SỐ 1661/1
LUẬN BỒ ĐỀ TÂM LY TƯỚNG
Long Thụ Bồ-tát tạo
Tam tạng truyền pháp Đại sư Thí Hộ dịch
Nguyên Hồng dịch tiếng Việt

 

Kính lễ chư Phật! Con nay xin nói sơ lược về nghĩa của tâm Bồ-đề và chí thành đảnh lễ tâm Bồ-đề ấy.

Nghĩa của tâm Bồ-đề cũng giống như một đạo quân hùng dũng cầm khí giới. Tâm Bồ-đề ấy là tâm kiên cố, đã có chư Phật Thế Tôn, chư Bồ-tát Ma-ha-tát đều do phát tâm Bồ-đề ấy mà thành tựu cho đến ngồi đạo tràng Bồ-đề thành quả chính giác. Con nay cũng phát tâm Bồ-đề như vậy.

Lại nữa, tâm Bồ-đề này là hành môn tổng trì của chư Bồ-tát, quán tưởng như vậy, phát sinh như vậy. Con nay tán thán người phát tâm Bồ-đề là để khiến chúng sinh dứt khổ luân hồi. Người chưa được độ thì khiến đều được độ, người chưa giải thoát khiến được giải thoát, người chưa an ổn khiến được an ổn, người chưa Niết-bàn khiến được Niết-bàn.

Vì muốn viên mãn thắng nguyện như vậy, muốn an lập cái nhân tự tướng chính thể, muốn nhập vào chân thật quán đệ nhất nghĩa, nên nay con sẽ nói về tự tướng vô sinh của tâm Bồ-đề.

Nói tâm Bồ-đề là lìa tất cả tính.

Hỏi: Vì sao lìa tất cả tính?

Đáp: Là vì uẩn xứ giới lìa các pháp thủ xả, vô ngã bình đẳng. Tự tâm bản lai không sinh vì tính vốn không.

Vì sao trong đây biểu thị rõ ràng ngã, uẩn v.v… mà tâm phân biệt hiện tiền lại vô thể?

Vì vậy cho nên nếu ai thường giác liễu tâm Bồ-đề, tức có thể an trụ nơi tướng không của các pháp.

Lại nữa thường giác liễu tâm Bồ-đề ấy, dùng tâm bi quán đại bi làm thể, do đó trong các uẩn có thể được tướng vô ngã.

Có các ngoại đạo khởi phi tương ưng hành, chấp tướng phân biệt, bảo rằng các uẩn có pháp phi vô thường. Kỳ thật chẳng có tướng ngã nào có thể có được. Các pháp tự nó giữ lấy tính chân thật một cách tự nhiên, không thể chấp là thường hay vô thường.

Trong ngã, uẩn cái tên còn không thật huống chi có tạo tác phân biệt. Nếu nói có một pháp, cho đến có các pháp, nói như vậy là tâm thế gian chuyển theo hành động thế gian, chứ không phù hợp với tướng thường hành. Nghĩa ấy không đúng. Cho nên phải biết các pháp là vô tính. Dù trong dù ngoài không thể phân biệt.

Vậy cái tâm năng chấp kia là do nhân gì?

Là không thể tách rời tướng thế gian, hoặc nhân hoặc tướng, 2 thứ đó chứ không gì khác. Đó tức phi thường cũng phi năng chấp. Phải biết tâm tính không thể chấp thường, cho nên tính đó vô thường là thường.

Nếu biết tính đó là vô thường thì có gì là tướng tạo tác, từ đâu mà sinh chấp ngã?

Nếu lìa thế gian tức trong uẩn không có chướng ngại. Sự giác liễu về xứ và về giới cũng như vậy. Thủ xả 2 pháp không thể có được.

Trong đây nói uẩn là sắc thụ tưởng hành và thức. Đây nói là 5 uẩn, là cái học của người Thanh Văn. Phải biết sắc như bọt nước tụ lại, thụ như bong bóng nổi trên mặt nước, tưởng như sóng nắng, hành như cây chuối, thức như người làm trò ảo thuật. Nghĩa của 5 uẩn này Phật Thế Tôn vì các Bồ-tát tùy thích ứng mà nói.

Nay lược nói về tướng của sắc uẩn. Nói sắc uẩn là 4 đại chủng và các thứ do chúng tạo ra. Không phải sắc uẩn là 3 thứ thụ tưởng và hành. Thức uẩn và hành, tưởng sẽ thuyết minh ở phần sau.

Trong đây nói xứ là nhãn xứ v.v… ở bên trong và sắc xứ v.v… ở bên ngoài gồm có 12 xứ.

Trong đây nói giới là nhãn căn giới v.v… nhãn thức giới v.v… và sắc cảnh giới v.v… gồm có 18 giới.

Như vậy uẩn xứ giới lìa các thủ xả, không phương sở, không phần vị, không thể phân biệt. Người có phân biệt thì không phải nghĩa như vậy, tùy theo khởi phân biệt liền sinh chấp trước.

Chúng tương ưng nhau như thế nào?

Nếu có một tướng thấy ngoài nghĩa đó, phải biết đó là do phá trí chuyển.

Ý trưởng dưỡng sắc như thế nào?

Phải biết như vậy là chẳng phải một chẳng phải khác.

Có các ngoại đạo như Ba-lí-một-la-nhạ-ca v.v… tùy theo kiến giải khác nhau khởi 3 phân biệt?

Nghĩa đó không đúng. Như người nằm mơ thấy làm việc sát hại, nhưng việc làm của người đó không có tướng thật hành. Lại như người nằm mơ thấy mình ở địa vị tối cao thế nhưng người đó cũng chẳng có tướng thù thắng.

Thế là thế nào?

Nghĩa là ánh sáng của thức phá hủy tướng thủ xả.

Như vậy pháp thức làm gì có ngoại nghĩa?

Cho nên các pháp không có ngoại nghĩa. Phải biết tất cả sắc tướng biểu lộ là do ánh sáng của tự thức chiếu ra sắc tướng. Như người thấy trò ảo thuật, thấy sóng nắng, thấy thành Càn-thát-bà, chấp lấy cho là thật. Người không trí tuệ do tâm ngu, chấp xem cảnh sắc cho là thật cũng giống như vậy.

Cái ngã chấp này là tâm chuyển theo, như trên đã nói về nghĩa của uẩn xứ giới. Phải biết lìa các phân biệt ấy, chỉ phần vị của tâm làm việc và các tướng do tâm hiển hiện. Nghĩa này như Thành Duy Thức có nói.

Trong đây trước có nói 5 uẩn, vậy tự tướng của thức như thế nào?

Đáp: Như nói nghĩa của tâm, thức cũng vậy. Như Phật Thế Tôn thường nói: “ Phải biết tất cả do tâm biến hiện.” Nghĩa này rất sâu. Những kẻ ngu si không thể hiểu, không thấy chân thật. Cho nên nếu không chấp tướng ngã, thì tâm không sinh phân biệt. Khởi phân biệt là tà giáo, cho nên chỗ kiến lập của chúng không thành nghĩa.

Nghĩa như thật, là thấy pháp không có ngã. Đó là nghĩa pháp vô ngã trong Đại thừa. Tự tâm bản lai không sinh, cho dù tùy có chỗ sinh, tâm cũng vẫn bình đẳng, tự tâm tăng thượng, nhập vào nghĩa chân thật vì xuất sinh từ hành môn Du-già.

Phải biết rằng các chỗ sở y đều không thực thể mà đó là hiện hành của tịnh tâm. Nếu là pháp quá khứ, quá khứ không thật. Nếu là pháp vị lai, vị lai chưa đến. Nếu là pháp hiện tại, hiện tại không dừng trụ.

Vậy, trong ba đời các pháp trụ như thế nào?

Như quân số, như rừng cây, là do sự hợp thành của nhiều pháp.

Phải biết thức là tướng vô ngã. Thức chẳng phải là chỗ sở y. Thấy được các pháp như thế, thì chúng cũng như đám mây đỏ, sẽ tan biến một cách nhanh chóng.

Cho nên phải biết nếu các pháp có, là do nơi suy nghĩ biến hiện ra. Thức A-lại-da cũng như vậy. Các loài hữu tình có đi, có đến, pháp vẫn y nhiên như vây. Ví như biển lớn, mọi dòng nước đều chảy về. Chỗ sở y của thức A-lại-da cũng như vậy. Nếu ai quán sát các thức như vậy, thì không thể sinh tâm phân biệt. Nếu mỗi loại mỗi loại đều biết như thật, thì còn gì để nói tên của mỗi loại ấy. Nếu mỗi loại mỗi loại vật đều biết tính của chúng, thì không thể nói có mỗi loại mỗi loại. Nói như thế là nói quyết định, nên cũng sinh quyết định đối với các pháp. Trong tất cả sự việc, tùy theo chuyển mà thành tựu. Năng tri, sở tri là 2 sai biệt.

Nếu không có năng tri làm sao có sở tri. Cả hai đều là pháp không thật thì làm sao có được?

Cho nên phải biết rằng nói “tâm” là chỉ có cái tên mà thôi. Cái tên ấy cũng không gì khác có thể có được, mà chỉ là cách biểu thị. Tự tính của cái tên ấy cũng không thể có. Vì ý nghĩa đó, người trí phải quán tự tính như huyễn của tâm Bồ-đề. Dù trong hay ngoài, hay 2 trung gian đều không tìm thấy được. Không có pháp nào có thể nắm giữ được. Không có pháp nào có thể xả bỏ được. Chẳng phải hình sắc có thể thấy. Chẳng phải hiển sắc có thể biểu lộ. Chẳng phải tướng nam, nữ. Chẳng phải tướng hoàng môn. Không trụ trong tất cả sắc tướng. Không có pháp nào có thể thấy, vì chẳng phải cảnh giới của mắt thấy. Chỉ có tất cả chư Phật quán sát bình đẳng mới có thể thấy được.

Trong pháp bình đẳng, làm sao thấy được nếu tâm có tự tính hay không tự tính?

Nói “tính” là vì phân biệt. Nếu lìa phân biệt thì tâm tính đều không.

Nếu có phân biệt có thể thấy được tâm, sao trong đây nói là không?

Cho nên phải biết là không có năng giác không có sở giác. Nếu quán tâm Bồ-đề được như vậy tức thấy Như Lai. Nếu có năng giác và có sở giác, thì không thành tâm Bồ-đề. Cho nên không tướng cũng là không sinh. Không thể dùng lời mà khen ngợi được.

Lại nữa, tâm Bồ-đề như hư không. Tâm và hư không đều không có 2 tướng. Ðây nói, tâm và hư không, là nói không trí bình đẳng. Thần-thông của Phật với Phật, Phật với Phật không khác nhau. Sự nghiệp của chư Phật trong 3 đời tất cả đều thu giữ và an trụ trong cảnh giới Bồ-đề.

Tuy thu giữ tất cả pháp nhưng thường vẳng lặng và cũng quán sát các pháp vô thường ấy như ảo hóa, chẳng phải thu giữ điều phục ba hữu. Trụ nơi pháp không, nên các pháp vô sinh gọi là không, các pháp vô ngã cũng gọi là không. Nếu đem vô sinh, vô ngã mà quán là không thì quán ấy không thành. Nếu phân biệt 2 thứ nhiễm và tịnh tức thành 2 thứ kiến tướng đoạn và thường. Nếu dùng trí mà quán tướng không kia, thì tướng không kia cũng không có cái thể riêng biệt. Cho nên tâm Bồ-đề lìa các sở duyên mà trụ trong tướng hư không. Nếu quán hư không là sở trụ, tức trong đó phải có không, có tính 2 tên riêng biệt. Cho nên biết không, là như trên thế gian con sư tử một khi cất tiếng rống mọi loài thú đều khiếp sợ. Cũng như một tiếng không, thì các tiếng đều lặng. Cho nên biết mọi nơi thường lặng, các thứ đều không.

Lại nữa, thức pháp là pháp vô thường, từ vô thường sinh ra. Tính vô thường đó là tâm Bồ-đề. Lấy đó nói nghĩa không, hẳn cũng không mâu thuẫn.

Nếu tính vô thường là tâm Bồ-đề, thì nếu ưa thích Bồ-đề là tâm bình đẳng, mà không nói ưa thích cái không kia, làm sao có được cái tâm thủ không?

Phải biết bản lai tự tính chân thật, tất cả đều thành tựu nghĩa của tâm Bồ-đề. Lại nữa phải biết vật không có tự tính. Cái tính không có tự tính đó, là nghĩa của thuyết này.

Nói như vậy thì tâm là thế nào?

Nếu lìa ngã pháp thì tâm không trụ. Tâm này chẳng phải một pháp cũng chẳng phải các pháp. Mỗi mỗi có tự tính mà lìa tự tính. Như đường, mật, ngọt là tự tính. Như lửa, nóng là tự tính. Các pháp không, tự tính cũng vậy.

Tính của các pháp, chẳng phải thường, chẳng phải đoạn, chẳng phải được, chẳng phải lìa. Vì nghĩa ấy, vô minh là khởi đầu, lão tử là sau, các pháp duyên sinh được thành lập như vậy. Ví như mộng ảo, thể của nó không có thật. Do đó mà nói 12 chi pháp, tức cũng gọi 12 chi luân. Xoay chuyển tuần hoàn như bánh xe trong cửa sinh tử, mà thật không có cái ngã, không có chúng sinh nào khác, không có 3 nghiệp hành quả báo sai khác.

Nếu trong đó, hiểu rõ pháp duyên sinh, tức thì ra khỏi cửa các cảnh giới. Đó chẳng phải hành tướng, chẳng làm hủy hoại chính nhân, mà do uẩn sinh ra. Chẳng phải là hành tướng của ranh giới sau luân hồi. Tất cả không nắm giữ cái không, vì không sinh. Pháp nào pháp nấy bình đẳng tạo nhân chịu quả. Đó là lời Phật nói.

Có các pháp họp loại mà sinh, như đánh trống có tiếng, như trồng lúa mạch sinh mầm. Nghĩa của các pháp họp loại khác cũng như vậy. Duyên sinh hiện ra như ảo như mộng. Các pháp do nhân sinh, mà cũng là vô sinh. Nhân này nhân khác tự nó là không, thì làm sao sinh? Cho nên phải biết các pháp là không sinh. Tức ngay cái không sinh này mà gọi là không.

Như nói về 5 uẩn, tính của uẩn bình đẳng. Tất cả các pháp khác cũng phải nghĩ như vậy. Nếu như nói không, là nói trong nghĩa chân thật, cái được nói là không kia, thể của nó chẳng phải đoạn. Trong cái thể chẳng phải đoạn kia, thật cũng không thể nào có được. Nói thể là không, không cũng là vô thể. Nếu hiểu rõ là vô thật, thì tạo tác là vô thường. Các nghiệp phiền não tích tụ lại làm thể. Nghiệp đó cũng từ tâm sinh. Nếu tâm không trụ, thì làm sao có nghiệp được?

Như tâm an lạc là tính tịch tĩnh. Tâm tịch tĩnh kia không thể chấp thủ. Các người trí có thể quán sát thật. Thấy thật đó là được giải thoát.

Lại nữa, tâm Bồ-đề là chân thật cao tột. Nghĩa chân thật đó, gọi là không. Cũng gọi là chân như. Cũng gọi là thật tế. Tức vô tướng đệ nhất nghĩa đế.

Nếu không hiểu rõ nghĩa không như vậy, phải biết đó chẳng phải giải thoát phần, mà thật là đại ngu si trong luân hồi, lưu chuyển trong 6 nẻo.

Nếu có người trí có thể quán như thật tâm Bồ-đề kia tương ứng với nghĩa không, quán như vậy rồi mới có thể thành tựu lợi tha, trí tuệ vô ngại, vô trước. Ðó là người biết ơn và báo ơn Phật.

Thường đem tâm bi quán khắp các tướng chúng sinh cha mẹ bà con, thường bị lửa dữ phiền não thiêu đốt, khiến các chúng sinh luân hồi sinh tử, nếu như chịu khổ nghĩ sẽ chịu thay, nếu hòa hợp vui nghĩ sẽ cho khắp.

Lại quán đến quả ái phi ái, nẻo thiện nẻo ác, lợi ích không lợi ích, là tùy theo chúng sinh chuyển các chúng sinh bản lai không được, tùy theo trí sai biệt mà khởi các tướng khác nhau: có Phạm Vương, Ðế Thích, Hộ Thế Thiên v.v… Dù trời hay người, tất cả đều không lìa khỏi tướng thế gian.

Lại quán sát có địa ngục, ngã quỷ, súc sinh, tất cả chúng sinh trong các cõi đó có vô lượng vô số chủng loại sắc tướng, thường tùy chuyển theo những nỗi khổ đói khát bức bách, thường sát hại lẫn nhau, ăn nuốt lẫn nhau. Bởi nhân như thế, nên quả khổ không tiêu.

Chư Phật, Bồ-tát như thật quán sát tự tướng nghiệp báo của tất cả chúng sinh trong các nẻo thiện nẻo ác như thế. Quán sát rồi phát khởi tâm phương tiện, khéo cứu hộ chúng sinh, khiến lìa các nghiệp cấu. Do đó, các Bồ-tát lấy tâm đại bi làm căn bản, lấy chúng sinh kia làm cảnh sở duyên. Cho nên các Bồ-tát không đắm trước vào tất cả cái vui trong thiền vị, không cầu quả báo tự lợi, vượt qua quả vị Thanh Văn, không bỏ chúng sinh, tu hạnh lợi tha, phát tâm Đại Bồ-đề, nẩy mầm Đại Bồ-đề, cầu quả Bồ-đề của Phật. Các Bồ-tát đem tâm đại bi quán nỗi khổ của chúng sinh thấy ngục A-tì rộng lớn vô biên, chúng sinh tùy theo nghiệp nhân bị luân chuyển trong các khổ báo chịu mọi thứ khổ ấy. Tâm bi của các Bồ-tát nghĩ muốn chịu thay cho chúng sinh. Các thứ khổ nầy có nhiều hình tướng khác nhau, nói không có thật, nhưng cũng chẳng phải không thật.

Nếu hiểu rõ không, tức biết pháp này, tùy các nghiệp quả thuận hành như vậy. Cho nên các Bồ-tát vì muốn cứu độ chúng sinh đã khởi tâm dũng mãnh, vào trong vũng lầy sinh tử. Tuy ở trong sinh tử mà không nhiễm trước, như hoa sen thanh tịnh không nhiễm. Các vị lấy đại bi làm thể, không bỏ chúng sinh, dùng trí không quán, không lìa phiền não. Cho nên Bồ-tát dùng sức phương tiện, thị hiện sinh vào cung vua, vượt thành xuất gia, tu đạo khổ hạnh, ngồi đạo tràng Bồđề, thành Ðẳng Chính Giác, hiện sức thần thông phá các ma quân, vì độ chúng sinh chuyển bánh xe pháp lớn, hiện ba bậc thang từ trên cung trời giáng xuống làm các hình tướng biến hóa, rồi thuận theo thế gian nhập Đại Niết-bàn. Trong khoảng trung gian hiện các sắc tướng, nào làm Phạm vương, hoặc làm Ðế Thích dù trời hay là người tùy theo các tướng chuyển. Do thị hiện các tướng nên người được gọi là Ðạo sư cứu đời. Những việc làm ấy đều là nguyện lực đại bi của chư Phật, Bồtát, điều phục thế gian, làm cho thế gian được an trụ nơi thắng hạnh tương ứng. Cho nên, trong luân hồi không sinh mệt mỏi thoái lui.

Từ trong một thừa nói ra pháp hai thừa. Một thừa, hai thừa đều là nghĩa chân thực. Dù là Bồ-đề của Thanh Văn hay Bồ-đề của Phật, cũng đều một tướng của trí thân, một thể của Tam-ma-địa. Tuy có nói thị thuyết phi thuyết hoặc có nói các tướng khác nhau, đó chỉ vì dắt dẫn chúng sinh mà thôi. Nếu chúng sinh được lợi ích, mà Bồ-đề của Phật phúc trí bình đẳng, mà thật không có 2 tướng có thể trụ. Nếu có trụ tướng tức là chủng tử. Tướng chủng tử đó do tụ loại sinh ra. Cho nên làm tăng trưởng mầm mống sinh tử. Như Phật Thế Tôn có nói: “ Phá các hành tướng thế gian là chỉ vì chúng sinh tạo các phương tiện, mà thật chẳng phải phá.” Nghĩa này rất sâu nếu lìa phân biệt. Trong nghĩa rất sâu ấy không có 2 tướng. Tuy nói có phá, nhưng đây cũng chẳng phải phá. Trong pháp không, không có 2 tướng. Các pháp giữ tự tính chân thật một cách tự nhiên.

Trí Ba-la-mật tức tâm Bồ-đề. Tâm Bồ-đề trừ hết mọi kiến chấp. Cho nên phải biết thân, ngữ, tâm, đều là pháp vô thường. Chỉ vì chúng sinh, làm việc lợi ích cho nên trong đây nói không, nhưng chẳng phải là đoạn đứt, trong đây nói có, nhưng có cũng chẳng phải là thường hằng. Cho nên, không có sinh tử, cũng không có Niết-bàn, mà đều an trụ trong vô trụ Niết-bàn.

Chư Phật Thế Tôn đều nói: Tâm bi sinh ra vô lượng phúc tụ. Đó là lý không, chân thật tối thượng do oai thần của chư Phật sinh ra, tự lợi lợi tha 2 hạnh thành tựu.

Con nay đỉnh lễ tất cả tính kia. Con thường tôn kính tâm Bồ-đề kia. Nguyện xin sự xưng tán của con mà giống Phật không đoạn dứt.

Chư Phật Thế Tôn thường trụ ở thế gian. Tâm Bồ-đề là tối thắng trong Ðại thừa. Chính niệm của con an trụ trong tâm ấy.

Lại nữa, tâm Bồ-đề là tâm trụ nơi đẳng dẫn, và từ phương tiện sinh. Nếu hiểu rõ tâm ấy thì sinh tử bình đẳng, tự lợi lợi tha thành tựu.

Lại nữa, tâm Bồ-đề lìa các kiến tướng, trí không phân biệt chuyển biến một cách chân thật. Những người có trí phát tâm Bồ-đề được phúc tụ vô lượng vô biên.

Lại nữa, nếu ai trong khoảng sát-na, quán tưởng tâm Bồ-đề, người ấy được phúc tụ không thể tính kể. Bởi tâm Bồ-đề chẳng phải thứ có thể tính kể.

Lại nữa, tâm Bồ-đề là ngọc báu thanh tịnh không nhiễm, tối đại, tối thắng, tối thượng, đệ nhất. Tâm Bồ-đề chân thật kiên cố, không thể hư hoại, không làm hư hoại được, có thể phá tất cả ma phiền não, làm viên mãn hạnh nguyện Phổ Hiền của các Bồ-tát.

Lại nữa, tâm Bồ-đề là chỗ quy tụ của tất cả pháp. Đây là lời chân thực, lìa các hý luận, là hành môn thanh tịnh của Bồ-tát Phổ Hiền, lìa tất cả tướng. Ðây xin nói rõ như vậy.

Con nay ca ngợi tâm Bồ-đề,

Như chính Lưỡng Túc Tôn nói ra.

Tâm Bồ-đề này rất tôn quý,

Đạt được phúc báo cũng vô lượng.

Con đem phúc này cho chúng sinh,

Nguyện khắp chóng thoát biển tam hữu.

Ca ngợi như lý và như thật,

Người trí phải nên học như vậy.

( HẾT )