LUẬN ĐẠI THỪA TRANG NGHIÊM KINH
Bồ-tát Vô Trước tạo luận
Đường, Thiên Trúc tam tạng Ba-la-phả-mật-đa dịch
Nguyên Hồng dịch tiếng Việt

 

QUYỂN 13

Phẩm 23: HÀNH TRỤ

Giải thích: Đã nói công đức của Bồ-tát, tiếp nói 5 tướng của Bồ-tát.

Kệ nói:

Nội tâm có lân mẫn,

Ái ngã và dũng kiện,

Khai thủ và thích nghĩa,

Đây 5 tướng Bồ-tát.

Giải thích: Bồ-tát có 5 tướng: 1. Lân mẫn. 2. Ái ngữ. 3. Dũng kiện. 4. Khai thủ. 5. Thích nghĩa.

Lân mẫn, là dùng tâm Bồ-đề nhiếp hóa lợi ích chúng sinh. Ái ngữ, là khiến được chính tín trong Phạt pháp. Dũng kiện, là không thoái khuất các khổ hạnh khó làm. Khai thủ, là dùng của cải để nhiếp hóa. Thích nghĩa, là dùng giáo pháp nhiếp hóa. Phải biết 5 tướng này, 1 cái đầu tiên là tâm, 4 cái sau là hạnh. Đã nói 5 tướng của Bồ-tát, tiếp nói phần Bồ-tát tại gia và xuất gia.

Kệ nói:

Bồ-tát trong mọi thời,

Hằng ở vị Luân vương,

Làm lợi ích chúng sinh,

Tại gia phần như thế.

Giải thích: Bồ-tát tại gia hằng làm vị Chuyển luân vương hành hóa 10 điều thiện lìa bỏ 10 điều ác, làm lợi ích như vậy.

Kệ nói:

Thụ đắc và pháp đắc,

Cùng với thị hiện thành

Ba thứ xuất gia phần,

Ở trong tất cả địa.

Giải thích: Bồ-tát xuất gia có 3 phần: 1. Phần thụ đắc, nghĩa là được hộ từ người khác. 2. Phần pháp đắc, nghĩa là được vô lưu hộ. 3. Phần thị hiện, nghĩa là biến hóa tác thụ. Phần đắc, là tín hành địa. Phần pháp đắc và phần thị hiện, là nhập đại địa.

Kệ nói:

Phải biết phần xuất gia,

Đủ vô lượng công đức.

Muốn sánh với tại gia,

Vượt trội không sánh được.

Giải thích: So sánh 2 phần thì phần xuất gia hơn, do đầy đủ vô lượng công đức. Đã nói xong phần Bồ-tát tại gia và xuất gia, tiếp nói Bồ-tát 5 thứ tâm cực đại.

Kệ nói:

Ái quả và thiện căn,

Niết-bàn muốn khiến được,

Chưa tịnh tịnh cực tịnh,

Là ở trong các địa.

Giải thích: Năm tâm cực đại là: 1. Tâm lạc cực đại. 2. Tâm lợi cực đại. 3. Tâm chưa tịnh cực đại. 4. Tâm đã tịnh cực đại. 5. Tâm cực tịnh cực đại. Ái quả, là tâm lạc cực đại, nghĩa là khiến các chúng sinh đời sau được quả yêu thích. Thiện căn, là tâm lợi cực đại, nghĩa là khiến các chúng sinh hiện làm các thiện và được Niết-bàn. Chưa tịnh, là tâm chưa tịnh cực đại, tức Bồ-tát ở tín hành địa. Tịnh, là tâm đã tịnh cực đại, tức Bồ-tát sơ địa đế địa thứ 7. Cực tịnh, là tâm cực tịnh cực đại, tức Bồ-tát 3 địa sau. Đã nói xong Bồ-tát 5 thứ tâm cực đại, tiếp nói 4 thứ nhiếp chúng sinh của Bồ-tát.

Kệ nói:

Dục lạc và bình đẳng,

Tăng thượng với đồ chúng,

Bốn tâm nơi các địa,

Nhiếp thụ khắp chúng sinh.

Giải thích: Bốn thứ nhiếp chúng sinh là: 1. Dục lạc tâm nhiếp, là do dùng tâm Bồ-đề nhiếp hóa. 2. Bình đẳng tâm nhiếp, là do nhập sơ địa được tâm tự tha bình đẳng nhiếp hóa chúng sinh. 3. Tăng thượng tâm nhiếp, nghĩa là do trụ chủ vị, dùng sức tự tại nhiếp hóa chúng sinh. 4. Đồ chúng tâm nhiếp, nghĩa là do thâu nhiếp làm đệ tử của mình. Đã nói 4 thứ nhiếp chúng sinh của Bồ-tát, tiếp nói 4 thứ thụ sinh của Bồ-tát.

Kệ nói:

Nghiệp lực và nguyện lực,

Định lực, thần thông lực,

Dựa vào 4 lực này,

Mà Bồ-tát thụ sinh.

Giải thích: Bốn thứ thụ sinh là: 1. Nghiệp lực sinh. 2. Nguyện lực sinh. 3. Định lực sinh. 4. Thông lực sinh.

Nghiệp lực sinh, là Bồ-tát ở tín hành địa, nghiệp lực tự tại có thể thụ sinh tùy nơi mình muốn. Nguyện lực sinh, là Bồ-tát nhập đại địa, nguyện lực tự tại, vì để thành thục kia mà thụ sinh vào các loài như súc sinh v.v… Định lực sinh, là Bồ-tát được định, định lực tự tại có thể bỏ cõi trên thụ sinh cõi dưới. Thông lực sinh, nghĩa là Bồ-tát được thần thông, sức thần thông tự tại có thể ở trời Đâu-suất v.v… thị hiện các tướng thụ sinh. Đã nói xong 4 thứ thụ sinh của Bồ-tát, tiếp nói 11 trụ tướng của Bồ-tát.

Kệ nói:

Chứng không, chứng nghiệp quả,

Trụ thiền, trụ giác phần,

Quán đế, quán duyên khởi,

Vô tướng, vô công dụng,

Hóa lực tịnh 2 môn,

Cùng với tịnh Bồ-đề,

Dùng các điều nói đây,

Lập địa tướng nên biết.

Giải thích: Mười một trụ, tức 11 địa, vì trụ là tên của địa. Chứng không, là hiển thị trụ tướng đầu tiên, vì phần nhiều trụ ở nhân pháp 2 vô ngã. Chứng nghiệp quả, là hiển thị trụ tướng thứ 2, vì chứng nghiệp và quả thì không hư hoại có thể hộ trì giới. Trụ thiền, là hiển thị trụ tướng thứ 3, vì có thể sinh cõi Dục mà không thoái thiền. Trụ giác phần, là hiển thị trụ tướng thứ 4, vì có thể vào sinh tử mà không bỏ giác phần. Quán đế, là hiển thị trụ tướng thứ 5, vì dùng sự sáng suốt mà giáo hóa, phiền não chỉ phiền não ở tâm vì không có ngã. Quán duyên khởi, là hiển thị trụ tướng thứ 6, vì có thể không khởi nhiễm tâm mà dựa vào duyên khởi thụ sinh. Vô tướng, là hiển thị trụ tướng thứ 7, vì hành tuy có công dụng mà tham hợp một đạo lý trên đa phần trụ nơi vô công dụng. Hóa lực là hiển thị trụ tướng thứ 9, vì tự tại 4 vô ngại giải có thể thành thục tất cả chúng sinh. Tịnh 2 môn, là hiển thị trụ tướng thứ 10, vì Tam-muội môn và Đà-la-ni môn cực kỳ thanh thịnh. Tịnh Bồ-đề, là hiển thị trụ tướng thứ 11, vì rốt ráo đoạn tất cả trí chướng. Đã nói xong 11 trụ tướng của Bồ-tát, tiếp nói Bồ-tát căn cứ vào địa lập tên.

Kệ nói :

Trước 3, 3 hành tịnh,

Tiếp 3, 3 mạn đoạn,

Sau 3: giác, xả, hóa,

Thứ 10 có 4 tên.

Giải thích: Trong 10 địa kiến lập 10 tên Bồ-tát.

Trước 3, 3 hành tịnh, nghĩa là sơ địa tên là kiến tịnh, vì Bồ-tát được trí đối trị nhân pháp 2 kiến. Địa thứ 2 tên là giới tịnh, vì Bồ-tát vi tế phạm cấu, vĩnh viễn là vô thể. Địa thứ 3 tên là định tịnh, vì Bồtát các thiền Tam-muội đều được không thoái lui.

Tiếp 3, 3 mạn đoạn, nghĩa là địa thứ 4 tên là đoạn pháp môn dị mạn, vì Bồ-tát phá phát khởi sai biệt mạn trong các kinh pháp. Địa thứ 5 tên là đoạn tương tục dị mạn, vì Bồ-tát nhập vào 10 tâm bình đẳng thì trong tất cả mọi sự tương tục đều được bình đẳng. Địa thứ 6 tên là đoạn nhiễm tịnh dị mạn, vì Bồ-tát như tính bản tịnh khách trần, nên nhiễm có thể trụ pháp duyên khởi nếu không khởi kiến chấp hắc bạch sai biệt.

Sau 3: giác, xả, hóa, nghĩa là địa thứ 7 tên là đắc giác, vì Bồ-tát trụ vô tướng lực có thể trong mỗi niệm mỗi niệm tu 37 giác phần. Địa thứ 8 tên là hành xả, vì Bồ-tát trụ vô công dụng vô tướng, nên cũng gọi là tịnh độ, vì Bồ-tát phương tiện hành hợp với Bồ-tát bất thoái địa. Địa thứ 9 tên là hóa chúng sinh, vì Bồ-tát có thể thành thục tất cả chúng sinh. Địa thứ 10 có 4 tên: 1. Tên đại thần thông, vì Bồ-tát được thần thông lớn. 2. Tên mãn pháp thân, vì Bồ-tát đủ vô lượng Tam-muội môn, Đà-la-ni môn. 3. Tên năng hiện thân, vì Bồ-tát ở trời Đâu-suất v.v…thị hiện thân tướng. 4. Tên thụ chức, vì Bồ-tát được thụ chức nơi Phật. Đã nói xong về Bồ-tát căn cứ các địa mà lập tên, tiếp nói Bồ-tát tùy theo địa mà tu học và học quả.

Kệ nói:

Thứ tự y trước 6

Kiến tính tu 3 học.

Thứ tự y sau 4

Được quả có 4 thứ.

Giải thích: Thứ tự y trước 6 kiến tính tu học 3, nghĩa là Bồ-tát ở sơ địa thông đạt chân như, địa thứ 2 học tăng thượng giới, địa thứ 3 học tăng thượng tâm, địa thứ 4, thứ 5, thứ 6 học tăng thượng tuệ. Tuệ có 2 cảnh: một là pháp thật, tức khổ v.v… 4 đế, hai là duyên khởi, tức quán nghịch thuận 12 nhân duyên. Hai cảnh này cũng ở trong địa thứ 2, địa thứ 3, cho nên địa ấy cũng kiến lập tăng thượng tuệ. Nhưng trong địa thứ 4 thì Bồ-đề phần tuệ tăng thượng. Trong địa thứ 5 thì đế quán tuệ tăng thượng. Trong địa thứ 6 thì duyên khởi quán tuệ tăng thượng. Cho nên 3 địa này kiến lập tăng thượng tuệ học.

Thứ tự y sau 4 được quả có 4 thứ, nghĩa là y địa thứ 7 được vô tướng hữu công dụng trụ là quả thứ nhất. Y địan thứ 8 được vô tướng vô công dụng trụ là quả thứ 2. Y địa thứ 9 được thành thục chúng sinh là quả thứ 3. Y địa thứ 10 được 2 môn thành thục là quả thứ 4. Đã nói xong tùy địa tu học và học quả, tiếp nói Bồ-tát tùy địa tu tập 5 ấm vô lưu.

Kệ nói:

Kiển tính tịnh 3 thân,

Cũng ở trước 6 địa,

Địa khác tịnh 2 khác,

Để xa lìa 5 chướng.

Giải thích: Sơ địa kiến tính như trước giải thích. Trong địa thứ 2 giới thân thanh tịnh. Trong địa thứ 3 định thân thanh tịnh. Trong địa thứ 4, thứ 5, thứ 6 tuệ thân thanh tịnh. Sau 4 địa và Phật địa giải thoát thân, giải thoát tri kiến thân thanh tịnh, do lìa 5 chướng. Năm chướng là trong địa thứ 7 lấy chấp tướng, vô tri làm chướng. Trong địa thứ 8 lấy công dụng, vô tri làm chướng. Trong địa thứ 9 lấy không thể hóa sinh, vô tri làm chướng. Trong địa thứ 10 lấy chưa tịnh 2 môn, vô tri làm chướng. Trong Phật địa láy chướng ngại vô tri lamg chướng, nghĩa là cái vô tri này có thể chướng ngại trí đối với cảnh giới Thanh Văn, Duyên Giác. Chư Phật biết tất cả cảnh không chướng ngại, vì giải thoát chướng này. Đã nói xong Bồ-tát tùy địa tu 5 ấm vô lưu, tiếp nói Bồ-tát tùy địa thành tựu chưa thành tựu.

Kệ nói:

Chưa thành tựu thành tựu,

Thành rồi chưa thành thành.

Như địa kiến lập tri,

Phân biệt vô phân biệt.

Giải thích: Chưa thành tựu thành tựu, nghĩa là tín hành địa kia là chưa thành tựu. từ các địa khác là thành tựu. Thành rồi chưa thành thành, nghĩa là ở trong các địa thành tựu, lại có chưa thành tựu thành tựu. Bảy địa trở về trước là chưa thành tựu, vì có công dụng. Tám địa trở lên là thành tựu, vì vô công dụng.

Hỏi: Trước có nói hoan hỷ địa cũng là thành tựu. Nghĩa ấy như thế nào?

Đáp: Như địa kiến lập biết phân biệt vô phân biệt. Đây do trong địa kiến lập nên biết chỉ là phân biệt. Nơi phân biệt này cũng vô phân biệt, vì sở chấp năng chấp đều là vô thể. Theo nghĩa này nên nói là thành tựu.

Kệ nói:

Phải biết trong các địa,

Tu tập và thành tựu,

Hai đây không nghĩ bàn,

Vì cảnh giới chư Phật.

Giải thích: Bồ-tát ở trong các địa đều có tu tập và thành tựu. Phải biết mỗi địa mỗi địa đều không thể nghĩ bàn, bởi chư Bồ-tát nội tự chứng giác là chư Phật biết, vì không phải cảnh giới của mọi người. Đã nói xong Bồ-tát tùy địa thành tựu chưa thành tựu, tiếp nói 10 tướng nhập địa của Bồ-tát.

Kệ nói:

Minh tín và không kém,

Không khiếp cũng không đợi,

Thông đạt và bình đẳng,

Lìa lệch, lìa đắm trước,

Cho đến biết phương tiện,

Và trong thánh chúng sinh,

Như đây 10 thứ tướng,

Mỗi địa đều viên mãn.

Giải thích: Bồ-tát nhập địa, mỗi địa mỗi địa đều có 10 tướng. Những gì là 10? 1. Minh tín. 2. Không kém. 3. Không khiếp. 4. Không đợi. 5. Thông đạt. 6. Bình đẳng. 7. Lìa lệch. 8. Lìa đắm. 9. Biết phương tiện. 10. Thánh chúng sinh.

Minh tín, nghĩa là nơi tự địa được sáng suốt, vì trong các pháp loại trừ vô tri, nơi tha địa được tin, vì sinh nguyện lạc các địa sau. Không kém, nghĩa là nghe diệu pháp sâu xa không kinh sợ. Không khiếp, nghĩa là làm việc khó làm, làm rất dũng mãnh. Không đợi, nghĩa là khởi tự địa mà làm không đợi dạy bảo. Thông đạt, nghĩa là có thể khởi phương tiện tha địa nên bình đẳng, vì khắp chúng sinh đồng tự tâm. Lìa lệch, nghĩa là tai nghe chê khen không cao hạ. Lìa đắm, nghĩa là được địa vị như Chuyển luân vương cũng không ái nhiễm. Biết phương tiện, nghĩa là biết các pháp là không thể được vì là phương tiện của Phật. Thánh chúng sinh, nghĩa là đồ chúng chư Phật hằng sinh. Mười tướng này mỗi địa mỗi địa đều đủ. Đã nói xong 10 tướng nhập địa của Bồ-tát, tiếp nói tướng 10 độ trong Bồ-tát địa.

Kệ nói:

Có dục, không 6 chướng,

Tiếp đến không loạn tuệ,

Không trôi không quay lui,

Phụng sự bạn, cúng dường,

Hồi hướng cho thắng sinh,

Tu thiện và hý thông,

Kho công đức như vậy,

Phật tử 16 tướng.

Giải thích: Chư Bồ-tát ở trong các địa được 10 độ và 16 tướng. Những gì là 16? 1. Có dục lạc, vì hành các độ. 2. Không keo kiệt, vì lìa thí chướng. 3. Không sai trái, vì lìa giới chướng. 4. Không giận dữ, vì lìa nhẫn chướng. 5. Không lười biếng, vì lìa tiến chướng. 6. Từ bi, vì lìa định chướng. Từ bi có thể cho vui cứu khổ, đó là đối trị lại giận dữ và não hại do định đạt được. 7. Không ác tuệ, vì lì tuệ chướng. Ác tuệ có 3 là tự tính phân biệt, tùy ức phân biệt và hiển thị phân biệt, đây đều có thể đoạn. 8. Không loạn tuệ, vì lìa tâm dị thừa. 9. Không cuốn trôi vì không bị những cái vui của nhân thiên làm tâm say đắm. 10. Không quay lui, vì không làm, không thành tựu khổ và những việc khó làm, cái khổ khiến thoái tâm. 11. Phụng sự bạn, vì căn cứ Phật chỉ thị thiện tri thức nghe pháp Đại thừa. 12. Cúng dường, tức cúng dường Tam Bảo. 13. Hồi hướng phương tiện thiện xảo. 14. Sinh thắng. Đây là hiển thị tướng của nguyện Ba-la-mật, lìa nơi 8 nạn không lìa chư Phật Bồ-tát. 15. Tu thiện. Đây là hiển thị tướng của lực Ba-la-mật, tu các thiện căn không gián đoạn. 16. Hý thông. Đây hiển thị tướng của trí Ba-la-mật, vận dụng tự tại các công đức đại thần thông.

Bồ-tát nếu được các tướng đây thì làm thượng thủ trong tất cả chúng. Đó gọi là 16 tướng của Phật tưu. Đã nói xong tướng 10 độ trong Bồ-tát địa, tiếp nói 5 công đức trong mỗi độ mỗi độ của Bồ-tát.

Kệ nói:

Mỗi địa khi thăng tiến,

Mỗi độ có 5 đức.

Hai và hai và một,

Phải biết chỉ quán đủ.

Giải thích: Mỗi địa khi thăng tiến, mỗi độ có 5 đức, nghĩa là Bồ-tát trong mỗi một địa tu mỗi một độ, trong mỗi một độ đủ 5 thứ công đức. Những gì là 5? 1. Diệt tập. 2. Đắc ỷ. 3. Viên minh. 4. Khởi tướng. 5. Quảng nhân.

Diệt tập, là mỗi một sát-na diệt trừ y trong tập khí tụ. Đắc ỷ, là lìa các tướng, được pháp lạc. Viên minh, là biết khắp nhất thiết chủng không làm phân đoạn. Tướng khởi, là do nhập vào đại địa, tướng vô phân biệt sinh. Quảng nhân, là đầy đủ, là thanh tịnh nhất thiết chủng pháp thân, phúc tụ, trí tụ gồm khiến tăng trưởng.

Hai và hai và một, phải biết chỉ quán đủ, nghĩa là phải biết trong đây 2 công đức đầu tiên là phần Xa-ma-tha, 2 công đức tiếp theo là phần Tì-bát-xá-na. Công đức thứ 5 thì đủ cả 2 phần ấy. Đã nói xong mỗi độ mỗi độ 5 công đức của Bồ-tát, tiếp đến giải thích tên 10 địa của Bồ-tát.

Kệ nói:

Thấy chân, thấy lợi vật,

Nơi đây được hoan hỷ.

Khỏi phạm, khỏi dị tâm,

 Gọi là ly cấu địa.

Sức cầu pháp, trì pháp,

Làm sáng tỏ là minh.

Hoặc chướng, trí chướng: củi,

Đốt cháy là lửa tuệ.

Khó đẩy lui 2 thứ,

Lui được là nan thắng.

Không trụ 2 pháp quán,

Hằng hiện gọi hiện tiền.

Nhiều đường một đường gần,

Đi xa gọi viễn hành.

Tướng tưởng, không tướng tưởng,

Không động: bất động địa.

Bốn biện trí lực khéo,

Khéo nói xưng thiện tuệ.

Hai môn như mây che,

Mưa pháp gọi pháp vân.

Giải thích: Thấy chân, thấy lợi vật, nơi đây được hoan hỷ, nghĩa là Bồ-tát ở trong sơ địa một là thấy chân như tức thấy tự lợi. Xưa chưa từng thấy nay mới thấy vì cách Bồ-đề gần. Hai là thấy lợi vật tức thấy lợi tha vì mỗi một sát-na có thể thành thục trăm chúng sinh. Do được 2 cái thấy này khởi vô cùng hoan hỷ nên gọi tên là hoan hỷ địa. Khỏi phạm, khỏi dị tâm, gọi là ly cấu địa, nghĩa là Bồ-tát ở trong địa thứ 2 ra khỏi 2 cấu bẩn. Một là ra khỏi cấu bẩn của sự phạm giới. Hai là ra khỏi cấu bẩn của sự nảy sinh tâm dị thừa. Do ra khỏi 2 cấu bẩn này nên có tên là ly cấu địa. Như Kinh Thập Địa nói: “ Để được, để thanh tịnh nhất thiết chủng trí, nên chúng ta siêng năng tinh tiến.” Sức cầu pháp trì pháp làm sáng tỏ là minh, nghĩa là Bồ-tát ở trong địa thứ 3 được sức Tam-muội tự tại, trong vô lượng Phật pháp có thể cầu, có thể thụ trì, được sáng tỏ đại pháp và làm cho người khác sáng tỏ. Do có thể lấy đại pháp làm sáng tỏ mình sáng tỏ người nên gọi tên là minh địa. Hoặc chướng, trí chướng: củi, đốt cháy là lửa tuệ, nghĩa là Bồ-tát trong địa thứ 4 dùng tuệ Bồ-đề phần làm ngọn lửa tự tính, lấy hoặc trí 2 chướng làm củi tự tính. Bồ-tát ở địa này có thể khởi ngọn lửa tuệ đốt cháy 2 thứ củi chướng nên có tên là diệm tuệ địa. Khó đẩy lui 2 thứ, lui được là nan thắng, nghĩa là Bồ-tát trong địa thứ 5 có 2 cái khó: khó thứ nhất là siêng năng giáo hóa chúng sinh mà tâm không sầu não, khó thứ hai là chúng sinh không nghe theo sự giáo hóa của mình mà tâm không sầu não. Ở địa này Bồ-tát có thể đẩy lui 2 cái khó ấy. Đối với cái khó làm mà thắng được nên có tên là nan thắng. Không trụ 2 pháp quán, hằng hiện gọi hiện tiền, nghĩa là Bồtát trong địa thứ 6 y vào sức Bát-nhã có thể không trụ 2 pháp sinh tử Niết-bàn. Cái tuệ quán như thế thường hiện tiền nên gọi tên là hiện tiền địa. Nhiều đường một đường gần, đi xa gọi viễn hành, nghĩa là Bồ-tát trong địa thứ 7 gần nhất thừa đạo cho nên gọi là đi xa.

Hỏi: Cái gì đi xa?

Đáp: Cứu cánh của phương tiện công dụng có thể đi xa. Do sự đi xa này nên gọi tên là viễn hành địa. Tướng tưởng, không tướng tưởng, không động: bất động địa, nghĩa là Bồ-tát ở trong địa thứ 8, tưởng hữu tướng và tưởng vô tướng hữu công dụng, cả 2 tưởng đều không thể động. Do không có động nên tên là bất động địa. Bốn biện trí lực khéo, khéo nói xưng thiện tuệ, nghĩa là Bồ-tát ở trong địa thứ 9, 4 vô ngại tuệ là vô cùng vượt trội, trong khoảng một sát-na có bao nhiêu dị loại nhân thiên trong 3 ngàn thế giới dùng tiếng khác nhau, nghĩa khác nhau, câu hỏi khác nhau, Bồ-tát cỏ thể dùng một thứ tiếng đáp tất cả các câu hỏi đoạn dứt các nghi. Do nói được như vậy nên có tên là thiện tuệ địa. Hai môn như mây che, mưa pháp gọi pháp vân, nghĩa là Bồ-tát ở trong địa thứ 10 do Tam-muội môn và Đà-la-ni môn nhiếp hóa làm nhân huân tập cho tất cả người nghe biến khắp trong thức A-lê-da. Ví như đám mây nổi che khắp bầu trời, có thể dùng cái mây nghe huân tập này trong mỗi một sát-na, trong mỗi một tướng, trong mỗi một hình hảo, trong mỗi một mao khổng mưa xuống vô lượng vô biên cơn mưa pháp, sung túc tất cả chúng sinh hóa độ được. Do có thể được như mây pháp mưa pháp nên gọi tên là pháp vân địa.

Hỏi: Giải thích tên riêng rồi, còn thế nào là trụ, thế nào là địa?

Kệ nói:

Nhóm họp các thiện căn,

Lạc trụ nên nói trụ.

Sổ sổ, số, vô úy,

Lại lấy địa làm tên.

Giải thích: Nhóm họp các thiện căn, lạc trụ nên nói trụ, nghĩa là chư Bồ-tát vì thành tựu các thứ thiện căn nên trong tất cả mọi thời lạc trụ tất cả địa. Cho nên gọi các địa là trụ. Sổ sổ, số, vô úy, lại lấy địa làm tên, nghĩa là Bộ-di-da gọi là địa. Bộ là sổ sổ nghĩa. Di là thật số nghĩa. Da là vô úy nghĩa. Chư Bồ-tát muốn tiến lên thượng địa, trong mỗi địa mỗi địa thường thường đoạn chướng ngại, thường thường được công đức. Đó là nghĩa của sổ sổ. Địa lấy số 10 làm lượng. Chư Bồ-tát trong mỗi địa mỗi địa biết đoạn những chỗ chướng ngại như vậy, biết được những công đức như vậy, biết đây là không dối, đó là nghĩa của thật số. Thượng địa là nơi vô úy. Chư Bồ-tát sợ ở trong tự địa thoái mất công đức tự tha lợi nên tiến lên cầu thượng địa, đó là nghĩa của vô úy. Do 3 nghĩa đây nên gọi là địa. Đã nói xong tên 10 địa của Bồ-tát, tiếp nói 4 thứ đắc địa sai biệt của Bồ-tát.

Kệ nói:

Do tín và do hành,

Do đạt cũng do thành.

 Phải biết chư Bồ-tát,

Được địa có 4 thứ.

Giải thích: Bốn thứ được địa là: 1. Được do tín. 2. Được do hành. 3. Được do thông đạt. 4. Được do thành tựu.

Do tín, là dùng tín được các địa, như nói trong tín địa. Do hành, là dùng chính hạnh được các địa. Chư Bồ-tát trong pháp Đại thừa có 10 thứ chính hạnh: 1. Chép viết. 2. Cúng dường. 3. Lưu truyền. 4. Nghe thụ. 5. Chuyển đọc. 6. Dạy người khác. 7. Tập tụng. 8. Giảng giải. 9. Tư duy chọn lựa. 10. Tu tập. Mười chính hạnh này có thể sinh vô lượng công đức tụ. Thực hành các hạnh này được địa nên gọi hành được. Thông đạt, là thông đạt đệ nhất nghĩa đế. Cho đến 7 địa gọi là thông đạt. Được thành tựu, là 8 địa đến Phật địa gọi là thành tựu được. Đã nói xong 4 thứ được địa sai biệt của Bồ-tát, tiếp nói 4 thứ tu hành sai biệt của Bồ-tát.

Kệ nói:

Các độ, các giác phần,

Các thông và các nhiếp,

Là đại cũng là tiểu,

Đều nhập cũng đều thành.

Giải thích: Nói chung tất cả hạnh Bồ-tát không quá 4 thứ: 1. Hạnh Ba-la-mật. 2. Hạnh Bồ-đề phần. 3. Hạnh thần thông. 4. Hạnh nhiếp sinh.

Nói hạnh Ba-la-mật, là nói chúug sinh cầu Đại thừa. Nói hạnh Bồ-đề phần, là nói chúng sinh cầu Tiểu thừa. Nói hạnh thần thông, là nói khiến 2 loại chúng sinh được nhập Phật pháp. Nói hạnh nhiếp sinh là nói khiến 2 loại chúng sinh thành thục Phật pháp.

Xong Phẩm hành trụ.

Phẩm 24: KÍNH PHẬT

Giải thích: Đã nói hành trụ của Bồ-tát , tiếp nói công đức lễ Phật.

Kệ nói:

Hợp tâm và lìa tâm,

Không lìa, lợi ích tâm.

 Thương xót các chúng sinh,

Cứu đời, con đảnh lễ.

Giải thích: Kệ này đảnh lễ Như Lai vô lượng thắng công đức. Hợp tâm, là tâm từ, do cho vui. Lìa tâm, là tâm bi, do cứu khổ. Không lìa tâm, là tâm hỷ, do thường hỷ duyệt. Lợi ích tâm, là tâm xả, do không nhiễm.

Kệ nói:

Tất cả chướng giải thoát,

Tất cả thế gian thắng,

Tất cả nơi biến khắp,

Tâm thoát, con đảnh lễ.

Giải thích: Kệ này đảnh lễ Như Lai 3 chỗ thắng công đức. Tất cả chướng giải thoát, là hiển thị giải thoát thắng, do được giải thoát tất cả hoặc chướng, tất cả trí chướng. Tất cả thế gian thắng, là hiển thị chế nhập thắng, do tâm tự tại tùy sở duyên tùy ý chuyển. Tất cả nơi biến khắp, là hiển thị biến nhập thắng, do trí biến khắp trong tất cả cảnh. Do 3 nghĩa đây, trong 3 chỗ tâm được giải thoát, cho nên nói tâm giải thoát.

Kệ nói:

Có thể ngăn hoặc khởi,

Và cũng hại hoặc kia,

Nhiễm ô các chúng sinh,

Bi giả, con đảnh lễ.

Giải thích: Kệ này đảnh lễ Như Lai vô tránh thắng công đức. Có thể ngăn hoặc khởi, nghĩa là chúng sinh thì khởi hoặc phiền não, Như Lai tất cả mọi tác nghiệp có thể khiến không khởi. Và cũng hại hoặc kia, nghĩa là nếu hoặc kia đã khởi, Như Lai cũng có thể khiến khởi phương tiện đối trị. Như lai vô tránh thì không như vậy, chẳng những chỉ khiến không khởi, mà cũng khiến kia khởi đối trị, cho nên là thắng. Nhiếm ô các chúng sinh, bi giả co đảnh lễ, nghĩa là Như Lai vô tránh Tam-muội, đối với tất cả chúng sinh nhiễm ô đều khởi xót thương, cho nên gọi Như Lai là bi giả.

Kệ nói:

Không dụng công, không đắm,

Không ngại, hằng tịch tĩnh,

Hay giải tất cả nghi,

Thắng trí, con đảnh lễ.

Giải thích: Kệ này đảnh lễ Như Lai nguyện trí thắng công đức. Nguyện trí của Như Lai do 5 việc thắng: 1. Với khởi không dụng công. 2. Với cảnh không đắm trước. 3. Ở trong không ngại. 4. Hằng thời tịch tĩnh. 5. Có thể giải các nghi. Do 5 nghĩa này nên gọi là thắng. Nguyện trí của những người khác thì: 1. Không phải không dụng công, vì khởi tác ý. 2. Không phải không đắm trước, vì giả định lực. 3. Không phải không ngại, vì biết một phàn ít. 4. Không phải hằng tịch tĩnh, vì phi thường định. 5. Không giải nghi, vì có chỗ không biết.

Kệ nói:

Sở y và năng y,

Với ngôn và với trí,

Thuyết giả vô ngại tuệ,

Thiện thuyết, con đảnh lễ.

Giải thích: Kệ này đảnh lễ Như Lai vô ngại thắng công đức. Sở thuyết có 2 thứ: một, sở y là pháp, hai, năng y là nghĩa. Thuyết, có 2 thứ: một là phương ngôn, hai là trí xảo. Như Lai đối với sở thuyết và thuyết này đầy đủ tuệ thường vô ngại, cho nên là thắng. Thuyết giả, tức hiển thị nghiệp vô ngại. Khai thị có nơi nên nói là thiện thuyết.

Kệ nói:

Năng khứ và năng văn,

Tri hành, tri lai, khứ,

Khiến kia được xuất ly,

Giáo thụ, con đảnh lễ.

Giải thích: Kệ này đảnh lễ Như Lai thần thông thắng công đức. Năng khứ, là như ý thông, có thể qua các nơi kia. Năng văn, là thiên nhĩ thông, có thể nghe âm thanh kia. Tri hành, là tha tâm thông, có thể biết tâm hành sai biệt của người khác. Tri lai, là túc trụ thông, có thể biết đời trước người kia từ nhân này mà đến. Tri khứ, là sinh tử thông, có thể biết người kia đời này từ nhân này sẽ đi. Khiến kia được xuất ly, là lậu tận thông, có thể như thật vì người kia nói pháp.

Kệ nói:

Chúng sinh nếu có thấy,

Biết chắc là trượng phu,

Khởi sâu tâm tịnh tín,

Phương tiện, con đảnh lễ.

Giải thích: Kệ này đảnh lễ Như Lai tướng hảo thắng công đức. Tất cả chúng sinh nếu trông thấy liền biết Như Lai là bậc Đại trượng phu, và khởi nghiệp tịnh tín nơi Như Lai, vì do lấy tướng hảo làm phương tiện.

Kệ nói:

Thủ, xả, trụ, biến hóa,

Định trí được tự tại,

 Như thế 4 thanh tịnh,

Thế Tôn, con đảnh lễ.

Giải thích: Kệ này đảnh lễ Như Lai thanh tịnh thắng công đức. Thanh tịnh có 4 thứ: 1. Thân thanh tịnh. 2. Duyên thanh tịnh. 3. Tâm thanh tịnh. 4. Trí thanh tịnh. Thủ xả trụ, là hiển thị thân thanh tịnh, có thể đối với thọ mạng của tự thân hoặc thủ, hoặc xả, hoặc trụ đều được tự tại. Biến hóa, là hiển thị duyên thanh tịnh, có thể khởi chuyển biến nơi các cảnh để hóa độ được tự tại. Định, là hiển thị tâm thanh tịnh, có thể xuất nhập tự tại nơi các định. Trí, là hiển thị trí thanh tịnh, có thể được tự tại biết các cảnh không trở ngại.

Kệ nói:

Phương tiện và quy y,

Thanh tịnh với xuất ly,

Ở đây phá 4 dối,

Hàng ma, con đảnh lễ.

Giải thích: Kệ này đảnh lễ Như Lai lực thắng công đức. Ma dựa vào 4 việc phá hoại chúng sinh. Bốn việc là gì? 1. Dựa vào phương tiện dối gạt chúng sinh, nói thụ dụng 5 trần được sinh thiện đạo không đọa ác đạo. 2. Dựa vào quy y dối gạt chúng sinh, nói trời Tự Tại v.v… là nơi quy y, những nơi khác là sai. 3. Dựa vào thanh tịnh dối gạt chúng sinh, nói chỉ có các định thế gian là thanh tịnh, những gì khác không thanh tịnh. 4. Dựa vào xuất ly dối gạt chúng sinh, nói chỉ có đạo quả Tiểu thừa là xuất ly không phải Đại thừa. Để phá trừ 4 việc của ma, Phật hiển thị 10 lực: 1. Lấy trí lực phải quấy phá trừ việc thứ nhất của ma. Do phương tiện thiện mới có thể sinh cõi trời không phải phương tiện ác. 2. Lấy trí lực của tự nghiệp phá trừ việc thứ hai của ma. Do nghiệp của chính mình được sinh cõi trời, không phải dựa vào sức của trời Tự Tại v.v… 3. Lấy trí lực thiền định phá trừ việc thứ ba của ma. Do hiểu biết đầy đủ thiền định giải thoát Tam-muội Tam-ma-bạt-đề. 4. Bảy trí lực sau phá trừ việc thứ tư của ma. Do an trí hạ căn v.v…khiến lìa bỏ thượng căn v.v… Kệ nói:

Nơi trí và nơi đoạn,

Nơi lìa và nơi chướng,

Hay nói tự tha lợi,

Dẹp tà, con đảnh lễ.

Giải thích: Kệ này đảnh lễ Như Lai vô úy thắng công đức. Nơi trí, là nói nhất thiết trí vô úy. Nơi đoạn, là nói lậu tận vô úy. Nơi lìa, là nói hết khổ đạo vô úy. Nơi chướng, là nói chướng đạo vô úy. Trong đó trí và đoạn là nói công đức tự lợi. Lìa và chướng là nói công đức lợi tha. Nếu các ngoại đạo nói bài bác rằng: Cồ-đàm không đủ nhất thiết trí, không hết tất cả lậu, nói đạo không thể hết khổ, nói chướng không thể hại đạo. Như Lai đối với 4 thứ bài bác này đều có thể xô dẹp, cho nên gọi là vô úy.

Kệ nói:

Nơi chúng rất trị phạt,

Tự mình không chỗ hhọ,

Lìa 2 nhiễm chính trụ,

Nhiếp chúng, con đảnh lễ.

Giải thích: Nơi chúng rất trị phạt, tự mình không chỗ hộ, đây là đảnh lễ Như Lai bất hộ thắng công đức. Nếu chính mình có chỗ bảo hộ che chở thì không thể nói sự trị phạt rốt ráo được. Lìa 2 nhiễm chính trụ, đây là đảnh lễ Như Lai niệm xứ thắng công đức. Lìa 2 nhiễm, là không hỷ không ưu. Chính trụ, là không quên mất niệm. Do 2 thứ công đức vượt trội này có thể thâu nhiếp tất cả đồ chúng. Đây tức là nghiệp.

Kệ nói:

Đi đứng ở mọi nơi,

Không không nhất thiết trí,

Do đoạn tất cả tập,

Thật nghĩa, con đảnh lễ.

Giải thích: Kệ này đảnh lễ Như Lai đoạn tập thắng công đức. Như Lai trong mọi lúc ở mọi nơi, các việc đi đứng v.v… không việc gì không có oai nghi nhất thiết trí, do đoạn đủ tất cả tập phiền não. Nếu không nhất thiết trí thì phiền não tuy hết mà tập chưa hết. Ở nơi đi đứng, nếu khi gặp xe, ngựa chạy nhanh sẽ bị tổn hại là do không phải oai nghi nhất thiết trí. Như Lai thì không có chuyện này, do thật có nhất thiết trí.

Kệ nói:

Việc lợi ích chúng sinh,

Tùy thời không bỏ quá,

Việc làm không sai sót,

Không mất, con đảnh lễ.

Giải thích: Kệ này đảnh lễ Như Lai không mất thắng công đức. Như Lai làm việc lợi ích chúng sinh thường được đúng thời không bỏ quá. Đó là nghiệp không quên mất pháp. Như Lai làm việc trong mọi lúc đều thật không hư dối. Đó là tự tính không quên mất pháp.

Kệ nói:

Ngày đêm 6 thời quán,

Tất cả cõi chúng sinh,

Vì đại bi đầy đủ,

Lợi ý, con đảnh lễ.

Giải thích: Kệ này đảnh lễ Như Lai đại bi thắng công đức. Như Lai vì đại bi nên ngày đêm 6 thời quán sát chúng sinh ai thoái ai tiến. Người chưa khởi thiện căn thì khiến khởi. Người đã khởi thiện căn thì khiến tăng tiến. Tuy nói ngày đêm 6 thời mà kỳ thật tất cả mọi thời hằng chuyển pháp luân, do đại bi đầy đủ. Đó tức là nghiệp đại bi. Đối với tất cả chúng sinh thường khởi ý lợi ích. Đó là tự tính của đại bi.

Kệ nói:

Do làm và do được,

Do trí và do nghiệp,

Trong tất cả 2 thừa,

Cao tột, con đảnh lễ.

Giải thích: Kệ này đảnh lễ Như Lai bất cộng thắng công đức. Như Lai có 18 pháp không chung: 1. Thân không lỗi. 2. Miệng không lỗi. 3. Niệm không lỗi. 4. Không dị tưởng. 5. Không gì không định tâm. 6. Không gì không biết xả kỷ. 7. Dục không giảm. 8. Tinh tiến không giảm. 9. Niệm không giảm. 10. Tuệ không giảm. 11. Giải thoát không giảm. 12. Giải thoát tri kiến không giảm. 13. Trí biết quá khứ không dắm trước không ngại. 14. Trí biết vị lai không đắm trước không ngại. 15. Trí biết hiện tại không đắm trước không ngại. 16. Thân nghiệp làm theo trí tuệ. 17. Khẩu nghiệp làm theo trí tuệ. 18. Ý nghiệp làm theo trí tuệ. Trong đây do làm, là gồm 6 bất cộng đầu, do được gồm 6 bất cộng tiếp theo, do trí gồm 3 bất cộng tiếp theo, do nghiệp gồm 3 bất cộng sau cùng. Tất cả Thanh Văn, Duyên Giác trong các chúng sinh khác là trên. Như Lai do 4 việc không chung nên trên cả những người kia, vì vậy gọi là cao tột.

Kệ nói:

Ba thân Đại Bồ-đề,

Vì được nhất thiết chủng,

Chúng sinh các chỗ nghi,

Năng trừ, con đảnh lễ.

Giải thích: Kệ này đảnh lễ Như Lai chủng trí thắng công đức. Ba thân là tự tính thân, thụ dụng thân và hóa thân. Đây là nói tự tính của chủng trí.

Hỏi: Trí này trong tất cả cảnh biết nhất thiết chủng như thế nào?

Đáp: Tất cả chúng sinh trong tất cả mọi nơi sinh trí này có thể đoạn. Đây là nói nghiệp của chủng trí.

Kệ nói:

Không đắm và không lỗi,

Không uế cũng không dứt,

Không động, không hý luận,

Thanh tịnh, con đảnh lễ.

Giải thích: Kệ này đảnh lễ Như Lai độ mãn thắng công đức. Không đắm, nghĩa là đối với của cải không đắm nhiễm. Không lỗi, nghĩa là đối với các nghiệp của thân v.v… vĩnh viễn không cấu uế. Không uế, nghĩa là các khổ của thế pháp không làm tâm uế trược. Không dứt, nghĩa là sở đắc chút ít không trụ lại ngay. Không động, nghĩa là tâm hằng tịch tĩnh không tán loạn. Không hý luận, nghĩa là trong tất cả pháp đều không hành phân biệt. Như lai đầy đủ 6 viên mãn lìa 6 chướng, nên gọi là thanh tịnh.

Kệ nói:

Thành tựu đệ nhất nghĩa,

Xuất ly tất cả địa,

Với người được cực tôn,

Giải thoát các chúng sinh,

Công đức sánh vô tận,

Hiện tại đều đầy đủ,

Thế thấy chúng cũng thấy,

Không thấy các nhân thiên.

Giải thích: Hai kệ này đảnh lễ Như lai Phật tướng thắng công đức. Trong đây lược nói tướng của Phật có 6 thứ: 1. Thể. 2. Nhân. 3. Quả. 4. Nghiệp. 5. Tương ưng. 6. Sai biệt. Do 6 thứ này biểu thị thì biết là Phật nên nói là tướng Phật. Thành tựu đệ nhất nghĩa, nghĩa là đây là thể tướng, vì do chân như tối thanh tịnh đệ nhất nghĩa thành tựu. Xuất ly tất cả địa, nghĩa là đây là nhân tướng, vì do xuất ly tất cả Bồ-tát địa. Với người được cực tôn, nghĩa là đây là quả tướng, vì được bậc nhất trong tất cả chúng sinh. Giải thoát các chúng sinh, nghĩa là đây là nghiệp tướng, vì có thể khiến tất cả chúng sinh được giải thoát. Công đức sánh vô tận hiên thế đều đầy đủ, nghĩa là đây là tương ưng tướng. Thế thấy chúng cũng thấy, không thấy các nhân thiên, nghĩa là đây là sai biệt tướng. Thế thấy, nghĩa là các thứ thế giới đều thấy, đây là hóa thân. Chúng cũng thấy, nghĩa là chúng đại đệ tử của Phật cũng thấy, đây là thụ dụng thân. Không thấy, nghĩa là nhân thiên v.v… mọi thời không thấy, đây là tự ntính thân. Đây tức 3 thân sai biệt.

Xong Phẩm kính Phật.

Luận Đại Thừa Tu-đa-la Trang Nghiêm, đã nói xong lúc cực kỳ thanh tịnh.

TRỌN BỘ 13 QUYỂN HẾT

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13