
Lại nữa, các vị Bồ-tát với biện tài hiện có luôn tạo được sự rõ ràng, sáng tỏ. Vì sao? Vì căn tánh của Bồ-tát là nhạy bén, nếu căn tánh chậm lụt thì không thể tạo được sự sáng tỏ, rõ ràng. Căn tánh nhạy bén nên không như thế.
Này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp ấy thì đạt được biện tài thanh tịnh.
Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp sau đây thì đạt được biện tài khiến tất cả hữu tình hoan hỷ. Mười pháp ấy là những gì?
- Lời nói thân ái.
- Vẻ mặt luôn vui tươi, xa lìa mọi bực bội.
- Nói những lời đúng với nghĩa lý.
- Lời nói đúng như pháp.
- Lời nói bình đẳng.
- Không tự đề cao mình.
- Không xem thường kẻ khác.
- Không nhiễm chấp.
- Không gây tạo não hại.
- Gồm đủ các thứ biện tài.
Này thiện nam! Bồ-tát có thể dùng lời nói thân ái khiến cho các hữu tình đều sinh tâm hoan hỷ.
Lại nữa, các vị Bồ-tát luôn hiện vẻ mặt vui tươi, xa lìa sự bực bội, khiến các hữu tình đều sinh tâm vui mừng.
Lại nữa, các vị Bồ-tát thường nói ra những lời đúng nghĩa lý, những lời tốt đẹp khiến các hữu tình đều sinh tâm vui mừng.
Lại nữa, các vị Bồ-tát thường nói lời đúng pháp, những lời có ích lợi khiến họ đều sinh tâm vui mừng.
Lại nữa, các vị Bồ-tát thường vì hữu tình giảng nói chánh pháp một cách bình đẳng, khiến họ đều sinh tâm vui mừng.
Lại nữa, các vị Bồ-tát không tự đề cao mình, lìa xa mọi thứ kiêu mạn, khiến các hữu tình đều sinh tâm vui mừng.
Lại nữa, các vị Bồ-tát không xem thường kẻ khác, thường vì hữu tình mà cung kính thuyết giảng giáo pháp, khiến họ đều sinh tâm vui mừng.
Lại nữa, các vị Bồ-tát lìa khỏi các vướng mắc cấu nhiễm, có đầy đủ hành giới thanh tịnh, khiến các hữu tình đều sinh tâm vui mừng.
Lại nữa, các vị Bồ-tát xa lìa mọi sự xúc não, gồm đủ sức nhẫn
nhục, khiến các hữu tình đều sinh tâm vui mừng.
Lại nữa, các vị Bồ-tát có đủ các thứ biện tài, thường nói những lời vừa ý, thích thú, khiến các hữu tình đều sinh tâm vui mừng.
Này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp ấy tức đạt được biện tài khiến tất cả hữu tình hoan hỷ.
Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp sau đây tức đạt sự giảng nói chánh pháp làm cho hữu tình tin thuận. Mười pháp ấy là những gì?
- Nếu không phải là pháp khí thì Bồ-tát không vì những kẻ ấy mà giảng nói chánh pháp.
- Nếu có chướng ngại thì Bồ-tát không vì họ giảng nói chánh pháp.
- Nếu có kiến chấp hữu sở đắc thì Bồ-tát không vì họ giảng nói chánh pháp.
- Đối với ngoại đạo, tà giáo thì Bồ-tát không vì họ giảng nói chánh pháp.
- Nếu không khởi tâm ưa muốn thì Bồ-tát không vì họ giảng nói chánh pháp.
- Nếu không phát tâm thanh tịnh thì Bồ-tát không vì họ giảng nói chánh pháp.
- Nếu tâm dua nịnh xảo trá, thì Bồ-tát không vì những kẻ đó giảng nói chánh pháp.
- Nếu chỉ dốc cầu mạng sống cho bản thân thì Bồ-tát không vì kẻ ác ấy giảng nói chánh pháp.
- Nếu bị ràng buộc do tham đắm lợi dưỡng, keo kiệt, ganh tị thì Bồ-tát không vì những kẻ ấy mà giảng nói chánh pháp.
- Nếu là đui điếc, câm ngọng thì Bồ-tát không vì những kẻ ấy mà giảng nói chánh pháp.
Vì sao? Này thiện nam! Bồ-tát không có tâm keo kiệt về chánh pháp, cũng không có pháp bí mật đối với hữu tình, không ai là không yêu thương, vì tạo lợi ích cho hữu tình nên không hề từ bỏ. Vì sao? Nếu có hữu tình chẳng phải là pháp khí, Bồ-tát liền khởi ý nghĩ như vầy: Những hữu tình đó, ở trong pháp luật của Như Lai tất dấy lên hành xả bỏ.
Bồ-tát Trừ Cái Chướng bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Nếu như thế thì chư Phật, Bồ-tát sẽ vì họ giảng nói pháp như thế nào?
Phật nói:
–Này thiện nam! Những hữu tình đầy đủ lòng tin thì chư Phật, Bồ-tát sẽ vì họ mà thuyết pháp. Lại nếu hoặc căn lành đã thành thục, hoặc là pháp khí, thì trước hết Phật sẽ ươm trồng cho kẻ ấy gốc rễ của các đức, đối với kẻ không dua nịnh, dối trá, kẻ không giả vờ hiện ra vẻ uy nghi, kẻ không tham đắm lợi dưỡng, kẻ có đầy đủ tâm sâu xa, kẻ được bậc Thiện tri thức thu nhận, kẻ có đủ tướng thiện khiến mọi người ưa thích nhìn thấy, kẻ căn tánh sáng suốt, nhạy bén, đối với giáo pháp nghe được thì hiểu rõ ý nghĩa, những người tùy theo chỗ đạt được về giáo pháp, siêng năng, tinh tấn, hành trì, các kẻ theo như điều Phật giảng dạy mà tu hành thì những hữu tình đó, chư Phật Bồ-tát sẽ vì họ giảng nói chánh pháp.
Này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp ấy liền đạt được sự thuyết pháp có người tin thuận.
Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp sau đây là bậc thầy thuyết pháp. Đó là mười pháp nào?
- Tu tập pháp Phật nên giảng nói chánh pháp, không thấy có pháp Phật có thể thủ đắc, lại cũng không thấy có chỗ tu tập.
- Tu tập pháp đáo bỉ ngạn nên giảng nói chánh pháp, không thấy có pháp đáo bỉ ngạn có thể đạt được, lại cũng không thấy có điều tu tập.
- Tu tập pháp của Bồ-tát nên giảng nói chánh pháp, không thấy có pháp Bồ-tát có thể thủ đắc, lại không thấy có chỗ tu tập.
- Dứt trừ phiền não nên giảng nói chánh pháp, không thấy có phiền não có thể đắc, cũng không thấy có dứt trừ.
- Chán lìa, lìa tham, đạt tịnh diệt nên giảng nói chánh pháp, không thấy có sự chán lìa, lìa tham, tịch diệt có thể thủ đắc.
- Vì đạt quả Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm nên giảng nói chánh pháp, không thay có quả Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm có thể thủ đắc, cũng không thấy có quả vị.
- Vì đạt quả A-la-hán nên giảng nói chánh pháp, không thấy có A-la-hán có thể thủ đắc cũng không thấy có quả vị.
- Vì đạt quả vị Duyên giác nên giảng nói chánh pháp, không thấy có Duyên giác có thể thủ đắc, cũng không thấy quả vị.
- Dứt trừ chấp ngã nên giảng nói chánh pháp, không thấy có ngã có thể thủ đắc, cũng không thấy có sự chấp trước.
- Hiển bày về nghiệp báo nên giảng nói chánh pháp, không thấy có nghiệp báo có thể thủ đắc, cũng không thấy có quả báo. Vì sao? Vì tất cả pháp như thế đều không có thực thể, chỉ do giả danh để nêu bày, danh cũng không có thực. Vì sao? Vì văn, chữ, không có tự tánh. Pháp vốn lìa văn tự, chỉ do đấy kiến lập tên, chữ của các pháp, vì tên gọi kia là không, vốn là hư giả. Trong thắng nghĩa đế không có tên gọi hư giả vì không giả danh nên ơ trong thắng nghĩa không có pháp hư vọng. Chính pháp hư vọng kia đã lừa dối kẻ ngu tối.
Này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp ấy tức là bậc thầy giảng nói chánh pháp.
Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp sau thì có thể quán xét thuận theo pháp tánh. Mười pháp ấy là những gì?
- Bồ-tát tuy quán xét thuận theo pháp tánh nhưng không hủy hoại tướng của sắc, tuy quán xét thuận theo pháp tánh, nhưng không hủy hoại tướng của thọ, tưởng, hành, thức.
- Tuy quán xét thuận theo pháp tánh nhưng không hủy hoại tướng của cõi Dục.
- Tuy quán xét thuận theo pháp tánh nhưng không hủy hoại tướng của cõi Sắc.
- Tuy quán xét thuận theo pháp tánh nhưng không hủy hoại tướng của cõi Vô sắc.
- Tuy quán xét thuận theo pháp tánh nhưng không hủy hoại tướng của các pháp.
- Tuy quán xét thuận theo pháp tánh nhưng không thấy tướng tùy thuận của các pháp.
- Tuy quán xét thuận theo pháp tánh nhưng không thấy tướng của hữu tình.
- Tuy quán xét thuận theo pháp tánh nhưng không rơi vào đoạn kiến.
- Tuy quán xét thuận theo pháp tánh nhưng không mất chánh đạo.
- Tuy quán xét thuận theo pháp tánh nhưng không lìa phương tiện của trí tuệ.
Này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập theo mười pháp ấy thì có thể quán xét thuận theo pháp tánh.
Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nếu tu tập mười pháp sau đây thì khéo lãnh hoi lý của pháp giới. Mười pháp ấy là gì?
- Có trí tuệ.
- Được bậc Thiện tri thức thu nhận.
- Phát khởi tinh tấn.
- Xa lìa các chướng ngại, cấu nhiễm.
- Khéo tu tịnh hạnh.
- Tôn trọng, tán dương pháp.
- Khéo tu tập quán không.
- Xa lìa kiến chấp về chỗ có thủ đắc.
- Luôn hướng tới chánh đạo.
- Thấy được pháp chân thật.
Này thiện nam! Bồ-tát có đủ trí tuệ nên có thể siêng năng tìm cầu các bậc Thiện tri thức. Gặp bậc Thiện tri thức rồi, tâm sinh vui mừng, như tưởng về bậc thầy tôn kính nên gần gũi, nương tựa. Do có thể nương tựa những bậc Thiện tri thức nên liền phát khởi tinh tấn, dứt trừ tất cả các pháp bất thiện, thành tựu đầy đủ tất cả các pháp thiện thanh tịnh, siêng năng tạo sự xa lìa tất cả chướng ngại cấu nhiễm. Xa lìa chướng ngại cấu nhiễm nên đạt được sự khinh an. Khéo tu tập hạnh thanh tịnh nên xa lìa tất cả lỗi lầm của thân, ngữ, ý. Do thanh tịnh nên đối với các pháp đã đạt được luôn tôn trọng, ngợi khen. Vì tôn trọng pháp nên thường tu tập pháp quán không. Tu tập pháp quán không nên không khởi lên tâm kiến chấp có chỗ thủ đắc. Lìa kiến chấp có chỗ thủ đắc nên hành hóa thuận với chánh đạo. Chứng nhập chánh đạo nên có thể quán xét chân thật.
Bồ-tát Trừ Cái Chướng bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Thế nào là chân thật?
Phật nói:
–Này thiện nam! Do nghĩa như thật nên gọi là chân thật.
Bồ-tát Trừ Cái Chướng bạch Phật:
–Sao gọi là như thật?
Phật nói:
–Không hư vọng nên gọi là như thật.
Bồ-tát Trừ Cái Chướng bạch Phật:
–Thế nào gọi là không hư vọng?
Phật nói:
–Đó là chân như, không gì không là chân như, không gì khác với chân như.
Bồ-tát Trừ Cái Chướng bạch Phật:
–Sao gọi là chân như?
Phật nói:
–Này thiện nam! Pháp ấy chỉ từ trong chỗ tự chứng đắc, không phải bằng văn tự, ngôn ngữ có thể biểu thị được. Vì sao? Vì pháp ấy vượt qua các thứ văn tự, xa lìa mọi sự giảng nói, vượt lên cảnh giới của hết thảy ngôn ngữ, ra khỏi nẻo ngôn từ, lìa mọi hý luận, lìa tạo tác, phi tạo tác, không động, không tĩnh, rời khỏi mọi tìm tòi, dò xét, là cảnh giới không thể nghĩ bàn, không tướng, không phải là không tướng, thảy đều xa lìa, ra khỏi cảnh tướng, vượt qua mọi cảnh phàm, mọi hành của hàng phạm phu, vượt quá cảnh giới các ma, vượt lên trên tất cả cảnh giới phiền não, lìa khỏi cảnh của các thức, an ổn nơi vô trụ là cảnh giới Thánh trí tịch tĩnh tối thượng, vì thế, pháp này chỉ là sự chứng đắc từ bên trong, tức không bụi nhơ, không cấu nhiễm, trong lành, thanh tịnh tối thượng, hơn hẳn, là đệ nhất, không gì sánh bằng, thường trụ nơi pháp bền chắc, rốt ráo, không hư hoại, Như Lai ra đời hoặc không ra đời, thì pháp ấy vẫn thường trú.
Này thiện nam! Bồ-tát vì cầu đạt pháp ấy nên trải qua trăm ngàn thứ khó khăn, hành trì khổ hạnh mới đạt được. Đạt được rồi thì khiến cho hữu tình an trụ trong pháp ấy.
Này thiện nam! Nên gọi pháp ấy là chân như, gọi là thật tế, gọi là Nhất thiết trí, gọi là Nhất thiết chủng trí, gọi là cảnh giới bất tư nghì, gọi là cảnh giới bất nhị.