LUẬN ĐẠI THỪA TRANG NGHIÊM KINH
Bồ-tát Vô Trước tạo luận
Đường, Thiên Trúc tam tạng Ba-la-phả-mật-đa dịch
Nguyên Hồng dịch tiếng Việt

 

QUYỂN 11

Phẩm 21 – 2: GIÁC PHẦN

Giải thích: Đã nói tu tập đạo phần, tiếp nói Bồ-tát tu tập chỉ quán.

Kệ nói:

An tâm nơi chính định,

Đây tức gọi là chỉ.

Chính trụ pháp phân biệt,

Gọi tên là quán tướng.

Giải thích: An tâm nơi chính định, đây tức gọi là chỉ, nghĩa là tâm y vào chính định mà không thấy tâm, chẳng phải không chính định mà lập chỉ cho nên gọi là chỉ tướng. Chính trụ pháp phân biệt, gọi tên là quán tướng, nghĩa là y vào chính trụ pháp thể phân biệt gọi là quán tướng.

Hỏi: Hai hành này tu như thế nào?

Kệ nói:

Khắp muốn các công đức,

Thì phải tu cả hai.

Một phần chẳng một phần,

Vì tu có đơn song.

Giải thích: Khắp muốn các công đức, thì phải tu cả hai, nghĩa là nếu người muốn khắp cầu các công đức thì phải tu cả hai hạnh chỉ và quán. Như trong kinh nói: “Phật bảo các Tì-khưu nếu có cầu thì làm sao để được? Các Tì-khưu ! Lìa dục lìa pháp ác bất thiện, cho đến nói rộng. Các Tì-khưu ! Có hai pháp cần phải tu tập. Đó là chỉ và quán.” Một phần chẳng một phần, nghĩa là một phần là chỉ hoặc quán. Chẳng phải một phần là hợp chỉ và quán.

Hỏi: Vì sao vậy?

Đáp: Vì tu có đơn song. Đơn tu là một phần, hoặc tu chỉ, hoặc tu quán. Song tu là không phải một phần, tức chỉ quán hợp tu.

Hỏi: Hai hành này chủng loại khác nhau thế nào? Và là nghiệp gì?

Kệ nói:

Năng thông và năng xuất,

Vô tướng cũng vô vi,

Tịnh độ và tịnh quả,

Là hai tức là nghiệp.

Giải thích: Nửa trên kệ này nói khác nhau về chủng loại, nửa dưới nói về nghiệp. Hai pháp này ở tín hành địa gọi là y chỉ tu. Nếu vào đại địa lại có 4 thứ sai biệt: 1. Năng thông tu, nghĩa là nhập sơ địa. 2. Năng xuất tu, nghĩa là nhập cho đến địa thứ sáu. Ở địa thứ sáu kia xuất phương tiện hữu tướng. 3. Vô tướng tu, nghĩa là nhập địa thứ bảy. 4. Vô vi tu, nghĩa là nhập ba địa sau. Tu mà còn làm dụng công gọi là hữu vi. Ba địa sau không làm dụng công nên gọi là vô vi. Năm thứ này gọi là chủng loại sai biệt. Tịnh độ, nghĩa là y vào ba địa sau tu hành tịnh độ. Tịnh quả, nghĩa là làm hạnh chuyển y. Hai tịnh này là nghiệp đó. Đã nói xong chỉ quán của Bồ-tát, tiếp nói Bồ-tát tu tập 5 thứ xảo phương tiện.

Kệ nói:

Tự thục và thành sinh,

Mau qủa và tác nghiệp.

Đường sinh tử không dứt,

Đây 5 xảo phương tiện.

Giải thích: Năm thứ xảo phương tiện là: 1. Tự thục Phật pháp, dùng trí vô phân biệt làm xảo phương tiện. 2. Thành thục chúng sinh, dùng 4 nhiếp pháp làm xảo phương tiện. 3. Mau được Bồ-đề, dùng sám hối, tùy hỷ, thỉnh chuyển pháp luân, sinh khởi thắng nguyện làm xảo phương tiện. 4. Tác nghiệp thành tựu, dùng 2 môn làm xảo phương tiện. Hai môn là Đà-la-ni môn và Tammuội môn. Vì dùng 2 môn này có thể thành tựu nghiệp lợi ích chúng sinh. 5. Đường sinh tử không dứt, dùng Niết-bàn vô trụ xứ làm xảo phương tiện.

Hỏi: Thế nào là xảo sai biệt, thế nào là xảo nghiệp?

Kệ nói:

Bồ-tát xảo không sánh,

Sai biệt dựa các địa.

Thành tựu tự tha lợi,

Và gọi đó là nghiệp.

Giải thích: Nửa trên kệ này nói về xảo sai biệt. Nửa dưới nói xảo nghiệp. Sai biệt, là 5 phương tiện này nơi chư Bồ-tát là tối thượng không gì bằng. Bởi vì sao? Vì trong các địa không chung với nhị thừa nên sai biệt. Nghiệp, là có thể thành tựu tất cả lợi ích đối với tự thân tha thân, gọi là nghiệp. Đã nói Bồ-tát xảo phương tiện, tiếp nói Bồtát Đà-la-ni.

Kệ nói:

Nghiệp báo và nghe tập,

Cũng lấy định làm nhân.

Y chỉ 3 hạnh này,

 Trì loại có 3 thứ.

Giải thích: Phẩm loại Đà-la-ni có 3 thứ: 1. Báo được, nghĩa là được do nghiệp lực đời trước. 2. Tập được, nghĩa là được do nghe và sức hành trì. 3. Tu được, nghĩa là được do dựa vào định lực.

Hỏi: Chủng loại sai biệt thế nào? Kệ nói:

Hai tiểu một là đại,

Một đại có 3 thứ.

Địa tiền với địa thượng,

Vì bất tịnh và tịnh

Giải thích: Hai tiểu một là đại, nghĩa là ở trong 3 thứ phẩm loại thì báo được và tập được thuộc tiểu. Tu được, chỉ một này là đại. Một đại lại có 3 thứ, nghĩa là trong chủng loại đại kia lại có 3 thứ là nhuyến, trung và thượng. Có được khi chưa nhập địa Bồ-tát là nhuyến. Có được khi nhập bất tịnh địa Bồ-tát là trung, tức là sơ địa đến địa thứ 7. Có được khi nhập thanh tịnh địa Bồ-tát là thượng, tức 3 địa sau.

Hỏi: Nghiệp như thế nào?

Kệ nói:

Phải biết các Bồ-tát,

Hằng y Đà-la-ni.

Nghe pháp và trì pháp,

Tác nghiệp đều như vậy.

Giải thích: Chư Bồ-tát y chỉ Đà-la-ni hằng khai thị diệu pháp và thường thụ trì lấy đó làm nghiệp. Đã nói Bồ-tát Đà-la-ni, tiếp nói Bồ-tát khởi các nguyện.

Kệ nói:

Tư dục cùng làm thể,

Riêng trí là nhân kia.

Các địa tức là địa,

Hai quả cũng là quả.

Phải biết sai biệt 3,

Chủng chủng đại thanh tịnh.

Nghiệp này có 2 thứ,

Tự lợi và lợi tha.

Giải thích: Hai kệ này dùng 6 nghĩa phân biệt các nguyện: 1. Tự tính. 2. Nhân. 3. Địa. 4. Quả. 5. Sai biệt. 6. Nghiệp. Nghiệp tương ưng với tư dục làm tự tính, lấy trí làm nhân, các địa làm địa, 2 quả làm quả. Hai quả tức quả hiện tại và quả vị lai. Lấy các nghiệp làm nhân thì tâm được toại. Tâm toại tức đúng như tâm muốn dèu được thành tựu. Lại dùng nguyện lực dạo qua các quả nguyện. Như thân phóng ánh sáng, miệng phát âm vang. Cho đến nói rộng, sai biệt có 3 thứ: 1. Các thứ, nghĩa là tín hành địa muốn được các nguyện như vậy như vậy. 2. Rộng lớn, tức là 10 đại nguyện của nhập địa Bồ-tát. 3. Thanh tịnh, nghĩa là các địa sau chuyển dần chuyển dần thành thanh tịnh, cho đến Phật địa thì cực thanh tịnh, đó là sai biệt.

Hai thứ nghiệp là: 1. Thành tựu tự lợi. 2. Thành tựu lợi tha. Đó là nghiệp. Đã nói các nguyện của Bồ-tát, tiếp nói Bồ-tát tu Tam Tam-muội.

Kệ nói:

Phải biết 2 vô ngã,

Cùng với 2 ngã y,

 Hai y thường tịch diệt,

Ba định cảnh sở hành.

Giải thích: Tam Tam-muội có 3 thứ sở hành: 1. Nhân pháp 2 vô ngã là không Tam-muội sở hành. 2. Hai chấp kia dựa vào 5 thủ ấm là vô nguyện Tam-muội sở hành. 3. Kia dựa vào rốt ráo tịch diệt là vô tướng Tam-muội sở hành. Sở thủ thể của 3 thứ kia là 3 thứ cảnh giới. Năng thủ thể của 3 thứ kia là 3 thứ Tam-muội. Cho nên gọi đó là Tam Tam-muội.

Hỏi: Tam Tam-muội danh nghĩa như thế nào?

Kệ nói:

Không định vô phân biệt,

Vô nguyện yếm bối sinh.

Vô tướng hằng lạc đắc,

Kia y thường tịch diệt.

Giải thích: Không định vô phân biệt, nghĩa là nghĩa của vô phân biệt là nghĩa của không Tam-muội, do không phân biệt nhân pháp 2 ngã. Vô nguyện yếm bối sinh, nghĩa là nghĩa của yếm bối là nghĩa của vô nguyện, do chán bỏ sở y ngã chấp. Vô tướng hằng lạc đắc, kia y thường tịch diệt, nghĩa là nghĩa của lạc đắc là nghiã của vô tướng Tam-muội, do thích được sở y rốt ráo tịch diệt.

Hỏi: Tam Tam-muội khởi như thế nào?

Kệ nói:

Phải biết và phải đoạn,

Cùng với phải tác chứng.

Tuần tự không v.v… các định,

Tu tập có 3 thứ.

Giải thích: Nói phải biết, phải đoạn và phải chứng, nghĩa là phải biết nhân pháp 2 vô ngã, phải đoạn sở y của 2 ngã chấp, phải chứng rốt ráo tịch diệt. Tuần tự không v.v… các định có 3 thứ tu tập, nghĩa là trong đây vì biết nhân pháp 2 vô ngã nên tu không Tammuội, vì đoạn sở y 2 chấp kia nên tu vô nguyện Tam-muội, để chứng rốt ráo tịch diệt kia nên tu vô tướng Tam-muội. Đã nói Bồ-tát tu Tam Tam-muội, tiếp nói Bồ-tát 4 pháp Ưu-đà-na.

Kệ nói:

Như trước 3 Tam-muội,

Bốn ấn làm y chỉ.

Bồ-tát nói như vậy,

Vì lợi ích quần sinh.

Giải thích: Bốn pháp ấn là: 1. Tất cả hành vô thường ấn. 2. Tất cả hành khổ ấn. 3. Tất cả pháp vô ngã ấn. 4. Niết-bàn tịch tịnh ấn. Trong đây phải biết vô thường ấn và khổ ấn là thành tựu y chỉ của vô nguyện Tam-muội. Vô ngã ấn là thành tựu y chỉ của không Tam-muội. Tịch diệt ấn là thành tựu y chỉ của vô tướng Tam-muội. Bồ-tát nói 4 pháp ấn này làm y chỉ 3 Tam-muội đều vì lợi ích các chúng sinh.

Hỏi: Những gì là nghĩa của vô thường v.v…cho đến những gì là nghĩa của tịch diệt?

Kệ nói:

Vô nghĩa nghĩa phân biệt,

Không chân nghĩa phân biệt.

Dứt các nghĩa phân biệt,

Là nghĩa 4 pháp ấn.

Giải thích: Trong đây chư Bồ-tát lấy vô nghĩa làm nghĩa của vô thường, vì do tướng phân biệt rốt ráo là vô thường, lấy nghĩa phân biệt làm nghĩa của vô ngã, do tướng phân biệt chỉ có phân biệt. Vì 2 tướng phân biệt này là vô thể. Không chân nghĩa phân biệt là nghĩa của khổ, vì 3 cõi tâm tâm pháp là thể của khổ. Đây là tướng y tha. Dứt các nghĩa phân biệt là nghĩa của tịch diệt. Đây là tướng chân thật. Lại nữa phải biết tướng y tha lại lấy sát-na sát-na hoại diệt làm nghĩa của vô thường.

Hỏi: Làm sao thành lập nghĩa của sát-na hoại diệt?

Kệ nói:

Do khởi và theo nhân,

Mâu thuẫn và không trụ,

Vô thể và tướng định,

Tùy chuyển với diệt hết,

Biến đổi nhân và quả,

Chấp trì với tăng thượng,

Tùy tịnh và tùy sinh,

 Thành nghĩa có 15.

Giải thích: Hai bài kệ này dùng 15 nghĩa thành lập nghĩa sátna sát-na diệt: 1. Do khởi. 2. Theo nhân. 3. Mâu thuẫn. 4. Không trụ. 5. Vô thể. 6. Tướng định. 7. Tùy chuyển. 8. Diệt hết. 9. Biến đổi. 10. Nhân. 11. Quả. 12. Chấp trì. 13. Tăng thượng. 14. Tùy tịnh. 15. Tùy sinh. Do 15 nghĩa này có thể thành lập nghĩa sát-na hoại diệt.

Thứ nhất, do khởi nghĩa là các hành liên tục chảy như dòng nước gọi là khởi. Nếu không có nghĩa sát-na sát-na diệt mà có các hành liên tục chảy như dòng nước thì không đúng. Nếu ông nói vật có tạm thời dừng trụ, sau rồi cái trước diệt cái sau khởi gọi là liên tục thì không liên tục vì do khi tạm trụ sau khởi là không.

Thứ hai, theo nhân nghĩa là tất cả vật gì trước diệt sau khởi đều phải nhờ nhân duyên. Nếu lìa nhân duyên là vô thể. Nếu ông nói vật kia nhân ban đầu sau có thể sinh nhiều quả là không đúng. Nhân ban đầu tác nghiệp thì liền diệt hết, lẽ nào được làm nhân cho nhiều quả sau. Nếu ông nói nhân ban đầu khởi rồi không khởi nữa thì lập nhân này dùng làm gì? Nếu ông nói khởi rồi nhưng chưa diệt, sau mới diệt thì về sau cái gì là nhân của diệt?

Thứ ba, mâu thuẫn nghĩa là nếu ông chấp nhân năng khởi cũng là nhân của diệt thì không đúng. Khởi và diệt mâu thuẫn nhau mà đồng một nhân là vô lý, ví như ánh sáng và bóng tối, lạnh và nóng không chung cùng nhau được, đây cũng vậy. Cho nên khởi nhân tức không phải diệt nhân. Nếu ông chấp các hành khởi rồi không phải diệt liền thì trái với A-hàm và trái đạo lý. Trái với A-hàm là Phật bảo các Tì-khưu các hành như huyễn là pháp hoại diệt, đó là tạm thời pháp sát-na không trụ. Trái đạo lý là những người tu hành ở trong các hành sinh diệt tư duy sát-na sát-na diệt. Nếu không như vậy thì khi lâm chung thấy tướng diệt kia sẽ không chán ghét lìa dục giải thoát. Thế là đồng với các phàm phu khác.

Thứ tư, không trụ nghĩa là nếu ông nói các hành khởi rồi có trụ lại, vậy hành đó tự trụ hay trụ được do nhân khác? Nếu hành tự trụ sao không trụ mãi? Nếu do cái khác mà trụ vậy là vô thể, sao có thể làm nhân được? Cả hai đều không phải vậy, cho nên không thành nghĩa sát-na sát-na diệt.

Thứ năm, vô thể nghĩa là nếu ông chấp nhân của trụ tuy không, nhưng nhân của hoại chưa đến, cho nên được trụ. Nếu nhân của hoại đến thì sau đó liền diệt. Không phải như lửa biến đổi cục sắt đen là không phải vậy. Nhân của hoại rốt ráo là vô thể. Cho nên lửa biền đổi sắt ví cho ngã là vô lý. Sắt và lửa hợp lại tướng đen tựa như diệt tướng đỏ tựa như khởi. Có thể làm cho tướng đỏ khởi lên là công năng của lửa, thật sự không phải lấy lửa biến đổi sắt đen. Lại nữa như đun nước cho đến cạn không còn nước nữa, cũng không phải hợp với lửa nước mới thành vô thể.

Thứ sáu, tướng định, nghĩa là Phật nói pháp hữu vi tướng hữu vi hoàn toàn chắc chắn gọi là vô thường. Ông chấp các hành khởi rồi không diệt liền, tức là pháp hữu vi có một chút thời gian ngắn không phải vô thường, như vậy là rơi vào không phải hoàn toàn một tướng quyết định.

Thứ bảy, tùy chuyển nghĩa là nếu ông nói nếu như vật sát-na sát-na sinh mới thì sao trong đó đem cái cũ mà hiểu? Phải nói do tương tự tùy chuyển mà được như vậy. Ví như ngọn đèn cháy tương tự khởi, cho nên khởi cái biết ngọn đèn cũ mà thật sự là khác với trước, vì không thật thể.

Thứ tám, diệt hết nghĩa là nếu ông nói làm sao biết được vật sau không phải trước? Phải nói vì do diệt hết. Nếu trụ không diệt thì sát-na sau với sát-na ban đầu trụ không sai biệt. Do có sai biệt nên biết vật sau không phải vật trước.

Thứ chín, biến đổi, nghĩa là nếu ông nói vật mới khởi không biến đổi khác ngay là không đúng. Thể của nội ngoại pháp, hậu biên lá bất khả đắc. Do khi mới khởinliền dần dần biến đổi đến rõ ràng. Ví như sữa để chua đông lại thì tướng sữa đông mới hiện, nhưng sự biến thể rất tinh vi khó biết được. Do tương tự tùy chuyển gọi là vật trước. Vì vậy thành nghĩa sát-na sát-na diệt.

Thứ mười, nhân, nghĩa là nếu ông chấp nhận tâm là sát-na diệt, khởi nhân của tâm kia là nhãn sắc v.v… các hành, quả kia sát-na diệt nên nhân cũng sát-na, do không thể lấy nhân thường khởi quả vô thường được.

Thứ mười một, quả, nghĩa là nhãn v.v… các hành kia cũng là quả của tâm. Cho nên thành nghĩa của sát-na diệt, do không thể lấy nhân vô thường khởi quả thường được.

Thứ mười hai, chấp trì, nghĩa là nếu ông nói làm sao biết được nhãn v.v… các hành cũng là quả của tâm. Phải nói vì do tâm chấp trì mà được tăng trưởng.

Thứ mười ba, tăng trưởng, nghĩa là lại như Phật nói tâm đem thế gian đi, tâm dắt thế gian đến. Do tâm tự tại thế gian tùy chuyển. Thức duyên danh sắc cũng vậy. Cho nên các hành là quả của tâm.

Thứ mười bốn, tùy tịnh, nghĩa là tịnh là tâm người thiền định. Các hành của người ấy tùy theo tịnh tâm chuyển. Như trong kinh nói: Tì-khưu tu thiền đầy đủ thần thông tâm được tự tại. Nếu muốn khiến cây thành vàng liền được tùy ý. Cho nên biết các hành đều là quả của tâm.

Thứ mười lăm, tùy sinh, nghĩa là như chúng sinh tạo tội thì được ngoại vật tất cả đều xấu kém, tạo phúc thì được ngoại vật tất cả đều tốt đẹp. Cho nên biết các hành đều là quả của tâm. Nhân là sát-na quả chẳng phải sát-na là không có đạo lý như thế, vì nhân tự tại.

Như vậy là đã thành lập chung tất cả các hành trong ngoài là sát-na rồi, tiếp thành lập nội pháp là sát-na.

Kệ nói:

Sơ khởi và tục khởi,

Trưởng khởi và y khởi,

Liệt khởi và thắng khởi,

Minh khởi vô minh khởi,

Cho đến dị xứ khởi,

Chủng khởi vô chủng khởi,

Tượng khởi 14 khởi.

Giải thích: Kệ này dùng 14 thứ khởi thành lập nghĩa sát-na của các hành nội pháp: 1. Sơ khởi, nghĩa là tự tính sinh đầu tiên. 2. Tục khởi, nghĩa là trừ sát-na đầu tiên, các sát-na khác sinh. 3. Trưởng khởi, nghĩa là ngủ, ăn, Phạm hạnh, chính thụ, trưởng dưỡng nên sinh.

4. Y khởi, nghĩa là nhãn v.v… các thức y chỉ nhãn v.v…các căn sinh. 5. Biến khởi, nghĩa là tham v.v…nhiễm ô khiến sắc v.v…biến đổi sinh. 6. Thục khởi, nghĩa là thành thai, ấu nhi, đồng tử, thiếu niên, tráng niên, trung niên già v.v… sinh. 7. Liệt khởi, nghĩa là sinh các ác đạo. 8. Thắng khởi, nghĩa là sinh các thiện đạo. 9. Minh khởi, nghĩa là sinh Dục giới 2 cõi trời sau và Sắc giới Vô sắc giới tất cả các cõi trời. 10. Vô minh khởi, nghĩa là trừ các minh xứ trước, sinh các xứ còn lại. 11. Dị xứ khởi, nghĩa là chết xứ này sinh xứ kia. 12. Chủng khởi, nghĩa là trừ A-la-hán tối hậu 5 ấm sinh. 13. Vô chủng khởi, nghĩa là trừ tối hậu 5 ấm sinh ở trước, do vì không có chủng tử hậu sinh. 14. Tượng khởi, nghĩa là người nhập giải thoát thiền, định tự tại lực nên các hành tượng sinh.

Hỏi: Lại vì nhân gì thành lập 14 thứ khởi này?

Kệ nói:

Tục dị và đoạn dị,

Túy trưởng và tùy y,

Trụ quá và khứ quá,

Vô trụ vô vô tử,

Cũng có tùy tâm tướng,

Hành giả cần phải biết.

Chín thứ nhân như thế,

Thành 14 khởi trước.

Giải thích: Hai kệ này dùng 9 thứ nhân thành lập 14 khởi trước. Chín thứ nhân là: 1. Tục dị. 2. Đoạn dị. 3.Tùy trưởng. 4. Tùy y. 5. Trụ quá. 6. Khứ quá. 8. Hữu tử. 9. Tùy tâm.

Thứ nhất, tục dị, nghĩa là nhân này thành lập cái thứ nhất sơ khởi. Nếu đầu tiên khi mới khởi, thể của nhân là không khác biệt thì lúc sau các hành tiếp tục khởi cũng không khác biệt, vì thể của nhân không khác biệt. Do nhân có khác biệt nên sau các hành sátna được thành.

Thứ hai, đoạn dị, nghĩa là nhân này thành lập cái thứ hai tục khởi. Nếu mỗi một sát-na nhân không khác biệt, thì lúc sau đoạn sự khác biệt cũng không thể được, vì sự đoạn có khác nhau. Vì vậy thành nghĩa các hành sát-na.

Thứ ba, tùy trưởng, nghĩa là nhân này thành lập cái thư ba là trưởng khởi. Có thể khiến các hành viên mãn nen gọi là trưởng. Nếu không có sát-na mà có các hành trưởng dưỡng là không đúng, là và nó trụ đứng yên. Nếu các hành trụ thì đứng yên không thể dần dần lớn lên viên mãn được. Thế không gọi là trưởng dưỡng.

Thứ tư, tùy y, nghĩa là nhân này thành lập thứ tư y khởi. Nếu chấp năng y không trụ còn sở y thì trụ là không đúng. Ví như người cưỡi ngựa, người đi ngựa không đi là không có lý. Cũng như vậy thức y vào căn, thức có sát-na mà y không sát-na là không đúng.

Thứ năm, trụ quá, nghĩa là nhân này thành lập 6 khởi, đó là: biến khởi, thục khởi, liệt khởi, thắng khởi, minh khởi, vô minh khởi. Thành lập biến khởi, thục khởi, là nếu chấp các hành sơ khởi tức trụ không diệt là không phải, vì không biến khởi. Nghĩa là tham v.v… biến sắc hằng không thể được, do ban đầu không biến sau cũng vậy. Nếu ban đầu không biến, sau các thục vị cũng không thể được, do trước có biến sau mới thục. Thành lập liệt khởi, thắng khởi sát-na cũng vậy. Nếu chấp các hành được trụ, mà có thiện ác huân tập lần lượt cùng quả là không đúng. Các hành không trụ làn lượt liên tục đều được cùng với quả. Nghĩa này là như vậy. Thành lập minh khởi, vô minh khởi sát-na cũng vậy. Nếu các hành được trụ, thì minh khởi cũng không không trụ mà có vì do tâm chuyển. Không vô minh khởi cũng vậy, vì sau không biến đổi.

Thứ sáu, khứ quá, nghĩa là nhân này thành lập thứ 11 là dị xứ khởi. Nếu chấp các hành qua các nơi mà gọi đi là không đúng. Tôi nay hỏi ông các hành đi là khởi rồi đem các hành sang các nơi khác, hay là không khởi mà đem các hành sang các nơi khác? Nếu khởi rồi đem sang, tức là nơi này khởi rồi, các nơi khác không khởi, thế tức là trụ, mà nói đi vậy là trái nghĩa. Nếu không khởi đem sang, không khởi tức xưa nay không đi, mà nói đi là vô nghĩa. Lại nữa nếu các hành đi làm trụ nơi đây, tức làm sở tác khiến các hành đi, thì cũng không đúng, vì trụ thì không được đến các nơi khác. Nếu các hành đến các nơi khác mới làm sở tác thì cũng không đúng, vì không lìa đi mà có các hành đến các nơi khác. Nếu nơi này trụ, , nếu các nơi khác trụ, lìa các hành ra ngoài rốt ráo cầu làm không thể được. Cho nên không khác các hành liên tục mà có đi, làm đi đã vô thể thì thành nghĩa sát-na. Nếu ông nói nếu thật không đi sao người đời thấy đi. Phải nói rằng do liên tục không gián đoạn nên giả nói là đi thật không có cái thể của đi. Nếu ông nói lại có nhân gì các hành được liên tục đi thì phải nói có vô lượng nhân duyên. Có tâm lực tự tại như oai nghi v.v… là đi. Có nghiệp đời trước tự tại như trong thân trung ấm là đi. Có sức mạnh của tay tự tại như bắn tên, ném đá là đi. Có y chỉ tự tại như cỡi xe đi thuyền là đi. Có sức tác động tự tại như gió thổi vật là đi. Có tự thể tự tại như tính gió tạt đi, tính lửa đi lên, tính nước đi xuống. Có sức phép thuật tự tại như chú thuật, linh dược đi trên không. Có đá nam châm tự tại có thể khiến sắt đi. Có sức thần thông tự tại như nương thần thông mà đi. Có các nhân duyên vô lượng như vậy có thể khiến các hành tương tục giả gọi là đi. Nên biết như thế.

Thứ bảy, vô trụ, nghã là nhán này thành lập thứ 12 là chủng khởi. Nếu các hành được trụ mà lúc khác lại có chủng tử khởi là không đúng, vì sát-na sát-na không có nhân khác. Nếu các hành không trụ, sau có chủng tử khởi thì nghĩa này có thể được.

Thứ tám, hữu tử, nghĩa là nhân này thành lập thứ 13 vô chủng khởi. Nếu không có sát-na mà có lúc chết, tức vô chủng khởi là không đúng. Trước có chủng khởi, sau khi mạng chung mới không chủng khởi cũng không đúng, vì mỗi một sát-na nhân là vô thể. Cho nên tử tâm sát-na là không thể thành.

Thứ chín, tùy tâm, nghĩa là nhân này thành lập thứ 14 tượng khởi, do tâm tự tại sát-na sát-na tượng kia được khởi.. Nếu không sát-na mà tượng đợc khởi là vô lý.

Hỏi: Như vậy là thành lập riêng nội hữu là pháp sát-na rồi. Vậy lại có nhân gì có thể thành lập ngoại pháp 4 đại và 6 thứ tạo sắc là sát-na ư?

Kệ nói:

Do đầy và do cạn,

Tính động tăng và giảm,

Hai khởi với 4 biến,

Sức củi và yếu dần,

Cũng nói tùy tâm khởi,

Cũng vì nạn vấn thành,

 Tất cả các ngoại pháp,

 Đều là sát-na thể.

Giải thích: Hai bài kệ này dùng 14 nhân thành lập ngoại pháp là sát-na. Nước có 2 nhân: 1. Đầy. 2. Cạn. Nếu không có sátna thì hoặc đầy hoặc cạn không thể hiện ra. Nếu có người hỏi như thế này: Nếu không có sát-na thì nước do nhân gì mà đầy và do nhân gì mà cạn? Người kia sẽ không trả lời được. Nay thấy nước có đầy cạn cho nên biết sát-na là nhân của nước đầy hoặc cạn. Gió có 3 nhân: 1. Tính động. 2. Tăng mạnh. 3. Giảm dứt. Nếu tính của gió là trụ thì khi không động nó là vô thể cũng không tăng mạnh cũng không giảm dứt, vì do nó trụ. Đát có 6 nhân: là 2 khởi 4 biến đổi. Hai khởi là do nước do gió mà đất khởi được. Nghĩa là khi kiếp sinh thì đất kia là quả của nước và gió, cho nên biết đất cũng là sát-na. Bốn biến đổi, là do 4 thứ làm cho đất có thể biến đổi: 1. Nghiệp lực làm ra, vì do nghiệp lực của chúng sinh có sai khác. 2. Nhân công làm ra, như đào lấp v.v… 3. Các đại làm ra, như do lửa, nước, gió. 4. Thời tiết làm ra, do thời tiết thay đổi làm hiện tướng khác. Nếu không sát-na không thể có 4 sự biến đổi này. Vì nhân vô số, như đất có 6 nhân biết là sát-na. Sắc, hương, vị, xúc 6 nhân cũng vậy cho nên cũng là sát-na. Lửa có 1 nhân là sức của củi, sức lửa của củi tăng nên lửa khởi. Đã cùng với lửa khởi thì củi không được trụ. Lửa đốt củi rồi thì lửa cũng không trụ. Nếu lửa không do củi thì sau không có củi lửa phải trụ lâu, do tùy đồng nghĩa với lửa. Tiếng sau khi nói, tiếng có 1 nhân, như yếu nhỏ dần. Ví như tiếng chuông lúc sau nhỏ dần. Nếu không có sát-na thì lúc sau không có tiếng nhỏ yếu. Lý pháp nhập sắc có 1 nhân, là tùy tâm khởi. Như khi thụ giới tùy tâm khởi hạ trung thượng. Nhân của tâm là sát-na nên quả của nó cũng sát-na. Cho nên ngoại pháp sát-na cũng thành lập.

Lại nữa đều do nạn vấn. Nay tôi hỏi ông vì sao muốn được các hành vô thường không muốn được các hành sát-na diệt? Nếu ông nói không thể biết được mỗi mỗi sát-na diệt thì không đúng. Ví như ngọn đèn, trong trường hợp bất động ta cũng không thấy biết cái sát-na của nó. Vì sao ông muốn bảo cái thể của nó là không sát-na? Nếu ông bảo cái thể của ngọn đèn có sát-na vi tế nên không biết được, thì các hành cũng vậy chứ sao không muốn bảo là có sát-na? Nếu ông nói ngọn đèn với các hành không giống nhau, thế là không đúng. Có 2 thứ không giống nhau: 1. Tự tính không giống nhau. 2. Thời phần không giống nhau. Nếu đây là trường hợp tự tính không giống nhau thì thí dụ này đúng, vì lấy phi tự thể làm thí dụ., không phải như lấy đèn dụ cho đèn, lấy con bò dụ con bò thì thí dụ không thành. Nếu lấy thời phần không giống nhau thì thí dụ cũng thành, vì ngọn đèn và các hành đều sát-na giống nhau. Nếu chẳng phải sát-na mà thí dụ thì không thành. Nay lại hỏi ông nếu như người cỡi một vật gì mà vật ấy trụ đứng yên thì người ấy có đi không? Đáp: Không. Nếu vậy căn sở y trụ mà thức năng y đi cũng không hợp lý. Nếu ông nói vì sao hiện thấy ngọn đèn mỗi niệm mỗi niệm diệt mà tim đèn trụ như vậy? Phải nói rằng chỗ thấy của ông lf thấy không đúng. Do tim đèn liên tục sát-na sát-na có hoại có khởi mà ông không biết như thật. Nếu ông nói các hành sát-na như ngọn đèn thì vì sao người đời chẳng biết? Phải nói rằng các hành là vật điên đảo cho nên liên tục sát-na tùy chuyển. Đây không biết được mà thật sự là riêng biệt khởi. Người đời gọi là vật hiện tiền mà sinh cái biết điên đảo. Nếu không vậy đã không có sự điên đảo thường và vô thường. Nếu cái thể của điên đảo là không thì cũng không có nhiễm ô, vậy chỗ nào gọi giải thoát? Do các nạn vấn đó mà các hành sát-na thành. Đã thành lập nghĩa của vô thường rồi, tiếp thành lập nghĩa của vô ngã.

Hỏi: Con người có thể nói là có hay là không?

Kệ nói:

Người giả chẳng thật có,

 Không thể nói là thật.

Điên đảo và nhiễm ô,

Vì nhân nhiễm thành lập.

Giải thích: Người là giả chẳng thật có, nghĩa là có thể nói người là giả gọi có, chẳng phải thật thể có. Nếu như vậy là không rơi vào cái chấp một bên, vì lìa có không.

Hỏi: Người là thật có, sao biết là không?

Đáp: Thật, là không thể được, do người ấy không như sắc v.v… có cái thể có thể có được, vì chẳng phải giác trí chứng.

Hỏi: Người chẳng phải giác trí không chứng. Phật lại nói: Ta hiện tại có thể được. Ông nói không thể được là không đúng.

Đáp: Đây nói có thể được, chẳng phải thật có thể được, vì do điên đảo. Phật nói vô ngã chấp ngã, gọi là điên đảo.

Hỏi: Làm sao biết là điên đảo?

Đáp: Do nhiễm ô. Thân kiến là nhiễm ô. Như là chấp ngã ngã sở. Nếu không điên đảo thì không phải nhiễm ô.

Hỏi: Làm sao biết ngã chấp là nhiễm ô?

Đáp: Vì nhân nhiễm ô. Do ngã chấp là nhân mà tham v.v… các nhiễm ô được khởi, cho nên biết là nhiễm ô.

Hỏi: Như ông đã chấp nhận nơi sắc v.v… 5 ấm nói người là giả có. Vậy người và ấm này là một hay là khác?

Kệ nói:

Người giả với ấm thật,

Không thể nói một, khác.

Nếu nói là một, khác,

 Thì có 2 lỗi sinh.

Giải thích: Người giả với ấm thật không thể nói là một, không thể nói là khác. Nếu nói là một, khác thì sinh 2 lỗi. Hai lỗi là: Nếu nói người với ấm là một thì ấm tức là người, và người là thật. Nếu nói người với ấm là khác, ấm tuy chẳng phải người, người cũng là thật. Vì lẽ đó, người là do lập ra mà có, không thể nói một hay khác. Cho nên Như Lai ngăn sự dự đoán mà luận thành.

Kệ nói:

Nếu chấp người là thật,

Phải nói là một, khác.

Một khác không thể nói,

Mà nói thế, vô lý.

Giải thích: Nếu người trái với sự giáo huấn của Đại sư chấp người là có thật, thì con người thật với ấm có thể nói một hoặc khác. Nhưng chấp với ấm không thể nói một hoặc khác, thì nói thế là không đúng lý. Nếu ông nói người không thể nói như lửa với củi chẳng phải khác chảng phải không khác là không đúng.

Kệ nói:

Khác tướng và đời thấy,

Phật nói không phải vậy.

Lửa củi chẳng không nói,

Có thể được có 2.

Giải thích: Khác tướng, là lửa và hỏa đại. Củi, là các đại khác, đều có tướng riêng, cho nên lửa khác củi. Đời thấy, là người đời lìa lửa thấy củi, nghĩa là những cây gỗ có thể đốt cháy. Cũng tách rời củi thấy lửa, như gió thổi lửa tắt, cho nên lửa khác củi. Phật nói không như vậy, nghĩa là Phật Thế Tôn không có chỗ nói lửa với củi không thể nói một, khác. Cho nên ông chấp lửa củi không thể nói một, khác. Nói thế không đúng. Nếu ông nói không phải tách rời củi thấy lửa, gió tức là củi là không đúng, vì có 2 có thể được, do lửa và gió 2 khác nhau. Lại nữa, Kệ nói:

Hai có nên thức khởi,

Người duyên thì phi nghĩa.

Tốt diệt và xấu sinh,

Nói sinh lại phi lý.

Giải thích: Nếu người chấp người có thật, nghĩa là thấy, nghe, giác, thức, ăn, biết, nói, nếu vậy nhãn thức kia v.v…khởi, là lấy người làm duyên nói người là tác giả, hay lấy người làm chủ nói người là tác giả? Nếu lấy người làm duyên, thì 2 có nên thức khởi người và duyên là phi nghĩa, do người trong lúc thức khởi không có chút sức nào có thể thấy. Nếu lấy người làm chủ, thì tốt diệt và xấu sinh, nói sinh lại phi lý. Nếu người là chủ đã sinh sở ái thức, ắt phải làm cho không diệt, không nên khiến diệt. Chưa sinh cái thức không yêu, chắc chắn phải khến không sinh, không nên khiến sinh. Vì lẽ này, ông không nên chấp người là thấy cho đến thức. Lại nữa,

Kệ nói:

Ông chấp trong người thật,

Nghiệp gì được thành lập?

Không thật cưỡng nói thật,

Trái Phật Tam Bồ-đề.

Giải thích: Nếu người là thật có, ông lấy nghiệp gì có thể thành lập được? Phàm là thật có, ắt có sự nghiệp. Như mắt v.v…các tịnh sắc lấy sự thấy làm sự nghiệp được thành lập. Người không có các sự nghiệp như thế có thể thành lập, cho nên người không phải thật có.

Lại nữa, ông ở trong con người không thật cố cưỡng ép làm con người có thật, tức trái với 3 thứ Bồ-đề của Như Lai: 1. Thậm thâm Bồ-đề. 2. Bất cộng Bồ-đề. 3. Xuất thế Bồ-đề. Nếu thấy người thật, là chẳng phải thậm thâm Bồ-đề, là chẳng phải ngoại đạo bất cộng Bồ-đề, là chẳng phải thế gian không tập Bồ-đề. Cho nên chỗ chấp này là chấp của thế gian, là chỗ chấp trước của ngoại đạo, là sinh tử hằng tập.

Lại nữa nếu người là do thấy, cho đến do nhận thức thì mắt v.v… các căn là có công dụng hay không công dụng? Nếu có công dụng thì nó tự nhiên khởi hay do người khởi? Hỏi ông nghi chỗ nào?

Kệ nói:

Nếu lấy tự nhiên khởi,

 Tức có 3 lỗi sinh.

Nếu lấy người làm duyên,

Thì mắt v.v… vô dụng.

Giải thích: Nếu nói công dụng của mắt v.v…tự nhiên khởi thì người đối với mắt v.v… không tạo sự nghiệp, tức sẽ có 3 thứ lỗi sinh. Nếu nói lấy người làm duyên công dụng được khởi, tức là mắt v.v… các căn hoàn toàn không có công dụng.

Hỏi: Thế nào là công dụng tự nhiên khởi 3 lỗi?

Kệ nói:

Người không phải tác giả,

Vì dụng phi thường khởi.

Vì khởi chẳng nhất thời,

Tự khởi thì không vậy.

Giải thích: Nếu công dụng của mắt v.v…tự nhiên khởi không đợi người làm, thì người không phải là tác giả, làm so gọi là thấy cho đến nhận thức? Đó là lỗi thứ nhất. Nếu công dụng của mắt v.v…tự nhiên khởi, tức phải thường khởi, không nên phi thường khởi. Đó là lỗi thứ hai. Nếu công dụng của mắt v.v…thường khởi thì khởi phải nhất thời, sao không được cùng khởi? Đó là lỗi thứ ba. Do nghĩa này nếu nói tự nhiên khởi là không đúng.

Hỏi: Lấy người làm duyên còn có lỗi gì?

Kệ nói:

Người trụ, dụng trước không,

Người hoại thì người đoạn.

Lại có thể thứ ba,

Làm duyên là vô nghĩa.

Giải thích: Nếu nói người trụ với công dụng làm duyên thì người đã thường có, lý do gì công dụng trước không sau có? Nghĩa ấy không đúng. Nếu nói người hoại là duyên thì người hoại tức rơi vào vô thường. Đây cũng không đúng. Nếu nói lại có cái thứ ba là không trụ, không hoại, người làm duyên, là không có nghĩa. Như vậy theo đạo lý mà nói không thẻ có con người thật. Lại nữa, Kệ nói:

Các pháp vô ngã ấn,

Và nói chân thật không.

Có ngã có 5 lỗi,

Cho nên biết không ngã.

Giải thích: Trong Kinh Pháp Ấn, Phật nói: “ Tất cả pháp không có ngã.” Trong Kinh Chân Thật Không, Phật nói: “ Có nghiệp có báo, tác giả không thể được. Bỏ tiền ấm khởi hậu ấm, khởi diệt chỉ có pháp.” Trong Kinh Tăng Ngũ nói: “ Nếu chấp có ngã, có 5 lỗi: 1. Rơi vào chỗ kiến chấp, khởi ngã kiến, mạng giả kiến. 2. Đồng với ngoại đạo. 3. Tích hạnh tà hạnh. 4. Không muốn, không tin, không trụ nơi không. 5. Thánh pháp không được thanh tịnh.” Như vậy theo A-hàm nói cũng không thể có được con người thật.

Hỏi: Nếu không có người thật, sao nhiều nơi trong kinh Thế Tôn nói có người? Như Kinh Tri, Kinh Phụ Đảm, và kiến lập những người tùy tín hành v.v.. ư?

Kệ nói:

Do y pháp nhiễm tịnh,

Vị đoạn nói có khác.

Hành khác tương tục khác,

Không thật, giả nói người.

Giải thích: Do dựa vào pháp nhiễm ô và pháp thanh tịnh, có vị sai biệt và đoạn sai biệt., cho nên kiến lập con người giả có sai biệt.

Nếu không có con người giả sai biệt thì không thể nói có hành sai biệt và tương tục sai biệt. Như trong Kinh Tri nói: “ Các pháp gì là pháp nhiễm ô? Những gì là biết là pháp thanh tịnh? Như trong Kinh Phụ Đảm nói: “ Phụ đảm gì là pháp nhiễm ô? Bỏ những phụ đảm gì gọi là pháp thanh tịnh? “ Nếu không có hành sai biệt và tương tục sai biệt thì không thể nói hai pháp này là biết là phụ đảm. Nghĩa là pháp Bồ-đề phần có nhiều vị sai biệt, như phương tiện đạo, kiến đạo, tu đạo, cứu cánh đạo. Nếu không có hành và tương tục sai biệt thì không thể nói được pháp Bồ-đề phần kia có tùy tín hành v.v… những người sai biệt. Do con người là không thật, ước theo pháp sai biệt có thể giả nói. Do đạo lý này nên biết chỗ nói chỉ là người giả. Nếu ý Phật không nói là người giả mà nói người thật thì vô dụng, bởi chúng sinh khởi ngã kiến.

Kệ nói:

Không làm khởi ngã kiến,

Do kiến đã khởi nên

Vô thủy đã tập,

Vô dụng nên giải thoát.

Giải thích: Phật không phải vì khởi chúng sinh ngã kiến mà nói có người thật, do chúng sinh đã khởi ngã kiến cho nên, cũng không phải vì khiến chúng sinh thường tập ngã kiến mà nói có người thật, đó là do chúng sinh trước đã thường tập ngã kiến, cũng không phải vì khiến chúng sinh ngã kiến được giải thoát nên nói có người thật, vì tất cả vô công dụng thì tự nhiên đều được giải thoát. Vì vậy cho nên tất cả những ai chưa thấy chân lý, có ngã kiến thì không giải thoát. Không phải như cái thể của khổ lúc trước không thấy lúc sau mới thấy. Con người không như vậy, không phải trước không thấy sau mới thấy. Lại cũng như thể của cái khổ trước không thấy sau cũng không thấy, tức thể của người không giải thoát cũng vậy, trước cũng thấy sau cũng thấy thì không giải thoát. Nếu thật có ngã thì chắc chắn có ngã sở. Từ 2 chấp đó khởi ngã ái và các phiền não, như vậy thì không giải thoát. Vì thế không nên muốn được có con người thật, vì sẽ khởi tất cả các lỗi về ngã kiến v.v…

Như vậy đã nói riêng biệt về Bồ-đề phần xong, tiếp đến tổng kết nghĩa trước.

Kệ nói:

Xấu hổ… các công đức,

Bồ-tát thường đầy đủ.

Tự lợi đã không bỏ,

Cũng khiến lợi tha thành.

Giải thích: Nghĩa này như trước đã lược nói.

Xong Phẩm giác phần.

HẾT QUYỂN 11

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13