LUẬN ĐẠI THỪA TRANG NGHIÊM KINH
Bồ-tát Vô Trước tạo luận
Đường, Thiên Trúc tam tạng Ba-la-phả-mật-đa dịch
Nguyên Hồng dịch tiếng Việt

 

QUYỂN 6

Phẩm 13: HOẰNG PHÁP

Giải thích: Đã nói cầu pháp, tiếp phải đem pháp diễn nói cho người.

Kệ nói:

Khó được lại không chắc,

Thương khổ hằng vui thí.

Huống đem pháp lợi đời,

Tăng trưởng cũng không hết.

Giải thích: Kệ này trước ngăn sự keo kiệt đối với pháp thí. Khó được lại không chắc, là nói thân mạng tài sản. Thương khổ hằng vui thí, là Bồ-tát do từ bi còn có thể trong mọi thời bỏ 3 pháp không keo kiệt này thí cho chúng sinh khổ ách. Huống đem pháp lợi đời, tăng tưởng cũng vô tận, nghĩa là huống chi được đại pháp không khó mà sinh keo kiệt. Cho nên Bồ-tát nên đem pháp này rộng làm lợi ích thế gian. Bởi vì sao? Pháp được tăng trưởng cũng vô tận. Đã ngăn chận sự keo kiệt pháp thí, tiếp nói lợi ích.

Kệ nói:

Tự chứng không thể nói,

Dẫn vật nói pháp tính.

Pháp thân miệng tịch diệt,

 Bi lưu như trăn hút.

Giải thích: Tự chứng không thể nói, dẫn vật nói pháp tính, nghĩa là Thế Tôn không nói pháp tự sở chứng, vì pháp đó là không thể nói. Vì để dẫn tiếp chúng sinh nên lại dùng phương tiện mà nói pháp tính.

Hỏi: Thế nào là phương tiện?

Đáp: Pháp thân miệng tịch diệt, từ bi lưu xuất như con trăn hút. Nghĩa là chư Phật lấy pháp tính làm thân, tịch diệt làm miệng. Cực rộng thanh tịnh lìa 2 chướng nên lấy đại từ bi lưu xuất giáo pháp ví như cái lưới dẫn tiếp chúng sinh. Ví như con trăn lớn mở miệng rộng thu hút các vật, tất cả chư Phật thân khẩu từ bi đồng dẫn tiếp cũng vậy, vì rốt ráo đại bi vô tận.

Kệ nói:

Kia tu đắc quả nên

Tu, nói, chẳng vô nghĩa.

Chỉ nghe và không nghe,

Tu, nói, là vô lý.

Giải thích: Kia tu đắc quả nên tu, nói, chẳng phải vô nghĩa, nghĩa là chư Phật dùng phương tiện nói tự sở chứng dẫn tiếp thế gian, do năng hành, sức tu tự tại mà đắc quả. Cho nên kia tu và chỗ Phật nói không phải vô nghĩa. Chỉ nghe và không nghe, tu, nói là vô lý, nghĩa là nếu chỉ nghe pháp mà được thấy chân nghĩa, thì “tu” là không lợi ích. Nếu không nghe pháp mà tu được, thì “nói” là không lợi ích.

Đã nói lợi ích thuyết pháp, tiếp nói sai biệt của thuyết pháp.

Kệ nói:

A-hàm nói, chứng nói,

Là miệng, sức thần thông.

Thần thông là tướng hảo,

Các sắc và hư không.

Giải thích: Chư Bồ-tát thuyết pháp có 2 loại khác nhau: 1. A-hàm nói, tức dùng miệng nói. 2. Chứng nói, tức dùng sức thần thông nói. Sức thần thông nói lại có nhiều thứ, hoặc tướng hảo nói, hoặc cây rừng nói, hoặc nhạc khí nói, hoặc trong không trung nói.

Đã nói xong về cách nói pháp khác nhau, tiếp nói thành tựu của thuyết pháp.

Kệ nói:

Vô úy và đoạn nghi,

Khiến tin và hiển thật.

Như vậy các Bồ-tát

Là thuyết pháp thành tựu.

Giải thích: Các Bồ-tát thuyết pháp thành tựu do 4 nghĩa: 1. Vô úy. 2. Đoạn nghi. 3. Khiến tin. 4. Hiển thật. Như Kinh Vua Phạm Thiên Hỏi Phật, có nói: Bồ-tát đầy đủ 4 pháp thì có thể mở rộng đại pháp thí. Những gì là 4? 1. Nhiếp trị diệu pháp. 2. Tự tuệ minh tịnh. 3. Làm thiện nghiệp trượng phu. 4. Hiển thị nhiễm tịnh. Trong đó thứ nhất đa văn nên được vô úy. Thứ hai đa tuệ có thể đoạn nghi. Thứ ba không dựa danh lợi nên khiến người tin thụ. Thứ tư do thông đạt thế đế, đệ nhất nghĩa đế nên có thể hiển thị 2 thứ chân thật, là tướng nhiễm chân thật và tướng tịnh chân thật.

Kệ nói:

Lời đẹp và lìa say,

Vô thoái, vô bất tận,

Nhiều thứ và tương ưng,

Khiến hiểu, phi cầu lợi

Và lại khắp dạy dỗ,

Là thành tựu thuyết pháp.

Giải thích: Lời đẹp, là khi người giận mắng không đem lời xấu đáp lại. Lìa say, có 2 thứ say: 1. Khi người khen ngợi thì say sưa ngây ngất. 2. Khi mình thành tựu thì say sưa ngây ngất. Nghĩa là nhà cửa, tài sắc v.v… thành tựu sinh yêu thích. Lìa, là tâm diệt đối với 2 cái say này. Vô thoái, vì không lười biếng. Vô bất tận, là lìa sự keo kiệt đối với pháp, nói hết tất cả. Nhiếu thứ , là không nói trùng lặp. Tương ưng, là không trái hiện, tỷ lượng. Khiến hiểu, là có thể hiểu chữ, câu. Phi cầu lợi, là không vì tài lợi mà khiền người tin. Khắp dạy dỗ, là dạy khắp 3 thừa. Đã nói thành tựu của thuyết pháp, tiếp nói ngôn ngữ thành tựu.

Kệ nói:

Bất tế và điều hòa,

Thiện xảo và minh liễu,

Ứng cơ và lìa cầu,

Phân lượng và vô tận.

Giải thích: Bất tế, là khắp đồ chúng. Điều hòa, là đẹp ý vừa lòng. Thiện xảo, là khai thị chữ, câu rõ ràng khiến dễ hiểu. Ứng cơ, là tùy nghi nói. Lìa cầu, là không vì cầu danh lợi mà nói. Phân lượng, là thích nghe không chán. Vô tận, là không cùng.

Đã nói xong thành tựu ngôn ngữ, tiếp nói thành tựu chữ.

Kệ nói:

Nêu tên và giải nghĩa,

Tùy thừa và uyển chuyển,

Dễ hiểu mà ứng cơ,

Xuất ly mà tùy thuận.

Giải thích: Nêu tên, là phù hợp các chữ, câu không trái kinh nghiêm. Giải nghĩa, là giải thích các chữ câu không nghịch lý. Tùy thừa, là các chữ, câu tùy theo mỗi thừa, không trái 3 thừa. Uyển chuyển, là tránh chữ, câu khó, không trái âm thanh. Dễ hiểu, là tập họp các chữ, câu được nghĩa dễ. Ứng cơ, là chữ, câu, ngắt câu tùy nghi thích ứng với sự việc. Xuất ly, là không ở nơi các chữ các câu mà hướng tới Niết-bàn. Tùy thuận, là chính hành các chữ các câu, tùy thuận 8 chi Thánh đạo.

Kệ nói:

Bồ-tát thành tựu chữ,

Nghĩa như trước nên biết,

Thanh có 60 thứ,

Là nói việc Như Lai.

Giải thích: Như Lai có 60 thứ âm thanh không thể nghĩ bàn. Như trong Kinh Phật Bí Mật có nói: Tịch tĩnh tuệ Như Lai đầy đủ 60 thứ thanh ngữ, như là nhận trạch, nhu nhuyến, khả ý, ý lạc, thanh tịnh như vậy cho đến nói rộng. Trong đây tiếng nhuận trạch, là chúng sinh thiện căn có thể gìn giữ. Tiếng dịu dàng, là hiện tiền nghe pháp được tiếp xúc các niềm vui. Tiếng đẹp ý, là do ý nghĩa hay. Tiếng thích ý, là do chữ hay. Tiếng thanh tịnh, là do vô thượng xuất thế hậu đắc. Tiếng vô cấu, là do không tương ưng với các hoặc tập khí. Tiếng trong trẻo rõ ràng, là do chữ câu dễ hiểu. Tiếng có sức thiện, là do đầy đủ công đức, phá các ác tà kiến của ngoại đạo. Tiếng thích nghe, là vì tin thuận xuất ly. Tiếng không dứt, là vì tất cả ngoại đạo không thể đoạn dứt. Tiếng điều phục, là vì có thể đối trị tham v.v… các phiền não. Tiếng không kích thích, là vì phương tiện an lạc chế giới. Tiếng không ráp, là vì khiến người phạm giới được chính xuất. Tiếng khéo điều hòa, là vì giáo hóa dạy dỗ. Tiếng thuận tai, là vì đối trị loạn tâm. Tiếng thân dựa, là vì có thể dẫn Tamma-đề. Tiếng tâm rõ, là vì có thể dẫn Tì-bát-xá-na. Tiếng tâm vui, là vì khéo đoạn nghi. Tiếng sinh hỷ lạc, là vì quyết định đánh bạt tà. Tiếng không nhiệt não, là vì tin nhận không hối tiếc. Tiếng có thể giữ trí, là vì trí y chỉ thành tựu nhân của nghe. Tiếng không ẩn giấu, vì không keo kiệt pháp mà nói. Tiếng khả ái, là vì khiến được quả tự lợi. Tiếng khao khát, là vì người đã đắc quả rất nguyên ưa thích. Tiếng dạy bảo, là vì nói chính pháp bất tư nghị. Tiếng khiến hiểu, là vì nói chính pháp tư nghị. Tiếng tương ưng, là vì không trái kinh nghiệm. Tiếng hữu ích, là vì giảng dạy chỉ dẫn thích hợp. Tiếng không trùng lắp, là vì không nói suông. Tiếng sư tử, là vì ngoại đạo sợ hãi. Tiếng voi, là vì chấn động lớn. Tiếng sấm, là vì sâu nghe xa. Tiếng rồng, là vì khiến tin thụ. Tiếng Khẩn-na-la, vì tiếng ca nhạc hay. Tiếng Ca-lăng-tần-già, vì âm vận trong trẻo. Tiếng Phạn, vì đi ra xa. Tiếng chim mạng mạng, vì mới được lành tốt mọi sự thành tựu. Tiếng vua trời, vì không dám trái. Tiếng trống trời, vì phá ma. Tiếng lìa kiêu mạn, vì khen chê không cống cao. Tiếng nhập tất cả, vì nhập tất cả chủng tướng của Luận Tì-già-la. Tiếng lìa bất chính, vì nhớ không quên. Tiếng ứng thời, vì tất cả mọi thời khởi việc giáo hóa. Tiếng không xấu hổ, vì không dựa vào lợi dưỡng. Tiếng không sợ hãi, vì lìa xấu hổ. Tiếng hoan hỷ, vì nghe không chán. Tiếng tùy xả, vì khéo léo vào tất cả minh xứ. Tiếng bạn tốt, vì thành tựu lợi ích tất cả chúng sinh. Tiếng thường lưu xuất, vì liên tục không dứt. Tiếng trang nghiêm, vì hiển hiện các thứ. Tiếng mãn túc, vì một âm có vô lượng thanh thuyết pháp. Tiếng chúng sinh căn hỷ, vì một lời hiển hiện vô lượng nghĩa. Tiếng không chê bai, vì tin thuận chỗ lập nghĩa. Tiếng không tăng giảm, vì ứng thời lượng nói. Tiếng không vội gấp, vì không vội vã nói. Tiếng khắp tất cả, vì đồ chúng gần xa đều y chỉ. Tiếng thành tựu nhất thiết chủng, vì pháp nghĩa thế gian đều thí dụ khiển hiểu rõ.

Đã nói xong về thành tựu chữ, tiếp nói cái vĩ đại của thuyết pháp.

Kệ nói:

Khai diễn và thi thiết,

Kiến lập và nêu chung.

Nói riêng và đoạn nghi,

Lược rộng đều khiến hiểu.

Giải thích: Khai diễn, là diễn nói. Thi thiết, là các câu. Kiến lập, là khéo tương ưng. Như vậy là phân biệt khai thị, theo tuần tự nêu chung, nói riêng biệt, đoạn nghi, khiến nghĩa trở nên gần gũi dễ hiểu, làm cho người nghe lãnh thụ pháp được quyết định. Lược, nghĩa là nói một lần người lợi căn hiểu được liền. Rộng là nói nhiều lần khiến người độn căn thong thả hiểu được. Kệ nói:

Người nói, pháp được nói,

Người nhận: 3 luân tịnh.

Lại lìa 8 thứ lỗi,

Người nói tịnh phải biết.

Giải thích: Người nói, pháp được nói, người nhận: 3 luân tịnh. Những gì là 3 luân? 1. Là người nói, tức chư Phật Bổ-tát. 2. Pháp được nói, tức nói chung tên, chữ v.v… các thứ. 3. Người nghe nhận, tức như trước nói người nói sơ lược hiểu được và người nói rộng nhiều lần mới hiểu. Lại lìa 8 thứ lỗi, người nói tịnh phải biết, nghĩa là người nói thanh tịnh phải biết lìa 8 thứ lỗi.

Hỏi: Tám thứ là gì?

Kệ nói:

Lười biếng và không hiểu,

Cự tuyệt không khai nghĩa,

Và không đoạn trừ nghi,

Đoạn nghi không kiên cố,

Chán thoái và keo kiệt,

Như vậy 8 thứ lỗi,

Chư Phật không thể kia,

Nên thành vô thượng thuyết.

Giải thích: Tám thứ lỗi là: 1. Lười biếng. 2. Không hiểu nghĩa.

3. Từ chối sự cầu thỉnh. 4. Không khai nghĩa. 5. Không đoạn nghi.

6. Đoạn nghi không quyết định. 7. Tâm thoái lui chán nản, không sẵn sàng nói trong mọi lúc. 8. Có tâm keo kiệt, không tận tình khai thị. Tất cả chư Phật đều xa lìa 8 lỗi như vậy. Cho nên được thành vô thượng thuyết pháp.

Đã nói xong cái vĩ đại của nói pháp, tiếp nói nghĩa thành tựu.

Kệ nói:

Pháp này tùy thời thiện,

Sinh tín, hỷ, giác nhân.

Nghĩa đúng và lời hay,

Năng khai 4 phạm hạnh.

Giải thích: Pháp này tùy thời thiện, sinh tín, giác, hỷ nhân, nghĩa là tùy thời thiện là sơ trung hậu thiện, như thứ tự khi văn tư tu là tín nhân, là hỷ nhân, là giác nhân. Là giác nhân, tức là định tâm quán sát đạo lý pháp này được trí như thật. Nghĩa đúng và lời hay, có thể khai mở 4 phạm hạnh, nghĩa là nghĩa đúng là thiện nghĩa và diệu nghĩa, vì tương ưng với thế đệ nhất nghĩa đế. Lời hay, là dễ nhận và dễ hiểu do văn nghĩa hiển rõ. Do đó có thể khai thị 4 thứ phạm hạnh.

Hỏi: Những gì là 4?

Kệ nói:

Không cùng khác tương ưng,

Đủ đoạn hoặc 3 cõi.

Tự tính và vô cấu,

Là 4 thứ hạnh ấy.

Giải thích: Bốn phạm hạnh là: 1. Độc. 2. Mãn. 3. Thanh. 4. Bạch. Không cùng khác tương ưng, là nghĩa của độc một mình. Do hạnh này không cùng đồng hành với ngoại đạo. Đủ đoạn hoặc 3 cõi, là nghĩa của mãn. Do hạnh này đủ đoạn phiền não 3 cõi. Tự tính, là nghĩa của thanh. Do hạnh này tự tính vô lậu tịnh. Vô cấu, là nghĩa của bạch. Do hạnh này ở nơi thân lậu tận, chủng loại được vô cấu tịnh. Đã nói xong về thành tựu nghĩa của thuyết pháp, tiếp nói các tiết mục của thuyết pháp.

Kệ nói:

Đó là tiết khiến nhập,

Tiết tướng, tiết đối trị,

Cùng với tiết bí mật,

Gọi là 4 tiết mục.

Giải thích: Chư Phật nói pháp không lìa 4 tiết mục: 1. Tiết khiến nhập. 2. Tiết tướng. 3. Tiết đối trị. 4. Tiết bí mật.

Hỏi: Bốn tiết này dựa vào nghĩa gì? Kệ nói :

Thanh Văn và tự tính,

Đoạn lỗi và lời sâu.

Lần lượt dựa 4 nghĩa,

Nói tiết có 4 thứ.

Giải thích: Tiết khiến nhập, là phải biết dạy các Thanh Văn vào trong pháp nghĩa khiến được không sợ hãi, vì nói sắc v.v…là có. Tiết tướng, là phải biết trong phân biệt v.v… 3 tự tính là vô thể, là không khởi, vì nói tất cả pháp tự tính thanh tịnh. Tiết đối trị, là phải biết dựa vào việc đoạn các lỗi đối trị 8 thứ chướng. Như trong Đại thừa nói thụ trì 2 kệ được công đức ấy đều là đối trị nên nói. Đối trị này sau sẽ giải thích. Tiết bí mật, là phải biết dựa vào các câu nói ý sâu, do đảo câu nói lại mới được nghĩa. Như một bài kệ trong kinh Đại thừa nói: Không kiên cố, kiên cố. Khéo trụ nơi điên đảo. Bị phiền não quấy nhiễu. mau được Đại Bồ-đề. Trong tiết này, không kiên cố hiểu là kiên cố, nghĩa là không kiên cố tức tâm chúng sinh không loạn. Ở đây “không loạn” hiểu là “kiên cố”. Cái hiểu tối thắng này có thể được Bồ-đề. Loạn thì tâm giong ruổi chấp trước kiên cố không thể đến được Bồ-đề. Đây là đệ nhất cú nghĩa. Khéo trụ nơi điên đảo, nghĩa là điên đảo là chấp thường lạc ngã tịnh. Nếu người có thể ở trong điên đảo mà hiểu được vô thường vô lạc vô ngã vô tịnh, khéo trụ không thoái chuyển tức có thể mau được Bồ-đề, không vậy thì không được. Đây là đệ nhị cú nghĩa. Bị phiền não quấy nhiễu, nghĩa là thời gian dài lâu siêng tu các khổ hạnh khó làm, do cực nhọc mệt mỏi mới được Bồ-đề, không vậy thì không được. Đây là đệ tam cú nghĩa.

Đã nói tiết mục của thuyết pháp, tiếp nói đến ý thuyết pháp.

Kệ nói:

Bình đẳng và biệt nghĩa,

Biệt thời và biệt dục.

Y vào 4 ý đây,

Đó là chư Phật nói.

Giải thích: Chư Phật nói pháp không lìa 4 ý: 1. Bình đẳng ý. 2. Biệt nghĩa ý. 3. Biệt thời ý. 4. Biệt dục ý.

Bình đẳng ý, là như Phật nói thuở xưa Phật Tì-bà-thi tức thân ta. Vì pháp thân không sai biệt. Nói như vạy là ý bình đẳng.

Biệt nghĩa ý, là như Phật nói tất cả các pháp không tự tính nên không sinh. Nói như vậy là ý nói với một nghĩa riêng khác.

Biệt thời ý, là như Phật nói nếu người nguyện thấy Phật A-diđà, tất cả đều được vãng sinh. Đây là do một thời gian khác được sinh nên nói như vậy. Nói như vậy là ý nói vào một thời gian khác.

Biệt dục ý, là người kia có thiện căn như vậy, Như Lai có khi khen ngợi, có lúc chê trách do được chút ít thiện căn liền cho là đủ. Nói như vậy là nói với ý dục riêng khác.

Đã nói xong về ý của thuyết pháp, tiếp nói công đức thụ trì Đại thừa.

Kệ nói:

Khinh Phật và khinh pháp,

Lười biếng thiếu tri túc,

Tham hành và mạn hành,

Hối hành cùng bất định.

Như vậy 8 thứ chướng,

Đại thừa nói đối trị.

Như vậy các chướng đoạn,

Là người nhập chính pháp.

Giải thích: Hai kệ này hiển thị công đức đoạn chướng của Đại thừa. Tám chướng là: 1. Khinh Phật. 2. Khinh pháp. 3. Lười biếng. 4. Thiếu tri túc. 5. Tham. 6. Mạn. 7. Hối. 8. Bất định.

Để đối trị chướng khinh Phật, kinh Đại thừa nói: Thuở xưa Phật Tì-bà-thi tức thân ta đó. Để đối trị chướng khinh pháp, kinh Đại thừa nói: Ở nơi vô lượng hằng sa Phật tu hành Đại thừa mới được sinh giải. Để đối trị chướng lười biếng, kinh Đại thừa nói: Nếu có chúng sinh nguyện sinh cõi nước An lạc, tất cả sẽ được vãng sinh, xưng niệm danh hiệu Phật Vô Cấu Nguyệt Quang quyết định sẽ được thành Phật. Để đối trị chướng thiếu tri túc, kinh Đại thừa nói có nơi khen ngợi hạnh bố thí, có nơi chê trách hạnh bố thí v.v… Để đối trị chướng tham, kinh Đại thừa nói: Các cõi nước Phật cực diệu an lạc. Để đối trị chướng kiêu mạn, kinh Đại thừa nói có cõi Phật thành tựu tối thắng. Để đối trị chướng hối, kinh Đại thừa nói: Nếu có chúng sinh đối với Phật Bồ-đề khởi việc không nhiêu ích được sinh đường nẻo thiện. Để đối trị chướng bất định, kinh Đại thừa nói: Chư Phật thụ ký Thanh Văn sẽ được thành Phật nói nhất thừa. Đó gọi là thụ trì Đại thừa được lìa 8 chướng.

Kệ nói:

Hoặc văn và hoặc nghĩa,

Hai kệ siêng thụ trì.

Công đức đến mấy mươi,

Gọi là người thắng tuệ.

Giống thiện được viên mãn,

Khi chết hoan hỷ thắng.

Thụ sinh tùy ý muốn,

Niệm sinh trí cũng thành.

Đời đời hằng gặp Phật,

Nghe pháp được tín tuệ.

Xa lìa nơi 2 chướng,

Mau thành đạo vô thượng.

Giải thích: Ba kệ này nói thụ trì Đại thừa nhóm họp được công đức. Công đức này có 10 thứ: 1. Thành tựu tất cả chủng tử thiện căn viên mãn y chỉ. 2. Khi lâm chúng được niềm vui vô thượng. 3. Được tùy nguyện thụ sinh ở mọi nơi. 4. Ở tất cả nơi sinh được tự tính niệm sinh trí. 5. Nơi sinh hằng được gặp Phật. 6. Hằng ở bên Phật nghe pháp Đại thừa. 7. Thành tựu tín căn tăng thượng. 8. Thành tựu tuệ căn tăng thượng. 9. Được xa lìa hoặc trí 2 chướng. 10. Mau được thành tựu Bồ-đề vô thượng. Nếu có người đối với tất cả kinh điển Đại thừa, hoặc văn kinh, hoặc nghĩa cho đến một câu, chân chính siêng năng thụ trì thì được 10 công đức như vậy. Trong này, trong đời hiện tại được 2 công đức đầu tiên, trong đời vị lai được 8 thứ công đức khác dần dần tăng thắng.

Đã nói xong công đức thụ trì pháp, tiếp nói đến công đức thuyết pháp.

Kệ nói:

Tuệ thiện và bất thoái,

Đại bi tiếng khen xa.

Khéo léo nói các pháp,

Như nhật chiếu thế gian.

Giải thích: Nếu các Bồ-tát đầy đủ 5 nhân thì gọi là giỏi thuyết pháp: 1. Nói không điên đảo, do tuệ thiện. 2. Thường xuyên nói, do không thoái lui. 3. Nói không cầu mong gì khác, do đại bi. 4. Nói để khiến tin, do tiếng khen xa. 5. Tùy cơ nói, do phương tiện khéo léo. Do 5 nhân này có thể nói pháp tốt, dắt dẫn chúng sinh nhiều đời cung kính, ví như mặt trời lên chiếu sáng thế gian.

Xong Phẩm Hoằng pháp.

Phẩm 14: TÙY TU

Giải thích: Đã nói Bồ-tát, tiếp nói Bồ-tát tùy pháp tu hành. Trong đây tùy tu có biết nghĩa, có biết pháp, có tùy pháp, có đồng đắc, có tùy hành. Nay sẽ tuần tự nói rõ.

Kệ nói:

Nơi biết 2 vô ngã,

Nơi 3 lìa tà chính.

Bồ-tát hiểu như vậy,

Gọi là người biết nghĩa.

Giải thích: Kệ này nói rõ Bồ-tát biết nghĩa. Nơi biết 2 vô ngã, là biết 2 thứ nhân pháp là vô ngã, vì biết năng thủ sở thủ không có hữu thể. Nơi 3 lìa tà chính, nghĩa là 3 là 3 thứ Tam-muội, tức không, vô tướng, vô nguyện. Do không Tam-muội biết không có hữu thể, vì hiểu là tính phân biệt. Do vô tướng, vô nguyện Tam-muội biết không có tự thể, vì hiểu là tính y tha, chân thật. Lìa tà chính, nghĩa là 3 Tam-muội đây dẫn xuất thế trí nên không tà, là thế gian nên không chính. Bồ-tát hiểu như vậy gọi là người biết nghĩa. Nếu Bồ-tát biết 2 thứ nhân pháp vô ngã, có thể biết 3 thứ Tam-muội, lìa tà lìa chính. Đây tức là biết nghĩa.

Kệ nói:

Như vậy biết nghiã rồi,

 Biết pháp cũng như bè.

Nghe pháp không nên mừng,

 Xả pháp là biết pháp.

Giải thích: Kệ này nói rõ Bồ-tát biết pháp. Sơ học Bồ-tát biết nghĩa rồi, tiếp đến phải biết pháp. Nghĩa là có thể biết kinh pháp Tuđa-la v.v… ví dụ như bè qua sông, không nên chỉ nghe suông mà sinh hoan hỷ. Bởi vì sao? Vì pháp ấy phải xả, ví như chiếc bè vậy. Đó gọi là biết pháp.

Kệ nói:

Phàm phu có 2 trí,

Tức thông 2 vô ngã.

Để thành tựu trí kia,

Nên nói tùy pháp hành.

Giải thích: Kệ này nói Bồ-tát tùy pháp. Phàm phu có 2 trí là trí biết nghĩa và trí biết pháp. Tức thông 2 vô ngã, nghĩa là do 2 trí này nên cũng có thể thông đạt 2 thứ nhân pháp 2 thứ vô ngã. Để thành tựu trí kia nên nói tùy pháp hành, nghĩa là Bồ-tát vì thành tựu 2 thứ trí kia nên theo chỗ thuyết pháp tùy thuận tu hành. Đó gọi là tùy pháp.

Kệ nói:

Khi thành tựu trí kia,

Xuất thế gian vô thượng.

Tất cả người sơ địa,

Chỗ được đều đồng đắc.

Giải thích: Kệ này nói chỗ đồng chứng đắc của Bồ-tát. Khi thành tựu trí kia, xuất thế gian vô thượng, nghĩa là do thể của trí kia là tối thắng, nên sơ địa gọi là Hoan hỷ địa. Đó là sở đắc công đức của tất cả Bồ-tát trụ Hoan hỷ địa, vì những người mới nhập địa cũng đều được như vậy.

Kệ nói:

Người kiến đạo diệt hoặc,

Tất cả đều đã hết.

Thứ lớp tu các địa,

Là để đoạn trí chướng.

Ở trong các địa này,

Kiến lập vô phân biệt.

Thứ tự vô gián khởi,

Như vậy nói tùy hành.

Giải thích: Kệ này nói Bồ-tát tùy hành. Trong đây kiến đạo diệt phiền não khi nhập sơ địa tất cả đều hết. Cho nên tu tập các địa khác chỉ để đoạn trừ trí chướng. Nhưng ở các địa có 2 trí: một là vô phân biệt trí, hai là địa kiến lập trí. Bồ-tát nếu ở trong chính quán, trong mỗi sát-na được pháp như vậy mà không phân biệt. Đó gọi là vô phân biệt trí. Bồ-tát sau khi xuất quán phân biệt trong quán được phần số pháp như vậy như vậy. Đó gọi là địa kiến lập trí. Hai trí này không được khởi cùng một lúc và xen khởi trong các pháp khác, hằng hành không gián đoạn gọi là Bồ-tát tùy hành. Bồ-tát có thể tùy hành như vậy có 4 thứ bất phóng dật luân: 1. Thắng độ luân. 2. Thiện nhân luân. 3. Tự chính luân. 4. Tiên phúc luân. Như vậy 4 luân nay sẽ tuần tự nói.

Kệ nói:

Dễ cầu, bảo hộ tốt,

Đất lành và bạn lành.

Vắng lặng thắng độ này,

Bồ-tát tức vãng sinh.

Giải thích: Kệ này nói rõ thắng độ luân. Cõi nước thù thắng có 5 nhân duyên: 1. Dễ cầu. nghĩa là 4 việc cung cấp cho thân không khó được. 2. Bảo hộ tốt. Nghĩa là quốc vương đúng như luật pháp không cho người ác và trộm cắp giặc giã không được ở trong nước. 3. Đất lành. Xứ sở điều hòa không dịch bệnh. 4. Bạn lành. Nghĩa là bạn cùng giữ giới luật đồng kiến giải. 5. Vắng lặng. Nghĩa là ban ngày không ồn ào, ban đêm yên lặng. Kệ nói:

Đa văn và kiến đế,

Khéo nói và thương xót.

Đấng trượng phu không thoái,

Bồ-tát thắng y chỉ.

Giải thích: Kệ này nói rõ thiện nhân luân. Người thiện cũng đủ 5 nhân duyên: 1. Đa văn, vì thành tựu A-hàm. 2. Kiến đế, vì đắc Thánh quả. 3. Khéo nói, vì có thể phân biệt pháp. 4. Thương xót, vì không tham lợi. 5. Không thoái, vì không mệt mỏi.

Kệ nói

Thiện duyên và thiện tụ,

Thiện tu và thiện thuyết.

Thiện xuất, 5 thứ này,

Gọi là tự chính thắng.

Giải thích: Kệ này nói rõ tự chính luân. Tự chính cũng đủ 5 nhân duyên: 1. Thiện duyên, diệu pháp là thiện duyên. 2. Thiện tụ, là phúc trí đầy đủ. 3. Thiện tu, là tu khi chỉ quán tương ưng. 4. Thiện thuyết, là vì không cầu lợi. 5. Thiện xuất, là cung kính tu các thượng pháp.

Kệ nói:

Khả lạc và không khó,

Không bệnh và tịch tĩnh,

Quán sát, 5 thứ này,

Vì trước trồng thiện căn.

Giải thích: Kệ này thuyết minh về tiên phúc luân. Phúc đời trước cũng đủ 5 nhân duyên: 1. Khả lạc. 2. Không khó. 3. Không bệnh. 4. Tam-muội. 5. Trí tuệ. Việc thứ nhất do ở cõi thù thắng làm nhân. Việc thứ hai do gặp người thiện làm nhân. Ba việc sau do chính thành tựu làm nhân.

Đã nói xong 4 thứ bất phóng dật luân, tiếp nói phiền não xuất phiền não.

Kệ nói :

Xa lìa nơi pháp giới,

Không có pháp tham riêng.

Cho nên chư Phật nói

Tham xuất tham, đều vậy.

Giải thích: Như Phật trước có nói: Ta không nói có pháp khác tham có thể xuất phát từ tham, san si cũng vậy. Bởi lìa pháp giới thì không có cái thể nào riêng khác. Cho nên tính của pháp tham v.v… được gọi tên là tham v.v… Đây nói tính của pháp tham v.v… có thể xuất phát ra tham v.v… nghĩa này là chỉ thú của kinh.

Kệ nói:

Do lìa ngoài pháp tính

Không có pháp riêng khác.

Cho nên nói như vậy,

Phiền não tức Bồ-đề.

Giải thích: Như trong kinh nói vô minh với Bồ-đề đồng là một. Đây gọi là pháp tính vô minh lập ra tên Bồ-đề. Nghĩa này là chỉ thú của kinh.

Kệ nói:

Nơi tham khởi chính tu,

Nơi tham được giải thoát.

Nên nói tham xuất tham,

Sân, si xuất cũng vậy.

Giải thích: Nếu người từ nơi tham khởi chính tu quán sát, như vậy biết mình được giải thoát nơi tham. Cho nên nói dùng tham mà xuất ly khỏi tham. Xuất ly sân si cũng vậy.

Đã nói xong phiền não xuất phiền não, tiếp nói xa lìa tâm nhị thừa.

Kệ nói:

Bồ-tát nơi địa ngục,

Vì vật không từ khổ.

Xả hữu, phát tiểu tâm,

Khổ này là dữ dội.

Giải thích: Bồ-tát từ bi vì chúng sinh vào địa ngục không từ khổ thống. Nếu công đức diệt tam hữu mà khởi tâm Tiểu thừa, Bồ-tát lấy đây làm nỗi khổ rất nặng.

Hỏi: Nghĩa này như thế nào?

Kệ nói:

Tuy hằng ở địa ngục,

Không chướng Đại Bồ-đề.

Nếu khởi tâm tự lợi,

Là chướng Đại Bồ-đề.

Giải thích: Bồ-tát tuy vì chúng sinh thời gian dài nhập đại địa ngục không lấy làm khổ. Bởi vì sao? Vì đối với Bồ-đề quảng đại thanh tịnh không bị chướng. Nếu có tâm khởi thừa khác chấp vui Niết-bàn mới là khổ lớn. Bởi vì sao? Vì nó chướng ngại với vui trụ Đại thừa. Kệ này làm rõ nghĩa của kệ trước.

Đã nói ngăn tâm nhị thừa, tiếp nói ngăn tâm sợ hãi.

Kệ nói:

Vô thể và khả đắc,

Việc này giống như huyễn.

Tính tịnh và vô cấu,

Việc này là như không.

Giải thích: Vô thể và khả đắc, việc này giống như huyễn, nghĩa là tất cả các pháp không có tự tính, nên nói là vô thể, mà lại thấy có tướng mạo hiển hiện, cho nên nói là khả đắc. Những người phàm phu đối 2 chỗ này sinh sợ hãi là không nên. Bởi vì sao? Vì huyễn ảo là tương tự, ví như ảo hóa v.v… không có hữu thể mà hiển hiện có thể thấy được. Cái khả đắc của các pháp vô thể cũng như vậy. Cho nên đối với 2 chỗ này không nên sợ hãi. Tính tịnh với vô cấu, việc này là như không, nghĩa là pháp giới bản lai thanh tịnh nên nói là tính tịnh. Về sau lìa khách trần được thanh tịnh nên nói là vô cấu. Các phàm phu đối với 2 chỗ này cùng sinh sợ hãi là không nên. Bởi vì sao? Vì tương tự như không. Ví như hư không bản tính thanh tịnh. Về sau cũng nói lìa khách trần được thanh tịnh. Tính tịnh và vô cấu của pháp giới cũng như vậy. Cho nên đối với 2 chỗ này không nên sợ hãi. Lại nữa cũng có thí dụ tương tự người thợ vẽ, có thể ngăn chận 2 sự sợ hãi trước.

Kệ nói:

Ví như người thợ vẽ,

Bằng phẳng vẽ lồi lõm.

Do hư vọng phân biệt,

Không, thấy có năng sở.

Giải thích: Ví như người thợ vẽ giỏi có thể vẽ nơi bức tường bằng phẳng thành tướng lồi lõm, thật sự không có cao thấp lồi lõm mà thấy có cao thấp lồi lõm. Không chân phân biệt cũng như vậy, nơi pháp giới bình đẳng không 2 tướng mà thường thấy có 2 tướng năng sở, cho nên không nên sợ hãi. Trong đây tương tự cũng có thí dụ với nước, có thể ngăn chận 2 sợ hãi sau.

Kệ nói:

Như nước trong bị đục,

Trừ bẩn trở lại trong.

Tâm thanh tịnh cũng vậy,

Chỉ cần lìa khách trần.

Giải thích: Ví như nước trong , bẩn vào thành đục. Sau nếu trong là chỉ trừ bẩn. Cái trong trẻo không phải từ ngoài đến mà bản tính là trong trẻo. Cho nên tâm phương tiện tịnh cũng như vậy. Tâm tính vốn sạch, vì khách trần nên nhiễm. Về sau thanh tịnh là do trừ khách trần. Cái sạch không phải từ ngoài đến mà bản tính là sạch. Cho nên không nên sợ hãi.

Kệ nói:

Đã nói tâm tính tịnh,

Mà bị khách trần nhiễm.

Không lìa tâm chân như,

Riêng có tâm tính tịnh.

Giải thích: Ví như tính nước tự trong mà bị khách trần làm đục. Cũng vậy tâm tính tự tịnh mà bị khách trần làm nhiễm. Nghĩa này đã thành. Do nghĩa này nên không lìa chân như của tâm riêng có một tâm khác, gọi tướng y tha là tự tính thanh tịnh. Trong đây phải biết rằng nói tâm chân như, gọi đó là tâm. Tức nói cái tâm này là tự tính thanh tịnh. Tâm này tức là thức A-ma-la.

Đã ngăn chận sự sợ hãi, tiếp ngăn chận tội tham.

Kệ nói:

Bồ-tát nghĩ chúng sinh,

Yêu đến tận xương tủy,

Hằng thời làm lợi ích,

Vì đứa con duy nhất.

Giải thích: Chư Bồ-tát yêu chúng sinh, đây gọi là tham. Ngoài ra như kệ nói.

Kệ nói:

Do ý lợi quần sinh,

Khởi tham không đắc tội.

Nhưng giận thì trái kia,

Vì muốn tổn người khác.

Giải thích: Nếu bảo Bồ-tát yêu các chúng sinh khởi tham là tội thì đây không phải nghĩa như vậy. Bởi vì sao? Vì cái tham này là nguyên nhân hằng làm lợi ích chúng sinh.

Kệ nói:

Như bồ câu thương con,

Chăm sóc và che chở,

Người có tâm từ bi,

Yêu chúng sinh cũng vậy.

Giải thích: Ví như chim bồ câu hết sức thương yêu con, Bồ-tát nhiều từ bi ái hộ chúng sinh cũng vậy.

Kệ nói:

Tâm từ trái tâm giận,

Dứt khổ khổ tâm nghịch.

Lợi nghịch không lợi,

Không sợ trái tâm sợ.

Giải thích: Bồ-tát đối với chúng sinh do có tâm từ nên trái nghịch với tâm giận. Do có tâm dứt khổ nên trái với tâm gây khổ. Do có tâm lợi ích nên trái với tâm không lợi. Do có tâm không sợ hãi nên trái với tâm gây sợ hãi. Cho nên Bồ-tát khởi tâm tham như thế là không gọi là tội. Đã ngăn tội tham, tiếp nói các tu hành sai biệt.

Với sinh tử tu hành,

Như bệnh uống thuốc đắng.

Với chúng sinh tu hành,

Như thầy thuốc chữa bệnh.

Với tự tâm tu hành,

Như điều khiển người dở.

Với dục trần tu hành,

Như khách buôn lão luyện.

Với 3 nghiệp tu hành,

Như người khéo giặt áo.

Khéo tu không hại người,

Như cha hiền thương con.

Khéo thực hành tu tập,

Như dùi cây lấy lửa.

Khéo thực hành Tam-muội,

Như tiền với người tin.

Khéo tu hành Bát-nhã,

Như ảo thuật biết thuật.

Đó là các Bồ-tát ,

Tu hành các cảnh giới.

Giải thích: Các Bồ-tát tu hành có 9 thứ sai biệt: 1. Tu hành đối với sinh tử, ví như người bệnh uống thuốc đắng, chỉ vì lành bệnh không sinh tham nhiễm. Bồ-tát cũng vậy, gần gũi sinh tử chỉ vì suy nghĩ khích lệ không vì nhiễm trước. 2. Tu hành đối với chúng sinh ví như thầy thuốc gần gũi bệnh nhân. Bồ-tát cũng vậy, vì từ bi không bỏ chúng sinh bệnh khổ phiền não. 3. Tu hành đối với tự tâm ví như người chủ có trí khéo điều khiển người làm chưa thành thạo. Bồ-tát cũng vậy, khéo điều phục tâm chưa điều phục. 4. Tu hành đối với dục trần, ví như khách buôn buôn bán giỏi. Bồ-tát cũng vậy, đối với bố thí v.v… các Ba-la-mật tăng trưởng của cải. 5. Tu hành 3 nghiệp, ví như người thợ giặt áo khéo trừ các vết bẩn. Bồ-tát cũng vậy, tu trị 3 nghiệp làm cho thanh tịnh. 6. Tu hành không não hại chúng sinh, ví như cha hiền yêu thương con nhỏ, tuy vấy bẩn cũng không gớm. Bồ-tát cũng vậy, chúng sinh làm suy tổn cũng không hề giận buốn. 7. Thực hành các tu tập, ví như dùi cây lấy lửa, chưa thấy lửa không ngừng tay. Bồtát cũng vậy tu tập thiện pháp chưa hề có tâm gián đoạn. 8. Khéo tu Tam-muội, ví như bỏ tiền ra cho người đáng tin cậy ngay ngày sinh lợi. Bồ-tát cũng vậy, tu tập các định không loạn không mê muội công đức tăng trưởng. 9. Khéo tu Bát-nhã, ví như nhà ảo thuật biết các trò ảo thuật là không thật. Bồ-tát cũng vậy, đối với các pháp quán được không điên đảo. Đó gọi là Bồ-tát tu hành sai biệt.

Đã nói xong tu hành sai biệt, tiếp nói tam luân thanh tịnh.

Kệ nói:

Thường siêng đại tinh tiến,

Thục 2 khiến thanh tịnh.

Tịnh giác vô phân biệt,

Dần dần được Bồ-đề.

Giải thích: Thường siêng năng đại tinh tiến, thục 2 khiến thanh tịnh, nghĩa là Bồ-tát dùng sức đại tinh tiến siêng thực hành tự tha 2 lợi. Cho nên chúng sinh và chính mình đều được thành thục, vì vậy gọi là thanh tịnh. Tịnh giác vô phân biệt, dần dần được Bồ-đề, nghĩa là pháp vô ngã trí. Trí này không phân biệt 3 luân là người tu, sở tu và chính tu, nên được thanh tịnh. Do thanh tịnh này dần dần được thành vô thượng Bồ-đề.

Xong Phẩm Tùy tu.

HẾT QUYỂN 6

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13