LUẬN ĐẠI THỪA TRANG NGHIÊM KINH
Bồ-tát Vô Trước tạo luận
Đường, Thiên Trúc tam tạng Ba-la-phả-mật-đa dịch
Nguyên Hồng dịch tiếng Việt

 

QUYỂN 9

Phẩm 18: CÚNG DƯỜNG

Giải thích: Đã nói về nghiệp tụ tập các hành, chưa nói cúng dường Như Lai. Nay sẽ nói về cúng dường. Kệ nói:

Y, vật, duyên, hồi hướng,

Nhân, trí, ruộng, y chỉ.

Như vậy 8 cúng dường,

Cúng dường chư Như Lai.

Giải thích: Cúng dường chư Như Lai lược nói có 8 thứ: 1. Y cúng dường. 2. Vật cúng dường. 3. Duyên khởi cúng dường. 4. Hồi hướng cúng dường. 5. Nhân cúng dường. 6. Trí cúng dường. 7. Ruộng cúng dường. 8. Y chỉ cúng dường.

Hỏi: Tám thứ này có nghĩa như thế nào?

Kệ nói:

Hiện tiền không hiện tiền,

Y phục cùng ẩm thực …

Thâm khởi thiện tịnh tâm,

Vì mãn nơi 2 tụ.

Thường nguyện sinh đời Phật,

Tam luân không phân biệt,

Thành thục các chúng sinh,

 Tối hậu 11 thứ.

Giải thích: Hai bài kệ 8 câu này hiển thị 8 nghĩa ở trước. Hiện tiền không hiện tiền, nghĩa là y cúng dường, tức y vào hiện tại và quá khứ vị lai chư Phật mà cúng dường. Y phục ẩm thực v.v…, là vật cúng dường vì dùng các thứ y phục v.v… mà cúng dường. Thâm khởi thiện tịnh tâm, là duyên khởi cúng dường, vì đem tâm tịnh tín sâu sắc mà cúng dường. Vì mãn nơi 2 tụ, là hồi hướng cúng dường, vì đầy đủ phúc trí 2 tụ mà cúng dường. Thường nguyện sinh đời Phật, là nhân cúng dường, do đời trước có nguyện sinh vào đời có Phật, khiến ta cúng dường có ích chứ chẳng luống không. Tam luân không phân biệt, là trí cúng dường. Thiết cúng, thụ cúng và vật cúng 3 việc là bất khả đắc. Thành thục các chúng sinh, là ruộng cúng dường. Chúng sinh là ruộng, vì dạy chúng cúng dường khiến trồng căn lành. Tối hậu 11 thứ, là y chỉ cúng dường. Y chỉ này có 11 thứ: 1. Y chỉ vật, do dựa vào tài vật mà cúng dường. 2. Y chỉ tư duy, là do dựa vào vị tư duy, tùy hỷ tư duy, hy vọng tư duy. 3. Y chỉ tín, là do tin Đại thừa mà phát tâm Bồ-đề. 4. Y chỉ nguyện, là do phát thệ nguyện rộng lớn. 5. Y chỉ bi, là do thương xót chúng sinh. 6. Y chỉ nhẫn, là do làm được việc khó làm. 7. Y chỉ hành, là do các Ba-la-mật. 8. Y chỉ chính niệm, là do như pháp không điên đảo. 9. Y chỉ chính kiến, là do như thật hiểu rõ. 10. Y chỉ giải thoát, là do phiền não Thanh Văn diệt. 11. Y chỉ chân thật, là do được Đại Bồ-đề.

Hỏi: Các loại cúng dường sai biệt như thế nào?

Kệ nói:

Nhân quả và trong ngoài,

Thô tế và lớn nhỏ.

Xa và gần sai biệt,

Là các loại cúng dường.

Giải thích: Đời v.v… sai biệt là các loại cúng dường sai biệt. Kia quá khứ là nhân, hiện tại là quả, hiện tại là nhân vị lai là quả. Như vậy nhân quả là quá khứ vị lai hiện tại. Trong , là mình tự cúng dường. Ngoài, là khiến người cúng dường. Thô, là lợi cúng dường. Tế, là tùy thuận cúng dường. Nhỏ, là liệt cúng dường. Lớn, là thắng cúng dường. Có tâm ngã mạn là liệt, không ngã mạn là thắng vì tam luân không phân biệt. Xa, là muốn sau sẽ cúng dường. Gần, là cúng dường ngay hiện bây giờ. Lại nữa, cách đời cúng dường là xa. Cúng dường không gián đoạn là gần. Lại nữa, phát nguyện muốn cúng dường vào đời vị lai là xa. Phát nguyện cúng dường ngay hiện tại là gần.

Hỏi: Những gì cúng dường Như Lai được cho là trên hết?

Kệ nói:

Cúng dường chư Như Lai,

Trên hết do tự ý.

Tín, tâm, thông, phương tiện,

Hòa hợp là 5 thắng

Giải thích: Có 5 thứ tự ý cúng dường Như Lai. Cúng dường này là cúng dường trên hết. Những gì là 5? Một là tịnh tín. Hai là thâm tâm. Ba là Thần thông. Bốn là phương tiện. Năm là hòa hợp.

Tịnh tín, là nơi pháp Đại thừa nói cúng dường sinh tín tâm thanh tịnh. Thâm tâm có 9 thứ: một tâm một vị, hai tâm tùy hỷ, ba tâm hy vọng, bốn tâm không chán, năm tâm rộng lớn, sáu tâm thắng hỷ, bảy tâm thắng lợi, tám tâm không nhiễm, chín tâm thiện tịnh. Chín tâm này như nói trong tu các Ba-la-mật. Thần thông, nghĩa là dựa vào Hư không tạng v.v…các Tam-ma-đề. Phương tiện, nghĩa là gồm trong phương tiện trí vô phân biệt. Hòa hợp, nghĩa là tất cả các Đại Bồ-tát hòa hợp một quả vào tất cả quả.

Xong Phẩm cúng dường.

Phẩm 19: THÂN CẬN

Giải thích: Đã nói cúng dường Như Lai, thế nào là thân cận thiện tri thức?

Kệ nói:

Như trước cúng dường Phật,

Lược nói có 8 thứ.

Thân cận thiện tri thức,

Phải biết cũng 8 thứ.

Giải thích: Phải biết gần gũi thiện tri thức cũng có y v.v… 8 thứ.

Hỏi: Tám nghĩa trong đây như thế nào?

Kệ nói:

Điều, tĩnh, trừ, đức tăng,

Có dũng A-hàm giàu,

Giác chân giỏi nói pháp,

Bi sâu lìa thoái giảm.

Giải thích: Kệ này nói về đệ nhất y thân cận. Nếu thiện tri thức đầy đủ 10 thứ công đức thì nên gần gũi. Những gì là 10? 1. Điều phục. 2. Tịch tĩnh. 3. Hoặc trừ. 4. Đức tăng. 5. Có dũng mãnh. 6. Hiểu kinh. 7. Giác chân. 8. Khéo diễn thuyết. 9. Tâm bi sâu. 10. Lìa thoái.

Điều phục, là tương ưng với giới do căn điều hòa. Tịch tĩnh, là tương ưng với định do nhiếp trì bên trong. Hoặc trừ, là tín niệm tương ưng với tuệ, phiền não đoạn dứt. Đức tăng, là vì giới định tuệ đầy đủ không khuyết giảm. Có dũng mãnh, là khi làm lợi ích cho người không biết mệt mỏi. Hiểu kinh vì học hỏi nhiều. Giác chân là vì rõ thật nghĩa. Khéo diễn thuyết vì không điên đảo. Tâm bi sâu, là tuyệt dứt mong cầu. Lìa thoái, là trong mọi lúc diễn nói một cách cung kính.

Kệ nói:

Kính dưỡng và cấp thị,

Thân tâm cùng tương ưng,

Nguyện lạc và đúng thời,

Chiều ý làm duyên khởi.

Giải thích: Nửa trên kệ này hiển thị vật thân cận, nửa dưới hiển thị duyên khởi thân cận. Vật thân cận có 3: 1. Của cải, nghĩa là cung kính cúng dường. 2. Thân, tùy thuận cung cấp hầu hạ. 3. Tâm, khi cung cấp hầu hạ thân và tâm tương ưng. Duyên khởi thân cận cũng có 3 thứ: 1. Vui vẻ tình nguyện. 2. Biết đúng lúc. 3. Trừ tâm kiêu mạn.

Kệ nói:

Vì lìa nơi tham đắm,

Vì cầu hạnh tùy thuận,

Tùy thuận như được dạy,

Làm cho người hoan hỷ.

Giải thích: Nửa trên kệ này hiển thị hồi hướng thân cận. Nửa dưới hiển thị nhân thân cận. Hồi hướng thân cận, nghĩa là không vì tham đắm lợi dưỡng mà chỉ vì tùy thuận tu hành. Nhân thân cận, nghĩa là Bồ-tát tùy thuận tu hành như đã được dạy là nguyên nhân thân cận thiện tri thức. Bởi vì sao? Bồ-tát do sự tùy thuận này khiến thiện tri thức tâm sinh hoan hỷ.

Kệ nói:

Hiểu rõ nơi 3 thừa,

Khiến thừa mình thành tựu.

Thành sinh và tịnh độ,

Vì pháp không vì của.

Giải thích: Kệ này hiển thị trí điền y chỉ 3 thứ thân cận. Hiểu rõ nơi 3 thừa, khiến thừa mình thành tựu, đây là hiển thị trí thân cận vì hiểu rõ 3 thừa là do trí. Thành sinh và tịnh độ là hiển thị điền thân cận. Điền là ruộng, có 2 thứ: 1. Ruộng chúng sinh. 2. Ruộng cõi Phật.

Hỏi: Hai thứ này sao gọi là ruộng?

Đáp: Vì từ chỗ nghe pháp mà liên tục xây dựng cho chúng sinh, tùy ở nơi cõi Phật mà tu nhân thanh tịnh. Vì pháp không vì của, là hiển thị y chỉ thân cận. Bồ-tát chỉ lấy pháp lợi đầy đủ làm y chỉ, cho nên thân cận thiện tri thức, chứ không lấy tài lợi đầy đủ làm y chỉ.

Hỏi: Thân cận thiện tri thức có các sai biệt gì?

Kệ nói:

Nhân quả và tùy pháp,

Trong ngoài và thô tế,

Hơn kém và xa gần,

Là các thứ sai biệt.

Giải thích: Sai biệt nhân quả, nghĩa là quá khứ thân cận là nhân hiện tại thân cận là quả, hiện tại thân cận là nhân vị lai thân cận là quả. Sai biệt tùy pháp, nghĩa là thiện tri thức lưu bố các pháp môn tùy theo sai biệt đó mà tu hành. Sai biệt trong ngoài, nghĩa là tự mình thân cận là trong, khiến người khác thân cận là ngoài. Sai biệt thô tế, nghĩa là tự mình nghe là thô, nội tâm tư duy là tế. Sai biệt hơn kém, nghĩa là than cận mà có tâm kiêu mạn là kém, thân cận mà không có tâm kiêu mạn là hơn.. sai biệt xa gần, nghĩa là thân cận trong cõi hiện tại là gần, thân cận trong cõi lai sinh thụ báo là xa. Lại nữa, thân cận trong cõi sinh báo là gần, thân cận trong cõi hậu báo là xa. Lại nữa, thân cận liên tục không gián cách là gần, thân cận cách đời là xa. Lại nữa, nguyện thân cận nơi hiện tại là gần, nguyện thân cận nơi vị lai là xa.

Hỏi: Những thân cận thiện tri thức như thế nào được gọi là cao tột?

Kệ nói:

Thân cận thiện hữu hơn,

Tự ý 5 như trước.

Tín, tâm, thông, phương tiện,

Hòa hợp v.v… khác nhau.

Giải thích: Như trước cúng dường chư Phật, do 5 thứ tự ý nên được vượt trội hơn cả. Đó là tịnh, tín, thâm tâm, thần thông, phương tiện, hòa hợp. Trong đây thân cận thiện tri thức vượt trội hơn cả cũng vậy. Do tịnh tín, nghĩa là đối với việc nói kinh Đại thừa, thân cận sinh xứ tịnh tín. Do thâm tâm, nghĩa là nói tâm cũng có 9 thứ, đó là vị tâm cho đến thiện tịnh tâm do thân cận tu hành. Do thần thông, nghĩa là y vào Hư không tạng v.v…Tam-ma-đề mà thân cận. Do phương tiện, nghĩa là dựa vào trí vô phân biệt mà nhiếp thủ. Do hòa hợp, nghĩa là chư Đại Bồ-tát dùng một quả nhập vào tất cả quả.

Xong Phẩm thân cận.

Phẩm 20: PHẠM TRỤ

Giải thích: Bồ-tát tu 4 phạm trụ như thế nào?

Kệ nói:

Phạm trụ có 4 thứ,

Mỗi mỗi có 4 tướng:

Trị chướng và hợp trí,

Chuyển cảnh và thành sinh.

Giải thích: Phạm trụ lả 4 vô lượng, tức từ, bi, hỷ, xả. Trong đây phải biết 4 vô lượng của Bồ-tát mỗi mỗi đều có 4 tướng: 1. Trị chướng, do đối trị đoạn trừ. 2. Hợp trí, được trí vô phân biệt đối trị thắng. 3. Chuyển cảnh, do chúng sinh duyên, pháp duyên, vô duyên. 4. Thành sinh, do thắng tác nghiệp thành tựu chúng sinh.

Hỏi: Những chúng sinh nào là chúng sinh duyên? Những pháp và vô duyên nào là pháp duyên và vô duyên?

Kệ nói:

Lạc khổ hỷ phiền não,

Đó là chúng sinh duyên.

Pháp duyên, nói pháp ấy,

Vô duyên tức như kia.

Giải thích: Bốn nhóm chúng sinh là chúng sinh duyên: 1. Nhóm chúng sinh cầu lạc. 2. Nhóm chúng sinh có khổ. 3. Nhóm chúng sinh có vui mừng. 4. Nhóm chúng sinh phiền não. Từ thì đối với nhóm chúng sinh cầu lạc khởi cho lạc hạnh. Bi thì đối với nhóm chúng sinh có khổ khởi cứu vớt khổ hành. Hỷ thì đối với nhóm chúng sinh có vui mừng khởi hạnh không lìa. Xả thì đối với nhóm chúng sinh thụ các phiền não khởi hạnh khiến lìa bỏ. Đó gọi là chúng sinh duyên. Pháp duyên, tức nói 4 thứ pháp Phạm trụ gọi là pháp duyên. Vô duyên, tức là như kia vì vô phân biệt nên gọi là vô duyên.

Kệ nói:

Và như nghĩa kia nên

Nhẫn vị được thanh tịnh.

Gồm cả thân khẩu nghiệp

Cũng hết các phiền não.

Giải thích: Phải biết 4 thứ hạnh kia. Vô duyên từ, là vì như duyên nên khi được vô sinh pháp nhẫn ở địa thứ 8 thì tất cả thiện căn cũng được viên mãn vì kia thanh tịnh.Và từ gồm 2 nghiệp thân khẩu sở y, các phiền não cũng hết. Như phiền não sở duyên, nói ý tự thể các phiền não đoạn vì sở duyên đoạn. Trong Tu-đa-la nói như vậy.

Hỏi: Bốn Phạm trụ kia có những hạnh sai biệt gì?

Kệ nói:

Có động và không động,

Cũng ăn và không ăn.

Phải biết 4 Phạm trụ,

Hành sai biệt như vậy.

Giải thích: Phải biết 4 Phạm trụ kia có 4 hành sai biệt: 1.Có động. 2. Không động. 3. Ăn. 4. Không ăn.

Động là thoái phần, nghĩa là có thể thoái lui. Không động là trụ phần và thắng phần, không thể thoái lui. Ăn, nghĩa là nhiễm ô, tham đắm mùi lạc thú không có tâm rộng lớn. Không ăn, nghĩa là không nhiễm ô. Các hạnh như thoái v.v…này là sai biệt của Phạm trụ. Chư Bồ-tát trụ trong không động và không ăn, không trụ trong động và ăn.

Hỏi: Chủng loại của Phạm trụ sai biệt như thế nào?

Kệ nói:

Trước 6 và trước 2,

Hạ địa và hạ tâm,

Tương tự v.v….là hạ,

Ngược hạ tức là thượng.

Giải thích: Thượng hạ sai biệt, nghĩa là tự tính bất định địa kia 6 phẩm trước là hạ. Tất cả định địa thì 2 phẩm trước là hạ. Nghĩa là nhuyến nhuyến, nhuyến trung, hạ địa cũng là hạ. Nghĩa là Bồ-tát dưới địa thứ 7 quán thượng địa nên hạ tâm cũng gọi là hạ. Nghĩa là các Thanh Văn tương tự cũng là hạ. Nghĩa là vì chưa được Bồ-tát vô sinh pháp nhẫn. Như đã nói, ngược lại đây tức là thượng.

Hỏi: Bốn Phạm trụ này được bao nhiêu quả?

Kệ nói:

Quả báo sinh cõi Dục,

Mãn tụ và thành sinh,

Không lìa và lìa chướng,

Đầy đủ 5 là quả.

Giải thích: Bồ-tát trụ các Phạm trụ làm nhân đủ được 5 quả: 1. Sinh trong chúng sinh cõi Dục, là quả báo quả. 2. Hai tụ viên mãn, là tăng thượng quả. 3. Thành thục chúng sinh, là trượng phu quả. 4. Tất cả nơi sinh không lìa Phạm trụ, là y quả. 5. Nơi sinh ra hằng lìa các chướng kia, là tương ly quả.

Hỏi: Trong Phạm trụ này có những việc gì là tướng của Bồ-tát?

Kệ nói:

Dẫu gặp duyên chướng nặng,

Và do tự phóng dật,

Muốn biết tướng Bồ-tát,

Phạm tâm không thoái chuyển,

Giải thích: Bồ-tát có 2 việc Phạm tâm không động là tướng Bồtát: 1. Dẫu gặp nhân duyên chướng nặng tâm hoàn toàn không đổi khác, đó là tướng Bồ-tát. 2. Dẫu tự phóng dật, nghĩa là nghĩa là có thể đối trị lúc không hiện tiền, tâm cũng không đổi khác, đó là tướng Bồ-tát, huống chi lúc vô lượng hiện tiền.

Hỏi: Phạm trụ chướng ngại thế nào?

Kệ nói:

Bốn Phạm có 4 chướng,

 Là sân, não, ưu dục.

Bồ-tát đủ chướng này,

Nhiều thứ tội lỗi khởi.

Giải thích: Bốn Phạm đối trị đủ 4 chướng theo thứ tự: 1. Sân. 2. Não. 3. Ưu. 4. Dục. Do chướng như vậy nên Phạm là vô thể, nếu có 4 cái này thì lại sinh nhiều thứ tội lỗi.

Hỏi: Nhiều lỗi như thế nào?

Kệ nói:

Như vậy các phiền não,

Khởi thì có 3 hại.

Tự hại và hại người,

Và hại cả Thi-la.

Giải thích: Kệ này hiển thị tội lỗi 3 hại: 1. Tự hại là tự khổ tư. 2. Tha hại là làm khổ tư người khác. 3. Thi-la hại là làm đủ khổ tư.

Kệ nói:

Có hối và mất lợi,

Mất hộ và sư xả,

Trí phạt và tiếng dữ,

Như vậy 6 quở trách.

Giải thích: Kệ này nói bị 6 thứ quở trách tội lỗi: 1. Tự trách vì lo buồn hối hận. 2. Người quở trách vì mất lợi dưỡng. 3. Chư thiên quở trách do mất sự ủng hộ. 4. Đại sư quở trách do đại sư bỏ. 5. Phạm hạnh quở trách do người trí tuệ Phạm hạnh đúng như pháp trị phạt. 6. Người 10 phương quở trách vì tiếng dữ lan truyền.

Kệ nói:

Thân sau đọa các nạn,

Phạm trụ nay thoái lui,

Tâm số và bị khổ,

Lại nữa sinh 3 lỗi.

Giải thích: Kệ này nói sau bị 3 thứ tội lỗi: 1. Đọa vào các nạn do ác nghiệp này đời sau bị ác báo. 2. Thoái hành do đã được thì thoái mất và chưa được thì sẽ thoái mất Phạm trụ hiện tại và vị lai. 3. Khổ sinh do tâm số pháp từ đó sinh đại ưu khổ.

Hỏi: Đã nói tội lỗi vậy những gì là công đức?

Kệ nói:

Người khéo trụ Phạm trụ,

Xa lìa các ác kia,

Sinh tử không ô nhiễm,

Không bỏ cứu quần sinh.

Giải thích: Người trụ Phạm trụ được 2 công đức: 1. Xả phiền não, như trước đã nói tội lỗi thảy đều lìa xa. 2. Không bỏ chúng sinh, vì thành thục chúng sinh, sinh tử không thể nhiễm ô.

Hỏi: Đã biết công đức, nhưng làm sao biết công đức này là tối tôn tối thượng?

Kệ nói:

Như người có một con,

Có đức rất yêu thương,

Bồ-tát đối tất cả,

Khởi Phạm thắng hơn kia.

Giải thích: Do quá hơn thí dụ này nên hiển thị 4 thứ Phạm trụ của Bồ-tát là tối tôn tối thượng.

Hỏi: Đại bi lấy những chúng sinh nào làm sở duyên?

Kệ nói:

Nung đốt và oán thắng,

Khổ bức và tối che,

Trụ hiểm và trói chặt,

Ăn độc và mất đạo.

Lại có trụ phi đạo,

Và những kẻ gầy guộc.

Mười chúng sinh như vậy,

Tâm đại bi sở duyên.

Giải thích: Bồ-tát đại bi đại khái lấy 10 loại chúng sinh làm cảnh giới: 1. Chúng sinh nung đốt, nghĩa là bị nung đốt bởi dục nhiễm khoái lạc. 2. Chúng sinh oán thắng, nghĩa là khi tu thiện bị ma chướng ngại. 3. Chúng sinh bị khổ bức bách, tức chúng sinh trong tam đồ. 4. Chúng sinh bị tối tăm che khuất, nghĩa là hằng làm nghiệp bất thiện do không biết nghiệp báo. 5. Chúng sinh ở nơi hung hiểm, nghĩa là không thích Niết-bàn do không đoạn tuyệt đường hiểm sinh tử. 6. Chúng sinh trói buộc chặt, nghĩa là ngoại đạo tà kiến do muốn đến giải thoát mà bị các tà kiến trói chặt. 7. Chúng sinh ăn phải chất độc, nghĩa là ăn mùi vị thiền định, ví như thức ăn ngon nhưng lại có xen độc chất có thể hại người. Thiện định cũng vậy, vì tham đắm nên thoái mất. 8. Chúng sinh lạc mất đường, nghĩa là người tăng thượng mạn do mê lầm con đường chân thật giải thoát. 9. Chúng sinh trụ phi đạo, nghĩa là những người hạ thừa bất định do có thoái lui. 10. Chúng sinh gầy guộc, nghĩa là chư Bồ-tát chưa đầy đủ trong 2 tụ. Mười loại chúng sinh như vậy là cảnh giới sở duyên của đại bi Bồ-tát. Tiếp nói đại bi đắc quả.

Kệ nói:

Chướng đoạn và giác nhân,

Dữ lạc và ái quả,

Tự lưu, 5 y quả,

Là người ở gần Phật.

Giải thích: Chướng đoạn, là tương ly quả vì chướng kia đoạn. Giác nhân, là tăng thượng quả vì lợi ích chúng sinh. Dữ lạc, là trượng phu quả vì trượng phu tạo tác. Ái quả, là quả báo quả vì được báo khả ái. Tự lưu, là y quả vì cùng vị lai thắng bi. Như vậy 5 quả đều y vào đai bi mà được. Phải biết Bồ-tát như vậy thì cách Phật Bồ-đề không xa.

Đã nói đại bi đắc quả, tiếp nói đại bi không trụ.

Kệ nói:

Khổ sinh tử làm thể,

Và vô ngã làm tính,

Không chán cũng không sầu,

Vì đại bi thắng giác.

Giải thích: Tất cả sinh tử lấy khổ làm thể, lấy vô ngã làm tính. Bồ-tát đối với khổ biết được như thật, đối với vô ngã được vô thượng giác. Như vậy được biết giác rồi do đại bi nên trong sinh tử không chán lìa, do thắng giác nên không bị phiền não quấy nhiễu. Cho nên Bồ-tát được không trụ Niết-bàn cũng không trụ sinh tử.

Đã nói đại bi không trụ, tiếp nói công đức của đại bi.

Kệ nói:

Khi thấy tự tính khổ,

Biết khổ sinh bi khổ.

Cũng biết xả phương tiện,

Hằng tu không chán sinh.

Giải thích: Bồ-tát quán cái khổ của thế gian, khi thấy tự tính của nó tức sinh bi tâm đối với cái khổ. Nếu xa lìa phương tiện mà cầu biết như thật, biết rồi hằng tu không chán, đó là công đức của đại bi.

Đã nói công đức của đại bi, tiếp nói sai biệt của đại bi.

Kệ nói:

Tự tính và số trạch,

Túc tập và chướng đoạn.

Là bi của Bồ-tát,

Bốn sai biệt như thế.

Giải thích: Đại bi này tùy theo thứ tự có 4 sai biệt: 1. Tự tính, vì thành tự nhiên. 2. Số trạch, vì thấy công đức và tội lỗi. 3. Túc tập, vì do tu hành nhiều đời trước. 4. Chướng đoạn, vì do được lìa dục, đoạn sở trị, não chướng thanh tịnh. Lại có 6 thứ sai biệt.

Kệ nói:

Phi đẳng cũng phi thường,

Phi thâm cũng phi thuận,

Phi đạo, phi bất đắc,

Nghịch 6 đó là bi.

Giải thích: Ngược lại 6 thứ sai biệt phi đại bi, tức là 6 thứ sai biệt của đại bi: 1. Bình đẳng. 2. Thường hằng. 3. Rất sâu. 4. Tùy thuận. 5. Tịnh đạo. 6. Không được.

Bình đẳng, nghĩa là trong các cảm thụ lạc mà chúng sinh cảm thụ, biết đều là khổ. Thường hằng, là nói cho đến vô dư Niết-bàn cũng không hết. Rất sâu, nghĩa là các Bồ-tát nhập địa đều được tự tha bình đẳng. Tùy thuận, nghĩa là như lý cứu tế tất cả chúng sinh khổ. Tịnh đạo, là đối trị não loạn được đoạn trừ. Không được, nghĩa là khi được pháp nhẫn vô sinh thì tất cả pháp là bất khả đắc.

Đã nói xong sai biệt của đại bi, tiếp nói đại bi như cây.

Kệ nói:

Bi, nhẫn, tư, nguyện, sinh,

Thành thục, thứ tự nói.

 Gốc lớn đến quả lớn,

Cây bi 6 việc thành.

Giải thích: Cây đại bi này do 6 việc thành tựu: 1.Đại bi. 2.Nhẫn nhục. 3. Tư duy. 4. Thắng nguyện. 5. Thắng sinh. 6. Thành thục. Đây tức 6 vị là gốc, chồi, nhánh, lá, hoa, quả.

Hỏi: Việc này là nghĩa thế nào?

Đáp: Cây này lấy đại bi làm gốc, lấy nhẫn nhục làm chồi, lấy tư duy lợi ích chúng sinh làm nhánh, lấy nguyện thắng sinh làm lá, lấy sở đắc thắng sinh làm hoa, lấy thành thục chúng sinh làm quả.

Hỏi: Vì sao 6 việc tuần tự trước sau như vậy?

Kệ nói:

Không bi thì không nhẫn,

Như vậy 6 tuần tự.

Thắng sinh nếu không được,

Không thành thục chúng sinh.

Giải thích: Nếu không có đại bi không thể nhẫn các khổ lớn khó nhẫn. Nếu không nhẫn các khổ lớn khó nhẫn thì không thể khởi tư duy lợi ích chúng sinh. Nếu không tư duy lợi ích chúng sinh thì không thể nguyện thắng sinh. Nếu không nguyện thắng sinh thì không thể đến nơi thắng sinh. Nếu không đến nơi thắng sinh thì không thể thành thục chúng sinh.

Hỏi: Trước sau tương tự như vậy, còn thành lập tương tự như thế nào?

Kệ nói:

Gốc sinh cho từ nhuận,

Đâm chồi cho rộng vui,

Chính niệm thì nhánh nhiểu,

Nguyện tiếp thì lá lớn,

Ngoại duyên thành trổ hoa,

Ngoại duyên thành kết trái.

Phải biết gốc bi v.v…

Thứ tự như vậy thành.

Giải thích: Trong đây thành lập tương tự, nghĩa là tâm bi do tâm từ làm phát sinh tươi tốt. Do có tâm từ thấy người khổ đã sinh bi khổ, cho nên lấy tâm bi làm gốc. Nhẫn là lấy cái tưởng vui có thể khiến nhổ bỏ. Nghĩa là Bồ-tát lợi tha, khổ thì sinh tưởng vui, sinh tưởng vui rồi có thể khiến đức tính nhẫn nhục được rộng lớn, cho nên lấy nhẫn làm chồi. Tư duy bằng chính niệm có thể khiến tăng tiến. Do nhẫn đã rộng rồi, có thể khởi chính niệm trong các việc lợi tha, cho nên lấy tư duy làm nhánh. Nguyện thì lấy sự liên tục có thể khiến trưởng thành, do trước diệt thì sau sinh ví như lá dài rụng thì lá mới nhú ra, cho nên lấy nguyện làm lá. Sinh thì lấy nội duyên thành, do tự thân thành thục thì thụ sinh không hỏng, cho nên lấy sinh làm hoa. Thành thục thì lấy ngoại duyên làm thành, do tha thân thành thục thì lợi ích không hỏng, cho nên lấy thành thục chúng sinh làm quả. Phải biết thanh lập theo tuần tự như vậy.

Đã nói đại bi như cây, tiếp ca ngợi công đức của đại bi.

Kệ nói:

Đại bi làm lợi ích,

Ai đối tha không khởi.

Nơi khổ thắng lạc sinh,

Lạc sinh vì bi tâm.

Giải thích: Nghĩa này như lời kệ nói. Đã tán thán công đức đại bi, tiếp nói đại bi không đắm trước.

Kệ nói:

Bồ-tát bi tự tại,

Vắng lặng thường không trụ.

Đời vui và thân mạng,

Yêu thích khởi chi đâu?

Giải thích: Tất cả thế gian đều yêu thích khoái lạc thế gian và thân mạng mình. Tất cả Thanh Văn Duyên Giác tuy không yêu thích đời khoái lạc và tự thân mạng nhưng đối với Niết-bàn thì khởi tâm bám trụ. Bồ-tát không như vậy, vì đại bi tự tại, nơi Niết-bàn còn không trụ huống chi trụ trong 2 yêu thích kia.

Đã nói đại bi không đắm trước, tiếp nói ái thắng của đại bi.

Kệ nói:

Tham ái chẳng không chứớng,

Thế bi, cũng thế gian.

Bồ-tát khởi bi ái,

Chướng hết, và quá thế.

Giải thích: Bi ái tối thắng tự có 2 nghĩa: một là chướng hết, hai là siêu quá thế gian. Tự thể của yêu thân thuộc và tham là chướng, còn thực hành thế gian bi tâm tuy thể không phải chướng nhưng là thế gian. Bi ái của Bồ-tát tự thể đã hết chướng mà còn siêu quá thế gian, cho nên là tối thắng.

Hỏi: Thế nào là chướng hết?

Kệ nói:

Có khổ và không trí,

Đại hải và đại ám,

Cứu tế dùng phương tiện,

Làm sao chướng không hết?

Giải thích: Có khổ là như biển lớn. Không trí tuệ là như sự tối tăm to lớn. Đại bi là phương tiện có thể cứu vớt. Bi ái này thì chướng hết.

Hỏi: Sao gọi là quá thế?

Kệ nói:

La-hán và Duyên Giác,

Là không có bi ái,

Huống chi các thế gian,

Lẽ nào không siêu quá.

Giải thích: A-la-hán, Bích-chi-phật còn không có đại bi ái, huống chi người thế gian mà có được. Nếu vậy không phải vượt quá thế gian sao? Đã nói xong sự vượt trội của đại bi ái, tiếp nói đại bi không chán.

Kệ nói:

Các Bồ-tát được bi,

Xả khổ mà khởi khổ.

Mới khởi thì sợ khổ,

Khi chứng rất mừng vui.

Giải thích: Xả khổ, nghĩa là chư Bồ-tát vì đại bi nên muốn xả cái khổ cho người khác. Mà khởi khổ, nghĩa là do xả cái khổ cho người khác mà sinh khởi cái khổ cho chính mình. Mới khởi thì sợ khổ, nghĩa là nói mới tức nói Bồ-tát ở tín hành địa. các Bồ-tát này trong khi khởi khổ sinh khiếp sợ, do chưa thấy tự tha bình đẳng, do chưa chạm đến như thật của cái khổ. Khi chứng rất vui mừng, nghĩa là nói khi chứng là nói Bồ-tát ở tịnh tâm địa. Các Bồ-tát ấy trong khi khởi khổ sinh rất vui mừng, do thấy được tự tha bìính đẳng, do đã chạm đến như thật của khổ. Đã nói xong đại bi không chán, tiếp nói đại bi khổ thắng.

Kệ nói:

Bi khổ rất hy hữu,

Khổ thắng tất cả vui.

Lại vui vì bi sinh,

Làm xong đâu còn nữa.

Giải thích: Bi khổ rất hy hữu, nghĩa là từ cái khổ của người khác mà sinh đại bi, từ đại bi mà sinh cái khổ tự mình. Như vậy bi và khổ có gì hy hữu, mà được quá hơn đây cho nên nói là rất hy hữu. Khổ thắng tất cả vui, nghĩa là cái bi khổ đây hơn tất cả cái vui của thế gian. Hỏi vì sao? Đáp vì lại vui thì bi sinh nên chư Bồ-tát đây lại lấy cái bi khổ làm vui, do khổ này từ đại bi sinh. Làm xong , đâu còn nữa, nghĩa là cái vui đã làm xong kia còn không có huống cho có những cái khác của thế gian. Đã nói đai bi khổ thắng, tiếp nói đại bi thí thắng.

Kệ nói:

Thí và bi cùng khởi,

Khiến Bồ-tát được vui.

Cái vui trong 3 cõi,

So đây chẳng phần nào.

Giải thích: Nếu bố thí với đại bi cùng khởi thì có thể khởi cái vui thù thắng của Bồ-tát. Nghĩa là các cái vui trong 3 cõi nếu so với cái vui tạo ra của đại bi bố thí thì không có một phần nào tương đương được. Đã nói đại bi thí thắng, tiếp đến nói đại bi nhẫn khổ.

Kệ nói:

Sinh tử khổ tự tính,

Không bỏ vì tâm bi.

Khởi khổ do lợi tha,

Làm sao bỏ không tập?

Giải thích: Tất cả khổ thảy đều nhập vào trong khổ sinh tử. Chư Bồ-tát do đại bi không bỏ sinh tử, cho nên Bồ-tát khởi khổ là nhân lợi tha. Khi Bồ-tát không bỏ sinh tử tức không bỏ tất cả khổ. Đã nói đại bi nhẫn khổ, tiếp nói đại bi thí quả.

Kệ nói:

Bi thí tài 3 quả,

Bi là hằng tăng trưởng.

Ái sinh và nhiếp sinh,

Tư sinh có 3 vui.

Giải thích: Bi thí tài 3 quả, bi là hằng tăng trưởng, nghĩa là Bồ-tát đại bi có thể tăng trưởng 3 thứ quả: 1. Tăng bi, do tu tập nên có thể khiến tự thể tăng trưởng. 2. Tăng thí, do bi tự tại có thể khiến thí được tăng trưởng. 3.Tăng của cải, do thí tự tại nên có thể khiến của cải được tăng trưởng. Ái sinh và nhiếp sinh, tư sinh lại có 3 cái vui, nghĩa là từ 3 quả này lại sinh 3 cái vui: 1. Do bi làm nhân sinh ái sinh vui. 2. Do thí làm nhân sinh nhiếp sinh vui. 3. Do của cải làm nhân sinh vốn sinh vui. Đã nói đại bi tăng quả, tiếp nói đại bi khuyên tiến.

Kệ nói:

Bi lớn và thí tăng,

Thành sinh và vui khởi,

Nhọc đến rồi lại đi,

Đại bi khuyên như vậy.

Giải thích: Đại bi khuyến tiến Bồ-tát thực hành 6 thứ công đức. Đại Bi Nghĩa nói: Bồ-tát, ngươi tu tập ta khiến ta tốt tươi thêm lớn. Ngươi xả của cải khiến thí tăng tiến. Ngươi hãy dùng thí thành thục chúng sinh. Ngươi nên dùng thí khiến khởi niềm vui chính mình. Nếu ngươi thí sẽ dẫn đến 2 tụ Đại Bồ-đề và ngoài ra khiến hướng đến mình. Nếu ngươi thí sẽ đem lại 2 tụ và ngoài ra khiến đi đến Đại Bồ-đề. Đã nói đại bi khuyến tiến, tiếp nói đại bi lạc thắng.

Kệ nói:

Người khổ bi các khổ,

Không thí làm sao vui?

Để khiến mình được vui,

Thí vui cứu khổ người.

Giải thích: Người khổ bi các khổ, nghĩa là chư Bồ-tát dùng bi khởi các khổ, cho nên gọi là người khổ. Không thí làm sao vui, nghĩa là Bồ-tát đại bi nên lấy cái khổ của người làm cái khổ của mình. Nếu không thí vui cho người làm sao có được cái vui cho mình. Để khiến mình vui nên thí vui cứu khổ người, nghĩa là Bồ-tát khi thí vui cho chúng sinh khổ tức Bồ-tát làm vui cho mình. Đã nói xong đại bi lạc thắng, tiếp nói đại bi giáo thụ.

Kệ nói:

Bi là dạy tự thí,

Thí người chớ tự cầu.

Thí báo nguyện không thụ,

Có nguyện lại đem thí.

Giải thích: Kệ này dạy hạnh thí không cầu. Bi là dạy tự thí, thí gười chớ tự cầu. Đại Bi Nghĩa nói: Khi ngươi thí cho người chớ nên cầu vui cho mình. Không có cái vui cho người thì cũng không có cái vui cho mình. Bởi vì sao? Cái vui không có vui riêng. Thí báo nguyện không thụ, có nguyện lại đem thí, nghĩa là nếu có quả thí của ta cũng xin không nhận, dẫu khi có quả thì dùng đó đem bố thí.

Kệ nói:

Thí cho đến quả thí,

Khắp thí cho tất cả.

Người vui là ta vui,

Thí người, ta không cần.

Giải thích: Kệ này dạy hạnh thí quả thí, nghĩa là thí và thí cái quả mình đạt được, khắp thí cho tất cả chúng sinh. Bởi vì sao? Vì bi là lấy cái vui của người làm cái vui của mình, cho nên Bồ-tát có quả cũng đều bố thí tất cả chúng sinh. Dạy đại bi là dạy như vậy.

Kệ nói:

Khinh của cải đem thí,

Đến nhiều lại đến tốt.

Chẳng dùng mà tự đến,

 Lại dùng bố thí nữa.

Giải thích: Kệ này dạy hạnh chán của cải thí. Nếu người chán của cải mà hành thí thì người này tuy không muốn của cải mà của cải tự đến. Đạo lý cực rộng cực vi diệu là như vậy. Vì đại tâm cho nên nếu có được như vậy thì lại đem dùng bố thí. Đó là của cải đến rồi lại đến. Bồ-tát thì thí rồi lại thí. Bởi vì sao? Vì chẳng phải cầu vui cho chính mình mà muốn thí thí vô cùng.

Kệ nói:

Bi là dùng đại bi,

Thí hết và thường thí

Phải hành thí như vậy

Chớ nên cầu quả thí.

Giải thích: Kệ này dạy hạnh thí không gián đoạn.

Kệ nói:

Nếu ta không vui thí,

Thí quả không thí thời,

Thí không một sát-na,

Vì lẽ yêu vô thí.

Giải thích: Kệ này dạy hạnh thí không chán.

Kệ nói:

Không làm không cho quả,

Cho quả cùng với làm,

Là lỗi nghĩ đến ơn,

Với ta thật chẳng giống.

Giải thích: Kệ này dạy hành thí bỏ ý nghĩ trả ơn. Bồ-tát ngữ thí nói: Nếu có người làm cho ông, ông mới cho quả, vậy là ông có lỗi mong đợi sự trả ơn. Tôi thì không như vậy. Như thế là ông không giống tôi. Lại nữa, nếu có người làm cho ông, ông chỉ cho quả người này, vậy ông là người mong đợi sự trả ơn. Tôi không như vậy. quả của sự hành thí là cho ttát cả chúng sinh. Như thế là ông không giống tôi. Đã nói xong về đại bi dạy bố thí, tiếp nói đại bi hành thí.

Kệ nói:

Không chướng và tịnh cú,

Lợi kia và tự lượng.

Không cầu cũng không đắm,

Bi là thí như vậy.

Giải thích: Không chướng, nghĩa là không lấy vật người khác mà hành thí. Tịnh cú, là như pháp tài hành thí, nghĩa là không dùng vật độc hại, vũ khí, rượu v.v… mà bố thí. Lợi kia, là dùng thí nhiếp hóa người đến với thiện căn. Tự lượng, nghĩa là không khiến cho quyến thuộc mình phải thiếu thốn. Không cầu, nghĩa là chúng sinh hoặc vô tâm cầu, hoặc không mở miệng cầu, thấy kia thiếu thốn thì tự nhiên thí và không chọn lựa phúc điền. Không đắm trước, là không cầu trả ơn và quả báo.

Kệ nói:

Tận, quảng, thắng, thường, hỷ,

Lìa trước và thanh tịnh.

Hồi hướng nơi 2 chỗ,

Bồ-đề và thiện căn.

Giải thích: Tận, là thí hết vật nội ngoại. Quảng, là thí nhiều vật. Thắng, là thí vật tốt. Thường, là tghí thường xuyên. Hỷ, là thí lìa bỏ sân giận. Nghĩa là người cầu xin khi làm việc không ích lợi cũng nhẫn nại mà hoan hỷ thí. Lìa trước, là không trông mong, mong đợi, như đã nói không chấp trước. Thanh tịnh, là dùng như pháp, như đã nói tịnh cú ở trước. Hồi hướng Bồ-đề, là hồi hướng Đại Bồ-đề. Hồi hướng thiện căn, là hồi hướng tùy thuận thiện căn khí. Đã nói xong đại bi hành thí, tiếp nói đại bi thụ dụng sai biệt.

Kệ nói:

Có của mà tự dụng,

Và thí cho chúng sinh,

Được hỷ thí hỷ thắng,

Ba vui nuôi dưỡng tâm.

Giải thích: Bồ-tát sinh vui vì thụ dụng của cải của mình và sinh vui vì dùng của cải bố thí chúng sinh. So sánh 2 cái vui này thì vui vì bố thí là hơn. Bởi vì sao? Vì 3 cái vui nuôi dưỡng tâm. Ba cái vui là: 1. Vui bố thí. 2. Vui nhiếp hóa người khác. 3. Vui đầy đủ Tam Bồ-đề. Đã nói xong đại bi thụ dụng sai biệt, tiếp nói đại bi tăng trưởng các độ.

Kệ nói:

Xan, ác, sân, phóng dật,

Duyên trước và tà trước,

Như vậy 6 ngăn che,

 Bi khiến 6 độ tăng.

Giải thích: Xan, là vật ít không thể xả. Ác, là phá giới và nõa hại người khác. Sân, là không được lợi một chút thì nổi giận dữ. Phóng dật, là không siêng năng làm các thiện pháp. Duyên trước, lả 5 dục loạn tâm. Tà trước, là ngoại đạo nkhông trí tuệ. Như vậy ở trong 6 thứ ngăn che, đại bi thương xót nói các lỗi lầm ấy khiến 6 Ba-lamật được tăng trưởng. Đã nói xong đại bi tăng trưởng các độ. Đại bi này từ 4 duyên sinh, cũng nên nói rõ.

Kệ nói:

Khổ vui, không khổ vui,

Sức nhân và thiện hữu.

Tự thể luôn nối tiếp,

Nghĩa 4 duyên đại bi.

Giải thích: Khổ vui, không khổ vui, là hiển thị duyên duyên cụ duyên. Ba thụ 3 khổ đều khởi bi.

Hỏi: Xả thụ thì sao khổ?

Đáp: Do hành khổ.

Sức nhân, là hiển thị nhân duyên. Thiện hữu, là hiển thị tăng thượng duyên. Tự thể luôn nối tiếp, là hiển thị thứ đệ duyên.

Hỏi: Đại bi đã sinh như vậy làm sao được bình đẳng?

Kệ nói:

Hành tướng và tư duy,

Tùy thuận và lìa chướng,

Bất đắc và thanh tịnh,

Sáu nghĩa bi bình đẳng.

Giải thích: Đại bi bình đẳng có 6 thứ: 1. Hành tướng bình đẳng, do chúng sinh trong 3 thụ vị đều khổ bình đẳng. 2. Tư duy bình đẳng, do thương xót bình đẳng. 3. Tùy thuận bình đẳng, do bình đẳng cứu tế. 4. Lìa chướng bình đẳng, do bình đẳng không não. 5. Bất đắc bình đẳng, là do tự tha và bi là tam luân bình đẳng vì bất khả đắc. 6. Thanh tịnh bình đẳng, do khi được vô sinh nhẫn ở địa thứ 8 thì được bình đẳng.

Hỏi: Như vậy đã nói riêng đại bi rồi, 4 Phạm trụ này làm sao tu tập khiến được vô thượng?

Kệ nói:

Từ v.v..khiến vô thượng,

Tự ý tu có 5.

Tín, tâm, thông, phương tiện,

Hòa hợp như trước nói.

Giải thích: Như trước đã nói cúng dường chư Phật, thân cận thiện hữu đều có 5 thứ tự ý tu tập khiến được vô thượng. Phạm trụ cũng vậy. Do tịnh tín, nghĩa là trong kinh Đại thừa nói nơi Phạm trụ sinh tịnh tín. Do thâm tâm, là dùng 9 thứ tâm tu Phạm trụ. Do thần thông, là y hư không định v.v…mà tu tập. Do phương tiện, là y vò trí vô phân biệt nhiếp giữ. Do hòa hợp, là lấy một quả nhập vào tất cả quả.

Xong Phẩm Phạm trụ.

HẾT QUYỂN 9

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13