LUẬN ĐẠI THỪA TRANG NGHIÊM KINH
Bồ-tát Vô Trước tạo luận
Đường, Thiên Trúc tam tạng Ba-la-phả-mật-đa dịch
Nguyên Hồng dịch tiếng Việt

 

QUYỂN 4

Phẩm 11: MINH TÍN

Giải thích: Đã nói vô thượng Bồ-đề tùy thuận. Bồ-đề là tín. Nay sẽ nói tướng của tín.

Kệ nói:

Đã sinh và chưa sinh,

Chính thụ và tự thụ,

Tha lực và tự lực,

Có mê và không mê,

Hiện tiền không hiện tiền,

Nghe pháp và cầu nghĩa,

Quán sát có 13,

Phân biệt nơi tướng tín.

Giải thích: Tướng của tín có 13 thứ: 1. Đã sinh tín, nghĩa là quá khứ, hiện tại tin. 2. Chưa sinh tín. 3. Chính thụ tín, là nội tín. 4. Tự thụ tín, là ngoại tín. 5. Tha lực tín, là thô tín, vì do sức của thiện hữu sinh. 6. Tự lực tín, là tế tín, do tự lực sinh. 7. Mê tín, là ác tín, do điên đảo. 8. Không mê tín, là hảo tín, do không điên đảo. 9. Hiện tiền tín, là cận tín, do không chướng ngại. 10. Không hiện tiền tin, là viễn tín, do có chướng ngại. 11. Thính pháp tín, là văn tín, do nghe pháp sinh tin. 12. Cầu nghĩa tín, là tư tín, do tư duy sinh. 13. Quán sát tín, là tu tín, do tu sinh.

Đã nói tướng sai biệt của tín, tiếp nói sai biệt của các loại tin.

Kệ nói:

Đoạt được, gián, vô gián,

Có nhiều và có ít,

Hữu phú và vô phú,

Tương ưng không tương ưng,

Có tụ và không tụ,

Cực nhập và viễn nhập,

Mười ba thứ nghĩa đây,

Phân biệt các loại tin.

Giải thích: Có 13 loại tin khác nhau: 1. Tin có thể bị đoạt mất, đó là lòng tin ở bậc thấp. 2. Tin có gián đoạn, là lòng tin bậc trung. 3. Tin không gián đoạn, là lòng tin bậc cao. 4. Tin nhiều, là tin Đại thừa. 5. Tin ít, là tin Tiểu thừa. 6. Tin hữu phú, là tin có trở ngại không thể thắng tiến. 7. Tin vô phú, là tin không bị trở ngại có thể thắng tiến. 8. Tin tương ưng, là tin thuần thục tu hành thường hành và cung kính. 9. Tin không tương ưng, là tin không thuần thành vì lìa hai hạnh trên. 10. Tin có tụ, là tin có quả có thể được Đại Bồ-đề. 11. Tin không có tụ, là tin không có quả, không được Đại Bồ-đề. 12. Tin cực nhập, là có dụng công, tức từ sơ địa đến địa thứ 7. 13. Tin viễn nhập, là tin cực tịnh, tức từ địa thứ 8 đến Phật địa.

Đã nói các loại tin, tiếp nói các chướng nạn của tin.

Kệ nói:

Quên nhiều và lười biếng,

Hành mê và bạn xấu,

Thiện yếu và tà ức,

Phóng túng lại thiểu văn,

Văn hỷ và tư hỷ,

Nhân định tăng thượng mạn,

Phải biết các lỗi này,

Chướng ngại nơi tướng tin.

Giải thích: Chướng, nghĩa là trái nghịch. Quên nhiều, là chướng ngại của lòng tin đã sinh. Lười biếng, là chướng ngại của lòng tin chưa sinh. Hành mê, là chướng ngại của lòng tin chính thụ, tự thụ, như chấp trước sở thụ năng thụ trước kia. Bạn xấu, là chướng ngại của lòng tin nơi tha lực vì khiến tiếp nhận pháp điên đảo. Thiện yếu, là chướng ngại đối với tự lực. Tà ức, là chướng ngại đối với không mê tín. Phóng túng, là chướng ngại đối với lòng tin hiện tại. Thiểu văn, là chướng ngại đối với lòng tin nghe pháp vì không nghe liễu nghĩa. Văn hỷ, là chướng ngại đối với lòng tin cầu nghĩa, vì ít tư duy. Tư hỷ và định mạn, là chướng ngại đối với lòng tin quán sát, vì ít tu và không quán sát tinh tế.

Hỏi: Chướng ngại nào làm chướng ngại các loại tin?

Kệ nói:

Không chán và không tập,

Có chán và hữu phú,

Vô ưng và vô tụ,

Là chướng các loại tin.

Giải thích: Không tập, nghĩa là chướng ngại đối với khả đoạt tín và hữu gián tín. Không chán là chướng ngại đối với Tiểu tín vì không chán sinh tử. Có chán là chướng ngại đối với Đại tín vì chán sinh tử. Hữu phú là chướng ngại đối với vô phú tín. Vô ưng là chướng ngại đối với tương ưng tín. Vô tụ là chướng ngại đối với hữu tụ tín.

Đã hiển thị các chướng nạn của tín, tiếp đến khen ngợi công đức của tín.

Kệ nói:

Tin có phúc đức lớn,

Không hối và đại hỷ,

Không hoại và kiên cố,

Thăng tiến và đắc pháp,

Tự lợi cùng lợi tha,

Và mau chứng thần thông.

Bởi các công đức này,

Khen ngợi lợi ích tin.

Giải thích: Phúc đức lớn, là tán thán lòng tin hiện tại. Không hối, là tán thán lòng tin quá khứ không thay đổi. Đại hỷ, là khen ngợi sự tin thụ chân chính và tương tự chân chính vì tương ưng với định. Không hoại, là khen ngợi sức tin của bạn bè không phá hoại chính đạo. Kiên cố, là khen lòng tin tự lực không thoái không bỏ. Thăng tiến, là khen ngợi không mê tín, hiện tại tin, nghe pháp tin, cầu nghĩa tin, quán sát tin, tin có gián đoạn. Đắc pháp, là khen ngợi tin không gián đoạn. Tự lợi , là khen tin ít. Lợi tha, là khen tin nhiều. Mau được thần thông, là khen các tự phần tin, tức là vô phú tín, tương ưng tín, hữu tụ tín, cực nhập tín, tốc nhập tín.

Kệ nói:

Chó, rùa, nô tỳ, vua,

Lần lượt ví 4 tin.

Tập dục tập các định,

Lợi mình lợi người khác.

Giải thích: Ví như chó đói đi kiếm ăn, tin của người tập dục cũng vậy trong một lúc tin đủ thứ. Ví như con rùa ở trong nước trốn ở 6 chỗ, tin của các người tu tập ngoại đạo cũng vậy, chỉ biết tu tập định thế gian. Ví như nô tỳ sợ chủ, tin của những người siêng làm các tự lợi cũng vậy, vì sợ sinh tử mà siêng làm phương tiện. Ví như đại vương tự tại ban các sắc chiếu, tin của những người lợi tha cũng vậy, tăng thượng việc giáo hóa không ngơi nghỉ. Cho nên Bồ-tát tự mình hiểu các thứ tin và rộng phân biệt cho người khác được biết. Như vậy là khuyến khích các chúng sính sinh lòng tin Đại thừa.

Đã tán thán công đức tin, tiếp ngăn chận tâm hạ liệt.

Kệ nói:

Thân người và phương xứ,

 Thời tiết đều vô hạn.

Ba nhân được Bồ-đề,

Chớ khởi tâm hạ liệt.

Giải thích: Nhân thân, phương xứ và thời tiết đều vô hạn, nghĩa là được vô thượng Bồ-đề có 3 nhân vô hạn: 1. Nhân thân vô hạn, do nhân đạo chúng sinh được vô hạn. 2. Phương xứ vô hạn, do 10 phương thế giới được vô hạn. 3. Thời tiết vô hạn, do tận đời vị lai sát-na sát-na được vô hạn. Ba nhân được Bồđề chớ khởi tâm hạ liệt, nghĩa là do 3 nhân vô hạn này nên chư Bồ-tát đối với vô thượng Bồ-đề không nên thoái khuất khởi tâm hạ liệt.

Đã ngăn chận tâm hạ liệt, tiếp hiển thị phúc đức vượt trội.

Kệ nói:

Được phúc là do thí,

Không do tự thụ dụng.

Y tha nói Đại thừa,

Không y tự nghĩa pháp.

Giải thích: Được phú là do thí, không do tự thụ dụng, nghĩa là ví như đem cơm nước thí cho người thì được phúc lớn vì lợi tha. Không phải tự thụ dụng mà có được phúc lớn vì tự lợi.

Hỏi: Nếu vậy Bồ-tát làm thế nào được phúc?

Đáp: Y tha nói Đại thừa, không y tự nghĩa pháp. Chư Bồ-tát như vậy y vào người nói kinh Đại thừa được phúc đức lớn, không y vào tự lợi nói kinh Tiểu thừa được phúc đức lớn.

Đã nói phúc vượt trội, tiếp nói đắc quả.

Kệ nói:

Đại pháp khởi đại tín,

Quả đại tín có 3:

Tín tăng và phúc tăng,

Được Phật công đức thể.

Giải thích: Đại pháp khởi đại tín, quả đại tín có 3, nghĩa là người có trí đối với Đại thừa thánh pháp sinh lòng tin lớn. Do lòng tin lớn này được 3 thứ quả.

Hỏi: Được những quả gì?

Đáp: Tín tăng và phúc tăng được Phật công đức thể. Đây nói rõ một là được quả đại tín vì tín tăng trưởng, hai là được quả đại phúc vì phúc tăng trưởng, ba là được quả đại Bồ-đề vì công đức không gì bằng và Phật thể lớn.

Xong Phẩm minh tín.

Phẩm 12 -1: THUẬT CẦU

Giải thích: Như vậy đã nói các thứ tin., tiếp nói đem lòng tin cầu các pháp.

Kệ nói:

Ba tạng hoặc gồm 2,

Thành 3 có 9 nhân.

Vì huân giác tịch thông,

Giải thoát sự sinh tử.

Giải thích: Ba tạng hoặc gồm 2, nghĩa là 3 tạng tức tạng Tu-đala, tạng Tì-ni, tạng A-tì-đàm. Hoặc 2, nghĩa là 3 tạng này do hạ thừa thượng thừa sai biệt, hoặc cũng là tạng Thanh Văn và tạng Bồ-tát.

Hỏi: Kia 3 và 2 vì sao gọi tạng?

Đáp: Do gồm thâu. Nghĩa là gồm thâu tất cả nghĩa cần phải biết.

Hỏi: Thế nào là thành 3?

Đáp: Thành 3 là có 9 nhân. Lập Tu-đa-la là để đối trị nghi hoặc. Nếu có người trong nghĩa sinh nhiều chỗ nghi thì khiến người ấy được quyết định. Lập Tì-ni là để đối trị sự thụ dụng của nhị biên. Để lìa bỏ bên lạc hạnh thì ngăn ngừa sự thụ dụng có tội lỗi. Để lìa bỏ bên khổ hạnh thì cho thụ dụng mà không tội lỗi. Lập A-tì-đàm là để đối trị tự tâm kiến thủ. Đây có thể hiển thị không điên đảo pháp tướng. Lại nữa lập Tu-đa-la để nói 3 học. Lập Tì-ni để thành giới học. Tâm học do trì giới nên không hối. Do không hối nên tuần tự được định. Lập A-tì-đàm để thành tuệ học. Đây có thể quyết trạch nghĩa không điên đảo. Lại nữa lập Tu-đa-la để nói đúng pháp và nghĩa. Lập Tì-ni, là thành tựu pháp và nghĩa do siêng năng phương tiện diệt phiền não. Lập A-tì-đàm để thông đạt pháp và nghĩa do nhiều lựa chon đây làm phương tiện. Do 9 nhân này nên lập 3 tạng.

Hỏi: Biệt dụng là như thế còn thông dụng thì sao?

Đáp: Vì huân giác tịch thông nên giải thoát sinh tử sự. Đây nói giải thoát sinh tử là thông dụng. Do nghe pháp nên huân tập. Do tư duy pháp nên giác ngộ. Do đình chỉ nên tịch tĩnh. Do quán sát nên thông suốt. Do 4 nghĩa đây vĩnh viễn giải thoát được việc sinh tử.

Kệ nói:

Kinh, luật, A-tì-đàm,

Mỗi mỗi có 4 nghĩa.

Hiểu rõ thành chủng trí,

Một kệ được lậu tận.

Giải thích: Nếu lược nói 3 tạng mỗi mỗi đều có 4 nghĩa, nếu Bồ-tát hiểu được nghĩa này thì thành tựu nhất thiết chủng trí. Nếu Thanh Văn có thể hiểu được một kệ thì được các lậu vĩnh tận.

Thế nào là mỗi mỗi có 4 nghĩa?

Kệ nói:

Này y và này tướng,

Này pháp và này nghĩa,

 Như vậy 4 nghĩa này,

 Là nghĩa Tu-đa-la.

Giải thích: Tu-đa-la có 4 nghĩa: 1. Y. 2. Tướng. 3. Pháp. 4. Nghĩa. Y là nơi ấy, người ấy, dụng ấy. Nghĩa là tùy theo cõi nước nào, tùy chư Phật nào, tùy theo chúng sinh nào, Như Lai y vào 3 trường hợp này mà nói kinh. Tướng, là tướng thế đế và tướng đệ nhất nghĩa đế. Pháp, là ấm, giới, nhập, duyên sinh, đế, thực v.v… các pháp.

Nghĩa, là giải thích sở dĩ.

Kệ nói:

Này đối và này số,

Này phục và này giải,

Như vậy 4 nghĩa này,

Là nghĩa của Tì-đàm.

Giải thích: A-tì-đàm có 4 nghĩa: 1. Đối. 2. Số. 3. Phục. 4. Giải. Đối, nghĩa là pháp hướng đến Niết-bàn, là nói về chân đế, Bồ-đề phần, giải thoát môn v.v… Số, là pháp tương tục, là nói về vô lượng sai biệt trong mỗi mỗi pháp như sắc, phi sắc, sắc thấy được, sắc không trông thấy được v.v… Phục, là pháp thắng thượng, là pháp nghĩa phán quyết, đẩy lui đối phương trong cuộc tranh luận. Giải, là pháp giải thích nghĩa, nhờ A-tì-đàm mà dễ hiểu được nghĩa kinh.

Kệ nói:

Có tội, khởi, tịnh, xuất,

Có nhân, chế, giải, phán.

Bốn nghĩa lại 4 nghĩa,

Là nghĩa của Tì-ni.

Giải thích: Tì-ni có 2 thứ 4 nghĩa. Bốn nghĩa đầu là: 1. Tội. 2. Khởi. 3. Tịnh. 4. Xuất. Tội, là tự tính của tội, như tội ngũ tụ. Khởi, là duyên khởi của tội. Đây có 4 thứ: 1. Do không biết. 2. Do phóng túng. 3. Do phiền não bén nhạy. 4. Do tâm không cung kính. Tịnh, là tội được thanh tịnh trở lại do thiện tâm không do trị phạt. Xuất, là khỏi tội. Có 7 trường hợp: 1. Sám hối tội lỗi, nghĩa là vĩnh viễn ngăn ngừa không phạm lại. 2. Tùy thuận sự giáo thụ, nghĩa là cùng học Yết-ma trị phạt. 3. Mở cho, nghĩa là trước đã chế cấm, sau lại mở cho. 4. Xả, nghĩa là tăng hòa hợp cùng học xả, bấy giờ những điều phạm trước được thanh tịnh trở lại. 5. Chuyển y, nghĩa là Tì-khưu, Tì-khưu-ni, nam nữ chuyển căn xuất bất cộng tội. 6. Thật quán, nghĩa là pháp Ưu-đà-na do thâng quán sát. 7. Tính đắc, nghĩa là khi kiến đế các tôi vi tế là vô thể do chứng pháp không, pháp tự nhiên được.

Lại có 4 nghĩa, là: 1. Người. 2. Chế. 3. Giải. 4. Phán. Người, là người phạm tội. Chế, là dựa vào trường hợp người phạm tội kia đại sư họp chúng nói tội người kia rồi chế lập. Giải, là sau khi chế lập, lại phân biệt rộng các chi tiết. Phán, là phán quyết thế nào là trường hợp phạm tội, thế nào là trường hợp không phạm tội. Phải thụ trì như vậy.

Đã nói xong về cầu pháp, tiếp nói cầu duyên.

Kệ nói:

Phật nói pháp sở duyên,

Trong, ngoài và cả hai.

Nghĩa được 2, không 2,

Cả 2 đều không được.

Giải thích: Phải biết Phật nói pháp sở duyên có đủ trong và ngoài, nghĩa là Phật nói tất cả pháp sở duyên có 3 thứ: một là trong, hai là ngoài, ba là cả hai. Năng thủ tự tính thân v.v… là trong, sở thủ tự tính thân là ngoài, hợp 2 tự tính là đủ cả hai. Nghĩa được 2, không 2, cả 2 đều không đựoc, nghĩa là ở đây trong ngoài 2 duyên theo thứ tự 2 nghĩa được và không.

Hỏi: Thế nào là được?

Đáp: Nếu không quán riêng biệt nghĩa sở thủ và nghĩa năng thủ, nếu không quán riêng biệt nghĩa năng thủ với nghĩa sở thủ, lại nữa hợp hai làm một, do trong ngoài 2 duyên được như như nên như vậy cái 2 kia không có 2 nghĩa, thì 2 duyên này cũng không thể .được.

Hỏi: Đã nói về được duyên, thế nào là được trí?

Kệ nói:

Ba duyên được 3 trí,

Tịnh trì ý ngôn cảnh,

Nghĩa liễu biệt rõ rồi,

Yên tâm chỉ có tên.

Giải thích: Ba duyên là như trước nói trong, ngoài và cả hai là 3 cảnh. Ba trí là văn tư tu 3 tuệ. Do dựa vào 3 duyên có thể được 3 tuệ.

Hỏi: Được như thế nào?

Đáp: Nếu trong 3 duyên tịnh trì, ý ngôn, cảnh tức được văn tuệ. Ý ngôn, là phân biệt. Tịnh, là tin quyết định. Trì, là lựa chọn do được văn tuệ. Nếu trong 3 duyên, rõ được nghĩa liễu biệt rồi tức được tư tuệ. Nghĩa là biết nghĩa và sáng tỏ không khác ý ngôn do đó được tư tuệ. Nếu trong 3 duyên yên tâm chỉ có tên tức được tu tuệ. Nghĩa là biết nghĩa và sáng tỏ chỉ là cái tên do đây được tu tuệ. Như trước dẫ nói 2 duyên là không thể được, cho nên phải biết 3 duyên kia là chỗ y chỉ của văn tư tu 3 tuệ.

Đã nói xong về cầu duyên, tiếp nói cầu tác ý.

Kệ nói:

Tối sơ là chủng tính,

Sở tác và y chỉ.

Tín an và dục sinh,

Tác định và y trí,

Biệt duyên, chủng chủng duyên,

Thông đạt và tu chủng,

Tự tính và công lực,

Lãnh thụ và phương tiện,

Tự tại, tiểu và đại,

Như vậy 18 thứ,

Gồm hết các tác ý,

Hành giả phải siêng tu.

Giải thích: 18 thứ tác ý là: 1. Chủng tính tác ý. 2. Sở tác tác ý. 3. Y chỉ tác ý. 4. Tín an tác ý. 5. Dục sinh tác ý. 6. Y định tác ý. 7. Y trí tác ý. 8. Biệt duyên tác ý. 9. Chủng chủng duyên tác ý. 10. Thông đạt tác ý. 11. Tu chủng tác ý. 12. Tự tính tác ý. 13. Công lực tác ý. 14. Lãnh thụ tác ý. 15. Phương tiện tác ý. 16. Tự tại tác ý. 17. Tiểu tác ý. 18. Đại tác ý.

Chủng tính tác ý, là do định tính Thanh Văn v.v… 3 thừa. Sở tác tác ý, là do phúc trí 2 tụ viên mãn. Y chỉ tác ý, là do tại gia xuất gia bức bách không bức bách khác nhau. Tín an tác ý, là do niệm Phật tương ưng. Dục sinh tác ý, là do tùy khi niệm Phật mà tín tâm tương ưng. Y định tác ý, là do có giác có quán v.v… các Tam Tammuội tương ưng. Y trí tác ý, là do từ phương tiện văn tư tu lần lượt sinh. Biệt duyên tác ý, là đây có 5 thứ trong Tu-đa-la, Ưu-đà-na, Giàđà, A-ba-đà-na: 1. Thụ. 2. Trì. 3. Đọc. 4. Suy nghĩ. 5. Nói. Chủng chủng duyên tác ý, là đây có 7 thứ: danh duyên, cú duyên, tự duyên, nhân vô ngã duyên, pháp vô ngã duyên, sắc duyên, vô sắc duyên. Sắc duyên, là thân duyên. Vô sắc duyên, là thụ tâm pháp duyên. Thông đạt tác ý, là đây có 4 thứ: 1. Vật thông đạt, nghĩa là biết thể của khổ. 2. Nghĩa thông đạt, nghĩa là biết nghĩa của khổ, vô thường,không, vô ngã. 3. Quả thông đạt, nghĩa là biết giải thoát. 4. Giác thông đạt, nghĩa là biết trí giải thoát. Tu chủng tác ý, là đây có 4 thứ tu và 37 thứ tu. Bốn thứ tu là nhân vô ngã chủng tu, pháp vô ngã chủng tu, kiến chủng tu, trí chủng tu. Ba mươi bảy thứ tu là bất tịnh, khổ, vô thường, vô ngã 4 thứ tu. Đó gọi là chủng tu 4 niệm xứ. Lại nữa được tập đoạn đối trị 4 thứ tu. Đó gọi là chủng tu 4 chính cần. Lại nữa để đối trị tri túc, loạn nghi, trạo động, trầm một 4 chướng nên dục, tiến, niệm, tuệ 4 thứ tu, đó gọi là chủng tu 4 thần túc. Lại nữa, trụ tâm, là đẻ thành tựu xuất thế gian nên khởi tâm tín, cần, bất vong, trụ, giản trạch 5 thứ tu, đó gọi là chủng tu 5 căn. Lại nữa, 5 thứ tu như vậy có thể đối trị 5 chướng, tức gọi là lực, đó gọi là chủng tu 5 lực. Lại nữa, trong Bồ-đề chính ức, giản trạch, dũng mãnh, khánh duyệt, điều nhu, tâm trụ, bình đẳng 7 thứ tu, gọi là chủng tu 7 giác phần. Lại nữa, vì được quyết định nên thành tịnh trì địa nghiệp, tư duy phân biệt, kham năng thụ trì 3 giới đã thụ, siêng năng tu tập đạo trước đã đắc, pháp trụ tướng, không quên, vô tưởng tâm, trụ chuyển y, tu 8 thứ như vậy gọi là chủng tu 8 đạo phần. Tự tính tác ý, đây có 2 thứ: 1. Xa-ma-tha. 2. Tì-bát-xá-na. Hai pháp này là tự tính của đạo. Công lực tác ý, là lực có 2 thứ: 1. Bạt trừ huân tập. 2. Bạt trừ tướng kiến. Lãnh thụ tác ý, là tất cả các pháp được Phật Bồ-tát giáo thụ lưu bố thảy đều thụ trì. Phương tiện tác ý, là trong định có 5 hành xứ phương tiện: 1. Phương tiện hiểu số, là trong danh, cú, tự, số thảy đều thông suốt. 2. Phương tiện hiểu đạo cụ. Đạo cụ có 2 thứ: 1. Phân lượng cụ, tức các chữ. 2. Phi phân lượng cụ, tức danh từ, câu v.v… 3. Phương tiện hiểu phân biệt. Phân biệt có 2 thứ: 1. Y vào tên phân biệt nghĩa. 2. Y vào nghĩa phân biệt tên. Phi phân biệt là chữ. 4. Phương tiện hiểu thứ tự, nghĩa là trước lấybtên, su chuyển lấy nghĩa. 5. Phương tiện hiểu thông suốt. Có 11 thứ thông suốt: 1. Thông suốt khách trần.2. Thông suốt cảnh quang. 3. Thông suốt nghĩa bất khả đắc. 4. Thông suốt bất khả đắc bất khả đắc. 5. Thông suốt pháp giới. 6. Thông suốt nhân vô ngã. 7. Thông suốt pháp vô ngã. 8. Thông suốt tâm hạ liệt. 9. Thông suốt tâm tự cao tự đại. 10. Thông suốt pháp sở đắc. 11. Thông suốt pháp được lập. Tự tại tác ý, là tự tại có 3 thứ: 1. Hoặc chưongs rất thanh tịnh. 2. Hoặc trí 2 chướng rất thanh tịnh. 3. Công đức rất thanh tịnh. Tiểu tác ý, là mới thanh tịnh. Đại tác ý, là sau 2 thanh tịnh.

Đã nói xong cầu tác ý, tiếp nói cầu nghĩa chân thật.

Kệ nói:

Lìa 2 và mê y,

Không nói không hý luận.

Ba nên và 2 tịnh,

Hai tịnh 3 dụ rõ.

Giải thích: Lìa 2 và mê y, không nói không hý luận, nghĩa là phải biết trong đây 3 tính đều là chân thật. Lìa 2, nghĩa là phân biệt tính chân thật, do năng thủ sở thủ là tất cảnh không. Mê y, nghĩa là y tha tính chân thật, vì do đây khởi các phân biệt. Không nói không hý luận, nghĩa là chân thật tính chân thật, do tự tính không hý luận nên là bất khả thuyết. Ba nên và 2 tịnh, 2 tịnh 3 dụ rõ, nghĩa là 3 nên là ban đầu chân thật nên biết, thứ hai là chân thật nên đoạn, thứ ba là chân thật nên tịnh. Hai tịnh, là: 1. Tự tính thanh tịnh, vì bản lai thanh tịnh. 2. Vô cấu thanh tịnh, vì lìa khách trần. Hai thanh tịnh này do 3 thí dụ có thể làm rõ là hư không, vàng, nước. Ba thí dụ này một là đều thí dụ cho tự tính thanh tịnh, vì hư không v.v… không cái gì chẳng tự tính thanh tịnh, hai là đều thí dụ cho vô cấu thanh tịnh, vì hư không v.v… không cái gì không lìa khách trần thanh tịnh.

Kệ nói:

Pháp giới và thế gian,

Chưa hề khác chút nào.

Do chúng sinh quá mê,

Chấp không mà bỏ có.

Giải thích: Pháp giới và thế gian chưa hề khác chút nào, nghĩa là pháp giới và thế gian chẳng có chút khác. Bởi vì sao? Vì pháp tính với các pháp không sai biệt. Chúng sinh quá si mê chấp không mà bỏ có, nghĩa là do chúng sinh ngu si quá mạnh, trong thế gian không pháp không nên chấp mà khởi chấp, còn với như như là pháp có không nên bỏ mà bỏ.

Đã nói xong cầu chân thật, tiếp nói thí dụ cầu chân thật.

Kệ nói:

Như kia khởi huyễn sư,

 Ví hư dối phân biệt.

Như kia các huyễn sự,

Ví cho 2 thứ mê.

Giải thích: Như kia khởi huyễn sư, ví hư dối phân biệt, nghĩa là ví như nhà ảo thuật dùng sức chú thuật biến hóa cây đá v.v… làm nhân mê. Tính y tha hư dối phân biệt cũng vậy, khởi các thứ phân biệt làm nhân điên đảo. Như các huyễn sự ví cho 2 thứ mê, nghĩa là ví như các hiện tượng ảo hóa như vàng v.v… hiển hiện nhiều thứ tướng mạo, tính phân biệt sở khởi cũng vậy, năng thủ sở thủ 2 mê lầm hằng thời hiển hiện.

Kệ nói:

Như kia vì vô thể,

Được nhập đệ nhất nghĩa.

Như kia vì khả đắc,

Thông đạt thế đế thật.

Giải thích: Như kia vì vô thể được nhập đệ nhất nghĩa, nghĩa là như kia các huyễn sự không có thật thể. Đây ví cho 2 tướng y tha và phân biệt cũng không có thật thể. Do đạo lý này liền được thông đạt đệ nhất nghĩa đế. Như kia vì khả đắc nên thông đạt cái thật của thế đế, nghĩa là khả đắc tức các huyễn sự thể của nó cũng có thể được. Đây ví cho cái hư dối phân biệt cũng vậy. Do đạo lý này tức được thông đạt sự thật của thế đế.

Kệ nói:

Sự kia là vô thể,

Tức được cảnh chân thật.

Như vậy vì chuyển y,

Tức được nghĩa chân thật.

Giải thích: Sự kia là vô thể tức được cảnh chân thật, nghĩa là nếu người hiểu rõ các việc ảo hóa kia là vô thể, tức biết được cảnh thật của nó là cây, đá v.v… Như vậy vì chuyển y tức được nghĩa chân thật, nghĩa là nếu chư Bồ-tát hiểu rõ 2 mê kia là vô thể thì khi được chuyển y liền được nghĩa của chân thật tính.

Kệ nói:

Mê nhân vì vô thể,

Không mê tự tại hành.

Đảo nhân vì vô thể,

Không đảo tự tại chuyển.

Giải thích: Mê nhân vì vô thể, không mê tự tại hành, nghĩa là người đời cây đá vốn vô thể mà vì mê nhân, nếu không mê thì hành tự tại mà không y tha. Đảo nhân vì vô thể, không đảo tự tại chuyển, nghĩa là như vậy y vào khi chưa chuyển thì tuy vô thể mà vì điên đảo nhân, nếu khi được chuyển thì không điên đảo nên thánh nhân cũng được y tự tại hành tự tại.

Kệ nói:

Việc ấy nơi kia có,

Hữu thể kia cũng không.

 Vì không có hữu thể,

Nên nói là ảo hóa.

Giải thích: Việc ấy nơi kia có, hữu thể kia cũng không, nghĩa là đây hiển thị có những víệc áo hóa nhưng là phi hữu. Bởi vì sao? Có, đó là hiện tượng ảo hóa, vì hiển hiện nơi kia. Nói phi hữu, vì không thể có được nthật thể. Vì không có hữu thể nên nói là ảo hóa, nghĩa là như vậy thì hữu thể với vô thể là không hai. Do nghĩa này nên nói kia là ảo hóa.

Kệ nói:

Vô thể phi vô thể,

Phi vô thể tức thể.

Vô thể, thể, không hai,

Nên nói là ảo hóa.

Giải thích: Vô thể phi vô thể, phi vô thể tức thể, nghĩa là đây nói sự ảo hóa không phải có mà có. Bởi vì sao? Nói không phải có, vì những thứ ảo hóa kia là vô thể, bởi không có thật thể. Nói mà có, vì những ảo hóa kia chẳng phải vô thể, bởi hiện tượng hiển hiện. Vô thể, thể, không hai, nên nói là ảo hóa, nghĩa là như vậy vô thể với thể là không hai. Do nghĩa này nên nói là ảo hóa.

Kệ nói:

Nói có 2 thứ sáng,

Mà không 2 thể sáng.

Cho nên nói các sắc

Hữu thể tức vô thể.

Giải thích: Nói có 2 thứ sáng, mà không 2 thể sáng, nghĩa là đây hiển thị sự hư vọng phân biệt, chẳng phải có mà có. Bởi vì sao? Nói chẳng phải có, là vì 2 thứ sáng kia là vô thể, bởi không có thật thể. Nói mà có, nghĩa là vì 2 thứ sáng kia chẳng phải vô thể, bởi ánh sáng hiển hiện. Cho nên nói sắc v.v… vô thể, hữu thể không hai, nghĩa là do nghĩa đó nên nói sắc v.v… vô thể với thể không có hai.

Hỏi: Thể với vô thể sao không nói nhất định là một mà nói hai không khác nhau?

Kệ nói:

Với hữu biên: ngăn lập,

Với vô biên: ngăn chê.

Bỏ Đại hướng Tiểu diệt,

Ngăn chúng cũng như vậy.

Giải thích: Theo tuần tự một là ngăn chấp hữu biên, hai là ngăn chấp vô biên, ba là ngăn khuynh hướng Tiểu thừa tịch diệt. Cho nên không được nói nhất định là một.

Hỏi: Thế nào là ngăn chấp hữu biên?

Đáp: Là ngăn không cho lập hữu biên. Đây nói rõ là vô thể, vì biết vô thể nên không được lập là có.

Hỏi: Thế nào là ngăn chấp vô biên?

Đáp: Là ngăn sự chê bai. Đây nói rõ cái biết hữu thể là thế đế, không nên chê bai là không.

Hỏi: Thế nào là ngăn khuynh hướng Tiểu thừa tịch diệt?

Đáp: Là ngăn thoái lui Đại thừa mà hướng tới Tiẻu thừa tịch diệt cũng như vậy. Đây nói rõ bởi 2 kia không khác, nên không nên chán thể, nhập Tiểu Niết-bàn.

Kệ nói :

Sắc thức là mê nhân,

Thức thức là mê thể.

Sắc thức, nhân không có,

Thức thức, thể cũng không.

Giải thích: Sắc thức là mê nhân, thức thức là mê thể, nghĩa là cái thức mê cảnh gọi là sắc thức, nó cũng có thể mê thể gọi là phi sắc thức. Sắc thức là vô thể nên thức thức thể cũng không, nghĩa là vì sắc thức không, nên phi sắc thức cũng không. Bởi vì sao? Bởi không nhân nên quả cũng không.

Kệ nói :

Ảo ảnh, bắt ảo ảnh,

Vì mê nói có hai.

Như vậy hai kia không,

 Thế mà có được hai.

Giải thích: Ảo ảnh, bắt ảo ảnh, vì mê nói có hai, nghĩa là người mê đối với ảo ảnh và sự đuổi bắt ảo ảnh, do mê nên nói có hai việc năng thủ sở thủ. Như vậy hai kia không, thế mà có được hai, nghĩa là hai kia tuy không, mà có được hai là do mê hiển hiện.

Hỏi: Thí dụ này muốn hiển thị điều gì?

Kệ nói :

Cốt tượng và thủ cốt,

Do quán nên nói hai.

Không hai mà nói hai,

Nói được cũng như vậy.

Giải thích: Cốt tượng và thủ cốt, do quán nên nói hai, nghĩa là người tu quán đối với cốt tượng và sự thủ cốt do quán nên nói có hai việc năng quán sở quán. Không hai mà nói hai, nói được cũng như vậy, nghĩa là hai kia tuy là không, mà có thể có được hai là do quán hiển hiện.

Hỏi: Quán như vậy rồi pháp gì là sở trị pháp gì là năng trị?

Kệ nói:

Phải biết thể sở trị,

Là tướng mê pháp ấy.

Như vậy thể, vô thể,

Hữu , phi hữu như huyễn.

Giải thích: Phải biết thể sở trị, là tướng mê của pháp ấy, nghĩa là trong đây thể sở trị tức là tướng mê của pháp. Tướng mê của pháp là thể như thị như thị. Như vậy, thể, vô thể, hữu, phi hữu như huyễn, nghĩa là như vậy nói thể có, là do hư vọng phân biệt, nói thể chẳng phải có, là do hai thể năng thủ sở thủ không khác với thể và phi thể. Như vậy thì có cũng như huyễn, không cũng như huyễn, nên nói tướng này là như huyễn.

Kệ nói:

Phải biết thể năng trị,

Niệm xứ v.v… các pháp,

Như vậy thể vô tướng

Như huyễn cũng như vậy.

Giải thích: Phải biết thể năng trị, niệm xứ v.v… các pháp, trong đây thể năng trị tức là các pháp. Các pháp, là các pháp Phật nói như niệm xứ v.v… là thể như thị như thị. Như vậy thể vô tướng như huyễn cũng như vậy, nghĩa là thể kia cũng như huyễn. Bởi vì sao? Chỗ chấp thủ của phàm phu cho như vậy như vậy là hữu thể. Chư Phật nói như vậy như vậy là vô thể. Thể là vô tướng như vậy mà Phật Thế Tôn thị hiện nhập thai, đản sinh, vượt thành xuất gia, thành chính giác, vô tướng như vậy mà hào quang hiển hiện, cho nên là như huyễn.

Hỏi: Nếu các pháp đồng như huyễn thì vì nghĩa gì một là năng trị một là sở trị?

Kệ nói:

Như một vua ảo mạnh,

Đuổi các vua ảo lui.

Như vậy pháp thanh tịnh,

Khiến pháp nhiễm tiêu hết.

Giải thích: Ví như một vua ảo mạnh đuổi các vua ảo khác lui, nghĩa là tịnh pháp năng trị kia cũng như một ông vua ảo, do năng đối trị nhiễm pháp được tăng thượng. Nhiễm pháp sở trị cũng như vua ảo, do cảnh giới được tăng thượng. Như vậy pháp thanh tịnh có thể làm cho các pháp ô nhiễm tiêu hết, như ông vua ảo có sức mạnh có thể đẩy lui các vua ảo khác. Bồ-tát cũng vậy, biết pháp như huyễn, có thể dùng tịnh pháp đối trị nhiễm pháp, cho nên không kiêu mạn.

Hỏi: Thế Tôn nhiều nơi nói như huyễn, như chiêm bao, như sóng nắng, như tượng, như ảnh, như tiếng vang, như trăng trong nước, như biến hóa. Tám thí dụ như thế hiển thị điều chi?

Kệ nói:

Như huyễn đến như hóa,

Lần lượt ví các hành.

Hai sáu hai hai sáu,

Một một một có ba.

Giải thích: Như huyễn cho đến như hóa, lần lượt ví các hành, nghĩa là huyễn ví với 6 nhập bên trong, vì các thể không có ngã chỉ hiển hiện ánh sáng. Chiêm bao ví với 6 nhập bên ngoài, vì thể của các trần thụ dụng là không có. Sóng nắng ví với 2 pháp là tâm và tâm số, do mê khởi. Tượng, lại ví với 6 nhập bên trong, do tượng của nghiệp đời trước. Ảnh, lại ví với 6 nhập bên ngoài, do ảnh nhập vào bên trong khởi nội nhập tăng thượng. Tiếng vang, ví với pháp nói ra, vì pháp ví như tiếng vang. Trăng trong nước ví với y định pháp định là như nước, pháp là như trăng, do pháp trừng tĩnh mà hiển hiện. Hóa, ví với Bồ-tát cố ý thụ sinh, vì không nhiễm tất cả việc mình làm. Hai sáu hai hai sáu, một một một có ba, nghĩa là hai sáu đầu là nội 6 nhập, ngoại 6 nhập. Huyễn và chiêm bao 2 thí dụ hiển thị 2 là tâm và tâm số, hiển thị bằng thí dụ sóng nắng. Lại nữa hai sáu là nội 6 nhập, ngoại 6 nhập, hiển thị bằng tượng, ảnh 2 thí dụ. Một một một là nói pháp Tam-muội thụ sinh, hiển thị bằng 3 thí dụ tiếng vang, mặt trăng, biến hóa.

Đã nói xong nghĩa chân thật, tiếp cầu trí năng tri.

Kệ nói:

Không chân và giống chân,

Chân và giống không chân.

Như vậy 4 chủng trí,

Biết được tất cả cảnh.

Giải thích: Không chân và giống chân, chân và giống không chân, nghĩa là: Không chân, là trí bất chân phân biệt, bởi không tùy thuận xuất thế trí phân biệt. Giống chân, là trí phi chân phi bất chân phân biệt, vì từ đầu tiên cực thông đạt phần do tùy thuận trí xuất thế. Chân, là trí xuất thế vô phân biệt, vì chứng chân như. Giống không chân, là trí phi phân biệt phi bất phân biệt, tức xuất thế hậu đắc thế trí. Như vậy 4 chủng trí có thể biết tất cả cảnh, nghĩa là do đầy đủ 4 trí này biết được tất cả cảnh giới.

Đã nói xong cầu trí, tiếp nói cầu nhiễm ô và thanh tịnh.

Kệ nói:

Tự giới, và 2 quang,

Si cùng các hoặc khởi.

Như vậy các phân biệt,

Hai thật nên xa lìa.

Giải thích: Tự giới và 2 quang cảnh, si cùng các hoặc khởi, là: Tự giới nghĩa là tự chủng tử của thức A-lê-da. Hai quang cảnh nghĩa là quang cảnh năng thủ và quang cảnh sở thủ. Các phân biệt này do cùng vô minh và các hoặc khác nên mới được sinh khởi. Như vậy nên xa lìa các phân biệt hai thật, nghĩa là 2 thật đó là thật của sở thủ và thật của năng thủ. Như vậy 2 thật nhiễm ô phải cầu lìa xa.

Kệ nói:

Được 3 duyên kia rồi,

 Tự giới xứ nên học.

Như vậy 2 quang diệt,

Ví như cánh mũi tên.

Giải thích: Được 3 duyên kia rồi, tự giới xứ nên học, nghĩa là: 3 duyên là nội, ngoại và cả hai như trước đã nói. Tự giới, là các phân biệt, nên giải thích như vậy. Xứ, là danh xứ, danh xứ này nên an tâm. Nên học, là tu chỉ quán 2 đạo. Như vậy 2 quang diệt, ví như cánh mũi tên, nghĩa là phân biệt 2 thứ quang cảnh dứt, ví như miếng da thục mềm làm cánh mũi tên điều chỉnh mũi tên đi thẳng, chuyển y cũng như vậy. Như chỉ, quán, mỗi mỗi đều phải tu, được tâm tuệ 2 giải thoát thì 2 quang cảnh không khởi. Như vậy thanh tịnh cầu đến được.

HẾT QUYỂN 4

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13