LUẬN ĐẠI THỪA TRANG NGHIÊM KINH
Bồ-tát Vô Trước tạo luận
Đường, Thiên Trúc tam tạng Ba-la-phả-mật-đa dịch
Nguyên Hồng dịch tiếng Việt

 

QUYỂN 3

Phẩm 10: BỒ-ĐỀ

Giải thích: Đã nói Bồ-tát thành thục chúng sịnh, tiếp nói đến Bồ-tát được nhất thiết chủng trí.

Kệ nói:

Tất cả khó đã làm,

Tất cả thiện đã nhóm,

Tất cả thời đã độ,

Tất cả chướng đã đoạn.

Giải thích: Kệ này hiển thị nhân viên mãn của nhất thiết chủng trí. Tất cả khó đã làm, nghĩa là do đã làm đầy đủ vô lượng trăm ngàn hạnh khó làm chưa từng mệt mỏi. Tất cả thiện đã nhóm, là do tập họp đầy đủ tự tính thiện căn các Ba-la-mật. Tất cả thời đã độ, là do trải qua đầy đủ thời gian dài đại kiếp A-tăng-kì. Tất cả chướng đã đoạn, là do đoạn đầy đủ tất cả các chướng Đại thừa, tức là sở hữu các chướng vi tế trong các địa.

Kệ nói:

Thành tựu nhất thiết chủng,

Đây tức là Phật thân.

Ví như mở hộp báu,

Báu vật đều hiện rõ.

Giải thích: Kệ này cho thấy quả của nhất thiết chủng trí, viên mãn có 3 nghĩa phân biệt: 1. Chí đắc. 2. Tự tính. 3. Thí dụ. Thảnh tựu nhất thiết chủng, là chí đắc phân biệt. Tức là từ đây về sau thành tựu nhất thiết chủng trí. Đây tức là Phật thân, là tự tính phân biệt. Tức nói nhất thiết chủng trí là thể của Phật thân. Ví như mở hộp báu, báu vật đều hiện rõ, là thí dụ phân biệt. Các báu Bồ-đề phần không thể nghĩ bàn đều hiện ra trước mắt.

Đã nói nhất thiết chủng trí là Phật thân, tiếp đến nói thân này không 2 tướng.

Kệ nói:

Bạch pháp là Phật thân,

Phi vô, cũng phi hữu.

Phật là nhân pháp bảo,

Pháp là nhân thiện căn.

Giải thích: Bạch pháp là Phật thân, nghĩa là chuyển 6 Ba-lamật v.v… tất cả thiện pháp làm thể của Phật. Phi vô cũng phi hữu, là cái thể này chẳng phải không. Bởi vì sao? Vì chân như không riêng khác. Và cũng phi hữu. Bởi vì sao? Vì tự tính không thành tựu. Đó gọi là không 2 tướng. Phật là nhân của pháp bảo, vì Phật nói tất cả pháp và dùng sức thần thông. Pháp là nhân của thiện căn, nghĩa là chúng sinh là ruộng thiện căn là lúa má. Như vậy pháp bảo giáo hóa ruộng chúng sinh, sinh trưởng lúa thiện căn.

Kệ nói:

Đủ pháp cũng lìa pháp,

Như kho tàng như mây,

Sinh pháp mưa pháp vũ,

Nên thành thí dụ ấy.

Giải thích: Kệ này làm rõ lại nghĩa trước. Đrủ pháp cũng lìa pháp, nghĩa là chư Phật đầy đủ tất cả thiện pháp, xa lìa tất cả pháp bất thiện. Như kho tàng cũng như mây, nghĩa là Phật bảo như kho tàng, pháp bảo như mây.

Hỏi: Đây là nghĩa gì?

Đáp: Sinh pháp mưa mưa pháp nên thành thí dụ ấy. Phật bảo có thể sinh ra pháp bảo, giống như kho chứa lớn. Pháp bảo có thể sinh trưởng tất cả thiện căn của chúng sinh, giống như đám mây lớn.

Đã nói Phật thân không 2 tướng, tiếp nói là vô thượng quy y.

Kệ nói:

Chư Phật thường cứu hộ,

Chúng sinh 3 nhiễm ô.

Các hoặc, các ác hành,

Cùng với sinh già chết.

Giải thích: Kệ này nói sơ lược nghĩa cứu hộ. Chư Phật thường cứu hộ vì cứu hộ rốt ráo.

Hỏi: Cứu hộ pháp gì?

Đáp: Ba nhiễm ô của chúng sinh, đó là phiền não nhiễm ô, nghiệp nhiễm ô, sinh nhiễm ô. Các hoặc tức phiền não nhiễm ô. Các ác hành tức nghiệp nhiễm ô. Cùng với sinh già chết tức sinh nhiễm ô.

Hỏi: Thế nào là cứu hộ?

Đáp: Đối với 3 thứ nhiếm ô này của chúng sinh, tất cả mọi thời đều cứu hộ không bỏ, tức là nghĩa rốt ráo.

Kệ nói:

Tai họa và ác thú,

Thân kiến và Tiểu thừa,

Các chúng sinh như vậy,

Tất cả đều cứu hộ.

Giải thích: Kệ này nói rộng về nghĩa cứu hộ. Các tai họa là những chúng sinh mù lòa câm điếc cuồng loạn thân hình tàn tật v.v… Do thần lực của Phật người mù thấy được, người điếc nghe được, người câm nói được, người cuồng hết cuồng, người loạn được định, người tàn tật được vẹn toàn, như vậy là cứu hộ. Ác thú, là chúng sinh trong địa ngục v.v… bị lửa thiêu đốt, khiến được thoát khổ không bị vào lại, như vậy là cứu hộ. Thân kiến, nghĩa là chúng sinh chấp ngã khiến hiểu được nhân vô ngã vào Niết-bàn nhị thừa, như vậy là cứu hộ. Tiểu thừa là chúng sinh bất định, có tính nhị thừa, phương tiện dẫn vào Đại thừa, như vậy gọi là cứu hộ.

Kệ nói:

Phật: nơi thắng quy y,

Vô tỷ và vô thượng.

Như trước sợ đủ thứ,

Đều khiến thoát khỏi hết.

Giải thích: Kệ này hiển thị ý nghĩa thắng quy y. Bởi Phật không thể lấy gì thí dụ được nên là vô thượng. Cho nên như trước đã nói 3 thứ chúng sinh nhiễm ô và bao nhiêu chúng sinh tai nạn, tất cả đều có thể cứu hộ.

Kệ nói:

Chư Phật thân thiện mãn,

Hơn tất cả thế gian.

Diệu pháp hóa chúng sinh,

Để qua biển đại bi.

Giải thích: Kệ này nói thắng nhân của quy y. Chư Phật thân thiện mãn hơn tất cả thế gian, đây là do tự lợi cứu cánh, do lực, vô úy v.v…đầy đủ tự tính các thiện công đức. Diệu pháp hóa chúng sinh để vượt qua biển khổ, là khéo dùng phương tiện giáo hóa và đưa chúng sinh qua bờ biển đại bi.

Kệ nói:

Tận cùng đời vị lai,

Khắp tất cả chúng sinh,

Hằng thời làm lợi ích,

Là nói đại quy y.

Giải thích: Kệ này hiển thị ý nghĩa đại quy y. Đại có 3 nghĩa: 1. Thời đại, là tận cùng sinh tử của tất cả chúng sinh. 2. Cảnh đại, là lấy tất cả chúng sinh làm cảnh đối tượng. 3. Sự đại, là hằng thường làm lợi ích cứu thoát khổ của chúng khiến được xuất ly.

Đã nói vô thượng quy y, tiếp nói tướng chuyển y của Như Lai.

Kệ nói:

Hai thứ chướng thường theo,

Kia diệt cực, rộng, đoạn.

Vì bạch pháp viên mãn,

Y chuyển 2 đạo thành.

Giải thích: Kệ này cho thấy chuyển y có ly và có đắc. Hai thứ chướng thường theo, kia diệt cực, rộng, đoạn, nghĩa là đây nói rõ viễn ly sở trị, là chủng tử 2 thứ phiền não chướng và trí chướng từ vô thủy đến nay hằng theo đuổi, nay được vĩnh diệt là cực, tất cả địa là rộng, tất cả mọi thứ đây đều đoạn. Vì bạch pháp viên mãn, y chuyển 2 đạo thành, là đây nói rõ thành tựu năng trị, nghĩa là thể của Phật tương ưng với bạch pháp viên mãn tối thượng. Bấy giờ y chuyển được thành tựu 2 đạo: 1. Được đạo xuất thế trí cực kỳ thanh tịnh. 2. Được đạo cảnh giới trí vô biên sở thức. Đó gọi là chuyển y.

Kệ nói:

Nơi kia Như Lai trụ,

Bất động như núi chúa.

Thương người ưa tịch diệt,

Huống chi kẻ chấp hữu.

Giải thích: Kệ này hiển thị chuyển y của Như Lai là vượt trội trong các chuyển y. Bởi vì sao? Như Lai chuyển y trụ ở nơi vô lậu. Như núi chúa trấn giữ đất đai an trụ bất động. Chuyển y như vậy rồi, thấy Thanh Văn Duyên Giác những người ưa tịch diệt còn sinh thương xót, huống chi những chúng sinh chịu khổ não ở nơi biên viễn hạ tiện.

Kệ nói:

Tha lợi và vô thượng,

Bất chuyển và bất sinh,

Quảng đại với vô nhị,

Vô trụ cùng bình đẳng.

Thù thắng với biến thụ,

Là nói Như Lai chuyển.

Hiển thị 10 công đức,

Nên biết nghĩa sai biệt.

Giải thích: Hai kệ này hiển thị sự chuyển y của Như Lai có 10 thứ công đức sai biệt. Những gì là 10? 1. Tha nghĩa chuyển, nghĩa là chuyển y rồi làm lợi tha. 2. Vô thượng chuyển, nghĩa là chuyển y rồi trong tất cả các pháp được tự tại hơn cả nhị thừa chuyển. 3. Bất chuyển chuyển, nghĩa là chuyển y rồi các nhân nhiễm ô không chuyển được đây mà bị đây chuyển. 4. bất sinh chuyển, nghĩa là chuyển y rồi tất cả pháp nhiễm ô rốt ráo không khởi. 5. Quảng đại chuyển, nghĩa là chuyển y rồi thị hiện được Đại Bồ-đề và Bát-niếtbàn. 6. Vô nhị chuyển, nghĩa là chuyển y rồi, sinh tử Niết-bàn không có hai. 7. Bất trụ chuyển, nghĩa là chuyển y rồi hữu vi vô vi đều không trụ. 8. Bình đẳng chuyển, nghĩa là chuyển y rồi cùng Thanh Văn Duyên Giác đồng giải thoát chướng phiền não. 9. Thù thắng chuyển, nghĩa là chuyển y rồi, lực, vô úy v.v… tất cả Phật pháp đều không sánh bằng. 10. Biến thụ chuyển, nghĩa là chuyển y rồi hằng dùng tất cả thừa mà dạy dỗ.

Kệ nói:

Như hư không biến khắp,

Phật cũng khắp tất cả.

Hư không khắp các sắc,

Phật biến khắp chúng sinh.

Giải thích: Kệ này nói thể của Phật biến khắp tất cả như hư không. Hai câu đầu nói thẳng, hai câu sau giải thích. Ví như hư không biến khắp trong tất cả màu sắc, thể của Phật cũng vậy biến khắp trong chúng sinh. Nếu cho rằng chúng sinh hiện là chẳng phải Phật, nói thể của Phật không biến khắp là không đúng nghiã, vì chưa thành tựu.

Kệ nói:

Như đồ chứa nước vỡ,

Không thấy ánh trăng hiện.

Như vậy chúng sinh lỗi,

Cũng không thấy Phật hiện.

Giải thích: Kệ này nói thể của Phật tuy phổ biến mà chúng sinh không thấy, ví như vật chứa nước vỡ không thấy được mặt trăng. Chúng sinh tội lỗi không thấy được Phật cũng nghĩa như vậy.

Kệ nói:

Ví như tính của lửa,

Hoặc bùng cháy hoặc tắt.

Phật hóa hiện cũng vậy,

Xuất thế hoặc Niết-bàn.

Giải thích: Kệ này nói chư Phật giáo hóa có xuất hiện có không xuất hiện, ví như tính lửa có lúc bùng cháy có lúc tắt mất. Chư Phật giáo hóa cũng như vậy, có thời thị hiện xuất thế, có thời thị hiện Niếtbàn. Như vậy đã nói Như Lai chuyển y, tiếp nói Như Lai sự nghiệp hằng vô công dụng.

Kệ nói:

Ngọc như ý, trống trời,

Tự nhiên mà thành sự.

Phật giáo hóa, Phật nói,

Cũng vô tư như thế.

Giải thích: Đây hiển thị Phật sự là không dụng công. Ví như ngọc báu như ý, tuy vô tâm mà tự nhiên có thể biến hiện các thứ. Như Lai cũng vậy, tuy tâm vô công dụng mà tự nhiên có thể khởi các biến hóa. Ví như trống trời tuy vô tâm mà tự nhiên có thể phát ra các thứ âm thanh. Như Lai cũng vậy, tuy tâm vô công dụng mà tự nhiên có thể nói các thứ diệu pháp.

Kệ nói:

Y không nghiệp không ngớt,

Mà nghiệp có tăng giảm.

Y giới sự không dứt,

Mà sự có sinh diệt.

Giải thích: Kệ này hiển thị Phật sự không gián đoạn. Ví như thế gian y không mà tác nghiệp thì không lúc nào đoạn dứt. Chư Phật cũng vậy, y vào vô lậu giới mà làm Phật sự cũng không đoạn dứt. Ví như thế gian y vào không mà làm có tăng có giảm. Chư Phật cũng vậy, y vào vô lậu giới mà làm Phật sự cũng có sinh diệt.

Đã nói tâm vô công dụng không bỏ Phật sự, tiếp nói pháp giới vô lậu rất sâu.

Kệ nói:

Như trước sau cũng vậy,

Và lìa tất cả chướng.

Phi tịnh phi bất tịnh,

Phật nói gọi là như.

Giải thích: Kệ này hiển thị tướng thanh tịnh của pháp giới. Như trước sau cũng vậy, nghĩa là phi tịnh vì do tự tính không nhiễm. Và lìa tất cả chướng, nghĩa là phi bất tịnh vì về sau khách trần lìa bỏ. Phi tịnh phi bất tịnh Phật nói gọi là như, nghĩa là vì vậy cho nên Phật nói là như phi tịnh phi bất tịnh. Đó gọi là tướng thanh tịnh của pháp giới.

Kệ nói:

Thanh tịnh không vô ngã,

Phật nói đệ nhất ngã.

Vì chư Phật ngã tịnh,

Nên Phật gọi Đại ngã.

Giải thích: Kệ này hiển thị tướng Đại ngã của pháp giới. Thanh tịnh không vô ngã, nghĩa là vô lậu giới này do đệ nhất vô ngã làm tự tính. Phật nói đệ nhất ngã, nghĩa là đệ nhất vô ngã là thanh tịnh như. Cái thanh tịnh như kia tức là tự tính ngã của chư Phật. Vì chư Phật ngã tịnh, nên Phật gọi Đại ngã, nghĩa là do cái ngã này của Phật rất thanh tịnh nên gọi Phật bằng Đại ngã. Do ý nghĩa này, chư Phật trong cõi vô lậu kiến lập đệ nhất ngã. Đó gọi là tướng Đại ngã của pháp giới.

Kệ nói:

Phi thể phi phi thể,

Như vậy nói Phật thể.

Cho nên làm luận này,

Định là pháp vô ký.

Giải thích: Kệ này hiển thị tướng vô ký của pháp giới. Phi thể, là vì nhân pháp 2 tướng là bất khả thuyết. Phi phi thể, là vì như tướng thật hữu. Như vậy nói Phật thể, là do nhân duyên này nên nói Phật thể là phi thể phi phi thể. Cho nên làm luận này, định là pháp vô ký, nghĩa là vô ký là sau khi chết có Như Lai, sau khi chết không có Như Lai, sau khi chết cũng có Như Lai cũng không có Như Lai, sau khi chết chẳng phải có Như Lai chẳng phải không có Như Lai, 6 câu như vậy không thể ghi nhận. Vì vậy nên pháp giới là tướng vô ký.

Kệ nói:

Ví như sắt hết nóng,

Ví như mắt hết nhặm.

Tâm trí dứt cũng vậy,

Không nói thể hữu vô.

Giải thích: Kệ này hiển thị tướng giải thoát của pháp giới. Ví như sắt hết nóng, ví như mắt hết nhặm. Như vậy 2 việc hết nóng, hết nhặm có thể nói là phi thể phi phi thể. Bởi vì sao? Phi thể, là do cái nóng và sự nhặm mắt là không có tướng. Phi phi thể, là do dứt tướng hữu thể. Tâm trí dứt cũng vậy, không nói thể hữu vô, nghĩa là chư Phật tâm trí lấy tham làm cái nóng, lấy vô minh làm nhặm mắt. Hai cái đó nếu dứt cũng nói phi thể phi phi thể. Bởi vì sao? Vì phi thể, là do tham và vô minh dứt. Phi phi thể, là do có tâm tuệ giải thoát. Đó gọi là tướng giải thoát của pháp giới.

Đã nói tướng rất sâu, tiếp nói xứ rất sâu.

Kệ nói:

Cõi vô lậu chư Phật,

Chẳng một cũng chẳng nhiều.

Vì thân trước tùy thuận,

Chẳng thân, như hư không.

Giải thích: Kệ này hiển thị xứ rất sâu của pháp giới. Pháp giới vô lậu của chư Phật chẳng phải một chẳng phải nhiều. Bởi vì sao? Nói chẳng phải một là vì tiền thân tùy thuận, chẳng phải nhiều vì do chẳng phải thân.

Hỏi: Thế nào là chẳng phải thân?

Đáp: Vì như hư không.

Đó gọi là xứ rất sâu của pháp giới.

Đã nói xứ rất sâu, tiếp nói nghiệp rất sâu.

Kệ nói:

Ví như kho báu lớn,

Nơi sở y các báu.

Cõi tịnh cũng như vậy,

Nơi Phật pháp y chỉ.

Giải thích: Kệ này hiển thị pháp giới nơi nghiệp y chỉ. Do pháp giới thanh tịnh là nơi y chỉ của lực, vô úy v.v… các báu Bồđề phần.

Kệ nói:

Ví như mây dày bủa,

Mưa xuống tốt lúa má.

Cõi tịnh cũng như vậy,

Tuôn căn lành lợi sinh.

Giải thích: Kệ này hiển thị pháp giới thành thục nghiệp chúng sinh do từ pháp giới thanh tịnh lưu xuất các căn lành thành thục chúng sinh.

Kệ nói:

Như mặt trời mặt trăng,

Trong sạch và tròn sáng.

Cõi tịnh cũng như vậy,

Thiện căn tụ đầy đủ.

Giải thích: Kệ này hiển thị pháp giới nghiệp tụ đến cứu cánh. Nghĩa là phúc trí do pháp giới thanh tịnh. Như vậy 2 nhóm được viên mãn.

Kệ nói:

Ví như mặt trời lên,

Chiếu sáng khắp tất cả.

Cõi tịnh cũng như vậy,

Thuyết pháp hóa quần sinh.

Giải thích: Kệ này này hiển thị pháp giới là nghiệp thuyết chính pháp.

Kệ nói:

Như ánh sáng mặt trời,

Đồng sự chiếu thế gian.

Cõi tịnh cũng như vậy,

Phật hợp đồng nghiệp hóa.

Giải thích: Kệ này hiển thị tác nghiệp của pháp giới. Ví như nhiều mặt trời nhiều ánh sáng đồng thời hòa hợp làm một việc như làm khô ráo, làm chín hoa màu v.v… Cũng như vậy nhiều Phật nhiều trí đồng thời hòa hợp làm một nghiệp, như biến hóa v.v… Kệ nói:

Như mặt trời chiếu sáng,

Đồng thời và vô hạn.

Cõi tịnh Phật quang chiếu,

Hai việc cũng giống nhau.

Giải thích: Kệ này hiển thị nghiệp không phân biệt của pháp giới. Ví như ánh sáng mặt trời chiếu khắp đồng thời và vô hạn. Ánh sáng của Phật đồng thời chiếu khắp và vô hạn cũng như vậy.

Kệ nói:

Như các ánh sáng trời,

Nói là có mây che.

Cõi tịnh trí chư Phật,

Nói là chúng sinh chướng.

Giải thích: Kệ này hiển thị pháp giới không tác nghiệp. Ví như ánh sáng mặt trời bị mây che nên không chiếu. Cũng như vậy ánh sáng của Phật bị tội lỗi chúng sinh chướng ngại vì nhiều 5 thứ ô trược nên không có sở tác.

Kệ nói:

Ví như sức nước tro,

Nhuộm áo nhiều màu sắc.

Cõi tịnh hành nguyện lực,

Giải thoát các thứ trí.

Giải thích: Kệ này giải thích trí nghiệp giải thoát của pháp giới. Ví như chiếc áo do sức của nước tro có chỗ được các màu, có chỗ không được các màu. Cõi tịnh trong 3 thừa cũng vậy, do sức hạnh nguyện giải thoát của chư Phật được nhiều thứ trí. Giải thoát của nhị thừa không được nhiều thứ trí.

Kệ nói:

Cõi vô lậu rất sâu,

Tướng, xứ, nghiệp 3 thứ.

Chư Phật nói như vậy,

Như nhuộm, vẽ hư không.

Giải thích: Kệ này nói rõ lại nghĩa của rất sâu ở trước. Cõi vô lậu rất sâu, tướng, xứ, nghiệp 3 thứ, nghĩa là cõi vô lậu này, Thế Tôn lược nói có 3 thứ rất sâu: 1. Tướng rất sâu. 2. Xứ rất sâu. 3. Nghiệp rất sâu. Tướng rất sâu có 4 thứ: 1. Tướng thanh tịnh. 2. Tướng Đại ngã. 3. Tướng vô ký. 4. Tướng giải thoát. Theo thứ tự đó, 4 kệ trước hiển thị xứ rất sâu một thứ., nghĩa là không trụ một không trụ nhiều. Kệ thứ 5 hiển thị nghiệp rất sâu, có 8 thứ: 1. Nghiệp báu y chỉ. 2. Nghiệp thành thục chúng sinh. 3. Nghiệp đến cứu cánh. 4. Nghiệp nói chính pháp. 5. Nghiệp hóa sở tác. 6. Nghiệp không phân biệt. 7. Nghiệp trí bất tác. 8. Nghiệp trí giải thoát. Theo thứ lớp đó, 8 kệ sau hiển thị điều chư Phật nói như vậy. Ví như nhuộm vẽ hư không, nghĩa là cõi vô lậu này không có hý luận, ví như hư không cho nên rất sâu. Như vậy là nói sai biệt rất sâu, ví như nhuộm, vẽ trong hư không, nên biết nghĩa như vậy.

Kệ nói:

Tất cả không sai biệt,

Được “như” thanh tịnh vậy.

Nên nói các chúng sinh,

Gọi là Như Lai tạng.

Giải thích: Kệ này hiển thị pháp giới là Như Lai tạng. Tất cả không sai biệt, nghĩa là tất cả chúng sinh, tất cả chư Phật là bình đẳng không sai biệt, cho nên gọi là “như”. Được cái “như” thanh tịnh, nghĩa là được cái “như” thanh tịnh làm tự tính nên gọi là Như Lai. Vì nghĩa đó có thể nói tất cả chúng sinh là Như Lại tạng. Đã nói cõi vô lậu rất sâu, tiếp nói chư Phật biến hóa.

Kệ nói:

Thanh Văn và Duyên Giác,

Bồ-tát với Như Lai,

Mới hóa thoái thế gian,

Đến Phật thoái Bồ-tát.

Giải thích: Kệ này hiển thị tăng thượng biến hóa. Tất cả biến hóa của thế gian biến hóa Thanh Văn, biến hóa có thể thoái lui. Tất cả biến hóa của Thanh Văn biến hóa Duyên Giác, biến hóa có thể thoái lui. Tất cả biến hóa của Duyên Giác biến hóa Bồ-tát, biến hóa có thể thoái lui. Tất cả biến hóa của Bồ-tát biến hóa chư Phật, biến hóa có thể thoái lui. Không có biến hóa của một người nào có thể làm thoái lui biến hóa của chư Phật. Vì vậy biến hóa của Như Lai là tăng thượng bậc nhất.

Kệ nói:

Như vậy Phật biến hóa,

Vô lượng không nghĩ bàn.

Tùy người, tùy thế giới,

Tùy thời hiện các thứ.

Giải thích: Kệ này hiển thị sự biến hóa rất sâu. Cái rất sâu này có 2 nghĩa: một là vô lượng, hai là không thể nghĩ bàn.

Hỏi: Việc này như thế nào?

Đáp: Tùy người căn cơ nào, tùy thế giới nào, tùy thời tiết nào, như sai biệt kia hoặc nhiều hoặc ít, các biến hóa như vậy nhiều vô lượng và không thể nghĩ bàn. Cho nên biến hóa của Như Lai là rất sâu nhất. Từ đây trở xuống nói biệt chuyển biến hóa.

Kệ nói:

Như vậy 5 căn chuyển,

Biến hóa được tăng thượng.

Các nghĩa biến sở tác,

Công đức ngàn hai trăm.

Giải thích: Kệ này hiển thị chuyển 5 căn biến hóa. Biến hóa này được 2 thứ tăng thượng: 1. Được các nghĩa biến khắp sở tác. Nghĩa là mỗi một căn đều có thể hỗ tương tác dụng tất cả cảnh giới. 2. Được ngàn hai trăm công đức. Nghĩa là mỗi một căn đều được một ngàn hai trăm công đức.

Kệ nói:

Như vậy ý căn chuyển,

Biến hóa được tăng thượng.

Cực tịnh không phân biệt,

Hằng tùy biến hóa hành.

Giải thích: Kệ này hiển thị chuyển ý căn biến hóa. Ý căn là thức nhiễm ô. Do đây chuyển nên được trí cực tịnh không phân biệt. Hằng tùy tất cả biến hóa tùy hành cùng làm.

Kệ nói:

Như vậy nghĩa thụ chuyển,

Biến hóa được tăng thượng.

Tịnh độ nếu như muốn,

Thụ dụng đều hiện tiền.

Giải thích: Kệ này hiển thị chuyển nghĩa thụ biến hóa. Nghĩa, là 5 trần. Thụ, là 5 thức. Do 2 chuyển này cõi nước thanh tịnh, muốn gì đều hiện tiền tùy ý thụ dụng.

Kệ nói:

Như vậy phân biệt chuyển,

Biến hóa được tăng thượng.

Các trí ra tác nghiệp,

Hằng thời không chướng ngại.

Giải thích: Kệ này hiển thị chuyển phân biệt biến hóa. Phân biệt là ý thức. Do chuyển chuyển đây nên các trí sở tác tất cả mọi thời biến hóa không chướng ngại.

Kệ nói:

Như vậy an lập chuyển,

Biến hóa được tăng thượng.

Trụ Phật, câu bất động,

Không trụ nơi Niết-bàn.

Giải thích: Kệ này hiển thị chuyển an lập biến hóa. An lập là khí thế giới. Do chuyển đây nên trụ nơi pháp giới vô lậu bất động của Phật, được không Bát-niết-bàn, hằng khởi tăng thượng biến hóa.

Kệ nói:

Như vậy muốn chuyển nhiễm,

Biến hóa được tăng thượng.

Trụ Phật vô thượng lạc,

Thị hiện thê vô nhiễm.

Giải thích: Kệ này hiển thị chuyển dục nhiễm biến hóa. Do chuyển đây nên đước 2 thứ biến hóa: một là được vô thượng lạc trụ, hai là được thê vô nhiễm.

Kệ nói:

Như vậy không tưởng chuyển,

Biến hóa được vô thượng.

Tùy muốn được tất cả,

Đi đâu không tắt nghẽn.

Giải thích: Kệ này hiển thị chuyển không tưởng biến hóa. Do chuyển đây nên được 2 thứ biến hóa: Một là muốn gì đều được, vì được hư không tạng. Hai là Chỗ đi không tắt nghẽn, vì được hư không giải.

Kệ nói:

Như vậy vô lượng chuyển,

Như vậy vô lượng hóa,

Việc làm không nghĩ bàn,

Chư Phật y vô cấu.

Giải thích: Kệ này tổng kết nghĩa trước. Do vô lượng chuyển nên được vô lượng biến hóa. Như vậy nghiệp chư Phật không thể nghĩ bàn. Tất cả đều y vào pháp giới vô lậu. Đó là nghĩa cần phải biết.

Đã nói chư Phật biến hóa, tiếp nói chư Phật thành thục chúng sinh.

Kệ nói:

Khiến tập, khiến tăng trưởng,

Khiến thành thục, khiến thoát.

Thục thục không vô dư,

Vì thế gian vô tận.

Giải thích: Kệ này hiển thị thứ tự nhân thành thục. Người chưa tập họp thiện căn thì khiến tập họp, người đã tập họp thiện căn thì khiến tăng trưởng, người thiện căn đã lớn thì khiến thành thục, người đã thành thục thiện căn thì khiến giải thoát, khiến được thanh tịnh cùng tột. Như vậy 10 phương chư Phật đều nói thành thục rồi lại thành thục không Bát-niết-bàn. Bởi vì sao? Vì các thế gian không bao giờ là cùng tận.

Kệ nói:

Khó được đã được đủ,

Nơi nơi là chỗ về.

Hiếm có chẳng hiếm có,

Do được phương tiện tốt.

Giải thích: Kệ này hiển thị đã thành thục Bồ-tát hạnh chẳng phải tướng hiếm có. Khó được đã được đủ, nơi nơi làm chỗ về, nghĩa là vô thượng Bồ-đề là công đức cao tột, cái chưa từng có này nay đã đầy đủ tương ưng. Do tương ưng này nên có thể trong 10 phương thế giới hằng làm nơi quy về. Hiếm có chẳng hiếm có, nghĩa là như vậy nơi nơi thành thục chúng sinh là hiếm có. Như vậy cái hiếm có này cũng chẳng phải hiêm có. Bời vì sao? Do được phương tiện tốt.

Phương tiện tốt, nghĩa là tùy cơ đạo tức là thanh tịnh hạnh.

Kệ nói:

Chuyển pháp và pháp diệt,

Đắc đạo và Niết-bàn.

Nơi nơi khởi phương tiện,

Bất động chân pháp giới.

Giải thích: Kệ này hiển thị nhân phổ biến thành thục. Chuyển pháp và pháp diệt, đắc đạo và Niết-bàn, nghĩa là trong một sát-na có nơi thị hiện chuyển vô lượng pháp luân, có nơi thị hiện chính pháp diệt tận, có nơi thị hiện được Đại Bồ-đề, có nơi thị hiện nhập Niếtbàn, đây là do hành nghiệp chúng sinh không đồng nhau. Nơi nơi khởi phương tiện, bất động chân pháp giới, nghĩa là nếu chúng sinh đáng phải thành thục, Như Lai tùy nơi trụ xứ của chúng sinh ấy mà nơi nơi giáo hóa, nhưng trong pháp giới vô lậu cũng không động.

Kệ nói:

Không khởi ý phân biệt,

Thành thục trước, nay, sau.

Nơi nơi hóa chúng sinh,

Ba môn thường thị hiện.

Giải thích: Kệ này hiển thị nhân tự nhiên thành thục. Không khởi ý phân biệt, thành thục khứ lai kim, nghĩa là tất cả chư Phật không có ý niệm ta từng thành thục chúng sinh, ta sẽ thành thục chúng sinh, ta nay thành thục chúng sinh. Bởi vì sao? Vì không phân biệt. Nơi nơi hóa chúng sinh 3 môn thường thị hiện, nghĩa là tuy vô công dụng mà tất cả mọi thời dùng các thiện căn trong 10 phương thế giới khắp dùng 3 môn thành thục chúng sinh. Ba môn, là giáo môn 3 thừa .

Kệ nói:

Mặt trời tự nhiên sáng,

Phá tối, nuôi hoa màu.

Pháp Phật như mặt trời,

Diệt mê, thục chúng sinh.

Giải thích: Thí dụ của bài kệ này hiển thị nghĩa tự nhiên. Ví như mặt trời chẳng phải siêng năng chẳng cần phương tiện tự nhiên phóng ánh sáng khắp nơi phá tan tối tăm làm chín trăm hoa màu. Chư Phật cũng vậy, tuy không dụng công mà giáo pháp như ánh sáng mặt trời khắp nơi diệt mê hoặc thành thục chúng sinh.

Kệ nói:

Một đèn thắp nhiều đèn,

Tụ ánh sáng vô tận.

Một thục hóa nhiều thục,

Hóa vô tận cũng vậy.

Giải thích: Kệ này hiển thị nhân lần lượt thành thục. Ví như một ngọn đèn chuyển thắp nhiều ngọn đèn thành một ngọn đèn cực lớn tập họp vô lượng vô số vô tận. Chư Phật cũng vậy. Một Phật thành thục giáo hóa nhiều chúng sinh thành thục vô lượng vô số, mà sức giáo hóa cũng vô tận.

Kệ nói:

Biển lớn nhận nước sông,

Không chán cũng không đầy.

Cõi Phật thâu các thiện,

Không đầy cũng không thêm.

Giải thích: Kệ này hiển thị nhân thành thục không chán. Ví như biển lớn dung chứa nước trăm sông mà không chán đủ, cũng không tràn đầy vì sức chứa. Cõi Phật cũng vậy, thường thâu nhận vô lượng thiện căn mà không mãn túc cũng không tăng trưởng. Do hy hữu.

Đã nói chư Phật thành thục chúng sinh, tiếp nói pháp giới Phật thanh tịnh.

Kệ nói:

Hai chướng đã vĩnh trừ,

Pháp như được thanh tịnh.

Các vật và duyên trí,

Tự tại và vô tận.

Giải thích: Kệ này hiển thị nghĩa của pháp giới tính. Hai chướng vĩnh trừ, pháp như được thanh tịnh, là tướng thanh tịnh do phiền não chướng và trí chướng đã vĩnh viễn hết cả. Các vật và duyên trí, tự tại và vô tận, là tướng tự tại do các vật và duyên trí kia. Hai thứ tự tại vĩnh viễn vô tận.

Kệ nói:

Tất cả chủng như trí,

Tu tịnh pháp giới nhân,

Lợi lạc hóa chúng sinh,

Quả này cũng vô tận.

Giải thích: Kệ này hiển thị nghĩa của pháp giới nhân. Tất cả chủng như trí, tu tịnh pháp giới nhân, nghĩa là vì thanh tịnh pháp giới, trong tất cả mọi thời tu tất cả chủng như môn trí để làm nhân. Lợi lạc hóa chúng sinh, quả này cũng vô tận, nghĩa là vì giáo hóa chúng sinh, trong tất cả mọi thời cùng tất cả chúng sinh 2 quả lợi lạc hằng vô tận.

Kệ nói:

Phát khởi thân, khẩu, tâm,

Ba nghiệp hằng thời hóa.

Hai môn và hai tụ,

Phương tiện đều viên mãn.

Giải thích: Kệ này hiển thị nghĩa của pháp giới nghiệp. Phát khởi thân, khẩu, tâm, ba nghiệp hằng thời hóa, nghĩa là khởi nghiệp thân, nghiệp miệng, nghiệp tâm, tất cả mọi thời giáo hóa chúng sinh. Hai môn và hai tụ, phương tiện đều viên mãn, nghĩa là luận đầy đủ hai môn hai tụ làm phương tiện. Hai môn là Tam-muội môn và Đàla-ni môn. Hai tụ là phúc đức tụ và trí tuệ tụ.

Kệ nói:

Tự tính và pháp thực,

Biến hóa vị sai biệt.

Đây do pháp giới tịnh,

Là chư Phật đã nói.

Giải thích: Kệ này hiển thị nghĩa của pháp giới vị. Tự tính và pháp thực, biến hóa vị sai biệt, nghĩa là tự tính thân thực, thân hóa, thân vị sai biệt. Đâu do pháp giới tịnh, là chư Phật đã nói, nghĩa là nếu pháp giới không thanh tịnh thì vị này bất thành. Đã nói pháp giới chư Phật thanh tịnh, tiếp nói 3 thân của chư Phật.

Kệ nói:

Tính thân và thực thân,

Hóa thân hợp ba thân.

Phải biết đệ nhất thân,

Là y chỉ của hai.

Giải thích: Tất cả chư Phật có 3 thân: 1. Tự tính thân, do tướng chuyển y.2. Thực thân, do làm pháp thực trong chúng đại tập hội. 3. Hóa thân, do làm lợi ích chúng sinh được hóa độ. Nên biết trong đây tự tính thân là y chỉ của thực thân và hóa thân, vì đây là gốc.

Kệ nói:

Thực thân trong các cõi,

Thụ dụng có sai biệt.

Các cõi gọi thân nghiệp,

Tất cả đều khác nhau.

Giải thích: Thực thân trong tất cả thế giới, các đồ chúng, các quốc độ, các tên gọi, các thân, các nghiệp như thế các việc thụ dụng đều không đồng nhau.

Kệ nói:

Bình đẳng vi tế thân,

Thụ dụng thân hợp nhau.

Phải biết thụ dụng thân,

Là nhân của hóa thân.

Giải thích: Bình đẳng là tự tính thân. Vì tất cả chư Phật đều bình đăng không khác. Vi tế, là do thân này khó biết. Thụ dụng thân là thực thân. Thân này và bình đẳng thân hợp nhau do y khởi. Phải biết thụ dụng thân lại là nhân của hóa thân, do muốn thụ dụng tất cả thị hiện.

Kệ nói:

Hóa Phật hóa vô lượng,

Cho nên gọi hóa thân.

Hai thân hai lợi thành,

Nhất thiết chủng kiến lập.

Giải thích: Do hóa thân chư Phật trong tất cả mọi thời hóa ra vô lượng sai biệt. Phật do hóa này nên gọi hóa thân. Hai thân là thực thân và hóa thân. Hai lợi là tự lợi và tha lợi. Thực thân lấy tự lợi thành tựu làm tướng. Hóa thân lấy lợi tha thành tựu làm tướng. Như hai lợi này, tất cả chủng thành tựu nên lần lượt kiến lập thực thân và hóa thân.

Kệ nói:

Công xảo và xuất sinh,

Đắc đạo Bát-niết-bàn.

Thị hiện phương tiện lớn,

Khiến kia được giải thoát.

Giải thích: Lại nữa hóa thân, là trong tất cả mọi thời giáo hóa chúng sinh, hoặc hiện công xảo, hoặc hiện xuất sinh, hoặc hiện đắc Bồ-đề, hoặc hiện Bát-niết-bàn. Như vậy thị hiện các thứ phương tiện lớn đều khiến chúng sinh được giải thoát. Đây là tướng tha lợi thành tựu.

Kệ nói:

Nên biết Phật ba thân,

Đều trong thân chư Phật.

Tự tha lợi y chỉ,

Thị hiện cả ba thân.

Giải thích: Nên biết rằng ba thân này đều ở trong thân tất cả chư Phật, vì thị hiện y chỉ của tất cả tự lợi lợi tha.

Kệ nói:

Do dựa vào tâm nghiệp,

Ba Phật đều bình đẳng.

Tự tính không gián đoạn,

Ba Phật cùng thường trụ.

Giải thích: Ba thân kia theo thứ thứ tự là vì: Tất cả chư Phật thảy đều bình đẳng do y. Tất cả chư Phật tự tính thân bình đẳng vì pháp giới không riêng khác mà do tâm. Tất cả chư Phật thực thân bình đẳng, vì Phật tâm không khác mà do nghiệp. Tất cả chư Phật hóa thân bình đẳng vì đồng một sở tác. Lại nữa tất cả chư Phật thảy đều thường trụ vì do tự tính thường. Tất cả chư Phật tự tính thân thường trụ vì rốt ráo vô lậu do thường không gián đoạn. tất cả chư Phật thực thân thường trụ vì thuyết pháp không đoạn dứt do thường liên tục. Tất cả chư Phật hóa thân thường trụ, tuy diệt nơi đây lại hiện nơi kia.

Đã nói các Phật thân, tiếp nói các Phật trí.

Kệ nói:

Bốn trí kính không động,

Sở y của ba trí.

Tám, bảy, sáu, năm thức,

Vì lần lượt được chuyển.

Giải thích: Bốn trí kính không động, sở y của ba trí, nghĩa là tất cả chư Phật có bốn thứ trí: 1. Kính trí. 2. Bình đẳng trí. 3. Quán trí. 4. Tác sự trí. Kính trí lấy không động làm tướng, hằng làm chỗ y chỉ cho ba trí kia. Bởi vì sao? Vì ba trí là động, thức thứ 8, 7, 6, 5 lần lượt được chuyển. Chuyển thức thứ 8 được kính trí. Chuyển thức thứ 7 được bình đẳng trí. Chuyển thức thứ 6 được quán trí. Chuyển 5 thức trước được tác sự trí.

Kệ nói :

Kính trí duyên không phân,

Liên tục hằng không dứt.

Không ngu các sở thức,

Các tướng chẳng hiện tiền.

Giải thích: Kệ này hiển thị chuyển thức thứ 8 được kính trí. Kính trí duyên không phân, nghĩa là trong tất cả cảnh giới duyên không phân đoạn. Liên tục hằng không dứt, là trong tất cả mọi thời thường hiện hành không dứt. Không ngu các sở thức, là hiểu biết tất cả cảnh giới, vĩnh viễn hết các chướng. Các tướng chẳng hiện tiền, là trong các cảnh giới lìa hành tướng duyên vô phân biệt.

Kệ nói:

Kính trí: nhân các trí.

Gọi là đại trí tàng.

Các thân và các trí,

Hiện tượng từ đây khởi.

Giải thích: Kệ này hiển thị cái dụng của kính trí. Kính trí: nhân các trí, gọi là đại trí tàng, nghĩa là bình đẳng trí v.v… các trí tất cả đều lấy kính trí làm nhân, cho nên trí này ví như kho tàng lớn do các trí tàng chứa nơi đây. Các thân và các trí, hiện tượng từ đây khởi, nghĩa là các thân tức thụ dụng thân v.v…, các trí là bình đẳng trí v.v… Do thân tượng và trí tượng kia tất cả đều từ trí này sinh ra, cho nên Phật nói trí này là kính trí.

Kệ nói:

Chúng sinh bình đẳng trí,

Tu tịnh chứng Bồ-đề.

Chẳng trụ ở Niết-bàn,

Vì lẽ không cứu cánh.

Giải thích: Kệ này hiển thị chuyển thức thứ 7 được bình đẳng trí. Chúng sinh bình đẳng trí,tu tịnh chứng Bồ-đề, nghĩa là nếu chư Bồ-tát khi chứng pháp hiện tiền liền được trí bình đẳng tất cả chúng sinh, nếu tu tập trí này đến cực kỳ thanh tịnh thì được vô thượng Bồđề. Chẳng trụ ở Niết-bàn, vì lẽ không cứu cánh, nghĩa là do chúng sinh vô tận nên không rốt ráo, không rốt ráo nên không trụ Niết-bàn. Do nghĩa này nên nói là trí bình đẳng.

Kệ nói:

Đại từ và đại bi,

Là hai hằng không tuyệt.

Nếu chúng sinh có tin,

Phật tượng liền hiện tiền.

Giải thích: Kệ này hiển thị cái dụng của bình đẳng trí. Đại từ và đại bi, là hai hằng không tuyệt, nghĩa là chư Phật Như Lai trong mọi lúc theo sát chúng sinh. Bởi vì sao? Vì không đoạn tuyệt đại từ đại bi. Nếu chúng sinh có tin, Phật tượng liền hiện tiền, nghĩa là nếu chúng sinh tin thì liền tùy chúng sinh hiện. Cho nên có chúng sinh thấy Như Lai sắc xanh, có chúng sinh thấy Như Lai sắc vàng. Như vậy tất cả là hai trí trước, tức pháp thân.

Kệ nói:

Quán trí thức sở thức,

Hằng thời không có ngại.

Trí này như kho lớn,

Tổng trì Tam-muội y.

Giải thích: Kệ này hiển thị chuyển thức thứ 6 được quán trí. Quán trí trong sở thức, tất cả cảnh giới cảnh giới hằng không chướng ngại. Ví như kho chứa lớn, làm nơi y chỉ cho tất cả Đà-lani môn và tất cả Tam-muội môn. Bởi vì sao? Vì hai môn đều từ trí này sinh.

Kệ nói:

Hằng ở trong đại chúng,

Các thứ đều thị hiện.

Năng đoạn các lưới nghi,

Mưa cơn mưa đại pháp.

Giải thích: Kệ này hiển thị nghĩa của công dụng của quán trí. Như kệ nói, quán trí này tức là thực thân.

Kệ nói:

Sự trí trong các cõi,

Các thứ hóa sự khởi.

Vô lượng không nghĩ bàn,

Vì lợi ích quần sinh.

Giải thích: Kệ này hiển thị chuyển 5 thức trước được tác sự trí. Trí tác sự kia làm tất cả các việc biến hóa vô lượng vô biên không thể nghĩ bàn trong tất cả thế giới. Các nghiệp như vậy đều vì lợi ích tất cả chúng sinh. Tác sự trí này, tức là hóa thân.

Kệ nói:

Nhiếp trì và đẳng tâm,

Khai pháp và tác sự,

Như vậy y 4 nghĩa,

Lần lượt khởi 4 trí.

Giải thích: Nhiếp trì, nghĩa là nghe pháp rồi gìn giữ hành trì. Đẳng tâm, nghĩa là trong tất cả chúng sinh được tự tha bình đẳng. Khai pháp, nghĩa là diễn nói chính pháp. Tác sự, là khởi làm các nghiệp giáo hóa nên dựa vào nghĩa thứ nhất khởi kính trí, dựa vào nghĩa thứ hai khởi bình đẳng trí, dựa vào nghĩa thứ ba khởi quán trí, y vào nghĩa thứ tư khởi tác sự trí.

Kệ nói:

Tính biệt và không hư,

Tất cả và vô thủy,

Không khác nên không một,

Y đồng nên không nhiều.

Giải thích: Kệ này hiển thị chư Phật không một không nhiều. Không một, là do tính biệt, không hư, vô thủy, không khác. Tính biệt, là do vô biên chư Phật tính khác, nếu nói chỉ có một Phật mà có người sẽ được Bồ-đề là không đúng nghĩa. Cho nên Phật không phải một. Không hư, là nếu nhóm phúc đức trí tuệ mà hư thì bao nhiêu Bồ-tát sẽ không được Bồ-đề. Do hai nhóm không hư nên không phải vậy. Cho nên Phật không phải một. Tất cả, nghĩa là nếu nói chỉ một Phật thì Phật không làm lợi ích tất cả chúng sinh. Do Phật kiến lập tất cả chúng sinh thành Phật nên không phải nghĩa như vậy. Cho nên Phật không phải một. Vô thủy, là nếu nói ban đầu chỉ có một Phật thì vị Phật đó phải không có hai nhóm phúc trí mà được thành Phật, nghĩa đó không đúng. Cho nên Phật không phải một. Không khác, là nếu nói có Phật khác không có hai nhóm phúc trí là không đúng nghĩa. Cho nên Phật không phải một. Không nhiều, là do y đồng. Tất cả pháp thân chư Phật do cùng y vô lậu giới.

Đã nói trí chư Phật, tiếp nói nhập Phật phương tiện.

Kệ nói:

Phân biệt nếu hằng có,

Thì chân thật hằng không.

Phân biệt nếu hằng không,

Thì chân thật hằng có.

Giải thích: Nếu tự tính phân biệt là hằng có thì tự tính chân thật là hằng không, vì không thể được.Nếu tự tính phân biệt là hằng không thì tự tính chân thật hằng có, vì có thể được.

Kệ nói:

Muốn tu cái tu cao tột,

Không thấy tu tất cả.

Muốn được cái được cao tột,

Không thấy được tất cả.

Giải thích: Tu cao tột như thế kia thì tu kia là không thể được. Được cái được cao tột như thế kia thì cái được kia không thể có được.

Kệ nói:

Tôn trọng và dài lâu,

Quán Phật hy hữu pháp,

Duyên đây mau thành Phật,

Cách xa Phật Bồ-đề.

Giải thích: Nếu có Bồ-tát đối Phật Thế Tôn cực kỳ tôn trọng và thời gian dài lâu chính cần quán Phật, pháp vị tằng hữu, duyên quán tâm đây và dài lâu tinh tiến, mà bảo rằng ta sẽ mau được vô thượng Bồ-đề, phải biết rằng Bồ-tát này còn cách Phật Bồ-đề rất xa. Bởi vì sao? Kia còn tâm ngã mạn.

Kệ nói:

Quán pháp chỉ phân biệt,

Nghĩa này như trước biết.

Bồ-tát không phân biệt,

Là nói mau thành Phật.

Giải thích: Nếu Bồ-tát quán tất cả pháp chỉ là phân biệt, quán phân biệt kia cũng không phân biệt, tức được nhập vô sinh nhẫn vị kia. Do nghĩa này nói là được Bồ-đề. Đã nói nhập Phật phương tiện, tiếp nói chư Phật đồng sự.

Kệ nói:

Phải biết nước các sông,

Biệt y và biệt sự.

Nước ít thì trùng ít,

Vì chưa vào biển cả.

Tất cả vào biển cả,

Một y và một sự.

Nước nhiều thì trùng nhiều,

Và cũng thường vô tận.

Như vậy các biệt giải,

Biệt ý và biệt nghiệp.

Hiểu ít lợi ích ít,

Vì chưa nhập Phật thể.

Tất cả nhập Phật thể,

Một hiểu và một ý.

Hiểu nhiều lợi ích nhiều,

Cực tụ và vô tận.

Giải thích: Nước các sông ví như sự hiểu biết khác nhau của các Bồ-tát. Biệt y, ví như biệt ý các Bồ-tát. Một thứ nước ví như một kiến giải của Như lai. Một y ví như một ý của Như Lai. Do nước các sông khác nhau nên sự nghiệp của nước cũng khác. Do nước ít nên thụ dụng của loài thủy trùng cũng ít. Bởi vì sao? Vì chưa được cùng vào biển lớn. Chư Bồ-tát cũng vậy, do hiểu biết khác nhau nên tác nghiệp cũng khác. Do hiểu biết ít nên lợi ích chúng sinh cũng ít. Bởi vì sao? Vì chưa được cùng nhập Phật thể. Các sông nếu vào biển lớn, tức cùng một sở y, tức đồng một thể. Do sông có một nên sự nghiệp cũng có một. Do sông lớn nên thủy trùng thụ dụng cũng lớn. Nếu chư Bồ-tát đồng nhập Phật thể, tức đồng một ý, tức đồng một kiến giải, do kiến giải là một nên tác nghiệp cũng một. Do hiểu biết lớn nên lợi ích cũng lớn, cùng cực tất cả chúng sinh tụ cũng vô tận.

Như vậy đã nói thể dụng chư Phật, tiếp nói một kệ khuyên tiến đến mong cầu.

Kệ nói:

Pháp viên bạch vô tỷ,

Nhân lợi lạc chúng sinh.

Lạc trụ vô tận tàng,

Người trí cầu phát tâm.

Giải thích: Pháp viên bạch vô tỷ, nghĩa là vì Phật tự lợi thành tựu. Nhân lợi lạc chúng sinh, nghĩa là vì Phật lợi tha thành tưu. Lạc trụ vô tận tàng, nghĩa là do thiện căn của Phật không có gì hơn, không có gì trên, là kho tàng vô tận của sự an lạc. Người trí nên cầu phát tâm, nghĩa là người có trí tuệ phải phát tâm Bồ-đề cầu tối thắng an lạc trụ như vậy.

Xong Phẩm Bồ-đề.

HẾT QUYỂN 3

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13